Dịch giả: TRUNG ĐỨC
- 2 -
TRUYỆN VỀ CUỘC NÓI CHUYỆN GIỮA CON CHÓ
XIPIONG VÀ CON CHÓ BECGANXA

Những con chó của nhà thương Rexurecgion ở ngoại ô thành phố Vadadolit, vốn được gọi là những con chó của anh em Mahudet.
XIPIONG: Bạn Becganxa thân mến, đêm nay chúng ta phó mặc cái nhà thương này cho vận may rủi, có lẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả đâu và chúng ta cùng nhau tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Có lẽ chẳng có chỗ nào tốt hơn là cái chỗ ở giữa những tấm thảm này, nơi chẳng ai nhìn thấy chúng ta, ngoại trừ những mảng trời.
BECGANXA: Ờ người anh em Xipiong nói phải đấy. Tớ nghe đằng ấy nói và tớ hiểu rằng mình đang nói với đằng ấy, sự kiện đó khiến tớ không thể tin bởi lẽ việc chúng ta nói chuyện với nhau là một sự kiện vượt ra ngoài lẽ thường tình.
XIPIONG: Becganxa ạ, quả nhiên là như vậy và cái phép mầu này sẽ còn kỳ vĩ hơn nữa trong việc chúng ta không chỉ nói suông mà còn nói có suy nghĩ, cứ như thể chúng ta có khả năng duy lý, bởi vì sự khác nhau giữa con vật và con người là ở chỗ con người biết lý lẽ còn con vật thì không.
BECGANXA: Tất cả những điều đằng ấy nói tớ đều hiểu, anh bạn Xipiong ạ, và do đó cái việc đằng ấy nói và cái việc tớ hiểu được khiến tớ vừa thích thú vừa cảm động. Rõ ràng trong cuộc đời mình, nhiều lần tớ nghe nói đến những tính nết quý của chúng ta, đến mức mà dù cho một số muốn tin rằng chúng ta có một bản năng tự nhiên rất linh hoạt và sắc sảo trong một số công việc, nhưng đặc tính này khiến cho họ tin rằng cúng ta có sự nhận biết cả lý lẽ kia đấy.
XIPIONG: Tớ thấy bọn họ thường ca ngợi trí nhớ rất tốt của chúng ta, ca ngợi lòng biết ơn của chúng ta và cả lòng trung thành vô hạn độ của chúng ta. Họ ca ngợi nhiệt tình nhiều đến mức họ thường vẽ chúng ta như là biểu tượng của tình bạn. Chắc đằng ấy đã nhìn thấy ở những nấm mồ xây bằng đá thạch cao tuyết hoa, người ta thường họa hình ảnh những người được chôn bên thành một và nếu là mộ song táng cả vợ lẫn chồng thì bên cạnh hình ảnh của hai người bao giờ cũng có hình ảnh một con chó nằm ở dưới chân với hàm ý rằng những người này sống trong tình bằng hữu mãi mãi keo sơn.
BECGANXA: Tớ biết rất rõ rằng có những con chó mang nặng lòng biết ơn chủ đến mức chúng nhảy cả xuống huyệt của chủ mình và chịu để cho người ta lấp đất chôn luôn với chủ. Lại còn có những con chó khác nằm liệt bên mộ chủ, không ăn không uống gì, cứ nằm thế cho đến khi kiệt sức mà chết. Tớ cũng biết rằng sau voi, loài chó chúng mình được thừa nhận là loài vật có trí khôn. Sau chúng mình mới đến lượt loài ngựa và cuối cùng là loài khỉ.
XIPIONG: Đúng thế, nhưng có lẽ đằng ấy sẽ phải thú nhận rằng chưa bao giờ đằng ấy nhìn thấy và nghe thấy một con voi, một con ngựa, một con khỉ nào nói tiếng người. Do vậy mà tớ hiểu rằng cuộc nói chuện này của chúng ta bỗng nhiên rơi vào số những sự kiện được coi là kỳ vĩ, những sự kiện khi được thể hiện ra hoặc được chứng kiến đã tiên đoán một thảm họa nào đó đang đe dọa dân chúng.
BECGANXA: Cứ theo cái cách suy nghĩ này, tớ chưa hiểu tại làm sao người ta lại coi lời một sinh viên nói về những ngày qua là một điềm báo.
XIPIONG: Đằng ấy nghe anh ta nói gì?
BECGANXA: Anh ta nói rằng trong số năm ngàn sinh viên trúng tuyển vào đại học có hai ngàn theo học ngành y.
XIPIONG: Vậy thì làm sao đằng ấy lại giễu cợt sự kiện ấy?
BECGANXA: Tớ chế giễu nó vì hai ngàn thầy thuốc này cần phải có con bệnh để sống, nếu không bọn họ sẽ chết đói hết.
