Chương 26
Việc gì đã xảy ra trong bệnh viện Huế?

Sáng hôm sau, khi Phan Thúc Định đến phòng làm việc của Ngô Đình Cẩn thì thấy Cẩn đang ngồi nghe lại cuộc thẩm vấn của anh đối với Hồng Nhật được ghi lại bằng băng ghi âm. Thấy Định bước vào hắn vẫn thản nhiên ngồi, ra hiệu cho anh im lặng, chú ý lắng nghe từng lời đối đáp của anh với Hồng Nhật phát ra từ một sợi dây nhỏ tí xíu được phóng to qua một bộ máy đặc biệt chỉ bằng nửa cái máy chữ xách tay. Phan Thúc Định không hiểu bọn tay chân Cẩn đã đặt máy ghi âm ở chỗ nào trong phòng thẩm vấn nhưng thầm khen ngợi sự tinh vi, chính xác của nó. Nó thu được từng lời, từng hơi thở nhỏ của từng người một cách rõ ràng, đúng giọng. Nghe xong cuốn băng, Ngô Đình Cẩn gật đầu:
- Ông nói chuyện tốt đấy. Ông có đức tính kiên trì, mềm mỏng mà tui không có. Tui tin rằng cuối cùng ông sẽ thuyết phục được nó.
Phan Thúc Định tỏ vẻ khiêm tốn:
- Cụ lớn quá khen.
- Thằng Cộng sản ni cũng ghê gớm lắm. Nhưng ở trường hợp thằng ni, nó vừa nắm nhiều đầu mối trong tay, vừa có uy tín trong đám thanh niên, sinh viên, tui không muốn dùng biện pháp cứng rắn với nó. Tui muốn dùng biện pháp khác. Ông đã nhìn thấy một con mồi nào đó mắc vào mạng nhện chưa? Ông sẽ thấy con nhện cứ mặc con mồi giãy giụa, kì cho đến hết sức. Mỗi ngày, con nhện hút ở con mồi một chút, cuối cùng, con mồi vẫn giữ nguyên hình thù của nó nhưng chỉ còn là cái vỏ xác rỗng không.
Cẩn phá ra cười đắc chí trước nét mặt chăm chú của Phan Thúc Định. Hắn tiếp:
- Hồng Nhật ni vẫn giữ nguyên cái vỏ xác Cộng sản của nó, nhưng phần linh hồn của nó phải thuộc về chúng ta.
Hãy biến nó thành một con chim mồi cho nó gáy gọi đồng loại nó đi. Ta thích đồng loại nó hơn, cả đàn, cả bầy nó hơn, còn nó ta cứ vỗ béo để cho nó gáy. Mấy khi vớ dược con chim mồi tốt như rứa. Ông hãy vì tui cố gắng huấn luyện con chim ni.
- Nếu nó không chịu nghe ta? – Phan Thúc Định hỏi.
Cẩn vẫn giữ nguyên cái cười:
- Thì chỉ có một cách là thịt nó đi. Những con cọp nếu không thuần dưỡng được thì không bao giờ nên giữ chúng trong nhà, càng không nên thả chúng về rừng. Điều chi chứ điều nớ thì tổng thống dạy chúng ta không được nương tay. Cứ việc giết càng nhiều càng tốt…
Định hơi lạnh người trước giọng nói thản nhiên của Cẩn. Anh buông một câu đưa đà:
- Vâng, cụ lớn dạy đúng.
Ngô Đình Cẩn đột nhiên hỏi Định:
- Ông có tin rằng thằng ni sẽ chịu khai báo không?
Định thận trọng:
- Thưa cụ lớn, theo tôi, điều này không quan trọng lắm. Bởi vì mục đích của ta khác cơ mà. Vả chăng, có lợi gì cho ta khi nó khai trong số cơ sở của nó cả người của ta?
Ngô Đình Cẩn im lặng. Lát sau, hắn gật đầu:
- Ông nói đúng ý tui. Tôi lo ngại nhứt là nó biết trong hàng ngũ chúng nó ta đã cài được người của ta vào.
- Điếu này thì cụ lớn có thể yên tâm được. – Phan Thúc Định nhìn Cẩn nói với vẻ khẳng định.
Ngô Đình Cẩn không hề nghi ngờ gì cả:
- Răng ông biết?
