Chuyện hoàn toàn riêng tư

Tôi đặt tên cho chương này, rồi trầm tư suy nghĩ. Điều riêng tư trong đời tôi là gì nhỉ? Liệu Tổng thống có những chuyện riêng tư không? Liệu có một góc tâm hồn nào dành cho bản thân trong cuộc sống của ông ta không? Câu hỏi thật phức tạp.
Tôi muốn kể về một chi tiết nhưng thật khó gọi đó hoàn toàn là chuyện riêng tư. Cồ lẽ người ngoài sẽ có cảm giác đây chỉ là một phần công việc của tôi. Song đối với tôi lại là chuyện riêng tư sâu sắc. Tôi cảm nhận rõ điều đó biết nhường nào.
Ngày 17 tháng 7 năm 1998, trước khi xảy ra khủng hoảng một tháng, tôi bay đi S. Peterburg tham gia vào buổi lễ mai táng hài cốt của gia tộc Sa hoàng.
Nói chung số phận các cuộc mai táng những thành viên gia đình Sa hoàng này đầy kịch tính và tương đối bi thương.
Khoảng một năm trước lễ kỷ niệm 80 năm cuộc xử bắn nổi tiếng ghê rợn (xin nhắc lại là Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị, Hoàng hậu Alexandra Fedorovna, tất cả con cái và họ hàng thân thiết của họ đã bị bắn chết trong đường hầm của cái gọi là Nhà Ipachev tại Ecaterinburg), theo sáng kiến của Boris Nemtsov đã thành lập ra một Uỷ ban Quốc gia chính thức thẩm định những hài cốt tìm thấy ở một vùng ngoại ô thành phố Ural, trong một chiếc giếng của khu mỏ bỏ hoang.
Xác định nguyên mẫu của các hài cốt chỉ trong thời gian vài năm tất nhiên là một việc làm khó. Các nhà khoa học hình sự của ta đã áp dụng tất cả mọi công nghệ kỹ thuật mới nhất, kể cả phân tích các phân tử ADN. Hàng chục thí nghiệm được tiến hành. Nhiều mẫu xét nghiệm được gửi tới phòng thí nghiệm đặc biệt ở London để phân tích quang phổ.
Ngày 30 tháng Giêng, Uỷ ban này đã đưa ra lời kết luận cuối cùng: những hài cốt này đúng là hài cốt của gia đình Sa hoàng. Xung quanh vụ mai táng này bùng nổ ra nhiều cuộc tranh cãi lớn và rất khó hiểu đối với tôi.
Trước hết, tham gia vào vụ này có rất nhiều các vị lãnh đạo khu vực: Tỉnh trưởng tỉnh Ural Eduard Rossel và Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkov. Cả hai đều khăng khăng rằng việc mai táng gia đình Nga hoàng phải được tiến hành ở địa phương của họ, hoặc tại Ekaterenburg, nơi diễn ra tấn thảm kịch, hoặc tại Matxcơva, trong Nhà thờ Chúa cứu thế, biểu tượng của sự phục sinh nước Nga mới. Với tôi, mọi chuyện rất rõ ràng: hầm mộ gia tộc Romanov nằm tại Peterburg, trong pháo đài Petropavlov, nhà thờ giảng đàn Thánh Piotr và Pavel. Ở đây không thể có hai quan điểm: mồ mả ông cha cần phải mang tính chất thiêng liêng đối với bất cứ gia đình nào.
Quan điểm của các đẳng cấp trong Nhà thờ chính thống giáo Nga như đổ thêm dầu vào lửa. Họ tiếp tục khăng khăng nghi ngờ đó là những hài cốt thật của Hoàng gia. Họ không chấp nhận phương pháp phân tích ADN.
Nhưng chắc hẳn vấn đề không phải là quá thiên về Nhà thờ. Đây là chuyện của toàn dân. Nước Nga cần phải có nghĩa vụ trước Nga hoàng Nicolai Đệ Nhị, Alexandra Fedorovna, những người con bất hạnh của họ. Ký ức và lương tâm của chúng ta đòi hỏi điều đó. Đây còn là vấn đề mang uy tín quốc tế của nước Nga. Và với quan điểm hoàn toàn con người thì rồi đến lúc nào đó tất cả chúng ta cuối cùng cũng cần phải yên nghỉ bên cạnh tổ tiên mình. Điều này còn có thể tiếp tục mãi mãi...
Ngày 7 tháng 5, Luzkov can thiệp vào công việc, đột ngột thay đổi thái độ và ủng hộ Giáo chủ Alexi. Đức Giáo chủ đề nghị mai táng hài cốt trong khu mộ tạm thời cho đến trước khi có quyết định tối thượng. Ông lại còn yêu cầu khi cầu nguyện không được nêu tên những người đã chết.
Ngày 12 tháng 5, tôi gặp Giáo chủ Alexi, cố hiểu xem lập trường của ông là thế nào. Giáo chủ vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình.
Sau này tôi mới biết là còn tồn tại cả những hài cốt khác do quân Bạch vệ mang đi khỏi đất nước ngay sau nội chiến. Lúc đó có thể họ cũng chôn cất như những hài cốt của gia đình Nga hoàng. Còn Nhà thờ cho đến giờ vẫn không thể quyết định cho mình vấn đề phức tạp này vì lẽ trong quan hệ của Nhà thờ chính thống giáo Nga và nước ngoài có quá nhiều vấn đề gai góc.
Không tìm hiểu cặn kẽ mọi chi tiết, Giáo chủ từ chối tham gia vào lễ mai táng, cứ khăng khăng là việc phân tích ADN còn quá mới mẻ, những nghiên cứu khoa học còn chưa được tán thành trên thế giới thì còn lâu mới được mọi nơi công nhận là quy luật
Trong khi đó việc chuẩn bị tới lễ mai táng vẫn được diễn ra khẩn trương.
Làm gì bây giờ? Một vấn đề không bình thường đối với một người đứng đầu Nhà nước. Song dù sao vẫn có điều gì đó mách bảo tôi: tôi không cần phải đi sâu vào những chuyện “bếp núc” của Nhà thờ. Báo chí hàng ngày nhắc đi nhắc lại: việc mai táng vẫn còn đang là vấn đề nghi vấn, tình hình còn đang gây rất nhiều tranh cãi, mọi chuyện đều phụ thuộc vào việc Tổng thống sẽ quyết định thế nào, ông ta có đi S. Peterburg hay không.
Đi hay không đi đây?
Đối với vấn đề mai táng hài cốt Sa hoàng, hoàng hậu, con cái và gia tộc của họ tôi có thái độ không chỉ của một Tổng thống. Còn có một yếu tố rất riêng tư ở đây.
Hơn hai mươi năm trước đây khi tôi còn là Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Sverdlovsk, tôi nhận được một quyết định của Bộ Chính trị về việc phá bỏ Nhà Ipachev. Quyết định này được đưa ra là do chính quyền lo sợ sẽ có số lượng lớn những người dân lưu vong, bất đồng chính kiến, phóng viên nước ngoài sẽ đổ xô đến Sverdlovsk nhân kỷ niệm tám mươi năm ngày Nicolai Đệ Nhị lên ngôi Sa hoàng. Còn chính quyền Xô-viết đã quyết định can thiệp bằng biện pháp cố hữu vốn dĩ của mình.
Giờ đây theo yêu cầu của tôi, các nhân viên lưu trữ đã tìm ra tài liệu này. Nếu các bạn đọc văn bản này thì thậm chí sẽ không thể nào tin được rằng toàn bộ đất nước này mới chỉ cách đây không lâu lại bị chìm đắm trong phong cách và tinh thần này.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ
(MẬT)
Về việc phá bỏ biệt thự Ipachev ở thành phố Sverdlovsk
Các lực lượng chống Xô-viết ở phương Tây liên tục tiến hành những chiến dịch tuyên truyền khác nhau xung quanh Hoàng tộc Romanov, đồng thời không ít lần nhắc tới ngôi biệt thự cũ của nhà lái buôn Ipachev ở thành phố Sverdlovsk.
Ngôi biệt thự Ipachev vẫn tiếp tục tồn tại ở trung tâm thành phố. Trong đó là trung tâm đào tạo của phòng văn hoá tỉnh. Ngôi nhà không hề có giá trị về kiến trúc cũng như các giá trị khác, chỉ có số lượng không đáng kể nhân dân và khách du lịch chú ý đến ngôi nhà này.
Thời gian gần đây các chuyên gia nước ngoài bắt đầu tới thăm Sverdlovsk. Trong tương lai số lượng người nước ngoài tới đây sẽ có thể tăng lên đáng kể và ngôi biệt thự Ipachev sẽ là mục tiêu đáng chú ý của họ.
Vì vậy việc giao cho Tỉnh uỷ Sverdlovsk giải quyết vấn đề phá bỏ ngôi nhà trong quy hoạch tái thiết thành phố hợp lý.
Chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô
Yuri ANDROPOV
Ngày 26 tháng 7 năm 1975
Còn tiếp đó mọi việc diễn ra như kế hoạch:
Theo công văn số 2004-A ngày 26 tháng 7 năm 1975 của KGB trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Bộ chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô ra quyết định ngày 4 tháng 8 năm 1975 “Về việc phá bỏ ngôi biệt thự Ipachev tại Thành phố Sverdlovsk trong quy hoạch tái thiết thành phố”.
Giờ đây khi đọc những dòng chữ khô khốc này, ta không còn tin vào mắt mình nữa. Cực kỳ vô liêm sỉ, thậm chí không có bất kỳ lời giải thích nào hết. Những công thức thô bạo: “Trong quy hoạch tái thiết thành phố”. “Không có giá trị kiến trúc và các giá trị khác”...
