Chương 2
Hai ông quan huyện ngồi kiệu đi dạo để tiêu cơm
Một vụ án mạng làm các ông mất giấc ngủ trưa

    
ón thịt vịt hun khói ăn ngon tuyệt. Nhưng món chân giò thì chua, cho nhiều giấm quá!
Tri huyện Lã chép miệng tấm tắc khen ngon, hai bàn tay đan chéo vào nhau để trên bụng.
Án sát Địch lưng dựa vào những tấm gối mềm mại lót trong chiếc kiệu đầy đủ tiện nghi của vị quan đồng nghiệp. Chiếc kiệu đang đưa hai vị trở về tư dinh của tri huyện Lã ở gần khu toà án.
- Món chân giò, quan bác nhận xét đúng lắm, – quan án sát vuốt chòm râu dài đen nhánh đáp. – Còn những món khác, món nào cũng đều ngon cả. Bữa tiệc thật là ê hề. Hôm nay quan tuần phủ đã cho đệ ấn tượng ngài quả là con người lỗi lạc lúc nào cũng sẵn sàng đưa ra một sự kiện mới. Đệ thấy bài diễn văn tổng kết của ngài bổ ích quá.
Quan tri huyện kín đáo đưa bàn tay mũm mĩm lên bưng lấy miệng cố ngăn một tiếng ợ trong cổ họng. Rồi vẫn bàn tay ấy ông sờ vào hàng ria mép vê cho nó cong vểnh lên, tô điểm thêm khuôn mặt tròn trĩnh như mặt trăng rằm của ông.
- Phải, bổ ích, nhưng cũng nhạt nhẽo lắm. Ôi chao, không khí chỗ này sao mà oi thế!
Quan tri huyện đẩy chiếc mũ bằng nhung đen có hai cánh chuồn hồ bột cứng ra khỏi vầng trán xâm xấp mồ hôi. Cả hai người đều mặc lễ phục bằng gấm màu xanh lá cây đúng theo nghi thức khi phải ra mắt cấp trên.
- Này, – quan tri huyện vừa ngáp vừa nói. – Bây giờ trách nhiệm với cuộc hội thảo đã hết, ta có thể nghĩ đến giải trí được rồi đấy ông Địch ạ. Tôi đã chuẩn bị chương trình vui Tết trung thu kéo dài hai ngày. Nếu tiên sinh ở lại thì vinh dự cho tôi lắm tiên sinh ạ. Tôi xin cam đoan đây là một chương trình đặc sắc nhất.
- Đệ chẳng dám lợi dụng lòng hiếu khách của quan bác. Chỉ xin quan bác đừng có bày vẽ cái gì cho riêng đệ. Ồ, giá mà đệ được đọc một chút trong cái thư viện quý hoá của quan bác thì…
- Ông bạn thân mến ơi, ông chẳng có thì giờ mà đọc đâu!
Kiệu đã đưa họ vào Đại Lộ. Quan tri huyện vén tấm màn che cửa sổ kiệu lên, trỏ tay vào dãy cửa hiệu san sát hai bên hè phố treo đèn kết hoa sặc sỡ đủ các màu sắc.
- Ngày mai mới là ngày Tết trung thu, nhưng tối nay chúng ta sẽ vui tết bằng một bữa tiệc thân mật và sang trọng.
Quan án sát mỉm cười từ tốn. Nghe người bạn nói đến việc ăn mừng ngày tết, lòng ông chợt thấy tiêng tiếc. Đối với ông, bất luận hình thức vui ngày tết nào cũng không bằng những cuộc vui trong gia đình ông do các bà vợ ông tổ chức và đàn con của ông nô nức tham gia. Lần này cũng như mọi lần, ông lại muốn hưởng Tết trung thu ở Phố Dương giữa tổ ấm gia đình. Nhưng quan tuần phủ đã chỉ thị cho ông phải ở lại Tần Hoài thêm hai ngày nữa, phòng khi ngài cần đến ông trước khi ngày rời huyện lỵ trở về thành phố vào tuần lễ sau…
Nghĩ đến đây quan án sát bất giác thở dài. Ông rất muốn trở về Phố Dương ngay lập tức không chỉ vì những cuộc vui ấm cúng trong gia đình thôi thúc mà còn vì công việc đang đòi hỏi. Ông đang thụ lý giải quyết một vụ buôn lậu rất lớn, rất rắc rối. Chính vì thế mà lần này ông quyết định đến Tần Hoài một mình, để lại người uỷ viên cố vấn thân tín là trung sĩ Hùng cùng ba viên phó quan giúp việc tập hợp cho ông đầy đủ các yếu tố của bản cáo trạng.
