---~~~mucluc~~~---


TỪ CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI MẸ TRẺ VIỆT NAM
ĐẾN SỰ TRANH ĐẤU CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT

A) Những chuyện quanh cái chết của cô Trần Thị Bích Câu
Trong tuần qua hầu hết các báo Mỹ, Mễ và Việt ngữ đã đưa tin về cái chết tức tưởi của một người đàn bà Việt Nam, cô Trần Thị Bích Câu 25 tuổi tại San Jose. Sự việc đưa đến cái chết đáng thương tâm, Bán Tuần Báo Saigon USA tường thuật như sau:
“Nghe tiếng gõ cửa dồn dập, người nhà ra mở cửa mà không hiểu chuyện gì. Một người cảnh sát Mỹ to lớn lấn cửa bước vào. Chỉ kịp bước hai bước, người cảnh sát hô to vài ba tiếng “Ê! Ê! Ê..!"Người phụ nữ 25 tuổi nhỏ bé yếu đuối, tay cầm con dao gọt khoai đứng bên bàn ăn, vẫn chưa hiểu chuyện gì, không biết trả lời sao. Tức thì một tiếng “Đoàng!"khô khan. Viên đạn bắn thẳng vào người phụ nữ. Cô ngã qụy xuống không kịp kêu thốt một lời. Người nhà quay lại, chỉ kịp thấy miệng cô hắt ra hơi thở cuối cùng. Tất cả mọi chuyện xảy ra để kết liễu một đời người vô tội, một phụ nữ yếu đuối, một người mẹ với hai con thơ dại, chỉ xảy ra vỏn vẹn trong vòng 2, 3 giây đồng hồ, vào lúc 8 giờ rưỡi tối hôm chủ Nhật ngày 13 tháng 7 năm 2003 tại căn nhà chung cư, góc đường 12thStreet và Taylor, thành phố San Jose, tiểu bang California.
Người phụ nữ vắn số vừa mới 25 tuổi, mẹ hai con trai đứa lên 4, đứa gần lên 3. CôTrần Thị Bích Câu có người bạn trai tên Q. Cô mới qua Mỹ được 6 năm nay và dọn về căn chung cư trên đường Taylor, bên cạnh tiệm Sơn Appliances của ông bà Trần Hựu được chừng 3 tháng nay.
Chiều chủ nhật vừa qua, một buổi chiều định mệnh, tai ương kéo đến quá bất ngờ và nhanh chóng, không ai có thể tưởng tượng nổi. Cái cảm giác mất đi một người thân yêu vẫn hình như không thể trở thành một điều thực tế để mọi người chấp nhận được, nhất là anh Q. Anh thơ thẩn đi ra, đi vào như người mất hồn, thỉnh thoảng nước mắt bắn tung ra trong khi anh cố gắng cắn môi, nuốt chặn cơn nấc cho khỏi khóc thành tiếng.
Việt Nam giúp đỡ. Qua câu chuyện, nhân viên 911 vui vẻ bảo cô Câu rằng cảnh sát bận rộn, không thể giúp chuyện cạy cửa được, cô phải tự lo lấy hoặc kêu thợ ống khóa tới mở cho.
Một hồi sau, cô Câu nảy ra sáng kiến. Cô cầm một con dao, đi vòng ra cửa sau. Cô mò mẫm cạy được miếng cửa lưới nơi cửa sổ phía sau nhà. Cạy xong cửa lưới, cô Câu ráng trèo lên nhưng không tài nào vói tới. Cô cao 1m5 tức khoảng 5 feet, nặng chưa tới 100 pounds. Sức khỏe cô yếu đuối, không tài nào trèo lên thành tường để leo vào cửa sổ sau nhà được. Cô loay hoay đi quanh hàng xóm nhờ người phụ cô trèo vào, nhưng mấy ông Mễ quanh nhà e ngại, không muốn giúp vì biết có người đàn ông trong nhà cô.
Một hồi sau, cô Câu lại quay vào nhà. Tay cô cầm cái dao gọt vỏ, tức là cái “peeler"để gọt vỏ khoai, vỏ trái cây, v.v.. để làm bếp. Gọi là cái dao nhưng không đúng. Đó là một cái dụng cụ đầu tròn, có hai miếng thép mỏng với lưỡi nhọn quay vào bên trong, nằm sát nhau để gọt vỏ. Bên ngòai không có bề sắc họặc mũi nhọn. Cô Câu mệt mỏi và bực mình vì không cạy cửa vào được, lại càng thêm khổ sở vì không trèo vào được bằng cửa sổ. Cô ngồi tại bàn ăn than thở khóc lóc.
