CHƯƠNG 4

Trong lúc mọi người đang rối bời, triều đình được tin cấp báo, lãnh chúa người Man ở Đà Giang là Trịnh Giác Mật khởi binh làm loạn.
Nhân tôn đem việc này bàn riêng với Quốc Tuấn:
- Họ Trịnh nối đời hưởng lộc triều đình. Nay nó trở mặt làm phản. Nếu không trị tội để làm gương cho các động, sách khác, e chúng khinh nhờn phép nước, xin quốc phụ cho hay việc này nên khu xử như thế nào?
Trầm ngâm suy nghĩ giây lâu, Hưng Đạo nói:
- Người Man họ sống chưa có lễ luật, nhưng lại có lòng trung tín đối với ai là chủ của họ. Việc Trịnh Giác Mật làm phản, chắc có nguyên ủy sâu xa. Một là việc chăm sóc vỗ về của triều đình thưa vắng. Hai là sĩ tốt vô tình phạm phải các điều cấm kỵ trong tôn giáo của họ. Ba là có kẻ xúi bẩy khích bác, nhằm chia rẽ họ với triều đình, để cho phên dậu của ta trống trải, kẻ thù dễ bề nhòm ngó. Kẻ xúi bẩy, chia rẽ đây không ai khác ngoài bọn tay chân nhà Nguyên. Vậy nên phải xem xét cẩn trọng trước khi coi họ như cừu thù. Làm thế nào kéo họ về với triều đình được là thượng sách. Hơn bao giờ hết, lúc này phải cố kết được lòng dân. Xin bệ hạ dù có phải xuất của kho cho dân họ, hoặc gia phong cho tù trưởng của họ thêm một vài phẩm trật, chớ có sẻn kiệm.
Nghe Hưng Đạo vương nói, gương mặt nhà vua cứ tươi nhuần ra. Phút chốc bừng sáng lên. Đôi mắt nhà vua long lanh, như đang phát ra một thứ ánh sáng trong trẻo, ấm áp. Hưng Đạo vừa ngừng lời, nhà vua đã vui vẻ tiếp luôn:
- Được quốc phụ chỉ dẫn, lòng con bỗng thấy bình ổn. Đúng là không có quốc phụ, con sẽ bỏ đường sáng nghĩ đến việc tìm tướng giỏi, phái binh mạnh đến đánh dẹp họ, để ra oai triều đình. Nhưng nay, đúng như lời quốc phụ dạy: "Phải vỗ về họ, chiêu nạp họ". Đúng thế, họ phải mãi mãi là phên dậu vững chắc để giữ gìn biên cương Tổ quốc. Cho nên, con định cử chú Chiêu Văn lo giúp việc này. Chẳng hay cao ý của quốc phụ...
- Bệ hạ trao việc ấy cho Chiêu Văn vương là phải. Thượng tướng tuy còn trẻ, nhưng kiến văn uyên bác, lại có lòng nhân, dũng, ít ai bì kịp. Hơn nữa, Chiêu Văn vương vốn thông thạo phong tục người miền ngược, và thường có giao du với họ. Bệ hạ nên trao cho thượng tướng việc phủ dụ là chính. Vạn bất đắc dĩ mới phải đánh dẹp. Ngừng một lát, với vẻ ưu tư đau đáu. Cặp mắt Hưng Đạo nheo lại, như đang dõi nhìn một điểm vô hình nào đó thiêng liêng lắm, khiến Nhân tôn đã định hỏi thêm một điều gì đấy, lại thôi ngay. Bỗng Hưng Đạo lên tiếng:
- Tâu bệ hạ, có một điều, thần cứ cân nhắc mãi, liệu có nên nói. Giọng ông ngập ngừng.
Trần Nhân tôn dự liệu, hẳn có việc gì tối hệ trọng, nên quốc phụ mới phải cân nhắc kỹ lưỡng như thế. Để khích lệ đấng bề trên, nhà vua khẽ thưa:
- Trình quốc phụ, xin quốc phụ cứ thực lòng dạy bảo. Trên vì nước, dưới vì nhà, chớ có điều gì tư kỷ đâu mà quốc phụ e ngại.
