- 4 -

Lê Trực nói:
- Chú có tin Hai Bình đã từng cầm súng?
Năm Thắng lắc đầu:
- Thật ra chẳng ai tin chuyện Hai Bình đã từng đi bộ đội cả. Anh ta say rượu nói năng trong một phút bốc đồng đấy thôi. Nếu thật sự là lính, với thương tích như thế, Hai Bình phải được công nhận là thương binh và được hưởng chế độ chính sách đãi ngộ của nhà nước.
- Vậy bác giải thích thế nào về những vết thương trên người Hai Bình?
- Tôi không biết, có thể do một tai nạn cũng nên. Trước đó, tôi chưa từng nghe anh ta nói chuyện lính tráng và cũng chẳng nghe ai nhắc đến chuyện này. Hai Bình không thể là lính, tôi dám chắc như thế.
- Anh ta có thể là quân nhân chế độ cũ? Chú có nghĩ như thế không?
- Tôi không nghĩ như thế.
Lê Trực nói:
- Và câu chuyện đã kết thúc như thế nào?
Năm Thắng thở dài:
- Thật chẳng ra làm sao cả. Lời qua tiếng lại, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Rốt cuộc, xảy ra ấu đả. Thật tình, không phải tôi có ý bênh vực Tư Tăng. Từ đầu Hai Bình đã sai, sai bét nhè. Hai bên đang tranh luận ồn ào, bỗng Hai Bình đưa tay đấm vào mặt Tư Tăng một cú đau điếng, thế mới sanh chuyện.
- Tư Tăng có đánh trả không?
- Chưa kịp trả đũa thì mọi người đã xông vào can thiệp. Tư Tăng giận dữ, tuyên bố sẽ xin Hai Bình tí huyết. Theo tôi, đó chỉ là lời nói trong lúc nóng giận mà thôi.
Tư Tăng là người như thế nào?
- Ít nói nhưng thẳng thắn và hơi cộc tính. Anh không nghi ngờ Tư Tăng có dính dáng đến sự mất tích của Hai Bình đấy chứ? Hãy tin tôi, Tư Tăng là người ruột để ngoài da và không có tật thù dai. Dù sao, ở cương vị chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, Tư Tăng phải biết giữ gìn uy tín của mình.
Năm Thắng đóng nắp chai rượu:
- Rượu ngon không có bạn hiền cũng nhạt. Uống một mình chẳng hứng thú gì, cứ như là nuốt phải nước ốc, nhạt thếch! À, Sau vụ đó, tổ hòa giải của ấp có đứng ra giải quyết. Tổ hòa giải đã nhất trí đề nghị Hai Bình phải xin lỗi Tư Tăng. Hai Bình có vẻ cố chấp không chịu nhận lỗi. Tại sao lại thế nhỉ. Sai thì phải biết nhận lỗi chứ. Rõ ràng Hai Bình bảo thủ hơn tôi nghĩ.
Lê Trực nói:
- Từ đây đến chỗ ở của Hai Bình có xa không, chú Năm?
Năm Thắng đáp:
- Không, cũng gần đây thôi, tuy nhiên hơi khó tìm. Mà chú tìm đến đó làm gì? Hai Bình đâu có ở nhà.
Lê Trực đứng dậy:
- Tôi muốn xem xét chỗ ở của Hai Bình, đồng thời tiếp xúc với những người sống bên cạnh. Hy vọng sẽ có thêm những thông tin mới giúp ích cho việc điều tra. Thôi, chào chú tôi đi. Hẹn gặp chú Năm vào dịp khác.
°
Con hẻm cụt có ba ngôi nhà nằm liền kề nhau. Từ đầu hẻm nhìn vào, nhà của Hai Bình nằm ở ngoài cùng bên trái. Chính giữa là nhà ông Tư Bốn và ngôi ngoài cùng bên phải là của vợ chồng anh Lực, chị Tam. Vợ chồng anh Lực đi vắng. Ổ khóa to bằng nắm tay treo lủng lẳng bên cửa. Nhìn thấy cánh cửa nhà ông Bốn hé mở, Lê Trực đưa tay gõ nhẹ lên mấy tiếng. Từ bên trong vọng ra tiếng con gái trong trẻo:
- Ai đó? Đẩy cửa vô đi, cửa không khóa.
