Học làm người
Ráng chiều

     ũy tre đầu làng vẫn vậy, đường làng quê vẫn nhắp nhô cong cong dưới nắng trưa, những đứa bé đầu trần quần đùi ngắn cũn phơi đôi chân đen đúa, tròn xoe mắt nhìn theo... tất cả vẫn như xưa có khác chăng là ngày xưa tôi về quê nội một mình, còn hôm nay thì đông đủ cô, dì, chú, bác, ba tôi, và cả chồng tôi. Ngày xưa có cô Diệu tất tả bước trên đường làng quanh co, ánh mắt chờ đợi thấp thỏm dưới vành nón và nụ cười giữa những nếp nhăn quanh môi “Cô đoán hôm nay Bé về mà, có sai đâu”. Ngày xưa tôi mười sáu tuổi.
Cô bé mười sáu không biết được rằng mỗi mùa hè về quê để đổi gió của nó là những ngày vui nhất của cô. Nó không biết sau mùa hè, khi nó trở về thành phố tiếp tục học, cuộc sống của cô trôi đi như thế nào.
Quê nội với nó là vườn ổi lủng lẳng mà những trái to nhất luôn được dành cho nó. Quê nội là ruộng lúa xanh mướt để nó thả hồn tập làm thơ. Quê nội là mặt ao xanh thẫm nó thích thả chân khoắng đám lục bình lững lờ. Quê nội là giàn mướp luôn khiến nó ngạc nhiên về những trái mướp còn nhỏ xíu mà đã quắt queo thành xơ...
Thuở mười sáu, nó không biết quê nội còn có những đêm dài dằng dặc cô ngồi đan len, một cái áo len màu đỏ không bao giờ cô được mặc. Nó không biết quê nội còn có những bữa cơm cô chống đũa ngồi một mình nghe tiếng tu hú gọi xa xa. Nó không biết ruộng lúa xanh óng mà nó tả lại trong bài thơ tập làm, được cô bón bằng những năm tháng thanh xuân. Rồi rơm rạ khô theo thân hình gầy ngẳng và làn da lốm đốm vết đồi mồi. Nó không biết có những lần bị cảm, cô tự vạch áo cạo gió, tự nấu nồi lá xông, và dưới cái mền trùm kín cô ước có một chén cháo hành tiêu thật nóng.
Nó không biết, tuổi mười sáu cần gì phải biết những điều đó. Vậy là cứ mỗi mùa hè nó vô tư làm một sợi dây mỏng manh nối liền phần họ hàng bỏ làng ra phố ngược xuôi với phần còn lại ở quê là bà nội và cô Diệu. Nó vô tư lặp lại nguyên văn lời thăm hỏi “... Đây là quà của nội, đường, sữa, thuốc bổ... Đây là vải, quà của cô. Các bác nói cô cố chăm sóc bà nội rồi mai mốt nhà và vườn cũng thuộc về cô thôi”. Tuổi mười sáu, con bé không biết những giọt nước mắt rơi trên tấm vải mới vì sao. Nó tin ngay khi cô nói “Cháu về cô mừng quá, nước mắt tự nhiên cứ chảy ra”.
Cái khờ khạo của tuổi mười sáu, cái vô tư của tuổi mười sáu và cái tàn nhẫn của tuổi mười sáu. Cô Diệu ơi! Hôm nay cả họ về đây đưa cô và bà nội về phố. Quà muộn rồi. Xin cô tha thứ cho tất cả và xin cô tha thứ cho con bé mười sáu ngày xưa.
“Hụp” - Đôi giày cao gót trẹo về một bên, tôi bật kêu vì đau. Chồng tôi mỉm cười:
- Em thường nói là đường làng em quen lắm, nhắm mắt cũng đi được mà.
Bỗng nhiên tôi nổi cáu:
- Anh về làng sống vài chục năm rồi hãy nói sống quen hay lạ.
- Cái con này - Ba gõ vào đầu tôi - Chỉ giỏi ăn hiếp chồng.

