Lời trần tình

     òa: “Chị có công nhận mình ngoại tình không?”
Người vợ: “Không”.
Im lặng.
Người vợ: “Tôi công nhận mình phụ tình”.
Gia đình chị kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân vì anh đã có một đời vợ mà lý do chia tay chỉ là anh không có con. Nhưng chị khăng khăng, gia đình đành chịu.
Chị về với anh, về với ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm không xa phố lắm. Sáng sáng anh đưa chị đi làm rồi mới đến cơ quan, trưa anh đến đón chị, ghé chợ mua thức ăn. Chiều cũng vậy. Buổi tối, nếu chị thích, anh đưa chị đi xem phim và ăn tối ở quán có tiếng ngon nhất thị xã. Không thì ở nhà, tủ lạnh lúc nào cũng đầy trái cây, tivi đầy ắp chương trình hay...
Đến một lúc chị nhận ra cuộc sống êm đềm của mình sao mà lặng lẽ. Bên bàn ăn luôn chỉ là hai người. Trong phòng ngủ luôn chỉ là hai người. Trước tivi luôn chỉ là hai người.
Có khi vừa bật tivi lên gặp ngay chương trình Những Bông Hoa Nhỏ chị nhấn nút tắt phụt. Căn nhà xinh xắn gọn gàng nhưng thiếu cái gì đó làm nên sức sống. Nhất là ngày Tết. Ngày Tết người ta chở con đến chúc mừng, nhận tiền lì xì, những đứa bé ríu rít chào.
Ngôi nhà nhỏ trở nên rộng mênh mông. Thời gian trở nên dằng dặc. Không có đứa bé nào khóc để chị bận rộn với việc dỗ dành. Không có đứa bé nào bày đồ chơi bừa bãi cho chị dọn dẹp. Không có đứa bé nào vòi vĩnh cho chị chiều chuộng. Không có đứa bé nào cho chị đan mũ vớ mùa đông...
Chị đi ngang qua gian hàng bán đồ chơi trẻ con, lòng trống rỗng. Ngang qua trường mầm non vang tiếng léo nhéo, lòng trống rỗng. Nền nhà sạch như chưa bao giờ dơ, đồ đạc gọn gàng như không hề có ai sử dụng. Những con búp bê trong tủ kính mở to đôi mắt trong veo nhìn chị, một kiểu nhìn không đổi từ bao năm nay, những con búp bê chưa bao giờ biết nói... Ngôi nhà im lặng buồn tênh.
Khi anh đưa cho chị một món tiền, chị nghĩ những đồng tiền này dành dụm để cho ai? Người ta lao vào kiếm sống làm gì khi mà chẳng có ai để gởi gắm ước mơ?
Chị bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại lấy anh? Thoáng trong lòng một chút nuối tiếc mơ hồ. Rồi chị nhăn mặt khi anh giở tờ báo sột soạt che mất ánh đèn. Chị nhăn mặt khi anh hút thuốc và chị cố ý ho sặc sụa. Chị nhăn mặt khi anh vô ý treo cái áo của anh bên trên làm nhàu áo chị. Chị nhăn mặt khi anh uống nước xong quên úp ly...
Rồi trước thái độ trầm tĩnh chịu đựng của anh, chị lại thấy ân hận. Anh là một người chồng tốt. Trong khi bạn bè chị luôn phàn nàn về ông chồng hay đi nhậu, ông chồng có tính trăng hoa, ông chồng chỉ biết lao vào công việc quên cả vợ con, ông chồng thích chơi trò xổ số... thì chị chẳng kiếm đâu ra được khuyết điểm của chồng mình. Khuyết điểm lớn nhất lại thuộc về ý Trời.
Thấy mình vô lý chị lại ân cần chăm sóc anh, lại cùng anh đi ra đường, một cái cớ nào đó để người ta nhìn thấy vợ vợ chồng chồng, đi xem phim chẳng hạn. Ngồi sau xe chị áp má vào vai anh và muốn bạn bè biết anh đang hạnh phúc.