Lê Trực đẩy nhẹ cánh cửa. Vừa nhìn thấy khách lạ, cô gái chừng mười tám, hai mươi tuổi đang cắm cúi bên chiếc máy may lật đật bước ra:
- Xin lỗi anh tìm ai?
- Tôi muốn gặp ông Bốn. Có phải đây là nhà…
Cô gái gật đầu, nói:
- Dạ đúng, đây là nhà ba em. Ba em đi vắng rồi chốc nữa mới về. Có việc gì không ạ?
- Tôi tìm ba cô có chút việc. Tôi có thể ngồi chờ được không?
- Tất nhiên là được. Để em lấy cho anh cái ghế.
Cô gái vào trong lấy ghế cho khách ngồi và lấy nước mời khách rồi tự giới thiệu về mình:
- Em tên Tuyết, hai mươi tuổi, là nhân viên kế toán hợp tác xã tiêu thụ. Hôm nay em nghỉ. Còn anh là..
Lê Trực nói:
- Tôi là Lê Trực, cán bộ phòng cảnh sát hình sự tỉnh. Tôi đến đây để tìm hiểu một số thông tin về sự mất tích bí ẩn của Nguyễn Văn Bình, tức Hai Bình. Cô có biết gì về Hai Bình?
Tuyết nói như reo:
- Trông anh chẳng ra dáng công an hình sự gì cả. Em cứ nghĩ anh là cán bộ thú y của huyện đấy. Tất nhiên là biết quá đi chứ. Nhà em với nhà ảnh sát vách, hai cửa sổ trên gác lại đối diện với nhau nên mọi sinh hoạt nghỉ ngơi em đều biết hết. Chẳng phải em tò mò nhưng sự việc cứ diễn ra trước mắt không muốn thấy cũng không được.
- Cô và Hai Bình có thân thiết với nhau không?
Tuyết khẽ lắc đầu:
- Thân thiết thì không, giữa ảnh với em có sự chênh lệch lớn về tuổi tác. Ảnh có vẻ thân tình với ba em nhiều hơn. Hai người thỉnh thoảng cùng uống rượu, chơi cờ tướng. Anh Bình đánh cờ không lại ba em, ba em chấp con ngựa có ván thắng, ván thua nhưng tài giải cờ thế của ảnh phải nói là vô địch. Ván cờ thế khó đến mấy ảnh cũng giải được. Có lần ảnh còn nói đùa “ cờ thế, ván nào cũng giải được vậy mà ván cờ đời cứ mò mẫm mãi không xong. “ Thỉnh thoảng ảnh vẫn nói những lời khó hiểu như vậy.
- Hai Bình còn nói những câu nào, theo cô, là khó hiểu?
- Ảnh thường nói ảnh là đứa con rơi của Thượng Đế, rồi thì hay nghêu ngao mấy bài thơ của Vũ Hoàng Chương, dài lắm, em chỉ thuộc vài đoạn” Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giong nòi khinh/ Bể vô tận sá gì phương hướng nữa/ Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh/ Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nôi chơ vơ..”. Em không hiểu ảnh làm sao nữa, thơ hay thiếu gì, ảnh chỉ thích đọc thơ buồn, thơ say. Và ảnh cũng say suốt ngày. Tại sao người ta có thể uống ngày này sang ngày khác mà không thấy chán nhỉ?
Tuyết bỗng nhoẻn miệng cười, hai má lúm đồng tiền trông rất có duyên:
- Có lần em nói với ảnh, anh say suốt ngày hèn gì người yêu bỏ anh đi lấy chồng cũng phải thôi.
Lê Trực thốt lên:
- Hai Bình trước đó có người yêu à?
