Chương 2

Họ phải trả một giá rất đắt cho chủ thuyền vì "món hàng" bất thường.
Cái thuyền họ thuê để chở linh cữu là một loại thuyền nhỏ, chỉ dài hơn mười thước. Mấy tấm đan bằng tre lồng vào nhau, rồi uốn cong ở khoảng giữa thuyền để che mưa nắng. Kiệu chở Mẫu Đơn tới, nhưng nàng vẫn ngồi yên trong kiệu, đầu cúi xuống, một nửa mặt bị cái nón tang che khuất, trong lúc linh cữu được khiêng lên đầu thuyền. Người ta phủ vải đỏ lên linh cữu, để cho khách trên những thuyền qua lại không bất mãn vì gặp phải "vận sui." Một giải lụa trắng quấn ngang linh cữu ở phía trước, mang tên tuổi người chết.
Xếp Thuyết và thằng cháu họ Lưu có mặt tại chỗ để trợ giúp.
Ông bà Vương cũng hiện diện, đứng bên người góa phụ tới phút cuối cùng. Khi tất cả đã sẵn sàng, người đầy tớ già và ông Vương thận trọng đưa nàng xuống bờ sông, bước qua mảnh cầu ván lung lay để lên thuyền. Chỗ đuôi thuyền, bên dưới cái mái bằng chiếu, đã trải sẵn giường và gối, dành riêng cho Mẫu Đơn ngồi hoặc nằm nghỉ. Cuộc hành trình phải mất khoảng mười ngày - vượt qua sông Dương Tử, đi vào Đại Hà để tới Tô Châu.
Khi mảnh cầu ván được kéo lên, nàng đứng dậy cám ơn tất cả bạn bè đã đến tiễn đưa. Mọi người trông thấy khuôn mặt che một nửa của nàng, và đôi môi căng mọng dưới cái nón tang; nàng đứng như một pho tượng, im lặng như đã chết.
Đại Hà bên dưới Cao Vũ lúc nào cũng đầy thuyền bè trên đường đi Dương Châu, một trung tâm xa hoa náo nhiệt thời đó. Thủy lộ này rộng chừng hơn mười thước, chỗ rộng chỗ hẹp tùy theo địa hình từng nơi, và lúc nào cũng đầy thuyền tam bản, thuyền buồm, và thuyền tư nhân; có những thuyền trang hoàng cực kỳ sang trọng, trong khi nhiều thuyền khác thì trơ trụi không có gì đặc sắc. Không khí vang lên tiếng mái chèo đập nước, tiếng những cây sào đụng nhau, tiếng chân thình thịch của ngư phủ trên ván thuyền, tiếng kẽo kẹt của cột buồm, và tiếng động khi thuyền đụng xô phải nhau. Đây là một phương tiện chuyên chở vừa nhàn nhã vừa thoải mái. Khi đi qua những thị trấn, quang cảnh luôn luôn thay đổi, và thuyền bè mắc kẹt phải dừng lại là việc thường xảy ra. Hai bên bờ là nhà cửa và tiệm quán. Tại những chỗ bờ cao, người ta phải đục vào bờ đất để làm nhà vòm cho gần mặt nước. Người ta phải thả gầu xuống để múc nước từ Đại Hà, và đàn bà quỳ bên bờ, đập giặt quần áo trên những tảng đá nhẵn thín. Về mùa hạ, hai bên bờ vang lên tiếng chày giặt quần áo cùng với tiếng cười của đàn bà, con cái của họ đeo trên lưng hoặc chơi đùa bên cạnh. Đặc biệt vào những đêm trăng, dù mùa xuân hay mùa hạ, tiếng chày giặt quần áo và tiếng nói chuyện mỗi lúc một gia tăng khi thuyền tới gần một thị trấn, bởi vì đàn bà thích giặt quần áo vào một đêm mát mẻ.
Thanh niên cũng đi dạo dọc theo hai bên bờ, để ngắm trăng, hoặc là ngắm hàng dãy mông phụ nữ chổng lên, khi họ cúi xuống giặt quần áo.
Khi ra ngoài miền quê, Đại Hà thường rộng hơn, và buồm được kéo lên để tận dụng sức gió. Khi thuyền lướt qua những bờ xanh xanh, những cánh buồm cong tạo ra một hình ảnh nổi bật trên bầu trời bình minh hoặc hoàng hôn. Vào cái nóng giữa ban ngày, ngư phủ thường cởi trần, ngồi nghỉ và hút thuốc, mớ tóc đuôi xam quấn ngang đầu; lưng, vai và chân tay chắc nịch của họ bóng loáng dưới ánh mặt trời.
