(Mao: The Unknown Story)
Chương 40-45

Chương 40
Khi Mao đã hoàn toàn đập nát mọi ý đồ chống Mao từ trong đảng cũng như của giới trí thức, Mao hãnh diện tuyên bố là kế hoạch kỹ nghệ hoá Trung Quốc (TQ), đưa TQ lên hàng siêu cường có thể được rút ngắn lại, thay vì 15 năm, nó có thể thành công trong 8 năm, 7 năm, hoặc 5 năm, mà cũng có thể chỉ 3 năm. Vì thế tháng 5 năm 1958 Mao phát động phong trào “Bước tiến nhảy vọt”.
Dân TQ được Mao cho biết là “bước tiến nhảy vọt” này sẽ đưa TQ qua mặt các cường quốc kinh tế tư bản trong một thời gian ngắn. Mao không che giấu ý đồ muốn thôn tính toàn thế giới. Người dân TQ vì thế bị động viên làm việc ngày đêm cho mau đạt được mục đích này. Bộ máy tuyên truyền của Mao không ngớt rầm rộ đưa tin là hợp tác xã Sputnik ở tỉnh Henan trồng được 1,8 tấn thóc mỗi sào đất (bằng 1/6 mẫu), gấp 10 lần các nơi khác. Ðây là một con số khó tin. Ngày 4 tháng 8 Mao công khai tuyên bố đã đến lúc TQ phải nghĩ đến cách giải quyết số gạo dư thừa. Ðây là một chuyện khó tin thứ hai, vì chỉ mới 6 tháng trước TQ còn bị thiếu gạo. Tháng 9 tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Quảng tây gặt được 70 tấn thóc trên một mảnh đất nhỏ bằng 1/5 mẫu. Tất cả những tuyên truyền láo khoét này chỉ nhằm một mục đích là thúc đẩy dân TQ cật lực làm việc, và cho cán bộ đảng tha hồ vơ vét và bóc lột. Thừa biết là dân TQ không có gạo mà ăn, nhưng Mao vẫn kiên trì tuyên truyền bắt cán bộ đảng phải đi tra xét và lục lọi nhà dân cố tìm cho ra chỗ giấu gạo để tịch thu và trừng phạt họ.

Võ Văn Kiệt ký nghị định Số. 207/TTH (11/4/1996) thanh lập khu kinh tế Dung Quất

Mao là tác giả của nhiều công trình hoang tưởng: Trong 4 năm từ 1958 hàng trăm triệu dân công bị khai thác làm đập, hồ chứa nước và kênh đào, mà dụng cụ chỉ là đồ cá nhân như búa, dùi và xẻng. Dân công không những phải dùng dụng cụ của mình mà còn phải mang theo thức ăn, có nơi còn phải tự cất lều lấy mà ở. Dĩ nhiên tai nạn không tránh khỏi. Công trình càng lớn, số người chết càng nhiều. Công trình xây đập ở Hà Nam (Henan) chẳng hạn, vừa xây xong thì vỡ làm chết 85 600 người (con số chính thức). Rất nhiều công trình phải bỏ dở vì lý do không thực tế. (Dịch tới đây người dịch không khỏi không liên tưởng tới những chuyện xảy ra ở Việt Nam (VN) sau 1975, tôi tự hỏi tại sao những người cộng sản (CS) VN vẫn còn hoang tưởng về chủ nghiã CS. Thử hỏi bao nhiêu người dân phải chết oan ức vì chế độ kinh tế mới? Bao nhiêu tài sản quốc gia bị tàn phá qua những kế hoạch hoang tưởng kiểu xây nhà máy làm gạch trong rừng ở tỉnh Thái Bình để rồi nhà máy xây xong, gạch làm xong mà không chuyển ra ngoài được vì không có kế hoạch làm đường? Gần đây là nhà máy lọc dầu Dung Quất, tốn gần 3 tỷ đồng xây xong thì để đó ngó chơi).