- Xin lỗi, vừa rồi quan bác nói đến ai đây nhỉ?
- A, vừa rồi tôi nói đến viện sĩ Triệu, ông bạn thân mến ạ. Ngài viện sĩ đã vui lòng nhận lời mời của tôi tức là đã đồng ý đem vinh quang đến cho tệ xá bằng sự hiện diện của ngài.
- Hoá ra quan bác nói đến ông cực chủ tịch Viện hàm lâm phải không, người mà cho đến thời gian gần đây còn thảo ra những chỉ dụ quan trọng bậc nhất của nhà vua chứ gì?
Quan tri huyện mỉm cười sảng khoái.
- Chính thế. Ông viện sĩ là một trong những nhà đại văn hào tên tuổi vang dội nhất thời đại chúng ta cả trong lĩnh vực văn xuôi lẫn văn vần. Ngoài ra, còn có cả thi sĩ triều đình Trương Lan Bài đến dự.
- Trời ơi, hàng loạt danh nhân. Bác Lã ạ, đệ tính quan bác chẳng cần phải phô cái danh hiệu nghệ sĩ nghiệp dư của mình ra làm gì. Bởi vì chỉ riêng sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi vĩ đại ấy ở nhà quan bác cũng đã đủ chứng tỏ rằng…
Vị quan huyện bụng phệ khoát tay ngắt lời ông bạn.
- Dứt khoát không phải thế đâu, ông Địch ạ. Tôi làm gì có cái may mắn ấy cơ chứ. Danh hiệu hão huyền cả thôi! Chẳng qua ông viện sĩ đang trên đường trở về thành phố đã có nhã ý ghé vào chơi. Còn ông Trương là người sinh ra và lớn lên ở cái đất Tần Hoài. Ông ấy về đây để cúng giỗ ông bà ông vải ông ấy. Chắc ông cũng biết khu dinh thự đang dùng làm toà án và công đường của tôi trước đây hai mươi năm vốn là cung điện mùa hè, một khu lâu đài cổ dành cho một vị hoàng tử tham lam định chiếm đoạt ngôi vua. Trong cung điện có nhiều sân và vườn đẹp lộng lẫy. Hai vị tân khách lỗi lạc sở dĩ nhận lời mời là vì họ thấy ở đây thoải mái và được tiếp đãi chu đáo hơn ở tửu lâu dành cho các quan chức. Thế thôi!
- Quan bác quả là người rất khiêm tốn. Triệu và Trương vốn quan cách khó tính, thích đòi hỏi này nọ, nếu không vì cảm phục tài đức của quan bác thì đời nào họ nhận lời. Bao giờ các ông ấy đến nhỉ?
- Chắc các ông ấy đã có mặt đông đủ ở nhà tôi rồi đấy tiên sinh ạ. Tôi đã dặn viên giám quận cùng ông cố vấn của tôi thay mặt tôi tiếp khách và mời các ông ấy ăn sáng ở đại sảnh. Bây giờ tôi với ông phải về gấp. Nhưng kìa! – Quan tri huyện lại vén tấm rèm cửa sổ và kêu lên – Ông Cao còn đang làm gì ở đây thế này!