Ngay khi con thuyền bắt đầu khởi hành, và các khách tiễn đưa ra về, Mẫu Đơn cảm thấy một nỗi cô đơn và một sự tự do lạ lùng; cuối cùng cuộc hành trình của nàng đã bắt đầu. Những cơn náo động và ngập ngừng, và những quyết định vào phút cuối cùng nên mang theo hoặc bỏ lại gì đã qua rồi. Nàng cảm thấy một sự kết thúc rõ rệt; cuối cùng nàng được lên đường đi vào một tương lai mới cùng với những vấn đề mới, một cảm giác cô đơn cùng cực, như cầm chiếc gương soi vào tâm hồn, để khép lại một chương và mở ra một chương khác. Tương lai thì mơ hồ và tối tăm, chưa hiện rõ. Nàng cảm thấy bên trong nàng một rung động mới lạ.
Gió mát mùa xuân và quang cảnh xanh tươi miền quê dường như đã giúp đầu óc nàng sáng sủa hơn và nàng có thể thở một cách tự do, và suy nghĩ trong cái tâm trạng của một sự cô đơn sung sướng. Nàng nằm ngả trên gối, lơ dãng nhìn lên mái chiếu trước mặt. Nàng đã liệng bỏ chiếc áo tang, và mặc một bộ đồ ngủ gọn ghẽ. Vào lúc này, hiển nhiên nàng không giống một goá phụ để tang. Nàng hoàn toàn quên hai vợ chồng người lái thuyền và đứa con gái của họ, một thiếu nữ có bộ mặt trái táo, miệng tươi cười, và bộ ngực nở tròn trịa. Liên Xung ngồi một mình ở đầu thuyền; dẫu sao nàng không hề quan tâm đến một chuyện gì.
Nàng buông xõa tóc, và hai tay ôm gối trong một vẻ mơ màng tới cái tương lai vô định. Nàng biết nếu nàng bỏ nhà chồng ngay thì sẽ gây tai tiếng, và cha mẹ nàng sẽ phản đối. Nhưng nàng biết rằng số phận của nàng là ở trong tay nàng, và sẽ không cho ai được can dự vào. Nàng đốt một điếu thuốc lá, rít một hơi, và nằm nghiêng người, một kiểu nằm hở hang mà không một phụ nữ tư cách nào dám làm giữa ban ngày. Mắt nàng nhìn xuống chiếc nhẫn kim cương nhỏ lấp lánh trên ngón tay. Tần Châu đã tặng nàng chiếc nhẫn này.
Nàng cử động bàn tay và ngắm viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nàng khẽ nhắc tên Tần Châu.
Nàng được tặng chiếc nhẫn sau một vụ cãi nhau dữ dội. Tần Châu và nàng đều nóng tính. Hai người tình đã từng cãi nhau nhiều lần, nhưng tình yêu bao giờ cũng chiến thắng. Chiếc nhẫn là một nhắc nhở cho chiến thắng ấy. Nàng đã quên không biết hai người cãi nhau về chuyện gì, nhưng nàng không quên cái vẻ dịu dàng trong mắt chàng khi chàng đưa nàng món quà tặng - một cái nhìn đã làm cho sự khác nhau về quan điểm giữa hai người trở nên không quan trọng. Tần Châu bao giờ cũng như vậy. Chàng có một bản năng mua được những thứ nàng thích - những đồ vật nho nhỏ của phụ nữ, như son môi Dương Châu hoặc một tấm lưới tóc của Tô Châu - và dâng cho nàng bằng một cái nhìn quyến rũ của lòng tôn thờ mê mẩn.
Bây giờ nàng thực sự cô đơn và độc lập lần đầu trong đời. Không ai có thể biết được niềm vui vô cùng được cô đơn và tự do, nếu không đang yêu. Tuy thế trái tim nàng cũng là nỗi buồn của niềm mơ ước không cùng, một cái gì là thảm kịch trong đời nàng. Nàng ước mong sớm được gặp lại Tần Châu.