Phan Thúc Định giải thích:
- Thưa cụ lớn, qua nói chuyện với nó, tôi nhận xét thấy như vậy. Nó rất tin tưởng vào cơ sở của nó nên mới quyết tâm bảo vệ. Ngay đến tôi, nếu cụ lớn không nói rõ việc hắn bị bắt là do người của ta cài vào chỉ điểm thì xin thú thật tôi cũng không tài nào biết được.
Ngô Đình Cẩn lại cười:
- Ông nói có lí. Người của ta vẫn chưa lộ mặt, do đó ta có thể trực tiếp sử dụng tung vào hàng ngũ Việt Cộng để trường kì mai phục… A ha! Chúng nó còn bị nhiều vố nữa. ta sẽ quét sạch sành sanh bọn Cộng sản ở miền Trung. Kế hoạch “GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU” sẽ hoàn tất trước thời hạn ít nhất là một năm!… Thôi, chuyện đó ta còn nhiều thời gian bàn tới. Trước mắt, ông hãy tiếp tục thuyết phục thằng Hồng Nhật cho tui.

°

° °

Trong phòng thẩm vấn lại chỉ còn có hai người ngồi đối diện nhau. Phan Thúc Định đưa thuốc lá mời Hồng Nhật. Hồng Nhật lắc đầu từ chối:

- Cảm ơn, tôi không hút thuốc.
- Đêm qua, ông ngủ có ngon không? – Phan Thúc Định mở đầu câu chuyện.
Hồng Nhật nói trái với sự thật:
- Tôi ngủ rất ngon.
- Ông có suy nghĩ gì về những điều tôi đã trao đổi với ông hôm qua?
- Tôi thấy chẳng có điều gì phải suy nghĩ cả.
- Ông phải suy nghĩ chứ, vì đấy là vấn đề sinh mạng của ông, giữa cái sống và cái chết, giữa chính nghĩa quốc gia và chủ thuyết Cộng sản đã lỗi thời. Một đằng ông được sống sung sướng với người yêu ông, muốn nhà lầu có nhà lầu, muốn xe hơi có xe hơi, muốn đi du lịch Mỹ, Anh, Nhật Bản được đi du lịch Mỹ, Anh, Nhật Bản; một đằng ông sẽ chết tăm tối, đau đớn không ai biết đâu cả. Một đằng ông đứng về phía chúng tôi chung sức chống Cộng, cả thế giới tự do ủng hộ, siêu cường quốc Hoa Kỳ đứng đằng sau, ông muốn làm chức gì trong chính phủ quốc gia chúng tôi cũng sẵn sàng để dành một ghế xứng đáng cho ông hoặc ông không muốn xuất đầu lộ diện, chúng tôi cũng sẵn sàng chiều ý ông để riêng ông ở một nơi nào ông muốn, cung cấp ông đầy đủ các thứ tiện nghi, chỉ yêu cầu ông nói cho chúng tôi những điều gì ông biết, viết một vài điều chúng tôi yêu cầu, thế thôi! Một đằng ông khư khư ôm chủ nghĩa tam vô của ông sang thế giới bên kia và đã sang thế giới bên kia thì cả cuộc đời ông lẫn những điều ông tôn thờ đều vô nghĩa lí hết.
Phan Thúc Định nói rất hùng hồn nhưng đồng thời, anh nhẹ nhàng xoè ra trước mặt Hồng Nhật một mảnh giấy con có viết sẵn mấy chữ: “Nếu anh thấy cần đi bệnh viện, tôi sẽ giúp đỡ”. Vừa đủ để Hồng Nhật đọc xong hàng chữ, Phan Thúc Định đã vê tròn mảnh giấy chỉ còn bằng hạt gạo, cho vào miệng. Hồng Nhật nhớ đến những hàng chữ của “Sông Hương” đêm qua gửi cho anh. Tuy không hiểu được mối liên hệ giữa những hàng chữ đó nhưng Hồng Nhật cũng thăm dò:
- Những điều ông nói chứng tỏ ông chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Cộng sản cả. Những người Cộng sản là những người thực sự yêu nước, yêu nhân dân hơn ai hết…
Phan Thúc Định chặn ngay:
- Chúng tôi không hiểu chủ nghĩa Cộng sản à? Chống lại chủ nghĩa Cộng sản mà chúng tôi không tìm hiểu, không nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản thì chúng tôi chống lại làm sao được? Tôi đã đọc rất nhiều sách của Các Mác, của Lênin. Tôi sẵn sàng tranh luận với ông.
Hồng Nhật lắc đầu:
- Vô ích! Với nhưng người như các ông, tranh luận cũng vô ích. Tôi thấy cũng mệt mỏi lắm rồi.
