Dịch giả: TRUNG ĐỨC
ĐÁM CƯỚI GIẢ

Từ nhà thương Rexurecxiong nằm ở ngoại ô Campo thuộc thành phố Vadadolit có một người lính bước ra. Nhìn cái vẻ bề ngoài: mặt bủng, chân gầy nhom phải chống kiếm làm gậy mà đi, rõ ràng ta thấy anh lính đang rét tun giữa mùa hè oi nóng. Như một người vừa ốm dậy đang tập đi, anh đi xiêu vẹo, chân nọ xọ chân kia. Khi bước vào cửa ô, anh nhìn thấy một người bạn đã sáu tháng nay mới gặp lại. Người này như thể nhìn thấy bóng ma, hoa mắt lên, vội tiến đến anh nói:
- Ối! Sao lại thế này hở thầy quản Campuxano. Lẽ nào ngài lại ở cái đất này! Vốn giao du với ngài từ hồi ở Phần Lan, trước kia tôi thấy ngài mang giáo, nay thấy ngài mang gươm. Ngài làm sao mà nom ốm yếu thế kia?
Campuxano đáp:
- Tôi có ở đất này hay không cứ nhìn tôi thì rõ, thưa ngài cử nhân Peranta. Còn những câu hỏi khác tôi xin trả lời vắn tắt thế này thôi: Tôi vừa ở cái nhà thương kia ra, phải chịu cực nhục do một người đàn bà trút lên vai tôi. Đáng lẽ tôi không nên chọn người đàn bà này làm vợ, nhưng tôi đã nhầm.
- Ô, ngài cưới vợ rồi sao? – Peranta hỏi.
- Đúng thế, ngài cử nhân ạ - Campuxano đáp.
- Có lẽ đó là một cuộc hôn nhân vì tình – Peranta nói – Chẳng lẽ cuộc hôn nhân này lại mang đến cho ngài nhiều nỗi đắng cay tới mức phải ân hận thế sao?
- Tôi sẽ không nói cuộc hôn nhân này có phải là cuộc hôn nhân vì tình hay không, dẫu rằng tôi có thể khẳng định nó là một cuộc hôn nhân đầy đau khổ - Thầy quản nói – Vì từ cuộc hôn nhân này, tôi đã tận hưởng bao nhiêu khoái lạc. Tôi phải trả giá quá đắt cho những khoái lạc xác thịt bằng sự đau khổ về tinh thần mà cho đến lúc này tôi vẫn chưa tìm được phương thuốc hữu hiệu để làm chúng dịu nhẹ đi. Nhưng bây giờ tôi thiết nghĩ không phải là lúc nói chuyện dài dòng ở ngay ngoài đường. Xin ngài hãy thứ lỗi cho. Hẹn đến một hôm khác thảnh thơi hơn, tôi xin kể hầu ngài những chuyện của tôi. Đó là những chuyện mới, đầy lý thú mà có lẽ ngài phải để cả đời mới nghe hết.
- Xin ngài đừng làm thế - cử nhân Peranta nói – Tôi chỉ muốn ngài đến nhà trọ của tôi. Tại đó chúng ta sẽ cùng ăn một bữa cơm xoàng: niêu cơm đã bé lại còn vơi vì chỉ đủ cho hai người ăn. Tuy vậy cũng không sao, thằng hầu của tôi sẽ ăn đĩa cháo ngô. Nếu như ngài đang mệt, chúng ta sẽ ăn trước mấy lát giăm bông. Tôi thật lòng mời ngài. Như ngài đã biêt đấy, bao giờ tôi cũng thật bụng với ngài.
Campuxano cảm tạ cử nhân Peranta và nhận lời mời. Cả hai người cùng đi về Xan Đorenle để nghe kinh misa. Peranto đưa thầy quản về nhà trọ, mời thầy xơi cơm. Sắp xong bữa ăn, cử nhân liền yêu cầu thầy quản kể cho mình nghe những sự kiện khiến mình nóng lòng chờ đợi. Campuxano không để cử nhân Peranta phải nài nỉ nhiều. Trước khi kể, thầy quản nói:
- Thưa cử nhân Peranta, rồi thế nào ngài cũng nhớ ra thôi. Tại thành phố này tôi kết bạn với đại úy Pedro de Herera, người hiện đang có mặt ở Phần Lan.
-Vâng, tôi nhớ ra rồi. – Peranta trả lời.
