Người dịch : Phước Lộc

Nguyên tác : Five Auspicious Clouds

    
ụ án này xảy ra vào năm 663 khi Địch Nhân Kiệt vừa nhậm chức thẩm phán tại Bồng Lai – nhiệm sở đầu tiên của ông - được một tuần, đây là một huyện xa ở bờ biển phía đông bắc của Trung Quốc. Ngay khi vừa đến nhiệm sở mới ông đã phải đối mặt với ba vụ án bí ẩn đã được nói đến trong truyện “ Bọn săn vàng”. Trong truyện đó có nhắc đến ngành công nghiệp đóng tàu hưng thịnh của Bồng Lai và ông Di Phong, một chủ tàu giàu có. Câu chuyện sắp kể đây xảy ra trong văn phòng của Địch công tại huyện đường, nơi ông vừa tiếp ông Di Phong và hai quý ông khác. Họ vừa kết thúc cuộc thảo luận về đề nghị của Địch công đưa ngành công nghiệp đóng tàu dưới sự kiểm soát của triều đình.
- Vâng, thưa các ngài – Địch công với nụ cười hài lòng nói với ba người khách của mình – vấn đề đã được giải quyết tốt đẹp, tôi nghĩ thế.
Cuộc họp trong văn phòng riêng bắt đầu khoảng 2 giờ và bây giờ đã quá 5 giờ. Nhưng ông nghĩ thời gian đã trôi quá nhanh.
- Các quy tắc chúng ta đề ra dường như có thể giải quyết tất cả mọi tình huống xảy ra nếu có – ông Hồ nhận xét trong giọng nói điềm tĩnh của mình. Ông là một người đàn ông trung niên ăn mặc chỉnh tề, một thư ký về hưu của Bộ trưởng Bộ tư pháp. Nhìn vào Hà Minh, một chủ tàu giàu có ngồi bên phải của mình ông nói thêm:
- Ngài sẽ đồng ý, ông Hà, rằng dự thảo của chúng ta sẽ là một giải pháp hợp lý cho sự khác biệt giữa ngài và người đồng nghiệp của ngài là ông Di Phong đây.
Hà Minh nhăn mặt.
- “Công bằng” là một từ đẹp – ông nói một cách khô khan – nhưng là một thương nhân tôi lại thích từ “lợi nhuận” hơn! Nếu tôi được cạnh tranh một cách công bằng với người bạn của tôi, ông Di, thì kết quả có thể không được chính xác Nhưng dù sao thì tôi cũng có lợi nhuận – cho tôi!
- Đóng tàu ảnh hưởng đến việc bảo vệ bờ biển của chúng ta – Địch công nghiêm khắc nói – Triều đình không cho phép tư nhân độc quyền. Chúng ta đã dành trọn cả buổi chiều về vấn đề này và cảm ơn các tư vấn kỹ thuật tuyệt vời của ông Hồ, chúng ta đã soạn thảo tài liệu đặt ra các quy tắc rõ ràng và các chủ tàu phải tuân theo. Ta mong đợi cả hai ông phải tuân thủ các quy tắc đó.
Ông Di Phong chậm rãi gật đầu. Địch công thích người doanh nhân khôn ngoan nhưng trung thực này. Ông nghĩ về Hà Minh, người mà ông biết là không ngần ngại có các giao dịch mờ ám và thường xuyên gặp rắc rối với phụ nữ. Địch công ra dấu cho gia nhân châm thêm trà vào tách cho mọi người sau đó dựa lưng vào ghế của mình. Đó là một ngày nóng bức nhưng bây giờ đã có một làn gió mát mang hương thơm của cây mộc lan bên ngoài cửa sổ vào căn phòng.
 Ông Di đặt tách trà xuống và đưa mắt cho Hồ và Hà Minh. Đó là dấu hiệu để họ xin cáo lui.
Đột nhiên cánh cửa mở ra và lão Hồng, người cố vấn già thân tín của Địch công bước vào. Ông đến trước bàn và nói:
- Có một người nào đó ở bên ngoài với một tin khẩn cấp, thưa đại nhân.
Địch công nhìn lão Hồng.
- Xin lỗi, ta ra ngoài có chút chuyện – ông nói với ba vị khách của mình. Ông đứng lên và theo lão Hồng ra ngoài.
Khi họ đã ra đến hành lang, lão Hồng thì thầm với ông:
- Đó là quản gia của ông Hồ, thưa đại nhân. Ông ta đến đây báo với chủ của mình là bà Hồ đã tự tử.
- Trời đất! – quan án kêu lên – Hãy bảo ông ta đứng đợi. Ta muốn đích thân báo tin không may này cho ông Hồ. Cô ta đã làm việc ấy như thế nào?
- Cô ta treo cổ tự tử, thưa đại nhân. Tại căn nhà trong khu vườn lúc ngủ trưa. Người quản gia đã vội chạy đến đây ngay.
- Thật là một tin không may cho ông Hồ. Ta thích ông ta. Một người hơi khô khan nhưng tận tâm. Và là một luật gia thông minh.
Ông lắc đầu buồn bã sau đó quay lại văn phòng của mình. Sau khi đã ngồi xuống ghế, ông nhìn ông Hồ và nói với vẻ nghiêm trọng:
- Đó là người quản gia của ông, ông Hồ. Ông ta đến đây báo một tin gây sốc. Về bà Hồ.
Hồ nắm tay vịn của ghế.
- Về vợ tôi?
- Có vẻ như cô ta đã tự tử, ông Hồ.
Ông Hồ gập người xuống như bị một quả đấm giáng vào bụng sau đó ngồi trở lại ghế của mình. Ông nói bằng một giọng buồn rầu:
- Như vậy cuối cùng nó đã xảy ra, giống như tôi đã lo sợ. Cô ấy… cô ấy đã rất chán nản trong những tuần gần đây – ông đưa tay lên che mắt sau đó nói tiếp – Làm thế nào…làm thế nào cô ấy làm được điều đó, thưa đại nhân?
- Người quản gia của ông báo rằng cô ấy treo cổ tự tử. Ông ta đang chờ đợi để đưa ông về nhà, ông Hồ. Ta sẽ cho nhân viên điều tra đi theo để lập giấy chứng tử. Ông sẽ muốn các thủ tục trên thực hiện càng sớm càng tốt, tất nhiên.
Ông Hồ dường như không nghe thấy những gì quan án nói.
- Chết! – ông lẩm bẩm – Chỉ một vài giờ sau khi tôi rời khỏi cô ta! Tôi phải làm gì?