Một hồi sau, không rõ tại sao cảnh sát lại tới nhà. Nếu cảnh sát tới nhà sau gần một tiếng đồng hồ thì vừa vô lý, vừa trễ nãi, sau khi đã từ chối trong đường giây 911 rằng họ sẽ không tới. Do đó, vào khoảng 8 giờ 30 chạng vạng tối, khi nghe tiếng gõ cửa, thì anh Q ngạc nhiên ra mở cửa nhưng không thể ngờ rằng cảnh sát tới. Do đó khi anh vừa hé cửa định thò đầu ra thì viên cảnh sát ập vào và bước qua cửa, vào bên trong nhà. Anh Q. chỉ kịp phân trần vài tiếng ngắn ngủi, chưa kịp nói rõ đầu đuôi câu chuyện, thì nghe ông cảnh sát to lớn đó hô lên vài ba tiếng “Ê! Ê!.."rồi bỗng nhiên “Đoàng"một tiếng. Khô khan. Lạc lõng. Vô tình. Q vừa kịp quay đầu lại thì thấy cô Câu té xuống, miệng cô mấp máy như muốn nói điều gì. Q bước tới gần ráng đỡ cô dậy.
Tưởng rằng cảnh sát bắn đầu đạn cao su để cảnh cáo và trấn áp đối phương. Ai ngờ cô Câu chỉ kịp hắt ra hơi thở cuối cùng.
Ngày hôm sau thứ Hai 14 tháng 7, bài báo tiếng Mỹ tại San Jose chạy một bản tin hoàn tòan sai lạc bằng những thông tin do cảnh sát đưa ra rằng cảnh sát phải bắn hạ cô để tự vệ vì cô đã dùng dao chặt thịt “đấu"với nhân viên công lực.
Sự thật đã được dần dà phơi bày khi các phóng viên báo chí truyền hình khắp vùng San Jose – San Francisco – Bay area kéo tới nhà chụp hình quay phim làm phóng sự, thì ai cũng ngao ngán lắc đầu cho một cái chết vô lý, tức tưởi vì một người cảnh sát to lớn, súng ống đầy đủ, có cả hộ tống tiếp vận sau lưng, đi tới nhà một phụ nữ mà đã từng gọi kêu cứu nhờ mở cửa giùm, mà người phụ nữ ấy lại nhỏ bé, yếu đuối, không trèo được qua cửa sổ, không cạy nổi cánh cửa, thì làm sao động được sợi lông chân của ông cảnh sát, thì nói gì tới việc cảnh sát tự vệ trong hòan cảnh gọi là “nguy hiểm"được?
Căn phòng nhỏ bé từ cửa ra vào tới bàn ăn, chỗ cô Câu đứng chỉ có vài mét. Một bước chân xọac tới là một người  đàn ông có thể bước  tới trấn áp đối thủ, hoặc một bước lui là có có thể núp an toàn sau cánh cửa ra vào. Vả lại, dầu sao chăng nữa, cảnh sát là người được huấn luyện để nhân định tình hình, quan sát đối phương, để chuẩn bị tiến thóai, biết tự vệ phòng thủ, kể cả rút lui. Vai trò chính của cảnh sát là bảo vệ an ninh cho người dân. Kỹ thuật chính khi bước vào cảnh xung đột là làm dịu tình hình – diffuse the situation. Đó chính là bổn phận và khả năng chuyên môn của một người khóac áo nhân viên công lực.
Bước vào nhà người lạ, chỉ trong vòng vài giây, bắn liền một phát giết chết một người phụ nữ nhỏ bé vô tội, để lại hai con thơ dại. Một cái chết oan uổng bất công không thể nào để xảy ra, như hôm chủ nhật vừa qua và càng không thể nào để cho tái diễn trong tương lai.
Cho tới lúc báo lên khuôn, gia đình vẫn chưa được thăm xác người quá cố. Gia đình trong hoàn cảnh bối rối, chưa biết phải làm gì trước, cái gì sau. Sự mất mát quá lớn, quá đột ngột còn đang dần dà thấm vào tim não của mọi người.
Đây cũng là một bài học quá đắt cho người di dân, trong hoàn cảnh bối rối khó xử, gặp thêm trở ngại ngôn ngữ, khi gọi 911 mà không giải thích rõ ràng sự thật, thì khi đối đầu với cảnh sát lăm lăm súng ống, tai nạn bất ngờ rất dễ xảy ra, có khi lại quá đau đớn muộn màng.
Cái chết tức tưởi của người phụ nữ Việt Nam nầy cần sự lên tiếng của mọi người đồng hương xa gần."
Theo Việt Nam Thời Báo: "Hai cảnh sát viên được gọi đến tại một căn nhà ở dãy phố 500 East Taylor St. vào lúc 9 giờ tối chủ nhật sau khi một nhân chứng kể lại nhìn thấy một đứa bé chừng 2 tuổi chạy vòng vòng trên con đường gần nhà. Lúc hai cảnh sát sát viên đến căn nhà, đứa bé đã vào trong nhà. Nhân chứng kể thêm nghe tiếng la hét trong căn nhà đó, và nghĩ rằng một phụ nữ bị hành hung. Nhưng lúc cảnh sát gõ cửa nhà, và chồng của bà Câu cho biết vợ ông đang"hành động điên rồ". Khi cảnh sát bước vào nhà bếp, bà Câu quát lên và đuổi cảnh sát ra khỏi nhà.
Hai cảnh sát viên trấn an bà Câu và ông Câu bồng hai đứa con tránh đi nơi khác. Bà Câu rút con dao trong bếp chỉ về phía cảnh sát viên yêu cầu ra khỏi nhà bà.