- Vậy là có một ngày – Campuxano kể tiếp – trong ngôi nhà trọ của chúng tôi ở Solana, khi chúng tôi cơm nước xong thì có hai người đàn bà bước vào. Theo sau họ là hai người hầu gái. Thoạt nhìn, họ có vẻ là người tử tế. Một cô nương bắt chuyện với đại úy. Họ đứng mà nói chuyện. Trong lúc nhỏ to chuyện trò, họ cứ lúc một xâ dần ra phía cửa sổ. Cô nương kia kéo ghế ngồi xuống ngay cạnh tôi. Cổ chiếc áo măng tô kéo lên đến tận cằm do đó ta chỉ nhìn thấy cái vẻ dịu dàng của chiếc áo măng tô chứ không nhìn thấy gương mặt cô nương. Mặc dù tôi đã khẩn khoản yêu cầu cô nương vì phép lịch sự hãy cởi chiếc áo măng tô ra nhưng nói thế nào cô nương cũng không chịu. Điều đó càng đốt cháy trong tôi nỗi khát khao được nhìn rõ mặt cô nương. Hình nhưng để ý cố ý khiêu gợi tính tò mò trong tôi, nếu không thì đó là một thủ đoạn tinh xảo, cô nương chìa ra một bàn tay nõn nà có đeo những chiếc nhẫn quý. Mặc dù là một người lính, tôi cũng tin rằng mình có thể chinh phục cô nương chẳng khó khăn gì. Vì lúc đó, ngoài thái độ hào hoa phong nhã, tôi rất diện: tôi đeo một chiếc vòng to như ngài đã biết, đội chiếc mũ gài lông chim  và vai có tua ngũ, mặc một bộ quần áo màu sắc sặc sỡ. Tôi liền khẩn khoản mời cô nương hãy cởi chiếc áo măng tô ra. Cô nương trả lời tôi:
- Xin quan nhân chớ nên vội vàng như thế. Thiếp là người có gia cư đàng hoàng. Quan nhân không tin thì hãy cho thằng hầu theo thiếp về nhà hẳn quan nhân sẽ tin thiếp là người con gái chính chuyên hơn cả. Vả lại, thiếp còn muốn biết sự thận trọng của quân nhân có đúng nhưng phong thái lịch sự của quan nhân hay không, lúc ấy thie61o sẽ hài lòng để quan nhân nhìn gương mặt thiếp.
Trước ân huệ lớn lao mà cô nương hào hiệp ban phát cho, lòng đầy cảm kích, tôi hôn lên bàn tay cô nương và hứa hẹn sẽ trao cho cô nương cả một núi vàng. Viên đại úy kết thúc cuộc mạn đàm. Hai cô nương ra về. Người hầu của tôi đi theo họ. Viên đại úy bảo với tôi rằng cô nương kia muốn nhờ ông ta chuyển hộ bức thư tới tay một viên đại úy khác mà theo như lời cô ta nói thì người này là anh em họ nhưng tay đại úy thừa biết rằng đó là người tình cô ta. Tôi sống trong kỷ niệm nóng bỏng mà đôi bàn tay kia để lại trong tâm hồn mình và tôi khao khát đợi giây phút đưa chân đi theo thằng hầu của mình để đến nhà cô nương. Thằng hầu đã lễ phép để tôi được tự nhiên bước vào nhà. Tôi thấy một ngôi nhà trang hoàng đẹp mắt, chủ nhân là một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi. Đó là cô nương mà tôi chỉ được diễm phúc quen đôi bàn tay. Cô nương đẹp lộng lẫy nhưng việc gặp lại cô nương thật là may mắn cho tôi. Chúng tôi có dịp may được ngồi nói chuyện riêng với nhau. Cô nương có giọng nói dịu dàng đến mức tiếng nói của cô nương qua lỗ tai thấm sâu vào đáy tâm hồn tôi. Trong buổi chuyện trò, chúng tôi cùng sống trong những giây phút hạnh phúc nhất. Tôi mở lòng mở dạ nói chuyện tào lai, khoa mẽ, dâng tặng, hứa hẹn đủ điều, làm và nói tất cả những gì tôi cảm thấy cần thiết để lọt vào mắt xanh của cô nương. Nhưng có lẽ cô nương đã từng nghe những chuyện tương tự hoặc những lời tâng bốc còn hay hơn nên dường như cô nương chỉ nghe mà không tin điều tôi nói. Cuối cùng, cuộc nói chuyện của chúng tôi trong bốn ngày liên tục chẳng đem lại kết quả gì. Tôi vẫn chưa hái được cái trái cây mà tôi hằng mong ước.
Đến thăm cô nương, lúc nào tôi cũng thấy ngôi nhà vắng vẻ, trong nhà không thấy bóng dáng những kẻ giả vờ làm người nhà hoặc người bạn trai nào, chỉ có một người hầu gái không khéo phục vụ cô nương. Cuối cùng, phải viện cớ tình yêu của người lính sắp phải thuyên chuyển đi làm nhiệm vụ nơi khác, tôi đã thổ lộ lòng mình với Donha Extephania de Caixedo (đó là tên họ của cô nương mà tôi giết được). Cô nương đã trả lời tôi như thế này.
- Thưa thầy quản Campuxano, nếu thiếp cứ làm bộ thánh thượng mà không trao thân gửi phận cho chàng thì chẳng hóa ra thiếp là người ngớ ngẩn lắm sao. Thiếp từng là kẻ có tội và hiện nay vẫn còn là kẻ có tội vì cho đến nay vẫn chưa hề cùng ai… Tuy nhiên về đời tư của thiếp, chưa một ai trong xóm làng dè bĩu. Thiếp chẳng được thừa hưởng gia tài của cha mẹ hoặc chú bác cô dì thân thích; song tất cả đồ dùng nội thất trong ngôi nhà này trị giá hai ngàn rưỡi đồng excudo (tiền vàng của Tây Ban Nha) và những thứ đựng trong áo gối kia sớm muộn cũng biến thành tiền. Với số vốn liếng này thiếp đang định kiếm một tấm chồng. Đó là người thiếp có bổn phận phục tùng, là người thiếp trao trọn vẹn tình yêu thủy chung son sắt. Người chồng ấy chắc chắn không thể nào có được người đầu bếp bậc thầy biết nêm mắm muối và gia vị vào các món xào nấu hơn thiếp, khi mà thiếp muốn làm để thể hiện mình là người đàn bà có tài nội trợ. Thiếp biết làm một người quản gia trong gia đình, một người hầu gái trong nhà bếp và một bà chủ nhà trong phòng khách. Tóm lại thiếp biết sai khiến và biết làm cho người khác phải phục tùng mình. Đối với thiếp, không có thứ gì là của bỏ đi và thiếp biết thu vén của cải cho gia đình. Tiền được chi theo lệnh của thiếp sẽ tăng giá trị bội lần. Quần áo trắng của thiếp chẳng những nhiều mà còn là loại tốt, không phải mua từ cửa hàng hoặc từ xưởng dệt. Bàn tay thiếp và bàn tay cô các cô hầu gái của thiếp tự kéo sợi dệt lấy vải và khi có thể may thì được may luôn ở nhà mình. Thiếp tự khen mình vì thiếp biết rằng những lời tự khen đúng lúc và đúng chỗ sẽ chẳng bao giờ gây nên những lời báng bổ của người khác. Tóm lại, thiếp nói thật là thiếp muốn tìm một người chồng che chở cho thiếp, chỉ bảo thiếp làm ăn, mang lại vinh dự cho thiếp chứ không tìm một gã trai lơ để hầu hạ và bôi nhọ thiếp. Nếu chàng vui lòng nhận điều kiện trên thiếp xin trao thân gửi phận cho chàng và phục tùng chàng. Chàng chẳng phải mất công tìm kiếm gì nữa. Đó là điều người ta tìm kiếm trong các ngôn ngữ của bà mai và sẽ chẳng có bà mai nào tốt hơn để làm mối cho chúng ta như thế này đâu.