Phan Thúc Định đón ngay lấy lời Hồng Nhật:
- Nếu ông thấy mỏi mệt, cần đi nghỉ ngơi, an dưỡng ít ngày để suy nghĩ, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp thuận để ông đi an dưỡng ít ngày. Ông sẽ thấy chính nghĩa quốc gia sáng ngời.
Hồng Nhật gật đầu:
- Tôi cũng thấy cần được chữa bệnh…

°

° °

Ngay chiều hôm đó, Hồng Nhật được chuyển đi bệnh viện. Khi Phan Thúc Định trình bày lại cuộc nói chuyện đó với Ngô Đình Cẩn, nhắc lại ý muốn của Hồng Nhật muốn đi chữa bệnh thì Ngô Đình Cẩn ngẫm nghĩ nói:

- Đây là dấu hiệu của sự nao núng hay kế hoãn binh?
- Thưa cụ lớn, tôi nhận xét thấy hôm nay tôi đặt thẳng điều kiện với nó và doạ nhiều đến cái chết thì nó không gân cổ lên tranh luận với tôi nữa. Nó chống đỡ một cách gượng gạo. Chẳng lẽ nó lại chịu thua ngay. Ai mà chẳng thích sung sướng và sợ chết. Tôi cho là nó nao núng.
Ngô Đình Cẩn nhặt một khẩu (miếng) trầu trong tráp sơn mài đưa vào miệng. Nhai mấy miếng, hắn nói:
- Thế thì ta phải tấn công nó liên tiếp. Phải cho nó đi khám bệnh viện và an dưỡng để biểu thị lòng nhân đạo của ta. Ông cần gặp ông bác sĩ giám đốc bệnh viện nhân danh tui, báo cho ông ấy khám bệnh, săn sóc nó cẩn thận.
Phan Thúc Định băn khoăn hỏi:
- Nhưng còn việc canh gác nó thì cụ lớn định như thế nào? Hay là ta bảo bác sĩ đến khám bệnh cho nó tại nhà giam?
Ngô Đình Cẩn cười thâm hiểm:
- Không được! Như thế còn chi là chánh nghĩa quốc gia nữa! Ông lo xa như rứa là tốt nhưng tui đã có cách…
Theo lệnh của Cẩn, gã bác sĩ giám đốc bệnh viện Trung ương dẫn Hồng Nhật đến ở riêng một buồng khoảng mười sáu mét vuông, trên gác cao, có phòng vệ sinh ngay bên. Anh nhìn đỗ đạc trong gian buồng: một cái giường cá nhân đệm lò xo có khăn trải giường và gối trắng tinh. Một cái bàn con đầu giường trên để lọ hoa có cắm mấy bông hồng, ngăn dưới để mấy cuốn vừa tiểu thuyết lãng mạn khiêu dâm, vừa tiểu thuyết chống Cộng. Một cái bàn thấp và hai chiếc ghế khung đuyra, đệm da, ở giữa nhà để tiếp khách. Trên bàn để một số hoạ báo và mấy tờ báo hàng ngày. Một cái tủ con ở góc buồng đựng các thứ lặt vặt. Nói chung, gian buồng không có một chút gì gợi lên không khí bệnh viện mà chỉ gợi lên một cuộc sống tiện nghi, êm ấm hạnh phúc. Hồng Nhật cầm mấy tờ hoạ báo để trên bàn lên. Đó là mấy tờ hoạ báo vừa bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng Pháp, kích động những thú tính nhục dục thấp hèn, với những tấm ảnh trai gái khoả thân trắng trợn: những “Playboy”, “Vivre d'abord”… Anh không mở ra xem những trang bên trong, đặt nguyên chúng ở chỗ cũ. Anh nhặt mấy quyển sách ở các bàn đầu giường thấy những nhan đề “Mười năm tình hận”, “Em chỉ biết yêu”, “Vòng tay em”… và một quyển sách dịch dày cộm của một tên phản bội nước ngoài do cơ quan thông tin Mỹ in, nhan đề “Tôi chọn tự do”. Anh lại mỉm cười đặt nguyên chúng vào chỗ cũ. “Những đồ rẻ tiền, thô bỉ của một âm mưu thô bỉ, sản phẩm của những đầu óc thô bỉ” – Anh nghĩ thầm như vậy.