Lúc đó, hai cảnh sát viên rút súng ra và đứng ngăn chận giữa bà và hai đứa con. Bà Câu tiến lại chỗ cảnh sát vung con dao quá đầu tính phóng tới hai cảnh sát viên, và một trong hai cảnh sát viên nổ súng bắn chết bà. Về phía phát ngôn viên Cảnh sát San Jose, Steve Dixon, nói rằng, "chúng tôi có thiết bị xịt hơi cay, tuy nhiên thời gian cấp bách như thế không thể sử dụng được. Tuy các cảnh sát viên có trang bị các dụng cụ xịt hơi cay, nhưng không hẳn trong tất cả các trường hợp đều kịp sử dụng".
Theo tờ Tuần Báo Việt Mercury số ra ngày 18 -7-2003,sự việc đưa đến cái chết oan uổng như sau:
"Theo Sở Cảnh Sát San Jose thì hôm tối chủ nhật vừa qua (13-7-03) hai cảnh sát viên Marshall và Tom Mun đã đến căn nhà của cô Bích Câu vì có người láng giềng báo cáo có một đứa bé đang lang thang một mình ở bên ngoài. Khi họ đến, đứa bé đã ở trong nhà, nhưng họ nghe tiếng la hét từ bên trong. Các người thân của nạn nhân nói rằng cô Bích Câu lúc đó đang la hét bực tức vì cô không tìm ra chìa khóa mở cửa phòng. Cô đã dùng con dao bào gọt rau trái để cạy khóa và khi cảnh sát bước vào cô đang ngồi trong bếp, tay cầm con dao bào. Tuy nhiên, cảnh sát nói cô đang chụp một con dao phay và la hét đuổi họ đi. Cảnh sát bảo họ không thể bỏ đi được vì như thế nghĩa là để người phụ nữ có vũ khí trong tay một mình trong nhà với bạn trai của cô Đặng Bùi và hai đứa con của họ, Tony Bùi,3 tuổi và Tommy Bùi,2 tuổi. Trung sĩ cảnh sát Steve Dixon bảo trong khi các cảnh sát viên cố gắng làm cô bình tỉnh lại, thì cô đưa cao con dao lên như ném nó. Cảnh sát viên Chad Marshall phục vụ trong lực lượng Cảnh sát bốn năm, bắn một phát vào ngực cô. Và cô đã chết tại chỗ.
Anh Đặng Bùi quả quyết rằng cô Bích Câu cầm một con dao bào (vegetable peeler) trong tay, chứ không phải là con dao phay ( cleaver) như cảnh sát đã nói.Anh bảo mặc người bạn gái của anh nổi nóng, cô luôn bình tỉnh trong một vài phút.
Anh nói: “Họ la lên, Hey, hey, họ bắn ngay lập tức."Anh vừa nói vừa diễn tả lại cảnh tượng anh đã chứng kiến từ chỗ đứng với hai đứa con….
Cảnh sát trưởng Lansdơwne cho biết chính quyền cũng chưa rõ cô Bích Câu có bịnh tâm thần không."chúng tôi đang điều tra vấn đề đó, như người bạn trai của cô cho biết là cô ấy hình như có uống thuốc cho một bệnh tâm thần gì đó."
Trong cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt hôm thứ tư, ông Lansdơwne cho thấy có một cách biệt văn hóa giữa cảnh sát và cộng đồng người Việt San Jose. Tuy đối với người Việt, con dao mà cô Bích Câu cầm là con dao bào gọt rau, nhưng đối với cảnh sát, thì đó là con dao phay, một vũ khí giết người.
Ông Lansdơne cho biết"con dao, con dao bào hay bất cứ thứ gì, nếu vật ấy có khả năng gây thương tích cho con người thì đó vẫn là một vũ khí giết người".
Trong một cuộc tiếp xúc với ông Lansdơne, có người đặt câu hỏi là trong vụ này khoảng cách giữa người cảnh sát và nạn nhân rất gần, tại sao không dùng ba tông hay Pepper Spray, mà lại phải nổ súng, ông cho biết "trong thời gian tích tắc người cảnh sát thật khó mà quyết định. Cứ tưởng là dễ, nhưng thực sự thì không dễ tí nào. Người cảnh sát phải tự bảo vệ mình và bảo vệ những người chung quanh trong trường hợp đó"
Trả lời câu hỏi, phải chăng sau khi bắn xong, cảnh sát đã nhốt mấy đứa bé và bạn trai của nạn nhân để xóa bỏ các chứng cớ của mình, ông cảnh sát trưởng nói việc làm này chỉ là thủ tục, không có trường hợp ngoại lệ. Sau sự việc hiện trường cần phải được thu thập dấu vết, chụp ảnh ghi lại đúng như những gì đã xảy ra. Không có một vật gì xê xích đúng như hiện trạng."
