Phần IX

Dịch giả: Bùi Gáng
Phần IX
Ermenonville

Tôi không chút ước ao muốn ngủ. Tôi đi Montagny viếng lại ngôi nhà cậu tôi. Một mối buồn bao la xâm chiếm lòng tôi lúc vừa thoáng nhìn thấy đầu hiên vàng vọt, và những cánh song hồ màu lục nhạt phân vân. Mọi vật xem chừng như vẫn giữ nguyên trạng thái ngày trước; duy chỉ cần phải tới nhà người tá điền để lấy chiếc chìa khóa. Lúc những cánh cửa đã mở ra, tôi cảm động nhìn những ghế bàn cũ kỹ còn nguyên tình trạng xưa, và thỉnh thoảng được người ta lau chùi trở lại. Chiếc tủ cao bằng gỗ hồ đào, hai tấm họa flamand (thuộc miền Flandre) mà thiên hạ bảo là tác phẩm của một nhà hội họa ngày xưa, vốn là tổ phụ của chúng tôi. Nhiều tấm ấn họa và cả một série những tháp họa của tác phẩm Emile và La Nouvelle Héloïse do họa sĩ Moreau. Trên bàn, một con chó độn rơm mà tôi quen biết xưa kia thuở nó còn sống, vốn là người bạn đường của tôi trong những cuộc chạy nhảy trong rừng, con chó carlin ngắn mõm, con chó carlin cuối cùng có lẽ, vì nó thuộc nòi chó đã mất giống ngày nay.
"Còn con két", người tá điền bảo, "nó vẫn còn sống. Tôi mang về bên nhà."
Khu vườn phơi bày một bức tranh lộng lẫy những cây lá hoang dại. Trong một góc vườn, tôi nhận ra được một cụm vườn của trẻ nhỏ mà ngày xưa tôi đã vạch cho mình. Tôi hồi hộp vào phòng văn. Vẫn còn đó, tủ sách nho nhỏ đầy những sách chọn lọc, những bạn già thân thiết của kẻ đã lìa đời, và trên bureau, vài mảnh vụn lượm nhặt ở ngoài vườn, những lu, bình, những mề đay La Mã, con-lét-xon địa phương đã xui lòng cậu tôi sung sướng.
“Ta đi viếng con két nhé”, tôi bảo người tá điền. Con két vẫn đòi ăn, như những ngày huy hoàng quá khứ, và nhìn tôi bằng con mắt tròn trịa với viền da xung quanh nhăn nhíu, xui ta liên tưởng tới cái nhìn duyệt lịch của những kẻ lão thành.
Lòng tràn đầy những ý tưởng buồn bã do trở về muộn màng những nơi chốn thân yêu, tôi cảm thấy cần gặp lại Sylvie, khuôn mặt sống động duy nhất và còn tươi trẻ đó, để thắt giây liên lác giữa tôi với xứ sở này. Tôi lên đường về lại xóm Loisy. Vào khoảng đứng trưa. Mọi người ngủ yên, mỏi mệt vì buổi hội. Tôi có ý muốn khuyây khỏa nỗi lòng bằng một cuộc đi dạo viếng Ermenonville, cách một dặm đường rừng. Trời huy hoàng mùa hạ. Tôi hài lòng trong bầu không khí ấm áp và mát mẻ trên con đường giống như lối đi trong một hoa viên. Những cây sồi to lớn xum xuê sắc lục một màu đen, xen lẫn những thân cây phong trắng bạch, cành lá đong đưa rún rẩy. Chim chóc im lìm, chỉ nghe tiếng chim gõ kiến đang đưa mỏ đập vào cây để đào hang làm tổ. Chợt tôi nhận thấy mình có thể lạc mất lối đi, vì trên những cột trụ chỉ đường, bảng ghi chữ đã rã rời nhiều chỗ. Cuối cùng, tôi đành bỏ khu Désert bên tay trái, bước tới chỗ ngã năm khiêu vũ, tại đó còn tồn tại chiếc ghế của những người già. Bao nhiêu kỷ niệm về thời triết học, bỗng tái sinh trong vong hồn kẻ sở hữu đất đai này, chợt xô ùa về trong trí tôi một lúc, trước sự thể hiện bằng mỹ cảnh của tinh thần phong vận học Anacharsis và Émile.
