- 5 -

Cái chung xoay ba vòng tua. Hai Bình rót đầy chung rượu, gắp miếng thịt luộc cho vô chén rồi nói:
- Tôi với Ngọc đã chính thức chia tay rồi.
- Cái gì? – Tư Bốn giật mình thốt lên:- Chú mày không nói giỡn đó chớ. Đang yêu nhau trối chết lại nói chia tay là nghĩa làm sao?
Hai Bình thở dài:
- Thật sự chuyện hai đứa chúng tôi đã kết thúc rồi. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt đêm. Bây giờ thì đường ai nấy đi. Thật tình, tôi không muốn nói chuyện này cho bất cứ ai nhưng anh với tôi là chỗ thân tình, vả lại anh cũng đã hết lòng vun đắp cho chúng tôi. Vì thế, tôi thấy cần phải cho anh biết.
Tư Bốn trợn mắt nói:
- Tại sao lại xảy ra chuyện động trời này nhỉ? Có phải con Ngọc chê chú mày nghèo không đủ sức bao bọc nó chớ gì? Để tao gặp nó nói chuyện phải trái cho ra lẽ.
Hai Bình uống cạn chung rượu:
- Anh đừng nói vậy tội nghiệp cho cô ấy. Ngọc cũng rất khổ tâm, hơn nữa, chính tôi là người chủ động.
Tư Bốn dằn mạnh chung rượu xuống bàn:
- Chú mày nói vậy là nghĩa làm sao? Chú mày có con nhỏ khác rồi phải không? Phải chăng chú mày được đăng quên đó, được vó quên nơm có đúng như không?
Hai Bình im lặng. Tư Bốn giận dữ:
- Tại sao vậy, Hai Bình? Tại sao chú mày lại bỏ con Ngọc? Trời ơi, chẳng lẽ Tư Bốn này nhìn lầm người hay sao!
Hai Bình thở dài:
- Tôi chẳng quen ai cả. Và có lẽ, suốt đời tôi sẽ sống độc thân. Anh biết rồi đó, tôi là người thích thung dung tự tại.
Tư Bốn quắc mắt lên sòng sọc:
- Đó chỉ là ngụy biện! Đang yên đang lành bỗng dưng đất bằng dậy sóng là nghĩa làm sao? Nhất định có chuyện gì chú mày giấu anh. Là chuyện gì vậy?
Hai Bình lắc đầu:
- Chẳng có gì cả, đơn giản là hai đứa chúng tôi không hợp với nhau.
- Hãy tìm một lời giải thích khác thuyết phục hơn, Hai Bình, mấy năm tìm hiểu, ngày cưới cũng đã tính rồi, bỗng dưng nói là không hợp, chẳng ai tin lời giải thích đó, thậm chí đứa con nít cũng cười khì.
Hai Bình cất giọng trầm buồn:
- Tôi đang rất khổ tâm, anh có biết không. Có những việc người ta không thể nào nói được. Anh hãy tin rằng tôi đã hành động đúng tư cách của một người đàn ông. Thành thật xin lỗi.
Tư Bốn đứng dậy, bước vào nhà:
- Chú mày chẳng lỗi phải gì cả. Tự nhiên tao thấy nghẹn ngang cuống họng không muốn nhậu nữa.
°
- Rốt cuộc, bác có hiểu nguyên nhân vì sao hai người chia tay? – Lê Trực nói.
Tư Bốn lắc đầu:
- Tôi chịu thua, không sao hiểu được chuyện gì đã xảy ra với họ. Cả cô Ngọc cũng kín như bưng. Nhưng một điều, tôi biết chắc chắn là hai người vẫn còn yêu nhau. Yêu nhau nhưng lại không thể đến với nhau vì một nguyên do nào đó mà chỉ có những người trong cuộc mới biết. Ngọc lấy chồng, theo tôi, chỉ là bổn phận chứ hoàn toàn không có tình yêu.
Lê Trực xen vào:
- Và, đó chính là nguyên nhân gây ra rạn nứt trong đời sống vợ chồng của họ? Theo bác, Nghị, chồng cô Ngọc là người như thế nào?
- Hắn là một gã ăn mặn đái khai! Đàn ông tốt trên thế gian này đâu có thiếu, sao cô ấy lại chọn hắn. Đàn ông mắt trắng, môi thâm, đích thị là kẻ tiểu nhân. Cô Ngọc lấy hắn chẳng khác nào bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
- Bác có vẻ ác cảm với tay thợ điện thì phải?