B) Cộng đồng Việt Nam phẩn nộ trước cái chết của cô Trần Thị Bích Câu
Thứ tư ngày 16 tháng năm 2003, cộng đồng người Việt vùng San Jose đã biểu tình nhằm phản đối hành động sát nhân này của cảnh sát San Jose và đòi đưa vụ việc ra ánh sáng. Cuộc biểu tình phát xuất từ ngôi nhàsố 570 dường Taylor St góc đường 12th St của cô Trần Thị Câu lan rộng đến City Hall rồi đến Sở Cảnh sát San Jose. Hầu hết những người tham gia cuộc biểu tình đều phẩn uất trước hành động hấp tấp của cảnh sát, khi chưa tìm hiểu đích xác đã quá vội vàng hạ sát người mẹ trẻ tuổi để lại hai con dại. Họ đòi hỏi chính quyền điều tra, để ngăn chặn không cho sự việc này xảy ra nữa, chấm dứt giết phụ nữ vô tội ( stop killing innocent women), chấm dứt sự dã man của cảnh sát ( stop police brutality)
"Được hỏi về phản ứng của ông ra sao trong vụ này,một người Mỹ có tên Stephen Hazel đã nói: "Đây là một hành động dã man không thể bào chữa được"Ông này cũng lên tiếng chỉ trích ông Bill Lansdơne Cảnh sát Trưởng San Jose, là đã cố tình bao che cho thuộc cấp của ông khi nói rằng hai cảnh sát viên liên hệ đã không có đủ thời giờ để giàn xếp, trong khi thực sự, theo lời một cư dân ngụ tại một căn phố bên kia đường, thì chỉ có một viên cảnh sát bước vào bên trong nhà và sau đó là tiếng súng nổ".
(trích Việt Nam Nhật Báo số 4330 thứ năm ngày 17-7-2003)
Ông Nguyễn Hồng Dũng Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Bắc CaLi nói: "Theo tôi thì sự kiện xảy ra cho cô Trần Thị Bích Câu vào hôm chủ nhật vừa qua là một việc vô cùng đau đớn không những Cộng Đồng Người Việt Bắc California mà còn cho tất cả cư dân trong thành phố vốn nổi tiếng là đa dạng và hiền hòa.
Hai cảnh sát viên đã thi hành công tác "quá đáng"nếu nói rằng tự vệ với một cô gái 25 tuổi đời nhỏ nhắn dưới 100 pounds, ở trong nhà của cô ta và cô ta không hề phạm tội mà nhân viên công lực nổ súng, thì không thể chấp nhận được. Nói về cân bằng lực lượng thì rõ ràng hai nhân viên công lực thừa khả năng trấn áp người bị giết một cách dễ dàng, không cần sử dụng đến vũ khí, cho dù người phụ nữ này có cầm dao trong tay…….Cộng đồng bắc CaLi đau buồn trước sự kiện này. Ông Dũng yêu cầu Sở Cảnh Sát San Jose xem xét lại hành vi tùy tiện, lạm dụng vũ khí trong tay của những ông cò thường nhìn người dân dưới con mắt "phạm tội"
Ông Nguyễn Duy Tưởng, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Cộng Đồng Đông Nam Á SF cũng đã gởi điện thư tới ông thị Trưởng San Jose Ron Gonzales yêu cầu điều tra về cái chết bi thảm của cô Trần Thị Bích Câu, đưa vụ việc qua Giám Sát Viên Độc Lập điều tra để giải tỏa những nhận thức là Cảnh sát San Jose hành động “kỳ thị sắc tộc", "tác phong cảnh sát", và "hay có khuynh hướng sử dụng bạo lực quá độ"( trích Tin Việt News số 396 thứ năm ngày 17-7-2003)
Cô Madison Nguyễn một ủy viên giáo dục trẻ tuổi thuôc học khu Franklin McKinley và luật sư Nguyễn Tâm đã đi đầu hướng dẫn đoàn biểu tình đến Sở Cảnh Sát yêu cầu điều tra công khai về cái chết oan ức của cô Trần Thị Bích Câu và cho rằng việc hành động hấp tấp của cảnh sát cần nên cải tiến, nếu không sẽ gây nguy hại cho bao dân lành vô tội.
Phát biểu trước các đồng hương rằng đối với cô tai nạn này xảy ra vì có sự không hiểu nhau. "Chúng ta đang sống trong một xã hội với nhiều sắc dân khác nhau và tại thành phố này, tại tiểu bang này, tại đất nước nay đang mất đi những mạng sống chỉ vì hiểu lầm nhau. Thay mặt cho cộng đồng Việt Nam tôi mạnh mẽ yêu cầu sở cảnh sát San Jose mau chóng mở cuộc điều tra để làm rõ sự thật…. Người ta không thể mất đi một mạng sống chỉ vì những trở ngại vì ngôn ngữ hoặc thiếu sự truyền đạt rõ ràng."