Lúc ấy tôi vui sướng như điên, sướng cái sướng không ở trên đầu mà ở dưới hai gan bàn chân. Tôi vẫn tỉnh táo để mà sống trong niềm vui sướng trước cảnh tượng được vẽ trong tương lai và ngay trong tầm tay mình. Một trang trại mà chỉ thoáng nhìn đã tính ra được số tiền tương ứng. Chỉ thế thôi đã đủ thích chí rồi. Tôi hân hoan bảo cô nương rằng, tôi là một người rất là may mắn vì Thượng đế đã dun dủi cho tôi cái duyên kỳ ngộ được gặp một người bạn gái và người ấy trở thành người vợ theo ý muốn của tôi, trở thành bà chủ điền trang không đến nỗi nhỏ bé của tôi, cộng vào đó, một vòng vàng tôi đeo nơi cổ, một số viên ngọc quý tôi để ở nhà, và nếu bán đi một số bộ quần áo sỹ quan, tôi sẽ có hơn hai ngàn ducado (tiền vàng Tây Ban Nha thời cổ, có giá trị hơn đồng excudo). Nếu cộng với số tiền hai ngàn rưỡi đồng excudo của cô nương thì chúng ta sẽ có một số vốn đủ để chúng ta kéo nhau về làng quê sống cuộc đời điền viên. Ở quê, tôi còn có một số của chìm. Chúng tôi có thể sống vui vẻ và nhàn hạ ở điền trang nếu biết sử dụng tốt số vốn trên cùng với việc thu hoạch đúng thời vụ hoa màu trên đất đai của mình. Thế là chúng tôi đính ước với nhau. Rồi chúng tôi vạch ra cả một kế hoạch gồm việc công bố chúng tôi là trai chưa vợ gái chưa chồng ở nhà thờ, sau đó trong ba ngày liền chúng tôi tổ chức tiệc mừng vào dịp lễ Paxqua. Ngày thứ tư chúng tôi tổ chức lễ thành hôn. Dự lễ cưới chúng tôi có hai người bạn tôi và một chàng trai mà cô nương bảo là anh họ của mình. Nghĩa là tôi đối xửa với chàng ta như cách đối xử mà người vợ mới cưới của tôi vẫn dùng. Nghĩa là nó quanh co và tráo trở. Ở đây tôi không muốn nói toạc ra vì mặc dù tôi đang kể sự thật nhưng đây không phải là lời xưng tội trước Chúa.
Thằng hầu của tôi mang chiếc rương từ nhà trọ về nhà vợ tôi. Tôi liền khóa chặt cửa lại, chưng ra trước mặt cô nương chiếc vòng vàng cực kỳ quý giá, rồi cho cô nương xem thêm chừng ba hay bốn chiếc vòng nữa, nếu không to thì cũng là chiếc vòng cực kỳ tinh xảo; cho cô nương xem bốn chiếc nhẫn vàng đủ kiểu đủ dạng và bộ quần áo sỹ quan của tôi. Tôi đưa cho cô nương bốn trăm đồng rean (tiền đúc bằng vàng hoặc kẽm, giá trị thấp hơn rất nhiều so với đồng excudo và đồng ducado) để chi dùng. Sáu ngày liền tôi hưởng tuần trăng mật rất hạnh phúc. Tôi ngự ngay trong ngôi nhà như một chàng rể trác táng trong nhà ông bố vợ giàu sang. Tôi đi trên những tấm thảm, nằm trên những tấm ra trải giường Hà Lan đắt tiền, thắp sáng trong những cây đèn đế bạc. Tôi ngủ dậy lúc mười một giờ trưa, ăn cơm lúc mười hai giờ ngay tại giường nằm rồi lại ngủ trưa tới hai giờ chiều ngay trong phòng tiếp khách của các bà. Donhaexte và cô hầu gái thi nhau nhảy múa và tán tụng tôi đủ điều. Lúc này thằng hầu của tôi trở thành một con nai vì hắn lười nhác và đần độn. Khi Donha Extephania không có mặt bên tôi chính là khi cô ta ở trong nhà bếp lo thu1ch giục và bảo ban bọn đầu bếp làm những món ăn hợp với khẩu vị của tôi, khiến tôi thèm ăn hơ. Áo sơ mi, cổ áo, khăn tay, toàn là thứ mới mua ở Aranhuet, thơm phức mùi nước hoa, ngày nào cũng được thay một bận.