Tuyết gật đầu:
- Dạ, người yêu của ảnh tên Ngọc. Hai người quen nhau đã mấy năm không hiểu sao chỉ lại bỏ ảnh đi lấy chồng khoảng hai tháng nay. Nhìn thấy hai người lúc nào cũng quấn quít bên nhau như cậu với mợ không ai nghĩ họ có thể sống xa nhau. Vậy mà...
- Cô có hiểu nguyên nhân tại sao không?
- Không. Em có hỏi, ảnh chỉ trả lời lấp lửng là tính tình không hợp, thế thôi. Nhưng em biết ảnh nói dối. Nhìn vào mắt là biết ngay thôi. Chia tay chỉ trong vài tháng, chị Ngọc lập tức đi lấy chồng. Ăn ở như vậy, có vẻ hơi bạc bẽo. Nhưng dù sao cũng nên thông cảm cho chị ấy. Chị Ngọc cũng đã lớn tuổi rồi sanh đẻ khó khăn.
Lê Trực hỏi:
- Chồng cô Ngọc ở đâu? Làm nghề gì?
- Chồng chị Ngọc tên Nghị, làm thợ điện. Nhà ở gần thị xã. Anh Nghị vừa lùn vừa đen không xứng với chị Ngọc, lại có máu ghen kinh khủng, trong khi đó chị Ngọc có vẻ không tế nhị trong cư xử nên mới sanh chuyện lôi thôi. Đáng lẽ ra, sau khi chia tay hai người không nên gặp nhau nữa…
°
Hai Bình thức dậy vào lúc giữa trưa. Anh ngồi bên chiếc bàn gỗ kê giữa nhà, hút thuốc và uống trà nguội từ đêm hôm trước trong chiếc ấm sứt vòi. Hút xong điếu thuốc, Hai Bình uể oải xuống bếp nhóm lửa nấu nước. Trong khi chờ nước sôi, Hai Bình mang mấy cọng cải bẹ xanh đem rửa rồi cắt thành từng khúc, sau đó anh cho vào rổ để cho ráo nước. Xong xuôi, Hai Bình lấy kéo cắt mép gói mỳ tôm chờ sẵn. Nước vừa sôi, anh cho cải bẹ xanh vào nồi, sau cho mỳ tôm vào. Thêm một ít bột nêm vừa ăn. Mỳ sôi, anh tắt lửa rồi gắp mỳ ra tô.
Anh bưng tô mỳ đặt lên bàn rồi xoay chiếc quạt máy hướng về phía mình. Trời nóng. Bụng đói. Mắt anh hoa lên. Cả ngày hôm qua, Hai Bình chỉ ăn lót dạ ổ bánh mỳ. Hai Bình vừa ăn vừa thổi phù phù. Thấp thoáng từ đầu hẻm có người đi vào, vừa nhận ra Ngọc, anh vội vàng giấu tô mỳ xuống gầm bàn rồi đưa hai tay hất ngược mái tóc về phía sau. Ngọc dừng lại bên cửa, em có thể vào được không. Hai Bình khẽ gât đầu, lấy khăn lau bụi bám trên ghế.
Ngọc xách chiếc túi đựng thức ăn và vài thứ linh tinh khác bước vào và ngồi xuống chiếc ghế thấp đối diện Hai Bình.
- Em mới đi chợ về à?
Ngọc khẽ gật đầu. Cặp môi mỏng khẽ mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng lại im lặng.
Hai Bình nhìn gương mặt xanh xao lộ vẻ mệt mỏi và lo lắng của Ngọc.
- Bị bệnh à? Trông em có vẻ không được ổn?
- Em vẫn thế. Anh ăn cơm chưa? – Ngọc lảng sang chuyện khác.
- Ăn rồi.
- Chắc lại là món mỳ tôm chớ gì? Ăn hoài món mỳ ăn liền ngày này qua ngày khác không thấy ngán à?
- Rồi cũng quen thôi, em à, thậm chí bây giờ anh quên cả cơm luôn rồi. Bên Tây, người ta không ăn cơm chỉ ăn mỳ thôi. Anh đích thị là ông tây rau muống.