(Việt Mercury thứ sáu 18-7-2003)
Luật sư Nguyễn Tâm cho rằng sau bắn chết người, phía cảnh sát San Jose làm những việc để bào chửa, che đậy cho họ mạ lỵ nạn nhân bằng cách là cho những thông tin báo chí cũng như là những hình ảnh tiêu cực về nạn nhân như là bà ấy bị tâm thần bà ấy định đấu với cảnh sát bằng con dao chặt thịt và có những lời mỉa mai ví dụ như ông cảnh sát trên báo Mercury nói rằng là: "tự nhiên dao chặt thịt biến thành dao bào gọt rau trái." Tôi thấy sự việc cảnh sát họ đã mỉa mai như vậy nên tôi đã tìm cái mẫu mã cái dao của cảnh sát đưa ra và mời hai đài truyền hình tới quay cảnh cái dao tôi biểu diển là cái dao bào theo văn hóa của người Việt và tôi nói cho biết đây là cái cạo vỏ dày vỏ khoai nó khác với cái cạo nhỏ của Mỹ để họ biết thêm về cái văn hóa Việt Nam.
C) Vụ án đang tiến hành điều tra
Sau khi vụ việc xảy ra, các nhân viên điều tra và nhân viên kỹ thuật hình sự đã đến hiện trường điều tra, tuy nhiên cho đến thời điểm này, phía cảnh sát vẫn chưa tìm ra lý do vì sao bà Câu lại có những hành động như thế. Một cuộc điều tra phối họp do Sở Cảnh Sát và văn phòng Biện Lý quận hạt Santa Clara đang được tiến hành. Hai nhân viên cảnh sát trên bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian tiến hành điều tra".
"Con dao, để trong hộp, được trưng ra là con dao mà người Việt gọi là dao bào dùng trong nhà bếp chuyên để gọt vỏ khoai, bầu bí, dưa leo, xoài…
Các thân nhân của nạn nhân nói cảnh sát đã bắn mà không cảnh cáo trước.Nhưng theo tờ SF Chronicle hôm thứ tư thì một công tố viên cao cấp hàng đầu nói các thân nhân ấy không hề chứng kiến vụ bắn và cũng không thấy “con dao phay"mà người đàn bà 25 tuổi ấy đã giơ cao lên khỏi đầu như thế muốn ném tới cảnh sát viên. Công tố viên này nói trước khi vụ nổ súng xảy ra, các cảnh sát đả bảo người bạn trai của nạn nhân đưa hai người con trai nhỏ của nạn nhân vào phòng bên trong cho an toàn, nên họ không thấy cảnh nạn nhân bị bắn gục trên sàn nhà bếp.
Công tố viên Hạt Santa Clara, Karyn Sinnunu nói, tuy cuộc điều tra đang tiến hành, nhưng bà đã có bước khác thường là thúc giục cảnh sát trưng ra con dao ấy bởi vì bà nghĩ sau khi biết rõ nạn nhân đã cầm trong tay cái gì có thể làm lay chuyển ý nghĩ  không công bằng của công chúng vào Sở Cảnh Sát.
Bà Sinunu tới căn nhà đêm chủ nhật là việc làm thường lệ để duyệt một cách độc lập về các vụ nổ liên quan tới cảnh sát, nói,"Tôi nhận được một số cú điện thoại liên hệ vụ này. Tôi nghĩ người ta mường tượng ra con dao bào vỏ…Bà ấy tiến về phía họ với con dao này dài cỡ 10 inches với lưỡi dao dài 6 inches và rộng 2 inches rưỡi. Tôi đã yêu cầu Sở cảnh Sát trưng ra con dao này để công chúng có thể thấy đây là vũ khí làm chết người, chứ không phải là thứ tầm thường làm bếp".
Phụ tá cảnh sát trưởng San Jose, ông Rob Davis nói, "Tôi sẽ gọi con dao này là một con dao phay là vũ khí giết người".
Nhưng một người đàn ông trong gia đình nạn nhân trả lời điện thoại từ nhà hôm thứ ba nói với tờ SF Chronicle đó là dao bào dùng bào dưa leo và các loại rau khác…."( trích Việt Nam Nhật Báo số 4330 thứ năm 17- 7- 03)
Theo tờ nhật báo CaliToDay cho đến ngày 17-7-2003,Văn phòng Biện Lý Quận Hạt Santa Clara kêu gọi tiến hành mở phiên tòa về vụ án cảnh sát bắn chết cô Trần Thị Bích Câu và nếu tòa án chấp thuận yêu cầu này thì đây là lần thứ hai tòa án quận hạt cho phép mở phiên tòa loại này, trong đó có mặt các nhân chứng và các nhà chuyên môn để thẩm định những chứng cớ trưng ra.
