Chương 3
Thủ đoạn là gì?

Hành động không có nguyên tắc
là múa rối.
Thỏa hiệp không có nguyên tắc
là đầu cơ.
Nhượng bộ không có nguyên tắc
là đầu hàng.
Thủ đoạn không có nguyên tắc
là phá phách
Thủ đoạn là gì?
- Hán Cao Tổ bắn thư vào Bái thành, dân trong thành nổi lên giết Huyện lệnh, rồi mở cổng thành đón Hán Cao Tổ.
- Lục Tốn gửi thư cho Quan Vân Trường lời lẽ khiêm tốn sợ sệt để che mắt về cái tài dùng binh của mình.
- Trần Hưng Đạo lừa quân Nguyên tại sông Bạch Đằng.
- Khổng Minh du thuyết Đông Ngô, dựa Đông Ngô gây vốn chính trị.
- Tử Cống du thuyết nước Tề để yên nước Lỗ.
- Tô Tần dùng lời nói mà tạo thành thế hợp tung. Trương Nghi cũng dùng lời nói mà dựng chánh sách liên hoành.
- Khổng Minh khích Chu Du bằng hai câu: "Chu lang diệu kế an thiên hạ, bồi liễu phu nhân triết liễu binh."
- Trương Lương dùng tiếng ca buồn thảm lấy mất chí khí chiến đấu của quân Sở.
- Kinh Kha ca bên bờ sông Dịch làm cho chí phẫn trong lòng mọi người dâng lên.
- Sái Thiệu bị giặc bao vây, tên bắn như mưa. Thiệu liền bầy tiệc gẩy đàn cho hai cung nữ múa hát, giặc lấy làm lạ, thừa lúc bất ý, Thiệu sai quân đánh tập sau lưng giặc giải thóat vòng vây.
- Phạm Lãi hiến Tây Thi và dâng tám gái đẹp cho Thái Tể Bĩ mở đầu cho chính sách tiêu diệt nước Ngô.
- Cao Dương gả vợ cho quân sỹ bằng cách mối manh với các góa phụ.
- Tào Tháo đãi Quan Công cứ năm ngày một đại yến ba ngày một tiểu yến, nên Quan Công phải trả nợ bằng hai cái đầu Nhan Lương Văn Xú và hai cái đầu ấy cũng súyt gây ra việc Viên Thiệu giết Lưu Bị.
- Tôn Tẫn dùng phép bớt bếp để dụ Bàng Quyên. Khổng Minh dùng lối thêm bếp để dọa Tư Mã Ý.
- Ngụy Khê đánh nước Yên dàn trận cờ sí rợp trời khiến quân Yên sợ hãi.
- Oswald bắn Kennedy, Rugby bắn Oswald và Rugby bị hạ, báo cáo Warren để trấn an dư luận, thủ phạm chính của vụ Kennedy có lẽ không bao giờ còn tìm thấy.
- Béria được mời vào phòng họp cao cấp rồi bị hạ sát.
- Nga sô thao diễn quân đội mời các đại biểu Tây phương đến dự (1952), Nga cho trình bày lọai oanh tạc cơ khổng lồ Bisons lúc đó Nga mới có 9 chiếc nhưng làm giả tới 50 chiếc và dùng gián điệp cho tin là sang 1954 Nga sẽ có tới 500 chiếc. Mỹ hoảng, quốc hội bàn cãi đả kích chính phủ, chính phủ vội cho cấp tốc sản xuất lọai oanh tạc cơ khổng lồ đặt tên là B52 ngày nay. Biết Mỹ mắc đòn, Nga bỏ sản xuất Bisons và dồn tiền vào nghiên cứu hỏa tiễn không gian.
Đó là những thủ đoạn chính trị.
Thủ đoạn chính trị mang muôn vạn hình thù, muôn vạn màu sắc. Nó có thể được dùng bằng thuyết phục, bằng cưỡng bách, bằng lừa lọc, bằng chân thật, bằng vũ lực, bằng lý tưởng, bằng nghệ thuật, bằng gián điệp v.v...
Thủ đoạn chính trị có hai nền móng:
- Tài thao lược và
- Khả năng bí mật
Lã Vọng nói:
Sự mạc đại ư tất khắc.
(Khắc phục được công việc đó là điều chính.)
Dụng mạc đại ư huyền mặc.
(Dùng mưu gì phải giữ cho kín.)
Động mạc đại ư bất ý.
(Hành động nên thừa lúc địch bất ý.)
Điệp mặc đại ư bất thức.
(Phá vỡ sự bí mật của địch).
Làm vẻ ngòai hỗn loạn, nhưng bên trong tổ chức chặt chẽ.
Làm vẻ mặt thiếu thốn, nhưng thật là sung túc.
Làm thái độ lờ mờ, nhưng đầu óc rất tinh tường.
Lúc thì hợp lại với nhau.
Lúc thì ly tán, âm thầm lặng lẽ, cơ mưu không lọt ra ngòai, hình tích không lộ. Định đánh phía tây, nhưng lại bằng ngả phía đông.
Cơ sở triết học của thủ đoạn chính trị
Với chính trị người ta không thể quên câu này:
"Deception is a major weapon of the enemy."
(Lừa dối là vũ khí chính yếu của địch.