Những ngày vui đó vèo trôi như tên bay qua cửa sổ. Vì thấy mình được ăn mặc tử tế, được phục dịch chu đáo nên trong những ngày ấy tôi liền dẹp ngay những mưu đồ đểu cáng nảy sinh từ ngày chúng tôi cưới nhau. Rồi một buổi sáng nọ - trong lúc Donha Extephania còn đang nằm trên giường - ở ngoài cửa chính vang lên tiếng vồ gọi cửa nện rất mạnh. Người hầu gái thò đầu qua cửa sổ rồi ngay lập tức hốt hoảng nói:
- Ôi! Chào bà! Bà đã về rồi ạ! Nhưng vì sao bà lại về sớm hơn dự định nói trong thư thế nhỏ?
- Ai về hả? – tôi hỏi người hầu gái.
- Còn ai nữa kia chứ? – Người hầu gái nói – Đó là bà chủ của tôi: Donha Clemente Buexe và Dong Lope Melendet de Anmendaret cùng hai người hầu và bà quản gia Hortigoxa.
- Con ở, hãy đi mở cửa mau. Những chuyện khác ta liệu sau – Donha Extephania nói. Còn chàng, vì tình yêu đối với thiếp, xin chàng hãy bình tĩnh và chớ nên trả lời bất kỳ một câu hỏi nào không có lợi cho thiếp.
- Vậy, xin cô nương cho biết ai là người dám thóa mạ cô nương trước mặt ta. Xin cô nương hãy cho ta biết họ là ai mà cô nương phải hoảng hốt đến như vậy?
- Thiếp chưa thể trả lời ngay được. Chàng chỉ nên biết rằng tất cả những gì xảy ra ở đây đều là chuyện lừa phỉnh hết và những mưu đồ ấy sẽ được phơi bày ra ánh sáng, rồi chàng sẽ tường tận hết thôi mà.
Dẫu rằng tôi đang muốn tranh luận cho ra lẽ trắng đen với cô nương nhưng Donha Clemente Buexe đã bước vào phòng và do đó cuộc tranh luận phải bỏ lửng ở đây. Donha Clemente Buexe mặc một bộ đồ lụa xanh thêu thùa rất đẹp mắt, ngoài khoác một chiếc áo, đội một chiếc mũ gài lông chim đủ sắc màu, lông màu xanh, hồng, trắng, cổ đeo một sợi dây chuyền vàng, mặt che một chiếc mạng mỏng. Cùng vào phòng còn có Dong Lope Melendet de Anmendaret cũng diện bộ lộng lẫy – dù đó chỉ là quần áo lúc đi đường. Bà quản gia Hortigoxa là người đầu tiên lên tiếng:
- Lạy Giesu Chúa tôi! Thế này là thế nào? Dám nằm cả lên giường bà chủ Clemente sao. Lại có mặt cả cái anh chàng này ở đây nữa. Gớm thật đấy. Hôm nay, ngày đầu tiên ta thấy chuyện kinh thiên động địa xảy ra trong cái nhà này. Donha Extephania to gan thật. Được đằng chân lân đằng đầu, bà ta đã lợi dụng quá mức tình bạn cao cả của bà chủ ta.
- Bà Hortigoxa, xin bà hãy bớt giận đi nào – Donha Clemente Buexe nói – Chính tôi là người có lỗi. Sẽ chẳng bao giờ tôi tha thứ cho mình trong việc chọn mặt gửi vàng. Tôi đã lầm khi quá tin cậy Donha Extephania.
Ngay lập tức, Donha Extephania trả lời thế này:
- Thưa Donha Clemente Buexe kính mến của tôi, xin bà đừng phiền lòng và xin bà hãy hiểu cho rằng cái điều bà nhìn thấy trong ngôi nhà lúc này quả thật là bí hiểm. Tôi tin rằng khi bà đã rõ thật hư ắt bà sẽ tha thứ cho tôi và bà chẳng phải kêu ca bất cứ điều gì.
Lúc này tôi đã mặc xong quần áo chẽn. Donha Extephania cầm tay tôi dẫn tôi sang phòng bên. Tại đây Donha bảo tôi rằng người bạn gái ấy muốn lừa cho ngài Lope Melenret kia một mẻ. Ngài là người mà Donha Clemente Buexe muốn cưới làm chồng. Bây giờ Donha Clemente Buexe dẫn ngài về đây cốt để cho ngài tin rằng ngôi nhà cùng đồ nội thất cũng như trang trại đây là của Donha và Donha làm giấy để ngài hưởng số của hồi môn này. Nhưng khi xong đám cưới ngài sẽ thấy rằng mình chẳng được hưởng gì hết vì ngài đã bị lừa do quá cả tin vào tình bạn, tình yêu của Donha Clemente Buexe. Donha Extephania còn bảo tôi:
- Sau đó của thiếp vẫn là của thiếp và sẽ chẳng ai chê cười Donha Clemente Buexe hoặc bất kỳ người đàn bà nào muốn kiếm cho mình một tấm chồng danh giá, dẫu có dùng đến cả những thủ đoạn lừa bịp đi nữa.