Cho đến 5 giờ 30 phút chiều ngày thứ năm ( 17-7-2003) qua thăm dò của tờ báo San Jose Mercury News trong số 1034 người trả lời câu hỏi thứ nhứt là "Cảnh sát có nên dùng vũ lực bắn chết chị Câu Thi Trân không?" kết quả là có 163 người trả lời là “nên" tức chiếm tỉ lệ 16% và nói Cảnh sát chỉ làm đúng thủ tục mà thôi.. 699 người trả lời là “không nên"chiếm tỉ lệ 68% và cho rằng lẽ ra cảnh sát họ phải biết ứng xử tốt hơn. Và 172 người trả lời tức chiếm 17% "Có lẽ. Khó trả lời ngay được phải đợi khi nào mọi việc ngã ngũ đã"( Theo SJ Mercury News)
D) Nhận định qua sự kiện
Qua sơ khởi điều tra của các thanh tra, công tố viên đã được một số ít báo Mỹ cũng như Việt đăng tải thì người ta vẫn thấy những luận điệu theo kiểu "Huyện bênh Huyện, Phủ bênh Phủ" của các cơ quan thẩm quyền tư pháp Mỹ. Họ lập lờ và cứ lý luận cho rằng nạn nhân là người gây ra thảm cảnh với chính họ. Và việc là họ đưa vấn đề con dao là yếu tố chính để che lấp đi hành  động dã man của cảnh sát. Ông Phụ tá cảnh sát trưởng Rob Davis cho rằng "Tôi sẽ gọi con dao này là con dao phay, là vũ khí giết người". Còn bà công tố viên Sinunu nói: “Tôi yêu cầu Sở Cảnh Sát trưng ra con dao này để công chúng có thể thấy đây là vũ khí làm chết người, chứ không phải là thứ tầm thường làm bếp"hay ông phát ngôn viên Cảnh sát San Jose, Steve Dixon, nói rằng, “chúng tôi có thể bị xịt hơi cay, tuy nhiên thời gian cấp bách như thế không thể sử dụng được. Tuy các cảnh sát viên có trang bị các dụng cụ xịt hơi cay, nhưng không hẳn trong tất cả các trường hợp đều kịp sử dụng".
Những phát biểu của phía Mỹ nhằm chứng minh việc giết người của cảnh sát là hợp pháp ( do nạn nhân có ý tấn công nhân viên công lực).
Cứ nhìn hai thể lực chúng ta có thể nhận định ra ngay việc đổ tội cho nạn nhân một người đàn bà nhỏ nhắn, yếu đuối nặng không đầy 100 pounds,không thể trèo nổi một bước tường cao để vào nhà hay làm một công việc gì có tính cách nặng nhọc thì làm sao có thể ngang nhiên chống lại cảnh sát. Trong khi hai người cảnh sát to lớn được trang bị tất cả những dụng cụ hành sự có thể buộc đối phương khuất phục mà chẳng cần đến vũ khí.
Cái lối mỉa mai, chấm biếm sau khi nạn nhân đã chết của cảnh sát San Jose,có thể phát xuất từ quan điểm khinh miệt người Việt, hay nói đúng hơn là sự kỳ thị ra mặt của cảnh sát đối với các sắc dân thiểu số.
Đã bắn người chết rồi mà lại còn chế giễu thật là một điều xúc phạm lớn đối với vong hồn người quá cố, đồng thời xúc phạm mạnh đến truyền thống đạo lý của người Việt Nam.
Mong rằng cộng đồng người Việt Bắc CaLi, nhất là các Ban Đại Diện Cộng Đồng nên có những liên hệ với chính quyền địa phương và làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn đọng, sớm đưa sự việc giết người và khinh miệt người Việt nam ra trước công lý.
E) Một số kết quả của cuộc tranh đấu
Cái chết thương tâm của cô Trần Thị Bích Câu đã gây phẩn nộ không những cho Cộng Đồng Người Việt, mà còn ảnh hưởng đến các cộng đồng bạn kể cả cộng đồng người Mỹ bản xứ, bởi từ việc cảnh sát San Jose đưa ra những bản tin thất thiệt cho nạn nhân Trần Thị Bích Câu và bênh vực cho hành động thô bạo của hai cảnh sát viên Tom và Chad Marshall. Cảnh sát trưởng Lansdơwne đã biện bạch cho chủ trương bạo động của cảnh sát.
Cộng đồng Việt và các cộng đồng bạn đã biểu tình chống hành động bưng bít và sai trái đó của cảnh sát và đã lật ngược tình hình sự thật phải trả lại cho sự thật.
Hôm thứ năm 17-7-2003, Sở Cảnh Sát San Jose đã tỏ thiện chí đầu tiên bằng cách mời một cuộc họp để mong tìm biện pháp hàn gắn với cộng đồng người Việt và tái dựng niềm tin của dân chúng. Vì qua vụ bắn giết, người dân hiện nay quả nhiên đã sợ không dám gọi điện thoại cấp cứu 911.
Đại úy Randall L. Cooper đã mời Luật sư Nguyễn Tâm, cô Madison Nguyễn, nhà báo Duy Văn Tuần Báo Đời Mới và ông Nguyên Khôi của đài phát thanh Quê Hương tham dự một buổi họp nhằm mục đích tìm hiểu nguyện vọng của bà con đồng hương để có phương thức giáo dục cộng đồng Việt về việc mỗi khi tiếp xúc với cảnh sát. Nhưng Luật sư Tâm đại diện phái đoàn nhấn mạnh: “giáo dục cảnh sát thì đúng hơn". Luât sư Tâm đã dẫn chứng rõ ràng là cảnh sát không biết chút gì về văn hóa, cuộc sống gia đình của người Việt, cụ thể là cái dao bào thông dụng thì làm sao trở thành vũ khí chết người được mà cảnh sát gọi đó là cái dao phay chặt thịt ( meat cleaver) và vu khống là cô Trần Thị Bích Câu cầm con dao phay là vũ khí có thể giết chết người để cảnh sát bắn chết cô một cách oan uổng.