Lúc tôi nhìn nước mặt hồ lấp lánh qua những cành liễu và những cành cây trăn, tôi chợt nhận ra hoàn toàn một nơi chốn mà xưa kia, trong những cuộc đi dạo, cậu tôi vẫn thường dẫn tôi tới nhiều lần: đó là Điện đài triết học, mà kẻ sáng lập ra đã không gặp được cái may mắn hoàn thành. Nó mang cái hình dạng đền vu tiên tri Tiburtine, và nép mình dưới bóng một cụm tùng, nó còn đứng được tại đó để mở phơi ra ngoài mọi tên tuổi lẫy lừng của cõi miền tư tưởng, khởi đầu bằng Montaigne và Descartes, và dừng lại với Rousseau. Tòa lâu đài dở dang nọ, ngày nay chỉ còn là một phế tích. Sắn bìm, đằng la, hèo trường xuân, mây viễn hạ, tha hồ mà vấn leo quấn quít. Những bụi ngấy, những cụm dum, những chùm chà là, những khóm dứa dại, tha hồ thi nhau tràn ngập những bệ thềm hở hang, rã nứt. Tại đó, thuở còn bé con, tôi đã thấy những hội hè, những lễ lạc, với những phần thưởng cấp phát đền bù cho việc học hành, và hạnh kiểm. Nhưng đâu là những cụm tường vi đã từng kỷ độ đâm bông vấn quanh ngọn đồi thơ dại? Và mỉm cười ngang ngửa với sim lục bơ vơ? Giờ chỉ còn dã-tường-vi-hoang dại và phúc-bồn-tử buông tuồng đang phủ lấp mất những du dương hồng cũ, những nụ cuối cùng e ấp đang định liều mình nhắm mắt dấn thân vào nhập cuộc với cỏ cây hoang. Còn những cụm nguyệt quế, có phải con người ta đã chặt đứt mất rồi, như lời trong dao ca - của những gái tơ đìu hiu hát trong sương sớm, không còn muốn vào rừng nữa, vì biết rằng sẽ không hy vọng tao phùng? Hỡi ôi, những đời cỏ hoa mỏng mảnh kia của non nước dịu dàng Ý Đại Lợi, đã đành tử diệt dưới bầu trời u ám của chúng ta. May thay, cây thuỷ lạp của Virgile vẫn còn đâm bông tại đó, như dường gắng gổ chống chỏi để bênh vực cho lời của bậc thầy còn ghi tạc phía tên tấm cửa đằng kia: Nhân vì trí huệ tối cao. Dựng hồn vân thạch, tạc vào sử xanh. Vâng, điện đài này cũng nhào đổ điêu tàn như bao nhiêu điện đài khác, những con người mau quên lãng, những con người mỏi mệt cuộc phù du, sẽ quay mặt đi, không ghé thuyền cập bến, không lần mò tới loanh quanh các miền phụ cận để gùn ghè gạ gẫm vì xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi – và thiên nhiên thiên thu hờ hững sẽ hồn hồn ngạc ngạc xâm chiếm trở lại cái mảnh đất đai giang hồ tứ chiếng, mà nghệ thuật đã đoạn trường đau xót vùng vẫy tương tranh để giành lại cho đời; nhưng khát vọng của tri thức tệ năng của thiên thu bất diệt, di động xuê xoang bằng mọi sinh khí uy quyền tồn lưu kêu linh hoạt.
Đây những ngọn bạch dương của hoang đảo, và nấm mộ Rousseau không còn di hài Rousseau trong đó nữa. Hỡi bậc chân nhân hiền thánh! Ngươi đã từng mang bầu sữa mạnh về hạ tứ ban cấp chúng tôi, nhưng chúng tôi đã quá hèn yếu, thì sữa đó đã không giúp ích được gì. Chúng tôi đã quên lãng những bài học mà tổ phụ chúng tôi đã lĩnh hội được, và chúng tôi đã đ giữa những trầm thống thất thanh kia. Và lúc sực tỉnh ra thì chỉ biết thống thiết chạy theo đuôi một cái đuôi hút heo tan nát, vừa chạy theo đuôi vừa gào to lên rằng mình vừa chộp được một cái đầu thật bự.