 

Đó là mùa hè cuối cùng tôi có cô.
Khi tôi đưa cho cô tấm vải, món quà thường lệ của mùa hè, cô không khóc. Cô giũ giũ tấm vải và vuốt ve nhè nhẹ:
- Đẹp quá bé há? - Rồi cô choàng tắm vải quanh người, mặt ửng đỏ - Bé thấy cô mặc màu này được không?
- Trời ơi! Được chứ sao không. Ngày mai qua chợ may liền đi cô.
Cô ngập ngừng. Mân mê tấm vải một hồi, cô gật đầu:
- Mai bé đi may với cô nghe. Biết may kiểu gì bây giờ?
- Cô may kiếu này nè - Tôi đưa tay vẽ một đường tròn quanh cổ.
- Đừng... Kiểu gì kín kín một chút.
- Cô xưa quá là xưa. Thôi kiểu này - Tôi hào hứng lấy giấy ra vẽ một lúc ba bốn kiểu áo.
Cô lắc đầu quầy quậy:
- Thôi. Để cô may áo bà ba.
- Lại bà ba - Tôi thở ra - chán cô ghê.
- Cô già rồi. Kiểu cọ người ta cười.
Lẽ ra nên nói “Cô có già đâu”, tôi lại la lên “Già thì già chứ, có sao đâu”.
Tôi làm đầy ngôi nhà bằng những chuyện của phố xá họ hàng. Cô xuýt xoa khi nghe kể một đứa cháu đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh đoạt giải ba.
Rồi tôi kể chuyện học hành của tôi, bạn bè... Cô háo hức lắng nghe. Mỗi khi tôi ngừng, cô lại nói “Bé kể cô nghe nữa đi”.
- Bé này... bé có bồ chưa?
- Bồ? Xì... - Tôi bĩu môi.
Tôi leo lên cây ổi ngồi vắt vẻo. Cô lo lắng:
- Coi chừng té bé ơi. Con gái gì mà...
Tôi cười khoái chí khi thấy cô sợ. Cái vòng đá màu hổ phách trên tay tôi chạm vào cành ổi bật kêu “cong” một tiếng, tôi tháo ra đưa cho cô:
- Cô đeo dùm, cháu sợ nó bể quá.
- Ai đời... thân mình té không sợ, sợ bể cái vòng - Cô săm soi mặt đá lóng lánh - Bé mua cái vòng này bao nhiêu?
- Cháu có mua đâu, cái thằng kia nó tặng cháu.
- Có ưng người ta không mà nhận quà? - Mắt cô ngước nhìn tôi thoáng vẻ tò mò và điều gì nữa mà tôi không hiểu được.
- Trời - Tôi cắn một miếng ổi và bóp đi con kiến đang bò lên cánh tay - Cháu không ưng mà cháu cứ nhận quà, có sao đâu.
Cô đeo cái vòng vào cổ tay nổi đường gân xanh, tay kia lần quanh đường tròn của mặt đá lóng lánh. Trong bóng gió chiều đưa, mắt cô ngước lên trời.

 