Có lẽ hai ngày nữa nàng có thể gặp chàng tại Cửu Giang. Nàng đã gửi trước một lá thư và tin chắc chàng sẽ tới. Cái ý tưởng ấy làm tim nàng đập mạnh. Đối với Mẫu Đơn, ao ước một điều gì có nghĩa là đã có được rồi. Tần Châu là lý do khiến nàng muốn mau chóng bỏ cuộc đời goá phụ. Chàng đang sống với gia đình tại Tô Châu, nhưng chàng có bà nội và hai người cô sống tại Hàng Châu, vì đó là nguyên quán của tổ tiên chàng. Mỗi năm nàng về Hàng Châu thăm mẹ vài ba lần, và lén chồng gặp lại Tần Châu trong khách sạn, và trong những chuyến du ngoạn sắp đặt trước tới núi Thiên Mộc. Một lần nàng gặp chàng trong nhà người bạn thân là Bạch Huệ. Cả hai bị thúc đẩy bởi một sức mạnh lớn hơn chính con người của họ. Trong mỗi lần gặp nhau, sự điên cuồng của hoàn cảnh tuyệt vọng lưu lại trong lòng họ một nỗi khổ sở với niềm khát khao và buồn bã kéo dài cho tới lúc họ gặp nhau lại. Bề ngoài, họ sống một cuộc đời bình thường.
Con thuyền vẫn lướt trôi, tiếng kẽo kẹt nhịp nhàng của mái chèo, tiếng nước đập rào rào đẩy nàng chìm sâu vào mơ mộng. Chẳng mấy chốc nàng sẽ được tự do, và hai người sẽ gặp lại nhau vài ba lần một năm, nhưng nàng sẽ làm gì trong thời gian còn lại? Có thể tiếp tục như thế mãi được không? Tim nàng đập dồn dập khi nàng nghĩ đến giấc mộng của nàng - giấc mộng hai người sẽ thuộc về nhau hoàn toàn, nàng sẽ chiếm được Tần Châu trọn vẹn, không có ai bên cạnh quấy rầy. Nàng biết nàng ích kỷ, nhưng Tần Châu yêu nàng rất say mê, và chỉ ước ao được kết hôn với nàng. Nàng là mối tình đầu tiên và duy nhất của chàng. Mẫu Đơn không thù ghét gì bà Tần; nàng đã gặp bà ta cùng với hai con. Bà ta có dáng rất mảnh mai đặc biệt của người Tô Châu, và trông không tệ. Nếu Tần Châu yêu nàng nhiều như nàng yêu chàng, tại sao chàng không có can đảm và quyết tâm hy sinh tất cả vì nàng? Đấy là câu hỏi cứ làm bận tâm trí nàng.
Nàng lấy từ rương ra một bản sao chép lá thư nàng viết cho chàng, ngay khi nàng biết nàng sẽ rời Cao Vũ.
Nàng cúi nhìn những hàng chữ của nàng, như thể là đọc lại thư thì nàng lại một lần nữa diễn tả đầy đủ nồng độ của nỗi ao ước trong lòng.
“Tần Châu yêu dấu Chồng em chết một tuần lễ rồi. Trái với những ước lệ xã hội, em sẽ tự giải thoát, dù phải trả giá nào, để được gần anh. Anh có sung sướng nghe tin này không? Em sẽ về Cao Xương và phải đi ngang qua Cửu Giang vào ngày 26 hoặc 27. Xin anh đến gặp em. Em có rất nhiều điều cần phải bàn luận với anh, và em phải gặp anh và biết ý kiến của anh trước cuộc khủng hoảng của đời em. Hãy nhắn lời cho người gác cổng tại Đền Kim Sơn, để em biết sẽ gặp anh ở đâu.
Em biết rằng anh sẽ giữ kín việc này khỏi tất cả những miệng lưỡi ngồi lê đôi mách, những kẻ không quan tâm đến em một chút nào. Về phần em, em đã chuẩn bị hy sinh tất cả để thuộc về anh hoàn toàn. Em không biết anh sẽ nghĩ gì về em. Em không muốn phá đổ hạnh phúc gia đình của anh. Em không bao giờ muốn làm vợ anh đau lòng. Nhưng chúng ta có thể làm gì, nếu chúng ta yêu nhau điên cuồng?