Mao cũng là tác giả của một kế hoạch điên khùng: xua đuổi chim két ra khỏi TQ vì chim ăn thóc. Toàn dân TQ bị trưng dụng ra đồng với gậy gộc và liên tục la ó ồn ào để chim không dám đậu xuống, rồi khi mệt quá thì sẽ rớt xuống và bị bắt bởi đám đông. Sau này khi biết rằng chim két ăn thóc nhưng cũng ăn một số sâu bọ nguy hại cho mùa màng, Mao đánh điện cho Toà đại sứ Liên Xô ở Bắc kinh: “Tối mật: Xin gởi ngay cho 200 ngàn chim két”.
Một thất bại to lớn nữa đã hủy diệt hết năng lực của dân TQ là kế hoạch làm thép. Ðể qua mặt Anh quốc trong vòng 3 năm theo ý muốn của Mao, Mao hỏi ông bộ trưởng năng lực: “Chúng ta sản xuất 5 triệu tấn thép năm vừa rồi, chúng ta có khả năng tăng lên gấp đôi năm nay không?”. Dĩ nhiên nói không là chết, ngài bộ trưởng hăng hái gật đầu: “Dạ, có ngay”. Thế là thành chỉ tiêu của Mao cho năm 1958. Các nhà máy làm thép phải hoạt động 24 trên 24 cho tới lúc máy móc hư hỏng mà vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn, Mao liền ra lệnh cho mọi nhà đều phải làm thép: dân chúng phải tình nguyện đem các vật dụng trong nhà bằng thép ra nộp cho các lò nấu được xây dựng sơ sài sau vườn, hàng chục triệu người phải bỏ công việc để đi nấu thép. Kết quả là 6 triệu tấn thép được sản xuất từ những nhà máy thép vườn mà không xử dụng gì được. Một sự lãng phí nhân lực và vật lực khủng khiếp.
Trong số 1,639 công trình quân sự nặng chỉ có 28 công trình hoàn thành. Lần đầu tiên trong lịch sử lòai người TQ đã sản xuất được máy bay mà không cất cánh được, xe tăng không chạy đường thẳng (phanh) được, tàu chiến bị chìm trước khi có thể nổ súng. Mao đem tặng Hồ Chí Minh một chiếc trực thăng mà xưởng sản xuất chỉ dám chở tới biên giới rồi bỏ đó.
Trong phong trào “bước tiến nhảy vọt” Mao cũng cho thành lập rất nhiều công xã mà mục đích chính là để kiểm soát đời tư của người dân. Dân chúng phải sống theo giờ giấc quy định của cán bộ đảng. Ở Henan và một số thí điểm khác, Mao còn phát cho mỗi người một con số và người dân phải mặc áo với con số này trên lưng.
Mao không ngần ngại phá hủy đền chùa, di tích để xây công xưởng. Ở Bắc kinh có 8 ngàn di tích, Mao chỉ muốn để lại 78 cái. Nhiều bức tường cổ kính bị phá hủy, một hồ nước bị lấp, nhưng rất may là lệnh của Mao đã không được thực hiện tới nơi.
Sau 4 năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt”, Lưu Thiếu Kỳ ước tính có tới 38 triệu người chết đói. Thế nhưng TQ đã xuất cảng 7 triệu tấn gạo chỉ trong hai năm 1958-9. Mao ban lệnh cho trồng rau cải trên mộ người chết, vì “người chêt cũng có lợi: xác họ làm thành phân bón”. Người dân không được khóc than cho kẻ chết. Mao chẳng đã từng nói “Chúng ta sẵn sàng hy sinh 300 triệu dân TQ (một nửa dân số) để hoàn thành chủ nghiã Cộng sản” đó sao.
Chương 41
Thống tướng Bành Ðức Hoài (24/10/1898 - 29/11/1974)

Chỉ có một người duy nhất trong Bộ Chính trị đảng CSTQ dám chống lại Mao trong phong trào “Bước tiến nhảy vọt” là Bành Ðức Hoài. Ngay từ năm 1930 Bành đã từng phê phán các đối xử dã man của Mao với các cấp dưới quyền, ông cũng đã thách thức Mao trong vị thế lãnh đạo quân đội trong cuộc “Trường chinh”. Năm 1950 ông chống Mao khi Mao xây dinh thự khắp nơi và tuyển gái đẹp phục vụ Mao. Thế nhưng khi cuộc chiến ở Triều Tiên xảy ra, ông lại là một tay sai đắc lực của Mao khi được giao quyền Tổng tư lệnh quân đội liên quân.