Anh mở cửa buồng ra vào, ngó ra ngoài. Mắt anh đụng phải một tên mặc thường phục, sơ mi bỏ ra ngoài quần, sùm sụp cặp kính đen trên mặt, bắc một chiếc ghế ngồi khoanh tay dựa tường đối diện trước cửa buồng anh. Thấy anh mở cửa nhìn, hắn giơ tay ra hiệu cho anh đóng cửa lại. Anh ra phía cửa sổ nhìn: cửa sổ gác cao, không có một đường gờ của tường, không gần một đường ống máng hoặc dây thu lôi. “Đây cũng là một cái buồng giam hiện đại. – Anh lại nghĩ thêm – Mặc xác chúng, ta hãy nằm nghỉ một chút đã. Lại bước vào một cuộc chiến đấu mới đây!”. Anh nằm dài trên chiếc giường nệm trắng.
Lát sau, có tiếng gõ cửa, Hồng Nhật không buồn dậy, nói:
- Cứ vào!
Cánh cửa từ từ hé mở và Hồng Nhật vội vàng ngồi nhỏm dậy: một cô gái mặc áo bờ-lu trắng bưng một khay trên có một cốc nước cam vắt xô-đa, một hộp thuốc lá “ba số năm” bước vào. Cô gái khoảng hai mươi tư tuổi, người lẳn, ngực to, tóc cắt cao, mặt tròn, môi cũng tròn tô màu đậm, mặc chiếc áo bờ-lu mỏng và ngắn, trông rõ những đường nịt bên trong, mang theo vào buồng một mùi nước hoa thơm phức ngầy ngật, quyến rũ. Cô ta nhoẻn miệng cười:
- Chào anh.
Hồng Nhật hơi lúng túng:
- Không dám! Chào cô.
Cô ta đặt khay nước xuống bàn, tự giới thiệu:
- Em là Bạch Lan, y tá của bệnh viện, được bác sĩ giám đốc cử xuống đây săn sóc anh. Em mong rằng những ngày ở đây anh được hoàn toàn như ý. Mời anh xơi nước.
- Cảm ơn cô.
Mắt cô ta nhìn Hồng Nhật đăm đăm, khêu gợi, giọng cô ta nhỏ nhẹ:
- Trong ăn uống cũng như sinh hoạt, em chưa hiểu rõ được hết mọi sở thích của anh. Anh thích gì, anh cứ nói để em biết, em chiều… anh.
Hồng Nhật cảnh giác:
- Cảm ơn cô. Tôi thấy không cần gì cả. Tôi chỉ muốn được yên ổn, không ai quấy rầy.
Cô gái vẫn nhìn anh, nhoẻn miệng cười:
- Có gì mà quấy rầy. Đó là nhiệm vụ của em. Đối với em, làm cho người khác bằng lòng, sung sướng cũng là một điều hạnh phúc chứ!
Giọng Hồng Nhặt lạnh lùng:
- Không phải thế, tôi muốn nói là tôi không muốn ai quấy rầy tôi cả.
Cô gái làm như không có gì xảy ra, nét mặt vẫn tươi tỉnh:
- À ra thế! Em xin lỗi anh nhé! Ở đầu giường anh nằm có một nút điện bấm. Bất cứ lúc nào anh cần đến em, dù là ngày hay đêm, anh chỉ bấm khẽ một cái là em xin có mặt hầu anh ngay. Chỉ một cái bấm nút nhẹ thôi mà…
- Tôi không cần gì cả – Hồng Nhật nhìn thẳng vào mặt cô ta đáp.
Cô gái đưa tay vuốt mấy sợi tóc xoà xuống trán, õng ẹo bước lại phía đầu giường Hồng Nhật. Cô ta cúi xuống lọ hoa:
- Những bông bông đẹp quá, anh nhỉ!
Khi cô ta cúi xuống, chiếc bờ-lu trắng phía sau chỉ thắt hờ có một giải vải, phanh ra, lộ cả tấm lưng trắng nuột của cô ta suốt từ cổ đến chiếc cặp quần thun mỏng trước mắt Hồng Nhật. Mùi nước hoa đắt tiền càng ngầy ngật, quyến rũ. Cô ta vẫn cúi như thế xuống mấy bông hồng, nói:
- Anh đừng xưng hô với em như vừa rồi! Anh chưa hiểu em đấy thôi, em rất yêu mến, kính phục những người yêu nước.