Tôi bảo cô nương rằng cái việc Donha Clemente Buexe muốn làm kia là sự lạm dụng tình bạn quá đáng và rằng cô nương hãy suy nghĩ cho kỹ kẻo lại phải cậy nhờ đến pháp luật thu hồi tài sản của mình. Để trả lời tôi, cô nương viện ra biết bao lý lẽ, kể cả việc cô nương phải giúp đỡ Donha Clemente Buexe đến mức tôi cũng phải nhân nhượng cốt được lòng Donha Extephania. Cô nương còn nói chắc như đinh đóng cột với tôi rằng cái trò bịp này kéo dài không quá tám ngày và trong thời gian này tôi tạm lánh sang nhà một người bạn gái khác của cô nương. Khi chúng tôi mặc xong quần áo, cô nương vào phòng khách tạm biệt Donha Clemente Buexe và Dong Lope Melendet de Anmendaret rồi bảo thằng hầu vác rương đi theo mình. Tôi cũng bước theo sau cô nương mà chẳng thèm chào tạm biệt những người kia.
Donha Extephania dừng lại rồi bước vào nhà một người bạn gái. Trước khi chúng tôi bước vào nhà, cô nương nói chuyện một lúc khá lâu với người bạn gái và sau đó một người ở gái bước ra bảo chúng tôi hãy cùng vào nhà. Người ở gái dẫn chúng tôi đến một căn phòng hẹp, quá hẹp là đằng khác vì nó không đủ chỗ để kê riêng rẽ hai chiếc giường khiến cho chúng nằm sát vào nhau đến mức ra trải giường của chiếc giường này chồm lên ra của chiếc giường kia. Quả nhiên, chúng tôi ngụ tại đây sáu ngày cả thảy và trong cả sáu ngày ấy không có lúc nào chúng tôi không đay nghiến nhau. Lúc nào tôi cũng ca thán cô nương quá dại dột đến mức đã để nhà cửa, ruộng vườn lại cho một người bạn gái. Quả thật đó là một việc làm dại dột mà không ai nên làm như thế, ngay cả với bà mẹ đẻ mình.
Tôi cứ đay nghiến vợ tôi về điều này đến mức chủ nhà phải để ý. Nhân một ngày Donha Extephania đến nhà cũ để xem tình hình như thế nào, nữ chủ nhân hỏi tôi vì sao tôi hay cãi cọ với vợ và cứ mắng nhiếc vợ mình là đồ lẩn thẩn đã để cho người khác lợi dụng tình bạn quá đáng. Tôi liền kể hết cho bà ta nghe, nói đến việc tôi đã cưới Donha Extephania, nói đến số của hồi môn tôi được hưởng và nói đến cái ngu ngốc của vợ tôi đã nhường nhà cửa, điền trang cho Donha Clemente Buexe. Mặc dù việc này xuất phát từ một ý định rất tốt đẹp nhằm giúp Donha Clemente Buexe kiếm một đức ông chồng danh giá như Dong Lope Melendet. Nghe đến đây nữ chủ nhân liền làm dấu thánh và liên tục nói: “Lạy chúa Giesu! Lạy chúa Giesu! Đồ quỷ cái!” khiến cho tôi cũng phải hoang mang chẳng biết ra làm sao. Cuối cùng, nữ chủ nhân bảo tôi thế này:
- Thưa thầy quản Campuxano, chẳng biết việc tôi sẽ nói ra đây có phản lại lương tri mình không nhưng nếu không nói cho ngài biết thì tôi rất áy náy trong lòng. Thôi thì cứ đành phó mặc cho Thượng đế lòng lành bởi vì sự thật bao giờ cũng là sự thật và giả dối bao giờ cũng phải nhường bước trước sự thật, có đúng thế không, thưa thầy quản? Sự thật là thế này: Donha Clemente Buexe mới đích thực là chủ nhân của ngôi nhà và điền trang mà Donha Extephania định trao cho ngài làm của hồi môn. Và sự lừa bịp là tất cả những gì mà Donha Extephania đã nói với thầy quản. Cô ta chẳng có gì cả: không nhà không cửa, không ruộng vườn và chỉ có độc một bộ váy áo mặc trên người mà thôi. Câu chuyện lừa lọc này có thể xảy ra được là vì Donha Clemente Buexe đi thăm người thân ở Plexenxia rồi từ đó đi dự lễ Thánh bà Goadalupe, do đó, phải để nhà cho Donha Extephania trông nom hộ, vì thật tình hai người này là bạn thân với nhau. Vả lại, nếu xét cho kỹ thì cũng chẳng nên đổ tội cho cô gái đáng thương này vì cô ta biết làm sao lừa được một người như thầy quản đây để cưới làm chồng.
Đó là tất cả những điều bà ta nói. Nghe xong, tôi thấy thất vọng ê chề và hiển nhiên tôi sẽ thất vọng như thế mãi nếu vị thần hộ mệnh của tôi không kịp thời chăm sóc tôi, nói với trái tim tôi rằng hãy nhớ rằng mi là con chiên của Chúa và rằng tội lỗi phần lớn của con người là để mất hy vọng. Chỉ có quỷ dữ mới để mất hy vọng. Lời nhắc nhủ đúng lúc ấy làm tôi thêm vững vàng hơn. Nhưng lời nhắc nhủ ấy chưa đủ sức khiến tôi thôi không nai nịt áo quần, cầm thanh kiếm và ra đi tìm Donha Extephania với mục đích cho cô nương một bài học đích đáng. Nhưng vận may rủi của tôi, tôi cũng chẳng biết như thế là tốt hay là xấu, đã cản ngăn để tôi không tài nào gặp nổi Donha Extephania ở bất kỳ nơi nào tôi định đến tìm. Thế là tôi đi đến Xandorente, phó mặc vận may rủi của mình cho Đức Bà chúng ta. Tôi ngồi lên một thân cây dẻ và ngủ một giấc mê mệt đến mức tôi sẽ không tỉnh dậy nếu như không có ai đánh thức.