Khi “bước tiến nhảy vọt” được phát động, Bành cùng với khoảng 1400 sĩ quan cao cấp bị Mao bắt phải phê và tự phê liên tục đến độ Bành xin từ chức, nhưng Mao không cho. Mao lại phong Lâm Bưu làm Phó Chủ tịch, đặt Lâm Bưu lên trên Bành.
Bành biết mình không có cách gì ngăn chặn Mao thực hiện bước tiến nhảy vọt nên ông xin đi tham quan Ðông Âu. Ở Ðông Ðức Tổng bí thư đảng CSÐ Ðức Ulbricht cho ông hay là Ðông Ðức đã không còn phải ăn theo khẩu phần nữa, nhờ vào số thực phẩm nhập từ TQ, và ông xin Bành hãy báo lại với Mao cho tăng thêm số thịt xuất khẩu sang Ðông Ðức. Bành ngậm ngùi tiết lộ là những báo cáo về thành công nông nghiệp gần đây của TQ chỉ là báo cáo láo, và TQ đang có nguy cơ chết đói, nhưng những lời nói này không dao động Ulbricht. Các nơi khác Bành đi tới đều chịu chung một số phận: không ai màng tới chuyện TQ sắp bị chết đói. Chặng chót ở Albania, đột nhiên Bành được gặp Khrushchev. Mặc dù không có thông dịch, chắc chắn Bành cũng đã có được một sự hậu thuẫn nào đó từ Khrushchev.
Bành trở về Bắc kinh ngày 13 tháng 6 năm 1959, và mệnh lệnh đầu tiên của ông cho bí thư trưởng quân đội của ông Huang Kecheng là di chuyển một số quân đội để “chuyển gạo tới cứu đói”. Vì mọi cuộc chuyển quân đều phải có sự đồng ý của Mao, nên âm mưu này của Bành bị chận lại. Bành không hề hay rằng mọi hành động của ông ở Ðông Âu đều được theo dõi và báo cáo cho Mao.
Mao cho triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo tại Lư Sơn (Lushan) ngày 2 tháng 7. Ðây là một trung tâm du lịch do Tây phương xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Dưới thời Mao nó được tu sửa lại thành một pháo đài, cư dân quanh vùng bị ép phải bỏ đi để bảo đảm an toàn 100% khi Mao cần tới đây nghỉ mát. Bành muốn nhân cơ hội này tố cáo Mao báo cáo láo về số lượng sản xuất gạo của TQ, và buộc Mao phải có trách nhiệm về kế hoạch chế tạo thép tại gia. Bành cũng âm mưu liên kết với Lạc Phủ để lật Mao nhưng Lạc Phủ từ chối. Bành hoàn toàn không biết là tất cả thành viên trong phiên họp đều một lòng theo Mao. Kẻ tấn công Bành dữ dội nhất là Lâm Bưu.
Kết quả phiên họp: Bành và bí thư trưởng Hoàng Khắc Thành (Huang Kecheng) bị buộc tội chống đảng. Bành bị giam tại gia trong khi thuộc hạ của ông bị những cách trừng phạt khác nhau.
Sau khi thành công thanh trừng Bành, Lâm Bưu càng xiểm nịnh Mao thêm. Ông cho in một quyển sách nhỏ những lời nói chuyện của Mao và phân phát cho binh sĩ bắt học thuộc lòng.
Quyển sách nhỏ này sau này được in phát khắp nước, trở thành một cuốn sách tùy thân cho mọi người dân TQ.
Chương 42
Mao quyết định chiếm Tây Tạng từ năm 1950, khi mới chiếm được TQ. Thế nhưng vì Tây tạng nằm trên núi cao, không thuận tiện cho xe cộ nên Mao phải hòa hoãn trước. Ông thừa nhận vai trò của đức Ðạt Lai Lạt Ma, và hứa hẹn cho Tây Tạng được quyền tự trị, trong khi đó ông cho xây hai con đường dẫn đến Tây Tạng.