XIPIONG: Nhưng dù thế nào đi nữa, dù sự việc chàng ta nói chuyện có kỳ vĩ hay không, chúng ta vẫn cứ nói chuyện. Một khi ông Xanh ra lệnh sự kiện này phải xảy ra thì nó cứ xảy ra, không một mưu mẹo hay một sự thông thái nào có thể cưỡng lại cái lệnh ấy. Vậy thì, không có một lý do nào có thể buộc chúng ta phải tranh luận xem chúng ta sẽ nói như thế nào và vì sao chúng ta nói. Tốt hơn hết là chúng ta hãy chơi cho hết cái ngày tốt lành này, đúng hơn là cái đêm tốt đẹp này. Vì chúng ta sống đêm nay trên những manh chiếu này và chúng ta không thể biết hạnh phúc của chúng ta kéo dài được bao lâu nữa. Vậy thì chúng ta hãy biết tận dụng nó và hãy nói chuyện với nhau hết đêm nay, không nên để cho giấc ngủ cản trở việc chúng mình được hưởng dịp may hiếm có này mà tớ hằng mong đợi từ lâu.
BECGANXA: Tớ cũng chẳng kém đằng ấy đâu. Kể từ khi đủ sức gặm một cái xương, tớ đã có ý muốn nói được để kể lại những sự kiện đã giữ gìn cẩn thận trong ký ức. Trong ký ức tớ có biết bao chuyện, mới có, cũ có, thậm chí có cái đã bị quên mất rồi. Bây giờ tớ bắt đầu nói chỉ vì thèm được nói cho nên những chuyện ấy cũng sống lại trong ký ức mình. Tớ nghĩ cần phải hưởng cái thú được nói này và cần phải thỏa sức tận hưởng. Vậy là tớ sẽ kể rất nhanh tất cả những gì tớ nhớ được cho dù có vấp váp hoặc nhầm lẫn đôi chút.
XIPIONG: Chí phải, chí phải! Anh bạn Becganxa ạ. Đêm nay đằng ấy hãy kể chuyện đời mình và những khổ nhục đằng ấy phải chịu đựng để chúng ta cùng đi đến cái nhìn hiện tại. Đêm mai, nếu chúng ta còn nói chuyện, tớ xin kể cho đằng ấy nghe chuyện đời mình. Bởi vì tốt hơn hết là hãy tiêu khiển thời giờ vào việc tự kể lại chuyện của chính mình hơn là đi tọc mạch vào đời tư người khác.
BECGANXA: Xipiong bạn hỡi, lúc nào tớ cũng coi đằng ấy là bạn và luôn tin tưởng đằng ấy và bây giờ hơn lúc nào khác, đằng ấy muốn kể về đời mình và muốn biết chuyện thầm kín của tớ. Đằng ấy là người cẩn trọng vì đằng ấy còn biết phân chia thời gian để chúng ta có thể tận dụng nó. Nhưng trước hết đằng ấy hãy cho mình biết có kẻ nào rình nghe chúng mình nói chuyện với nhau không đã.
XIPIONG: Theo như tớ nghĩ, ở đây không có ai đâu. Gần đây, tuy có một người lính đang xông, nhưng lúc này hắn ta đang muốn ngủ hơn là muốn nghe nói chuyện.
BECGANXA: Vậy thì để tớ có thể yên tâm mà nói thì đằng ấy hãy nghe đi. Nếu đằng ấy mệt hoặc chán những điều tớ nói thì đằng ấy cứ việc ra lệnh cho tớ im mồm nhé.
XIPIONG: Mời đằng ấy cứ việc nói cho tới sáng hoặc cho tới khi chúng mình bị người ta phát giác. Tớ sẽ nghe đằng ấy nói với tất cả niềm hứng khởi của mình. Tớ chỉ cắt ngang lời đằng ấy khi cảm thấy thật sự cần thiết.
BECGANXA: Tớ còn nhớ, hình như ngày đầu tiên tớ nhìn thấy mặt trời là những ngày tớ sống ở Sêvida, lúc ấy tớ ở trong lò mổ, cái lò mổ nằm ở ngoại ô thành phố. Đó là nơi cha mẹ tớ sống và làm việc. Có lẽ các cụ thuộc giống chó Alapo (một loại chó to, khỏe, dữ tợn, thường được nuôi làm chó săn), được các ông tai to mặt lớn vẫn thường nuôi trong cái khung cảnh ồn ĩ nơi lò mổ. Người chủ đầu tiên nuôi tớ là một ông tên là Nicolaten Romo, một thanh niên béo khỏe, người tầm thước, hay cáu gắt như tất thảy những người làm nghề đồ tể. Cái ông Nicaolaten này dạy tớ cùng một số con chó khác để chúng lăn xả vào những con bò mộng, đớp và giữ chặt lấy tai chúng, bắt chúng làm tù binh của mình đem về cho chủ. Trong công việc này, tớ dễ dàng thành công bởi tớ dữ như một con diều hâu.