Em cũng xét hoàn cảnh của anh, từng điểm một, và thấu hiểu sự khó khăn của anh. Em sẵn sàng chờ đợi hai hoặc ba năm để được làm vợ anh, nếu em biết anh yêu em cũng nhiều như em yêu anh. Em có thể chịu đựng được tất cả nếu em có tình yêu của anh.
Vào thời điểm này trong đời, em phải nghĩ đến tương lai em, tương lai chúng ta. Đôi khi em ước mong anh ở bên em, từng phút một, và không có cái gì và người nào có thể xen vào giữa hai ta. Em không muốn tình yêu của chúng ta là gánh nặng và hối hận cho anh. Em không có ý định bỏ anh - không bao giờ. Em sẵn sàng từ bỏ tất cả, hy sinh tất cả, để được ở bên anh. Anh có thể làm nhiều như thế cho em được không?
Em nhận thức đầy đủ cái hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của chúng ta, và tình yêu biến chúng ta thành nô lệ của nhau. Nhưng xin hiểu rõ rằng, em không muốn có thành kiến với anh. Em không muốn bất cứ một cái gì không xuất phát từ ý chí tự do và tình yêu của chúng ta.
Em không biết nghĩ gì. Em biết anh rất yêu em, và em nghĩ đi nghĩ lại cho đến lúc lòng dạ em tơ vò trăm mối. Bao giờ cũng cùng một câu hỏi:
nếu chúng ta yêu nhau nhiều đến thế, làm thế nào chúng ta sống xa nhau được? Anh có yêu em đủ để chấp nhận cái bước khởi đầu này không?
Xin tha thứ em vì lá thư này. Xin tha thứ em vì sự điên rồ này. Xin tha thứ em vì đã yêu anh nhiều đến thế!!!
Chính vì nỗi phiền muộn và niềm ao ước thiết tha được gần anh mà em viết lá thư này.
Một lần nữa, em muốn anh nhớ rằng em sẽ hoàn toàn tự do vào tháng Tám, và sẽ là vợ anh bất cứ khi nào anh muốn thế, bất cứ khi nào anh tự do.
Xin đừng nghĩ xấu cho em, bởi vì tất cả những gì em làm chỉ là vì tình yêu của em đối với anh.
Em yêu anh. Em cần anh. Em đang rất thèm gặp anh.
Em của anh mãi mãi, Mẫu Đơn” Mẫu Đơn buồn bã nhớ lại rằng mới một năm trước đây, nàng làm chuyến đi với chồng tới nhiệm sở của chồng. Một năm trước đây Đình Diêm, chồng nàng, đã thực hiện được lời khoe khoang một ngày nào đó hắn sẽ nắm được một chức vụ béo bở. Thân phụ hắn khuyến khích hắn. Ông nội hắn là một chân tú tài, được bổ nhiệm vào chức huyện quan tại tỉnh Qúi Châu xa xôi. Gia đình hắn vẫn tự nhận thuộc hàng danh giá, mặc dầu tú tài là cấp bậc thấp kém nhất trong hàng sĩ phu, và cái chức vụ tại một nơi hẻo lánh, nghèo nàn thuộc một huyện miền núi của Qúi Châu thực không có gì đáng thèm muốn. Ông nội hắn thù ghét cái nơi ấy và chết tại đấy; nhưng sau khi ông ta chết, Qúi Châu trở thành một huyền thoại của gia đình; họ mô tả cho tất cả láng giềng tại Cao Xương biết rằng đó là một nơi của trù phú, quyền thế và vinh quang. Bà mẹ chồng của Mẫu Đơn không bao giờ chán kể cho bạn bè về cái ngày bà ta được vào làm dâu nhà quan huyện, một cô dâu ngồi kiệu hoa bằng chính chiếc kiệu bọc nhung màu lục của quan huyện. Cái kiệu ấy bây giờ phủ bằng nhung bạc màu đã sờn rách, đứng trong góc hành lang, như là một biểu tượng cho vinh quang của gia đình.