Lòng buồn bực và đau khổ, tôi đến nhà Donha Clemente và tôi thấy công nương hết sức bình thản với tư thế chủ nhân đích thực của ngôi nhà. Tôi không dám nói chi với công nương vì Dong Lope đang có mặt ở đấy. Tôi trở về nhà người bạn gái. Nữ chủ nhân nói với tôi rằng bà ta kể với Donha Extephania là tôi đã biết rõ thủ đoạn và trò lừa bịp của cô nương. Và bà ta còn bảo tôi rằng cô nương hỏi thái độ của tôi như thế nào trước tình cảnh trớ trêu này. Bà ta trả lời cô nương rằng tôi rất bực tức và tôi đang đi tìm cô nương để trừng trị. Cuối cùng bà ta bảo tôi rằng Donha Extephania đã mang đi tất cả của cải tôi để trong rương và chỉ để lại cho tôi một bộ quần áo đi đường.
Tất cả câu chuyện có thế thôi. Lại một lần nữa Thượng đế che chở cho tôi. Tôi đến xem cái rương của mình và tôi thấy nó mở toang giống như một chiếc quan tai đang chờ đón một thây ma và có lẽ tôi sẽ là cái thây ma nếu tôi đủ minh mẫn để mà cảm nhận đầy đỷ nỗi bất hạnh của bản thân lúc bấy giờ.
Cử nhân Peranta lòng đầy cảm thông với thầy quản Campuxano, nói:
- Với việc Donha Extephania mang đi cơ man nào vòng vàng, dây chuyền vàng, ngài bị một vố đau điếng. Quả thật ngài giống như câu ca thường nói: “Dã tràng se cát biển Đông”…
- Chuyện lừa lọc ấy chẳng làm tôi đau đớn gì – thầy quản Campuxano nói – bởi vì tôi cũng có thể nói rằng: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.
- Tôi thật lòng không hiểu vì sao ngài lại có thể dẫn câu tục ngữ ấy ra với tôi nhỉ? – cử nhân Peranta nói.
- Đơn giản thế này thôi: tất cả vàng vòng, nhẫn vàng, dây chuyền vàng tuy hào nhoáng thế thôi nhưng thật ra chưa đáng giá quá mười hai đồng ecudo đâu, thưa ngài cử nhân – thầy quản Campuxano nói.
- Sao lại thế được nhỉ - cử nhân Peranta cãi lại – bởi vì chỉ riêng cái vòng ngài thường xuyên mang ở cổ cũng đã trị giá hơn hai trăm đồng ducado.
- Đúng là như thế nếu cái mã bề ngoài nói đúng nội dung bên trong – thầy quản trả lời – Nhưng sự thật không phải là vàng khi tất cả các đồ vật cứ vàng chóe lên trước mắt ta. Những vòng vàng, những dây chuyền, nhẫn vàng ấy chỉ là sản phẩm của nghệ thuật làm vàng giả mà thôi. Nhưng khốn nỗi chúng được làm tinh xảo lắm, đến mức chỉ có đá thử vàng hay lửa mới phát hiện ra chúng là của giả.
- À, hóa ra là thế - cử nhân Peranta nói – Ngài và Donha Extephania là “kẻ cắp, bà già gặp nhau” mà thôi. Chuyện này oái ăm thật.
- Ờ, chuyện này rất chi là oái ăm đến mức chúng tôi lại có thể gặp lại nhau. Nhưng ngài cử nhân Peranta ạ, cái đau khổ của tôi chính là ở chỗ Donha Extephania sẽ có thể phá hủy tất vòng vàng, dây chuyền vàng của tôi mà tôi không thể làm gì nổi cô nương. Chuyện này thật đáng buồn cho tôi vì quả thật đó là sự thất bại của tôi.
- Ngài Campuxano này, ngài hãy cảm tạ Thượng đế đi – cử nhân Peranta nói – vì sự thất bại ấy có chân, nó đã đi và nó không buộc ngài phải mất công tìm kiếm nó.
- Đúng thế - thầy quản trả lời – Nhưng với tất cả điều đó, và dù rằng tôi đã không đi tìm sự thất bại ấy, tôi vẫn gặp lại nó trong tâm tưởng và ở bất kỳ nơi nào tôi cũng thấy nhục nhã.
- Tôi thật lòng không biết trả lời ngài thế nào cho phải – cử nhân Peranta nói – nhưng có le cũng hợp cảnh khi tôi nhắc hai câu thơ của Petracca (nhà thơ Ý, sinh năm 1304, mất năm 1374):
Che chi prende dilette di far frode
Non si de lamenar staltri l’inganna
mà nếu dịch sang tiếng Tây Ban Nha nó là thế này: Kẻ nào thường thích lừa người, khi bị người lừa chớ có mà kêu.