Nhưng cái hạnh phúc đó mong manh làm sao. Chị quanh quẩn trong nhà suốt những buổi trưa rỗng tênh và những buổi tối lỏng lẻo mong ngày mai đến sớm, công việc may ra có thể lấp đầy. Mà không. Ở cơ quan, bạn bè của chị hào hứng kể về những đứa con. “Hôm nay nó mọc thêm hai cái răng”. “Trời ơi, nó té từ trên giường xuống may mà không sao...” “Nó biết nói tiếng khó phát âm là ngoại ơi rồi đó...” Hoặc một lời thở than “Sao nó đau hoài, nay nóng mãi lạnh, chán ghê”...
Ngày mai rồi cũng giống hôm nay thôi. Những khoảng lặng im trống trải.
- Em có muốn xin một đứa con không?
Một buổi tối anh hỏi chị, giọng nhẹ nhàng, đượm buồn và mệt mỏi. Chị chợt nhận ra anh không khác gì chị. Chị úp mặt vào ngực anh, nghẹn khóc:
- Không. Không sao. Anh đừng nghĩ ngợi gì.
- Em không cần giấu diếm hoặc an ủi anh. Anh hiểu mà. Anh biết em buồn. Hay là...
Anh ngập ngừng, thở dài. Chị hốt hoảng sợ anh thốt ra thành lời:
- Không! Không bao giờ! Anh đừng nói vậy.
Anh xúc động ôm chị vào lòng. Vòng tay anh vẫn mạnh mẽ như ngày đầu nhưng không đủ sức gợi lên trong chị nỗi khát khao gắn bó. Chị chẳng còn hy vọng với một tình yêu mãnh liệt thì người ta có thể sinh ra ít nhất là một đứa con, bất chấp ý Trời.
Nhưng dù sao chị cũng vẫn yêu anh! Xen lẫn trong tình yêu đang chao đảo là ý thức về trách nhiệm, bổn phận, đạo lý. Chị lại vui vẻ với anh. Chị thản nhiên lướt mắt qua những đứa bé, giấu kín nỗi thèm muốn, thản nhiên khen “Con bé dễ thương quá!”.
Chị lại đi chợ mua những món ăn anh ưa thích, mua hoa về chưng phòng khách. Chị lại dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như lúc nào cũng sẵn sàng đón bạn bè đến chơi.
Rồi đến khi nền nhà sáng bóng lên như gương thì chị lại nghĩ đến một đứa bé bụ bẫm đang ngồi bệt giữa nhà, quanh nó là là những món đồ chơi nhiều màu sắc...
Mình sẽ có con!
Ý nghĩ nung nấu trong lòng chị và chị biết đó là có tội.
Chắc anh sẽ tha thứ cho mình! Chị tự nhủ. Ngày ngày chị kín đáo dò xét chồng. Anh sẽ ra sao nếu biết ý định của mình? Chị rùng mình nghĩ đến điều xấu nhất. Hoặc là chồng! Hoặc là con! Chị chẳng bao giờ có được cả hai như những phụ nữ bình thường khác, chị cắn răng nuốt nước mắt nhìn quanh nơi mình đang sống. Đồ đạc tiện nghi, sáng bóng và trật tự đến lạnh lẽo. Tiếng giày của anh và tiếng guốc của chị không đủ sức gõ vào nỗi lặng thinh.
Dẫu cho ngày mai ra sao thì cũng đành.
- Em có thai. - Chị thu hết can đảm nói thật nhanh.
- Anh biết! - Tờ báo trên tay anh run run. Anh không hạ nó xuống hoặc xé toạc làm đôi.
Chị nhón người lên để có thể nhìn rõ khuôn mặt anh sau tờ báo. Gò má anh giật giật.
Chị dựa lưng vào tường, khóc:
- Em có lỗi nhưng không phải em phụ anh.
-...
- Em chỉ muốn có một đứa con thôi.
- Anh biết.
- Giờ anh muốn tính sao em cũng chịu. - Chị khóc nức nở.
- Tính sao là sao? - Anh hạ tờ báo xuống - Em có thai thì phải nghỉ ngơi, ăn uống bổ dưỡng.
- Anh đừng giận em. - Chị quỳ xuống trước mặt chồng.
Anh không nâng chị dậy cũng chẳng hất chị ra. Anh cau mày nhìn chị, đôi mắt chứa đầy ngạc nhiên như muốn hỏi vì cái gì mà chị lại hạ mình đến vậy, hạ mình trao thân cho kẻ khác rồi về quỳ xuống?
