Dịch giả: Văn Trọng
Chương 4
GIÁO SƯ ENNOTOV RA ĐI VÀO THẾ GIỚI KỲ LẠ - ĐIỀU BÍ ẨN CỦA CÁI MẠNG NHỆN GIẢN ĐƠN - CUỘC ĐI SĂN ĐẦU TIÊN – ÁO GIÁP VÀ NGỌN GIÁO – CÁI BẪY – IVAN GERMOGNOVICH LÂM NGUY

Giáo sư Enotov đứng trên đỉnh ngọn đồi xanh rờn.
Quần dài trắng của ông lấm đầy nhựa đường và đất sét. Cà vạt lệch sang một bên. Cái mũ nhàu nát hất ra sau gáy để lộ vầng trán ửng đỏ, đẫm mồ hôi. Những mẩu cành khô vướng cả vào bộ râu rậm của ông.
Một tay Ivan Germogennovich xách chiếc hòm gỗ. Tay kia cầm một con sào dài. Đầu con sào buộc một cái khăn tay màu đỏ. Nó bay trong gió như một lá cờ.
- Phù! - Giáo sư thở phì phò, ngó nhìn xung quanh – Có lẽ đúng là ở đây...
Phía dưới chân đồi hồ nước phẳng lặng như đang ngủ yên, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Trên mặt nước biếc xanh im ắng những bông súng rung rinh. Trong đám sậy rậm rạp có tiếng cá quẫy.
Giáo sư đặt cái hòm xuống đất rồi cắm cây sào ở bên cạnh:
- Nào, bắt đầu thôi... - Ivan Germogennovich thở dài, ném cái mũ xuống đất, bắt đầu bứt cỏ bằng cả hai tay.
Sau khi bứt được một ôm to, ông phủ cỏ lên lên cái hòm thật cẩn thận, rồi lại gần cây sào cắm sâu nó thêm, thử lúc lắc nó sang phải sang trái. Cây sào cắm chắc.
- Rất tốt! - Ivan Germogennovich nói.
Ông thò tay vào túi lấy ra một cái lọ có bụng phình. Những giọt màu bạc nổi lên từ dưới đáy lọ đập vào nhau vỡ tan ra
Ivan Germogennovich cởi quần áo ném lên cỏ rồi cầm trong tay cái lọ có chất lỏng màu bạc.
- Từng này chắc là đủ! – Ông nói.
Sau khi đã nhìn xung quanh, ông thở dài buồn bã và ngửa cổ uống cạn một hơi những gì có trong lọ.
- Thế là tốt rồi! – Giáo sư lẩm bẩm nói rồi giang tay ném cái lọ không xuống hồ nước.
Hồi lâu Ivan Germogennovich đứng yên một chỗ, tư lự ngắm nhìn những vòng tròn đuổi nhau tan rộng ra trên mặt nước, ngắm nhìn đôi tay của mình, sau đó bước xuống phía hồ nước và... bỗng như tan biến mất.
Chỗ trước kia có một người to lớn đứng, bây giờ chỉ có một cây sào dài nhô lên đơn độc cùng với lá cờ đỏ, còn ở phía dưới cạnh con sào lăn lóc bộ quần áo nhàu nát, đôi giày có cổ và những chiếc bít tất kẻ sọc.
°
Chuuyện gì đã xảy ra với giáo sư.
Sau khi ông uống hết chỗ chất lỏng, ông đứng yên, nhúc nhích đôi chân trần.
Bỗng nhiên mọi vật xung quanh bắt đầu biến đổi kỳ diệu.
Những cây cỏ cao vút lên trong chớp mắt. Mỗi lá cỏ lớn và phình to ra, mỗi lúc một cao hơn dày hơn mãi.
Chưa đầy môt phút, xung quanh Ivan Germogennovich hiện lên cả một rừng cây rậm rạp đang rì rào.
Nhưng thân cây xanh sáng bóng vây quanh giáo sư từ mọi phía. Mỗi cái cây giống như cây tre khổng lồ.
Cao trên đỉnh ngọn cây, những khóm hoa khổng ồ đủ màu đỏ, vàng, xanh, rung rinh lắc lư, rắc lên khu rừng đám phấn vàng tỏa mùi thơm ngây ngất.
- Đấy mà, đấy mà! - Ivan Germogennovich xoa tay nói – Tôi đã biết mà! Cố nhiên, khu rừng cỏ này gợi nhớ tới khu rừng nhiệt đới.