- Chúng tôi sẽ giúp đỡ ông mọi thứ, ông Hồ! - Hà Minh an ủi. Ông nói thêm vài lời chia buồn và Di Phong cũng tham gia. Nhưng dường như Hồ không nghe họ nói gì. Ông nhìn chằm chằm vào khoảng không gian trước mặt với khuôn mặt đờ đẫn. Đột nhiên ông nhìn lên quan án và nói sau một lúc do dự:
- Tôi cần thời gian, thưa đại nhân, một ít thời gian để … Tôi không muốn cầu xin lòng tốt của ngài, thưa đại nhân, nhưng… đại nhân có thể cho một người nào đó thay mặt tôi lo liệu mọi thủ tục? Sau đó, tôi có thể trở về nhà… sau khi khám nghiệm tử thi và khi thi thể đã…
Ông để giọng nói của mình tắt dần và nhìn quan án với vẻ cầu xin.
- Tất nhiên, ông Hồ! – quan án nhanh nhẹn trả lời – Ông ở lại đây và dùng một tách trà. Ta sẽ đi đến nhà của ông cùng với nhân viên điều tra và chuẩn bị một chiếc quan tài. Đó là những gì mà ít nhất ta có thể làm. Ông chưa bao giờ làm cho ta thất vọng về những lời khuyên có giá trị của ông và hôm nay một lần nữa ông đã cống hiến toàn bộ buổi chiều của ông để giúp đõ cho tòa án này. Không, ta nhắc lại một lần nữa, ông Hồ! Hai người bạn của ông sẽ ở lại đây cùng với ông. Chúng tôi sẽ quay lại đây trong vòng nửa giờ hoặc lâu hơn.
Chấp sự Hồng đang chờ trong sân cùng với một người đàn ông nhỏ bé mập mạp có chòm râu dê màu đen. Lão Hồng giới thiệu ông ta là quản gia của nhà họ Hồ. Địch công nói với ông ta:
- Ta đã thông báo mọi việc với ông Hồ, ông có thể quay trở lại ngay bây giờ, quản gia. Chúng ta sẽ theo sau.
Ông nói thêm với lão Hồng:
- Ông nên quay về tòa án và soạn các giấy tờ ra. Chúng ta sẽ cùng xem xét chúng sau khi ta quay trở lại. Hai phụ tá của ta ở đâu?
- Mã Tông và Triệu Thái đang ở trong sân chính, thưa đại nhân, họ đang huấn luyện cho binh lính.
- Tốt. Ta chỉ cần đội trưởng và hai người phụ tá của ông ta để đi đến nhà của ông Hồ. Họ sẽ đặt xác chết vào quan tài. Khi Mã Tông và Triệu Thái huấn luyện xong, họ có thể nghĩ ngơi. Ta không cần họ đêm nay. Nhân viên điều tra và kiệu của ta đã chuẩn bị xong chưa, chúng ta đi đến đó!
 Trong khoảng sân nhỏ phía trước nơi cư trú khiêm tốn của ông Hồ, người quản lý mập mạp đang đứng đợi quan án. Hai người gia nhân mắt đỏ hoe đứng gần cổng nhà. Đội trưởng giúp quan án bước xuống kiệu. Quan án ra lệnh cho ông ta cùng hai bộ đầu đứng đợi trong sân sau đó nói với người quản gia đưa ông và nhân viên điều tra đi đến căn phòng xảy ra án mạng.
Người đàn ông bé nhỏ dẫn họ đi dọc theo hành lang quanh nhà để đến một khu vườn rộng rãi, bao quanh bởi một bức tường cao. Ông ta đưa họ đi vào một con đường quanh co giữa những khóm hoa vào góc xa của khu vườn. Ở đó, dưới bóng râm của hai cây sồi cao là một căn phòng hình bát giác được xây trên một nền gạch tròn. Những miếng ngói của ngôi nhà màu xanh lá cây và trên chóp nhọn của ngôi nhà được mạ vàng, những cây cột và các cánh cửa sổ sơn mài màu đỏ tươi. Quan án bước lên bốn bậc thềm bằng đá cẩm thạch và mở cửa.
Căn phòng nhỏ nhưng có trần nhà cao khá nóng, có một mùi hương lạ lùng thoang thoảng trong không khí. Mắt quan án dừng lại trên chiếc ghế dài bằng tre đặt ở bức tường bên phải. Thân thể của người phụ nữ duỗi dài ra ở đó. Khuôn mặt được quay vào trong tường nên ông chỉ nhìn thấy các sợi dây buộc tóc xỏa ra trên đôi vai. Cô ta mặc một chiếc áo mùa hè bằng lụa trắng, đôi chân nhỏ nhắn đi một đôi giày bằng satin trắng. Quay lại người nhân viên điều tra, Địch công nói:
- Ngươi đến đó và kiểm tra thi thể của cô ta trong lúc ta chuẩn bị giấy chứng tử. Mở cửa sổ, quản gia, không khí nơi đây ngột ngạt quá.
Địch công lấy một biên bản từ tay áo của mình và đặt nó lên bàn cạnh cửa sổ. Sau đó ông đứng yên quan sát căn phòng. Ở cái bàn giữa nhà làm bằng gỗ hồng mộc là một khay trà với hai cái ly. Ấm trà đã bị lật đổ. Một sợi dây lụa đỏ nằm cạnh ấm trà. Hai chiếc ghế cao đặt cạnh bàn. Ngoại trừ hai kệ tre đặt cạnh cửa sổ trên đó đặt vài cuốn sách và vài món đồ cổ nhỏ thì không còn đồ nội thất khác. Nửa trên của bức tường được treo vài tấm bảng bằng gỗ khắc những bài thơ nổi tiếng. Có một bầu không khí yên tĩnh và thanh lịch nơi đây.
Người quản gia mở cánh cửa sổ. Ông ta chỉ cho quan án cái xà ngang màu đỏ bằng sơn mài chạy ngang dưới mái nhà hình vòm. Từ trung tâm của cái xà ngang treo lơ lửng một sợi dây màu đỏ mà phần cuối của nó có dấu bị cắt đứt.
- Chúng tôi tìm thấy cô ta treo ở đó, thưa đại nhân. Người hầu phòng và tôi.
Địch công gật đầu “ Bà Hồ có dấu hiệu chán nản sáng nay?”
- Ồ không, thưa đại nhân, cô ta rất vui vẻ trong bữa ăn trưa. Nhưng khi ông Hà Minh đến thăm ông chủ của tôi, cô ta…
- Ông nói là Hà Minh? Ông ta đến đây làm gì? Ông ta sẽ gặp ông Hồ tại văn phòng của ta vào lúc hai giờ chiều!
Người quản gia có vẻ xấu hổ. Sau một lúc do dự ông ta trả lời:
- Trong khi tôi phục vụ trà cho hai quý ông trong phòng tiếp tân tôi không thể không nghe những gì họ nói. Tôi biết được ông Hà muốn chủ nhân của tôi đưa ra các lời khuyên trong buổi họp sắp tới với đại nhân để tạo thuận lợi cho ông ta. Ông ta thậm chí còn đưa cho chủ nhân của tôi một số đáng kể… thù lao. Tất nhiên là chủ nhân của tôi vô cùng phẫn nộ và từ chối điều đó.