Nhưng đây lại là cảm xúc và vấn đề của tôi trong thời nay. Chứ còn lúc đó, vào giữa những năm 70 ấy, tôi tiếp nhận quyết định này tương đối bình thản. Đơn giản trên cương vị một người chủ thành phố. Tỏi không muốn nổ ra những cuộc cãi vã không cần thiết. Hơn nữa can thiệp vào chuyện này thì tôi không thể - quyết định của cơ quan tối cao Nhà nước, một quyết định chính thức, được soạn thảo và ký đúng theo quy định. Không thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị sao? Tôi, với tư cách là Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ, thậm chí chỉ tưởng tượng ra điều này thôi cũng không dám. Thế nếu như cứ chống lại thì sao - chắc chắn tôi sẽ bị thất nghiệp. Chứ chẳng cần phải nói đến những gì còn lại. Thế rồi để tân Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ sẽ tới chỗ cần giải phóng mặt bằng và sẽ thực hiện mệnh lệnh.
Nhưng từ đó đến giờ, hoá ra “cái dằm” này vẫn ở lại. Bất cứ sự hồi tưởng nào về cuộc xử bắn đều khơi lại vết thương lòng. Tôi cảm nhận cuộc mai táng Hoàng tộc không chỉ với tư cách thực hiện nghĩa vụ công dân, chính trị, mà còn là một nghĩa vụ riêng của ký ức.
Ngay trước lúc đi, tôi gọi điện cho Viện sĩ Dmitri Sergeevich Likhachov. Đây là một nhân vật tầm cỡ trong ngành văn hoá của ta, vị thế của ông đối với tôi rất quan trọng. Lời nói của ông thật giản dị: “Boris Nicolaevich, Ngài cần phải có mặt ở S. Peterburg”.
Mười một giờ mười lăm phút ngày 17 tháng 7 máy bay hạ cánh xuống sân bay Pulkovo. Thống đốc Yakovlev ngồi vào trong xe với tôi. Chúng tôi cùng đi.
Trời tương đối oi ả, nhưng mọi người chen vai hích cánh đứng dưới cái nắng mặt trời suốt dọc hai bên đường Kronvers, bao quanh pháo đài và cả khu vực cổng phía đông từ Quảng trường Troitski, đứng chật chỗ cả trên cầu Troitski bắc qua sông Neva. Giao thông qua khu vực này bị cấm.
Tôi xuất hiện trong Nhà thờ đúng vào lúc tiếng chuông pháo đài Petropavlov điểm giữa trưa.
Quyết định đột ngột đến Peterburg của tôi là điều hoàn toàn bất ngờ đối với toàn bộ chính giới ở Matxcơva, làm họ vô cùng sửng sốt. Hơn nữa, tại đây trong lễ cầu hồn, tôi bắt gặp nhiều khuôn mặt quen thuộc: Yavlinski, Nemtsov, Lebed...
Trong nhà thờ Thánh Piotr và Pavel, tôi gặp một thành viên Hoàng gia Anh là Hoàng tử Michael Kentski - cháu của Đại nam tước Vladimir Alexandrovich, chú của Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị...
Vâng, mọi sự đúng như vậy đấy! Còn có bao nhiêu con người tại đây có khuôn mặt thuộc dòng tộc Romanov? Nơi đây (lần đầu tiên sau bao nhiêu năm) đã tập hợp được các thành viên dòng dõi hoàng gia. Cả thảy là năm mươi hai người.
Lebed, khi đó vừa mới thắng cử chức Tỉnh trưởng, đã đứng ngay vào giữa những người thuộc dòng họ Romanov. Tôi chợt nghĩ: thậm chí tại đây, trong Nhà thờ này, trong thời điểm thế này, người ta vẫn tiếp tục làm chính trị.
Bài diễn văn đã ở trước mặt tôi. Tôi chỉ dẫn ra đây một đoạn ngắn tôi đã phát biểu trong ngày 17 tháng 7:
- Suốt nhiều năm dài chúng ta đã im lặng trước tội ác dã man này, song cần phải nói lên sự thật: cuộc đàn áp ở Ekaterenburg là một trong trong những trang đáng xấu hổ nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Trả về cho đất mẹ hài cốt của những con người vô tội bị giết hại, chúng ta muốn chuộc lại tội lỗi của cha ông chúng ta. Những ai đã thực hiện hành động tội ác này và những ai bao biện cho hành động đó suốt mấy chục năm qua chính là những kẻ có tội. Tôi xin cúi đầu trước tất cả các nạn nhân của vụ giết người vô lương tâm đó. Bất cứ ý đồ muốn thay đổi cuộc sống bằng con đường bạo lực nào đều sẽ không tránh khỏi bị thất bại.
Trong Nhà thờ lúc đó rực rỡ ánh sáng mạt trời.
Nhấp nhoáng những bộ áo choàng trắng của các mục sư. Người ta không nêu tên tuổi những con người xấu số. Nhưng tên họ đều được tất cả mọi người ở đây biết đến. Những cái tên này đọng lại trong tâm hồn của chúng ta.
Tôi đứng cạnh Likhachov suốt thời gian buổi lễ, châm nến từ cây nến của ông. Cạnh tôi là Naina.
Nghi lễ đau buồn này diễn ra ngắn ngủi. Nơi đây là cuộc mai táng mang tính chất gia đình, chứ không phải mang tính quốc gia.
Hậu duệ của dòng tộc Romanov ném những hòn đất xuống khu mộ. Tiếng đất rơi khô khốc, những tia nắng mặt trời, đám đông mọi người - tất cả tạo nên một ấn tượng nặng nề, sâu sắc và mạnh mẽ, làm tan nát tâm hồn. Tôi nán lại một chút ở lối vào có mái che. Những đám mây trắng lơ lừng trên bầu trời, bầu không khí đặc biệt rất đặc thù của Peterburg, và tôi có cảm giác là sự nhất trí và hoà giải thực sự một lúc nào đó sẽ đến với chúng ta.
Đáng tiếc, chúng ta thực sự bị mất đi sự cảm nhận tính trọn vẹn và liên tục của lịch sử đất nước ta. Và ta mong muốn cảm nhận đó nhanh chóng được hồi phục lại trong ta.
Toàn thể nước Nga theo dõi qua truyền hình nghi lễ mai táng trọng thể này.
Đối với tôi lễ mai táng tại Peterburg không chỉ là sự kiện chung mà còn là cả chuyện riêng nữa. Sự kiện đó đã được truyền đi khắp đất nước.
Điều gì tôi muốn kể lại, nhớ ra và chỉ để dành riêng cho bản thân? Có lẽ đây không phải chuyện đơn giản. Tôi đã quen với cuộc đấu tranh chính trị đến mức đã học cách giấu đi cái riêng tư, mang tính gia đình mà lại không được bảo vệ của mình. Một cái gì đó tiềm ẩn sâu thẳm bên trong. Giờ đây đã đến lúc cởi mở tất cả... Có cảm tưởng là hoàn toàn không dễ khi kể về những thứ giản đơn nhất, tình người nhất.
Mỗi một người đều có ngôi nhà của mình. Đó là khoảng không gian riêng tư nhất, nơi ta chỉ dành riêng cho bản thân mình và người thân của mình. Đã lâu lắm rồi dường như tôi không có ngôi nhà đó. Chúng tôi hầu như đều sống trong những ngôi biệt thự của Nhà nước (bây giờ là ở Gorki-9), với những đồ nội thất và khung cảnh đều của công hết. Bắt đầu từ năm 1985 cảnh vệ lúc nào cũng sát nách bên tôi. Từ năm 1991 - kè kè bên cạnh là hai sĩ quan giữ chiếc va ly hạt nhân. Dù đi săn, đi câu cá, trong bệnh viện, hay lúc dạo chơi, nói tóm lại là ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, họ luôn luôn ở chiếc thuyền bên cạnh, hoặc chiếc lều bên cạnh, chiếc xe bên cạnh hay căn phòng bên cạnh.
Nhà thì lúc nào cũng đầy người: cảnh vệ, bác sĩ, nhân viên phục vụ và vân vân - không thể trốn, chạy đi đâu được. Thậm chí cánh cửa vào phòng vệ sinh cũng không bao giờ được đóng.
Khoá cửa để tắm chăng? Đôi khi cũng muốn lắm chứ...
Tình trạng căng thẳng luôn thường trực, không thể được xả hơi. Thế nhưng rồi tôi cũng dần dần quen với chuyện này.
Phải, đó là thói quen. Nhưng đâu chỉ có thế.
Dần dà ngôi nhà trở nên đầy hơn: con rể, rồi cháu ngoại. Giờ đây thậm chí có cả chắt ngoại nữa. Và gia đình lớn của chúng tôi có những truyền thống thiêng liêng bất thành văn.
Chẳng hạn như vào các ngày sinh nhật. Mỗi người trong ngày sinh của mình đều rõ là việc thức giấc hôm đó sẽ rất sớm và trang trọng. Tôi đánh thức tất cả vào sáu giờ sáng, không loại trừ một ai. Chúng tôi cùng tập họp lại, tới phòng và chúc mừng người hôm đó sinh nhật, còn trên mặt bàn đã có hoa tươi và quà tặng. Hồi đầu các chàng rể càu nhàu, phản đối ầm ầm: làm gì mà phải thức dậy vào lúc sớm đến thế. Rồi sau họ cũng quen đi.
Ở biệt thự nào Tania cũng đều chịu khó trồng cỏ. Rõ ràng nó muốn trang trí cho ngôi nhà của Nhà nước mà chúng tôi ở. Nói chung Tania là mộtìng cực kỳ có chí hướng. Giống như tôi vậy.