Hưng Đạo lấy làm đẹp ý, ông ve vuốt mãi chòm râu rồi tiếp:
- Việc Trịnh Giác Mật làm phản, khiến thần vô cùng lo lắng. Thần đã tự xét định xem, chính lệnh của triều đình có điều gì hà khắc? Các quan đại thần thay mặt cho triều đình chăn dắt dân lành, có gì khiên cưỡng bức bách họ? Song lại tự trả lời. Miền Đà Giang, Tam Đái Giang là phên dậu phía tây của triều đình, đã được cử các tướng giỏi như Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, sao lại có thể khinh suất về đối sách được. Tuy nhiên, xin bệ hạ cứ có nhời răn với Chiêu Văn vương, trước khi thượng tướng đem quân vào đất của Trịnh Giác Mật. Cứ theo chỗ thần biết, người Man một khi họ đã thần phục, thường không có chuyện vô cớ làm phản. Hiện nay, ngoài thì giặc Nguyên đang uy hiếp ta rất lớn. Nếu vạn nhất xảy ra chém giết lôi thôi ở Đà Giang, thần sợ không giữ được lòng dân ở các sách, động khác. Một khi phên dậu trống trải, sẽ nguy cho đại cuộc. Mong bệ hạ hết sức cẩn trọng.
Những lời răn tâm huyết của Hưng Đạo như là một sự tâm truyền, khiến Nhân tôn càng thêm kính cẩn với công việc.
Khi nhà vua giao trọng trách cho Chiêu Văn vương, người cũng nói lại tất cả các điều mà Hưng Đạo vương băn khoăn...
Khi tiễn Chiêu Văn vương ra cửa khuyết, nhà vua tự tay trao dây cương ngựa cho thượng tướng, và nói:
- Chúc chú mã đáo thành công.
- Xin bệ hạ yên tâm, Trần Nhật Duật thư thái đáp lời.
Trần Nhật Duật lập vương phủ ở gần cửa Đại Hưng. Nhà ông không lúc nào không có vài ba chục tân khách. Thôi thì…
( Sách thiếu 1 đoạn..)
Mọi người đều khen viên đầu bếp cao kiến. Và cuộc nghị bàn lập tức được giải tỏa. Ba ngày sau, quân do thám về báo, các việc Trần Nhật Duật nói trong thư, đều đã có làm. Và dân chúng các vùng đều muốn cầu hòa với triều đình. Trịnh Giác Mật bèn viết thư phúc đáp:
“… Mật này không dám trái mệnh, nếu ân chúa đi ngựa một mình đến bản doanh thì Mật xin hàng... "
Kèm theo đó là lời chỉ dẫn đường đi lối lại, nơi và ngày giờ đón tiếp. Nhận được thư của Trịnh Giác Mật với vài lời ngắn ngủi, Trần Nhật Duật đọc đi đọc lại tới cả chục lần. Ông cứ soi di soi lại tờ giấy trên ánh nắng, xem có còn mật ngữ gì ở trong nữa không. Xoay đi lật lại tờ giấy với vài hàng chữ, ông vuốt các mép cho thẳng, đặt ngay ngắn trên án và chặn ngang bằng chiếc bút lông thỏ, ông đi dạo quanh đám cây cảnh trong vườn. Đột ngột, Trần Nhật Duật dừng bước và ông đi thẳng vào trong nhà, lấy bút son phê dưới góc tờ thư: "Y hẹn, ta sẽ đến". Rồi ông gọi đám thư nhi, đem trao lại cho Trịnh Giác Mật.
Quyết xong một việc, ông cảm thấy nhẹ nhàng. Trần >- Bẩm quốc phụ, vậy theo ý quốc phụ, ta còn cần bao nhiêu binh nữa thì mới tạm đủ dùng?