- Không phải chỉ mỗi mình tôi mà hầu như tất cả những ai đã từng tiếp xúc với con người dơ dáng đó đều có chung tâm trạng như vậy. Anh có biết, hắn đã từng bị phạt cải tạo tại địa phương về tội đánh người gây thương tích cách đây gần hai năm.
Lê Trực thốt lên:
- Có chuyện đó nữa à. – Đoạn anh lái câu chuyện sang hướng khác:- Bác có nghĩ Hai Bình đi đâu đó một thời gian sẽ quay trở lại?
Tư Bốn ngơ ngác:
- Đi đâu được chứ?
Lê Trực nói:
- Có thể Hai Bình đi thăm người thân, cha mẹ họ hàng…
Tư Bốn lắc đầu, nói:
- Anh em đi lại với nhau đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi nghe Hai Bình nhắc đến người thân nào cả. Đôi khi tôi có đề cập đến chuyện gia đình, cha mẹ, anh em thì Hai Bình chỉ im lặng thở dài, gương mặt buồn rười rượi. Năm ngoái đám giỗ ông già, tôi có mời Hai Bình sang dự. Anh ta là vị khách duy nhất được mời…
°
Mười hai giờ trưa, Hai Bình đạp xe từ thị xã về. Anh nhanh chóng cất xe đạp rồi xách bịch trái cây cùng chai rượu đế bước sang nhà Tư Bốn. Lúc này, Tư Bốn đang đốt vàng mã trước sân, nhác thấy Hai Bình liền reo lên:
- Sao chú em về trễ vậy? Anh cứ đinh ninh phải uống rượu một mình. Vào nhà đi.
Hai Bình đặt trái cây lên dĩa rồi để lên bàn thờ, sau đó, anh đốt mấy cây nhang và cắm vào bát hương rồi chấp tay xá mấy xá.
Mâm cỗ được dọn ra. Tư Bốn vừa khui chai rượu đế rót ra hai chiếc cốc vừa trò chuyện với Hai Bình:
- Năm ngoái làm giỗ lớn mời đông ồn ào phức tạp quá nên năm nay anh không mời ai ngoài chú mày ra. Kể ra chỉ có hai người đưa qua đưa lại cũng buồn. Nào chúng ta cùng chạm cốc.
Cả hai cùng chạm ly. Tư Bốn gắp cái phao câu gà bỏ vô chén Hai Bình, nói:
- Nhứt phao câu, nhì đầu cánh, anh nhường cái ngon nhứt cho chú mày. Ngày trước, ông già anh còn sống mỗi lần làm gà phải chừa cho ổng cái phao câu. Không có là ổng nỗi giận quát tháo om sòm.
Tư Bốn mắt mơ màng về phía xa xăm:
- Ông già sanh ra tất cả sáu người con, bốn trai, hai gái. Mình là con thứ tư. Và cũng là đứa ông già thương nhiều nhứt. Chú có biết tại sao không? Tại gì, mình không chỉ giống ổng từ vóc dáng tánh tình mà cả thói quen và sở thích. Hai cha con giống nhau đến nỗi như là bản sao với bản chánh. Ông già thích ăn ba khía dầm me, mình cũng mê món ba khía dầm me. Ông già thích đờn ca tài tử, mình cũng mê đờn ca hát xướng. Hồi nhỏ, ông già hay trốn học chữ nho đi bắt dế bị ông nội bắt đem về quất một trận nên thân. Sau này, mình cũng mê chơi dế mà trốn học..
Tư Bốn uống cạn ly rượu rồi tiếp tục kể:
- Lần đó anh bị bắt quả tang tội trốn học, đá dế với mấy đứa bạn. Ông già véo tai lôi về nhà, bắt nằm úp mặt xuống giường, rồi vơ lấy chiếc roi mây to bằng ngón tay cái treo trên vách. Anh chắc mẩm phen này sẽ bị đòn nát đít chớ chẳng chơi. Tội trốn học là nặng lắm, mấy anh em của anh đã bị đòn rất đau về tội này. Sau khi rao giảng về đạo nghĩa làm người, về lợi ích của việc học.., ông già quyết định phạt anh hai mươi roi! Trời ạ, vừa nghe xong anh đã khóc thét lên và hết lời van xin nhưng không sao lay chuyển được. Ông già ra điều kiện đánh roi nào mà anh ngồi bật dậy kể như bỏ không tính roi đó. Bà già thương thằng con ốm yếu chỉ biết ngồi khóc như ri. Ông già giơ roi thật cao và vụt mạnh xuống. Một, hai, ba..- Đoạn Tư Bốn ngước mắt nhìn Hai Bình:- Ông già giơ cao, đánh mạnh nhưng anh không thấy đau, chú mày có biết tại sao không?