Sự tình ấy tiếp diễn miên man quái gở cho đến khản kha thay là sự huống đi về ở giữa thế kỷ hai mươi trong tình-huống-da-vàng–xuân-xanh sái-dị…
Xuân thu trang điểm tình hình
Nghe đâu tình trạng nhớ tình huống xưa (…)
Chạy quanh vườn cỏ năm sau
Chép câu tội lỗi từ bao nhiêu lần (…)
Những “vườn cỏ năm sau” đang lên đường đi về trong Kết Tập những “vẻ diễm kiều của mặt đất mẫu thân”. Mặt đất đã rung lên bao phen não nùng trong đắm đuối, kể từ thuở ấy đến nay? Kể từ những mùa hạ sơ khai đầu–tường–lửa–lựu–lập–lòe–đâm–bông? Kể từ những mùa xuân sơ nguyên sơ thủy nách-tường-bông-liễu–bay–sang-láng giềng?
Không biết không biết. Vì kể từ bấy là kể ra bao. Kể ra bao là kể vào bấy. Bao bấy theo nghĩa: bao-bấy-chầy.
“Bấy–chầy chưa tỏ âm hao”
(Nguyễn Du)
“Hoặc là trong có làm sao chăng là?”
Chính thế.
Sau bao nhiêu những bấy–bao–chầy–bấy–chăng–là cuộc cơn “chưa tỏ âm hao” kia vẫn tiếp tục lũ lượt đi về trong từng phen phen nối đuôi lả tả tứ điệp ngũ trùng của đảo tứ điên tam.
"Hoặc là trong có làm sao chăng là?"
Vấn cú được nêu ra trầm thống đơn sơ trong tịch mịch. Nhưng chưa một lần nào Đông Phương nghe ra lời chất vấn là là, hoặc, chăng, chăng, bấy bấy, chầy chầy, trong trong, có có…
Bấy chầy
Chưa tỏ
Âm hao
Hoặc
Là? Trong
Làm
Sao? Chăng? Là?
Mà oái ăm sao là cái âm hao đi về trong bóng nhạn. Trong cánh hồng bay bổng. Trong cái ngoài song thỏ thẻ oanh vàng.
“Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay sang Láng Giềng”
Bay sang láng giềng để hình thành cận lập cái chi? Cái Lãnh Địa Mnemosyme của Đầu Thai Ký Ức?
Không biết không biết không biết.
Vì sao không biết?
Vì tình hình tình huống tự tình của tình trạng hoàng hôn trong Phố Chợ Chiều lâm ly trong tình duyên sa mạc?
Không hẳn không hẳn không hẳn.
Vì sao không hẳn?
Vì ấy bởi “Xuân thu trang điểm tình hình, nghe đâu tình trạng nhờ tình huống xưa…”
Và do đó, mọi sự đã thênh thang đi vào trong bao dong Chiều Phố Chợ tham dự đầy rẫy những lục hồng.
“Một chiều phố chợ thênh thang
Chanh hồng quít lục thu dàn loạn ly
Mắt xanh hình thể trụ trì…”
Trân trụ trì hình thể mắt xanh kia từ đó thoắt nhiên là ân lộc. Ân lộc của ân huệ từ bi nảy ra từ trận điêu tàn ban sơ bóng nhạn của Quy Lai trầm luân trong Hồi Phục đắm chìm trong từng trận “di hồn tuyệt yến Dã Man Oanh”.
“Du hý mộng trường mao vũ tận”
(Hồi đầu, nghiệt hải Thích Ca Thân)
Có thể là như thế đấy chăng? Là Trận Chào lưu ly giữa phù du phong vân hồi phục?