Nếu đã quyết việc gì thì phải đạt bằng được. Để có thể đi tới “trang trại”, của chúng tôi, Tania mua ngay xe ô tô - một chiếc Niva có thùng xe dùng trong công việc đồng áng khi cần thiết.
Với chiếc Niva này đã xảy ra một giai thoại vui. Tania thi lấy bằng lái xe, và nó rơi vào một vị giảm khảo hết sức khó tính. Có lần trong buổi học anh ta thử sờ tay vào mông cô bé, và bị phản đối, anh ta chuyển sang sách khác và bắt đầu huyên thuyên nói xấu tôi. Tania lắng nghe, nghe mãi rồi cuối cùng không kìm được nữa:
- Thôi chấm dứt trò nói lảm nhảm ấy đi. Mọi chuyện không phải như thế.
- Ở đâu ra mà cô biết được? - Giáo viên hướng dẫn vội hỏi.
- Bởi vì đó là ba tôi - Tania trả lời.
Chiếc xe phanh kít lại. Mặt giáo viên hướng dẫn tái mét đi và hỏi:
- Cô đùa đấy chứ?
- Tôi chẳng đùa gì hết.
Thế là bắt đầu một chặng lái xe lặng lẽ và có vàn hoá hơn. Thế là bằng uy tín của mình tôi đã bảo vệ được con gái trước hiện tượng “quấy rối tình dục” như ở Mỹ hiện tại người ta đang đề cập tới.
Tania lại bị chính cái việc trồng cỏ ấy làm bận tâm. Cỏ cần phải trồng theo đúng hướng dẫn. Nó bắt tất cả những đàn ông trẻ trong nhà phải cuốc, xới... Một lần, khi nó vắng nhà, tôi quyết định ngồi uống trà trên thảm cỏ xanh mới trồng. Chúng tôi kê bàn, ghế và mang ấm samôva ra. Rồi bỗng nhiên tất cả bàn ghế sụt sâu xuống đất đến nửa mét. Hoá ra đất quên chưa đầm! Vừa đúng lúc Tania về. Nó cười rũ ra khi thấy tôi nằm lăn trên cỏ, chổng hết cả chân lên trời.
Có lần tôi gặng hỏi:
- Con trồng cỏ để làm gì? Chúng ta dù sao cũng sẽ đi khỏi nơi này.
Tania đáp:
- Thì sao hả ba? Hãy cứ để chúng lớn lên.
... Hãy cứ để chúng mọc.
Cũng giống như thảm cỏ của Tania, còn với tôi lại có một niềm đam mê bất tận khác - đó là ô tô. Có thời hồi thanh niên tôi đã lái xe tải. Còn sau đó đã không làm nghề bẻ vô lăng. Xe cộ đối với tôi là chỗ làm việc. Trong xe có lắp đặt kênh thông tin đặc biệt, thường xuyên vang lên tiếng chuông điện thoại. Đôi khi là điện gọi từ Tổng thống các nước, từ Thủ tướng, Thư ký Hội đồng an ninh, các Bộ trưởng. Cũng có khi tôi gọi cho ai đó. Vì thế mà với tôi chiếc xe là phòng làm việc có bánh.
Nhưng khi kết thúc tuyến đường quen thuộc từ Kremli về tới biệt thự và chiếc xe con của Tổng thống chầm chậm tiến tới gần nhà thì lũ cháu tôi chạy ra như vồ lấy xe. Trước kia là Mashca, Borka, còn nay là Gleb và bé Vanca.
- Ông ơi, đưa chúng cháu đi chơi!
Thế là chúng tôi lại ngồi trên xe cùng nhau và đi một vòng tròn trên con đường nhỏ quanh nhà. Chiếc xe chống đạn màu đen thận trọng đi qua những luống hoa tử thanh hương và tầm xuân. Những giây phút đó tôi thấy vô cùng thư thái.
... Khi đã chuyển về làm việc ở Matxcơva và bị thất sủng, tôi quyết định mua cho mình một chiếc xe đầu tiên - chiếc Matxcơvich màu trắng bạc. Hồi đó tôi còn làm việc ở Bộ Xây dựng. Tôi quyết định từ nay sẽ tự lái xe đi làm. Và đây là buổi lái đầu tiên.
Bên phải tôi là cậu cảnh vệ, đằng sau là gia đình. Phố Gorki chật ních những người. Tôi liên tục xoay người để xem tình hình đằng sau xe tôi. Qua gương chiếu hậu tôi không nhìn rõ chuyện gì xảy ra sau xe. Tania bảo tôi: “Ba ơi, ba hãy nhìn phía trước đi? Con lạy ba đấy” Tôi đang đi với tốc độ tương đối hăng. Cậu cảnh vệ mặt tái mét không rời tay khỏi phanh tay để còn có thể giật ra được nếu không còn đường thoát hiểm nào khác. Lạy Chúa, chúng tôi đến nơi mà không xảy ra sự cố nào!
Từ đó Naina kiên quyết không cho tôi ngồi sau tay lái nữa.
- Boria, anh có đầy lái xe đấy thôi - con rể này, con gái này, cháu ngoại này. Mọi người đều vui vẻ đưa anh đi bất cứ đâu anh muốn.
Thế mà mới đây thôi tôi đã tự lái chiếc xe con của Tổng thống trên những con đường nhỏ trong khu biệt thự đấy. Giờ thì tôi đã về hưu, tôi có thể làm tất cả. Song niềm đam mê lái xe dù sao cũng được bù lại - đó là lái ô tô điện. Hơn thế nữa tôi cứ lái bạt mạng. Tôi đặc biệt thích lao từ dốc xuống rồi đâm thẳng vào cây. Vào thời điểm cuối cùng tôi bẻ quặt lái. Tôi thư giãn bằng cách như vậy. Cách đây không lâu tôi phải “găm” lại trò chơi này, có nghĩa là cậu cảnh vệ tháp tùng tôi trong chuyến đi đầy mạo hiểm này đã không giữ được người khi tôi quặt mạnh xe và đã bị văng ra ngoài. Tôi buộc phải xin lỗi anh ta...
Tôi quyết định truyền lại tình yêu tay lái mà không thực hiện được này của mình cho cô cháu gái. Khi Katia tròn mười tám tuổi tôi đã tặng cô bé một chiếc ô tô. Đó là trường hợp quà tặng của tôi có cảm giác không được “trúng” lắm. Cả hai cô con gái Lena và Tania đều càu nhàu với tôi:
- Ba, ba làm vậy làm gì, đây là món quà quá đắt. Hơn nữa Katia làm gì có bằng lái, không thể đi xe được.
Nhưng tôi cứ giữ ý kiến mình. Dù sao cháu gái cũng đến tuổi trưởng thành rồi. Tôi tặng cháu chiếc xe màu đỏ rất đẹp - chiếc Scoda.
Hai năm trời chiếc xe đứng bên lề đường, Katia không hề một lần ngồi sau tay lái. Nhưng giờ thì Sura, chồng của Katia đã bắt đầu lái rồi, đã có bằng lái. Vậy là cho dù phải qua hai năm thì món quà tặng của tôi vẫn trở nên có ích.
Tôi cho là các con gái coi tôi là người cha nghiêm khắc trong thời thơ ấu của chúng. Nếu bọn chúng mang sổ liên lạc tới thì lúc nào tôi cũng hỏi độc một câu: “Toàn điểm năm chứ?”. Nếu không phải toàn năm, tôi sẽ không cầm sổ.
Lena và Tania rất khác nhau. Lena lúc nào cũng là trụ cột của một nhóm lớn học sinh. Trong các ngày nghỉ chúng thường tổ chức các cuộc đi chơi dã ngoại trong các khu rừng vùng Ural của chúng tôi. Naina luôn lo lắng, nhưng chỉ vô ích bởi lẽ bạn bè của Lena rất tuyệt. Đến tán bây giờ Lena vẫn thường gặp gỡ và thư từ với bạn bè thời đó. Trong chuyện này cô bé giống tôi và Naina. (Chúng tôi cũng không bao giờ để mất các mối quan hệ từ thời xưa). Lena cũng vào học trường Đại học Bách khoa Ural giống như cha mẹ, cũng vào khoa xây dựng. Đó là vì chúng tôi có cùng chung tâm hồn, hoàn toàn giống nhau. Lena học giỏi, thích đọc sách, tham gia học thêm ở trường nhạc. Cô bé có bản tính theo kiểu cổ điển, nhất quán. Đó cũng là tính cách của tôi.
Còn Tania là một người giàu trí tưởng tượng. Hồi đầu rất thích trở thành thuyền trưởng lái tàu biển đường dài: tham gia câu lạc bộ thuyền buồm, nghiên cứu kỹ lưỡng các biển tín hiệu giao thông. Tania ham thích bóng rổ, chơi nghiêm túc trong đội tuyển “Locomotiv” vùng Ural. Sau đó có thể nói là cô bé tự bỏ nhà ra đi, lên Matxcơva học. Gia đình tôi chẳng có ai họ hàng thân thuộc nào ở Matxcơva ngoài một cô bạn học cùng lớp chúng tôi. Cô bé phải sống một mình trong ký túc xá. Naina kịch liệt phản đối chuyến đi này của Tania. Nhưng tôi bảo: “Một khi con đã quyết thì cứ để cho nó đi...”.
Tôi có cảm tưởng chúng tôi hoàn toàn là một gia đình gia trưởng kiểu Ural. Trong nhà có một đẳng cấp cao nhất được quy định - đó là ông. Có một người mà ý kiến được tôn trọng.