Tây phương gọi nhà chính trị quá ư chân thật bằng hai danh từ: nước khô (dry water) và sắt gỗ (wooden iron).
Chính trị là cuộc đấu tranh không bao giờ ngừng giữa người với người để giành quyền lực.
Muốn thắng phải có sức mạnh và thủ đoạn.
Sức mạnh và thủ đoạn ấy thường được dùng đúng với một quan niệm chính xác về nó qua những điểm kể dưới đây:
1) Trong đấu tranh để giành quyền lực, giành ngôi vị và lợi lộc, những chính phủ, những tổ chức chính trị, những chế độ được xây dựng và lật đổ, luật pháp được đặt ra rồi lại bị vi phạm, những tranh chiến thắng bại liên tục.
2) Thực tế trước mắt là quan trọng hơn hết; lý tưởng phải phục vụ cho thực tế. Tư tưởng đạo đức siêu việt không có ích gì cho chính trị.
3) Mọi biến đổi phải được nối liền với nhau để tìm ra quy luật chung của một thời kỳ lịch sử nào đó.
4) Không làm nửa chừng, kẻ thù hoặc phải diệt chết hẳn hoặc phải phân định dàn hòa rõ rệt hẳn.
5) Chiến đấu với một phương pháp khoa học, tính kỹ thuật kiện toàn.
6) Không ngần ngại trước những hành động dối trá, lật lọng nếu nhu yếu chính trị đòi hỏi.
7) Phải nhìn con người như lũ bội bạc, hay đổi thay, giả dối, nhát sợ và tham lam.
8) May hay rủi có thể đến, nhưng chủ yếu vẫn là sức mạnh và sự khôn ngoan của chính bản thân.
9) Biết nghe và hay hỏi là đức tốt của kẻ nắm quyền.
10) Không để kẻ địch có thời giờ mà âm mưu, không để dân chúng có thời giờ mà suy nghĩ, nhưng đừng làm dân chúng oán ghét.
11) Phải biết cách chiến đấu như một người, nhưng cũng phải biết cách chiến đấu như một con thú.
12) Tránh xa những thói hư tật xấu có thể làm hại cho sự nghiệp chính trị.
13) Quyền lực và (là?) mục tiêu tối cao.
14) Cần phân biệt con người thường với con người chính trị chỉ có hai hạng người, hạng thống trị (type gouvernant) và hạng bị trị (type gouverné).
15) Việc gì cũng phải có lãnh đạo, số đông không có lãnh đạo là số đông không dùng được.
16) Phẩm hạnh quý giá của người chính trị là: tham vọng, gan dạ, nghị lực bền bỉ và quyết tâm lãnh đạo.
17) Phải hiểu rõ nghệ thuật phối hợp thủ đoạn với sức lực.
18) Nhưng cần nhớ thủ đoạn mạnh hơn sức lực, đấu trí cần hơn đấu sức.
19) Thủ đoạn là phẩm chất căn bản cho một kẻ muốn thống trị (La fourberie est une qualité universelle du gouvernant type).
20) Tất cả phải đổi thay, không một chế độ, một đường lối nào dù tốt đến đâu, đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi được.
21) Mọi sự đổi thay phần lớn đều do lòng ham muốn vô bờ bến của lòai người đối với quyền lực.
22) Mỗi hành động phải mang mục đích rõ rệt. Rồi luôn luôn tự hỏi mục đích đó trong điều kiện trước mắt có thể làm được đến đâu.
23) Muốn lãnh đạo, muốn người khác thuần phục phải luôn luôn chứng tỏ mình là cái gì không thể thiếu được.
24) Phải làm cho người kiêng dè nể sợ bằng cách đấu tranh chính trị theo luật tắc của chiến tranh.
25) Lịch sử làm bởi sức mạnh đấu tranh. Ai yêu tự do mà không dám đấu tranh cho tự do tất nhiên chẳng bao giờ có tự do. Ai yêu nước mà không dám đấu tranh bảo vệ đất nước thì mất nước. Nhưng đấu tranh không phải là mò mẫm với những điều không tưởng, đấu tranh là thủ đoạn và sức mạnh từ A đến Z. Người chính trị say mê muốn xoay thời chuyển thế, thì nên nuôi dưỡng tham vọng ấy bằng khả năng chính trị đừng chỉ hồ đồ với một mớ tình cảm vụn vặt.
Triết lý Hàn Phi Tử
Trước Machiavel cả hai ngàn năm, chính trị Đông phương đã thai nghén ra chủ nghĩa Machiavelisme. Người khai sáng là Hàn Phi tử mà bấy giờ mệnh danh là Pháp Gia phái. Kể ra đáng lẽ Lã Thái Công mới đáng nhận danh hiệu này, nhưng trước tác lục thao tam lược của Lã Vọng chỉ thuần chú trọng về những nguyên tắc chiến thuật chiến lược mà không đặt thành hệ thống triết lý chính trị. Thêm nữa Hàn Phi Tử khi luận về chính trị, ông có một luận điệu rất "cynique" hệt như Machiavel.
Hàn Phi Tử sống vào thời đại chiến quốc, giữa lúc bàn dân thiên hạ theo đuổi một chủ lưu chính trị là đánh đổ chế độ phong kiến thống nhất Trung Quốc (Machiavel cũng ở vào cùng một tình trạng). Nhưng chủ nghĩa chính trị thời đó gồm có: Nho, Mặc, Đạo, Pháp. Mọi chủ nghĩa đều đưa ra một lập trường cơ bản, thái độ nhân sinh, chủ trương chính trị phương pháp thực hành khái quát kể ra như dưới đây.