Ngọc cười buồn:
- Anh cứ như vầy hoài làm sao em không lo cho được. Tại sao anh không nghe lời em chớ?
- Em không phải lo bò trắng răng. Anh biết cách chăm sóc mình. Thật tình, sống một mình anh rất ngại vào bếp. Vả lại, anh cũng chẳng biết nấu món gì ngoài mỳ tôm cả.
Đoạn Hai Bình nheo mắt nhìn Ngọc cất giọng khôi hài:
- Đàn ông mà giỏi việc nội trợ thì phụ nữ trên thế gian này hóa ra thừa à.
Ngọc không bận tâm đến lời lẽ bông đùa của Hai Bình. Cô đưa mắt nhìn đồ đạc bừa bộn rồi lắc đầu nói:
- Kéo dài cuộc sống kiểu này rõ ràng là không ổn. Anh nên bớt thời gian rượu chè dành cho việc thu vén nhà cửa. Mặc dù là nhà thuê anh cũng nên ăn ở cho gọn gàng ngăn nắp. Nhìn xem xung quanh cơ man là rác dễ chừng cả năm anh không cầm chổi một lần.
Hai Bình làm thinh chỉ cười hề hề.
Ngọc nói:
- Theo em nếu lười vào bếp anh có thể đặt cơm tháng. Em có quen bà chị chuyên nấu cơm tháng cho những người sống độc thân, cho những gia đình có công việc bận rộn không thể tự nấu ăn, nếu anh không phản đối em sẽ..
Hai Bình xua tay lia lịa:
- Không phải phiền đến em. Đã bảo là anh biết cách chăm sóc cho mình. Em đến đây không phải chỉ quan tâm đến chuyện ăn ở của anh chứ?
Ngọc im lặng.
- Em sống có hạnh phúc không?
- Hạnh phúc, tất nhiên rồi. Chồng em rất thương yêu và lo lắng cho em. Em rất vui sướng khi có được người chồng như vậy.
Hai Bình tỏ vẻ nghi ngờ:
- Nếu được như thế, anh cảm thấy rất vui mừng. Nhưng, anh có cảm giác em đang giấu anh đều gì đó. Ánh mắt của em đã nói lên tất cả. Chồng em đối xử tệ bạc với em?
- Không, em sống rất hạnh phúc. Anh đừng suy diễn lung tung nữa. Anh biết rồi, em đâu phải là người thích nói dối.
Hai Bình thở dài:
- Nếu cuộc hôn nhân này mang bất hạnh đến cho em, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.
- Anh đừng nói đến chuyện này nữa có được không? – Ngọc tỏ vẻ không hài lòng:- Lần nào gặp nhau, anh cũng chỉ bấy nhiêu từ để nói. “ Em sống có hạnh phúc không? Chồng em có đối xử tệ bạc với em? “. Chán lắm. Hãy nói chuyện khác đi.
Hai Bình hút thuốc lá:
- Anh chẳng có chuyện gì để nói cả. Cuộc sống của anh cứ diễn ra một cách đơn điệu, nhàm chán. Tối đến lò bánh làm việc. Sáng trở về nhà ngủ một giấc. Thời gian còn lại anh kết bạn với rượu. Tất cả chỉ có thế. – Hai Bình im lặng một lúc rồi nói:- Em đừng đến thăm anh nữa. Chuyện của chúng ta đã kết thúc. Anh không muốn chồng em hiểu lầm về mối quan hệ của hai ta.
Ngọc thở dài buồn bã:
- Nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể xem nhau như hai người bạn được sao? Chẳng lẽ khi tình yêu đã hết chúng ta phải xem nhau như hai người xa lạ?
- Anh không nghĩ như thế. Với anh, em mãi là người bạn tốt nhất. Tuy nhiên miệng lưỡi thế gian không sao lường hết được, anh lo cho em mà thôi. Dù sao cẩn thận vẫn tốt hơn, em à.
Hai người nhìn nhau im lặng hồi lâu. Ngọc nhìn xuống gầm bàn phát hiện tô mỳ bèn bưng xuống bếp rồi quay trở lên:
- Anh đứng lên đi em có chuyện muốn nhờ anh đây.