Và nếu có một thứ bậc như vậy thì tất cả mọi người đều trở nên dễ dàng và thuận lợi giải quyết các vấn đề của mình, thường là những chuyện nảy sinh giữa cha mẹ và con cái. Có vấn đề gì ư - cứ đi gặp ông là xong hết. Song ai ai cũng hiểu là nên tự mình giải quyết thì hơn, chỉ nên hỏi ý ông khi nào cần thiết lắm mà thôi.
Chẳng hạn Tania và Borka có chuyện cãi cọ. Borka thẳng thừng bảo mẹ: thế con đến hỏi ông thì ông sẽ giải quyết chứ? Tania nghĩ ngợi đôi chút rồi đáp: ừ thì con cứ đi hỏi ông đi. Lúc nào cu cậu cũng kịp đến trước với tôi, cùng thoả thuận quan điểm. Và Borka chưa bao giờ “phản thùng” một khi chúng tôi đã thoả thuận. Lời tôi nói với cu cậu - đó là luật.
Katia và Boria là những đứa cháu lớn của tôi. Chúng sinh cách nhau một năm. Katia là con gái của Lena vừa tròn hai mươi tuổi, hiện đang nghỉ đẻ nuôi con.
Boria đang du học nước ngoài. Nó cũng họ Yeltsin. chỉ có điều là Yeltsin cháu. Nó là một thanh niên có cá tính, đôi khi không đơn giản, nhưng có thể chính đàn ông phải chăng cần có cá tính đó? Tania rất phân vân khi quyết định cho con trai du học nước ngoài. Tania suy đi tính lại xem lựa chọn trường nào thì tốt.
Tiêu chuẩn chính là trường phải có kỷ luật nghiêm khắc và khối lượng học dầy đủ. Cuối cùng Tania chọn trường Winchester cho con trai theo học.
Khi Tania kể lại cho tôi nghe về các điều kiện sống ở đó, lúc đầu tôi thậm chí không tin. Đương nhiên là Borka phải ở trong ký túc xá, một phòng có sáu học sinh. Ngủ ở giường hai cánh, vậy là khi leo lên giường thì chân chạm ngay vào người bên cạnh. Khi học thì chỉ có bàn và máy tính, ngoài ra không có thứ gì thừa. Đồ đạc để trong tủ. Thêm vào đó là phải dậy sớm để còn kịp sửa soạn: giày phải bóng, áo sơmi phải trắng, là phẳng phiu.
Vậy mà đã ba năm rồi.
Cũng chẳng sáng suốt gì cho cậu bé đi du học, trong khi với cuộc sống như thế mọi mối quan hệ thân thiết của cậu bé là ở đây, ở thành phố Matxcơva tiện nghi và ấm cúng này. Giờ đây cháu thường xuyên viết thư về cho chúng tôi qua Internet với những câu chúc mừng rất nhộn.
Tiện thể xin nói chuyện viết thư gắn với một chi tiết rất buồn cười.
Có lần trong cuộc điện đàm với Tony Blair, tôi bỗng buột miệng:
- Tony này, anh có biết là cháu tôi đang học ở Anh không, nó ở đó cảm thấy hơi cô đơn đấy, hay là anh viết cho nó mấy dòng được không?
Chúng tôi không để đâu hết ngạc nhiên khi Borka gọi điện về kể rằng có chuyện lạ lùng xảy ra trong trường cậu bé: có một bức thư trang trọng viết trên giấy có quốc huy của Thủ tướng Anh gửi tới trường, trong đó ngài Thủ tướng chúc cháu tôi học giỏi và thậm chí còn... mời đến nhà chơi. Song Borka giỏi tiếng Anh đến mức phân tích được rõ ngọn ngành và sắc thái từ vựng Anh ngữ nên hiểu ngay là lời mời này hoàn toàn mang tính xã giao và không vội vàng gọi tắc xi đến phố Dawning.
Còn cô cháu gái nhỏ nhất là Masha năm nay cũng mườỉ bảy tuổi rồi. Cha mẹ nó là Lena và Valera chắc hẳn chẳng bao giờ cho con bé một mình ra nước ngoài, không thể với bất cứ lý do gì. Masha là một cô gái duyên dáng, rất xinh, hơn nữa lại có tâm hồn thơ ca (vào những dịp sinh nhật tôi, cháu hay tặng tôi những bài thơ của mình sáng tác), làm sao có thể chối từ những thi phẩm như thế
Mỗi khi Lena và Valera đi nghỉ ở nước ngoài vài tuần, Masha thường đến ở với chúng tôi tại khu nhà Gorki-9. Bỗng một buổi chiều cháu chạy vội đến chỗ tôi nài nỉ: “Ông ơi, cháu xin ông hãy nói với mẹ cho cháu đi vũ trường đi ông!” Hoá ra, thậm chí từ nước ngoài, mẹ vẫn luôn nghiêm ngặt điều hành Masha ở nhà.
Tôi nói với cháu cố ra giọng nghiêm nghị: “Masha, cháu có thể đi nhảy được đó. Ông chịu trách nhiệm cho!”
Hoặc là có trường hợp khác với Katia.
Khi cô bé vào học Khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov và mới chỉ học được vài tuần thì giữa chúng tôi và cô bé cần phải “làm rõ quan hệ”. Cô bé chạy đến bên tôi, mắt rơm rớm: “Ông ơi, ông ra lệnh để bảo vệ đừng đi theo cháu nữa!”. Trong khi tôi còn làm Tổng thống, mọi thành viên trong gia đình phải được bảo vệ. Đó là truyền thống lâu đời không thành văn của Kremli, từng tồn tại nhiều thập kỷ nay rồi. Nhưng rồi Katia định phá bỏ cái truyền thống đó. “Ông có hiểu không, đó là chuyện rất... nực cười. Cháu vừa ra khỏi phòng học thì họ, khốn khổ thay, đã đứng đó rồi. Xin ông, cháu xin ông đấy!” Có lẽ Tania quá ương bướng và không khéo léo trước bạn bè cùng khoá. Vì thế buộc phải quyết định. Thậm chí tôi còn nhớ là đã phải viết giấy cho Giám đốc Cơ quan cảnh vệ. Trước trách nhiệm của tôi người ta đã thôi không cho cảnh vệ đi theo cô bé nữa. Còn cô bé hẳn tự hào lắm, lại còn vênh mũi lên cho mà xem.
Tôi rất muốn bảo vệ các con cháu mình khỏi sự chú ý thường xuyên, quấy nhiễu của đám phóng viên. Sau năm 1996 xuất hiện một làn sóng các bài báo bôi nhọ, bịa đặt về họ trên các tờ báo lá cải.
Nào là chuyện tình bốc lửa giữa Tania và Chubais, rằng Katia trên thực tế không thi đỗ đại học, mà vào học là do có “ô”, rằng Boria ở London đang yêu một cô người mẫu Nga nào đó, còn Masha đã trở thành người mẫu, bỏ nhà đi quảng cáo lúc thì cho hãng Guchsi, lúc thì cho Versache. Toàn những chuyện nhảm nhí.
Thôi thì cũng được nếu họ bất công với những người lớn như Tania, Lena, và các chàng rể Valeri và Liosa - họ là những người đã được tôi luyện qua tháng năm và chẳng còn lạ lùng bất cứ điều gì. Nhưng khi người ta bịa đặt chuyện ra với các cháu tôi, xúc phạm chúng thì tôi khó khăn mới kìm lòng được. Bọn trẻ đã phải chịu đựng thật nặng nề.
Tôi còn nhớ sau khi bài báo nọ viết về chuyện tình của Boria ở London được tung ra, chút nữa thì cô bạn thân của nó ở Matxcơva tính chuyện bỏ nó. Dễ hiểu là bọn trẻ cảm nhận những chuyện như thế sâu sắc đến mức nào.
Các con gái tôi từng phải rơi rất nhiều nước mắt, tổn hại nhiều phần kinh và sức khoẻ chỉ vì những bài báo lăng nhăng đó. Hẳn khó giải thích được cho trái tim người mẹ rằng đây là cây thánh giá mà tất cả mọi người nổi tiếng đều phải mang theo mình, cần phải chịu đựng và bỏ ngoài tai mọi chuyện đi. Còn tôi cũng hết sức mong muốn sao cho cái bóng tên tuổi của tôi về lâu về dài không còn ảnh hưởng đến các con, các cháu tôi Hy vọng dần dà làn sóng châm chích này rồi cũng sẽ hết chỗ đứng.
Hẳn sẽ có nhiều người quan tâm xem siêu thu nhập của tôi là những gì? Nói cách khác là liệu tôi có là người giàu có không? Nói thực tôi cũng chẳng biết nữa... Còn thử xem lấy mức nào mà phán xét chứ. Hãy thử liệt kê xem tôi có gì và không có gì.
Tôi sống trong biệt thự của Nhà nước.
Sở hữu (cùng với vợ) bất động sản, cụ thể là một biệt thự ở quận Odintsovơ, Matxcơva, diện tích sử dụng - 452 mét vuông, diện tích mặt bằng - 4 ha.
Tôi có một ô tô nhãn hiệu BMV, mua năm 1995.
Có một căn hộ ở phố Mùa thu, Matxcơva.
Có một số tủ lạnh ở biệt thự và một tủ lạnh tại căn hộ.
Có vài chiếc TV.
Có đồ gỗ (đi văng, bàn ghế, tủ và một số đồ khác)
Có một số quần áo.
Một số đồ trang sức của vợ, con.
Vợt chơi tennis.
Chiếc cân bàn.
Súng săn.
Sách đọc.
Một trung tâm ca nhạc.
Máy ghi âm.
Giờ nói đến những thứ tôi hoàn toàn không có:
Chứng từ tài chính, cổ phiếu - không có.