Người nhân viên điều tra bước đến gần quan án “ Tôi muốn chỉ cho đại nhân thấy một vài điều khá kỳ lạ” – ông ta nói.
Nhận thấy vẻ mặt lo lắng của nhân viên điều tra, Địch công ra lệnh cộc lốc với người quản gia:
- Đi tìm và dẫn người hầu phòng của bà Hồ đến đây!
Sau đó ông đi đến chiếc ghế dài. Nhân viên điều tra đã quay đầu của người phụ nữ đã chết lại. Tuy khuôn mặt bị méo mó nhưng vẫn có thể nhận ra đây là một người phụ nữ xinh đẹp. Địch công đoán cô ta vào khoảng ba mươi tuổi. Nhân viên điều tra vén tóc cô ta sang một bên và chỉ cho quan án thấy một vết bầm gần thái dương bên trái.
- Đây là điểm thứ nhất làm tôi lo lắng, thưa đại nhân – ông nói chậm rãi – thứ hai, cái chết là do treo cổ nhưng không có đốt sống cổ nào bị trật khớp. Tôi đã đo chiều dài sợi dây treo lủng lẳng trên xà nhà, sợi dây thòng lọng nằm trên bàn và chiều dài cơ thể cô ta. Thật dễ dàng hình dung cô ta đã thực hiện việc đó như thế nào. Cô bước lên ghế, sau đó lên bàn. Ném sợi dây vòng qua xà nhà để buộc vào đó, đầu còn lại cô ta buộc thành một thòng lọng, chui đầu vào và nhảy từ cái bàn xuống đất làm đổ ấm trà. Trong khi bị treo ở đó chân của cô chỉ cách sàn nhà có vài phân. Thòng lọng từ từ thít chặt cổ cô ta nhưng cổ cô ta không bị phá vỡ. Tôi tự hỏi tại sao cô ta không đưa một cái ghế khác lên bàn sau đó nhảy xuống từ nó. Sự rơi như thế sẽ làm gãy cổ cô ta đảm bảo một cái chết nhanh chóng. Nếu kết hợp điều thực tế này với các vết bầm tím nơi thái dương… ông dừng lại và cho quan án một cái nhìn đầy ngụ ý.
-  Ngươi nói đúng – Địch công nói. Ông lấy tờ giấy biên bản bỏ trở lại vào tay áo của mình. Chỉ có trời mới biết ông có thể chứng tử cho cái chết này! Ông thở dài và hỏi:
- Thời gian của cái chết xảy ra lúc nào?
- Điều này thật khó nói, thưa đại nhân. Cơ thể vẫn còn ấm và các chi chưa cứng lại. Nhưng trong thời tiết nóng bức như thế này và trong căn phòng kín này …
Quan án lơ đãng gật đầu. Ông nhìn chằm chằm vào cái hộp đồng. Nó có hình ngũ giác với các góc tròn, đường kính khoảng một tấc và cao hai phân. Nó có thiết kế hình năm xoắn ốc nối liền với nhau. Trong vòng xoắn ốc này người ta thấy một lớp bột màu nâu đầy tới miệng.
Người nhân viên điều tra nhìn vật đó và nói “ Đó là một cái đồng hồ hương “
- Đúng thế. Nó là biểu tượng cho năm đám mây cát tường, mỗi đám mây được đại diện bởi một hình xoắn ốc. Nếu thắp hương vào đầu của vật này nó sẽ từ từ cháy dọc theo đường xoắn ốc của mô hình. Hãy nhìn xem, nước trà tràn ra từ vòi của bình trà đã làm ướt trung tâm của xoắn ốc thứ ba, dập tắt hương đang cháy nửa chừng của cái đồng hồ. Nếu chúng ta tìm ra chính xác lúc nào cái đồng hồ hương này được thắp lên và mất bao lâu để ngọn lửa tiếp cận với trung tâm của xoắn ốc thứ ba thì chúng ta có thể tính được thời gian gần đúng của vụ tự tử. Hay đúng hơn là của…
http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/thietke.jpg
 
 
Địch công dừng lại, người quản gia đã đến cùng với một người phụ nữ đẩy đà khoảng năm mươi tuổi mặc một bộ đồ màu nâu gọn gàng. Khuôn mặt tròn của bà ta vẫn còn dấu vết của nước mắt. Ngay khi bà ta nhìn thấy thi thể vẫn còn nằm trên chiếc ghế dài, bà ta lại bật ra tiếng nức nở.
 - Bà ta đã ở với bà Hồ bao lâu rồi? – Địch công hỏi người quản gia.
- Hơn hai mươi năm, thưa đại nhân. Bà ta là gia nhân của gia đình bà Hồ, ba năm trước đây bà ta đã theo bà Hồ đến đây khi ông Hồ kết hôn với bà Hồ. Bà ta không xinh đẹp nhưng là một phụ nữ tốt. Bà chủ rất thích bà ta.
- Bình tĩnh đi! – Quan án nói với bà ta – Đây quả là một cú sốc khủng khiếp đối với bà, nhưng nếu bà trả lời các câu hỏi của ta nhanh chóng thì chúng ta có thể sớm đặt thi thể của chủ bà vào quan tài. Cho ta biết là bà có quen thuộc với chiếc đồng hồ hương này?
Bà ta dùng tay áo lau khuôn mặt bơ phờ của mình và trả lời:
- Tất nhiên là tôi biết, thưa đại nhân. Nó đốt cháy trong vòng năm giờ, mỗi xoắn ốc dùng trong một giờ. Trước khi tôi rời khỏi đây, bà chủ than phiền là không khí có mùi ẩm mốc và tôi đã thắp hương cái đồng hồ đó.
- Lúc đó khoảng mấy giờ?
- Lúc đó là hai giờ, thưa đại nhân.
- Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy bà chủ của mình còn sống phải không?
- Vâng, thưa đại nhân. Khi ông Hà nói chuyện với ông chủ của tôi ở phòng tiếp tân trong nhà này, tôi đã thấy bà chủ của tôi ở đây. Ngay sau khi ông chủ bước vào thì thấy bà chủ đã chuẩn bị ngủ trưa. Bà chủ bảo tôi rót hai tách trà và nói thêm là bà không cần tôi nữa cho đến 5 giờ chiều và tôi nên đi ngủ. Bà ta luôn luôn chu đáo! Tôi trở về nhà và nói với người quản gia chuẩn bị một chiếc áo mới màu xám đặt trong phòng ngủ cho chủ nhân để ông ta mặc nó cho cuộc họp tại tòa án. Sau đó chủ nhân tôi đến. Sau khi người quản gia giúp chủ nhân tôi thay áo, chủ nhân bảo tôi đi gọi ông Hà. Họ ra khỏi nhà cùng với nhau.
- Ông Hà ở đâu?
- Tôi tìm thấy ông ta trong vườn, đang ngắm những bông hoa.