Hai Bình đứng dậy. Ngọc ấn vào tay Hai Bình cây chổi:
- Em sẽ nấu cho anh một bữa cơm tươm tất. Anh phải giúp em quét dọn cái nhà. Bẩn như thế này mà anh vẫn bình chân như vại. Động đậy đi ông tướng!
Hai Bình ngoan ngoãn làm theo như cậu học trò nhỏ chấp hành mệnh lệnh của cô giáo khó tính. Vừa quét nhà, Hai Bình vừa âm thầm quan sát Ngọc làm bếp mắt ngời lên hạnh phúc.
Quét dọn xong, Hai Bình xuống bếp xem ngọc làm cá:
- Hôm nay sao em rỗi thế? Chồng em đâu?
Ngọc lấy dao mổ bụng, móc ruột cá:
- Chồng em hôm nay đi vắng cả ngày. Ở nhà một mình buồn quá, em đến ăn cơm với anh cho vui. Anh không thích à?
Hai Bình gật đầu:
- Thích. Nhưng anh thấy không tiện lắm. Lần sau em đừng làm như thế nữa nhé. Anh ngại lắm.
Ngọc làm mặt giận:
- Được rồi. Nếu anh không thích thì em sẽ không làm phiền anh nữa. Chỉ là một bữa cơm, anh chỉ khéo làm ra vẻ quan trọng. Em hứa sẽ không đến đây nữa, cho dù anh có chết em cũng chẳng thèm đến đốt cho anh một cây nhang. Người gì mà vô tâm quá!
Hai Bình bật cười. Tiếng cười vô lo phóng khoáng.
- Em thích nhìn anh cười lắm. Mỗi lần cười trông anh hồn nhiên như chàng trai mới lớn nó hoàn toàn khác hẳn với con người sầu muộn cố hữu của anh. Nụ cười là món quà quý báu nhất mà Thượng đế dành tặng cho con người. Tại sao anh lại dè sẻn nụ cười đến thế?
Gần một tiếng sau bữa cơm đã chuẩn bị xong. Bữa ăn trưa có canh chua, cá lóc kho và món lòng gà xào giá. Hai Bình nhìn mâm cơm hai tay xoa vào nhau, cánh mũi chun chun mấy cái:
- Chà, thơm quá, ngửi mùi đã muốn ăn.
Ngọc xới cơm ra chén. Hai Bình xì xụp chang chang húp húp. Mồ hôi tứa ra lưng áo bạc thếch. Ngọc chỉ ăn chiếu lệ và liên tục gắp thức ăn cho Hai Bình:
- Ngon không, anh?
Hai Bình vừa và cơm vô miệng vừa nói:
- Ngon lắm! Cả đời anh mới có được bữa ăn ngon như thế này. Em quả là đầu bếp đại tài!
Ngọc đề nghị:
- Nếu thích, thỉnh thoảng em sẽ đến nấu cơm cho anh ăn nhé?
Hai Bình đặt chén xuống, đưa mắt nhìn Ngọc:
- Không cần phải làm như thế đâu, em ạ. Anh sẽ học cách làm bếp. Em còn gia đình của mình..
Cả hai cùng nhìn nhau im lặng. Cơm nước xong, Ngọc mang các thứ xuống bếp. Hai Bình ngồi xỉa răng và uống nước trà ở gian ngoài. Dọn rửa xong, Ngọc bước lên và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Hai Bình rót cốc trà đưa cho Ngọc:
- Em uống nước đi. Cám ơn em về bữa cơm ngon.
Ngọc phì cười:
- Anh trở nên khách sáo từ lúc nào vậy? Trước đây em vẫn nấu cho anh ăn đấy thôi.
Hai Bình im lặng hút thuốc. Ngọc thò tay vào chiếc túi lấy ra chiếc áo ngắn tay kẻ sọc ca rô đặt lên bàn:
- Em có chiếc áo này gởi tặng anh.
- Sao em không để cho chồng mình mà lại đưa cho anh? Anh có đủ quần áo để mặc. Em cất đi.