Hai Bình lắc đầu. Tư Bốn nở nụ cười hạnh phúc:
- Bởi vì, ổng già cố tình vụt vào vách chẳng trúng mình roi nào cả. Tuy nhiên mình cũng giả vờ khóc thét lên làm ra vẻ đau đớn lắm. Chuyện này chỉ có hai cha con là biết thôi. Mình cũng không kể lại cho bà già và mấy anh em khác vì sợ mọi người so bì ganh tỵ…
Tư Bốn ngừng nói, vừa rót rượu vào ly vừa cười hề hề:
- Sau vài trận đòn như thế, mình bắt đầu lờn mặt không sợ bị đòn nữa. Lần đó, hai anh em vì tranh giành đồ chơi mà đánh lộn chí chóe, ông già giận lắm lôi hai anh em ra nọc một trận. Thằng anh lớn đầu không làm gương cho em út bị đòn đầu tiên, sau mới đến lượt mình. Mình cứ ỷ y như những lần trước nên cứ tỉnh như không, chẳng dè, ông già vụt thẳng tay đến nỗi mông bị tóe máu.
- Tía ơi, sao tía đánh con đau quá vậy, tía?
- Đánh đau cho con chừa. Từ rày bỏ tật dể ngươi nghe chưa!
Ông già quất liền năm roi. Đau quá thiếu điều lết đi không nổi. Anh giận ông già ghê gớm bỏ cả buổi cơm tối, leo lên giường ngủ sớm. Đang ngủ say bỗng ông già lay mình dậy. Đang còn giận mình giả bộ nằm im không cục cựa.
- Cu Bốn dậy đi, tía cho cái này.
Đoạn ông già đưa củ khoai nướng lia lia ngang mũi. Đang đói, nghe mùi thơm khoai nướng bụng anh sôi ọc ọc, rồi thì, quên cả giận ngồi bật dậy như cái lò xo, chộp lấy chủ khoai nhai ngấu nghiến.
- Từ nay về sau đừng có hư nữa nghe chưa? Tía đánh có đau không?
- Đau lắm tía. Tía ác quá hà!
Đêm hôm đó hai cha con ngủ với nhau. Khoảng ba giờ sáng, anh giật mình tỉnh giấc, thì thấy tía một tay cầm chiếc đèn bão, tay kia sờ nắn lên khắp cơ thể của anh, miệng liên tục xuýt xoa “ Tội nghiệp thằng nhỏ “. Rồi ông già lấy dầu xanh xức lên chỗ đau. Rát quá nhưng anh vẫn cắn răng im lặng.
Tư Bốn nhấp một ngụm nhỏ rồi tiếp tục đắm mình trong hồi ức xa xăm:
- Nhà nghèo, ông già phải đi làm ruộng mướn cho chủ. Mấy anh em chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Gặp phải lúc thiên tai bão lụt cả nhà phải hái rau ăn trừ cơm. Đã vậy, rau cũng chẳng có mà ăn. Nhìn đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn ốm nhom, vàng bủng vì thiếu ăn và bệnh tật, ông già không cầm được nước mắt. Đói ăn vụng, túng làm liều, ông già lén ăn cắp lúa của chủ điền đem về giả ra và nấu cháo. Cháo vừa sôi, thì chủ điền và đám bộ hạ tay chân xuất hiện. Chúng trói ông già vào gốc cây sung đánh một trận thừa sống thiếu chết…
Kể đến đây Tư Bốn bỗng rướm nước mắt:
- Chuyện xảy ra đã mấy chục năm nhưng cảnh tang thương vẫn ám ảnh hoài tâm trí. Sau lần đó, ông già kéo rốc cả bầu đoàn thê tử bỏ đi xứ khác làm ăn. Ở lại chỗ cũ chẳng còn đất làm ăn rồi thì làm sao sống được với tiếng đời thị phi mai mỉa. Tội nghiệp ông già cả đời luôn giữ mình trong sạch chỉ vì lũ con mà phải mang tiếng nhơ suốt đời…
Hai Bình im lặng theo dõi câu chuyện đột ngọt xen vào:
- Rồi mọi người làm gì để sống?
Tư Bốn nói:
- Xuống sông bắt cá, lên rừng hái rau, rốt cuộc cũng sống đàng hoàng như ai đó thôi.