- Đúng thế - người quản gia nói tiếp – Sau cuộc nói chuyện tại phòng tiếp tân mà tôi vừa kể với đại nhân, chủ nhân tôi đi đến căn phòng trong vườn tạm biệt bà Hồ và thay đổi y phục. Có vẻ như chỉ còn một mình ông Hà trong phòng tiếp tân, ông ta chắc buồn chán nên ra vườn ngắm hoa.
- Ta đã hiểu. Vậy ai là người đầu tiên phát hiện ra thi thể, ngươi hay là bà giúp việc này?
- Tôi là người phát hiện, thưa đại nhân – bà giúp việc trả lời – Tôi đến đây trước 5 giờ một chút và tôi… tôi thấy cô ta treo cổ ở đó. Tôi chạy ra ngoài và gọi người quản gia.
- Tôi đứng trên ghế một lúc – người quản gia nói – và cắt dây trong khi bà giúp việc ôm lấy cô ta. Tôi tháo lỏng sợi dây quanh cổ và sau đó đưa cô ta đến chiếc ghế dài. Hơi thở và nhịp tim đã ngừng. Chúng tôi cố gắng làm cô ấy tỉnh lại bằng cách xoa bóp mạnh mẽ nhưng đã quá muộn. Tôi vội vã đến tòa án để báo cáo với ông chủ. Nếu tôi phát hiện ra cô ta sớm hơn…
- Ông đã làm tất cả những gì ông có thể làm, quản gia. Hãy để ta nghĩ xem. Ông vừa nói với ta rằng trong bữa ăn trưa bà Hồ rất vui vẻ cho đến khi ông Hà xuất hiện, phải thế không?
- Vâng, thưa đại nhân. Khi bà Hồ nghe tôi thông báo có ông Hà đến tìm ông chủ thì bà tái mặt và nhanh chóng bỏ đi vào phòng kế bên. Tôi thấy rằng bà ta…
Ông hiểu lầm rồi! – người giúp việc cáu kỉnh ngắt lời – Tôi đi theo bà ta từ phòng khách đến đây và không nhận thấy bà ta có vẻ buồn bã gì!
Người quản gia tức giận định cãi lại nhưng Địch công giơ tay lên và nói cộc lốc:
- Đi đến cổng và bảo người gác cổng kể lại những gì đã xảy ra sau khi ông Hà và chủ nhân của ông rời khỏi đây, kể từ lúc họ đến cho đến khi họ còn ở lại đây. Nhanh lên!
 Khi người quan gia đi khỏi, Địch công ngồi xuống bàn. Chậm rãi vuốt bộ râu dài ông âm thầm quan sát người phụ nữ đang đứng cúi đầu trước mặt ông. Sau đó ông nói:
- Bà chủ của ngươi đã chết. Ngươi có nhiệm vụ phải cho ta biết tất cả mọi thứ có thể giúp tìm ra người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của cô ta. Nói, tại sao sự xuất hiện của ông Hà lại làm cho cô ta đau khổ?
Người giúp việc nhìn ông với vẻ sợ hãi. Bà ta rụt rè trả lời:
- Tôi thực sự không biết, thưa đại nhân. Tôi chỉ biết rằng trong hai tuần qua cô ta đã hai lần đến thăm ông Hà nhưng không cho ông Hồ biết. Tôi muốn đi với cô ta nhưng ông Phụng nói…
Bà ta đột ngột ngưng lại. Khuôn mặt bà đỏ bừng và bà giận dữ cắn môi.
- Ông Phụng là ai? – Địch công cao giọng hỏi.
Bà ta cân nhắc trong một lúc lâu, trán bà cau lại trong một cái cau mày. Sau đó, bà nhún vai và trả lời:
- Vâng, đó là một sự ràng buộc và họ đã không làm bất cứ điều gì sai! Ông Phụng là một họa sĩ, thưa đại nhân, ông ta rất nghèo và sức khỏe không tốt. Ông từng sống trong một ngôi nhà bẩn thỉu gần nơi ở của chúng tôi. Sáu năm trước đây, cha của ông ta – một quận trưởng đã về hưu – và ông Phụng dạy bà chủ của tôi về hội họa. Lúc đó bà ta mới 22 tuổi trong khi ông Phụng là một thanh niên đẹp trai… Không có gì thắc mắc khi họ yêu nhau. Ông Phụng là một người đàn ông tốt, thưa đại nhân, và cha ông ta là một học giả nổi tiếng. Nhưng ông đã mất tất cả tiền bạc của mình và…
- Ta không quan tâm đến điều đó! Họ yêu nhau?
Bà giúp việc lắc đầu một cách dứt khoát và nhanh chóng trả lời:
- Không bao giờ, thưa đại nhân! Ông Phụng đã lên kế hoạch nhờ ai đó đến nói với viên huyện lệnh trước đây về cuộc hôn nhân. Thật ra là ông ta rất nghèo nhưng ông đã từng thuộc về một gia đình lừng lẫy nên có hy vọng là viên huyện lệnh sẽ đứng ra làm chủ. Nhưng tại thời điểm đó bệnh ho của ông càng trầm trọng hơn. Ông hỏi ý kiến đại phu và được cho biết là bệnh phổi của ông đã đến thời kỳ cuối và ông sẽ chết trẻ… Ông Phụng nói với bà chủ của tôi là họ sẽ không bao giờ kết hôn, nó chỉ là một giấc mơ xa vời. Ông sẽ đi đến một nơi rất xa. Nhưng cô van nài ông ở lại, cô cho biết họ vẫn có thể là bạn của nhau và cô mong muốn được ở gần bên ông để chăm sóc cho ông khi bệnh của ông ngày càng tồi tệ hơn…
- Họ vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau sau khi ông Hồ kết hôn với bà chủ của ngươi?
- Vâng, thưa đại nhân. Ở tại căn phòng này. Nhưng chỉ vào ban ngày và tôi luôn luôn có mặt. Tôi thề rằng ông ta chưa bao giờ chạm vào tay cô ta, thưa đại nhân!
- Ông Hồ có biết về những cuộc gặp gỡ bí mật đó?
- Không, tất nhiên là không! Chúng tôi chờ đợi cho đến khi ông chủ đi vắng một vài ngày, sau đó tôi sẽ mang tin nhắn của bà chủ tôi đến ông Phụng. Ông sẽ lẻn vào qua cánh cửa của khu vườn và uống một tách trà với bà chủ của tôi tại căn phòng này. Tôi biết các chuyến thăm thường xuyên như thế là điều duy nhất giữ ông Phụng không bỏ đi, sau ba năm kể từ lúc bà chủ tôi lập gia đình. Và bà ta rất thích các cuộc nói chuyện như thế! Và tôi đã có mặt tại đó, luôn luôn…
 - Ngươi thông đồng trong các cuộc gặp gỡ bí mật – quan án nói một cách gay gắt – và có lẽ là kẻ giết người. Cho ngươi biết sự thật là bà chủ của ngươi không phải tự tử, bà ta bị giết chết. Chính xác là vào lúc 4 giờ 30.