- Không, tôi đâu dám kêu ca – thầy quản trả lời – mà chỉ thương thay cho mình thôi. Tôi cũng hiểu rằng kẻ có tội mà chưa biết tội trạng của mình thì chưa cảm nhận được nỗi nhục nhã của sự trừng phạt. Tôi cũng nhận thấy rõ ràng rằng tôi muốn lừa người nhưng tôi lại bị người lừa, bởi vì chính những mưu mô và hành động của tôi đã hại tôi. Nhưng tôi cũng không đủ sáng suốt để mà không tự ta thán cho chính mình. Cuối cùng để kể thêm cho ngài rõ câu chuyện của tôi, tôi xin nói rằng cái người anh em họ của Donha Extephania mà tôi bắt gặp trong phòng khách đã mang cô nương đi nơi khác và sau này họ trở thành vợ chồng suốt đời. Tôi không muốn tìm cô nương vì tôi không thích trả thù nữa. Trong ít ngày, tôi chuyển nhà trọ, tôi đổi bộ tóc, bởi vì lông mày, lông mi bắt đầu rụng, và tóc tôi dần dần cũng rụng hết khiến tôi bị hói trước tuổi. Thật ra là tôi bị bệnh rụng tóc. Tôi thấy mình là kẻ trọc lóc thật sự, vì không những không có tóc để mà chải, mà còn không có tiền để mà tiêu. Bệnh tật cứ theo gót cuộc sống quẫn bách của tôi. Vì sự nghèo hèn thường đố kỵ với danh giá con người nên một số kẻ đã bị dẫn đến giá treo cổ, số khác lại bị đưa vào nhà thương, còn một số nữa bị tống cổ vào nhà kẻ thù của mình để phải vừa van xin vừa phải tuân phục nó. Đó là một trong số những nỗi khổ lớn nhất có thể xảy ra đối với một kẻ bất hạnh. Để khỏi phải bán quần áo và cũng vừa đúng lúc trong nhà thương Recurecxion người ta dùng biện pháp xông để chữa bệnh, tôi liền vào nhà thương này. Đó là nơi tôi đã được xông tới bốn mươi lần. Người ta bảo rằng tôi sẽ lành bệnh nếu tôi chịu kiêng cữ giữ gìn. Thanh kiếm tôi vẫn có, còn những thứ khác xin phó mặc cho trời.
Cử nhân Peranta lòng đầy thán phục trước những điều thầy quản vừa kể xong, lại mời mọc ngài ăn thêm.
- Thưa cử nhân Peranta, chắc chắn rằng điều tôi vừa kể xong không làm ngài khoái chí bằng những chuyện tôi sắp nói với ngài. Đây toàn là những sự kiện vượt quá mức thường tình, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Lẽ nào ngài lại không muốn biết thêm rằng tôi đã phải vận dụng tất cả mọi nỗi bất hạnh của mình ở trong nhà thương để quan sát, hiểu biết đôi điều sẽ nói với ngài. Đó chính là điều mà cho đến lúc này ngàu không tin và trên thế gian này cũng sẽ chẳng bao giờ có người tin nó là sự thật.
Tất cả những điều kỳ lạ được giáo đầu như thế càng đốt cháy thêm nỗi khát khao của cử nhân Peranta khiến ngài cũng phải lên tiếng đề nghị thầy quản kể cho nghe ngay lập tức những điều kỳ thú ấy.
- Chắc hẳn ngài đã nhìn thấy hai con chó đeo hai chiếc đền vẫn thường đi cùng anh em Capacha. Hai chiếc đèn này soi sáng chúng mỗi khi chúng xin của bố thí chứ! – Thầy quản nói.
- Đúng thế, tôi thấy rồi mà – cử nhân Peranta trả lời.
- Và ngài cũng đã nhìn thấy hoặc nghe thấy điều người ta nói về chúng rồi chứ - thầy quản tiếp tục nói – Người ta bảo rằng, nếu từ trên cửa sổ ném của bố thí xuống, chúng liền soi đèn chạy đến tìm của bố thí và chúng thường dừng lại trước cửa sổ nào vẫn thường cho củabố thí. Với việc chúng đi lại xin của bố thí như thế nên nom chúng giống những con cừu hơn là những con chó, mà thật ra khi ở nhà thương Recurecxion, chúng là những con sư tử rất dữ tợn, lo việc canh giữ ngôi nhà vô cùng cẩn thận.
- Tôi cũng đã từng nghe người ta nói như thế, cử nhân Peranta nói. Nhưng điều đó không hề gây hào hứng cho tôi một chút nào.
- Vậy thì điều tôi sẽ nói về chúng sẽ là lý do khiến ngài phải thích thú. Và rồi ngài chẳng phải hoảng hốt làm dấu thánh, cũng chẳng phải viện dẫn những lý do này nọ, ngài sẽ phải tin điều tôi nói. Đó là điều tôi đã nghe và tận mắt thấy hai con chó ấy nói: một con gọi là Xipiong và con kia gọi là Becganxa. Có một đêm,cái đêm tôi xông lần cuối cùng thì hai con chó nằm trên hai chiếc chiếu rách ở phía đuôi giường tôi nằm. Về khuya, vì mất ngủ nên tôi đang nghĩ về những sự kiện trước đây, về những nỗi bất hạnh mới đây, nên tôi không chú ý nghe tiếng người đang nói chuyện để xem mình có hiểu được vấn đề họ đang nói với nhau hay không. Một lát sau tôi nhận ra ngay vấn đề người ta đang nói với nhau, nhận ra hai con chó: con Xipiong và con Becganxa đang nói chuyện với nhau.
Thầy quản Campuxano vừa nói xong thì cử nhân Peranta liền đứng dậy nói:
- Thưa ngài Campuxano, quả là ngài đang hào hứng. Về phần mình, cho đến lúc nà, tôi vẫn còn nghi nghi hoặc hoặc về câu chuyện đám cưới của ngài, còn về chuyện này, chuyện ngài nghe thấy những con chó nói chuyện với nhau, xin ngài cho tôi được phép tuyên bố rằng tôi thuộc vào số những người không tin bất cứ chuyện gì. Vì tình yêu của Thượng đế, tôi van ngài chớ nên kể những chuyện khủng khiếp cho bất kỳ ai ngoại trừ những người bạn thân tín của mình như tôi đây chẳng hạn.