Trong khu rừng kỳ lạ này không có bóng tối và sự yên tĩnh như rừng thông già. Khu rừng này không giống cánh rừng bạch dương với những lá cây rì rào không ngớt.
Không, đó là khu rừng đặc biệt.
Toàn bộ khu rừng tỏa ánh áng, xanh tươi và chói chang. Những thân cây trần trụi bóng loáng mọc cả trên đồi cao lẫn dưới khe lạch thấp. Trong rừng có những hồ nước xanh và những suối con êm ả róc rách.
Thỉnh thoảng những tiếng xào xạc kỳ lạ phá tan sự tĩnh mịch. Tưởng chừng như ở đâu đây rất gần, những con thú nào đó đang thận trọng rón rén theo sau giáo sư.
Bước đi rất khó khăn, những mũi nhọn của lá làm xây xát thân thể, Ivan Germogennovich chốc chốc lại ngã xuống hố. Mặt trời nung nóng và giáo sư cảm thấy như mình đang dạo chơi trong bếp lò. Nền đất trong rừng giống như bãi chiến trường bị đạn pháo cây nát.
Trong những bụi cây rậm rạp, đây đó có treo những cái lưới nhớp nháp và cần phải rất thận trọng tránh khỏi những cái bẫy đó.
- Công trình của lũ nhện đây! - Ivan Germogennovich lẩm bẩm, lách qua những bụi cây.
Thỉnh thoảng Ivan Germogennovich dừng lại và đứng rất lâu, ngắm nghía với sự hiếu kỳ công trình tinh xảo của người thợ dệt chốn rừng xanh.
Nhưng giáo sư đặc biệt chú ý đến vô số những cái nút, phủ dầy đặc trên mạng nhện.
Cố nhiên Ivan Germogennovich biết rằng không phải cái lưới bắt được côn trùng mà chính là những cái nút, nhỏ xíu nhớp nháp này. Cánh và chân cẳng côn trùng dính chặt vào những cái nút đó tựa như dính vào keo dán gỗ. Lúc đó, côn trùng trở thành miếng mồi ngon của lũ nhện.
Điều này giáo sư biết từ lâu. Nhưng biết là một chuyện nhìn thấy tận mắt là chuyện khác.
Gần một giờ đồng hồ trôi qua mà Ivan Germogennovich hoàn toàn quên mất mình đang ở đâu và thậm chí mình đến đây làm gì. Ông tưởng như đang ngồi trong phòng làm việc, khom mình trên kính hiển vi và trước mắt ông những người quen cũ đang lần lượt đi qua.
Nhưng kính hiển vi thì có nghĩa gì? Lẽ nào qua kính hiển vi thấy được toàn bộ con nhện một lúc?
Cố nhiên là không.
Kính hiển vi cho phép nhìn thấy một cái mắt con nhện hay là bàn chân của nó, những móng vuốt giống như cái lược, hoặc một cái nút của mạng nhện. Còn bây giờ, trước mặt giáo sư nguyên cả một con nhện đang ngồi, to như con bò mộng và có thể đồng thời ngắm nghía cả tám con mắt của nó, hai cặp hàm, tám cái chân cùng những móng vuốt và cái bụng phình to mềm mại.
Nhưng Ivan Germogennovich thích thú hơn cả là con nhện đang sống và đang săn mồi.
Qua kính hiển vi – dù là kính hiển vi hoàn mỹ nhất – cũng không thể trông thấy con nhện bắt mồi như thế nào. Còn bây giờ giáo sư có thể quan sát điều đó từ khoảng cách bằng cái với tay.
Con nhện đang săn mồi. Con ác thú hung dữ khổng lồ ngồi cạnh cái lưới đang giăng ra. Sợi tơ cảnh giới kéo thẳng tới chỗ nó ngồi. Con nhện chờ đợi như một người câu cá ngồi trên bờ.
Nếu sợi chỉ động đậy, nó sẽ nhảy xổ vào con mồi, cắm móng vuốt có chất độc vào nó, giết chết và hút hết máu.
Giáo sư nhìn cái lưới giăng ra quên hết mọi chuyện trên đời.
Đột nhiên trên đầu ông, trong không trung, một con gì vo ve rít lên lao thẳng vào lưới như một viên đạn.
Cái lưới rung lên, nhảy nhót.
- Bị rồi! - Ivan Germogennovich kêu lên – Một con bị rồi.
Một con vật có cánh khổng lồ đang dẫy dụa vùng vẫy trong lưới.
