BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ

Một trong những câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta thường đặt ra là cái cốt lõi của lịch sử Việt Nam ở đâu mà có thể tồn tại được trong mấy ngàn năm qua. Người thì bảo là do dân tộc chúng ta anh hùng, kẻ thì lại cho rằng nước mình có những nhân tài kiệt xuất. Xét tiến trình phát triển, dân tộc Việt Nam vì một vị trí địa dư đặc biệt, định cư trên một bờ biển dài và hẹp dọc theo một dãy núi cao khiến chúng ta ở trong vị thế rất dễ bị tấn công. Suốt 2000 năm hữu sử, hầu như tình trạng xã hội của ta thay đổi rất ít. Đời sống của đại đa số người Việt Nam vào thế kỷ 19 không khác với ông cha chúng ta thời lập quốc bao nhiêu, vẫn dệt lấy vải mà mặc, trồng lấy lúa mà ăn.
Làng xã, đơn vị căn bản của xã hội là một tiểu quốc độc lập về kinh tế, có phong tục và sinh hoạt riêng, ngay cả tiếng nói cũng đại đồng tiểu dị với vùng lân cận, tuy không hẳn là một ngôn ngữ khác nhưng so sánh cũng có rất nhiều điểm bất đồng. Chỉ gần đây, khi sự thông tin và trao đổi rộng rãi, chúng ta mới chấp nhận những tiêu chuẩn và quên lãng dần phương ngôn, phương ngữ của vùng mình.
Làng nào cũng có lũy tre vây quanh như một bức tường ngăn chặn xâm nhập từ bên ngoài, là một đơn vị cơ bản trong chiến đấu. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh nói lên ý niệm đàn bà cũng dự phần vào việc bảo vệ xã thôn, vì trong nhiều thời kỳ, giặc giã liên miên đi ăn cướp từ vùng này sang vùng khác là mối đe dọa chính, chứ không hẳn có ý nghĩa đàn bà tòng quân diệt giặc như nhiều người cố đề cao. Đơn vị đó có những ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm, thích hợp cho kiểu chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân -- chờ đợi, đón đánh kẻ địch ngay trên địa bàn mình -- nhưng lại không đủ mạnh để vận dụng vào một cuộc chiến qui ước. Chính vì thế, tới thế kỷ 19 Việt Nam chưa xây dựng được qui mô quân sự đáng kể và khi nhìn lại, triều đình nhà Nguyễn cũng mắc phải những trì trệ tương tự với Trung Hoa trong cùng thời kỳ đó.