Về cơ bản lập trường:
Nho xuớng xuất chủ nghĩa gia tộc.
Mặc xuớng xuất chủ nghĩa thế giới.
Đạo xuớng xuất chủ nghĩa cá nhân.
Pháp xuớng xuất chủ nghĩa quốc gia.
Về thái độ nhân sinh:
Nho đưa ra chủ nghĩa trung dung
Mặc đưa ra chủ nghĩa khổ hạnh
Đạo đưa ra chủ nghĩa tiêu cực
Pháp đưa ra chủ nghĩa tích cực.
Về chủ trương chính trị
Nho xướng xuất chủ nghĩa nhân trị
Mặc xướng xuất chủ nghĩa thiên trị
Đạo xướng xuất chủ nghĩa vô trị
Pháp xướng xuất chủ nghĩa pháp trị.
Về phương pháp thực hành
Nho đề ra chủ nghĩa cảm hóa
Mặc đề ra chủ nghĩa cứu thế
Đạo đề ra chủ nghĩa phóng nhiệm
Pháp đề ra chủ nghĩa can thiệp.
Kết quả Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc bằng phương pháp của pháp gia. Bởi lẽ đấu tranh chính trị chỉ có một quy luật duy nhất:
Đả thiên hạ, tố hoàng đế (đánh được thiên hạ thì lên làm vua).
Thành tắc vi vương, bại tắc vi khấu (được làm vua, thua làm giặc).
Bao giờ cũng vậy, từ ngàn xưa đến nay và tự nay về sau, con người thường cố tình cho chính trị thuộc về đạo đức học, nhưng sự thực chính trị thuộc về khoa học xã hội.
Dù muốn nêu lên chính nghĩa nào đi chăng nữa thì sự thành công của chính trị vẫn chỉ do một nguyên nhân đó là: đã thắng trận.
Đại biểu của pháp gia là Hàn Phi Tử. Sở dĩ phương pháp của Hàn Phi Tử đã đem lại thành công cho việc làm của Tần Thủy Hoàng là vì nó có một nhận thức chính trị rất sắc. Ông đã đưa ra bốn điểm chính yếu để thay đổi xã hội phong kiến bằng chính trị quân chủ tập quyền.
1) Quận huyện làm đơn vị cai trị thay thế cho các đất phong.
2) Tổ chức hành chánh quan liêu lại trị thay thế cho quý tộc.
3) Quân dân phân trị thay thế cho quân dân hợp trị.
4) Mua bán ruộng đất tự do thay thế cho tư hữu quý tộc.
Thay đổi tận gốc rễ như thế, nếu không có những thủ đoạn khả dĩ vươn tới việc tất thất bại. Hàn Phi Tử lên tiếng bài bác tư tưởng cải cách (reformisme) của Khổng và Mặc. Ông nói: Dùng chính sách "hoãn", hoãn để trị dân của cái đời cần biến đổi mau chóng này thì chẳng khác gì không biết cưỡi ngựa mà cưỡi ngựa dữ. (Thiên Ngũ Đố). Biến cổ hay không biến cổ không phải là vấn đề của thánh nhân, chỉ có chính trị đáng kể thôi (Thiên Nam Diện).
Theo ông thì lịch sử tùy thời đại biến đổi, chính trị cũng tùy thời đại mà biến. Nếu chính trị không biến theo thời đại, cứ ôm lấy lý lẽ dùng đạo của tiên vương để trị người bây giờ thì thật rõ là chuyện ôm cây đợi thỏ.
(Ôm cây đợi thỏ là chuyện cổ bên Tàu, về việc anh nông phu, anh ta chỉ được cái chăm nhưng đầu óc rất ngốc nghếch, khu ruộng anh cầy cấy có một cây cổ thụ lớn cành lá xum xuê vẫn thường làm chỗ nghỉ ngơi cho anh. Một hôm anh đang nằm thảnh thơi dưới gốc cây bỗng có hai con thỏ đuổi nhau, chạy rất nhanh va đầu vào cây chết cả đôi. Anh bắt mang về ăn thịt ngon lành. Từ đấy đầu óc anh nảy ra ý nghĩ tội gì làm ăn cho mệt nhọc, cứ đợi dưới gốc cây để ăn thỏ có phải lợi hơn không. Nghĩ thế anh không làm ruộng nữa cứ ngày ngày ngồi đợi dưới gốc cây để chờ thỏ. Đợi cả tháng ròng chẳng thấy bóng con thỏ nào, đợi quá anh đành phải đi làm ruộng vậy).
Chính trị Hàn Phi Tử khả dĩ thu vào hai điểm chủ yếu:
1) Đối ngoại không gì hơn thực lực.
2) Đối nội không gì bằng quyền lực.
Quan hệ giữa nước này với nước kia nếu không có thực lực thì lấy gì phát triển và sinh tồn. Việc trong nước mà không có thống trị quyền lực thì làm sao thay đổi cả một nếp sống?
Bởi vậy ông viết tuy ngắn ngủi nhưng minh bạch:
"Lực đa tắc nhân triều, lực thiểu tắc triều ư nhân cố minh quân vụ lực).