Quốc Tuấn ve vuốt chòm râu bạc, ông chậm chạp, dường như ông còn cân nhắc từng ý ở trong đầu:
- Xin quan gia cho huy động gấp đôi số hiện có. Tức là phải thêm hai chục vạn binh nữa. Điều này thần đã suy đến cạn nhẽ. Việc binh tốn kém lắm. Thêm binh, tức là thêm lương thảo, khí giới, lại mất đi người cày, cuốc nơi ruộng đồng. Ngay người nông phu, khi bứt khỏi gia đình thôn ấp, bỏ lại nào vợ dại, con thơ, cha già, mẹ yếu, héo hon cả ruột gan chứ họ vui thú gì.
- Vẫn biết rằng thế - Thánh tôn nói.- Lòng vương huynh thương dân như con. Nhưng nếu không bắt dân làm việc binh thì anh em ta biết tính sao?
- Cái chính là ở chỗ "biết tính sao" như thượng hoàng nói đó. Theo ý thần, triều đình phải có chính sách vỗ về trăm họ, khiến cho các vương hầu, các chủ điền trang, thái ấp tự mình tăng thêm số gia binh. Còn đám nông nô, nông phu cũng phải được ân huệ gì đối với cha mẹ, vợ con họ. Điều quan yếu hơn nữa là binh sĩ phải ra công luyện rèn tinh thông võ nghệ. Lại phải có lòng kiêu dũng nữa, thì lâm trận mới thủ thắng được. Cho nên việc dụng binh, cần tinh chứ không cần nhiều.
Với vẻ băn khoăn, Nhân tôn nói:
- Quả như lời Quốc phụ, việc binh tốn kém lắm. Con chỉ ngại nhọc sức dân. Xin thượng hoàng cho ý chỉ, rồi con sẽ quyết.
Nhân tôn vừa nói tới đó thì có người ào vào. Với gương mặt tươi cười, đôi mắt sáng như sao. Người ấy quỳ trước thềm điện, giọng nói oang oang:
- Kính lạy thượng hoàng! Kính lạy quan gia! Kính chào Vương gia. Thần xin được diện kiến.
Nghe tiếng nói, mọi người đã biết là ai rồi. Nhân tôn vội chạy ra thềm, nâng người đó dậy và nói:
- Sư phụ, đây là gia đường. Sao sư phụ quá thủ lễ với cha con cháu làm vậy.
Thánh tôn lật đật tới nắm tay Trần Quốc Trung nói:
- Sư huynh về triều lâu chưa?
Hưng Đạo vương cũng đứng dậy vái:
- Vương huynh vẫn bình an chứ?
- Đa tạ, Trung này có bao giờ đau yếu gì đâu. Trần Quốc Trung vừa nói vừa cười tíu tít.
( Trần Quốc Trung, tức Trần Tung, tức Tuệ Trung thượng sĩ Hưng Ninh vương. Ông là con Trần Liễu, là anh ruột Trần Quốc Tuấn và Nguyên Thành Thiên Cẩm hoàng thái hậu - vợ thượng hoàng Trần Thánh tôn và là bác Trần Nhân tôn. Vì ông am hiểu sâu sắc đạo Thiền, nên cha con Thánh tôn tôn ông là sư huynh và sư phụ. Còn thượng sĩ là pháp hiệu của Trần Tung. Theo Du già luận chú rằng: Không lợi mình, lợi người là Hạ sĩ. Có lợi mình mà không lợi người là Trung sĩ. Được cả hai thứ là Thượng sĩ.)
Hưng Đạo lại hỏi:
- Chẳng hay vương huynh ở Hồng Lộ hay ở Tịnh ấp về triều?
( Lộ Hồng, phần đất thuộc Hải Dương sau này. Nơi đây Quốc Trung được cử làm tướng trấn giữ. Tịnh ấp: tức ấp Tịnh Bang, nơi Tuệ Trung Thượng sĩ lui về vui cảnh điền viên và tu Thiền.)
Tuệ Trung cười phá lên:
- Giời ơi! Hốt-tất-liệt đánh đến đít rồi mà vương gia còn hỏi ta ở ấp Tịnh Bang mà tu Phật chăng? Ta ở Hồng Lộ về. Nhưng Trung này xin với hai vua và vương gia, "cứu khổ cứu nạn" xong, lại về Tịnh Bang ấp vui với đạo Thiền.