XIPIONG: Becganxa bạn hỡi, chuyện ấy có gì đáng phải khoe kia chứ, bởi vì đó là một việc tầm thường chẳng đòi hỏi ta phải mất nhiều công sức mới học được.
BECGANXA: Xipiong, người anh em thân mến, tớ sẽ nói gì với đằng ấy về những cảnh tượng tớ nhìn thấy cũng như những sự kiện lừng danh tớ được biết đã xảy ra ở lò mổ. Trước hết đằng ấy hãy cứ nghĩ rằng những người làm việc ở lò mổ, kể từ ông nhỏ đến ông lớn đều là những người có hiểu biết nhưng lại dã man, không hề sợ đức Vua cũng chẳng sợ pháp luật nhà Vua, đàn ông và đàn bà chung đụng với nhau không cần biết đến giấy giá thú. Bọn họ là một bầy chim ăn thịt. Họ duy trì cuộc sống của mình và của nhân tình bằng của cắp. Ngày nào súc vật cũng bị giết thịt. Trước khi trời rạng sáng, trước lò mổ đã đông nghịt bọn đàn bà và thiếu niên choai choai. Bọn họ mang theo những túi to, lúc đến thì rỗng không, lúc về đầy ắp những miếng thịt to. Những cô hầu gái mang bộ lòng gan và một nửa miếng thịt vai. Không có một con vật nào bị giết mà người ta không phải biếu xén những miếng thịt ngon nhất. Vì thời đó ở Sevida chưa có người cung ứng thịt nên mỗi người cứ việc đến tận lò mổ mà mua miếng thịt mình thích nhất, miếng tươi nhất, miếng ngon nhất hoặc miếng thịt rẻ tiền nhất. Các tay chủ lò mổ không khuyên đám dân chúng này đừng ăn cắp mà khuyên họ hãy chờ việc pha thịt và rửa thịt ngay tại chỗ. Những con vật bị giết thịt này bị làm lông, rồi bị pha ra thành từng miếng giống như chặt liễu và dây nho vậy. Nhưng không một chuyện nào khiến tớ thích thú và coi thường hơn là chuyện những tay đồ tể này thản nhiên giết người như giết con vật nuôi vậy. Chỉ cần một câu nói như “hãy vứt bỏ thứ rơm rác kia để ta đỡ nhức mắt” lập tức người ta thọc con dao bầu vào bụng một người, như thể chọc tiết một con bò mộng. Họa hoằn lắm mới có một ngày không đánh nhau, không có giết chóc nhau, không cãi nhau. Tất cả mọi người đều hăng tiết cấu xé lẫn nhau và trước cảnh tượng ấy ai cũng có cái nhìn bông đùa. Không một ai lại không có vệ sĩ đứng ở quảng trường Xang Phrangxico miệng nhai thịt vai và lưỡi bò cái. Sau rốt, tớ có nghe một người cẩn trọng nói rằng để chiếm được Sevida, Hoàng đế có ba bảo bối sau đây: con đường di sản, lò mổ và đường biển.
XIPIONG: Nếu cứ kể dài dòng về những hoàn cảnh của các ông chủ cũng như những khiếm khuyết trong nghề nghiệp của họ mà bạn được biết, Becganxa bạn thân mến ạ, tớ e rằng đến phải xin ông Xanh cho phép chúng ta nói chuyện hàng năm trời. Đồng thời tớ cũng ngại rằng nếu cứ theo tình điệu kể chuyện lúc này của đằng ấy thì  đằng ấy không thể nào kể hết một nửa chuyện của mình. Do vậy, khi tớ kể cho đằng ấy nghe chuyện, tớ muốn mách đằng ấy một điều mà nhờ  nó đằng ấy sẽ có kinh nghiệm kể chuyện. Điều ấy là thế này: trong các truyện có một số cốt truyện hấp dẫn, một số khác muốn hấp dẫn người đọc, người nghe phải nhờ đến cách thức kể chuyện. Nghĩa là tớ muốn nói rằng có một số truyện tuy không phải rào trước đón sau, phải sử dụng đến những lời hoa mỹ đã khiến ta thích thú rồi. Lại có những chuyện cần phải sử dụng những lời hoa mỹ tựa như ta mặc cho nó bộ quần áo từ ngữ săc sỡ sắc màu và khi kể phải sử dụng điệu bộ của bàn tay hay nét mặt, phải thay đổi ngữ điệu cho thích hợp thì truyện mới đủ sức lôi cuốn và hấp dẫn người đọc, người nghe. Chính nhờ cái cách thức kể chuyện đó chúng ta mới có thể khiến cho những sự kiện rời rạc, nhạt nhẽo trở nên sâu sắc và thú vị. Mong rằng đằng ấy đừng quên điều tớ mách bảo và hạy tận dụng nó ngay những chuyện đằng ấy sắp kể.