(Lực khỏe thì thiên hạ theo ta, lực yếu thì ta buộc phải phục tòng thiên hạ, cho nên ông vua giỏi là phải kiến thiết sức mạnh).
"Cổ nhân cực ư đức, trung thế trục ư trí, đương kim tranh ư lực... Sử đa sự chi thu, dụng quả sự chi khí, phi trí giả chi bị dã. Đương đại tranh chi thế, nhi tuân tập nhượng chi cưu, phi thánh nhân chi trí dã." (Cổ xưa đuối vào đức, trung thế thiên trọng chữ trí, ngày nay phải tranh đọat bằng lực. Sống vào đời lắm việc này mà lại đem lề lối của thời kỳ ít việc thì thật là bất trí. Sống giữa lúc tranh đấu bạo tàn này lại lấy thái độ nhường nhịn thì không phải là phương pháp của thánh nhân).
Vũ lực nghĩa là không trọng nhân nghĩa biện trí nữa mà trọng quốc phú binh cường. Muốn cho nước giàu phải xử dụng toàn dân vào đấu tranh kinh tế hồi đó là sản phẩm nông nghiệp gọi là nông chiến. Muốn binh mạnh phải thực hành quân quốc chủ nghĩa.
Về quan hệ đối nội, nhân vì chính trị chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ quân chủ nên quan hệ thuần đặt trên quan hệ quyền lực (kinh nghiệm lịch sử cho biết thời kỳ quá độ nào cũng vậy). Quan hệ giữa vua với dân là quan hệ quyền lực, quan hệ giữa vua với quan lại là quyền lực.
Hàn Phi Tử nói:
"Thế giả thắng chúng chi tư dã." (Thế là cái vốn để thắng mọi người).
"Chủ chi sở dĩ tôn giả, quyền dã". (Ngồi được ở ngôi cao là bởi quyền).
" Vạn thặng chi chủ, thiên thặng chi quân, sở di năng chế thiên hạ nhi chinh chư hầu, dĩ kỳ uy thế dã." (Chúa một nước vạn cỗ xe, vua một nước ngàn cỗ xe, sở dĩ thống chế thiên hạ, chinh phục chư hầu là nhờ uy thế vậy).
Cái lý do khiến Hàn Phi lấy vấn đề quyền lực làm địa vị trọng yếu của chính trị là tại ông nhìn người đời khác cái nhìn của Mạnh Tử. Đối với Hàn Phi thì con người tính ác, ác đây mang cái nghĩa vị lợi, vị kỷ mà Hàn Phi đặt tên là Tự vi tâm.
So sánh những lời dưới đây của Hàn Phi với Machiavel, bọn nhân thần đối với ông vua, không phải cốt nhục thân tình, bị buộc vào thế quyền lực nên mới thờ vua. Lũ nhân thần ấy không lúc nào quên dòm dỏ, vua sơ hở là lập tức làm loạn. Cho nên làm chủ mà lười biếng, không tinh tường, hay kiêu căng tất sẽ bị cái vạ nhân thần sát chủ.
Làm vua mà quá nuông con, lũ nhân thần sẽ dựa vào đứa con để mưu đồ. Làm vua mà quá tin yêu vơ, tin yêu thiếp, lũ nhân thần sẽ dựa vào thiếp, vợ để mưu đồ. Khi hậu phi, phu nhân, thái tử đã thành đảng, bấy giờ chỉ có quyền chính là đáng kể với chúng và chúng có thể giết vua hoặc ngày đêm mong mỏi cho vua chết. Nếu vua không chết thì chưa có thể thừa cơ, chẳng phải vì chúng ghét vua nhưng mà vì chúng mong quyền. Bởi vậy làm vua nên xét về cái thế chết của mình (trích dịch ở thiên Bị nội).
Trong cuốn "Quân vương" (Le prince) Machiavel viết:
"Le prince doit se méfier d'eux comme d'ennemis déclarés, qui non contens de l'abandonner si la fortune lui devenait contraire, n'hésiteraient point à tourner leurs armes contre lui." (chapitre IX)
Hàn Phi và Machiavel đều đồng ý nhau trên một điểm quan hệ quân thần là quan hệ quyền lực. Vua tôi đều có tự vi tâm làm thành cái thế lợi hại tương phản cho nên quan hệ quyền lực ấy đi xa hơn nữa còn phải lấy mưu kế mà sửa trị.
"Quân thần dị tâm, quân dĩ kế súc thần, quân dĩ kế sự quân, hại thân nhi lợi quốc tần phất vi dã. Hại quốc nhi lợi thân, quân bất vi dã. Thần chi tình hại thân vô lợi, quân chi tình hại quốc vô thân. Quân thần dã giả, dĩ kế hợp giả dã." (Vua tôi bao giờ cũng dị tâm, vua thu nạp bề tôi bằng kế. Bầy tôi thờ vua cũng vì kế của mình. Hại thân để làm lợi cho đất nước thì bầy tôi đắn đo. Hại cho đường lối chính trị, hại cho nước để làm lợi cho bầy tôi thì vua không chịu cho nên quan hệ quân thần phải lấy kế mà hòa hợp.)
(Trích ở thiên Sức tà)
Kế đó Hàn Phi nói như sau:
"Phàm trị thiên hạ, tất nhân nhân tình."