- Nhưng làm sao mà ông Phụng lại có thể làm điều đó, thưa đại nhân? – bà giúp việc òa khóc.
- Đó là những gì mà ta sẽ tìm ra – quan án nói một cách dứt khoát. Ông quay sang nhân viên điều tra – Hãy đi đến cổng nhà!
Đội trưởng và hai bộ đầu đang ngồi trên băng ghế đá ở sân trước. Nhìn thấy Địch công ông ta vội đứng lên chào và hỏi:
- Tôi bảo thuộc hạ của mình đi lấy một chiếc quan tài tạm thời, thưa đại nhân?
- Không, không được nói gì cả - quan án nói cộc lốc và bước đi.
Trong lều của người gác cổng, người quản gia bé nhỏ đang quát mắng một ông lão mặc chiếc áo dài màu xanh. Hai phu khiêng kiệu đang đứng bên ngoài cửa sổ và lắng nghe với sự thích thú.
- Người đàn ông này cho rằng không có ai đến nhà, thưa đại nhân – người quản gia giận dữ nói – Nhưng lão ta thú nhận là có ngủ quên từ 3 đến 4 giờ. Thật là đáng hổ thẹn!
Bỏ qua những lời nhận xét này, quan án đột ngột hỏi:
- Ngươi có biết một họa sĩ tên Phụng?
Người quản gia ngạc nhiên lắc đầu nhưng một phu khiêng kiệu trẻ tuổi kêu lên:
- Tôi biết ông Phụng, thưa đại nhân! Ông ta thường mua một bát mì tại tiệm của cha tôi ở góc đường. Ông ta thuê một căn gác ở tiệm tạp hóa phía sau ngôi nhà này. Tôi thấy ông ta đứng ở gần cổng của khu vườn của chúng tôi cách đây khoảng một giờ hay lâu hơn một chút.
Địch công quay sang nhân viên điều tra và nói:
- Người khiêng kiệu này sẽ đưa ngươi đến nơi ở của ông Phụng và ngươi đưa ông ta về đây. Đừng nói gì với ông ta về cái chết của bà Hồ!
Sau đó ông ra lệnh cho người quản gia:
- Dẫn ta đến phòng tiếp tân. Ta sẽ gặp ông Phụng tại đó.
Phòng tiếp tân khá nhỏ và đồ nội thất tuy đơn giản nhưng chất lượng rất tốt. Người quản gia mời Địch công ngồi vào chiếc ghế bành thoải mái tại chiếc bàn giữa nhà và rót một tách trà. Sau đó ông ta kín đáo lui ra.
Từ từ nhấm nháp trà, Địch công thầm hài lòng khi danh tính của kẻ giết người sớm được xác định. Ông hy vọng nhân viên điều tra tìm thấy người họa sĩ và đem anh ta về đây để ông có thể thẩm vấn ngay.
Sớm hơn là ông nghĩ, người nhân viên điều tra đi vào cùng với một người đàn ông gầy ốm khoảng chừng 30 tuổi, anh ta mặc một chiếc áo dài màu xanh cũ mèm nhưng sạch sẽ với chiếc thắt lưng đen. Anh ta có khuôn mặt thanh lịch với hàng ria mép ngắn màu đen. Một vài lọn tóc ló ra dưới chiếc mũ đội đầu màu đen đã cũ. Quan án nhìn vào đôi mắt to thông minh và những đốm màu đỏ trên đôi má hóp của anh ta. Ông ra hiệu để anh ngồi vào chiếc ghế phía bên kia cái bàn. Nhân viên điều tra rót một tách trà cho người khách sau đó đứng sau ghế của anh ta.
- Ta đã nghe nói nhiều về công việc của anh, anh Phụng – quan án nói với vẻ ân cần – Ta mong muốn được làm quen với anh.
Người họa sĩ vuốt thẳng chiếc áo đang mặc bằng những ngón tay nhạy cảm của mình. Sau đó anh ta nói bằng một ngôn ngữ của người có học:
- Tôi cảm thấy rất hảnh diện khi nhận được sự quan tâm của ngài, thưa đại nhân. Tuy nhiên tôi thấy thật khó tin khi ngài khẩn trương gọi tôi đến đây, tại nhà của ông Hồ chỉ để nói chuyện về vấn đề nghệ thuật.
- Không phải thế, không. Một tai nạn đã xảy ra tại đây, trong khu vườn này, ông Phụng. Và ta đang tìm kiếm các nhân chứng.
Phụng hỏi một cách lo lắng:
- Một tai nạn? Tôi nghĩ rằng nó không liên quan đến bà Hồ?
- Nó thực sự liên quan đến cô ta, ông Phụng. Nó xảy ra vào khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ tại căn nhà trong khu vườn. Và ông đã đến gặp cô ta tại thời điểm đó.
- Chuyện gì đã xảy ra với cô ta? – người họa sĩ kêu lên.
- Ngươi biết rõ câu trả lời mà! – Địch công lạnh lùng nói – Bởi vì chính ngươi đã sát hại cô ta!
- Cô ấy đã chết! – Phụng kêu lên. Anh vùi mặt vào hai bàn tay. Đôi vai hẹp của anh rung lên theo tiếng nấc. Sau một lúc lâu anh ngước nhìn lên và cố lấy lại tự chủ. Anh hỏi bằng giọng nói thận trọng:
- Ngài có thể vui lòng nói cho tôi biết, thưa đại nhân, tại sao tôi lại đi giết người phụ nữ mà tôi yêu quý hơn bất cứ điều gì khác trên thế gian này?
- Động cơ của ngươi là do sợ bị tố cáo. Sau khi cô ta kết hôn ngươi tiếp tục ép buộc cô ta phải gặp gỡ ngươi. Cô ta đã quá mệt mỏi với việc này và bảo nếu ngươi không dừng lại thì cô sẽ báo cho chồng mình biết. Ngày hôm nay hai người đã có một cuộc tranh cãi dữ dội và ngươi đã giết chết cô ta.
Họa sĩ chậm rãi gật đầu.
- Phải – anh nói với vẻ cam chịu – đó là một lời giải thích thỏa đáng, tôi nghĩ thế. Và tôi đã có mặt tại cửa của khu vườn vào thời điểm mà ngài đề cập.
- Cô ta có biết là ngươi sẽ đến?
- Phải, sáng nay một tên nhóc mang đến cho tôi một tin nhắn từ cô ta. Nó nói rằng cô ta muốn gặp tôi vì một việc cấp bách. Nếu tôi đến cổng khu vườn vào khoảng 4 giờ 30 và gõ vào cánh cổng bốn lần như thường lệ thì người giúp việc sẽ cho tôi vào.
- Đã xảy ra những gì khi ngươi đi vào bên trong?