Ðầu năm 1956 khi hai con đường này hoàn tất, Mao tấn công Kham, một vùng kế cận với Tây tạng và gặp sự chống đối quyết liệt. Quân chống đối lên tới 60 ngàn người, phần đông là người Tây tạng. Mao biết rằng đây là bài học cho Mao khi chiếm đóng Tây tạng, nên ông ban lệnh ngừng chiến tháng 9 năm đó.
Năm 1958 Mao ban lệnh gia tăng số thực phẩm thu mua, sự chống đối lan rộng khắp nước Tây tạng. Mao ra lệnh cho quân đội đàn áp. Mao viết: “Bọn nổi loạn càng nổ lớn, càng cho ta một lý do chính đáng chiếm đóng Tây tạng”
Ngày 10 tháng 3 năm 1959 phản ứng trước tin đồn Mao dự trù bắt cóc đức Ðạt Lai Lạt Ma, một cuộc biểu tình nổ lớn ở thủ đô Lhasa. Dân chúng bao vây kín dinh thự đức Lạt ma, để bảo vệ ngài. Ngày 17, sau nhiều thuyết phục đức Lạt ma đồng ý bí mật rời bỏ Lhasa và sang tỵ nạn ở Ấn độ sau 15 ngày đi bộ, phần lớn đi ban đêm dưới thời tiết khắc nghiệt để tránh tai mắt lính TQ. Không hay biết là đức Lạt ma đã trốn thoát, đám đông vẫn bao kín dinh thự ngài khi quân đội TQ khai hoả. Ứơc lượng có tới 87 ngàn người Tây tạng bị giết chết, bắt bớ và lưu đày đến các trại lao động cưỡng bức. Ngày hôm sau TQ công bố một văn thư ký tên Chu Ân Lai là cuộc nổi loạn ở Tây tạng đã bị dẹp yên, và chính phủ Tây tạng sẽ do Ban Thiền Lạt Ma lãnh đạo, nhưng thực ra TQ đã chính thức chiếm đóng Tây tạng cho tới ngày nay. (Lời Người Dịch: Ðoạn văn này không có trong sách mà do tôi dịch từ tài liệu phân phát bởi văn phòng đức Ðạt Lai Lạt Ma)
Một chính sách khắc nghiệt được Mao ban hành vì Mao cho rằng dân Tây tạng “ngu dốt, dơ bẩn và vô dụng”. Mao cũng phàn nàn là ở Tây tạng có quá nhiều sư sãi, thiếu người lao động, vì thế Mao ban lệnh đóng cửa tu viện, bắt sư sãi hoàn tục. Trước đó Tây Tạng có 2500 tu viện, tới năm 1961 chỉ còn 70 cái. Mao đóng thuế và thu mua thực phẩm tới mức dân Tây tạng không còn gì để sống. Ngay cả dầu để đốt đèn cũng không có. Người dân Tây tạng chết như rạ, nhiều khi cái chết đến dễ dàng chỉ vì một cơn cảm cúm. người bị chết sau 3 ngày
Chương 43
Tháng 9 năm 1958 một hỏa tiễn của Mỹ bắn đi từ Ðài loan rớt xuống TQ không phát nổ. Khrushchev yêu cầu TQ cho người Nga khám xét hỏa tiễn này. TQ trả lời là họ không tìm được nó. Khrushchev đe doạ sẽ ngưng công trình làm hoả tiễn R-12, chiếc hoả tiễn được tìm thấy ngay, thế nhưng hệ thống hướng dẫn hoả tiễn bay đã bị tháo mất. Ðánh giá là TQ chỉ muốn lợi dụng Liên xô giúp họ chế vũ khí nặng để thống trị thế giới, đích thân Khrushchev ra lệnh làm chậm lại tiến trình chế bom nguyên tử, và ngày 20 tháng 6 năm 1959 thì ngừng hẳn. (Nhưng khi đó TQ đã học và có được phần cơ bản của bom).