Anh quay lưng bước vào phòng.
Chị ôm mặt nhìn theo chồng qua kẽ ngón tay, lòng đau đớn. Vì cái gì? Vì ai? Chị có lỗi nhưng vì đâu? Khinh bỉ chị đến vậy sao?
Bạn bè trong cơ quan bắt đầu trêu chọc chị. Ác ý có, thông cảm có... Chị đã lường trước điều này nên đã chuẩn bị để đương đầu. Chị luôn mỉm cười khi có ai nói gần xa và khi nghe câu nào quá ác chị vẫn mỉm cười dù mặt mũi nóng rân. Và chị nghĩ đến chồng. Chắc anh cũng đang bị bạn bè trêu chọc như vậy, mà anh lại là đàn ông. Chị thấy thương anh đến quặn lòng.
Rồi chị gạt mọi chuyện qua một bên, gạt cả anh qua một bên. Chị mua vải về may những cái áo bé tí, mua len đan mũ vớ, mua khăn lông tã lót... Chị lẳng lặng đi chợ một mình, một mình nghĩ về con và một mình ấp ủ ao ước. Nếu là con trai, tên nó là Bình, nếu con gái, là Yên. Và... ước gì là sinh đôi!
- Em khiêng cái nôi về nhà bằng cách nào? - Anh nói khi thấy cái nôi màu hồng đặt giữa nhà.
- Em đi xe thồ. - Chị đáp nhỏ.
- Lần sau, muốn đi đâu, muốn chở cái gì... nói anh chở đi.
Chị len lén nhìn anh, muốn tìm trên khuôn mặt anh chút biểu lộ yêu, giận, buồn, thương... Nhưng cũng như những buổi tối khác, anh giấu mặt sau tờ báo mở rộng.
Chị lẳng lặng đơm tiếp hột nút vào mấy cái áo nhỏ tí. Người ta nói có thai mà buồn thì sinh con ra rất xấu. Chị cố quên chồng và nghĩ tới mặt trời, ngắm cảnh đẹp trên tấm lịch treo tường, nhớ đến những kỷ niệm vui thời con gái.
Giờ thì chị cũng góp chuyện rôm rả với bạn bè “Nó biết mầm mầm đòi ăn rồi”. “Nó mọc được sáu cái răng rồi. Hôm nay nó gặm hết một củ cà rốt”. “Sao nó không chịu ăn nho?”. “Ban ngày nó chơi nhưng đến tối nó lại hâm hấp nóng”...
- Nó giống ai, giống ba hay giống má?
Câu hỏi chẳng biết do thói quen hay ác ý vang lên làm trái tim chị thắt lại. Chắc bạn bè cũng hỏi anh như vậy. Nỗi oán trách chồng chợt vơi đi.
Chị tiếp tục kiên nhẫn với sự xa cách lạnh lùng một cách lịch sự của chồng. Những người mẹ khác thường càu nhàu bắt chồng phải chia sẻ nỗi khổ với con cái, chị thì không. Nửa đêm chị rón rén trở mình thay quần con tè ướt, thay khăn đắp lại mền cho con sợ tiếng khóc làm chồng mất ngủ. Nó làm rơi cái ly, chị quét dọn thật kỹ, sợ nó dẫm mảnh thủy tinh vỡ và sợ cho cả chân chồng. Đến bữa, chị bế con ra xa để anh yên tĩnh vừa ăn vừa đọc báo. Mỗi khi anh mở tủ, chị hồi hộp đợi anh hỏi tiền sao hết nhanh vậy... Nhưng anh chẳng bao giờ hỏi để chị được giải thích.
Còn thằng bé, nó đâu cần biết tại sao. Chị càng gìn giữ, nó càng cố nhoài người ra khỏi vòng tay chị. Mỗi ngày qua, nó cao thêm một tí và đến một ngày nó với tay lên bàn kéo tờ báo của anh xuống xé roẹt roẹt cười thích thú. Nó xách một chiếc dép của anh quăng ra đường. Nó ngồi lên cái mũ của anh. Anh đi làm về nó chạy ra vẫy tay, nó níu ống quần anh đòi bồng và nó lăn ra khóc nếu anh không cúi xuống với nó... Mỗi lần như vậy chị vội chạy tới bồng con lên lảng xa.