Bất động sản ở nước ngoài (vila, biệt thự, lâu đài, cung điện, trang trại) - không có.
Tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài - không.
Đá quý - không.
Mỏ vàng, giàn khoan dàu mỏ, mỏ kim cương, đất đai ở nước ngoài - không.
Thuyền buồm, máy bay, trực thăng và v.v... - không.
Vợ tôi các con gái Lena và Tania không mở tài khoản ở Ngân hàng Thuỵ Sĩ, Anh hay bất cứ ngân hàng nước ngoài nào. Họ không có lâu đài, vila, đất đai ở nước ngoài, không nắm cổ phiếu của các công ty, nhà máy, hầm mỏ nước ngoài. Không có và chưa bao giờ có.
Vậy thì tôi có bao nhiêu tiền đây? Cần phải nói chính xác, đến từng cô-pếch. Để làm việc này cần phải xem lại tờ hoá đơn cuối cùng ghi thu nhập của tôi. Trong tài khoản thuộc Ngân hàng tiết kiệm Nga (bằng ngoại tệ và bằng tiền rúp) tính đến ngày 1 tháng giêng năm 1999 của tôi có 8.486 ngàn rúp. Năm 1998 thu nhập của tôi là 183.8S7 rúp.
Vâng, tôi không nghèo. Sách của tôi được in ra và vẫn tiếp tục được phát hành khắp thế giới. Tiền của Tổng thống Nga cần phải nằm trong ngân hàng Nga. Điều này tất nhiên là phải như thế...
Tôi cũng như các thành viên gia đình chưa bao giờ nhận bất cứ nguồn thu nhập nào từ việc tư nhân hoá, từ bất cứ hợp đồng nào đó liên quan đến cương vị hay ảnh hưởng của tôi. Mói nguồn thu nhập tuyệt đối công khai và trong sạch. Còn việc tôi có thể cùng toàn thể gia đình đi tới bất cứ nơi nào trên thế giới nghỉ ngơi hay du lịch, theo tôi, là chuyện tôi đáng được hưởng.
Còn một điều cần bổ sung thêm: những thông tin này được lấy từ tờ khai gửi Bộ thuế và thu nhập ngày 31 tháng 3 năm 1999. Đây là tờ khai cuối cùng tôi khai với tư cách là Tổng thống Nga.
Hy vọng, đề tài này nói thế là tương đối đu rồi đấy chứ nhỉ? Năm mới đến bao giờ tôi cũng đóng đúng một vai - tôi là ông già Tuyết. Chúng tôi bao giờ cũng tập họp đầy đủ gia đình: tôi, Naina, Lena và chồng Valeri, Tania và chồng Liosa, ba cháu tôi là con của Lena: Katia 20 tuổi, Masa 17 tuổi và bé Vanca mới 2 tuổi; 2 cháu con của Tania - Boris 19 tuổi và bé Gleb 4 tuổi. Tất cả là 5 cháu và 1 chắt, Sanechka, con trai của Katia.
Năm mới này là lần lần đầu tiên Katia cùng chồng tới chỗ chúng tôi. Cháu rể là Sura. Tôi chăm chú ngắm nhìn cậu ta một lần nữa: đúng là một chàng thanh niên xuất sắc. Katia học tại Khoa sử Trường Lomonosov, còn Sura cũng học trường đó nhưng là khoa tâm lý. Chúng quen nhau hình như từ hồi phổ thông. Nghe nói không có gì lãng mạn lắm.
Katia sinh con cách đây không lâu. Thế là tôi đã trở thành cụ ông, còn Naina thành cụ bà.
Tiện thể xin nói là tính độc lập của Katia không phải chỉ thể hiện ở việc lập gia đình sớm. Trong nhà chúng tôi cô bé nói chung luôn là một cô gái tự do, mang tính cách của tôi.
Rất tiếc là hôm đám cưới Katia tôi không dự được vì lúc đó đang phải nằm viện do bị sưng phổi. Katia và Sura tự đến với tôi tôi chúc mừng chúng hạnh phúc. Nghe nói là đám cưới của chúng được tổ chức hoàn toàn khác thường: một đám cưới vui vẻ, không nghi lễ sang trọng. Mẹ của Sura là giáo viên tiếng Nga và văn học ở trường bọn trẻ cùng học ngày trước. Bà chứng kiến toàn bộ cuộc tình của bọn trẻ. Không phải bất cứ người mẹ nào cũng có được bao nỗi chịu đựng và thấu hiểu đến thế - bởi lẽ bọn chúng còn quá trẻ.
Trong lễ cưới có một chi tiết thú vị. Cháu Boria tới hơi muộn và nói chung không rõ ngọn ngành mọi chuyện bởi cậu vừa bay từ Anh về và lao tới đám cưới luôn. Khi nhìn thấy Sura mà cậu thấy quen quen trong đám bạn của Katia ngày trước, Boria ngạc nhiên hỏi: “Này Sura, anh làm gì ở đây thế?”. Sura trả lời thế này: “Làm gì à? Làm chú rể chứ còn làm gì nữa!”
Đôi khi cũng có chuyện “trục trặc” với việc tặng quà cho người thân. Khoảng năm 1980 gì đó tôi có tặng cho Tania một món quà rất hào nhoáng - đó là đôi giày và bộ bàn trượt tuyết nội. Hồi đó chúng tôi còn thiếu thốn, chứ tôi biết là Tania mơ ước một bộ trượt tuyết của ngoại “xịn”. Tôi mua cho Tania bộ trượt tuyết hiệu “Elan”, tên nhà máy sản xuất cũng là thế.
Tania mang theo món quà này đi nghỉ đông ở Dombai. Đến lúc này mới biết rằng quà thì tôi có tặng đấy, thế nhưng cả giày và cả bộ bàn trượt to gần bằng cỡ của tôi. Bàn trượt quá dài, còn giày cũng quá to, chân Tania như bơi trong đó. Nói chung mỗi lần trượt từ núi xuống là mỗi lần cô bé phải chịu bao đau đớn. Song vì thế mà sau này khi cô bé tự mua cho mình bộ trượt vừa cỡ của mình thì không phải là cô bé trượt nữa, mà thực sự là bay trên tuyết.
Nhìn chung ngày tháng sinh nhật của mọi người trong gia đình dĩ nhiên tôi không có đầu óc nào để nhớ. Naina thường xuyên nhắc tôi. Chúng tôi thường thoả thuận cả gia đình về các món quà tặng, vì thế mà thời gian gần đây hầu như không còn “trục trặc” nào nữa.
Đôi khi giữa buổi tiệc gia đình, giữa không khí vui vẻ đầy tiếng ồn ào cười nói bỗng đột nhiên xuất hiện sự im lặng. Lúc đó một trong số con gái tôi tới gần hỏi: “Ba ơi, ba đang ở đây đấy chứ?” Điều đó có nghĩa là tôi bỗng quên đi không khí nơi đây và trở nên trầm ngâm. Tôi cảm thấy rất bất tiện vì sự trầm ngâm đột ngột này trước mọi người thân trong nhà, tôi cố gắng kiểm soát bản thân nhưng thường chẳng mang lại kết quả. Có vẻ như khi tôi đang đắm mình trong cuộc sống gia đình, tận hưởng những giây phút yên ả, hạnh phúc này thì bỗng nhiên như từ nơi xa thẳm vọng lại, từ trong tiềm thức lại trỗi lên ý nghĩ điều gì vừa xảy ra hôm qua hoặc chuyện gì sẽ đến vào ngày mai. Một nhà chính trị đang thanh thản nghỉ ngơi ngày chủ nhật, thả bộ cùng gia đình trên con đường nhỏ trong khuôn viên nhà mình lại vẫn có thể bị nhiều chuyện làm cho phải bận tâm - đó là những gì mà anh không thể sửa chữa lại được và những gì ngày mai đang chờ đợi quyết định của anh. Đó là những gì cần phải thực hiện ngay hôm nay hoặc sau một tháng nữa. Đó là những gì đang chờ đợi đất nước sau một quyết định chính trị tiếp theo. Và tôi lại đứng đờ tại chỗ, lặng đi, chìm vào trong chính mình.
Như tôi đã nói Lena là con gái đầu của tôi, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Ural. Cũng giống như tôi và Naina, nó chọn nghề xây dựng. Nhưng khi chuyển lên sống tại Matxcơva và do điều kiện gia đình, nó buộc phải bỏ việc để dành hết thời gian và sức lực cho gia đình, nhà cửa.
Nói thực, tôi cũng thấy băn khoăn ít nhiều về chuyện này. Cả Lena cũng trăn trở nhiều lắm. Nó có nhiều khả năng tuyệt vời. Hồi còn học phổ thông và đại học, Lena học giỏi, chuyện học hành với cô bé dễ như trở bàn tay. Rồi sau đó thì... nuôi con nhỏ Katia, rồi Masa, chăm nom nhà cửa, sinh hoạt. Nó thấy hứng thú với khía cạnh cuộc sống này.
Lena đan rất giỏi. Nó có đôi “tay vàng”, hoàn toàn chỉ đan bằng tay chứ không công nhận bất cứ loại máy dệt nào. Nó có thể vừa đọc, xem ti vi, nói chuyện và vừa... đan. Tôi thấy là chỉ cần một ngày thôi là nó có thể đan được bất cứ thứ gì. Áo len dài tay, ngắn tay, khăn quàng tôi đang mặc không chỉ là những bộ quần áo mềm mại ấm áp. Với tôi đó còn là cái gì đó lớn hơn, như thể là... bánh nướng của Naina hay thơ ca của Masa. Đó là những tấm bùa hộ mệnh trong cuộc đời tôi. Chúng che chở tôi khỏi nỗi lo lắng và sợ hãi.