Bố chồng nàng trước kia là kế toán viên cho một phủ môn trong lúc chính quan phủ bị tù vì khai man sổ thuế và công nho. Theo nguyên tắc hành chánh của triều đình, viên kế toán phải chịu phần lớn trách nhiệm, và ông ta bị cách chức và suốt đời sẽ không được đảm nhiệm bất cứ một công vụ gì. Tuy nhiên trong thời gian tại chức, ông đã đục khoét được nhiều tiền, đủ để mua nhà đất tại Cao Xương, và sống dư dả suốt đời. Gia đình ông ta ngày một thịnh vượng hơn. Người con trưởng trở thành một đại thương gia, mua các nông phẩm như thuốc lá, hạt cải, và đậu của nông dân rồi đem bán tại Hán Khẩu và Tô Châu. Người con trai thứ hai trông coi một nông trại. Ông ta có nhiều cháu nội và tạo lập được một gia đình đáng trọng vọng, nếu không phải là một gia đình giầu nhất, trong số những gia đình địa chủ đại phú tại Cao Xương. Ông ta mong muốn người con trai thứ ba là Đình Diêm, phải xuất chính để vinh danh tổ tiên.
Hồi còn nhỏ, Đình Diêm không bao giờ thích học hành. Hắn không bao giờ có thể thi đậu để làm quan, và hắn cũng chẳng bao giờ đi thi. Tuy nhiên hắn đã tiến lên rất đúng cách. Hắn kết thân với những người có thể giúp được hắn. Hắn cung phụng rượu và gái cho những người mà hắn tin rằng một ngày nào đó sẽ giúp được hắn. Hắn thành công xin được chức trưởng phòng hành chánh tại Sở Thuế Muối Cao Vũ, một chức vụ ngoài ước mong của hắn. Ông giám đốc Thuyết là chú của một người mà hắn đã hết sức cung phụng, và cái địa vị tại Cao Vũ được coi là "béo bở." Khi được tin bổ nhiệm tại Cao Vũ, Đình Diêm nói với Mẫu Đơn, "Ta đã bảo nàng mà. Nàng tưởng chồng nàng chỉ biết đi chơi bời hết đêm này đến đêm khác. Bây giờ nàng thấy đấy. Chỉ một hai năm là ta sẽ khá to." Mẫu Đơn rất dửng dưng. Hắn nói tiếp:
- Và bây giờ ta mang về cái tin vui mừng này. Chúng ta sẽ khá. Vậy mà nàng không khen ngợi chúc mừng ta.
Mẫu Đơn trả lời cộc lốc, "Hãy tự chúc mừng đI." Đình Diêm rất hậm hực và thất vọng. Đây là một người con gái rất đẹp và tươi vui duyên dáng mà hắn lấy được. Đúng vậy, người ta không biết rõ một người đàn bà cho đến khi kết hôn với người ấy.
Ngay đêm đó, khi hắn sung sướng và rất âu yếm tình tứ, nàng vẫn từ chối không ngủ với hắn. Sự thực là nàng ghê tởm sự đụng chạm đến con người này, một người đã trở thành chồng nàng mà nàng không còn một lựa chọn nào khác.
Tiệc ăn mừng được tổ chức trước khi hắn đi nhậm chức - Ông bà Phí già không để lỡ cơ hội - hàng loạt tiệc mừng có trình diễn ca hát kéo dài ba ngày, tất cả những người quen biết trong vùng đều được mời. Họ không quản ngại tốn kém, ngay chiếc kiệu cũ cũng được đem bọc lại và đưa ra trưng bày. Bà Phí già không ngừng nhìn quanh; bà vừa nói chuyện vừa quan sát khách khứa chung quanh. Bà muốn ai cũng phải trông thấy bà.
Trong những bữa tiệc ấy, Mẫu Đơn đã cố gắng mỉm cười cho thích hợp, và nàng tự trách vì vẻ tươi cười ấy. Về mặt tài chánh, địa vị trưởng phòng hành chánh của một sở thuế muối địa phương thì có gì đáng vui mừng đâu; và về mặt khác, theo tước vị danh phận, địa vị ấy không đáng ăn mừng; nhưng đối với dân chúng tại Cao Xương thì nó oai phong lắm. Cái thùng càng rỗng thì tiếng kêu càng to. Hơn nữa đây chỉ là một sở thuế muối. Các thương gia muối tại Dương Châu là những triệu phú, và mọi người đều biết thế.
Nói cho đúng thì chính cái ý nghĩa của chức vụ này, bảo vệ luật pháp chống lại các triệu phú, đã khiến đầu ông già Phí lảo đảo sung sướng. Con trai ông không cần phải tới gặp các nhà đại phú thương; họ phải tới gặp con ông. Sự việc này đã được công khai thảo luận trong những bữa ăn gia đình, và Mẫu Đơn hết sức kinh ngạc.