- Sao em cứ... Hãy để yên nó với anh! - Chồng chị chợt nói. Và chị đặt nó xuống cạnh anh.
Nó thò tay vào túi áo anh và moi tất cả những gì nó thấy - Cái hộp quẹt, tờ giấy, cái chìa khóa... Gặm thử thấy không ăn được, nó quăng tất cả ra nền nhà và cắn vào vai anh hét lên “măm măm”. Chị nghe tiếng anh bật cười và nước mắt chị ứa ra.
Càng lớn, thằng bé càng làm nhiều trò khỉ và chị sung sướng khi thấy anh hay nhìn nó. Có khi anh bồng nó ra đứng trước sân và trêu chọc gì đó khiến thằng bé cười khanh khách. Chị cười thầm khi anh mua về cho nó khối vuông rubic. Trời ạ, nó mới hơn bốn tuổi.
Vút qua. Đã đến ngày thằng bé vào lớp một.
Nó đi học mà giống như chính vợ chồng chị đi học. Ai cũng nhấp nhỏm theo số điểm hàng ngày của nó. Sáu điểm, rồi năm, rồi lên bảy, tụt xuống năm lại và vọt lên chín điểm...
- Bình được mười điểm ba chở đi ăn kem. - Anh hứa với nó.
Thằng bé bậm môi nhìn điểm chín cong cong trên trang vở. Rồi ngày kia, vừa thấy vợ chồng chị đến đón trước cổng trường, nó hét lên:
- Mười điểm toán!
- Con của mẹ giỏi quá!
Chị hôn lên tóc con và sau lưng chị một giọng nói vang lên:
- Thằng nhỏ chắc giống ba?
Chị tái mặt quay lại. Một người phụ nữ xa lạ cũng đợi đón con đang mỉm cười chia sẻ niềm vui mười điểm của mẹ con chị. Tim chị đập thình thịch:
- Sao chị biết nó giống ba?
- Thì... Tôi không thấy nó giống chị, tôi đoán vậy thôi. Cháu học giỏi lắm phải không chị?
Chị không gật đầu nổi, cổ chị cứng đờ. Chồng chị ngồi yên lặng trên xe, mắt anh đăm đăm nhìn thằng bé. Nó reo lớn:
- Ba ơi, đi ăn kem. Ba hứa rồi đó.
Ly kem của thằng bé chẳng những hết sạch mà nó còn le lưỡi liếm như lau. Còn hai ly kem kia chảy tan thành nước.
- Anh ăn kem đi kìa! - Chị gượng cười.
Không nhìn chị, anh nhìn thằng bé:
- Con ăn nữa không?
- Dạ nữa! -Thằng bé gật ngay lập tức.
Nó nhâm nhi ly thứ hai chậm hơn ly thứ nhất. Anh kéo ghế đến gần chị:
- Em có thấy nó giống ba không?
Chị chết trân trên ghế. Cái quạt trần quay vù vù bên trên khiến chị lạnh thêm.
- Anh không muốn nhắc lại chuyện đó - Giọng anh cắn lại giữa hai hàm răng - Anh chỉ muốn biết... ba nó có phải là một người đàng hoàng không?
Chị cúi đầu chua chát. Anh đã im lặng suốt bảy năm trời và bây giờ anh bắt đầu phán xét. Người đàng hoàng? Người đàng hoàng không bao giờ ăn nằm với vợ người khác! Và cả chị, người vợ đàng hoàng không bao giờ trao thân cho người đàn ông khác!
Chị cay đắng nhìn anh, biết rằng đã đi đến mức tận cùng của giới hạn. Thôi được, nếu cuộc sống không cho chị cả hai, dù có ray rứt triền miên thì chị phải chọn một vậy. Sự phán quyết thuộc về anh dù lỗi lầm không hoàn toàn do chị. Chị ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt anh, sẵn sàng đối đầu:
- Làm sao biết được người ta có đàng hoàng không? Ngay em đây, anh có thể nói em đàng hoàng không?
Anh ngạc nhiên nhìn chị. Chị thở hắt ra:
- Anh đừng dằn vặt em bằng sự im lặng nửa vời của anh nữa. Nếu anh muốn, em và cu Bình sẽ đi.