Lena là một người rất thích sự ngăn nắp, hài hoà và yêu cái đẹp Hiện tại nó chăm lo cho khu vườn (tuy rằng hồi đầu có vẻ không thích công việc vườn tược) và khu vườn này đang thực sự trở thành “mảnh đất vùng núi Alpơ” ngay tại Matxcơva lạ thường với đa dạng các loài hoa, các hòn đá với hình dạng lạ mắt. Lena cũng không bỏ qua bất cứ cuộc triển lãm lớn nào, khâm phục các họa sĩ theo trường phái ấn tượng, quan tâm đến kiến trúc cổ và các tượng đài lịch sử. Nói chung trong gia đình chúng tôi Lena luôn là đại diện cho cái đẹp.
Khi tôi bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 1996, Lena cũng tham gia vào chính trị một cách thực sự. Nó giúp tổ chức cho Naina những chuyến đi vòng quanh đất nước, chuẩn bị các phát biểu và sửa giúp Naina các bài trả lời phỏng vấn của bà, tóm lại là cũng nằm trong ban tham mưu vận động bầu cử. Và nó không bao giờ than phiền cũng như không có ý lảng tránh công việc này.
Lạy Chúa, sự xuất hiện của Vanca trên đời này không biết đã gắn với bao nhiêu nỗi lo lắng, bồn chồn, thậm chí là hãi hùng nữa!
Tôi và Naina đã từng lo lắng đến nhường nào! Lena đã gần 40 tuổi khi quyết định sinh lần thứ ba. Tôi cho đó là một hành động dũng cảm.
Nhưng có thể nói Lena quyết định hành động mạo hiểm này ngay từ khi kết hôn với chàng trai cơ trưởng hàng không dân dụng Valeri Okulov. Mỗi ngày là một cuộc tiễn đưa. Vài giờ có mặt tại nhà, rồi lại tiếp tục lượn bay trên trời. Lena bắt đầu nghiên cứu các loại mô hình máy bay, học thuộc mọi thuộc tính kỹ thuật của chúng, bắt đầu phân biệt được từng loại máy bay qua âm thanh của chúng. Tất cả chúng tôi hiểu lý do vì sao Lena lo lắng cho người chồng khi bay khắp bầu trời đất nước, rồi sau này bay khắp thế giới.
Hơn thế, Valeri còn ham thích một loại hình thể thao có một không hai - bơi thuyền trên những con sông nằm trong vùng núi, hơn nữa lại ở những con sông với độ dốc cao. Chờ đợi anh trong cuộc đua này cũng không phải chuyện đơn giản. Có lần Lena và Valeri đi bộ suốt vùng Kamchatca và bơi thuyền hầu như suốt vùng Karelia. Tuy nhiên trong những chuyến đi thể thao khó khăn, Valeri thường đi với bạn bè mà không để Lena theo cùng.
Có lần chiếc thuyền của Valeri bị lật nhào, bạn bè anh tìm kiếm anh suốt cả một ngày trời mà không thấy. Trong khi đó anh vẫn cố bơi, và may mắn thay, anh vẫn còn sống sót được. Khó có thể tưởng tượng được là Lena đã phải chịu đựng, lo lắng đến thế nào nữa.
Lena dành hết tâm trí cho gia đình, nhà cửa, con cái và những người thân của mình. Trong lĩnh vực này nó không hề tính toán gì hết. Mối quan tâm, sự cần cù của Lena không thể đo đếm được. Với nó, điều quan trọng là sống bằng ngôi nhà của mình, bằng khu vườn do chính tay mình tạo nên. Đặc biệt giờ đây, khi Vanca và Sanechka (cháu tôi) ra đời, tôi cảm nhận rõ là Lena đang gánh vác trên vai mình toàn bộ gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Đây là một công việc vô cùng to lớn đối với người phụ nữ. Lena đặt tất cả tâm hồn của người kỹ sư xây dựng vào công việc này. Dường như đến giờ tôi mới nhận thức được đầy đủ công việc nặng nhọc này của Lena khi hai cô gái Katia và Masa trưởng thành, và tôi bỗng chứng kiến tận mắt biết bao nhiêu tình yêu và sự ấm áp Lena đã dành cho chúng. Lena làm bất cứ việc gì cũng thật lý tưởng, đạt tiêu chuẩn một trăm phần trăm. Đó là một con người tuyệt vời. Không bao giờ bỏ dở việc gì, không bao giờ buông quăng bỏ vãi. Thậm chí đôi khi tôi phải kinh ngạc. Có lần tôi thấy Lena đọc thơ Puskin cho bé Vanca lúc đó mới được nửa năm.
- Lena, con làm gì đấy, làm sao cháu hiểu được những gì con đọc?
- Không phải đâu ba ơi - nó cự lại, - con muốn cháu được nghe âm hưởng thực sự của lời nói.
Vậy mà cậu bé chỉ ngủ trong giai điệu của những bản nhạc cổ điển mà thôi.
Valeri Okulov, chồng Lena, là Giám đốc Hãng hàng không Aeroflot lớn nhất nước Nga. Còn làm vợ một nhân vật lãnh đạo lớn như vậy cũng thật khó khăn.
Khi Valeri được đề xuất vào cương vị này, anh tới chỗ tôi hỏi ý kiến. Anh hỏi xem tôi có can thiệp vào chuyện này không, có tạo ra tình thế khó xử cho anh không. Tôi nói mọi chuyện như thế cần phải tự quyết định. Tôi chẳng vì lý do gì mà lại muốn cản trở đường công danh sự nghiệp của anh.
Cũng cần phải đánh giá đúng Valeri - anh không bao giờ mang chuyện công việc của mình về bàn tán ở nhà. Anh chỉ thỉnh thoảng trả lời vài câu hỏi của tôi kiểu công việc thế nào, có triển vọng gì không, ngoài ra không có gì hơn. Tôi biết ơn anh về sự tế nhị và hiểu biết của anh. Ở anh thể hiện một tính cách đàn ông thực sự.
Trong gia đình chúng tôi đàn ông thì làm việc, phụ nữ thì giáo dục con cháu. Với Naina, vai trò người bà, rồi sau là người cụ là một vai trò hết sức tự nhiên. Bà sẵn sàng dành cho công việc này bao nhiêu thời gian cần thiết cũng được. Ví như Lena và Tania thường phải cố gắng khuyên bà bỏ bớt công việc gia đình lại và thuyết phục bà đừng phải dốc sức chuẩn bị thức ăn cho bọn nhỏ bằng món xúc xích tự làm.
- Mẹ ơi, - các cô gái cằn nhằn - khi nào có khách thì mẹ có đứng bếp ba tiếng liền chúng con cũng chẳng dám nói gì. Thế nhưng những ngày thường thế này mẹ cũng phải giữ sức chứ! Bọn trẻ ăn thế nào cũng được, đối với chúng thì món ăn mẹ làm hay không phải tay mẹ có gì khác đâu cơ chứ, thịt hay xúc xích cũng thế mà thôi.
Nhưng bà lại cho là món xúc xích của mình ngon hơn nhiều so với loại đầu bếp thường chế biến.
Hẳn là không thể thuyết phục bà hãy in ít chuẩn bị bữa ăn thôi. Những chiếc ga-tô Naina tự tay làm có lẽ đều làm cho ai ai trong số khách khứa của gia đình tôi nếm thừ cũng phải nhớ. Trong đó có cái gì đó xúc động - dường như Naina cố gắng bảo vệ hay che chở cho tất cả chúng tôi bằng món thết đãi chính tự tay mình làm ra tại nhà mình.
Nói chung, chuyện này còn có thể giải thích theo một cách khác nữa - đó là Naina rất thích công việc bếp núc. Ngoài ra, chúng tôi quá ngán vì suốt hơn chục năm trời chỉ ăn độc một số thứ thức ăn và chỉ ăn những gì đầu bếp nấu theo thực đơn “đúng đắn” của Cục 9 cũ.
Trong biệt thự của chúng tôi có một công trình rất kỳ diệu - đó là chiếc bếp lò Nga có mái che. Thỉnh thoảng chúng tôi đón năm mới tại đó. Naina nướng món bánh tráng. Rồi chúng tôi ăn bánh, uống sâm-panh ngay cạnh bếp, bàn ghế phủ đầy tuyết, cả bánh trái cũng thế.
Món cá hun khói, thịt nướng và bánh tráng ăn ngoài trời là những món tôi “nghiện” từ lâu. Tôi đặc biệt thích món cá hun khói vùng Zavidovo, nấu theo thực đơn đặc biệt của cánh thợ săn lành nghề. Món này phải nấu trong một chiếc nồi to với khoảng chục loại cá cùng nhau, sau đó bỏ vào những quả cà chua to, cuối cùng trước khi bắc ra, phải nhúng nhanh thanh củi lớn đang cháy dở vào nồi cá để ngửi thấy mùi khói bốc lên kèm theo mùi vị đặc trưng của mỡ cá.
Vào mùa hè trên những hòn đảo nhỏ nằm giữa các hồ lớn nhỏ vùng Zavidovo người ta chất đầy những đống rơm. Đôi khi tôi tìm tới nơi nó, quên hết mọi sự trên đời, vùi đầu vào đống rơm thiếp đi.
Và thế là tan biến hết mọi căng thẳng.