Cả bọn anh em bác cháu đều cười xòa.
Nhân tôn dâng Tuệ Trung một chén trà. Nhà vua hỏi:
- Thưa sư phụ, khi Thiền khi tục thế này bao giờ sư phụ mới thành Phật?
Tuệ Trung đỡ lấy chén nước, đáp:
- Sao lại không. Xuất nhập thế đều tại tâm cả. Ta dứt việc kinh sách để đi cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh - đồng bào của ta. Ta tham gia diệt trừ cái ác, tức thị tâm ta là tâm Phật rồi, lo gì thành hay không thành Phật? Vả lại ta tu để đạt tới cõi thiện, chứ ta có cầu làm Phật đâu.
Chuyện đang vui thì Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu ra vấn an hai anh. Bà hết nhìn Quốc Trung lại nhìn Quốc Tuấn. Thấy Quốc Tuấn ít tuổi hơn, nhưng râu tóc lại bạc hơn Quốc Trung, bà biết là ông đang quan hoài đến thế nước. Bà thương anh đến xót xa. Một lát, đám quan nội hầu dâng ngự thiện.
Vừa vào tiệc, Thánh tôn liền nói:
- Bữa tiệc nay vui quá. Chẳng mấy khi được tiếp hai vương huynh. Nhân có Thiên Cảm hoàng thái hậu đây, xin mời hai huynh và quan gia bỏ lễ vua tôi mà theo tình anh em thuần phác, cho vui vẻ thân mật.
- Vương thượng nói chí phải. Hoàng thái hậu đế theo.
- Vậy thì ta cứ cắt một người làm tửu lệnh. Bữa nay xin cứ vui cho thỏa thuê. Thánh tôn cởi mở hết lòng.
Quốc Tuấn nghiêm mặt nói:
- Tạm bỏ lễ vua tôi trong bữa tiệc vui vầy tình anh em tôn tộc, thần cho đó là một đặc ân của hoàng thượng. Nếu lại còn cử tửu lệnh nữa, thời thần không dám vâng theo.
( Tửu lệnh: Trong tiệc rượu vui chơi, thường cử một người cầm hiệu ra lệnh. Mọi người theo lệnh của người đó mà uống. Ai trái, phải phạt uống thêm rượu. Trong những cuộc vui chơi như thế này thường sa đà quá trớn, nên Quốc Tuấn không chấp nhận.)
Ai cũng biết Quốc Tuấn là người nghiêm chính, ông đã nói là làm, nên không ai bàn đến việc cử tửu lệnh nữa.
Bữa tiệc thật là vui. Bởi Thiên Cảm biết tính chồng, con và hai anh thích ăn những món gì, nên bà đích thân coi sóc việc nấu nướng, bà lại ngồi xế ra một góc nhìn mọi người ăn, và sai đám quan nội hầu, bưng bê những món nào mà các vương ưa dùng. Thấy chồng con và hai anh ăn uống ngon lành, trò chuyện vui vẻ, lòng bà như mở hội. Chợt nghĩ Tuệ Trung ăn  các thức ăn thịt cá chẳng kém gì Quốc Tuấn và Thánh tôn, Nhân tôn, bà liền hỏi:
- Anh Quốc Trung tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?
Tuệ Trung cười đáp:
- Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô có nghe các bậc cổ xưa nói: "Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?". Vả lại, nếu bằng sự ăn chay mà thành Phật, hóa ra loài thú ăn cỏ sớm thành Phật hơn loài người chăng?
( Văn Thù: là một trong 8 vị đại Bồ Tát, đệ tử của Phật Thích Ca: 1/ Văn Thù Sư lỵ. 2/ Quan Thế âm. 3/ Đắc Đại thế. 4/ Vô Tận y. 5/ Bảo Đàn hoa. 6/ Dược Vương. 7/ Dược Thượng. 8/ Di Lặc.