- Xin ngài đừng xem tôi quá ngu dốt đến mức không biết rằng nếu không vì phép màu nhiệm thì những con vật này không thể nói được. Tôi thừa biết rằng loài sáo, loài vẹt, loài khướu có thể nói được tiếng người là vì chúng có cái lưỡi thích hợp để phát âm và chúng chỉ nói được những từ, những câu đã thuộc lòng chứ chúng không thể đối đáp với nhau một cách lưu loát và sáng rõ như những con chó này. Vì vậy, sau nhiều bận nghe chúng nói chuyện với nhau, chính tôi cũng không tin ở mình nữa và tôi coi đó là chuyện tôi mơ thấy trong lúc trên thực tế thì mình đang tỉnh. Với năm giác quan mà Thượng đế đã cho mình, tôi chăm chú nghe và ghi lại trong trí nhớ để rồi sau đó tôi viết lại cuộc nói chuyện của những con chó không bỏ sót một lời nào. Từ những trang viết này, người ta có thể nhận biết được những chuyện khiến họ nghi ngờ rồi tin tưởng để cuối cùng tin vào cái sự thật do tôi nói ra. Những sự kiện được đề cập đến trong này rất kỳ thú và phong phú, hơn thế nữa chúng được những con người hiểu biết nói ra chứ không phải chỉ đơn thuần là lời của những con chó. Vậy là những chuyện này không do tôi bịa ra và ngược với chính kiến của bản thân, tôi tin rằng tôi không mơ mà chính là những con chó ấy đang nói chuyện với nhau thật.
- Trời ơi – cử nhân Peranta nói – Cứ y như thời của Maricaxtanha trở lại với chúng ta, khi những quả bí nói chuyện với nhau. Hoặc giả sử như thể thời của Edop (nhà ngôn ngữ người Hy Lạp cổ đạo – khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 5 trước công nguyên) sống lại với chúng ta, khi con gà cãi nhau với con cáo và một số con vật này tranh luận với những con vật khác.
- Một số trong những con vật ấy có thể là tôi – thầy quản Campuxano nói – nếu như tin rằng cái thời đại ấy trở lại với chúng ta và hơn thế nữa sẽ là thời đại ấy nếu không tin điều tôi nhìn thấy, điều tôi nghe thấy, điều tôi dám thề với lời thề độc buộc chính sự nghi ngờ phải tin. Nhưng dù trường hợp được đặt ra này có lừa phỉnh được tôi, giả dụ sự thật tôi nói ra đây là do tôi mơ thấy, hỡi ngài Peranta, lẽ nào ngài sẽ không thích thú khi ngài thấy những câu chuyện được viết ra tron một cuộc nói chuyện do những con chó này, dù ai cũng thế thôi, đã nói ra.
- Đủ rồi, thưa thầy quản Campuxano – cử nhân Peranta nói – Xin ngài khỏi phải mất công thuyết phục tôi tin rằng ngài đã nghe thấy những con chó nói chuyện với nhau và tôi xin nói với ngài rằng tôi rất thích thú nghe cuộc nói chuyện do thầy quản Campuxano viết ra. Tôi thề với ngài rằng tôi tin đó là một chuyện lành mạnh.
- Nhưng trong này còn có chuyện tôi thấy mình cần phải nói rõ thêm – Campuxano nói – Lúc ấy tôi rất tập trung tư tưởng, tinh thần sảng khoái và trí nhớ minh mẫn (nhờ tôi ăn nho khô và hạnh nhân). Nhờ vậy tôi cứ việc viết một mạch theo trí nhớ của mình, tôi viết chính những từ ngữ mà tôi nghe được, không cần phải dùng tu từ để trang điểm cho truyện thêm màu sắc văn vẻ. cũng chẳng thêm hoặc bớt mộ từ để câu chuyện thêm mùi mẫn. Cuộc nói chuyện không chỉ xảy ra trong một đêm mà hai đêm liền. Tuy nhiên, tôi mới chỉ ghi lại đêm đầu tiên là đêm Becganxa nói về cuộc đời nó. Tôi đang định viết về đêm Xipiong kể về cuộc đời của nó. Một khi ngài đọc, hoặc tin hoặc thậm chí ngài không tin, đánh giá cao hoặc đánh giá thấp câu chuyện của Becganxa đã nói được tôi viết lại và bản thảo này tôi mang trong ngực. Tôi bỏ cái lối Xipiong nói và Becganxa trả lời, thường làm cho lời văn dài dòng mà tôi dùng hai chấm đặt sau tên của mỗi con chó để giúp ai xem mường tượng đó là cuộc nói chuyện mà tôi nghe được.
Nói xong, thầy quản Campuxano rút từ trong ngực ra một tập bản thảo, đưa nó cho cử nhân Peranta. Người này cầm lấy tập bản thảo, mỉm cười như thể chế giễu những gì mình mới nghe và sắp được đọc.
- Tôi sẽ ngả lưng ngay trên chiếc ghế này – thầy quản nói – trong khi ngài đọc.
- Xin ngài cứ tự nhiên cho – Peranta nói – Tôi sẽ đọc xong ngay bây giờ đây.
Thầy quản Campuxano nằm xuống ghế. Cử nhân Peranta mở tập bản thảo và ngay ở trang đầu tiên ngài thấy đề như thế này.