Tháng 9 năm đó Khrushchev qua thăm Mỹ. Khrushchev đánh giá là có thể chung sống hoà bình với phương tây. Mao lại đánh giá sách lược mới của Liên xô sẽ là một cơ hội cho TQ lãnh đạo khối Cộng sản, thay Liên xô, trong 8 năm. Ông ban lệnh tiếp tục vắt sữa Liên xô mà đừng cho họ biết ý đồ của mình, trong khi đó phải tuyên truyền chủ nghiã Mao-ít làm khuôn mẫu cho các quốc gia khác.
Ðể truyền bá chủ nghiã Mao-ít Mao phải bưng bít sự thật là dân TQ đang chết đói. Chỉ có cán bộ ngoại giao TQ mới được xuất ngoại. Khi được hỏi bởi lãnh tụ cánh tả Pháp Francois Mitterand (sau này thành tổng thống Pháp) là ở TQ có nạn đói không. Mao lạnh lùng trả lời: “Tôi lập lại một lần nữa, hãy nghe cho rõ: TQ không có nạn đói”. Mitterand tin thật. Ngay cả Pierre Trudeau (sau này là thủ tướng Canada) cũng tin thật. Bản báo cáo của CIA Mỹ cũng viết là “có 1 sự tăng triển rất đáng chú ý về hàng sản xuất của TQ). Con bài Edgar Snow (cùng với hai văn sĩ khác là Han Suyin và Felix Greene) cũng được xử dụng lại để đánh bóng chế độ.
Ðối ngoại, Mao không ngần ngại xử dụng tiền bạc để mua chuộc các chính quyền Cộng sản khác (như Cuba và Albania), cũng như để giúp thành lập các phong trào cộng sản theo Mao ở các quốc gia khác. Sau này một cán bộ tình báo CIA của Mỹ tiết lộ là ông ta khám phá ra một cách rất dễ dàng để xâm nhập TQ là chỉ cần thành lập một đảng Mao-ít, thì ngay lập tức sẽ nhận được viện trợ của Mao và sẽ được mời đi thăm TQ.
Một cuộc hội nghị thượng đỉnh 4 nưóc Mỹ, Anh, Pháp và Nga được triệu tập, dự trù tổ chức tại Paris ngày 16 tháng 5 năm 1960. Mao không được mời. Mao tố cáo Liên xô đi theo chủ nghiã xét lại. (Thế nhưng chỉ hai tuần trước ngày hội nghị, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi ở Nga. Khi Tổng thống Mỹ Eisenhower từ chối xin lỗi, Khrushchev tuyên bố không đi dự hội nghị và vì thế hội nghị tan vỡ.) Ðối lại, Khrushchev hủy bỏ đồng loạt một số công trình lớn Liên xô đang xây dựng cho TQ, mà Mao sau này đổ thừa là làm tê liệt nền kinh tế của TQ khiến gây ra nạn đói ở TQ.
Tháng 10 năm 1962 Khrushchev bí mật gài hoả tiễn có gắn đầu đạn nguyên tử ở Cuba. Khi đó Mao đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh biên giới với Ấn độ nên cả hai lại quay ra ủng hộ nhau. Ngày 20 tháng 10 Mao hạ lệnh tấn công. Quân đội TQ tiến sâu vào lãnh thổ Ấn tới 150 cây số, và sau khi chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình hơn Ấn độ, Mao cho triệt thoái quân về. Ngày 22 tháng 10 Tổng thống Mỹ Kennedy công bố tối hậu thư đòi Khrushchev rút hoả tiễn về và hạ lệnh phong toả bờ biển Cuba. Cả thế giới hồi hộp theo dõi hai cường quốc nguyên tử. Ngày 28 tháng 10 Khrushchev ban lệnh rút hoả tiễn về sau khi Kennedy đồng ý không xâm lăng Cuba. Tháng 7 năm 1963 Khrushchev ký hiệp ước chống thử bom nguyên tử với Anh và Mỹ, nới rộng thêm sự rạn nứt giữa hai quốc gia cộng sản. Mao gia tăng cuộc khẩu chiến: ông mạnh miệng tố cáo Khrushchev là “đồ xét lại”.