Giải thoát: Chữ nhà Phật có nghĩa là dứt bỏ được sự trói buộc của mọi sai lầm, phiền não, nhờ vậy sẽ được tự tại mà đạt tới cõi Niết Bàn.)
Thiên Cảm không nói thêm gì nữa. Nhưng Nhân tôn rất trọng thị lời đáp của Quốc Trung. Nhà vua cho rằng Thượng sĩ vừa phá một công án, quả thực đó mới là người tu đạo chân chính. Bởi việc tu đạo là cốt ở tu tâm, chứ đâu phải vì chỗ kiêng khem ấy mà thành đạo. Có nhẽ từ việc làm, nay lại nghe thêm lời nói của Quốc Trung mà Nhân tôn ngộ đạo chăng? Chắc vậy. Bởi trong suốt cuộc đời mình, nhà vua vẫn thường tôn Tuệ Trung là bậc sư phụ. Kíp đến khi lập Thiền phái Trúc Lâm, thời Nhân tôn cũng lấy việc tu tâm làm tôn chỉ.
Bữa ăn đang vui vẻ, đang từ chuyện đạo, Quốc Trung lại hỏi sang chuyện đời:
- Tôi nghe đại vương- Quốc Trung vừa nói vừa liếc nhìn Quốc Tuấn - đã bắt được lũ Trần Di Ái, và Quan gia đã lưu đầy y đi viễn châu?
- Dạ, đó là nhờ uy đức của quốc phụ. Nhân tôn khiêm ái đáp lời.
- Thế còn bọn Sài Thung thì sao? Chúng có bắt bẻ gì việc đại vương ta đánh tan đoàn quân hộ vệ lũ Di Ái?
- Bẩm bá phụ, chắc chắn là sẽ rầy rà với hắn đây. Hiện thời y còn bị chú Chiêu Minh kiềm chế trên đường đi bộ từ biên ải về. Nhưng mới sớm nay, chú Chiêu Minh cho chạy ngựa trạm về báo: "Sài Thung nhất quyết đòi đi ngựa từ bến đò sông Thiên Đức về kinh".
- Sao quan gia không nói cho ta hay từ sớm? Thượng hoàng nói.
- Trình phụ vương, tiếp sứ là việc nhỏ, con không muốn kinh động đến phụ vương, cùng quốc phụ và bá phụ. Dạ, tâu phụ vương, y đòi phải tiếp rước y với nghi lễ quốc vương. Và đích thân con phải ra bến Bồ Đề nghênh đón.
- Quân càn dỡ! - Hưng Đạo buông mấy tiếng, vừa hàm chứa sự khinh ghét lẫn bực tức - Vậy chớ quan gia đã làm gì để đáp lời y?
- Dạ con cho đón y đúng với nghi lễ bang giao của một nước có chủ quyền. Việc con cử chú Chiêu Minh đi đón y, là đã có sự nhún một bước. Vì rằng, chú Chiêu Minh là trong hàng tam công, còn y mới chỉ là tước hầu.
( Tam công: Thái sư, Thái phó, Thái bảo, đó là ba chức quan đầu triều.)
- Con xử thế là phải, Thánh tôn nói. Nhưng ta chắc Sài Thung không để chúng ta yên. Vì rằng, việc vương huynh bắt bọn Di Ái, lại đánh tan đạo quân của nó, tức thị là phá tan mưu chước của nó. Làm cho nó bẽ mặt với Hốt-tất-liệt. Lại bởi y là người Hán mà tước trật cao, thế nào cũng bị bọn người Mông Cổ khích bác kiềm chế.
Bỗng Tuệ Trung cười phá lên. Thánh tông nói:
- Sư huynh cười gì vậy?
- Quốc Trung này buồn cười vì cái bọn Hán gian, đứa nào cũng giống nhau. Từ cái thằng Tần Cối đến Trương Đình Trân, nay lại Sài Thung. Nó hạch sách ta để nịnh chủ nó hơn cả lũ chó săn. Liệu xem quan gia có nên tiếp rước nó, như tiên đế tiếp rước Trương Đình Trân năm Nhâm thân( 1272)?