Nói chung săn bắn và đánh cá có thú vui riêng của nó. Tôi bắt đầu đi săn từ thời còn ở Sverdlovsk, và say mê cũng từ thời đó. Chúng tôi có một thiết bị đặc biệt gồm hai cái bếp để mùa đông có thể sưởi ấm ngay trong rừng. Tôi thường săn nai. Thông thường thợ săn đi theo hàng ngang, đứng theo “số” quy định. Nếu con nai chạy vào “số” nào thì người đó may mắn và có quyền bắn. Cũng ở đó tôi đã học cả cách săn gà rừng.
Nhưng rồi kể từ khi chuyển về Matxcơva, ngập mình vào các đam mê chính trị, thì thú săn bắn dường như bị lãng quên. Có một môn thể thao mới làm vơi đi căng thẳng tâm lý - đó là tennis.
Hồi năm 1991, lần đầu tiên tôi cùng con rể Liosa là chồng của Tania tới Zavidovo. Liosa cũng là một tay thợ săn hăng ra phết. Đến lúc đó tôi mới nhìn thấy một địa điểm tuyệt vời, đầy ấn tượng như Zavidovo. Những chú hươu non: lợn nòi và tất cả thú vật ở đây đều được nuôi để phục vụ kinh doanh săn bắn. Rồi hồ, đầm lầy. Có thể săn vịt trời, bắn ngỗng, gà tây đều tuyệt. Mùa xuân khi những chú gà rừng hót vang bài ca cầu hôn thì cần phải vào rừng chờ đến lúc bình minh lên, lựa chỗ để sao cho khi những tia nắng đầu tiên vừa bừng sáng là thấy chú ta mở mắt há mỏ hót ngay bên cạnh bạn rồi. Cho đến khi chú ta gọi mái, rồi cuối cùng no nê trước tình yêu và thôi không còn nghe thấy toàn thế giới ngoài tình cảm gà rừng của mình, thì lúc ấy bạn chỉ còn có việc bước nhẹ vài bước và trong ánh sáng lờ mờ trước bình minh sẽ nhận ngay ra bóng hình những chú gà rừng như thế.
Đó là cuộc đi săn cực kỳ hiếm hoi, huyền bí và đầy xúc cảm.
Đi săn vịt trời vào lúc tinh mơ lại là cuộc đi săn sống động nhất. Đánh động cho chúng bay lên, rồi ngồi trên thuyền mà cố ngắm trúng từng con, hạ gục nhanh chỉ bằng một phát bắn. Đây thật sự là một bộ môn thể thao, sôi động đến mức thậm chí đôi khi trở về nhà mới nhận ra vết bầm tím đen to bằng lòng bàn tay trên vai, oằn nặng bởi chiếc bao đựng đầy vịt.
Trong đời mình tôi được tặng rất nhiều súng săn, làm tôi có được hẳn bộ sưu tập súng. Song thật ngược đời là chẳng có khẩu nào tôi cảm thấy thuận tiện và thích thú như khẩu cạc bin “Cheski-zbroev” (cánh thợ săn thường gọi là “chezet”) của tôi loại nòng 30-0,6. Tôi dùng nó đi săn đã 20 năm. Tôi quen với khẩu súng này đến mức đã bắn không biết bao nhiêu rồi và thậm chí khi nòng bị nứt, tôi lại đề nghị buộc lại bằng dây và tiếp tục dùng. Cuối cùng tôi đặt làm một khẩu súng mới theo mẫu chiếc “chezet”. Người ta mang tới cho tôi khẩu súng mới - không được, tôi không thấy được cảm giác ấy. Thế là thôi, tôi lại dùng khẩu súng cũ. Đúng là thói quen cũng thật lạ kỳ.
Săn bắn luôn là công việc mang tính tập thể. Nhưng tôi lại không thích tụ tập đông cánh đàn ông làm gì. Tôi thường đi săn cùng Naina, hoặc là với thợ săn lành nghề, rất ít khi cùng đám bạn bè của Liosa hoặc khách khứa khác. Trong những cuộc đi săn này, sự biệt lập đối với tôi là một điều gì đó quan trọng. Như là sự đền bù bằng những khoảnh khắc tĩnh lặng cho những giây phút sôi động triền miên.
Tôi cần có những thời khắc cho chính mình.
Đi săn, thấy tinh thần thật khoẻ khoắn, sảng khoái, đặc biệt lạ thường. Không bao giờ tôi quên được cảnh một vị khách nước ngoài khi bơi thuyền cùng tôi quanh hồ chỉ chăm chắm nhìn vào chiếc va-li đen đặt dưới lòng thuyền. Ông ta nghĩ đó là chiếc va li hạt nhân nên cứ cố ngồi né sát mép thuyền, càng xa chiếc va-li càng tốt. Tôi cứ mặc kệ ông ta với ý nghĩ hãi hùng của mình. Mãi khi ghé vào một hòn đảo, mọi người mới mở va-li và lôi ra từ đó hai chai rượu và dưa chuột muối, vị khách mới bật cười sặc sụa mãi không thôi. Còn chiếc va-li hạt nhân thì cũng “bơi” trên chiếc thuyền bên cạnh, trong sự canh giữ của các sĩ quan.
Hồi trước, cũng như đa số mọi người, tôi không coi việc uống chúc nhau ngày lễ hết ly rượu này đến ly rượu khác là chuyện nhiệt huyết. Thế mà không biết đã có biết bao điều qua tiếng lại, thêu dệt, bất hoà chính trị lan truyền trong xã hội, đầy rẫy trên các trang báo về chuyện này. Cho đến giờ thậm chí vẫn thấy thật khó tin...
Phong cách cuộc sống Nga về mặt truyền thống quy định rất khắt khe: không uống chúc mừng ngày sinh nhật là không thể được, không uống chúc mừng đám cưới - không được, không uống cùng bạn bè đồng nghiệp - cũng không được. Tôi không thích cái “nghĩa vụ” này, không chịu được những người say rượu, song... trong thời điểm nào đó cảm thấy là chất men thực sự là một phương tiện để nhanh chóng gạt bỏ stress.
Nói đến chuyện này, tôi lại nhớ đến câu chuyện xảy ra năm 1994. Lúc đó, trong chuyến thăm Berlin, tất cả các hãng truyền hình thế giới đều phát đi hình ảnh ông Yeltsin say khật khưỡng đang chỉ huy đoàn quân nhạc.
Đó là những ngày tháng nặng nề đối với tôi. Nếu nhìn bề ngoài, có thể thấy hành vi này là hoang dã, lố bịch. Nhưng chỉ có tôi mới biết được điều mà ngay cả các trợ lý của tôi, các phóng viên cũng như tất cả những ai buộc tội tôi mạnh mẽ nhất cũng không thể hiểu nổi. Trạng thái stress tôi phải chịu từ cuối năm 1993, trong thời gian cuộc chính biến và sau đó là quá khủng khiếp đến nỗi cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu làm sao cơ thể tôi lại chịu đựng được như thế. Căng thẳng và mệt mỏi buộc phải tìm kiếm lối thoát. Ở đó, tại nơi Berlin ấy, khi toàn châu Âu đang kỷ niệm cuộc rút quân của những đơn vị quân đội cuối cùng của ta, tôi bỗng cảm thấy không thể kìm nén được. Trách nhiệm đè nặng lên đôi vai, cả bầu không khí chờ đợi bước đi lịch sử này cũng dồn ép lên tôi. Bất ngờ với cả bản thân, tôi không thể kìm mình được. Tôi đổ sụp xuống...
Tôi cảm thấy thế nào bây giờ khi người ta chiếu lại những cảnh được các phóng viên ghi lại dấu ấn, trong đó tôi đang chỉ huy dàn nhạc ấy? Không phải là xấu hổ, không phải xấu xa, không phải nỗi tức giận, mà ở đây là một tình cảm khó tả khác nào đó. Tôi như cảm nhận được bằng da bằng thịt cái trạng thái lo lắng, căng thẳng, sức nặng vô tận cứ đè nén tôi, ép chặt tôi xuống đất. Tôi nhớ là sức nặng đó đã tan biến đi sau một vài ly rượu. Và khi đó, trong trạng thái lâng lâng nhẹ nhàng, có thể tha hồ mà chỉ huy dàn nhạc.
Sau chuyện đó nhóm trợ lý Tổng thống gửi tôi một bức thư nói rằng bằng hành vi của mình, bằng sự thôi thúc không kìm nén được của mình tôi đã làm hại bản thân, gây hại cho toàn bộ công việc chung của chúng ta.
Tôi đã không xin lỗi những người trợ lý của mình. Chắc gì có ai trong số họ có thể giúp được tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi quá lớn. Tôi thả bộ trên bãi biển Sochi và thầm nghĩ: cần phải tiếp tục sống. Cần phải khôi phục sức lực. Dần dà tôi đã trở lại được chính mình.
Từ đó trở đi tất cả những gì làm trạng thái bình thường của tôi thay đổi như mất ngủ, cảm lạnh, mệt mỏi thông thường thì mọi người đều cho rằng đó là do ảnh hưởng của rượu. Tôi biết về những câu chuyện cửa miệng kiểu ấy, nhưng tôi cho phản ứng lại tức là tự hạ thấp hơn phẩm chất của tôi.
Vậy phải làm gì đây? Chứng minh cho mọi người biết rằng đó là do bệnh tim và huyết áp gây ảnh hưởng tới lời nói và cử chỉ, thường xuyên gây ra chứng stress và mất ngủ hay là chứng minh rằng không nên nhầm lẫn các loại thuốc buộc tôi phải dùng với hội chứng say rượu ư? Hay là tự đấm vào ngực mình?