Hồng Nhật đứng lên, đi ra phía cửa sổ, nói xẵng giọng:
- Nếu cô là người yêu nước thực sự, cô hãy tham gia vào các cuộc đấu tranh của đồng bào chống bọn cướp nước và bán nước. Những người yêu nước hiện nay không thiếu gì việc phải làm. Nhưng nếu tôi không lầm thì cô đóng vai y tá này có dụng ý ngược với những điều cô nói…
Cô gái quay phắt lại, mắt thoáng rực lên long lanh nhưng ánh mắt ấy lại dịu xuống ngay phối hợp với nụ cười gượng gạo trên môi cô ta:
- Anh hiểu lầm em rồi! Em có làm gì đâu mà anh hiểu lầm…
Giọng Hồng Nhật vẫn lạnh lùng:
- Nếu cô còn đôi chút lương tâm, còn phần nào tinh thần dân tộc và lòng tự trọng trong người, tôi kêu gọi cô thức tỉnh.
Cô gái hất mớ tóc xoà che nửa bên mặt của cô ta ra phía sau, giữ nguyên nụ cười diễn viên:
- Anh quá lời. Lúc khác em sẽ nói chuyện với anh. Em xin nhắc lại: bất cứ lúc nào anh cần đến em, anh cứ bấm nút điện, em có mặt ngay. Chốc nữa, em sẽ mang cơm lên cho anh. Thôi, anh nghỉ nhé.
Cô ta õng ẹo bước ra. Mảng lưng trần thấp thoáng ẩn hiện sau hai mảnh áo bờ-lu trắng.
Cô ta khép cửa buồng Hồng Nhật lại. Gã đeo kính đen ngồi chiếc ghế ngoài hành lang hất hàm ra hiệu hỏi cô ta. Cô ta bĩu đôi môi tô đậm, nhún vai, lắc đầu.
Buổi trưa
Bệnh viện hoàn toàn im lặng.
Trước cửa buồng Hồng Nhật, gã đeo kính đen khoanh tay lim dim như một con mèo không biết là ngủ thật hay ngủ giả. Trong buồng, cô “y tá” Bạch Lan đang õng ẹo với Hồng Nhật:
- Trưa nay đến phiên em trực. Em lên mượn anh mấy số hoạ báo xem.
Hồng Nhật bực mình:
- Cô có thể mang cả sách báo ở đây ra được. Tôi không bao giờ đọc đến những tờ lá cải rẻ tiền đó đâu.
Mắt cô ta tròn xoe nhìn Hồng Nhật:
- Ô hay! Những tờ báo có ảnh đẹp như thế này mà anh không thích à? Mỗi bức ảnh đều có thể “xu-ve” (57) để treo tường được.
Cô ta mở rộng trang báo có ảnh một cô gái đứng, hai tay chắp sau gáy, khoả thân, rõ từng bộ phận trên cơ thể trắng nuột:
- Anh xem: những cái “co” (58) có “xếch-ơp-pin” (59) không?
Hồng Nhật cau mày, khó chịu:
- Đây là những con đĩ!
Cô gái gấp trang báo lại:
- Sao anh nặng lời thế?
Hồng Nhật vẫn không thay đổi thái độ:
- Cô thấy không đúng ư? Những cô gái tử tế, tự trọng có ai đứng trần truồng như thế để người ta chụp ảnh in lên báo không?
Và anh tìm cách đuổi cô ta ra:
- Tôi đề nghị cô để cho tôi nghỉ trưa một lúc.
Cô gái ngồi xuống ghế.
- Vâng, anh cứ nghỉ trưa, em có… động chạm gì đến anh đâu. Em chỉ ngồi nhờ đây xem sách báo thôi. Ở dưới phòng trực buồn quá!
Cô ta ngả người vào ghế, ưỡn cao bộ ngực căng tròn lên, duỗi dài đôi chân ẩn hiện sau chiếc quần lụa mỏng ra, mở rộng tờ báo ảnh trước mặt. Hồng Nhật không cần giữ lịch sự nữa, nói thẳng:
- Cô nên đi ra thì hơn. Tôi không muốn có mặt một người con gái trong buồng tôi lúc buổi trưa này…
Giữa lúc đó, bên ngoài có tiếng giày bước lên cầu thang. Gã mật vụ gác cửa buồng đã như con mèo thấy động, đang thiu thiu vểnh ngay tai lên, mắt mở to sau cặp kính mát, tay đặt vào khẩu súng ngắn giấu sau chiếc áo bỏ ngoài quần. Đầu hành lang, xuất hiện một viên trung uý dẫn theo ba người lính quân cảnh, súng đầy đủ, bước tới. Gã mật vụ yên tâm, tuy mắt vẫn theo dõi bốn người bước lên nhưng tay đã buông rời khẩu súng ngắn, khoanh lại với nhau trước ngực, ngồi thẳng người.