Trị thiên hạ phải biết tâm lý chính trị, hiểu thấu tình người. Như ở trên đã đề cập đến vấn đề trị đạo với chủ lưu của tâm lý và chủ lưu của tình tự.
Nội dung triết học chính trị của Hàn Phi khả dĩ khái quát vào hai điểm:
1) Tập trung quyền lực thống trị.
2) Vận dụng công cụ thống trị.
Lý luận của Hàn Phi đều tập trung vào phạm vi chính trị, khác với Nho phái mang nhiều ý vị luân lý, khác với Đạo mang nhiều ý vị tự nhiên, khác với Mặc mang nhiều ý vị thần quyền.
Và tập trung quyền lực thống trị Hàn Phi đưa ra thế và vị. Ông nói:
- Thế giả thắng chúng chi tư dã.
- Thế chi vi đạo vô bất cấm hỉ.
(Có thế mà hành đạo thì không gì cản trở nổi)
- Vạn vật mạc như thân chi chí quý dã. (Muôn việc không gì quý bằng thân mình, quý mà ngôi cao, có ngôi cao thân quý tức uy lớn thế to).
- Thế giả thắng chúng chi tư, ý nói quyền lực là công cụ để thống trị chúng nhân. Vô bất cấm, ý nói quyền lực đầy đủ rộng rãi lực cưỡng chế. Vị tôn thế long, ý nói quyền lực phải đạt đến cao tính.
Muốn trị quốc gia, điều kiện tiên quyết là phải có quyền lực, và xây dựng một quyền lực vững mạnh. Trong thiên Nam thế, Hàn Phi đưa ra tỷ luận: lúc ông Nghiêu còn làm kẻ thất phu, ông trị ba người không nổi trong khi Trụ ở ngôi thiên tử làm loạn cả bàn dân thiên hạ. Quyền lực quan trọng thế đấy.
Về vận dụng công cụ thống trị, Hàn Phi đưa ra pháp và thuật. Ông nói:
"Quân vô thuật tắc tễ ư thượng, vô pháp tắc loạn ư hạ." (Vua mà không có thủ đoạn thì sơ hở ở bên trên, không có pháp luật thì loạn ở bên dưới).
Pháp luật là mực thước để quân chủ thống trị quan lại và nhân dân. Thuật là phương pháp để quân thống trị quan lại.
Với pháp luật Hàn Phi đặt những nguyên tắc cơ bản sau đây:
Pháp luật như hiển (Pháp luật cần nhất cho rõ ràng) Khi ban bố pháp luật ai ai cũng đều biết.
Pháp lệnh hành nhi tư đạo phế. (Pháp luật thi hành không có tư tình). Nếu còn vị nể tư tình tất pháp luật loạn.
Quan niệm về chữ Pháp của Hàn Phi Tử rất chính xác, ông viết:
Thánh nhân trị nước, không cần phải dựa vào người làm tốt cho mình mà dựa vào sự việc khiến người ta không dám làm quấy. Dựa vào người yêu mến ta, tính đầu ngón tay chẳng được vài chục. Còn dựa vào sự việc người không dám làm quấy thì có thể khắp cả nước. Trị nước phải nhằm vào số đông, không trông vào số ít. Cho nên chẳng cần vụ đức mà nên chú trọng đến vụ pháp. Làm vua không nên trông vào cái tốt ngẫu nhiên mà nên thi hành cái đạo tất nhiên.
Nói đến cái thuật, Hàn Phi phân tích rằng thời chiến quốc chính trị đã theo chế độ phong kiến, và được thay thế bằng chính trị lại trị sinh ra bởi chế độ quân chủ. Quân chủ với tập đoàn lại trị không có quan hệ huyết thống, hơn nữa cả hai đều mang dị tâm, cho nên thuật rất quan trọng đối với tình thế mới mẻ nầy.
"Thuật giả nhân nhiệm nhi thụ quan, tuẫn danh nhi trạch thực, thao sát sinh chi bính, khoa quyền thần chi năng. (trích thiên Định pháp) (Thuật là dùng tài để trao quan chức, xét thực mà bỏ danh, nắm lấy quyền sinh sát, để dùng tài năng của quần thần.)
Thuật cao nhất mà Hàn Phi đề ra là câu:
Minh quân trị lại bất trị dân.
(Ông vua sáng trị lại không trị dân). Ông đã đi trước thuật chính trị Tây Phương cả mấy ngàn năm về vấn đề xây dựng một guồng máy chính trị (appareil politique).
Cũng như Machiavel, trước tác phẩm của Hàn Phi đã làm sáng tỏ cho chính trị học Đông phương rất nhiều.
Yết Tuyên Tử
Đấu tranh chính trị, Yết Tuyên Tử đề ra năm phương pháp:
- Kết hay mua lòng người.
- Gián hay vào sâu để phân hóa.
- Tá hay mượn dao giết người, mượn lực người gây vốn ta.
- Câu hay là dụ hoặc địch nhân.
- Ngộ hay lừa dối đối phương.
Làm chính trị trước hết là kéo người về với ta, cho nên phải có mưu sâu để mua chuộc lòng người. Yết Tuyên Tử phân ra làm 4: Nội kết, ngoại kết, tư kết và kết địch.