- Tôi không vào bên trong. Tôi gõ cửa nhiều lần nhưng cánh cổng vẫn đóng. Tôi đi lại quanh nơi đó nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả và tôi quay trở về nhà.
- Đưa ta xem tin nhắn của cô ta!
- Tôi không thể, tôi đã đốt nó. Như cô ấy bảo.
- Vì vậy, ngươi phủ nhận việc giết cô ta?
Phụng nhún vai.
- Nếu ngài chắc chắn rằng không thể phát hiện ra tên tội phạm thực sự, thưa đại nhân, tôi sẵn sàng thú nhận mình đã giết cô ta để cho ngài kết thúc vụ án này. Tôi thực sự đã chết từ lâu và việc tôi chết trên giường bệnh hay chết giữa pháp trường cũng chẳng khác gì nhau. Cái chết của cô ấy đã cướp đi lý do cuối cùng của tôi để kéo dài cuộc sống khốn khổ này. Một tình yêu khác của tôi dành cho nghệ thuật đã bị căn bệnh kéo dài này tiêu diệt sự sáng tạo. Nếu ngài nghĩ rằng có thể theo dõi con quỷ độc ác đã giết chết người phụ nữ vô tội này và đưa nó ra trước công lý thì đừng cố bắt tôi phải thừa nhận một tội ác mà tôi không làm.
Địch công nhìn anh ta một lúc lâu trong lúc trầm tư vuốt ve ria mép của ông.
- Bà Hồ có thói quen gửi tin nhắn cho ngươi thông qua một tên nhóc đường phố?
- Không, thưa đại nhân. Người giúp việc của bà ta luôn mang thư đến cho tôi và đây là lần đầu tiên bức thư ghi yêu cầu đốt thư sau khi đọc xong. Nhưng nó chắc chắn là của cô ta vì tôi đã quen thuộc với phong cách viết thư và nét chữ của cô ta.
Một cơn ho dữ dội đã cắt ngang lời anh. Anh dùng khăn giấy lau miệng và thờ ơ nhìn những vết máu lốm đốm trên chiếc khăn, sau đó tiếp tục nói:
- Tôi không biết có vấn đề cấp bách gì mà cô ta muốn gặp tôi để thảo luận. Và ai là người nuốn cô ta chết? Tôi biết cô ta và gia đình cô ấy hơn mười năm nay và tôi có thể đảm bảo với ngài là họ không có kẻ thù nào! – Vân vê ria mép của mình anh ta nói thêm – Cuộc hôn nhân của cô ta thực sự hạnh phúc. Hồ tuy có đôi chút đần độn nhưng ông ta thực sự yêu quý cô ấy, luôn tốt bụng và chu đáo. Không bao giờ lấy thêm vợ lẽ mặc dù cô ta không sinh cho ông ta được đứa con nào. Và cô ta cũng thích và tôn trọng ông ta.
- Không thể chấp nhận được việc cô ta lén lút gặp ngươi – quan án nhận xét một cách khô khan – Hành vi đáng bị khiển trách nhất đối với một người phụ nữ đã lập gia đình. Không nói đến ngươi!
Người họa sĩ nhìn quan án với vẻ kiêu căng.
- Ngài không hiểu đâu – anh lạnh lùng nói – Ngài bị kẹt trong mạng lưới những quy tắc và quy ước trống rỗng vô nghĩa. Không có gì đáng khiển trách về tình bạn của chúng tôi, tôi nói cho ngài biết. Lý do duy nhất chúng tôi giữ bí mật các cuộc gặp gỡ của chúng tôi bởi vì Hồ là một người đàn ông cổ hủ, người sẽ nhận xét sai lầm về mối quan hệ của chúng tôi giống như ngài. Chúng tôi không muốn làm tổn thương ông ta.
- Ta không quan tâm đến suy nghĩ của ngươi! Ngươi biết khá rõ về bà Hồ vì vậy ngươi có thể nói cho ta biết vì sao bà ta thường tỏ ra chán nản?
- Ồ vâng. Thực tế là cha cô, viên huyện lệnh về hưu, đã không quản lý tốt gia sản của mình nên đã mắc nợ rất nhiều với ông chủ tàu giàu có Hà Minh. Hơn một tháng nay với tiền lãi cao hắn đã nhẫn tâm buộc ông già phải chuyển nhượng đất đai của ông cho hắn để trừ nợ nhưng ông già không muốn điều đó. Đất đai này thuộc về gia đình ông qua bao nhiêu thế hệ và hơn thế nữa ông thấy mình phải có trách nhiệm với những nông dân làm thuê cho ông. Hà sẽ bòn rút đến đồng bạc cuối cùng ra khỏi tay ông già bằng bàn tay quỹ dữ của hắn! Ông già cầu xin Hà chờ đợi cho đến sau khi thu hoạch, sau đó ông có thể trả cho Hà một phần nợ nần. Nhưng Hà khẳng định sẽ tịch biên tài sản để có được số đất đai đó với giá rẻ. Bà Hồ rất lo lắng về chuyện này, cô ta nói với tôi đã hai lần đi gặp Hà. Cô ấy cố hết sức mình thuyết phục ông ta đừng hối thúc việc thanh toán ngay nhưng con chuột bẩn thỉu đó nói hắn ta sẽ xem xét lại chuyện này nếu cô ta chịu ngủ với hắn!
- Ông Hồ có biết về những lần thăm viếng đó?
- Ông ta không biết. Chúng tôi biết ông ta sẽ đau khổ khi biết cha vợ của mình gặp khó khăn về tài chính nhưng ông ta không thể làm gì để giúp đỡ cha mình. Ông Hồ không có tài sản cá nhân, ngài biết đấy. Ông phụ thuộc vào số lương hưu khiêm tốn của mình để đảm bảo cho cuộc sống của ông ta.
- Hai người đã thực sự rất tốt với ông Hồ!
- Ông ấy xứng đáng với điều đó, ông ta là một người tốt. Điều duy nhất ông ta không thể cung cấp cho người vợ của ông ta là trí tuệ và cô ta tìm thấy điều đó ở tôi.
- Ta chưa bao giờ thấy một sự thiếu hoàn chỉnh nhất về vấn đề cơ bản của đạo đức như thế này! – quan án thốt lên với vẻ kinh tởm. Ông đứng lên và ra lệnh cho nhân viên điều tra:
- Đưa người đàn ông này đến cho đội trưởng bộ đầu và giam hắn vào ngục như là kẻ tình nghi giết người. Sau đó ngươi và hai bộ đầu mang xác chết của bà Hồ đến tòa án và tiến hành khám nghiệm tử thi. Báo cáo mọi việc cho ta sau khi ngươi làm xong. Ngươi sẽ tìm thấy ta trong văn phòng riêng của ta.
Ông tức giận vung vẩy tay áo rộng của mình và bỏ đi.