Quan tri huyện thò hẳn đầu ra ngoài cửa sổ bảo người đội trưởng phu kiệu dừng lại. Kiệu hạ xuống ngay trước cổng toà án. Qua cửa sổ, án sát nhìn thấy một đám người tụ tập trên các bậc thềm rộng trong đó ông nhận ra chiếc áo thụng thâm và tà áo dài màu xanh da trời của Cao, viên cố vấn của quan tri huyện. Một người cao lênh khênh mặc áo chẽn quần nâu dài viền đen, mũ sơn đen cài chùm lông đỏ, chắc là viên cảnh sát trưởng. Ba lính cảnh sát đứng tách riêng ra một chỗ. Họ mặc quần áo như viên cảnh sát trưởng, nhưng mũ không gắn chùm lông đỏ. Để bù vào chỗ thiếu hụt ấy, họ quấn quanh người lỉnh kỉnh toàn những ổ khoá và xích sắt, những thứ chuyên dùng để bắt người. Viên cố vấn vội vã bước xuống những bậc thềm tiến ra cúi đầu thi lễ trước kiệu. Quan tri huyện hỏi giật giọng:
- Cái gì thế, ông Cao?
- Thưa ngài, cách đây độ nửa giờ, người thư ký riêng của ông Minh buôn trà có đến trình báo một vụ án mạng. Nạn nhân là ông Tống phó bảng ở thuê nhà sân sau của ông Minh, bị cứa đứt cổ. Tất cả tiền bạc của ông ấy đều bị lấy cắp. Vụ giết người hình như xảy ra lúc tảng sáng.
- Án mạng xảy ra đúng trước ngày Tết trung thu! Xúi quẩy thật! – Quan tri huyện lầu bầu nói với quan án sát, rồi quay sang nhìn Cao vẻ mặt bồn chồn. – Thế còn khách khứa, ông tiếp đón họ như thế nào rồi ông Cao?
- Hai ngài đi được một lúc thì ngài đại pháp quan cao quý, viện sĩ Triệu và thi sĩ Trương đáng tôn kính cùng đến. Tôi đưa các vị ấy đi xem nơi ăn chốn nghỉ và ngỏ lời xin lỗi về sự tạm vắng mặt của quan huyện. Hai vị khách vừa ngồi vào bàn ăn thì Lỗ Huynh Người Đào Huyệt cũng xuất hiện. Cả ba vị cùng ngồi ăn sáng. Hiện giờ các vị ấy đang ngủ trưa.
- Được. Thế thì tôi có thể đến ngay nơi xảy ra vụ án mạng, rồi sau đó vẫn kịp về tiếp khách lúc các ông ấy ngủ dậy. Ông hãy bảo cho ông cảnh sát trưởng cùng hai lính cảnh cưỡi ngựa đến đấy trước… Bảo họ giữ nguyên hiện trường không được làm xáo trộn bất cứ cái gì. Ông đã cho người khám tử thi chưa?
- Thưa đã. Tôi cũng đã tìm trong các hồ sơ lưu trữ những tài liệu liên quan đến nạn nhân và người chủ cho thuê nhà.
Nói xong viên cố vấn rút trong ống tay áo thụng ra một tập tài liệu, lễ phép đưa cho cấp trên của mình.
- Được rồi ông Cao. Bây giờ ông ở lại toà án xem còn những giấy tờ quan trọng gì nữa và luôn tiện giải quyết công việc trong ngày.
Quan tri huyện quay sang hỏi người đội trưởng phu kiệu từ nãy vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện:
- Ngươi có biết nhà ông Minh ở đâu không? Ở gần Cửa Đông à? Thế thì hãy đưa ta đến đó!
Lúc kiệu bắt đầu đi, quan tri huyện cầm tay quan án sát ân cần:
- Ông Địch ạ, tôi hy vọng việc này sẽ không kéo dài làm ông phải mất giấc ngủ trưa. Lúc này tôi đang cần ông hỗ trợ, cần được ông góp thêm ý kiến. Tôi không muốn một mình tham lam ôm lấy một vụ án mạng để rồi say sưa như một anh chàng nghiện ngập đi vào cơn say tuý luý, chẳng còn biết chén rượu nào là chén rượu cuối cùng nữa!