Mười ngày sau, Đình Diêm và vợ dùng đường thủy Đại Hà đi nhận chức vụ và được tiễn đưa linh đình.
Riêng quà của bạn hữu đã thu được tới ba bốn trăm quan. Gia đình nhà họ Phí đã "lên voi" trong con mắt của người dân Cao Xương.
Đình Diêm quả thực rất phấn chấn, và trong một lúc chỉ có hai người, hắn nói với vợ, "Bây giờ nàng thấy ta chưa? Ta sẽ cho nàng biết." Mẫu Đơn trả lời, "Nếu ông cứ tiếp tục đĩ điếm thì tương lai của ông không có giới hạn, và chẳng mấy chốc ông có thể lên tới Bắc Kinh." Mặt nàng là một vẻ xa vắng trong cuộc hành trình một năm trước. Mắt nàng đau, và nàng sợ ánh nắng gay gắt. Tất cả những gì chung quanh, chính nàng, chồng nàng, chuyến đi về phía bắc nhận nhiệm sở, là những thứ nàng không hiểu và cũng không coi trọng. Thật là một tâm trạng trống rỗng đáng sợ! Thế mà nàng còn quá trẻ.
Khi tới gần Ngô Giang, gần lối vào Thái Hồ, nàng lấy hết can đảm xin chồng cho thuyền đi hướng Mộc Đô, để nàng được nhìn rõ quang cảnh của Thái Hồ.
Chồng nàng hỏi, "Để làm gì?" Nàng không thể trả lời. Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Nhìn cái khoảng nước mênh mông ấy với mục đích gì? Nàng im lặng và không đòi hỏi nữa.
Người chồng làm một cố gắng để tỏ ra vui vẻ, "Ta muốn nói hôm nay là một ngày sương mù u ám. Sương mù sẽ dầy đặc trên mặt hồ. Nàng sẽ không nhìn thấy gì trên hồ." - Ở Mộc Đô có nhiều con gái đẹp. Ông không muốn nhìn những người đẹp của Tô Châu hay sao?
Mộc Đô là một khu vực trồng hoa và vườn cây ở ngoại ô của Tô Châu.
- Nàng bây giờ cũng tỏ ra đồi bại.
- Không, tôi không phải thế. Ông có thể nhìn những con gái đẹp còn tôi ngắm sương mù. Nó sẽ cho tôi cái cảm tưởng tôi đang trôi trong một cõi mù sương, cô đơn và lạc lõng ở một chốn không tên.
Nói cho công bằng, Đình Diêm không còn muốn tìm hiểu vợ nữa. Đi trong sương mù giống như đi trên mây, một trạng thái tâm hồn xa hoa và hạnh phúc, một nét đặc biệt của nàng, nhưng người khác không hiểu được. Đình Diêm nói:
- Nàng điên đầu rồi.
- Phải, tôi thế đấy.
Nhưng rồi họ không đi ngang qua Mộc Đô. Nàng không thể nói cuộc đời nàng tại Cao Vũ tệ hơn hay tốt hơn.
Có một sự việc xảy ra sau khi đi qua Dương Châu, cách sông Dương Tử vài dặm. Trong một vụ kẹt thuyền, người lái thuyền làm đổ một chiếc đèn lồng trên thuyền của một vị đại quan. Chiếc đèn lồng mang tên dòng họ và chức vị của ông quan viết màu đỏ, với mục đích thông báo cho nhân viên quan thuế và cảnh sát. Khi biết đó là thuyền của một "đại thần ở Bắc kinh", thì người lái thuyền cực kỳ hoảng sợ. Hắn tự đến quỳ trước đầu thuyền và xin chịu tội. Nhưng hắn không bị đánh đòn như thường lệ. Ông quan chỉ cười và bãi bỏ vụ trừng phạt này. Người lái thuyền và mọi người vái lậy nhiều lần để bày tỏ lòng biết ơn trước sự rộng lượng của ông quan. Họ lắc đầu và không tin có thể được tha một cách dễ dàng như thế. Mẫu Đơn nhìn sự huyên náo và chiếc đèn lồng hình chữ nhật bể vỡ trên đầu một cây sào tre, bập bềnh trên mặt nước. Nàng không nhìn được rõ tên của ông quan, chỉ trông thấy hàng chữ "đại thần Bắc Kinh," nhưng nàng không chú ý.