Tất cả những điều đó đều thấp hèn và kinh tởm. Thế rồi một lúc nào đó tôi đã hiểu ra là dù tôi có giải thích về chuyện này thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng có ai tin và người ta còn coi đó là một sự yếu đuối,
Tôi hiểu ra một điều mấu chốt: chính thân hình tôi, ý chí bướng bỉnh của tôi, tính cách tôi tự chúng đã tạo ra sự hằn thù ghen ghét, vu khống. Nếu như không phải vì rượu thì người ta cũng sẽ lấy cái gì đó khác để đưa đẩy câu chuyện về tôi. Nếu họ tìm thấy điểm gì khác có thể làm tổn thương thì nhất định thể nào cũng tập trung “đánh” tôi vào đó cho mà xem.
Chẳng lẽ phớt lờ những chuyện đó đi lại không tốt sao?
Thế là tôi thực sự bỏ ngoài tai những chuyện này.
Sau đó là đến năm 1995 nặng nề nhất. Tôi bị nhồi máu cơ tim. Sau phẫu thuật bác sĩ chỉ định: tối đa tôi chỉ có thể cho phép mình uống là một cốc rượu. Từ đó trở đi tôi không bao giờ vi phạm điều cấm kỵ này.
Tôi và Naina vậy là đã cùng nhau chung sống được hơn 40 năm rồi. Chưa bao giờ chúng tôi xa nhau. Chưa bao giờ chúng tôi đi nghỉ cách biệt. Chưa bao giờ chúng tôi chia cuộc đời mình ra làm hai cả...
Tôi còn nhớ rõ Naina khi là một cô sinh viên trẻ mới 18 tuổi Tôi nhớ là khi Naina làm tại Viện dự án xây dựng lớn nhất Sverdlovsk, cô đã không chỉ kịp làm quen với các cô gái khác và chuẩn bị bữa ăn tuyệt ngon mà còn thức tới nửa đêm để là quần áo cho tôi. Khi mà chàng trai ấy còn chưa trở thành lý tưởng. Lúc đó tôi là Bí thư thứ nhất. Thứ nhất cơ mà, nên cần phải ăn mặc cho đàng hoàng.
Naina hiến dâng cho tôi biết bao sức lực cũng như tinh thần, đến mức tôi chẳng còn đủ từ để giãi bày được. Thiếu bà có lẽ tôi đã chẳng bao giờ vượt qua được bấy nhiêu cơn sóng gió chính trị. Tôi đã chẳng thể trụ vững, ngay cả vào năm 1987 ấy, cũng như năm 1991 hay là sau đó nữa. Và cho đến nay khi bà đã trở thành một người bà hạnh phúc, có thể bình thản chăm lo cho các cháu thì bà lại vẫn còn phải dành biết bao sức lực cho tôi.
Naina là một người cực kỳ chân thành và chất phác. Bà trăn trở, lo lắng cho những tấn kịch trường của chúng tôi theo cách riêng của mình. Không ít lần bà khuyên tôi:
- Boris này, hay là anh cứ nói chuyện với Luzkov có được không? Có thế anh ta mới hiểu được chứ!
Tôi cười và hứa: ừ, dĩ nhiên rồi anh sẽ gặp gỡ nói chuyện với anh ta. Giá như có những người như Naina làm chính trị thì có lẽ chúng ta cũng đã có một nền chính trị khác rồi.
Tiện đây cũng muốn nói thêm là có mặt chi tiết rất thú vị, thậm chí là buồn cười đối với Luzkov. Suốt thời gian dài Yuri Mikhailovich sống cạnh gia đình tôi và thường xuyên gửi cho chúng tôi sữa vắt từ con bò của gia đình mình (như ông ta nói vậy) nuôi ở trang trại. Rồi sau đó ông ta thôi không gửi nữa. Lúc đó đúng vào mùa hè 1998 khi ông ta sáng lập ra đảng của mình. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Ông ta cố ý đánh tiếng là rất tiếc con bò nhà ông ta bị ốm.
Cho đến giờ Naina vẫn chưa hết ngạc nhiên trước việc con bò ỏm nặng thế, và lại còn ốm lâu đến thế nữa chứ.
Một điều thú vị là Naina nhận được rất nhiều thư (thư gửi đến chúng tôi hoặc qua bưu cục ở phố Mùa thu, hoặc qua Bưu điện trung tâm) và đây là những lá thư hoàn toàn khác với số thư gửi cho tôi trên cương vị Tổng thống. Rất khác?
Một mặt có thể dễ dàng giải thích điều này: trong bưu điện của người đứng đầu Nhà nước là hàng ngàn đơn từ, khiếu nại, yêu cầu, dự án tái thiết đất nước, dự án sáng chế, nói tóm lại, chẳng còn gì mà người dân không viết và không gửi tới.
Thế nhưng bưu điện của vợ tôi lại thuộc chủng loại khác - đó là những lá thư riêng, ấm áp, trung thực, cảm thông hiểu biết. Mọi người cảm nhận được tính cách của bà, sự đoan chính sâu sắc của bà. Trong bưu điện này hầu như không có khiếu nại, không có chỉ trích. Khi tôi tuyên bố cho toàn đất nước về cuộc phẫu thuật của mình thì Naina bắt đầu nhận được rất nhiều thư với những lời khuyên chữa bệnh từ những người đã trải qua nhồi máu cơ tim - cách chữa thế nào, uống thuốc gì. Nhân đây tôi cũng muốn nói với những ai đã gửi thư từ cho Naina Iosifovna rằng: xin chân thành cảm ơn các bạn.
Tôi ngạc nhiên trước những lá thư bởi sự nhân hậu của chúng còn bởi lẽ tác giả của chúng là những con người hoàn toàn có quyền oán trách cuộc đời: cầm bút viết cho Naina là những con người khốn quẫn, cô đơn hoặc đau ốm. Có lần có một bức thư gửi đến làm Naina kết sức kinh ngạc. Kinh ngạc bởi giọng nói chân thành đầy tình cảm con người và khiêm tốn. Người viết là một phụ nữa từ Peterburg, mẹ của một cô gái tàn tật.
Khi biết tôi có mang theo cả Tania đi công tác tới Peterburg, Naina đã đề nghị tôi mang tới cho chị phụ nữ đó một món quà: chiếc ti vi và chiếc đầu video. Khi ở Peterburg Tania gọi điện suốt ngày đến ngôi nhà họ ở nhưng không thấy ai trả lời, thế rồi Tania quyết định lần tới địa chỉ và sẽ nhờ hàng xóm chuyển lại món quà cho họ.
Nhưng kìa, cánh cửa chợt mở... Cô gái ra mở cửa mà hồi lâu không hiểu nổi có chuyện gì xảy ra, thậm chí không tin vào mắt mình rằng có người mang tới cho cô quà của Naina Iosifovna. Tiếc là mẹ cô gái lúc đó đi làm. Như Tania kể lại thì họ sống rất chật vật. Quả thực họ không có tivi để xem.
Sau đó ít lâu Naina nhận được một bức thư từ Peterburg, nghĩa là quà tặng đã đến đúng địa chỉ. Người mẹ viết thư trả lời còn cô gái hầu như không thể đi ra khỏi nhà đã có được điều kiện để tiếp xúc với thế giới.
Khi Naina tới thăm nhà trẻ hay bệnh viện dành cho trẻ em, hoặc đi thăm một nữ nghệ sĩ bà ái mộ bị ốm thì không bao giờ bà kể lại chuyện đó bất cứ cho ai.
Bà thực sự coi việc làm từ thiện là công việc riêng của mình.
Một mặt, đó hoàn toàn là một quan điểm đúng đắn. Tôi có lẽ sẽ cũng hành động dúng như thế. Nhưng mặt khác... Naina rất quan tâm đến trẻ em, những đứa trẻ bị mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo gây tổn hại đến việc hình thành nhân cách ngay từ thuở nhỏ. Theo tôi, nếu mà cả nước biết được chuyện này thì những người khác cũng sẽ hành động theo gương của Naina.
Vậy mà bà bao giờ cũng lảng tránh không muốn xuất hiện trước nhân dân.
Mọi người chỉ cảm nhận được những nét tính cách của bà - khiêm tốn, tế nhị, tình người - qua một số rất ít các buổi trả lời phỏng vấn truyền hình, và qua những lần xuất hiện hãn hữu trước công chúng khi bà đi cùng với tôi.
Mọi người cảm nhận được và hướng tới phía bà. Tôi lúc nào cũng cảm nhận thấy sự tiếp xúc của bà với một nhóm nhỏ văn nghệ sĩ như Galina Vonchek, Sophia Pilavskai, Marina Ladynina, Maria Mironova, Vera Vasilieva và một số người khác là điều thật hiếm có. Giữa họ đơn giản là tình bạn, không có bóng dáng của sự điệu đà và quảng cáo nào hết. Không, dù sao chăng nữa Tổng thống cũng vẫn có điều riêng tư. Đó là những người thân thiết. Đó là truyền thống gia đình thiêng liêng. Đó là niềm vui trong sáng qua tiếp xúc với con cái, cháu chắt.
Đó là gia đình thực sự của tôi, chứ không phải cái gia đình người đời nghĩ ra hay tivi nói đến.
Đôi lúc, khi ngắm nhìn mấy đứa trẻ, Gleb và Vanca, nô đùa bên cạnh người lớn chúng tôi, tôi thường cố hình dung ra tương lai của chúng, số phận của chúng - chúng sẽ có một nước Nga hoàn toàn khác, một thế giới hoàn toàn khác, một thiên niên kỷ khác. Nhưng chỉ có điều quan trọng nước Nga ấy sẽ thế nào? Liệu chúng có tự hào rằng đã được sinh ra trên đất nước chúng ta, trong thành phố chúng ta, ngôi nhà chúng ta hay không? Tôi tin là chúng sẽ tự hào. Và không thể nào khác được.