( Tần Cối: Đại thần nhà Tống. Khi quân Kim xâm lược, y thuộc phái chủ hòa. Nên lập mưu giả mạo chiếu vua bắt Nhạc Phi đang kịch chiến với quân Kim sắp đến hồi chiến thắng phải bỏ mặt trận quay về rồi kết án xử tử.)
Mọi người cười ồ lên.
Số là năm ấy Trương Đình Trân đem chiếu của Hốt-tất-liệt đến Thăng Long. Thái tôn đã đứng nhận chiếu của vua Nguyên, chứ không chịu quỳ lạy. Tên Hán gian này buông lời hỗn xược:
- Nếu tâu việc này lên thiên tử. Mười vạn quân Vân Nam lập tức kéo sang, sẽ biến vương miếu thành gò hoang, vương đình thành cỏ mọc. Rồi y đòi Thái tôn phải tiếp y theo lễ của tước vương. Thái tôn cứng cỏi vặn lại:
- Chúng tôi tuy là nước bề tôi, nhưng thiên tử vẫn tôn trọng. Lạ thay, sứ giả của thiên tử phái đến đây lại thường là bọn vô lễ. Ông là quan Triều liệt, còn tôi là quốc vương, mà ông đòi lễ ngang tôi. Chẳng hay ông học sách nào? Phải chăng văn hiến lễ luật bên quí quốc là như vậy?
( Chức quan của Trương Đình Trân là Triều liệt đại phu).
Trương Đình Trân giận run người. Y đặt tay lên đốc kiếm. Trần Thái tôn đập án quát:
- Quân bay?
Lập tức đám võ sĩ trong đội quân hổ bôn đã phục sẵn sau bình phong liền ào ra, kiếm tuốt trần đứng vây chặt lấy Trương Đình Trân. Y bị lột khí giới rồi dẫn về nhà công quán giam lỏng. Y bị bỏ đói, bỏ khát. Mỗi khi Trương Đình Trân đòi uống nước, quân chỉ đem cho nước bẩn đục ngầu. Thấy vậy y không uống. Đòi uống nước giếng.
Đám quân hổ bôn canh phòng hắn trả lời:
- Tục nước chúng tôi, nếu đã không ưa nhau, thường bỏ thuốc độc vào giếng để giết người.
Khát quá không chịu được, Trương Đình Trân đành phải hạ mình khẩn khoản:
- Ta khát lắm rồi. Cứ cho ta uống nước giếng, chết cũng cam, chứ uống nước bẩn ta không chịu nổi.
Đám lính cười khúc khích, thủng thẳng đáp:
- Tại lời nói của ông xú uế quá, làm nhiễm bẩn nước chúng tôi đấy. Bây giờ tìm đâu ra nước sạch cho ông uống.
Cuộc trò chuyện đang vui, bỗng có tiếng vó ngựa dẫm lộp cộp phía ngoài, rồi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải bước vào sụp lạy.
Nhân tôn vội chạy ra đỡ lấy Chiêu Minh vương mà rằng:
- Sao thúc phụ phải giữ lễ với cháu. Chẳng hay thúc phụ có được mạnh giỏi không?
Mọi người xúm quanh Quang Khải. Anh em chú cháu chưa kịp đôi hồi, Quang Khải ngửa mặt lên trời cười sằng sặc:
- Sài Thung giở chứng rồi!
- Y giở trò gì, em nói ta nghe. Thượng hoàng Thánh tông nắm lấy tay Quang Khải hỏi.