Quan tri huyện rút khăn ra lau mồ hôi trán rồi lo lắng hỏi:
- Liệu việc này có làm phiền ông lắm không hả ông Địch?
- Không, không. Được hỗ trợ quan bác một tay đệ rất vui lòng. – Quan án sát mân mê hàng ria mép đáp bằng giọng hơi khô khan. – Đệ sẽ giúp quan bác nhiều hơn quan bác tưởng. Chỉ xin đừng giấu giếm đệ điều gì như gần đây cái việc quan bác đã làm ở đảo Thiên Đường… – Quan án sát thoáng cười. – Nhưng thôi, bây giờ ta nói chuyện về vụ án mạng. Đệ hy vọng đây chỉ là một vụ bình thường như phần đông những vụ giết người cướp của vẫn xảy ra. Để xem nạn nhân là ai?
Quan tri huyện nhanh nhảu giúi tập tài liệu vào tay quan án sát:
- Đây, ông cứ xem trước đi, tiên sinh ạ. Tôi chợp mắt một tí cho nó thư tâm lại đã. Phải tranh thủ một chốc một lát cho đầu óc tỉnh táo trước khi kiệu đưa ta đến Cửa Đông.
Dứt lời, quan tri huyện ngả người vào những tấm gối mềm, tay kéo sụp chiếc mũ cánh chuồn xuống che kín mắt, miệng thở phào khoan khoái.
Trong khi đó quan án sát vén tấm rèm cửa sổ bên chỗ mình ngồi lên để đọc hồ sơ cho rõ. Nhưng trước khi đọc, ông để ý ngắm nghía bộ mặt đỏ tía của người bạn đồng nghiệp và nghĩ bụng lần này được xem ông ta đích thân điều tra một vụ án mạng kể cũng lý thú. Vốn là một vị quan cấp huyện, ông không bao giờ được tự ý rời khỏi nhiệm sở khi cấp trên không cho phép. Nay được nán lại ở đây tưởng cũng là dịp hiếm. Dưới con mắt của ông, tri huyện Lã bao giờ cũng là một nhân vật hoàn toàn ngoại lệ. Ông ta có dinh thự riêng đầy đủ tiện nghi. Thiên hạ đồn sở dĩ Lã bằng lòng nhậm chức ở Tần Hoài chỉ vì ông ấy thích một nơi biệt lập, ở đấy có đủ điều kiện để ông ấy tìm kiếm những trò tiêu khiển giết thời giờ phù hợp với khẩu vị của ông ấy: rượu vang, đàn bà và thơ.
Tần Hoài xưa và nay là một huyện khó bổ nhiệm. Bởi thế chỉ có Lã là vị quan chức duy nhất hưởng trợ cấp thường xuyên ở mức một huyện quan mà có đủ sức đương đầu với mọi khoản chi phí kể cả những khoản chi phí bảo dưỡng tư dinh. Trong các giới chính thức người ta kháo nhau đấy là lý do chính khiến ông ta cố thủ ở đây. Nhưng dù những lời bàn tán thế nào đi nữa, dưới mắt quan án sát, tri huyện Lã vẫn là một con người lạc quan yêu đời, có khả năng làm tròn mọi trọng trách và thực tế ông ta cai trị địa hạt của mình rất đúng cách. Theo quan án sát, những lời bàn tán về tri huyện Lã chỉ là một phần của những trò dối trá và xảo quyệt nhưng bề ngoài được phủ một lớp sơn hào nhoáng cho nó có vẻ văn hoa. Trước tính cách quyết đoán của quan tri huyện đích thân đến nơi xảy ra vụ án mạng, quan án sát không biết mình nên phản đối hay nên tán thành. Từ trước tới nay ông chưa từng thấy một vị quan nào lại làm theo cái kiểu cách kỳ lạ là tự mình rước lấy công việc của một nhân viên quèn như thế…
Quan án sát từ từ mở tập hồ sơ. Thoạt tiên là tài liệu nói về thân thế chàng phó bảng bị ám hại. Anh ta tên là Tống Ái Viên, hai mươi ba tuổi, chưa vợ. Tốt nghiệp khoá thi văn với kết quả rực rỡ. Tống được Bộ Giáo dục cấp học bổng để tiếp tục nghiên cứu và viết hồi ký lịch sử về một triều đại xưa. Anh ta đến Tần Hoài đã được nửa tháng. Vừa đến nơi, Tống đã gặp ngay ông cố vấn Cao để xin tham khảo các hồ sơ lịch sử của địa phương cách đây vài thế kỷ. Thời đó ở Tần Hoài đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa của nông dân. Tống tỏ ý hy vọng sẽ tìm được những tài liệu về cuộc nổi dậy trong các hồ sơ lưu trữ của toà án. Tống đã được Cao cấp phép. Căn cứ vào lịch làm việc của Tống, hầu hết các buổi chiều anh ta đều đến thư viện của toà án để nghiên cứu. Ngoài ra, anh ta không làm việc gì khác.