Ông Hồ và hai chủ tàu đã ngồi chờ trong văn phòng của Địch công cùng với người giúp việc. Họ muốn đứng lên khi thấy quan án bước vào nhưng ông ra hiệu cho họ ngồi yên. Ông đến ngồi vào chiếc ghế bành của mình phía sau bàn và ra hiệu cho người giúp việc châm trà.
- Tất cả mọi chuyện đã được giải quyết, thưa đại nhân? – ông Hồ hỏi với giọng buồn rầu.
Địch công uống cạn tách trà sau đó đặt tay lên bàn và chậm rãi trả lời:
- Không hẳn, ông Hồ. Ta có tin xấu cho ông. Ta thấy rằng vợ ông không phải tự tử mà bị sát hại.
Ông Hồ thốt lên một tiếng kêu kinh hoàng. Ông Hà và ông Di nhìn nhau ngạc nhiên. Sau đó ông Hồ thốt lên:
- Sát hại? Ai đã làm điều đó? Và lý do tại sao?
- Các bằng chứng cho thấy là do một người họa sĩ tên là Phụng.
- Phụng? Một họa sĩ? Chưa bao giờ nghe nói đến anh ta!
- Ta đã cảnh báo với ông những tin xấu, ông Hồ. Rất xấu. Trước khi ông kết hôn với người vợ của minh, cô ta đã có mối quan hệ thân thiện với người họa sĩ này. Sau khi kết hôn cả hai vẫn tiếp tục bí mật gặp nhau tại căn phòng trong khu vườn. Có thể là cô ấy quá mệt mỏi vì anh ta nên muốn chấm dứt liên lạc. Biết rằng ông sẽ ở đây suốt cả buổi chiều, cô ta có thể gửi cho Phụng một tin nhắn yêu cầu anh ta đến gặp cô. Và nếu sau đó cô nói rằng muốn chấm dứt quan hệ với anh ta nên có thể anh ta đã giết chết cô.
Hồ ngồi đó nhìn chằm chằm thẳng về phía trước, đôi môi mỏng mím chặt. Di và Hà nhìn nhau bối rối, họ đứng lên định lui ra để quan án và Hồ ở lại cùng nhau. Nhưng Địch công ra dấu buộc họ phải ở lại. Cuối cùng Hồ nhìn lên và hỏi:
- Cô ta đã bị giết như thế nào?
- Cô ấy bị đánh vào thái dương làm cho bất tỉnh, sau đó bị tròng dây vào cổ và treo lên xà nhà. Kẻ giết người đã làm đổ ấm trà và nước trà làm tắt ngọn lửa ở cái đồng hồ hương ở khoảng 4 giờ 30 như là thời gian khi hắn ta thực hiện hành động tội ác của mình. Ta có thể nói thêm rằng một nhân chứng đã nhìn thấy họa sĩ Phụng lảng vảng vào thời điểm đó gần cổng của khu vườn nhà ông.
Có tiếng gõ cửa. Nhân viên điều tra đến và đưa một tập tài liệu cho quan án. Nhanh chóng liếc qua báo cáo khám nghiệm tử thi, ông thấy nguyên nhân cái chết là do nghẹt thở. Ngoài những vết bầm tím trên thái dương cơ thể không có dấu hiệu bạo lực khác. Cô ta đang có mang được ba tháng.
 Địch công gấp mảnh giấy lại và chậm rãi đặt nó vào tay áo. Sau đó ông nói với nhân viên điều tra:
- Nói đội trưởng bộ đầu trả tự do cho người đàn ông mà ông ta vừa bỏ tù. Người đó sẽ phải chờ tại nhà của lính canh một lúc nữa. Lát nữa có thể ta sẽ muốn hỏi anh ta một số chuyện.
Khi nhân viên điều tra lui ra, ông Hồ đứng lên. Ông nói bằng giọng khàn khàn:
- Nếu đại nhân cho phép, tôi xin được cáo lui. Tôi phải…
- Chưa được, ông Hồ - quan án ngắt lời ông ta – Ta muốn hỏi ông câu hỏi đầu tiên. Ở đây và trước mặt ông Hà và ông Di.
Hồ ngồi xuống với vẻ mặt bối rối.
- Ông để lại vợ của ông tại căn phòng trong khu vườn vào khoảng 2 giờ, ông Hồ - Địch công nói tiếp – và ông có mặt tại đây cho đến 5 giờ, khi người quản gia đến báo về cái chết của vợ ông. Đối với tất cả chúng ta ở đây đều biết cô ta có thể chết bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 5 giờ. Tuy nhiên khi ta nói với ông về việc tự tử của cô ta thì ông cho biết “ Chỉ một vài giờ sau khi tôi rời khỏi cô ta…” như ông Hà và ông Di đây sẽ chứng thực. Làm thế nào mà ông biết là cô ta đã chết vào khoảng 4 giờ 30?
Hồ không trả lời. Ông nhìn chằm chằm vào quan án với đôi mắt mở to, sửng sốt. Địch công nói tiếp, giọng nói của ông đột nhiên trở nên khắc nghiệt:
- Ta sẽ nói cho ông biết, ông Hồ! Bởi vì chính ông đã giết chết vợ mình vào lúc 2 giờ ngay sau khi người giúp việc rời khỏi căn phòng và cố ý làm đổ nước trà vào đồng hồ hương. Ông dường như coi ta là chuyên gia phá án, cám ơn ông. Ông biết rằng khi ta đến hiện trường sẽ phát hiện ra vợ ông bị sát hại và căn cứ vào chiếc đồng hồ hương thì tội ác được thực hiện vào lúc 4 giờ 30. Ông cũng giả thuyết rằng sớm hay muộn ta cũng sẽ tìm ra Phụng có mặt tại cổng vườn vào khoảng thời gian đó, anh ta có mặt tại đó bằng tin nhắn giả mạo mà ông gửi. Đó là một âm mưu rất thông minh, ông Hồ, xứng đáng với một chuyên gia trong các vấn đề về pháp lý. Nhưng yếu tố thời gian làm giả một cách cẩn thận đã chứng minh đó chính là tác phẩm của ông. Ông luôn tự nhủ với bản thân “ Mình không bao giờ bị nghi ngờ bởi vì thời gian của vụ giết người là vào lúc 4 giờ 30 và lúc đó mình có bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo”. Và do vô tình mà ông đã lỡ miệng nói “ chỉ một vài giờ sau khi tôi rời khỏi cô ta… “. Vào thời điểm đó câu nói này ta chẳng chú ý lắm. Nhưng ngay sau khi ta nhận ra rằng nếu Phụng không phải là kẻ giết người thì chỉ có thể là ông, ta nhớ lại những lời nói đó và nó đã cung cấp bằng chứng cuối cùng cho tội lỗi của ông. Năm đám mây cát tường đã không mang lại điều tốt lành cho ông, ông Hồ!
Hồ tự chủ lại. Ông lạnh lùng hỏi:
- Tại sao tôi lại phải giết vợ tôi?