- Bé này!...
Tôi nhìn cô. Đây là lần thứ mấy mươi rồi, suốt tuần cô cứ gọi tôi rồi ngập ngừng dừng lại. Trên khuôn mặt li ti nếp nhăn của cô có vẻ gì đó khó tả - bồn chôn, lo âu và cả ước mong.
- Có chuyện gì vậy cô?
Tôi úp quyển truyện đang đọc lại, đẩy qua một bên, tỏ vẻ sẵn sàng giúp cô bất cứ chuyện gì.
Cô chợt đỏ mặt, hai bàn tay cô cũng ửng đỏ, run run:
- Không... Có chùm ổi chín ngoài vườn. Cô hái bé ăn nghe?
- Cô định nói gì vậy? -Tôi đến bên và ôm vai cô. Những cọng tóc cưng cứng cọ vào má tôi. Tôi chợt nhận ra tôi cao hơn cô. Bắt giác tôi mỉm cười khi nhận ra một sự thay đổi kỳ lạ như tôi và cô đã đổi chỗ cho nhau, tôi đang đợi nghe cô nói như cô thường lắng nghe tôi.
- Bé này... Bé đừng kể lại với ai nghe...
Giọng thì thầm nghiêm trọng của cô khiến tôi hồi hộp lây.
- Cháu không nói với ai đâu mà. Cô cứ nói đi.
- Tuần tới... tối Chủ nhật... cô có hẹn gặp một người...
- Với ai? - Giọng tôi chợt nặng xuống, ngỡ ngàng.
Cô nhìn tôi van lơn:
- Với Sinh... Bé thấy sao? - Mắt cô cụp xuống.
Một cái tên lạ hoắc! Tôi không quan tâm tới người tên Sinh đó. Tôi chỉ nghĩ đến một điều - tôi chưa thấy ai già như cô mà yêu đương hẹn hò cả. Họ hàng nhà tôi thường ngày nói chuyện về cô đều cho rằng với cô vậy là hết mong đợi gì nữa rồi.
Vòng tay đang ôm vai cô lỏng dần, chân tôi chợt nhích ra xa. Giọng cô như người bị hụt hơi:
- Bé... bé có cười cô không?
Tôi đứng sựng nhìn cô. Vai cô rủ xuống:
- Bé khinh cô phải không?
Cuộc hẹn hò đầu tiên của cô khiến tôi mất ngủ. Có điều gì đó xáo trộn khủng khiếp như đất và trời đã đổi chỗ cho nhau. Rồi sáng dậy mở cửa sổ ra, tôi vẫn thấy trời ở trên cao và đôi chân tôi dẫm trên nền nhà lặng ngắt.
Nỗi sững sờ ban đầu qua đi, tôi nghĩ đến buổi hẹn hò của cô với ít nhiều tò mò. Ngoài tôi ra còn có ai biết buổi hẹn hò này không? Bà nội thì dĩ nhiên là không rồi. Vườn ổi thì chỉ rì rào với gió, chẳng màng gì đến mối tình của cô tôi. Giàn mướp cũng vậy. Bầy gà cục cục lù đù. Con chó mực sủa vang bất cứ ai ngang qua nhà khiến tôi chẳng thể đoán được ai lạ ai quen. Con mèo vàng thường ngủ dưói chân giường cô, ngày tôi về đá cho hai cái, nó trốn biệt đâu mất.
Ngày ngày, tôi và cô vẫn đi lên đi xuống, vẫn đối diện nhau trong bữa ăn, vẫn cùng quét lá vườn ổi... chỉ có việc chăm sóc bà nội là tôi không thể. Bà khó tính đến phát sợ, chỉ mình cô chịu được.
Nếu... cô lấy chồng thì lấy ai chăm sóc bà? Bỗng nhiên tôi tự hỏi. Ai ngày ngày đút cháo bà ăn? Ai nấu nước lá lau mình cho bà? Ai đêm đêm thức dậy ba lần kê bô cho bà tiểu? Ai sẵn sàng lúc nào cũng có mặt khi bà rên rỉ gọi? Ai... Tôi nhận ra không có ai! Đúng vậy, không có ai!
Các cô, cái dì, các chú, các bác và cả ba mẹ tôi, ai cũng có những lý do chính đáng để lảng xa bà.
Tôi chợt muốn nói với cô một câu ân cần. Nhưng tôi không biết phải nói gì. Tôi chăm chăm đợi ánh mắt cô, còn cô thì gằm mặt lẩn tránh.
Cho đến chiều Chủ nhật, khi đốt đống lá trong vườn, tôi tuôn ho sặc sụa vì khói.
- Bé đứng qua phía này tránh gió - Cô nói nhỏ, nhìn tôi thật nhanh rồi cúi xuống. Bao nhiêu nỗi niềm chất chứa trong khóe nhìn ngắn ngủi ấy. Nỗi bồn chồn và gì đó như chờ mong sự thông cảm...
Tôi thốt lên:
- Tối nay cô có mặc áo mới không?
Ôi! Cô Diệu! Hồi đó cháu mới mười sáu tuổi. Ước gì thời gian có thể lặp lại để cháu bây giờ được đứng với cô chiều hôm đó...
- Cô nghĩ lại rồi, mọi người sẽ cười cô, cười cả họ nhà mình. - Cô vừa nói vừa nhìn tôi chờ đợi phản ứng.
Tôi thở ra nhẹ nhõm:
- Đúng rồi. Ai lại già như cô mà còn lấy chồng. Lại còn bà nội nữa..
- Ờ cô cũng nghĩ vậy nên... thôi - Cô gượng cười. Khói thoảng qua mặt cô một màn xám nhạt thâm kim.
- Mà Sinh là ai vậy cô?
Gò má cô tóp lại:
- Thôi đi bé. Coi như cô chưa nói gì với bé cả.
- Mà cô có yêu người ta lắm không? - Con bé mười sáu vặn vẹo.
Cô cười héo hắt. Mới mấy ngày mà cô sọm hẳn đi.
- Cô già rồi, yêu đương gì nữa. Bé biết không - Cô vụt nói như phân trần - Chẳng qua là cô mong có một đứa con.
- Trời ơi... Có ai già như cô mà sinh con đâu.
Nửa đêm tôi giật mình thức giấc. Quờ tay qua bên thấy trống, tôi tỉnh hẳn. Ý nghĩ đầu tiên xẹt qua tâm trí “chắc là cô đợi mình ngủ say để đi đến chỗ hẹn hò”. Tôi mở bừng mắt ngồi dậy thò chân xuống giường, lòng bừng bừng.
Rồi tôi nhìn thấy cô đứng trước tủ áo quần, cánh cửa tủ mở hờ che khuất thân hình cô, tôi nhẹ nhàng rút chân lên nằm xuống lại, hé mắt nhìn. Cô định thay quần áo, đi?
Cô thay cái áo mới. Những ngón tay xương chậm chạp gài từng hạt nút. Cô vuốt ve ngực áo, quay đầu ra sau ngắm lưng áo, bàn tay lần xuống vạt áo... Rồi cô ngồi xuống ghế hướng về cánh cửa đóng kín.
Chậm chạp như lúc mặc vào, cô lần từng hạt nút áo, cởi ra, vuốt ve cái áo một lần nữa rồi treo lên móc, lẳng lặng khép cửa tủ. Cô mặc lại cái áo cũ, vai áo bạc như rắc phấn. Thổi tắt đèn, cô rón rén lên giường. Tôi nằm yên không nhúc nhích. Cô quay qua ôm tôi, hơi thở nén lại rồi thành một làn gió lạnh sau gáy tôi.
Giường kế bên, nội rên rền rền và cất tiếng gọi hờ.