BECGANXA: Tớ sẽ làm đúng như vậy nếu tớ đủ sức làm được. Tớ hy vọng mình cũng làm được như vậy vì cái khát vọng được nói thành lời đã cho tớ có ý định và quyết tâm làm bằng được điều đằng ấy mách bảo. Nhưng có lẽ tớ còn vụng về lắm và do đó sẽ không thể kể lưu loát ngay được đâu.
XIPIONG: Điều đó có lý do của nó. Đằng ấy hãy nhìn vào lưỡi mình vì hình như những thói tật của cuộc sống con người vẫn còn nằm nguyên trên lưỡi đằng ấy.
BECGANXA: Vậy tớ xin kể tiếp nhé. Chủ tớ dậy tớ mang một cái sọt ở ngay trước mõm và cách đề phòng kẻ khác muốn lấ cắp các thứ đựng trong cái sọt ấy. Ông ta còn dạy tớ làm quen với ngôi nhà cô nhân tình của ông ta. Thế rồi sau đó ông ta chỉ việc ngồi ở nhà cô nhân tình mà đợi thịt mang từ lò mổ về mà không bể mất một đồng xu nhỏ. Một ngày nọ, trong lúc trời vừa rạng sáng, tớ đã cẩn thận mang về cho ông ta một cái sọt đựng thịt ngon. Trong lúc đang đi tớ nghe thấy có tiếng ai gọi tên mình vọng ra từ một cửa sổ. Ngước mắt lên tớ nhìn thấy một cô gái đẹp đứng trên lầu cao. Tớ dừng lại. Cô gái từ trên lầu cao đi xuống cầu thang rồi bước ra cửa chíng. Cô ta lại cất tiếng gọi tớ. Tớ thong thả bước lại gần để xem cô ta muốn gì. Cô ta liền lấy một miếng thịt đựng trong sọt và cô ta để vào đó một chiếc guốc cũ. Thế là tớ nói cho mình tớ nghe: “Thịt lại đi với thịt”. Trong lúc lấy miếng thịt cô gái bảo tớ: “Gavilăng, mày hãy đi đi và hãy nói với chủ mày, cái anh chàng Nicolaten Romo ấy rằng chớ có nên tin vào bọn súc vật và mày hãy nói rằng ta chỉ lấy một cái lòng của con sói thôi. Đó tức là miếng thịt đựng trong sọt này”. Lúc ấy tớ hoàn toàn có thể tước cái tớ bị tước, nhưng tớ không muốn làm vì nếu tớ cướp lại miếng thịt ắt hẳn cái mõm bẩn của tớ sẽ vấy bẩn đôi bàn tay sạch sẽ, trắng nõn của cô ấy.
XIPIONG: Hoan hô, đằng ấy hành động rất chí lý bởi sắc đẹp có quyền được người khác tôn trọng.
BECGANXA: Tớ đã làm như vậy. Tớ mang theo chiếc sọt không có thịt mà lại có chiếc guốc trở về với chủ mình. Hình như lão chủ thấy tớ trở về ngay, không thấy có thịt mà thấy chiếc guốc trong sọt lão nghĩ rằng tớ trêu chọc lão. Láo rút ngay một lưỡi kéo phóng về phía tớ. May mà tớ tránh kịp nếu không thì chẳng bao giờ đằng ấy được nghe tớ kể chuyện này và cả những chuyện khác mà tớ sẽ kể cho đằng ấy nghe. Tớ đứng dậy trên đất bụi, rồi bò bằng bốn chi theo con đường ở phía sau nhà thờ thánh Becnacdo. Tớ cứ đi trên những cánh đồng của Thượng đến mặc cho số phận dun dủi. Đêm ấy tớ ngủ ngoài trời và ngày hôm sau, may mắn lám sao, tớ đến đứng trước một bầy cừu. Tớ nhìn bầy gia súc và tớ tin rằng mình đã tìm thấy nơi dung thân ngay trong bầy gia súc này. Tớ cảm thấy rằng cái nghiệp trông nom đàn gia súc là của chính mình, chức nghiệp bảo vệ và che chở những kẻ yếu đuối và hèn kém trước những thế lực mạnh và hung hãn. Hầu như tớ chỉ mới đưa mắt nhìn một trong số ba người chăn cừu thì người đó đã gọi: “Tô! Tô!”