Chương 44
Tháng 4 năm 1961 Lưu Thiếu Kỳ có dịp về quê và mắt thấy tai nghe những sự thật đang xảy ra cho người dân TQ do chính sách của “bước tiến nhảy vọt” mà ông góp sức. Ông xin lỗi dân làng, ông nói: “Tôi rất xúc động chứng kiến bà con của tôi đang sống quá cực khổ. Tôi thấy phải có trách nhiệm đã làm cho bà con đau khổ, và tôi xin lỗi”. Khi trở về Bắc kinh ông đã hết sức vận động với Mao để rút chỉ tiêu thu mua gạo của dân xuống, nhờ thế số nạn nhân chết vì đói năm 1961 chỉ còn phân nửa năm trước (dù vẫn còn khoảng gần 12 triệu).
Cũng năm này DCSTQ sẽ có phiên họp đảng nên Mao e sợ sẽ mất phiếu. Mặc dù đã đổ thừa nạn đói xảy ra do cán bộ cấp dưới làm sai, và Liên xô đã góp phần phá hủy kinh tế TQ, Mao phải giả bộ là ông sẽ không ăn thịt nữa, dù thực tế thực đơn của ông vẫn đầy đủ 7 món: hải sản, gà, vịt, heo, cừu, bò và cháo. Dư biết là những trò giả bộ của mình không thể nào giúp ông giữ được ghế chủ tịch, Mao bày ra một kế khác: đại hội đảng sẽ không có bỏ phiếu.
Tháng 1 năm 1962 bảy ngàn đảng viên kéo về Bắc kinh họp đại hội đảng. Mao sắp xếp cho các đảng viên có hai tuần để đọc báo cáo mà trước đó đã được thảo luận ở tổ. Tại cuộc họp tổ, đại biểu nào ương ngạnh muốn đặt vấn đề đều bị đe doạ. Ðại hội sẽ kết thúc với bài nói chuyện sau cùng của Lưu thiếu Kỳ vào ngày bế mạc 27 tháng 12. Mao không ngờ Lưu không đọc bản tổng kết mà Mao đã duyệt trước mà công khai đặt vấn đề dân chúng thiếu ăn, thiếu mặc đều vì chính sách sai lầm của Mao. Ông nói: “Bước tiến nhảy vọt chỉ là một bước thụt lùi vĩ đại”. Ông kêu gọi các đại biểu hãy dũng cảm phân tách bước tiến nhảy vọt, và đặt câu hỏi TQ có nên xóa bỏ công xã và chương trình kỹ nghệ hoá không.
Bài nói chuyện của Lưu được sự đáp ứng nồng hậu của 7 ngàn đảng viên đại biểu. Biết rằng có Lưu Thiếu Kỳ chống lưng, cả 7 ngàn cái miệng hùa nhau kết án chính sách của Mao. Mao hoàn toàn không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy, nhưng Mao biết một mình ông không thể chống lại 7 ngàn người. Bước đầu tiên Mao phải nhượng bộ: Ông cho kéo dài đại hội để cho các đại biểu có thêm thì giờ phát biểu, xổ hết tức giận ra, mà sau đó nơi riêng tư ông gọi là xổ trung tiện ra.
Ngày 29 Lâm Bưu phát biểu. Ông này hết lời bênh vực Mao với luận điệu như “Mao chủ tịch không hề sai”, và “trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta phải gắn bó với Mao Chủ tịch hơn nữa”. Ngay sau đó, không ai còn dám tố cáo Mao trực tiếp nữa. Tuy thế, Mao vẫn phải tự nhận lỗi kiểu chung chung và hủy bỏ chương trình thu mua lúa gạo. Nhờ thế, hàng chục triệu người thoát chết đói.