Những tài liệu còn lại trong hồ sơ là tài liệu nói về người chủ cho thuê nhà. Ông nhà buôn Minh tú tài, người kế tục nghề buôn trà của bố, lấy vợ cách đây mười tám năm. Vợ là con gái một người bạn của ông. Bà tên là Hoàng, sinh hạ cho ông hai người con, một trai một gái. Cậu con trai năm nay mười bốn tuổi, cô con gái mười sáu. Minh có một vợ chính thức và một vợ không cưới xin. Những giấy tờ chứng chỉ về hôn thú, khai sinh đều đính theo tập hồ sơ.

Hình 2. Ông buôn trà đón tiếp hai vị quan
Quan án sát nhìn tập hồ sơ gật gù ra vẻ hài lòng: “Cái ông Cao này hiển nhiên là một viên chức mẫn cán”. Ông buôn trà năm nay vừa đúng bốn mươi tuổi, nộp thuế đúng kỳ hạn, theo đạo Phật và thường đem của cải nhà mình dùng vào những việc từ thiện. Đã từng cúng những lễ vật nhỏ vào Miếu Thiêng (Miếu Thiêng là một trong rất nhiều ngôi miếu ở phố Đền Thờ). Nghĩ đến đạo Phật, quan án sát chợt nghĩ đến một cái gì đó. Ông lay khuỷu tay quan tri huyện đang ngủ say ngáy khò khò như kéo gỗ.
- Này này, lúc nãy ông cố vấn của quan bác nói đến một Người Đào Huyệt. Người đó là ai thế nhỉ?
- Người Đào Huyệt? – Quan tri huyện mắt nhắm mắt mở nhắc lại.
- Vâng. Lúc nãy ông Cao có nói Người Đào Huyệt đến ăn sáng tại nhà quan bác mà!
- Ờ, ờ… Thế ông đã nghe ai nói đến cái tên ấy bao giờ chưa?
- Chưa bao giờ. Tôi tránh không giao thiệp với hạng người ấy.
Quan án sát vốn theo đạo Khổng nên không tin đạo Phật, cái thứ đạo từng gây ra không biết bao nhiêu điều tai tiếng trong giới tu hành ở đền Đạo Tiên nghiệm huyện ông, chỉ làm ông thêm đối lập với nó.
- Lỗ Huynh không thuộc về một phường vô lại nào cả ông Địch ạ, – quan tri huyện vừa nói vừa cười ha hả. – Tôi tin rằng ông sẽ lấy làm thích thú nếu được tiếp xúc với Lỗ Huynh và sẽ tìm thấy một nguồn hứng thú vô biên trong những câu chuyện ông ta kể. Bây giờ tôi phải xem hồ sơ xem có gì làm sáng tỏ đôi chút những điều mình đang suy nghĩ.
Quan án sát đưa tập hồ sơ cho quan tri huyện và suốt từ đó đến nhà ông Minh, ông không nói thêm một lời nào nữa.