Viên trung uý quân cảnh đến trước mặt gã mật vụ hất hàm hỏi:
- Thằng Hồng Nhật ở trong buồng này phải không?
Gã mật vụ đứng dậy lúng túng:
- Thưa trung uý, tôi được lệnh của cậu…
Khẩu súng ngắn của viên trung uý đã chĩa ngay vào ngực gã:
- Đây là lệnh: Phải dẫn tên Hồng Nhật đi ngay…
Gã mật vụ chưa biết nên đối xử ra sao thì đã thấy ba người lính quân cảnh lực lưỡng cũng đặt tay vào bao súng của họ. Gã luống cuống:
- Vâng, vâng… tôi xin đưa trung uý vào…
Một người lính quân cảnh sờ vào cạnh sườn gã, tước ngay khẩu súng ngắn.
Gã mật vụ đi về phía cửa buồng Hồng Nhật. Bốn người quân cảnh đi theo. Đằng sau cặp kính đen, đôi mắt gian giảo của gã đảo rất nhanh ra chung quanh. Vừa gõ cửa buồng, gã đã nhanh như cắt gập người xuống, bằng một thế võ Nhật, hất ngã người lính quân cảnh đứng ngay cạnh và đoạt ngay được khẩu súng ngắn của anh ta. Nhưng, cũng ngay lúc ấy, viên trung uý đã đảo thế đứng, thẳng tay chặt một cái không thương tiếc trúng gáy gã mật vụ. Gã gục xuống như tàu lá chuối bị phát lìa thân, không kịp kêu lên một tiếng. Hai người lính quân cảnh xốc nách gã mở cửa buồng, ném gã vào bên trong.
Cả Hồng Nhật lẫn cô ả Bạch Lan ở trong đều ngạc nhiên nhìn mấy người quân cảnh quăng gã mật vụ vào trong buồng và đóng ngay cửa buồng lại. Cô “y tá” đang tròn mắt, tròn miệng nhìn không hiểu sự việc ra sao thì một người lính quân cảnh liền ấn chiếc khăn tay vào miệng cô ta, nhanh nhẹn trói chặt cô ta vào chiếc ghế cô ta đang ngồi, nói:
- Xin lỗi cô nhé! Thế này là không được lịch sự với phụ nữ, nhưng cô hiểu cho, chúng tôi không có cách nào khác. Chốc nữa sẽ có người đến cởi cho cô…
Qua phút ngạc nhiên đầu tiên, Hồng Nhật nhận ra viên trung uý quân cảnh, suýt reo lên “anh Trần Mai” nhưng anh chợt nhớ ra mình đang đứng ở đâu, nên kìm ngay được. Anh lao ra ôm chầm lấy Trần Mai, ôm lấy mấy người nguỵ trang trong bộ quần áo lính quân cảnh, kêu lên mấy tiếng thân thiết, xúc động:
- Các đồng chí!
Mấy người cùng mỉm cười. Trần Mai giục:
- Thôi, sẽ nói chuyện sau. Bây giờ chúng ta phải hành động hết sức nhanh.
Theo lệnh của Trần Mai, mấy người nhét khăn vào miệng gã mật vụ đang nằm ngất dưới sàn, trói chặt chân tay gã. Họ kéo nhau ra, sau khi đóng chặt cửa buồng lại.
Từ trên gác bước xuống, ai gặp cũng không thể nghi ngờ được: viên trung uý quân cảnh đi đầu, Hồng Nhật đi giữa, ba người lính quân cảnh đi sau. Tránh đi là hay nhất, kẻo lại dễ mua vạ vào mình. Những vụ bắt bớ, áp giải như thế thường xảy ra luôn, ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào.
Họ ung dung đi qua phòng thường trực. Ở đó, một người lính quân cảnh nữa đang đứng đợi. Trước khi lên buồng Hồng Nhật, họ cũng phải dùng cả mưu lẫn sức trói một tên mật vụ nữa lảng vảng ở dưới sân và người thường trực nhốt vào một góc phòng thường trực, cắt đường dây điện thoại, để lại một người đứng gác ở đó.
Ngoài ven đường, trước cửa bệnh viện, một chiếc xe hơi du lịch nằm chờ. Sáu người lên xe. Trần Mai cầm tay lái. Chiếc xe rú máy, nhanh chóng nuốt đường, phóng về phía cầu An Cựu rồi biến mất.