(Mắt xanh hình thể điêu tàn
Chào cô Gái Lạ cô càng lạ thêm)
Nguyễn Du đã chào cô Gái Lạ Triều Minh. Từ Hải đã chào cô Gái Lạ Lầu Xanh. Homère đã chào cô Gái Lạ Troyenne Nữ Vương Andromaque. Ulysse đã chào cô Gái Lạ Phéacienne, Công Chúa Nausicaa. Nerval đã chào cô Gái Lạ Thiên Thu Thánh Nữ Thấp Thoáng Andrienne Nghìn Thu Thuần Nhiên Sylvie Phơ Phất. Trung Niên cũng còn có thể tha hồ chào mọi mọi Em Mọi Gái Lạ Brigitte Marilyn. Trên muôn ngàn tàn phế điêu linh của Mẫu Thân Mặt Đất, nghìn nghìn kẻ kẻ người người đã chào chào đón đón nghìn nghìn những Quốc Sắc kết tập những Châu Thổ Lãnh Địa Diễm Kiều. Để làm gì?
Để muôn vạn lầm than bụi hồng tro than lẽo đẽo, muôn nghìn thảo hoa dựng dậy trên muôn nghìn tàn phế của tích lục hồng cho hồng tham dự lục tô bồi… và sau đó?
Sau đó chúng ta xúm xít đi về, lũ lượt nối đuôi nhau tràn lan nêu câu hỏi: cớ sao tham hồng tích lục? Cớ sao mà chào? Cớ sao mà tích tham lại di hồn lục hồng về tham dự? Cớ sao mà sau trận điêu tàn bào háo nhị giai nhân, thì toàn thể những Nương Tử Sử Xanh bỗng nhiên bất thình lình quy lai về tinh hoa tuyệt trù quái dị lâm ly trong bước đi của Bà Hiệu Trưởng.
(Bà đi thể lệ bước ra
Tay khăn tay áo tà hoa thêu thùa
Bà về cỏ rậm giậu thưa
Đêm tàn cấm nguyệt chiều trưa lâm tuyền
Lá rừng kết tập oan khiên
Lãng quên dõng cảm muộn phiền hùng tâm
Người về lịch sử ca ngâm
Phù du phương cảo huyền cầm bảy giây
Đất về tình sử phôi thai
Nắng vàng đổ lục cuối ngày bà đi…)
“Un arc-en-ciel étrange entoure ce puits sombre” (…)
(Một cầu vồng vân nghê dị thường bao quanh cái giếng u ám ấy)
(…)
“Entre un monde qui meurt et l’autre renaissant”
(Giữa một thế giới đang chết và thế giới khác phục sinh)
“Sais-tu ce que tu fais, Puissance Originelle,
De tes soleils éteints, l’un l’autre se froissant…”
(Hỡi Quyền Uy Nguyên Thủy
Ngươi biết chăng ngươi làm gì
Về những vầng nhật chìm tắt của ngươi,
Những vầng nhật va chạm vào nhau)
(Liên miên như
Bardot triền miên giập vào bờ Brigitte)
(Như Sylvie cập bến Adrienne)
“Es-tu sûr de transmettre une haleine immortelle
Entre un monde qui meurt et l’autre renaissant?”
(Ngươi có chắc truyền tiếp được một hơi thở thiên thu (bất diệt)
Giữa một vũ trụ điêu tàn và một vũ trụ phục sinh?)
Kể từ câu hỏi đó,
“La terre a tressailli d’un souffle prophétique”
Và kể từ đó, Thần Tinh Huệ Mới gọi ta. Phượng hoàng, hoàng hạc, chim ó, chim bằng, đã bay qua, đã đi vào quá vãng. Ta đã bay qua, đã đi vào quá vãng. Ta bước về thênh thang trong đôi cánh chuồn chuồn bé bỏng, man mác vô phương “cá sóng phiêu bồng”, và…? Bước về và ra đi và trùng lai hồi phục như “ngàn năm ngậm bóng sương đồng”…
“L’esprit nouveau m’appelle.
J’ai revêtu pour lui
La robe de Cybèle…”
Sao thế sao thế sao thế?
(Ruộng Đồng chưa thể đoán ra? Rằng trong ý bạn là ta lên đường?
(Các em đầu đội vai mang
Tiếng kêu rào rạt mùa lan sang mùa
Anh đi cây bút vẽ bùa
Chào em như mộng mỵ thừa thãi dâng)
Sylvie
Souvenirs du Valois
Dịch giả: Bùi Giáng