Ngọc nói:
- Chiếc áo này là hàng khuyến mãi, nó quá dài và rộng so với tạng người của chồng em. Ảnh chỉ cao có một mét sáu mươi. Anh mặc vào thử xem, vừa cỡ với anh đấy.
Ngọc tháo chiếc áo ra và ướm thử lên người Hai Bình, vừa lúc Nghị từ ngoài xông vào giật phăng chiếc áo trong tay Ngọc rồi ném mạnh xuống đất và gào lên:
- Bắt tận tay, day tận trán hết đường chối cãi rồi nhé, đồ đĩ thõa lăn loàn!
°
Lê Trực thò tay vào túi khoác lôi ra chiếc áo sơ mi sọc ca rô ngắn tay:
- Có phải chiếc áo này không?
- Đúng là chiếc áo này. Tại sao nó lại trong tay anh?
Lê Trực không trả lời câu hỏi của Tuyết mà hỏi lại:
- Chuyện ấy xảy ra cách đây đã được bao lâu?
Tuyết suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Khoảng hơn một tháng. Đó là hôm thứ Năm, em nhớ chính xác bởi hôm đó em phải đi dự đám cưới người bạn.
- Và, sau đó chuyện xảy ra như thế nào?
Tuyết lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán:
- Chuyện một cô hai chàng làm ồn ào cả xóm. Anh Nghị tát vợ một cái như trời giáng. Anh Bình giận dữ túm lấy cổ anh Nghị ném ra sân. Lần đầu tiên, em thấy ảnh nóng giận như thế.
Lê Trực nói:
- Từ sau lần đó hai người có gặp nhau lần nào nữa không?
Tuyết lắc đầu:
- Không, em không thấy chị Ngọc đến nữa. Theo em, sau khi đã có gia đình hai người không nên gặp nhau nữa mới phải. Em nói có đúng không.
Lê Trực gật đầu tán đồng:
- Tôi cũng có quan điểm giống cô. Cô và Hai Bình có thường trò chuyện với nhau không?
- Nhiều nữa là đàng khác. Anh nghĩ thử coi, trong hẻm chỉ có ba hộ ra vô đều chạm mặt chẳng lẽ lại làm thinh như người xa lạ. Ngày nào em và ảnh là không nói chuyện với nhau.
- Hai người thường nói về đề tài gì?
- Thời tiết, mùa màng, thể thao, thơ ca, âm nhạc…ôi, đủ cả. Anh Bình tỏ vẻ am tường về bóng đá. Ảnh có thể nói chuyện bóng đá cả ngày mà không thấy chán. Anh có yêu bóng đá không?
- Tất nhiên rồi, tôi thích nhất là đội Ý. Còn cô?
- Em thích đội Đức. Đội bóng được mệnh danh là cỗ xe tăng hủy diệt. Có người lên án kiểu đá thực dụng của người Đức, họ bảo đá như thế là hủy diệt thứ bóng đá đẹp. Em không nghĩ như thế...
- Cô nghĩ như thế nào?
- Theo em, bóng đá không phải là nghệ thuật khiêu vũ. Đẹp hay xấu không quan trọng bằng việc giữ sạch lưới nhà và sút tung lưới đối phương. Chiến thắng là trên hết. Anh Bình cũng cùng suy nghĩ như em. Tuy nhiên, đội bóng ảnh yêu thích lại là đội Đan Mạch. Em không hiểu tại sao ảnh lại thích một đội không mấy tên tuổi trong làng bóng đá thế giới.
- Hai Bình có bao giờ tâm sự với cô không?
Tuyết lắc đầu:
- Không, ảnh lúc nào cũng kín như bưng. Em có cảm giác dường như người đàn ông này đang mang nặng nỗi niềm u uẩn trong lòng mà không thể giãi bày cùng ai..
- Sao cô lại nghĩ vậy?