Cả hai cùng im lặng, uống rượu. Tư Bốn kể tiếp chuyện bằng giọng rè rè xúc động:
- Có một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ đến anh không sao cầm được nước mắt. Tối hôm đó anh nghe kể chuyện ma. Con ma cụt giò chuyên bắt con nít để ăn thịt. Bị ám ảnh bởi chuyện ma quái, anh sợ quá không sao ngủ được. Nửa đêm, anh thấy ông già thức dậy, xách nơm đi nơm cá. Hôm ấy là một đêm trăng sáng. Ông già vừa đi khỏi một lúc, anh cũng dậy theo. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng anh cũng phát hiện ông già đang nơm cá ở khúc sông trên. Vừa nhìn thấy tía, ông bỗng thốt lên “ Trời ơi, tại sao lại như thế này? “.
Tư Bốn đưa tay quệt nước mắt:
- Chú mày có biết anh thấy gì không? Ông già trong y phục của người nguyên thủy. Mãi sau này mới biết, ông già sợ cái quần đùi bị mục nên phải cởi truồng để khỏi phải mắc công tốn vải.
Tư Bốn im lặng, uống rượu tì tì. Chờ cho cơn xúc động lắng xuống, Tư Bốn kể tiếp:
- Cả đời mình mắc nợ sinh thành không cách chi trả nổi. Bà già đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh khi tuổi chỉ mới ngoài bốn mươi. Ngày đưa bà già ra chôn ở đất ruộng, anh em mình khóc than thảm thiết chỉ mỗi ông già là lặng thinh không mảy may một giọt nước mắt. Anh thầm trách ông già ăn ở tệ bạc, chỉ mỗi giọt nước mắt còn tiếc thì nói chi tình nghĩa vợ chồng..Thế rồi, một đêm tình cờ anh nhìn thấy ông già ngồi sụt sùi bên nấm mộ vợ. Lúc ấy, anh mới hiểu ông già cũng yếu mềm như ai, chẳng qua ông giả vờ tỏ ra cứng cỏi trước lũ con mà thôi..
Tư Bốn gắp miếng gỏi gà cho vào miệng:
- Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng của mình. Nó chính là điểm tựa cho ta bước vào cuộc đời đầy chông gai sóng gió. Chuyện của anh đại loại như thế, còn chú mày thì sao?
Hai Bình ngơ ngác:
- Gì ạ?
- Còn gì nữa! Chẳng lẽ chú mày không có gia đình cha mẹ anh em à?
Hai Bình lúng túng:
- Tất nhiên rồi. Con người không thẻ từ đất nẻ chui lên. Anh mua rượu ở đâu mà ngon quá vậy?
- Ô hay, đây là loại rượu anh với chú mày vẫn thường uống đó thôi. Chú mày làm sao vậy? Quê chú ở đâu? Cha mẹ còn sống hay đã chết? Nhà có mấy anh em? Anh em mình đi lại thân tình cũng đã lâu sao anh không bao giờ nghe chú mày kể về gia đình mình cả.
Hai Bình day mặt sang hướng khác như muốn lẩn trốn cái nhìn phán xét và nén tiếng thở dài.
Tư Bốn nốc cạn chung rượu rồi “ khà “ lên một tiếng:
- Bộ chú mày giận gia đình à?
- Sao anh nghĩ vậy?
- Nhìn cách cư xử của chú mày anh đoán vậy thôi. Theo anh, cùng là máu mủ ruột rà cho dù có giận đến mấy cũng nên chín bỏ làm mười. Chú mày phải nhớ lời này, chỉ có con bỏ cha mẹ chứ cha mẹ chẳng bao giờ bỏ con. Chuyện gia đình của chú mày như thế nào, không phải là người trong cuộc anh không biết nhưng cách xử sự như vậy là không đúng đâu. Chim có tổ, người có tông…Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi nữa là..
°
Lê Trực nói:
- Trước khi mất tích, Hai Bình có biểu hiện điều gì khác lạ không?
Tư Bốn suy nghĩ một lúc, nói:
- Có, tôi thấy cậu ta có vẻ đau khổ và tuyệt vọng. Và uống rất nhiều. Tôi có cảm giác, Hai Bình muốn say để quên tất cả.
- Tại sao lại như vậy? Bác có hiểu nguyên nhân không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Tôi chịu thôi. Hai Bình có vẻ là người lập dị, anh ta luôn đóng chặt cánh cửa thế giới nội tâm của mình không cho bất kỳ kẻ nào bước vào. Đấy là tôi chỉ đoán già đoán non thôi chứ chưa hẳn đã đúng.