. Hiển nhiên người đó gọi tớ và ngay lập tức tớ cũng đến gần người ấy, lễ phép cúi đầu và ve vẩy cái đuôi tỏ vẻ mừng rỡ. Người đó đưa tay lên sờ lưng tớ, vạch mõm tớ, nhổ nước bọt vào mõm tớ rồi nhìn vào hai mắt tớ. Thế là người ấy đoán được tuổi của tớ và nói với những người chăn cừu kia rằng tớ có đủ các đặc điểm của một con chó nòi. Giữa lúc ấy ông chủ đàn gia súc cầm cây giáo và đeo gia huy cưỡi trên lưng một con ngựa cái có bộ lông màu hạt dẻ cũng vừa đến kịp. Nhìn ông ta trong tư thế ấy thì thấy ông giống người lính canh giữ bờ biển hơn là một tay chủ trại chăn nuôi. Ông ta hỏi người chăn cừu rằng: “Con chó này thế nào, nó có ngoan nết không?”. Người chăn cừu bèn trả lời: “Thưa ông. Con đã xem kỹ và thấy rằng ở con chó này không có dấu hiệu nào chứng tỏ nó không phải là con chó không có triển vọng lớn. Bây giờ nó đến đây và con không biết rõ nó là của ai vì có điều con biết chắc rằng những đàn gia súc quanh đây không hề có con chó này” – “Đúng thế đấy – ông chủ nói – Hãy lấy chiếc vòng có ghi tên Leongxido của con chó vừa chết mà đeo vào cổ nó, hãy cho nó ăn uống tử tế như những con chó khác, hãy ve vuốt nó thường xuyên bởi vì người có quý con vật thì con vật mới ở cùng người, nghe chưa”. Ông chủ nói xong liền phi ngựa đi. Người chăn cừu liền đeo lên cổ tớ chiếc vòng và đổ đầy thức ăn vào một cái đĩa dem cho tớ ăn. Rồi người ta đặt tên cho tớ là Bacxino. Tớ rất hài lòng với công việc mới, với ông chủ mới. Tớ chăm chỉ và cẩn thận trông nom đàn cừu, không hề rời chúng một nửa bước trừ những lúc tớ ngủ. Tớ thường  nằm ngủ dưới bóng mát của lùm cây mọc bên bờ những con suối nhỏ. Những lúc thư thả như thế này tớ thường ôn lại những cảnh đời trước đây, đặc biệt là cảnh đời ở lò mổ, cảnh sống của tay chủ cũ và những người như hắn ta thường cột chặt đời mình những thích thú điên cuồng với các ả nhân tình. Ôi, bây giờ tới sẽ nói gì với đằng ấy về những việc tớ học được ở cái trường học đầu tiên nơi lò mổ nhỉ! Nhưng tớ sẽ phải giấu chúng đi kẻo đằng ấy lại bảo tớ hay dài dòng và hay chỉ trích.
XIPIONG: Vì tớ đã có dịp nghe một nhà thơ vĩ đại nói rằng thật khó lòng nếu không viết một bài thơ đả kích nên tớ khuyên đằng ấy chỉ nên đả kích một cách có trí tuệ, đừng nên đả kích một cách mù quáng mà gây nên đổ máu. Tức là tớ muốn nói rằng đằng ấy chỉ nên trần thuật các sự việc với màu sắc cụ thể, chớ nên rỉa rói và gây kích động để bất kỳ một ai đó phải đổ máu. Đó chính thực là một sự đả kích có hiệu lực và đằng ấy có thể gây cho rất nhiều người phải bật cười. Nếu đằng ấy bằng lòng với lối đả kích này, tớ tin rằng đằng ấy là một người thận trọng, rất có ý thức trách nhiệm.