Ngay sau khi đại hội đảng kết thúc, Mao bay đi Thượng hải để Lưu thiếu Kỳ và phe cánh của ông, Chu Ân Lai, Trần Vân và một ngôi sao đang lên Ðặng Tiểu Bình, đưa ra những thay đổi to lớn cho chính sách của Mao. Những thay đổi như ngưng lại các kế hoạch kỹ nghệ tốn kém như chế tàu ngầm nguyên tử, rút bớt kinh phí từ các cơ xưởng sản xuất vũ khí, tăng gia tài trợ cho các kỹ nghệ thực phẩm. Bọn Lưu cũng cho phục hồi danh dự cho hàng chục triệu người bị Mao kết tội “hữu khuynh” những năm trước.
Trong mấy năm tới Lưu và những người đồng chí cố gắng vãn hồi lại nền kinh tế TQ, trong khi Mao hoạch định một kế hoạch trả thù.
Chương 45
Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức (Zhu De) đón Chu Ân Lai sau chuyến công tác ở Moscow — 11/1964

Một công trình của Mao không bị cắt xén: công trình chế bom nguyên tử. Tháng 4 năm 1964 Mao được biết là quả bom có thể sẽ được hoàn thành vào mùa thu năm ấy, Mao liền thay đổi thái độ với Liên xô. Mao ve vãn Khrushchev bằng những lời lẽ như “TQ vẫn là một thành viên của khối cộng sản”, và “hãy để bọn đế quốc run sợ vì sự đòan kết của chúng ta”. Về mặt an ninh, dù công xưởng chế bom nguyên tử Lop Nor được xây cất trong sa mạc Gobi, hoàn toàn cô lập với bên ngoài và mọi nhân viên đều đã phải ở trong đó không được ra ngoài trong nhiều năm, có người cả 10 năm rồi không được về nhà, Mao vẫn không yên tâm. Ông bí mật cho dời cơ xưởng này tới một địa điểm khác, được xây cất sâu trong núi. Ðiạ điểm mới này tốn hơn 200 tỷ nhân dân tệ, và quy tụ công sức của hơn 4 triệu người.
Vẫn còn một điểm Mao phải quan tâm: Việt nam ở phiá nam TQ. Vào năm 1963 Mỹ có khoảng 15 ngàn cố vấn ở Nam VN. Mao lập luận là Mỹ sẽ không dám tấn công vào lò nguyên tử của TQ nếu Mỹ có quân đông ở VN vì một cuộc tấn công như thế của Mỹ sẽ khiến quân TQ có lý do tràn sang VN giết quân Mỹ đang đóng ở VN. Vì thế Mao khuyến khích Bắc Việt mở rộng cuộc chiến với Mỹ sang Lào và Thái lan, và tăng cường gởi người vào Nam VN. Mao cố vấn Hồ: “Ðừng sợ Mỹ đưa thêm quân. Ngay cả nếu Mỹ xâm lăng Bắc Việt, quân đội TQ sẽ lập tức gởi quân sang, lập lại bài học Triều tiên.” Chu Ân Lai tuyên bố với Tổng thống Nasser của Ai cập: “Nếu Mỹ có thêm quân ở VN chúng tôi sẽ càng vui thêm, vì chúng tôi sẽ có thêm nhiều con tin” Chu cũng tuyên bố với Tổng thống Nyerere của Tanzania: “Bắc kinh sẽ đổ quân vào Bắc Việt ngay khi Mỹ tấn công lò nguyên tử TQ, dù có hay không có sự đồng ý của chính phủ Hà nội”.
Ngày 16 tháng 10 năm 1964 TQ thử trái bom nguyên tử đầu tiên ở lò nguyên tử Lop Nor. Không nói tới những tai hoạ ghê gớm gây ra bởi trái bom cho môi trường chung quanh lò Lop Nor, chỉ kể những chi phí mà TQ đã bỏ ra để chế tạo quả bom này lên tới 4 tỷ Mỹ kim (tiền năm 1957), một số tiền lớn đủ để mua gạo cho toàn dân TQ xử dụng trong hai năm. Số tiền này đủ để cứu sống 38 triệu nhân mạng đã chết vì đói ở TQ. Trái bom của Mao đã gây thiệt hại về nhân mạng gấp 100 lần hai trái bom Mỹ thả xuống Nhật.