- Ta sẽ nói cho ông biết. Ông đã phát hiện ra các cuộc gặp gỡ bí mật của vợ mình với Phụng và khi cô ta nói với ông là mình đã có thai thì ông quyết định tiêu diệt cả hai, “ nhất tiễn hạ song điêu “. Ông cho rằng Phụng chính là cha của đứa trẻ chưa sinh và…
- Hắn ta không phải! – Hồ đột nhiên thét lên – Ngài nghĩ rằng kẻ bất hạnh đau khổ đó có thể có con sao …Không, đó chính là con tôi, ngài có nghe không? Điều duy nhất của hai kẻ bệnh hoạn đó là những câu chuyện vô vị, đa cảm! Và tất cả những lời tôi nghe họ nói về tôi!... người chồng đàng hoàng nhưng ngu si, đần độn, người chiếm hữu được cơ thể của cô ta nhưng không bao giờ hiểu được tâm trí tuyệt vời của cô ấy. Tôi có thể, tôi có thể có… Ông ta bắt đầu nói lắp trong cơn giận dữ bất lực. Sau đó, ông ta tự chủ lại và nói bằng giọng nói bình tĩnh hơn – Tôi không muốn con của một người phụ nữ với tâm trí của một con điếm, một người phụ nữ…
- Được rồi! – Địch công nói cộc lốc. Ông vỗ tay. Khi người đội trưởng đến, ông nói:
- Xích tên giết người này lại và giam vào ngục. Ta sẽ nghe lời thú tội đầy đủ của hắn vào phiên tòa sáng mai.
Sau khi người đội trưởng dẫn Hồ đi, quan án nói với Di Phong:
- Người giúp việc sẽ tiễn ông về, ông Di – quay sang ông chủ tàu còn lại, ông nói thêm – Còn ông, ông Hà, ông sẽ ở lại đây một lát. Ta có vài chuyện muốn nói riêng với ông.
Khi chỉ còn lại hai người, Hà nói với vẻ tâng bốc:
- Đại nhân đã giải quyết vụ án này trong thời gian rất ngắn! Hồ nghĩ rằng…
Địch công cho ông ta một cái nhìn cáu kỉnh:
- Ta không nghĩ rằng Phụng là kẻ bị tình nghi – ông nhận xét khô khan – Các bằng chứng chống lại anh ta được trang bị quá hoàn hảo trong khi cách thức giết người lại hoàn toàn không phù hợp với tính cách của anh ta. Trong lúc ngồi kiệu quay trở lại đây ta đã có thời gian suy nghĩ về điều đó. Ta lý luận rằng bằng chứng chỉ có thể được tạo ra bởi người trong cuộc, nó đã được tạo ra bởi Hồ - người có động cơ muốn trả thù người vợ ngoại tình và người yêu của cô ta, tiêu diệt cả hai cùng một lúc. Nhưng tại sao Hồ lại phải chờ đợi quá lâu? Ông ta biết tất cả mọi thứ từ việc bà Hồ gửi tin nhắn cho Phụng, ông đã phát hiện ra các cuộc gặp gỡ bí mật của họ từ lâu. Khi ta nhìn thấy báo cáo khám nghiệm tử thi nói rằng bà Hồ đã mang thai, ta cho rằng việc này đã làm cho chồng bà ta quyết tâm thực hiện hành động. Và ta đã đúng, mặc dù chúng ta đã thấy phản ứng cảm xúc của ông ta khác hẳn với giả thuyết của ta.
Nhìn người chủ tàu với đôi mắt u ám của mình, ông tiếp tục:
- Các bằng chứng sai lệch chỉ có thể được tạo ra bởi một người trong cuộc, người quen thuộc với đồng hồ hương và với chữ viết tay của bà Hồ. Điều này đã cứu ông khỏi tội giết người, ông Hà!
-  Tôi, thưa đại nhân? – Hà kinh ngạc kêu lên.
- Tất nhiên. Ta đã biết về việc viếng thăm của bà Hồ với ông và việc bà ta từ chối lời đề nghị kinh tởm của ông. Chồng bà ta không biết về điều này nhưng Phụng biết. Điều này cũng là một động cơ để ông tiêu diệt cả hai người bọn họ. Và ông cũngcó cơ hội vì ông đã ở trong khu vườn vào lúc 2 giờ trong khi bà Hồ chỉ có một mình trong căn phòng. Ông không phạm tội giết người, ông Hà, nhưng phạm tội dụ dỗ một người phụ nữ đã lập gia đình, điều này được ông Phụng làm chứng và cố gắng hối lộ, sẽ được người quản gia của ông Hồ làm chứng, ông ta đã nghe cuộc trò chuyện của ông lúc ông ghé thăm ông Hồ vào buổi trưa. Ngày mai ta sẽ xét xử cả hai tội này của ông trong phiên tòa và kết án ông một án tù. Điều này sẽ kết thúc sự nghiệp của ông tại Bồng Lai, ông Hà.
Hà đứng lên và quỳ xuống đất dập đầu cầu xin lòng thương xót nhưng Địch công đã nhanh chóng nói tiếp:
- Ta sẽ không buộc hai tội trên miễn là ông đồng ý trả hai án phí. Trước tiên, ngay đêm nay ông viết một bức thư cho cha của bà Hồ, có chữ ký và đóng dấu, thông báo cho ông ta là ông ta có thể trả lại tiền đã mượn của ông bất cứ lúc nào mà ông ta thấy phù hợp và ông xóa bỏ tất cả số lãi đó. Thứ hai, ông sẽ trả tiền cho ông Phụng để vẽ mỗi chiếc tàu trong nhà máy đóng tàu của ông một bức tranh., trả tiền cho anh ta một miếng bạc cho mỗi bản vẽ.
Ông giơ tay để ngăn ông Hà bày tỏ lòng biết ơn của ông ta và nói tiếp:
- Những việc này xem như là ân xá cho ông, tất nhiên. Tuy nhiên nếu ta nghe thấy ông một lần nữa quấy rối những người phụ nữ khác thì ông sẽ bị truy tố về tất cả những tội vừa nêu. Đi ngay đến phòng bảo vệ. Ông sẽ tìm thấy ông Phụng ở đó và ông sẽ đặt hàng những bản vẽ với anh ta. Tạm ứng trước cho anh ta năm miếng bạc. Tạm biệt!
Khi người chủ tàu sợ hãi lui ra, quan án đứng dậy khỏi ghế và đi đến đứng trước cánh cửa sổ mở rộng. Ông thưởng thức hương thơm tinh tế của khóm hoa mộc lan mọc bên ngoài một lúc, sau đó ông lẩm bẩm:
- Việc không chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức của một người đàn ông là lý do để ông ta chết trong đau khổ.
Ông đột ngột quay lại và rời khỏi văn phòng.

HẾT

Xem Tiếp: ----