Khi tới bờ sông Dương Tử, thuyền của nàng chạy theo một đường vòng, lượn quanh một hòn đảo nhỏ; ngay khi vòng qua hòn đảo và tới Cửu Giang, nàng trông thấy cái mái vàng của ngôi Đền Kim Sơn nổi tiếng, lóng lánh trong ánh nắng tháng Tư. Đây là một kiến trúc vĩ đại có những cây cột đỏ, đà sơn son, và cái mái chói lọi.
Làm sao có thể tả được cái tâm trạng sôi nổi của Mẫu Đơn khi nàng trông thấy cái mái cong sáng lấp lánh của Đền Kim Sơn? Nàng hy vọng gặp được Tần Châu tại đây. Làm sao có thể nói hết được sự hoà hợp giữa niềm mơ ước và mê say đã khiến tâm hồn nàng điên cuồng? Tần Châu là biểu tượng cho một cái gì rất tốt đẹp, mà toàn thể con người nữ ở nàng ao ước mong muốn, bất kể những cản trở, những tục lệ, những luật lệ và luân lý của xã hội. Sự háo hức của Mẫu Đơn, lý tưởng của nàng và sự thông minh bén nhạy tập trung vào mối tình đầu này mà nàng không thể và không muốn tìm cách quên đi. Nàng còn thích thú cả những cơn đau tàn ác khi hai người chia ly; nàng ấp ủ những kỷ niệm hành hạ của những lần gặp gỡ lén lút. Những kỷ niệm ấy có thực đến nỗi trở thành cái gì có ý nghĩa duy nhất của cuộc đời này; những kỷ niệm ấy thực hơn là đời sống hàng ngày của nàng. Phải chăng cuộc đời chỉ là một sự trình diễn ngắn ngủi nếu không có ý nghĩa vĩnh cửu?
Chỉ mình Bạch Huệ, người bạn thân nhất của nàng, mới biết tất cả, còn em gái nàng là Hải Đường chỉ biết một phần thôi. Khi hai người gặp nhau lần đầu, Tần Châu cũng bằng tuổi nàng, là một ông tú tài mười tám tuổi. Chàng có bàn tay trắng mịn như lụa, một nét đặc điểm của đàn ông Giang Tô Chiết Giang, lông mày rậm và miệng lúc nào cũng như mỉm cười. Chàng không những là người xuất chúng, trẻ tuổi, đẹp trai, rất hoạt động, mà còn là một văn nhân, và nàng bao giờ cũng yêu quý văn nhân. Những bài văn hay nhất trong các kỳ thi thường được xuất bản, hoặc truyền tay nhau dưới hình thức chép tay. Những bài văn này được coi là kiểu mẫu cho sĩ tử nghiên cứu học hỏi. Mẫu Đơn cũng có được một bản qua người cô của chàng, và rất yêu thích bài văn ấy. Tần Châu cũng nghe nói nàng là một thiếu nữ xuất sắc trong dòng họ Lương, có quan hàn lâm rất đáng kính trọng.
Tình yêu bùng nổ ngay từ đầu. Hai người đã trao đổi thư từ và sắp đặt những cuộc gặp gỡ bí mật, đôi khi có Bạch Huệ đi theo. Rồi một hôm nàng nhận được tin kinh hoàng. Tần Châu báo cho Mẫu Đơn biết cha mẹ chàng đã định vợ cho chàng rồi, và chàng không có cách gì làm khác được. Trong vòng sáu tháng chàng kết hôn với một cô gái Tô Châu. Nàng cũng tới dự đám cưới của chàng; giống như làm nhân chứng cho vụ hành quyết của chính mình, nhưng nàng thích chịu đựng như thế, vì lý do gì thì chính nàng cũng không giải thích được. Nàng phải nhìn thấy hôn lễ ấy. ít nhất điều ấy cũng giải thích một phần tại sao hôn nhân của nàng thất bại ngay từ đầu. Trong thâm tâm, nàng so sánh tất cả mọi thứ giữa Đình Diêm và Tần Châu. Thỉnh thoảng chồng nàng rất đỗi ngạc nhiên trước những cơn đam mê điên cuồng của nàng; hắn cũng đoán biết hắn không phải là người nàng đang ôm hôn cuồng nhiệt, nhưng là một con người bí mật nào đó mà nàng không bao giờ nói ra.