Dịch giả : Lê Kim
Chương 8
Chùa Bắc Mã trở thành căn cứ
Huyện Đông Triều mở rộng chiến khu

 
Công tác bình vận và mua sắm vũ khí của Nguyễn Bình được xứ uỷ Bắc Kỳ đánh giá cao. Nhờ súng đạn nhiều, Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng. Bấy giờ sư Tuệ chuyển về chùa Bắc Mã.
Nguyễn Bình đến đó bàn củng cố căn cứ. Chùa Bắc Mã là ngôi chùa cổ khá lớn, vị trí thuận lợi, trước mặt là đồng lúa giáp đường cái, đường 18, phía sau là rừng chồi, trong sâu là rừng già. Từ trong chùa có thể kiểm soát địch hành quân trên lộ 18. Nếu cần rút lui thì rừng che cả đại đội du kích. Trong chùa có nhiều Bụt to, cán bộ có thể ngủ ngay dưới chân Bụt. Gác chuông, gác chép kinh có thể dùng làm nơi giấu tài liệu Hai dãy nhà ngang có thể làm nơi hội nghị, mở lớp huấn luyện.
Sư Tuệ giới thiệu Nguyễn Bình với sư cụ trụ trì:
- Đây là sư Nguyệt, một nhà sư dám vứt áo cà sa khoác chiến bào...
Nguyễn Bình vui vẻ nói:
- Tôi chưa hân hạnh thấy sư cụ khoác chiến bào nhưng đã thấy sư cụ in truyền đơn kêu gọi dân chúng chống Nhật và xây dựng chiến khu Đông Triều.
Sư Nguyệt nói:
- Dân trong vùng rất tốt. Thấy người lạ lảng vảng là họ bắt nạp cho chùa. Tới nay họ bắt hai người, một của địch và một của ta. Một tên tay sai của bọn Đại việt quốc gia liên minh lò mò vô đây bị tóm bắt ngay. Còn người kia là anh Sơn Vỹ, một thanh niên đi tìm cách mạng. Ta đã cho Sơn Vỹ dự khoá huấn luyện quân chính, nay Sơn Vỹ đang chỉ huy du kích Đông Triều.
Từ khi Nguyễn Bình về đây, chùa Bắc Mã trở thành tổng hành dinh quân giải phóng chiến khu Đông Triều. Sáng chiều tiếng đại hồng chung ngân nga. Nghe tiếng chuông quen thuộc, dân chúng vững lòng làm mùa: họ biết Việt Minh vẫn hoạt động bình thường. Tài năng quân sự của Nguyễn Bình đã gặp đất dụng võ. Anh lập đội võ trang tuyên truyền Đông Triều. Đội gồm 5 người: Sư Tuệ, Hải Thanh, Vũ Đình Thiệp, Thiệu và Lê Hải. Hải Thanh tới chùa Bắc Mã sau Nguyễn Bình. Vũ Đình Thiệp là thanh niên tháo vát được anh Bình chọn làm thư ký riêng. Mỗi sáng Thiệp dùng nước nóng rửa mắt cho Bình. Xong rồi, gọn gàng trong bộ áo nâu bạc màu, súng sáu nhét lưng, Nguyễn Bình cỡi xe đạp đi công tác. Thiệp nhớ rõ chuyến võ trang tuyên truyền tại Mạo Khê. Anh và Lê Hải có nhiệm vụ bảo vệ hai diễn giả là sư Tuệ và Hải Thanh. Còn Thiệu thì canh gác vòng ngoài. Sự đột nhập táo bạo ấy gây tiếng vang lớn. Dân rất phấn khởi được thấy cán bộ Việt Minh về làng. Còn địch thì hoàn toàn bất ngờ, không can thiệp kịp.
Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945, Đông Triều sục sôi khí thế. Binh lính của Đội Hiền ở Đông Triều gồm 30 tên hoang mang không dám phá phách như trước. Do ta tuyên truyền, Đội Hiền lung lay và sau cùng ngả theo ta. Nhờ vậy mà chỉ có bốn súng trường, ta cướp đồn do nội ứng của Đội Hiền, lính đồn mở cửa cổng và nạp súng. Quần chúng ào theo phá kho thóc chia cho dân nghèo. Trong lúc địch chạy toán loạn, ta chia nhau bắt sống Trưởng Khiết và tri huyện Đông Triều, chiếm luôn Bưu điện huyện.
Kể từ tháng 5-1945 Bắc Mã đã trở thành trung tâm hoạt động quân sự quan trọng. Bộ chỉ huy gồm ba người: Nguyễn Bình, Hải Thanh và Đội Hiền. Do chuyển hướng theo cách mạng và lập công trong trận đánh Đông Triều vừa qua, Đội Hiền được Nguyễn Bình tin dùng. Sư Tuệ lo tổ chức các Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời khắp 54 làng trong huyện.
Không khí phấn khởi trong vùng, làm nô nức mọi người. Một Mạnh thường quân tên Lý Bá Sinh cống hiến tài sản nuôi cán bộ trong huyện. Họ Lý được bầu chủ tịch huyện Đông Triều.
Ngày 6-6 có tin bọn phỉ sẽ chiếm đồn Bảo an Chí Linh vào ngày 8-6. Ban lãnh đạo khởi nghĩa ở Bắc Mã quyết định ra tay trước. Theo kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 8-6, đội võ trang nổ súng trên một tuyến đường dài 24 km trên lộ 18. Ta diệt bốn đồn, phá kho thóc phát cho đồng bào. Bốn đồn này là đồn Đông Triều chiếm trước đây do công nội ứng của Đội Hiền. Đồn Mạo Khê chỉ giải quyết trong vòng hai tiếng. Đồn Tràng Bạch ta chiếm bằng kế giả lính Nhật tiến thẳng vô đồn bắt sống trưởng đồn, chiếm kho vũ khí. Đồn Chí Linh, ta trương cờ đỏ sao vàng kéo vô đồn, phá kho thóc phát cho dân. Chiều hôm ấy ta họp mít tinh ở Hổ Lao, thyên bố chánh thức lập chiến khu Đông Triều. Uỷ ban quân sự cách mạng gồm các đồng chí Nguyễn Bình, Trần Cung, Hải Thanh. Trần Cung tên thật là Nguyễn Ngọc Cư, bút hiệu Hoả Mai, quê tỉnh Thái Bình. Đỗ khoá sinh, Cung về quê dạy học. Năm 1929 anh gia nhập Đảng cộng sản, năm 1932 anh bị bắt lãnh án 20 năm khổ sai, đày Sơn La rồi Côn Đảo. Được phóng thích, anh về chùa Bắc Mã, giả sư để hoạt động. Anh làm bài thơ tự trào:
Tránh Tây ta phải giả thầy tu
Súng sính nâu sồng bộ pháp sư
Không đạo đóng vai người mến đạo
Chẳng tu làm bộ kẻ chân tu
Hai mươi thu trải năm nhà ngục
Bôn chục xuân qua năm độ tù
Chiến sĩ mấy phen nương bóng phật
Tụng kinh mác xít, niệm nam mô.
