Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 15

Hiểu ý tôi, cô giáo gượng cười nhìn đồng hồ tay:
- Vâng, còn một môn cuối cùng: môn tập viết, mà chỉ còn 10 phút nữa là bãi học. Cô sẽ kẽ ô rồi viết chữ cái lên bảng. Cô hướng dẫn cách viết, các em đem tập về nhà viết cũng được.
Cô quay lưng, chăm chú kẽ kẽ, đo đo trên bảng đen. Bực mình vì cô giáo đằm tính quá, chẳng bị trúng kế tôi để mà nổi giận, tôi buột miệng chửi thề. Thằng Thệ nghe được quay đầu lại nhìn sững vào miệng tôi. Bỗng hắn đứng lên:
- Thưa cô, trò Hoàng...
Cô vẫn đứng quay lưng, hỏi vọng:
- Gì em? Trò Hoàng sao?
- Thưa cô trò Hoàng chửi tục ạ.
Cô không quay xuống, vẫn hỏi:
- Chửi tục sao?
Buồn cười, bọn con gái "rúc rích", bọn con trai "hích hích". Tôi toét miệng cười, chờ đợi thằng Thệ diễn đạt hết ý. Nhưng nó không dám, cứ: - Dạ thưa cô, trò...trò...chửi...chửi là...là...
Chăm chú nắn nót từng chữ cái trên bảng, cô giáo hỏi lơ đễnh:
- Ừ, mà chửi sao?
- Dạ, trò chửi...chửi..."Ðờ mờ" ạ.
Nghe dứt, cả lớp cười rần. Cô giáo quay mặt xuống, ngạc nhiên.
- Em Thệ nói cái gì thế? Tại sao các em lại cười?
Tiếng thằng Mít vọt ra:
- Trò Thệ chửi tục đó cô.
Thằng Thệ đứng tại chỗ, đỏ mặt tía tai, lườm thằng Mít một cái dài, rồi thưa:
- Thưa cô. Không phải em, em méc lại cô là trò Hoàng chửi "Ðờ Mờ" ạ.
Cả lớp cười nghiêng ngả một lần nữa. Cô giáo hiểu. Mặt cô đỏ kè như uống phải rượu. Rồi! Cô giận quá rồi. Tôi mừng thầm. Nhưng không, cô ngẩn người ra nhìn vào tôi như nhìn vào cột điện. Một lát sau, cô đưa bàn tay phải đầy cả phấn trắng nhẹ xoa xoa lên trán như xua đuổi một ý nghĩ nào đó. Cô đặt cuốn giáo án xuống bàn, vòng tay trước ngực. Vẫn đứng ở bục gỗ, cô đưa mắt nhìn khắp lượt, trầm giọng:
- Ðã hết giờ học, nhưng các em ráng ngồi thêm đôi chút nữa. Cô cần nói với các em rằng...
Cô đã nói rất nhiều. Ðại khái, cô chê học sinh Lịch Ðợi phần đông nói với người lớn không được nhã nhặn, lễ phép, lại hay chửi tục cô bảo, đang còn đi học, những cái miệng xinh xắn, ngây thơ hãy nên thốt ra những lời văn hoa, tao nhã. Chớ nên để nó thối đi vì những lời tục tằn, thô lỗ. Rồi cô lại khen:
- Tuy vậy, cô vẫn thích được dạy học ở đây. Các em hiền lành và thiệt thà, ngoan ngoãn. Các em có đầy đủ tính chất mộc mạc, chơn chất của người nông dân VN. Bao giờ tính chân thật vẫn cao quí vô cùng. Rồi đây, bằng nhiều cách, và ngoài việc dạy chữ, cô còn dần dần dạy cho các em những thói quen tốt, những hiểu biết rộng rãi hơn...
Tôi nghe cô nói bằng lỗ tay này và lỗ tai kia tôi lắng nghe cái bụng tôi kêu òng ọc. Chợt, tôi đứng bật dậy, vươn vai, nói lớn:
- Cô, cô! Em đói bụng rồi nè cô!
Tôi nhét mấy cuốn tập vào bụng áo, phóng chân ra khỏi lớp. Tôi biết sau lưng tôi, lũ bạn ngớ mặt ra và cô giáo sững sờ nhìn theo tôi.
Mỉm cười ngạo mạn, tôi chạy như bay xuống con đường đất, về nhà.
Tôi cho rằng, ít nhất sáng nay tôi cũng đã làm cô giáo bực mình nhiều lần, mặc dù cô không nói ra.