BECGANXA: Tớ xin ghi nhận lời khuyên của đằng ấy và tớ tha thiết mong đợi giờ phút đằng ấy kể chuyện đời mình bởi đằng ấy vốn là người biết rõ và chỉ ra cho mình những khiếm khuyết trong nghệ thuật kể chuyện. Tớ tin rằng cùng một lúc tớ sẽ tiếp thu được bài học ý nghĩa và được giải trí khi nghe đằng ấy kể. Nhưng để tiếp tục câu chuyện của mình, tớ xin nói rằng trong những lúc nghỉ ngơi thanh thản ấy tớ nhận thấy rằng cái điều người ta nói về đời sống những người chăn cừu là không đúng sự thật. Chí ít ra là điều nói trong các sách mà người bạn gái lão chủ của tớ vẫn đọc khi tớ đến nhà bà ta. Đó là những cuốn sách nói về những người chăn cừu, đàn ông và đàn bà, suốt đời chỉ có ca hát và thổi sáo thổi tiêu, thổi tù và, cả những nhạc cụ kỳ lạ khác. Tớ dừng lại chăm chú nghe bà ta đọc và tớ biết rằng người chăn cừu ở Anphrixo có giọng hát du dương và trong sáng đã ngợi ca cô Belisada có một không hai. Anh ta hát không dứt lời suốt từ lúc mặt trời mọc trên đỉnh núi Aurora cho đến khi khuất bóng sau đỉnh núi Teti. Trong thời gian đó anh ta tha thẩn đi lại khắp cả vùng đồi Acdia đến mức không một thân cây nào anh ta không ngồi lên để mà ca hát. Không chỉ ca hát ban ngày mà ngay cả khi đêm với đôi cánh đen của nó đã phủ kín mặt đất, anh ta vẫn không ngừng ca những bài hát du dương và cả những lời rên rỉ tuyệt vời (Những nhân vật trong truyện La Axxadia của Lope de Vega). Bà ta mải mê đọc cuộc đời người chăn cừu Elixio, người chỉ biết yêu chứ không dám mạo hiểm (nhân vật trong truyện La Galatea của chính Xecvantex). Sách cũng nói rằng người chăn cừu Philida (nhân vật trong truyện Người chăn cừu Philida của Ganvet), họa sĩ duy nhất của bức chân dung của anh ta, từng là kẻ hợm hĩnh hơn là người được sống hạnh phúc. Về những thất vọng của Sireno và những nỗi niềm ân hận của Diana, sách nói rằng nhờ có Thượng đế và sự thông thái của Phelixia (những nhân vật trong Bảy cuốn sách về nàng Diana của J. de Mongtemado), người với dòng nước mát của mình đã giải được quan hệ rắc rối giữa hai người và làm sáng tỏ những lực lượng bí hiểm đã cản trở hai người. Tớ nhớ mình đã nghe đọc rất nhiều sách từ thuở ấy nhưng tất thảy những cuốn sách nói về cuộc sống người chăn cừu đều không đáng để ta nhập tâm.
XIPIONG: Thấy chưa Becganxa, đằng ấy đã làm theo đúng lời khuyên của tớ rồi đấy. Đả kích, châm chọc rồi cho qua. Chỉ mong đằng ấy có một tư tưởng, tình cảm thật trong sáng thì dù cái lưỡi đằng ấy không thích như vậy, đằng ấy vẫn thành công trong lúc kể chuyện.
BECGANXA: Quả đúng thế, lưỡi ta sẽ không bao giờ vấp váp nếu ta có một tư tưởng chủ đề thật trong sáng và chín chắn trong khi kể chuyện. Nhưng nếu như có lúc nào đó tư tưởng chủ đề của tớ chựa thật chín muồi mà tớ đã lên tiếng đả kích và nếu có ai định chế nhạo tớ thì tớ sẽ trả lời họ bằng chính câu trả lời của Mauleong, nhà thơ ngụ ngôn và viện sĩ của Viện hàn lâm những kẻ bắt chước. Có một người hỏi ông ta Deumde Deo nghĩa là gì thì ông ta bảo: Của ai trả người ấy.
XIPIONG: Đó là câu trả lời của một thằng ngu. Đằng ấy nhớ cho là không bao giờ được nói điều gì mà ngay sau đó phải xin lỗi. Hãy tiếp tục câu chuyện đi.
BECGANXA: Những tư tưởng tớ từng đề cập tới cũng như nhiều suy nghĩ khác mà tớ chưa nói ra khiến tớ nhìn rõ giữa người chăn cừu tớ cùng chugn sống với những người chăn cừu trong sách là hoàn toàn khác hẳn nhau. Bởi vì những người chăn cừu của tớ khi họ hát thì không phải là những bài hát du dương và được đặt lời trang nhã, mà là những lời này: “Con sói đến kìa, hãy bắt lấy nó, hỡi Hoanica!”. Hoặc những câu hát tương tự khác. Những lời hát này không vang lên theo âm nhạc phát ra từ sáo từ tiêu, từ tù và mà chúng theo nhịp phách của hai chiếc gậy đuổi bò đập vào nhau và chúng cũng chẳng được hát với giọng trong trẻo, vang vọng, ngây ngất mà ngược lại với giọng ồm ồm mà khi chúng vang lên, dù đơn ca hay đồng ca. Chúng không phải là tiếng hát, trái lại, là tiếng gào thét hay gầm gừ. Những lúc rỗi rãi họ bắt chấy rận cho nhau hoặc sửa lại đôi giày da thô. Trong số họ, không có ai được gọi bằng những cái tên xinh đẹp và thơ mộng như Amatita, Philidat, Galatia, Diana (đó là tên con gái). Cũng chẳng một anh con trai nào có cái tên đẹp như Lisacdo, Lauxo, Haxinhto và Risoto. Tất cả bọn họ đều được gọi bằng những tên thông tục như Anton, Dominhgo, Bablo hoặc Dorente. Nhờ vốn sống thực tế ấy mà tớ hiểu rằng tất cả những gì tớ hằng suy nghĩ đều đáng để mọi người tin tưởng: những cuốn sách kia là những cuốn sách viết về những chuyện mơ mộng và được viết rất hay để mua vui cho đám người nhàn rỗi và nội dung của chúng chẳng chứa đựng một mảy may sự thật nào.