- Đi đâu? - Anh hỏi chậm rãi. Hình như anh muốn hiểu chị hơn là muốn biết nơi chị định đến.
- Em chưa biết, nhưng thế nào cũng tìm ra được một chỗ.
Chị đáp nhanh, liều lĩnh và bất cần. Cái điều chị cần thì chẳng thể nào có được. Đạo lý! Tình yêu! Đạo lý hẳn là không chấp nhận chị. Còn tình yêu thì đã héo hắt từ lâu. Mà chắc gì đã là tình yêu? Có lẽ anh cần có chị chỉ để lấp đầy năm tháng. Xét cho cùng thì cố níu kéo một hạnh phúc đã rạn nứt để làm gì? Thể diện ư? Không, từ ngày có con, chị đã biết phẩy tay vào dư luận rồi. Vậy thì vì cái gì. Vì cái gì mà chị và anh cứ phải đối diện nhau qua một khoảng cách suốt bao năm dài?
Chị đứng lên, lạnh lùng:
- Anh trả tiền đi, mình về, chiều rồi.

 

Khi anh đi làm về thì chị xếp xong áo quần vào va-li và đang nhét đồ chơi của cu Bình vào một cái giỏ lớn.
- Em đi thật à?
Chị cắn chặt môi. Người đàn ông này thật tàn nhẫn và vô tâm. Chị chợt nhận ra giữa họ chưa hề có chia sẻ. Họ đã ăn cùng, ngủ cùng, trò chuyện cùng nhưng không cùng chia sẻ. Cả niềm vui lẫn nỗi đau.
- Anh thấy đó.
- Cu Bình đâu?
- Ngủ. Sắp xếp xong em sẽ thức nó dậy. - Chị nói nhanh, tay tiếp tục gói những đôi giày của con lại. Chị sắm sửa cho nó nhiều quá và bây giờ thì mọi thứ ngổn ngang. Những cái giỏ phình to ra, còn căn phòng thì trống dần.
Chị nuốt cơn nghẹn ngào dâng lên cổ:
- Còn cái nôi và bộ bàn ghế học của nó cồng kềnh quá không đem theo được, anh muốn cho ai thì cho hoặc chẻ vụn ra làm củi.
- Em định đi xa lắm à? - Anh nhìn chị chăm chú, môi anh run run.
- Xa. Rất xa - Chị lau nước mắt. Suốt đêm qua chị đã nghĩ không nên nói, không thèm nói một lời, nhưng bây giờ lời lẽ tự nó cứ chảy ra - Em sẽ đưa nó đến một nơi chẳng có ai biết về anh, chẳng ai biết về em. Ở đó, con của em sẽ được bình thường như bao đứa trẻ khác. Và em cũng yên thân.
- Bắt đầu cuộc sống ở một nơi ở mới không phải là dễ dàng. - Anh nói thật chậm.
- Em biết là rất khó khăn. - Chị ghìm tiếng nấc.
Vai anh nảy lên. Chị lắc mạnh đầu. Cho đến giây phút này mà anh cũng vẫn vậy, anh vẫn lẩn tránh điều cần nói nhất. Vậy mà... ngày trước chị đã yêu anh biết bao.
- Anh không hiểu nổi tại sao em có thể từ bỏ tất cả chỉ vì... - Anh nói khe khẽ - Em thật khác ngày trước...
- Ngày trước em chỉ là một cô gái, bây giờ em là mẹ - Chị đưa tay gạt nước mắt - Anh không là cha nên anh không hiểu được đâu. Xin lỗi, em chỉ muốn nói...
- Nói gì?
- Anh vẫn là anh. Anh chưa bao giờ vì ai mà...
Giọng anh cắt ngang khô khốc:
- Nếu chỉ vì anh thì cần gì em phải đi xa. Nơi này không kiếm ra được một chỗ cho em sao? Em đi xa... Chạy trốn...
Chị trừng trừng nhìn anh. Anh không hiểu hay giả vờ không hiểu? Chị hét lên:
- Nơi này không ai cần nhớ đến em lâu như vậy. Chỉ có anh. Người em muốn chạy thật xa là anh. Chính anh luôn gợi em phải nhớ đến lỗi của mình.
Chị khóc thành tiếng.