Nó to hơn con nhện một chút, hay ít ra cũng dài hơn con nhện. Những cái cánh trong suốt phủ đầy sợi gân, uốn cong như cánh cung, cố dứt ra khỏi những cái nút mạng nhện nhớp nháp. Nhưng thoát ra khỏi cái lưới đâu có phải dễ. “Con ông vẽ! Đúng rồi. Chính là nó!” - Ivan Germogennovich quả quyết.
Ông bước lại gần cái lưới hơn, húng hắn ho, yên lặng quan sát cuộc chiến đấu của con nhện và con ong vẽ.
Con nhện tì lên những móng vuốt hình răng lược, trượt nhanh trên cái mạng của mình. Nó chạy vòng quanh con ong một lần, hai lần, rồi thận trọng rón rén lại gần từ phía sau.
Con ong vẽ vo ve cái vòi nhọn.
Con nhện nhảy lùi lại, rồi lại bắt đầu quay tròn, chạy vòng quanh con ong. Nhưng chỉ cần nó lại gần con ong là con này cong cái bụng rằn ri chĩa cái vòi nhọn độc ra phía trước.
Con nhện thử tấn công con ong từ phía sau từ bên cạnh sườn, nhưng lần nào cũng gặp phải cái vòi chĩa ra như mũi kiếm.
- Thú vị thật, rất thú vị! – Giáo sư lẩm bẩm vừa theo dõi cuộc chiến đấu của con ong vẽ và con nhện. Cuối cùng sau những mưu toan vô ích, con nhện buộc phải bỏ cuộc chiến đấu với con mồi nguy hiểm. Nó tê tái chạy trên mạng nhện theo những vòng cung lớn. Đồng thời nó rung tấm mạng nhện bắt con ong nhảy lên như trong cái nôi.
Con ong bị quấn vào lưới nhiều hơn nữa, con nhện chạy quanh nó, lần lượt giật đứt những sợi chỉ. Cuối cùng con ong rơi xuống bên bờ một cái lạch sau lôi theo trên mình cả tấm lưới.
Con ong dẫy dụa một cách bất lực, càng bị cuộn rối nhiều hơn. Nó lăn xuống dưới theo sườn dốc làm đất đá rơi theo.
Ivan Germogennovich vui mừng:
- A ha! Tuyệt thật! Vừa khéo có lợi cho ta.
Ông chạy lại gần cái lạch và nhìn xuống phía dưới.
Ở đáy lạch con ong khổng lồ bị trùm trong tấm lưới đang dãy dụa. Nó cong cái thân rằn ri trượt trên mặt đất cố gỡ ra khỏi mạng nhện. Nhưng mạng nhện càng quấn chặt cánh, chân, đầu nó hơn nữa.
Giáo sư chạy theo bờ lạch, lo lắng nhìn xuống chân.
Cuối cùng ông tìm được cái ông muốn – một tảng đá to có góc nhọn.
Giáo sư chắc không dám nhấc tảng đá lên vì nó to hơn ông gấp bội. Nhưng may thay tảng đá treo ngay trên bờ lạch. Chỉ cần lắc mạnh, xô đẩy thì nó rơi thẳng xuống đấy.
Giáo sư tì chắc chân vào đất, bắt đầu lúc lắc tảng đá.
Công việc không phải dễ dàng.
Tảng đá động đậy, lúc lắc như một cái răng sâu. Tuy nhiên vẫn còn rất chắc. Giáo sư thở phì phò như một đầu máy hơi nước.
- Đừng có xạo! Đừng có xạo! – Ông lẩm bẩm dùng vai xô đẩy tảng đá – Mày lúc lắc – tức là mày sẽ rơi.
Chỉ chừng năm phút trước đó thôi, Ivan Germogennovich có thể đẩy tảng đá xuống hố bằng một cái búng tay, nhưng bây giờ chuyện đó không đơn giản thế nữa.
Giáo sư mặt đỏ bừng, thở hồng hộc. Mặt ông ướt đẫm mồ hôi.
- Nghỉ một lát đã! - Ivan Germogennovich thờ phì phò nói, vừa lấy tay vuốt mồ hôi trên mặt.
Ông ngồi xuống tảng đá. Hầu như ngay trên đầu con nhện đang kiến thiết một cái lưới mới. Trên bụng con nhện Ivan Germogennovich nhìn thấy bốn cái mấu phồng lên như những bao da đen đựng đầy rượu.
- Những cái mụn cơm của con nhện! – Giáo sư chợt nhớ ra.