Lý Hiếu Công thả tù binh rồi truyền hịch phủ dụ. Vua Sở Trang Vương giật giải mũ để cứu người say. Ngô Khởi quỳ xuống dùng miệng hút máu trên vết thương của binh sỹ. Trương Nghi hối lộ Trịnh Tụ. Phạm Lãi, Văn Chủng kiếm gái đẹp cho Thái Tể Bĩ. Ngụy Công tử vì nàng Như Cơ mà phục thù. Trương Lương chơi thân với Hạng Bá. Tô Tần Trương Nghi với đường lối hợp tung liên hoành. Mua chuộc lòng người mang muôn màu muôn vẻ.
Về phép Gián, Yết Tuyên Tử viết:
Gián là nắm lấy kẻ tâm phúc của địch, giết chết tướng tài của địch, loạn kế mưu của địch. Phương pháp của nó có: Sinh, tử, thư, ngôn, đạo (tin đồn, dùng câu ca tiếng hát, dùng vật phẩm vàng lụa, hối lộ tiền bạc, dùng sắc đẹp, dùng tình cảm quê hương, dùng bạn bè, dùng ân, dùng uy, dùng chức tước.
Tỷ dụ Tây Thi xúi dục Ngô Vương giết Ngũ Tử Tư (dùng nữ), Tứ diện Sở ca thanh, Trương Lương thổi sáo làm tan nát lòng quân Sở (dùng ca), Tào Tháo xóa thư lừa Mã Đằng, Hàn Tọai (dùng thư).
Về Tá, Yết Tuyên Tử viết:
"Nan vu lực nhi tá địch chi lực, bất năng chu (tru?) nhi tá địch chi nhân (nhẫn?), thậm chí vô tài nhi tá địch chi tài, vô vật nhi tá địch chi vật, bất khả trí mưu nhi tá địch chi kế mưu... Tá địch chi tá, sử địch bất tri nhi chung vị ngã tá, sử địch ký tri nhi bất đắc bất vị ngã tá." (Không có lực thì mượn lực của địch, không giết được thì mượn ngọn giáo của địch, thậm chí không tiền thì mượn tiền của địch, không đủ vật liệu thì mượn vật liệu của địch, đôi khi mượn luôn cả trí mưu của địch nữa. Mượn sự giúp đỡ của địch có cách làm cho địch không biết mà cho mượn, có cách là cho địch dư biết mà vẫn phải cho ta mượn.)
Đọc những lời trên chắc có nhiều người không tin. Nhưng sự thực cái kế mượn là cái kế kỳ diệu nhất trong đời sống chính trị. Cuộc cách mạng của Đảng Quốc xã khởi đầu chỉ có bảy người mà gây nên nước Đức hùng cường. Nếu không phải mượn thì làm sao thành việc. Đa số nhà tư bản Do thái đã cho Hitler mượn vốn. Đức đánh Nga nên đưa Lénine về Nga để gây rối, như vậy cuộc cách mạng 1917 một phần nào cũng dựa vào Đức. Khổng Minh sau khi đã nhận tên rồi liền sai quân sỹ reo to lên rằng: tạ ơn thừa tướng đã cho mượn tên. Trung cộng đã từng mượn danh nghĩa kháng Nhật để lấy tiếp tế súng đạn của Mỹ.
Về cách lừa dối địch, Yết Tuyên Tử viết trong thiên Ngộ như sau:
"Khắc địch chi yếu, phi đồ dĩ lực chế, nãi dĩ thuật ngộ chi dã. Hoặc dụng ngộ pháp dĩ ngộ chi, hoặc nhân kỳ tự ngộ dĩ ngộ chi, ngộ kỳ thị, ngộ kỳ lợi, ngộ kỳ chuyết, ngộ kỳ trí, diệc ngộ kỳ biến. Hư khiêu, thực thủ, bỉ ngộ nhi ngã năng ngộ, cố thiện dụng binh giả, ngộ nhân nhi bất tự ngộ." (Đánh phải tìm chỗ hiểm yếu, rồi dùng mưu mà lừa không phải dùng lực để đánh phá. Hoặc dùng mẹo của ta mà lừa địch, hoặc dùng ngay điểm nhầm lẫn của địch mà lừa dối, lừa bằng tính tự thị của đối phương, lừa bằng lợi lộc, lừa bằng sơ hở của địch, hay lừa cả cái trí của địch, lừa bằng sự biến đổi khôn lường. Lấy viên ngói ném ra để dẫn viên ngọc về, cho kẻ giỏi dùng binh là biết lừa dối và không bị lừa dối."
Ulysse đánh mãi mà không hạ được thành Troie, nghĩ ra một cách, giả tảng rút hết tự mình chui vào trong con ngựa rơm rất lớn. Dân thành Troie thấy địch rút rồi mừng rỡ kéo ngựa vào thành, nửa đêm Ulysse chui trong ngựa ra, nổi lửa làm hiệu mở cổng thành Troie cho quân của Ulysse kéo vào.
Trần Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khóai đóng cọc ở sông Bạch đằng, rồi đánh nhau với quân Nguyên lừa lúc thủy triều rút tấn công thật mạnh, thuyền quân Nguyên bị cọc đâm thủng cả.
Tam thập lục kế
1) Man thiên quá hải (lợi dụng lúc trời tối mà qua biển).
2) Vi Ngụy cứu Triệu (vây nước Ngụy để cứu nước Triệu).