Việc tranh đấu của phái đoàn với Sở Cảnh Sát San Jose đã có những kết quả cụ thể:
• Cảnh sát đã rút lại từ ngữ "meat cleaver"để thay bằng từ “dao cạo"là "peeler", nghĩa là đương nhiên công nhận cái dao cô Câu cầm trên tay trước khi cảnh sát bắn chết là cái dao cạo không thể giết người được.
• Đại bồi thẩm đoàn điều tra công khai. "Nếu chúng ta bỏ sót bất cứ một chi tiết nhỏ bé nào, thì đáng mang tội với oan hồn của người quá cố". Phó biện lý Sinunu đã nói như vậy khi bà ban hành lệnh yêu cầu đại thẩm đoàn khởi tố điều tra công khai.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử thành phố có một thủ tục và đặc biệt như thế, tức là một cuộc điều tra công khai để cho mọi người được tham dự và thấy rõ mọi diễn tiến.
• Mọi cộng đồng sắc dân sẽ tổ chức đêm thắp nến vĩ đại toàn thành phố.
• Lập quỹ giáo dục cho hai cháu nhỏ giao cho gia đình nạn nhân.
• Ủy ban nhân quyền quận hạt Santa Clara đưa vấn đề của Trần Thị Bích Câu vào nghị trình và ủy ban liên sắc tộc sẽ chính thức công bố chương trình hành động vào thời gian tới.
Theo thăm dò của các báo chí Mỹ thì có khoảng 71% dân chúng chống lại bạo lực của cảnh sát. Riêng tại thành phố San Jose thì người dân yêu cầu cảnh sát trưởng từ chức.
° Cải tiến hành động của cảnh sát, sửa đổi cách tiếp xúc với người Á Đông.
Để nghiên cứu phương thức hợp tác làm cách nào thông tin giữa cảnh sát và người sắc dân thiểu số Á Đông nói chung và nói riêng người Việt Nam hiểu cách đối phó với những tình huống xấu. Họ đã đồng ý thiết lập một chương trình giáo dục về những phòng chống tội phạm trong cộng đồng người Việt, đồng thời chỉ rõ những phương thức cho cộng đồng người Việt khi tiếp xúc với cảnh sát hay nhân viên công lực, đặc biệt là những người Việt có trở ngại chút ít về sinh ngữ. Đồng thời cũng nghiêm chỉnh cải sửa những khuyết điểm trong ngành cảnh sát.
° Đây là những điều cần biết về an toàn cho trẻ em.
An toàn trong nhà ở một mình
Có thể có lúc nào đó,trẻ em sẽ ở nhà một mình, cho dù chỉ có một thời gian rất ngắn. Những điều sau đây nên được học tập và tuân theo.
• Tất cả các cửa lớn cũng như cửa sổ nên đóng và khóa lại. Đừng quên kéo lại các cửa kính.
• Nếu có ai đến gỏ cửa, đừng mở cửa. Hãy nhìn qua lỗ tròn của cửa lớn hoặc cửa sổ để biết chắc mình quen biết người đó.
• Đừng mở cửa và hãy hỏi "Ai đó?"( Who is it?). Nếu đó là người lạ, hãy bảo người ấy là cha mẹ đang bận không thể mở cửa được bây giờ. Nếu họ không đi ngay, hãy gọi 9-1-1 để xin giúp đỡ.
• Khi chuông điện reo cũng xử sự như trường hợp trên. Hãy nói với họ rằng cha mẹ em đang bận và yêu cầu họ gọi lại sau.
• Nếu có máy trả lời ( answering machine), hãy để máy trả lời. Hãy lắng nghe lời nhắn
1) Đừng bao giờ nói với ai là em ở nhà một mình
• Đừng bao giờ đụng vào bất cứ thứ gì trong tủ thuốc hoặc các sản phẩm lau chùi để bất cứ ở đâu trong nhà.
• Đừng bao giờ uống thuốc kể cả Vitamins, nếu không có sự chấp thuận của cha mẹ.
• Đừng sử dụng diêm quẹt máy móc kể cả bếp lò và máy hâm thức ăn ( microwave)
2) An toàn về vũ khí
• Hãy xem vũ khí như người lạ.
• Tránh xa nó ra.
• Đừng đụng vào nó.
• Nói với người lớn biết về vũ khí đó
• Nếu em đang ở nhà người khác hãy báo cho người lớn biết. Nếu không có mặt người lớn,hãy bỏ đi ngay và nói cha mẹ em biết.
3) Khi nào cần sử dụng 911
• Đừng ngần ngại sử dụng 9-1-1 nếu quí vị tin rằng tính mạng của mình có nguy cơ bị đe dọa. Điều này cũng áp dụng cho bất cứ hoàn cảnh đáng nghi ngờ nào.