XIPIONG: Đủ rồi, Becganxa ạ. Đằng ấy hãy trở lại câu chuyện của mình đi và hãy tiếp tục đi.
BECGANXA: Đa tạ Xipiong, bạn thân mến ạ. Vì nếu đằng ấy không nhắc thì tớ cứ trơn miệng mà nói đến mức minh họa lại cho đằng ấy cả một cuốn sách thuộc số những cuốn sách đã lòe bịp. Nhưng tớ hy vọng rằng sắp tới sẽ kể rành rọt hơn, hấp dẫn hơn.
XIPIONG: Đằng ấy hãy nhận chân cho rõ những thiếu sót của mình và hãy mạnh dạn vứt bỏ thói văn hoa rườm rà. Nghĩa là tớ muốn nói rằng, Becganxa ạ, đằng ấy hãy nhận rằng: đằng ấy là một con vật thiếu lý trí và giờ đây nếu đằng ấy tỏ ra là một người có chút ít lý trí nào đó thì đó là sự việc kinh khủng và chưa từng thấy như hai chúng ta vừa mới thảo luận xong.
BECGANXA: Đúng như vậy, nếu như tớ còn ở trong tình trạng ngu dốt của mình. Nhưng giờ đây điều mà tớ định nói với đằng ấy ngay từ lúc đầu buổi nói chuyện này đã trở lại trong trí nhớ của tớ rồi. Tớ không chỉ hào hứng bởi việc tớ nói mà còn bởi cái điều tớ quên chưa nói.
XIPIONG: Vậy có phải lúc này đằng ấy không thể nói về cái điều vừa nhớ lại được sao?
BECGANXA: Đó là chuyện xảy ra giữa tớ và mụ già quyến rũ, học trò của bà phù thủy Gamacha de Mongtida.
XIPIONG: Thế thì bạn hãy kể ngay đi trước khi kể sang chuyện đời đằng ấy.
BECGANXA: Chuyện ấy tớ chưa kể bây giờ đâu. Dĩ nhiên phải kể đúng lúc. Đằng ấy hãy bình tĩnh nào và hãy nghe theo thứ tự những chuyện của đời tớ. Như vậy đằng ấy sẽ thú vị hơn, chả là vì chính đằng ấy đang muốn biết hoàn cảnh câu chuyện trước khi bước vào câu chuyện đó sao?
XIPIONG: Hãy nhớ là chỉ nên nói ngắn gọn và súc tích. Đằng ấy hãy kể điều đằng ấy muốn kể đi.
BECGANXA: Vậy là tớ mãn nguyện với công việc canh gác đàn gia súc vì hằng ngày tớ ăn miếng bánh do công sức và mồ hôi mình làm ra. Tớ cũng thấy rằng tớ hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của cuộc sống “nhàn cư vi bất thiện”, vì nếu như ban ngày là được thảnh thơi đôi chút thì về ban đêm tớ không ngủ vì thường xuyên phải chạy nhảy đuổi bắt bọn chó sói, kiểu như những người chăn cừu vừa hô: “Bacxino, chó sói, Bacxino” và thúc giục chó đuổi bắt sói thì tớ là anh chàng dẫn đầu đàn chó xông về phía người ta chỉ có bọ sói. Tớ chạy qua các vực thung lũng, leo lên những đỉnh đồi, xuyên qua các cánh rừng, nhảy qua các vực sâu, vượt qua các con đường để rồi sáng hôm sau trở về lòng buồn vì không bắt được sói và cũng chẳng thấy dấu vết chúng đâu mà chân vấp toác miệng. Lúc ấy chúng tớ cảm thấy mệt bã người và càng chán nản hơn khi nhìn thấy một con dê cái chết hay một chú cừu bị vật cổ, bị sói ăn dở dang. Tớ càng buồn hơn nữa khi thấy mọi công lao chuyên cần trông nom đàn gia súc của mình đều bị đổ xuống sông xuống biển hết. Ngày hôm sau, ông chủ liền đến, bọn chăn cừu chạy đến đón ông mang theo cả những chiếc da của con vật đã chết. Ông chủ mắng mỏ bọn chăn cừu ngu dốt để sói ăn thịt gia súc của mình và ra lệnh cho bọn chăn cừu trừng phạt bọn chó lười. Thế là đòn roi thi nhau rơi xuống người chúng tớ, còn những lời mắng nhiếc thậm tệ rơi xuống đầu bọn họ. Vì vậy, một ngày nọ, vì thấy mình bị đòn oan, vì thấy công lao của mình không đem lại kết quá, nên tớ quyết định thay đổi cách thức rình bắt bọn sói. Tớ không ở xa bầy gia súc như vẫn thường làm mà tớ ở ngay trong giữa đàn gia súc bởi tớ nghĩ rằng bọn sói sẽ đến tận đây vì đây mới là chỗ thuận lợi cho chúng bắt gia súc. Mỗi tuần