Phát huy khí thế, chiến khu Đông Triều mở rộng các vùng lân cận, đổi tên là chiến khu Trần Hưng Đạo. Từ ngày mang tên vị anh hùng ba lần đánh thắng quân Nguyên, chiến khu Đông Triều thu nhiều chiến thắng vang dội. Trận phục kích trên Kinh Thầy đánh thuyền vận tải địch thu nhiều lương thực và vũ khí. Kế là trận tấn công đồng loạt năm đồn Thanh Hà, Kinh Môn, Thuỷ Nguyên, Uông Bí và Bí Chợ. Riêng đồn Bí Chợ ta thu trên trăm súng, phá kho thóc đồn điền xếp Sâm chia cho dân. Lực lượng võ trang trong lúc này vọt lên 400 tay súng chia làm bốn đại đội. Đó là các đại đội Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, Hoàng Văn Thụ và Ký Con. Ngoài ra còn một đội thuỷ quân gồm công nhân mỏ Mạo Khê. Đội này đã đánh cướp tàu Diamant của chủ mỏ. Trận Quảng Yên khiến tên tuổi Nguyễn Bình nổi như cồn. Tỉnh lỵ Quảng Yên nằm trên trục giao thông thuỷ bộ giữa Vàng Danh, Uông Bí và Hải Phòng. Bốn đại đội đi thuyền từ Đông Triều theo sông Kinh Thầy tiến đến thị xã Quảng Yên. Khí thế cách mạng áp đảo bọn địch. Năm trăm lính bảo an khiếp vía ném súng đầu hàng, ta thu năm trăm súng. Bọn Nhật cũng hốt hoảng phóng tàu chạy về Hải Phòng. Chiến lợi phẩm chở đẩy mười xe bò gồm 600 súng trường, 40 trung liên. Lập tức ta tổ chức mít tinh triển lãm chiến lợi phẩm. Đó là ngày đẹp nhất của quân giải phóng Đông Triều. Nguyễn Bình mặc bộ quân phục tên quan tư Nhật ta giết ở Uông Bí, mang cả kiếm, súng lục và dao găm của tên này. Trông thật là oai!
Không dừng lại ở đây, Nguyễn Bình chỉ huy hai ca nô chở đầy lính đi yểm trợ cuộc khởi nghĩa Hải Phòng, sau đó giải phóng Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà...
Tháng 8-1945 có nhiều biến cố quan trọng tác động đến cả nước. Đại hội Tân Trào họp ba ngày 13, 14, 15-8-1945 cử Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc và ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Ba ngày sau ta cướp chính quyền tại Hà Nội.
Cũng trong những ngày nóng bỏng này, quân Tàu Tưởng tiến chiếm thị xã Quảng Ninh. Đó là sư đoàn 82 của tướng Lư Hán. Đồng thời giặc Pháp ngoài đảo Cô Tô rục rịch đánh chiếm thuộc địa cũ. Tình thế thêm căng khi bọn Việt Cách núp bóng quân Tàu ngang nhiên cướp phá các thị trấn chúng đi qua. Rồi thêm bọn thổ phỉ người Hoa nổi lên.
Tình thế này khiến Nguyễn Bình không thể nghỉ ngơi sau thời gian “đánh Đông dẹp Bắc”. Đó chỉ là bước đầu. Bọn phỉ của tên tướng Lương Đại Bân chiến huyện Hoành Bồ. Bọn Việt Cách chiếm Hòn Gai. Nguyễn Bình cử người thương lượng nhưng tên Việt Cách không chịu, cứ tiếp tục lấn chiếm các vùng Tiên Yên, Đình Lập. Nguyễn Bình áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa đàm. Việc đánh do anh phụ trách, việc đàm do sư Tuệ lo.
Sư Tuệ cho trinh sát điều tra nội bộ tên tướng phỉ Tàu Lương Đại Bân. Tên này có một tình nhân người Việt, tên Xập Nhi, con gái Bang Xàng ở phố Đông Triều. Bang Xàng là người có cảm tình với cách mạng. Nhà ông là cơ sở bí mật. Sư Tuệ cho người gặp cô Xập Nhi thuyết phục họ Lương thoả hiệp với cách mạng. Nhờ mỹ nhân kế mà ta hạn chế được đám phỉ Lương Đại Bân.
Các trận đánh giữa Việt Minh và Việt Cách diễn ra khắp vùng biên giới. Quân Tàu ở Đông Hưng yểm trợ bọn Việt Cách khiến chúng càng hung hăng. Có nơi hai bên quần nhau tới 23 ngày đêm. Mãi đến khi. quân Tàu rút, Việt Cách mới bỏ chạy.