• Quí vị có thể gọi 9-1-1 ở bất cứ điện thoại nào mà không tốn tiền
• Tất cả các cú điện thoại gọi 9-1-1 đều được tự động hiện lên trên máy. Vì vậy nếu quí vị không chắc về địa điểm ở đâu hoặc không thể nói được bất cứ lý do gì, cảnh sát viên vẫn được gởi đến để giúp đỡ quí vị.
• Nếu quí vị là nạn nhân của vụ cướp, điều an toàn hơn cả là quí vị nên hợp tác và đưa cho kẻ cướp những gì chúng đòi hỏi.
• Nếu quí vị trở thành nạn nhân của một vụ tấn công cơ thể, hãy nghĩ đến những điều có thể làm được tùy theo hoàn cảnh và kế họach hành động của mình.
Việc hợp tác của cảnh sát với cộng đồng người Việt sẽ tích cực hơn khi phía cảnh sát thấy rằng và chấp nhận sự hiện hữu những thực thể văn hóa người Việt như là một hiện thực mà họ phải tìm hiểu và có trách nhiệm phát triển để khỏi có những cơ cực về quan niệm, gây những sự hiểu nhầm lầm đáng tiếc.
Người cảnh sát nên cần có những bình tỉnh hơn ai hết đề quyết đoán những tình huống, kể cả những sự nguy hiểm. Việc đem lại cái chết thương tâm cho cô Trần Thị Bích Câu, cảnh sát không thể nói là không hiểu thế nào về chiếc dao bào hay dao tấn công( dao phay). Sự biện bạch lý luận vòng vo trên lý thuyết pháp luật về định nghĩa thế nào là con dao là vũ khí giết người v.v. chỉ là  những trò chạy tội và còn khinh thường mọi người. Cảnh sát Mỹ nói chung và cảnh sát San Jose nói riêng cần nên thực tế với lòng mình, đừng để cho người dân xem những người thừa hành công lý, luật pháp lại là những người nói dối.
° TP San Jose bồi thường 1.8 triệu đôla cho gia đình người phụ nữ Mỹ gốc Việt bị cảnh sát bắn nhầm
Theo Thanh Trúc, phóng viên đài RFA, loan báo trên làn sóng phát thanh, ngày 02 tháng 12 năm 2005.
Nhà chức trách thành phố San Jose ở miền Bắc tiểu bang California quyết định bồi thường một triệu tám trăm hai mươi lăm ngàn mỹ kim cho gia đình một phụ nữ Mỹ gốc Việt bị cảnh sát bắn chết trong một vụ ngộ sát hồi năm 2003.
Bà Trần Thị Bích Câu là một phụ nữ Mỹ gốc Việt 25 tuổi, có chồng và hai con trai một năm tuổi một ba tuổi. Bà bị cảnh sát bắn chết tại nhà khi đến xử lý một vụ cãi nhau giữa hai vợ chồng hồi tháng Bảy năm 2003.
Vụ việc đáng tiếc khiến cộng đồng Mỹ gốc Việt ở thành phố San Jose nói riêng và tiểu bang California tức giận, biểu tình đòi đưa vụ việc ra ánh sáng.
° Diễn tiến
Đầu đuôi câu chuyện là lúc đó hàng xóm nghe tiếng hai vợ chồng bà Trần Thị Bích Câu cãi nhau. Theo luật pháp nước Mỹ, họ có quyền gọi cảnh sát để báo cáo về trường hợp bạo hành gia đình cần được can thiệp.
Hậu quả là khi nhân viên công lực tới nơi, thấy chồng và hai đứa con trai bà Bích Câu đứng ngoài đường, một người cảnh sát tiến vào trong nhà, gặp bà Bích Câu đứng trong bếp, tay cầm con dao bào gọt trái cây hoặc rau quả.
Cho rằng đương sự có thể dùng con dao- mà sau này ông ta khai là dao phay- để gây hại đối với mình, người cảnh sát đã nổ súng bắn chết bà Trần Thị Bích Câu tại chổ.
Sau đó, chi cục cảnh sát San Jose tạm ngưng công tác người bắn chết bà Bích Câu để điều tra, trong lúc dư luận người Mỹ gốc Việt ở San Jose bán tán xôn xao về sự kiện này.
Cộng đồng Mỹ gốc Việt tại thành phố San Jose tổ chức nhiều cuộc biểu tình đến tận cơ quan cảnh sát địa phương, yêu cầu mở cuộc điều tra, chỉ trích người cảnh sát bắn chết bà Bích Câu là hành động vượt quá quyền hạn không thể chấp nhận được.
° Theo nguồn tin của Báo Saigon USA, số ra ngày 2 -12- 2005: Vào chiều thứ ba ngày 29 tháng 11 năm 2005 Hội Đồng Thành Phố SanJose đã quyết định bồi thường cho gia đình nạn nhân Trần Thị Bích Câu một số tiền là $1,825,000 đô la để giàn xếp vụ kiện đang tiến hành tại tòa liêng bang San Jose. Số tiền này gồm có bồi thường cho hai đứa con của Bích Câu, mỗi em là $500,000 cộng thêm tiền lệ phí luật sư $620,000 và số tiền còn lại là tiền tòa án và chi phí tố tụng.

Xem Tiếp: ----