- Tâu vương huynh. Từ biên ải về đến bến đò Thiên Đức, em vẫn dẫn Sài Thung đi cáng. Bỗng hắn trở mặt đòi đi ngựa. Em cho kỵ sĩ mang biểu về triều như vương huynh đã rõ. Khi tới Thăng Long, em dẫn y vào nhà công quán, nhất định y không chịu vào, mà tế ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, đòi vào đại điện gặp quan gia ngay. Quân thánh dực ngăn lại. Y lấy roi ngựa quất tóe máu đầu mấy tên lính. Nếu không có em ở đấy, thì đám quân thánh dực đã bắt trói y lại rồi. Em bèn dàn xếp để y đi kiệu qua cửa tò vò. Y nhất định không chịu. Y bảo: "Bây giờ có mở toang cửa, rước ta đi ngựa vào ta cũng không thèm nữa, mà phải bắc cầu vồng qua cửa Dương Minh lấy lối cho ta vào đại điện". Y còn hỗn xược đòi quan gia phải tiếp y với lễ của tước vương.
Trần Quang Khải nén giấu một hơi thở dài. Rồi tiếp:
- Nếu không nhún nhường vì thế nước, chắc là Quang Khải này dã cắt đầu Sài Thung về dâng các vương huynh và vương điệt rồi.
Thấy sự việc căng thẳng, Quốc Tuấn liền hỏi:
- Vậy thời Sài Thung hiện đang ở đâu, xin Chiêu Minh tướng quân cho biết.
- Ô trời? - Quang Khải kêu lên rồi lắc đầu - Thấy sứ trời càn dỡ quá, không chịu nổi, tiểu tướng liền bỏ đấy, nhưng đã ngầm sai đám gia tướng áp sát y về nhà công quán. Để đến chiều tối, y thật đói, xem y có dịu bớt hung hăng, rồi Quang Khải lại xin thù tiếp sứ trời.
Quốc Tuấn trầm mặc:
- Quan hệ hai nước lúc này mỏng manh như một sợi dây Tơ. Xin thượng hoàng cùng quan gia và thái sư liệu bề khu xử cho tế vi. Phải nén lòng. Dù có phải dùng tới mạt kế như Hàn Tín, Câu Tiễn để tránh cho quốc gia khỏi rơi vào nạn binh hỏa vẫn còn hơn. Can qua lúc này là thất lợi cho ta nhiều lắm.
( Hàn Tín, đại tướng nhà Hán. Trong cuộc Hán – Sở tranh hùng, ông đã đánh tan Hạng Vũ thâu tóm toàn thiên hạ cho Lưu Bang. Khi chưa thành đạt, ở kẻ chợ có tên hàng thịt coi thường kẻ sĩ gây sự, bắt Hàn Tín phải chui qua háng. Hàn Tín nhẫn nhục luồn háng y cho qua chuyện. Nhưng khi hiển đạt, ông không tìm cách trả thù tên hàng thịt, mà tìm bà Phiếu Mẫu khi ông cơ nhỡ đã cho lưng bát cơm nguội. Thấy nói ông đã biếu bà cả ngàn nén vàng. Nên mới có câu: "Bát cơm Phiếu mẫu trả ơn ngàn vàng".
Câu Tiễn làm vua nước Việt bị Phù Sai là vua Ngô đánh chiếm cả thành trì và bắt Câu Tiễn về Ngô hầu hạ. Câu Tiễn tỏ ra qui phục trung thành tới nước Phù Sai ốm, Câu Tiễn nếm phân Phù Sai, để đoán bệnh. Quả nhiên, Phù Sai tin mà tha Câu Tiễn. Sau Câu Tiễn đánh phục thù làm cỏ kinh thành nước Ngô và giết Phù Sai.)
Thấy một đại trượng phu, một hổ tướng kiêm thông văn võ như Quốc Tuấn, mà phải khuyên mọi người nhường nhún như vậy, đủ biết Quốc Tuấn phải nén lòng đến mức nào. Và cũng cho thấy, bên ta chưa đủ lực, chưa sẵn sàng nghênh chiến được.
- Dù sao vẫn phải giữ gìn quốc thể, cháu là quốc chủ, không thể đến công quán vỗ về Sài Thung được. Lại phải phiền chú Chiêu Minh đi cho chuyến nữa. Nhân tôn nói với tất cả sự dằn lòng. Thật quá sức chịu đựng đối với một đấng quân vương mới ngoài hai chục tuổi.