- Em thường thấy ảnh ngồi suy tư một mình bên cửa sổ có khi hàng giờ liền với gương mặt buồn thê thảm. Anh thử nghĩ xem, một người không vướng bận chuyện gia đình vợ con, công ăn việc làm ổn định thì có gì phải băn khoăn lo lắng chứ. Từ đó, em đoán, anh Hai Bình có tâm sự trong lòng.
Tuyết ngước mắt nhìn đồng hồ rồi nói:
- Ba em cũng sắp về rồi đó, anh chịu khó chờ thêm một chút.
Lê Trực đề nghị:
- Cô yên tâm, tôi có thể chờ lâu. Cô kể tiếp chuyện Hai Bình đi.
- Trước khi mất tích khoảng vài hôm, em đi chơi về khuya tình cờ thấy ảnh ngồi bó gối trước hiên nhà. Em có hỏi, anh Bình không đến lò bánh mỳ à, ảnh đáp bữa nay anh nghỉ. Em bảo, nghỉ sao anh không đi ngủ sớm ngồi đó làm gì cho muỗi cắn, hay là anh nhớ người yêu. Người yêu của anh đi lấy chồng rồi, anh cũng nên lấy vợ trả thù lại, coi như huề. Ảnh im lặng không trả lời mà chỉ thở dài. Thời gian gần đây em thường nghe ảnh thở dài.
Lê Trực xen vào:
- Gần đây là bao lâu?
- Khoảng một hai tuần gì đó. Mỗi lần như vậy trông ảnh già lắm. Con người của anh đôi lúc thật khó hiểu. Ba em cũng nói như vậy.
Lê Trực nói:
- Trước khi mất tích, Hai Bình có biểu hiện gì khác thường không?
Ngọc suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Ảnh có vẻ buồn nhiều và uống rượu nhiều hơn. Em chỉ biết có vậy.
- Hai Bình có nói bóng gió về một chuyến đi xa nào không?
- Em không nghe ảnh nói gì cả. Ảnh đột nhiên biến mất như cồn bốc hơi vào không khí. Lạ thật! – Đoạn Tuyết đưa mắt nhìn ra cửa rồi reo lên:- Ba em về kìa!
Một người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, dáng vẻ gân guốc khoẻ mạnh trên tay xách con cá chép nặng chừng một ký. Sợi dây lác xỏ từ mang vòng qua miệng cá.
- Cá ở đâu vậy ba?
Tư Bốn liệng con cá xuống nền đất, nó vẫy đành đạch. Đoạn ông nhìn khách rồi nhìn con gái như thầm hỏi. Tuyết xách con cá lên:
- Anh đây là cảnh sát hình sự tỉnh muốn gặp ba để tìm hiểu một số thông tin về anh Hai Bình.
Đoạn cô day mặt về phía Lê Trực:
- Anh ngồi nói chuyện với ba, em đi làm cá đây, nấu cơm đây.
Lê Trực nghiêng người, gật đầu chào và đưa tay ra bắt. Tư Bốn chùi tay vào áo rồi cầm tay khách lắc nhẹ mấy cái:
- Chú tới đây đã lâu chưa? Tôi mãi đánh cờ tướng với ông bạn già, về hơi muộn. Chú có chơi cờ không?
Lê Trực gật đầu và lấy thuốc lá mời chủ nhà. Tư Bốn nhón một điếu rồi châm lửa hút:
- Tôi không quen thứ thuốc lá này vì nó nhẹ quá. Gu của tôi phải là thuốc rê loại nặng. Anh là..
- Tôi tên Trực – Lê Trực nói:- Nghe nói, Hai Bình rất giỏi giải cờ thế?
Tư Bốn gật đầu, nói:
- Đúng vậy, tôi cứ thắc mắc mãi, Hai Bình giải cờ thế có thể nói là thiên hạ vô địch nhưng không hiểu sao chơi cờ chỉ ở tầm trung bình. Ván cờ thế cho dù khó đến mấy vào tay Hai Bình cũng trở nên dễ như bỡn. Cách đây không lâu, anh ta giải một ván cờ mà tôi cho là xứng đáng ghi vào sách giáo khoa. Bên đỏ chỉ có mỗi quân tướng và một mã. Bên xanh còn đủ sĩ tượng, thêm một con pháo và hai tốt, dân chơi cờ ai cũng thuốc nằm lòng câu “ nhất mã chiếu vô cùng “, vậy mà không hiểu anh ta đi kiểu gì rốt cuộc đỏ lại thắng.