 

Mùa hè năm sau tôi bận thi đại học, không về quê. Người làng lên phố ghé nhà đưa tôi chùm ổi - quà cô gửi Bé.
Mùa hè năm sau nữa bạn bè sinh viên tổ chức đi chơi xa. Và mùa hè năm sau nữa cũng vậy...
Rồi tôi hay tin nội chết. Ba tháng mười ngày sau cô Diệu cũng chết. Người ta nói nội chết nhằm giờ trùng nên bắt cô theo.
Người làng ra phố ngày càng đông, nhất là thanh niên trai tráng. Ai cũng nhấp nhỏm ước vọng đổi đời. Thỉnh thoảng, ai đó ghé nhà kể một vài chuyện ở làng. Có người kể rằng mộ cô tôi và nội gần nhau nhưng sáng sớm ra đồng, người ta thường thấy khói nhang bay trên mộ cô. Tôi suýt buột miệng hỏi trong làng có người đàn ông nào tên Sinh không nhưng rồi tôi kìm lại được. Khói nhang vốn mong manh, câu hỏi của tôi có thể trở thành cơn gió cuốn bay chút vết tích của mối tình muộn màng.
Không ai sống cả cuộc đời chỉ để thắp nhang cho một người đã chết, tôi biết vậy. Nhưng khi ra đến nghĩa trang, tôi vẫn chăm chăm nhìn vào hai cái lư trên hai ngôi mộ. Và... tôi đã làm việc ngớ ngẩn là đếm những cây chân nhang. Trời ơi! Số chân nhang bằng nhau, không nhích, dù chỉ là một cây.
Tôi úp mặt vào vai chồng lặng khóc. Cả mối tình muộn màng của cô tôi cũng đã lụi tàn.