- Biểu hiện thay đổi đó có từ lúc nào, bác có biết không?
Tư Bốn đáp liền:
- Biết chớ, từ bệnh viện trở về, tôi thấy, Hai Bình đã có biểu hiện khác rồi.
Lê Trực thốt lên:
- Sao lại thế? Hai Bình bị bệnh à?
- Hai Bình bị kẻ xấu tấn công từ phía sau bị ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng rất may vết thương không nghiêm trọng và Hai Bình đã được xuất viện ngay ngày hôm sau.
- Có chuyện đó nữa à? – Lê Trực nói:- Sau đó, Hai Bình có báo chuyện này cho công an không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không. Bị tấn công từ phía sau lúc trời tối đâu biết mặt hung thủ mà thưa với kiện. Vả lại, vết thương không nghiêm trọng thưa với kiện chi mất công tốn thời gian vô ích mà thôi. Ai cũng bận rộn cả chẳng hơi đâu lên đồn công an cả buổi để rồi chẳng thu được kết quả gì.
Lê Trực nói:
- Bác có nghĩ đây là một vụ cướp?
- Tôi không nghĩ vậy, bởi chúng không lấy thứ gì của nạn nhân cả. Chiếc xe đạp vẫn còn nằm yên trong đám cỏ. Với lại, trên người Hai Bình chẳng có thứ gì đáng giá để cướp cả. Có thể, đây là vụ thanh toán do nhầm người mà thôi.
Lê Trực nói:
- Sao bác lại nghĩ vậy?
- Tôi không tin người như Hai Bình lại có kẻ thù ghét. Anh ta chẳng bao giờ động chạm đến ai.
- Trước khi về đây, Hai Bình đã từng ở những đâu và làm công việc gì, bác có biết không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không, tôi không biết gì cả. Nhưng khi nhìn những vết thương trên người Hai Bình, tôi đoán anh ta đã có thời gian phục vụ trong quân đội.
- Vết thương có nặng lắm không?
- Hai Bình bị thương nhiều chỗ lắm. Ở lưng, ngực, bụng và cả bắp đùi. Tuy nhiên nặng nhất là ở phần ngực và bụng. Những vết phỏng tím bầm dính vào nhau như miếng giẻ rách.
- Hai Bình chẳng bao giờ kể cho bác nghe về những vết thương này à?
- Không. Tuy nhiên thỉnh thoảng nó vẫn hành hạ anh ta đến dở sống dở chết. Những cơn đau thắt kèm theo là cơn sốt.
°
Hai Bình bước lên căn gác gỗ. Sàn gàn ọp ẹp run lên bần bật. Anh đưa tay cởi chiếc áo thun chui đầu, và ném nó xuống sàn gác. Anh ngồi xuống chiếc ghế duy nhất kê bên cạnh cửa sổ. Gương mặt xanh xao lộ vẻ mệt mỏi. Trời nắng nóng. Mái tôn thấp tè hầm hập như cái lò nung, khắp người Hai Bình đầm đìa mồ hôi. Anh với lấy chiếc khăn cũ mắc trên vách lau người. Mồ hôi từ cơ thể Hai Bình liên tục ứa ra cứ như cơ thể anh có sẵn mạch nước ngầm. Ban đầu, Hai Bình lau mặt rồi xuống ngực, bụng. Những vết bỏng đỏ lòm ở ngực và bụng dính vào nhau nhầy nhụa ở nơi này nơi kia nom như những khối u của người ung thư đang bị di căn. Hai Bình đưa tay bóp nhẹ lên những chỗ bỏng và cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu. Bỗng Hai Bình đưa tay ôm ngực và cong người xuống. Cơn đau thắt xuất phát từ ngực rồi lan dần xuống bụng và truyền đi khắp cơ thể. Anh đánh rơi chiếc khăn, nằm cong người như con tôm luộc. Những bàn tay thô bạo vô hình như đang nghiền nát cơ thể anh. Anh xoay người, nằm úp mặt xuống sàn gác, lưng cong oằn như con giun bị giẫm. Cố chịu đau, anh bò đến bên chiếc tủ cá nhân lấy ra lọ thuốc. Bàn tay run rẩy mở nắp rồi lấy ra hai viên thuốc màu xanh cho vào mồm. Xong xuôi, anh nằm quay người vào vách, hai chân liên tục co duỗi. Cơn đau chưa kịp lắng xuống thì cơn sốt bỗng ập đến. Cả ngày hôm ấy Hai Bình vùng vẫy cật lực trong chiếc chăn mỏng..