- Hai Bình với bác có vẻ đi lại rất thân tình?
- Tất nhiên rồi. Trong hẻm chỉ có ba nhà, không chơi với nhau thì chơi với ai. Hai Bình hễ có chai rượu ngon đều kêu tôi, tôi có món gì ngon cũng đem ra nhâm nhi với Hai Bình. Tửu lượng của Hai Bình khá lắm hầu như không có đối thủ. Chơi cờ thì tôi chấp Hai Bình con mã. Uống rượu thì Hai Bình chấp tôi một ly; Hai Bình uống hai, tôi uống một, vậy mà, lần nào tôi cũng bị say trước. Anh đến đây để tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của Hai Bình phải không?
Lê Trực khẽ gật đầu:
- Hai Bình chính xác là mất tích từ hôm nào, bác có biết không?
Tư Bốn đáp:
- Biết chớ. Hôm thứ Năm tuần trước. Cả ngày hôm ấy, tôi không thấy mặt cậu ta. Hôm đó, tôi nấu món canh chua cá bông lau chờ hoài không thấy cậu ta về.
- Trước khi mất tích Hai Bình có tâm sự với bác điều gì không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không, anh ta thậm chí còn hẹn tôi đi câu cá vào ngày Chủ Nhật nữa là. Tôi cũng lấy làm lạ về sự mất tích của cậu ấy. Nếu đi đâu cậu ta phải bảo tôi miệng tiếng chứ.
Tư Bốn nhấp một ngụm trà thấm giọng:
- Trước đây, thỉnh thoảng Hai Bình có việc phải đi đâu đó vài ngày và mỗi lần như thế cậu ấy đều nhờ tôi trông nhà hộ. Lần này, cậu ấy chẳng nói gì cả. Vì thế tôi mới sinh nghi.
- Bác nghi gì?
- Tôi nghi có kẻ hại cậu ấy.
- Sao bác lại nghĩ như thế?
Đấy là tôi phỏng đoán thế thôi chứ chẳng có cơ sở nào cả. Hai Bình nghèo trớt chẳng có của nả gì để kẻ xấu làm mục tiêu tấn công.
Lê Trực nói:
- Hai Bình có kẻ thù không?
Tư Bốn phì cười:
- Hiền lành như Hai Bình làm sao có kẻ thù. Hai Bình sống thu mình như con ốc rút vào chiếc vỏ, ngại tiếp xúc với người lạ, ngại va chạm thì làm sao có người thù ghét. Chính vì chuyện này mà tôi nghĩ mãi mấy đêm liền vẫn không sao tìm ra lời đáp.
- Bác có biết mối quan hệ giữa Hai Bình và cô Ngọc?
- Biết chớ. Cô Ngọc vẫn thường đến đây chơi. Và tôi xem cô ấy như em gái của mình. Ngọc vừa đẹp người vừa đẹp nết. Cổ nấu ăn rất ngon, đặc biệt món bò bóp thấu nhậu đến quắt cần câu vẫn còn muốn uống nữa. Cô Ngọc lo lắng chăm sóc Hai Bình như người mẹ thật sự. Và Hai Bình cũng tỏ ra yêu quý cô ấy. Thật tiếc, không hiểu vì lý do gì mà hai người không đến được với nhau.
- Họ chính thức chia tay từ khi nào, bác có biết không?
Tư Bốn gật đầu:
- Biết, sáng sớm hôm ấy, Hai Bình mang về gói thịt chó và chai rượu đế rủ tôi nhậu. Tôi thật sự ngạc nhiên vì mọi khi Hai Bình chỉ uống rượu vào tầm trưa. Tôi cũng không hiểu Hai Bình tìm đâu ra món thịt chó vào sáng sớm như thế. Đúng là chuyện lạ…