3) Tá đao sát nhân (mượn tay người khác giết).
4) Dĩ dật đãi lao (lấy nhàn hạ chống mệt, lấy thong thả mà chống vội vàng).
5) Sân hỏa đả kiếp (theo lửa cháy mà đánh thật mạnh thật mau).
6) Thanh Đông kích Tây (lên tiếng bên Đông nhưng thật ra là đánh vào phía bên Tây).
7) Vô trung sinh hữu (trong chỗ không mà thành có).
8) Ám độ Trần Sương.
9) Cách ngạn quan hỏa (đứng cách bờ xem lửa cháy).
10) Tiếu lý tàng đao (trong nụ cười giấu con dao sắc).
11) Lý đại đào cương (mùa mận tới thì cây đào phải khô).
12) Thuận thủ khiên dương (thuận tay giắt dê).
13) Đả thảo kinh xà (đập vào cỏ làm cho rắn run sợ).
14) Tá thi hoàn hồn (mượn xác cho hồn trở về).
15) Điệu hổ ly sơn (nhử hổ ra khỏi núi).
16) Dục cầm cố tung (muốn bắt cho nên tha).
17) Phao bác dẫn ngọc (ném hòn ngói để dẫn hòn ngọc về).
18) Cầm tặc cầm vương (bắt giặc nên bắt chúa giặc).
19) Phủ để trừu tân.
20) Hỗn thủy mô ngư (quấy đục nước mà bắt cá).
21) Kim thuyền thóat xác (con ve sầu lột xác).
22) Quan môn tróc tặc (đóng cửa lại mà bắt giặc).
23) Viễn giao cận công (gần thì đánh xa thì thân thiện).
24) Giả đồ diệt Quắc (mượn đường diệt Quắc).
25) Du lương hoán trụ.
26) Chỉ tang mạ hòe (chỉ vào cây dâu mà mắng cây hoè).
27) Giả si bất điên (giả ngu nhưng không điên).
28) Thượng lâu trừu thê (lên cao rồi rút thang).
29) Thiết thụ khai hoa (trên cây sắt lại có hoa nở).
30) Suất khách vi chủ (ở địa vị khách đổi ra địa vị chủ).
31) Mỹ nhân kế (kế mỹ nhân).
32) Không thành kế (kế bỏ ngỏ).
33) Phản gián kế (kế phản gián).
34) Khổ nhục kế (kế khổ nhục).
35) Liên hoàn kế (kế liên hoàn).
36) Tẩu vi thượng kế (chạy là kế hay nhất).
Ghi chú:
Những thủ đoạn chính trị đều không qua khỏi ba mươi sáu kế ghi trên. Ba mươi sáu kế tuy trên danh nghĩa coi là của Lã Thái Công, nhưng không phải do chính tay Lã Thái Công viết mà do người đời sau viết bằng cách gom góp những kinh nghiệm lịch sử cả bao ngàn năm. Có thể không do một tay người nào mà do tay nhiều người, nhân dân Trung quốc vốn ham chuộng chính thống nên bản mưu kế trên phải mượn danh Lã Thái Công, để dễ bề được tin tưởng hơn. Những thủ đoạn chính trị đã được ghi nhận rất tài tình bằng ám tỉ pháp (métaphore) để người đọc có đà cho một tưởng tượng lực dồi dào và linh động.
Sự cần thiết của tính nguyên tắc:
Hành động không có nguyên tắc là múa rối.
Thỏa hiệp không có nguyên tắc là đầu cơ.
Nhượng bộ không có nguyên tắc là đầu hàng.
Thủ đoạn không có nguyên tắc là phá phách.
Hai câu thơ:
Mã hậu đào hoa mã tiền tuyết
Giao nhân ná đắc bất hồi đầu
(Sau lưng là hoa đào, trước mặt là tuyết trắng, khiến cho người không biết quay mặt về đâu).
Để tả anh chàng bị cảnh vật làm hoang mang không định nhãn vào đâu được cả. Trong chính trị kẻ bị lóa mắt bởi hoa đào và tuyết trắng là kẻ làm chính trị vô nguyên tắc.
Harold Isaacs đã tả hình dáng Tưởng giới Thạch trong cuốn Pas de paix pour l'Asie như sau:
Những động lực thúc đẩy hành vi của Tưởng là quyền lợi cá nhân. Ông vốn là người thiếu tư tưởng căn bản nên ông vay mượn lung tung. Mới đầu ông mượn tư tưởng Cộng sản rồi ông lại muốn trở thành một chiến sỹ dân chủ kiểu Anglo-Saxon, bỗng dưng ông lại thích đạo Cơ đốc, cuối cùng ông say sưa chủ nghĩa Phát xít. Nói trắng ra, ông là con người vô nguyên tắc.
Jacques Belden phê bình viết về Tưởng trong cuốn la Chine ébranle le monde như sau: Bất lực trước tình thế chính trị, Tưởng chỉ đổ lỗi cho người khác. Dân đói ông cho là vì dân lạc hậu, nông dân nổi loạn là vì nông dân bất hiếu với người lãnh đạo, trí thức công kích là vì trí thức gian manh, tướng tá bỏ ông là vì tướng tá bất trung.
"Trước khi bệ hạ xin hàng hãy chém đầu thần đã".