chúng tớ phải thay nhau canh giữ đàn gia súc. Một đêm tớ đã có dịp tận mắt nhìn thấy bọn sói. Tớ nghĩ rằng bầy gia súc thấy sói lại nằm im là chuyện không thể có được. Thế nào chúng cũng be lên và hoảng hốt chạy khi nhìn thấy sói. Tớ nép mình ở phía sau một thân cây. Những con chó khác, bạn tớ chạy lên phía trước. Rồi từ gốc cây này tớ ngời rình và tớ thấy hai người chăn cừu đến bắt lấy một chú cừu béo nhất đàn, giết nó theo cách thức đặc biệt để sáng hôm sau khi người ta nhìn thấy xác cừu chết thì cứ đinh ninh tin rằng thủ phạm là bọn sói. Tớ đứng lặng người đau đớn khi thấy rằng những người chăn cừu lại chính là bọn sói và chính họ đã xả thịt con vật mà đáng lẽ họ phải có bổn phận trông nom chu đáo. Ngay sau đó, họ đi báo cho chủ biết có sói đến bắt cừu, trình cho chủ xem tận mắt tấm da con vật vừa bị giết và phần thịt còn lại. Còn bọn họ ăn phần thịt nhiều hơn và ngon nhất. Ông chủ lại mắng chửi bọn người chăn cừu, lại ra lệnh cho trừng phạt bọn chó chúng tớ. Làm gì có sói: chỉ có bọn người chăn cừu hèn nhát. Tớ muốn tố cáo điều đó nhưng tớ lại câm không nói được. Tất cả những sự kiện ấy khiến tớ vừa mừng vừa giận. “Lạy chúa, chúa hãy soi sáng con – tớ nghĩ thầm – Ai sẽ thấu cho cái tội lỗi này. Ai là người có sức mạnh để làm cho mọi người hiểu rằng công việc bảo vệ đàn gia súc này bị tấn công ngay từ bên trong, rằng bọn người canh gác phải làm nhiệm vụ thì lại ngủ khì, rằng kẻ được tin cậy giao cho việc trông nom tài sản lại ăn cắp chính tài sản ấy, kẻ đi bảo vệ ngài lại giết chính ngài”.
XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí phải. Vì không một tên kẻ trộm nào nguy hiểm bằng chính thằng ở trong nhà. Chính vì thế mà những người thận trọng bị thất bại, trong khi đó những kẻ phổi bò thường xuyên bị thất bại đấy. Nhưng cái đau khổ của con người ở chỗ nó phải tin và tự tin, nếu không thì làm sao nó sống được trên thế gian này. Nhưng thôi, đằng ấy hãy dừng lại ở đây kẻo tớ không muốn chúng ta trở thành những kẻ hay đả kích. Nào, đằng ấy tiếp tục đi.
BECGANXA: Tớ xin kể tiếp. Tớ bèn quyết định bỏ nghề, mặc dù tớ vẫn tiếc v2i quả thật nó không đến nỗi tồi lắm. Tớ tìm một nghề khác dù không được trả công nhưng cũng không bị đánh đập. Tớ trở lại thành phố Sevida, vào làm cho một nhà buôn rất giàu có.
XIPIONG: Đằng ấy làm thế nào tìm được chủ mới? Vì theo như lệ thường, ngày nay, việc tìm được ông chủ tốt để phục vụ thật là khó khăn. Các ông chủ khác nhau lắm, mỗi ngài một tính một nết. Có những ông chủ hoạnh họe đủ điều, trước tiên đòi xem có phải là con nhà dòng giống không, rồi xem mặt mũi và dáng vẻ, rồi đòi kiểm tra xem có thông minh lanh lợi không, có người còn đòi kiểm tra cả quần áo ta mặc. Để được vào hầu các ngài ấy còn khó hơn cả việc đi hầu Thượng đế, vì để vào hầu Thượng đế thì ai nghèo sẽ được Ngài coi là kẻ giàu có nhất, ai có địa vị hèn mọn trong xã hội thì được Ngài coi là  kẻ có phẩm giá nhất. Vào hầu Thượng đế, chỉ cần có trái tim trong sạch, thề tận tình phục vụ Ngài thì sẽ được Ngài nhận và sai ghi tên mình vào sổ lưu, chỉ cho mình biết số lương mình được hưởng mà số lương này dù có lớn đến đâu đi nữa cũng chỉ đủ thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi.
BECGANXA: Xipiong ạ, tất cả những điều đó đã được mọi người biết tỏng rồi.
XIPIONG: Tớ cũng nghĩ như thế đấy, Thôi, tớ xin ngừng lời để đằng ấy kể chuyện vậy.