Dịch giả: Thái Độ
Nhập đề của tác giả

Tôi có ý định trình bày việc làm thế nào người ta có thể chiếm hay bảo vệ chính quyền tân tiến và trên một khía cạnh nào đó tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề mà Machiavelli đã khảo cứu. Tuy nhiên, cuốn sách này không phải là sự lập lại của cuốn "Bá Vương", cho dù nó mới hơn nghĩa là nó ít bá đạo hơn. Những giai đoạn được nêu lên trong các luận cứ hay các dẫn chứng và ngay chính tinh thần cuốn "Bá Vương" đã phơi bày ra một tình trạng thóai hóa quá sức của nhân phẩm con người cũng như các quyền tự do công cộng đến nỗi rằng nếu quả tôi có lấy hứng từ cuốn sách đó để bàn về một vài trong những vấn đề quan trọng tại châu Âu ngày nay, tôi sẽ cảm thấy là đã xúc phạm đến độc giả.
Trước tiên, hình như lịch sử chính trị mười năm gần đây trùng hợp với việc thi hành hòa ước Versaille, những hậu quả kinh tế của chiến tranh, những nỗ lực của các chính phủ nhằm bảo đảm nền hòa bình tại Châu Âu. Thật ra, lời giải thích thực sự lại hoàn toàn khác hẳn, nó thể hiện trong cuộc chiến giữa những kẻ bảo vệ tôn chỉ Tự Do và Dân Chủ-nghĩa là những kẻ bảo vệ chính quyền đại nghị- với địch thủ của họ. Những thái độ của các chính đảng chỉ là các sắc thái chính trị của cuộc chiến này. Nếu muốn am hiểu nhiều biến cố của 10 năm gần đây, hay muốn tiên đoán bước tiến hóa của nội tình các nước Âu Châu, ta cần phải đứng trên quan điểm này, và chỉ trên quan điểm này mà thôi, để phân tách các thái độ đó.
Tại hầu hết các quốc gia, bên cạnh cách chính đảng chủ trương bảo vệ chính thể đại nghị và chính sách quân bình chính trị, có nghĩa là Tự Do và Dân Chủ, (đó là những đảng bảo thủ đủ lọai, từ những đảng tự do hữu khuynh đến những đảng xã hội tả khuynh) luôn luôn có những đảng đặt vấn đề chính quyền trên một căn bản cách mạng.: đó là những đảng cực hữu hay cực tả, những cán bộ cách mạng, nói trắng ra là những tay phát xít và Cộng Sản. Những tay cách mạng hữu khuynh thường e ngại sự rối loạn. Họ thường lên án chính phủ là yếu hèn, bất lực và vô trách nhiệm. Họ bênh vực chủ trương thực hiện một tổ chức chính quyền vững chắc, kiểm sóat chặt chẽ sinh họat chính trị, xã hội và kinh tế. Đó là những kẻ tôn thờ lý tưởng Quốc gia, những chiến sỹ tôn thờ chủ nghĩa chính quyền tuyệt đối. Họ cho rằng chỉ có một chính thể trung ương tập quyền độc đoán, không tự do, không dân chủ mới có thể bảo đảm được trật tự và tự do, mới là con đê duy nhất có thể ngăn chặn được làn sóng cộng sản. "Tất cả trong Quốc Gia, không gì ngòai Quốc Gia và không gì chống lại Quốc Gia," Mussolini đã từng tuyên bố như thế. Còn những cán bộ cách mạng tả khuynh lại nhằm chinh phục chính quyền để thiết lập chế độ độc tài của công và nông dân. Lénine chủ trương: "Nơi nào có Tự Do không có chính quyền."
Bài học Mussolini và Lénine ảnh hưởng rất nhiều đến sắc thái và sự tiến triển của cuộc tranh chấp giữa các cán bộ cách mạng hữu khuynh, tả khuynh và những người quyết tâm bảo vệ chính thể tự do dân chủ.
Dĩ nhiên là có một chiến pháp phát xít và một chiến pháp cộng sản. Nhưng kể cũng nên nhận rằng, cho đến ngày nay, tất cả những tay cách mạng lẫn những người bảo thủ hình như không hề biết đến chúng, không bao giờ biết phân lọai và xác định những điểm khác biệt, hay những điểm tương đồng nếu có, giữa hai chiến pháp đó. Chiến thuật của Bela Kun không có chút gì giống chiến pháp bôn-sê-vích cả. Những cuộc đảo chánh của Kapp, của Primo de Rivera và của Pilsudzki hình như đã được quan niệm và thi hành theo những quy tắc của một chiến thuật cổ truyền không liên quan gì đến chiến pháp phát xít cả. Bela Kun có thể là một chiến thuật gia tân tiến hơn, một chuyên viên khá hơn ba người kia và do đó, nguy hiểm hơn. Nhưng khi còn phải đặt việc chinh phục chính quyền thành vấn đề, ông đã tỏ ra là không hề biết đến một chiến thuật đảo chánh mới.
Bela Kun tưởng là đã bắt chước Trotzky. Ông không nhận ra rằng, ông chỉ theo những quy tắc do Karl Marx đặt ra dựa theo kinh nghiệm của Ba lê Công Xã. Kapp tưởng có sao lại cuộc đảo chánh 18 Vụ nguyệt để chống lại Quốc Hội của Cộng Hòa Weimar. Primo de Rivera và Pilsudzki lại tưởng rằng có thể dùng võ lực để chiếm một chính quyền tân tiến bằng cách lật đổ một chính phủ đại nghị.
Thật rõ như ban ngày là cả chính phủ lẫn những tay cách mạng đều chưa bao giờ tự hỏi xem, liệu có một kỹ thuật đảo chánh mới không và những nguyên tắc căn bản của kỹ thuật đó là gì? Để đương đầu với chiến thuật cách mạng của các tay cách mạng, các chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng một chiến thuật phòng vệ căn cứ trên các biện pháp cảnh sát, do đó tỏ ra là không hề biết tý gì đến cả những nguyên tắc sơ đẳng nhất trong nghệ thuật chinh phục và bảo vệ một chính quyền tân tiến. Vô tri như thế thật là nguy hiểm và để chứng tỏ điều đó, tôi sẽ dẫn trình ra đây, như những thí dụ, các biến cố mà tôi được chứng kiến hoặc trên một khía cạnh nào đó, được tham dự trong mùa cách mạng khởi diễn từ tháng một năm 1917 tại Nga và chưa biết bao giờ mới chấm dứt tại Âu Châu.