Lời nói của Trần Hưng Đạo Vương là nguyên tắc đanh thép không đổi rời trong cuộc chiến tranh với quân Nguyên. Có thể lui, có thể chạy, có thể tấn công, có thể phòng ngự, nhưng chạy, lui, tấn công hay phòng ngự phải đặt trong nguyên tắc đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.
Quản Trọng theo Công tử Củ thất bại lại về với Tề Hoàn Công, vì Quản Trọng chỉ có một nguyên tắc phải theo là phụng sự nước Tề. Cũng như Án Tử làm tể tướng ba triều đại, bởi vì Án Tử đặt quyền lợi nước Tề ở trên hết.
Nguyên tắc mới chính là cơ sở phát triển.
Trong Tam Quốc người đời gọi Lã Bố là thằng ba họ để chê cái tính vô nguyên tắc của Lã Bố. Đã có lúc gặp thời Lã Ôn Hầu có cái vốn rất khá, nhưng Lã Bố thất bại ngay vì chính trị của Lã Bố chẳng có một nguyên tắc nào cả.
Mượn Kinh Châu làm bàn đạp lấy Ba Thục lập thế chia ba chân vạc là nguyên tắc kiến lập căn cứ địa để đánh nhà Ngụy.
Khuông phò nhà Hán là nguyên tắc về danh nghĩa để lập cớ phát động chiến tranh với Tào.
Hòa Ngô là nguyên tắc kiến lập đồng minh trong chiến tranh chống Tào. Khi Quan Vũ vi phạm nguyên tắc này thì Thục thua ngay.
Vấn đề tư tưởng
Hành động phải cho chính xác, chính xác cũng là điều kiện chủ yếu của nguyên tắc. Làm thế nào để có thể chính xác? Đó là nhiệm vụ của tư tưởng.
Trước công việc người ta suy nghĩ, suy nghĩ sai, người ta suy lại, như vậy là đấu tranh tư tưởng, đấu tranh tư tưởng là đấu tranh giữa chính xác và không chính xác, nói cao hơn đấu tranh giữa chân lý và phi chân lý. Càng tha thiết đấu tranh tư tưởng thì chân lý càng sáng tỏ thì phương hướng mới chính xác. Tư tưởng không chính xác thì tất hành vi sinh hồ đồ.
Tuy nhiên nói đến đấu tranh tư tưởng thông thường vẫn vấp phải tình trạng sư nói sư phải vãi nói vãi hay. Bởi thế người chính trị không đấu tranh tư tưởng như một nhà triết học. Đối với người chính trị nguyên tắc của đấu tranh tư tưởng là sự thật thắng nói róc. Đấu tranh tư tưởng là đấu tranh tìm biết đến cái căn cốt sự thực, dùng sự thực để phê phán. Chính xác phải gắn liền với sự thực, nguyên tắc của chính xác là xây dựng trên sự thực. Tỷ dụ Bắc Việt có thể nói chủ nghĩa Cộng sản sẽ thắng, trái đất rồi đây sẽ bị nhuộm hồng, nhưng họ cũng không thể phủ nhận sự thực là nhân mạng Việt Nam đã bị lạm dụng, sự việc đương mũi chịu sào cho xung đột quốc tế không làm lợi gì cho dân tộc Việt.
Tỷ dụ trên chân lý ước mơ, toàn thể các nước Cộng sản đều là anh em nhưng sự thực Cộng sản không thể chối cãi được sự các nước anh em đó đã đánh nhau dữ dội, đánh nhau đến độ có thể hy sinh quyền lợi của các nước anh em.
Chính xác không tuyệt đối, cũng như chân lý không tuyệt đối đứng nguyên một điểm. Chân lý đứng nguyên là chân lý tôn giáo. Nhưng chân lý của chính trị là chân lý có biến số. Cộng sản và Tư bản không đội trời chung, nhưng Cộng sản và Tư bản có thể sống chung hòa bình.
Tư tưởng giúp cho sự áp dụng nguyên tắc đúng hơn, đồng thời tư tưởng cũng giúp ta tìm ra một nguyên tắc chính xác.
Phải suy nghĩ trên thực tế, các quân sự gia Trung Hoa mới tìm thấy chiến tranh trì cửu (đánh lâu dài) để đối phó với chiến tranh tốc quyết (giải quyết nhanh) của Nhật.
Trì Cửu Chiến được coi là nguyên tắc căn bản của chiến tranh kháng Nhật.
Nguyên tắc căn bản đánh lâu dài lại sản sinh ra những nguyên tắc chiến lược:
a) Chính trị trọng hơn quân sự.
b) Dân chúng trọng hơn quân đội.
c)Tuyên truyền trọng hơn tác chiến.
d) Vận dụng tổ chức, hoàn chỉnh tổ chức đảng-chính-quân.
e) Bảo trì cơ động tính trên quân sự.
Chiến lược xây dựng trên nguyên tắc căn bản đánh lâu dài lại sinh sản ra những nguyên tắc chiến pháp:
1) Địch tiến ta rút.
2) Địch đóng ta quấy.
3) Địch mệt ta đánh.
4) Địch thóai ta đuổi.
Đấu tranh tư tưởng không là chuyện đi tìm ảo mộng mà là cuộc đấu tranh chống mơ hồ, chống tự mãn, chống chủ quan, cuộc đấu tranh để đi tìm sự chính xác.