Tuy nhiên bay giờ thật hài hước khi gọi những cái túi ấy là mụn cơm. Mỗi cái mụn cơm đó to hơn đầu giáo sư gấp bội. Ivan Germogennovich không cần kính hiển vi cũng nhìn thấy trên mụn cơm của con nhện hàng trăm những lỗ nhỏ đang nhễu ra những giọt đặt quánh. Chúng giãn dài ra như sợi chỉ, kéo theo sau con nhện rồi xoắn lại ngày thành sợi dây thừng có những nút keo lấp lánh.
Trong một vài phút con nhện đã sửa chữa cái tấm lưới bị rách và lập tức quàng lên nó sợi tơ cảnh giới và cùng với đầu sợi tơ ấy chui vào một nơi hẻo lánh.
Ivan Germogennovich bực mình nói:
- Còn mình, chẳng lẽ không được việc gì sao?
Ông nhỏm dậy, tập trung hết sức lực xô vai vào tảng đá.
- Dô ta nào!
Một cái nẩy.
Lại thêm một cái nẩy nữa.
- Dô ta nào! Dô ta!
Tảng đá đu đưa, treo trên bờ lạch như đang suy nghĩ, rồi đột nhiên rền lên như tiếng sấm, lao thẳng xuống phía dưới làm bốc lên những cột bụi. Khi đám bụi đã tan, Ivan Germogennovich kêu lên sung sướng.
- Hoan hô!
Tảng đá nằm dưới đáy lạch.
Con ong bị đè dưới tảng đá, đang giãy dụa.
Cái bụng rằn ri của nó co ép như cái thân đàn Accordéon.
- Tốt lắm! Rất tốt! - Ivan Germogennovich xoa tay nói.
Không nghĩ ngợi lâu, từ trên bờ vực ông thả chân xuống, bám tay vào rễ cây và các mô đá, bắt đầu thận trọng tụt xuống đáy. Khi Ivan Germogennovich đến được chỗ con ong thì nó đã không còn động đậy nữa. Giáo sư sờ tay, đạp vào nó – con ong vẫn nằm im.
- Thế là được rồi! - Ivan Germogennovich nói, lấy tay sờ thử cây giáo.
Có cây giáo này không phải sợ hãi khi lang thang trong rừng cỏ rậm rạp tìm kiếm Karik và Valia. Trong trường hợp bị tấn công, giáo sư không những có thể tự vệ mà còn có thể phản công lại những con vật nào định ăn thịt ông.
Bây giờ phải lo đến chuyện quần áo. Dù sao ông cũng không định cứ trần truồng thế này đi du lịch trong rừng. Sử dụng mũi giáo một cách khéo léo, Ivan Germogennovich cắt lưới mạng nhện trên mình con ong, bỏ hết những nút nhớp nháp đi, rồi quấn lên mình. Những sợi tơ mềm mại bó chặt lấy thân ông.
Bộ quần áo dĩ nhiên không được đẹp lắm, nhưng được cái rất bền.
“Mình mặc nó khác chi một cái áo giáp” - Ivan Germogennovich nghĩ như vậy, vừa tự ngắm nghía mình từ đầu đến chân.
Giáo vác trên vai, ông phần khởi lên đường, đi vòng tránh những hố sâu, nhảy qua các rãnh nhỏ và các ổ gà.
Từng lúc ông dừng lại chọn đường đi, đứng im một chỗ hồi lâu. Lắng nghe tiếng động của rừng. Đôi khi ông nấp vào sau những thân cây to màu xanh lo ngại nhìn khắp xung quanh.
Những đề phòng ấy không phải là thừa. Trong rừng cỏ rậm đầy nhung nhúc những con quái vật. Những con chuồn chuồn bay trên đầu Ivan Germogennovich gây tiếng động ầm ầm như tiếng gõ vào các tấm sắt. Bây giờ chúng nom giống như những máy bay khổng lồ hơn là giống các côn trùng thông thường.
Những chú cào cào màu anh, to hơn xe ô tô bay qua đỉnh ngọn cây của rừng cỏ.
Những con sâu rằn ri dùng tấm thân đồ sộ của mình rẽ các lùm cây rậm rạp bò đi. Chúng to lớn và gây nên tiếng động ầm ầm đến nỗi giáo sư tưởng như cả một đoàn tàu hỏa chở đầy hàng đang chạy qua.
Thỉnh thoảng những con rết chạy lướt qua, dậm chân thình thịch, bò sát thân mình trên mặt đất. Bất kỳ cái chân nào của nó bây giờ cũng có thể dễ dàng nghiền nát, đè bẹp giáo sư xuống đất.
Thật là xuẩn ngốc nếu quyết định đánh nhau với tất cả sinh vật trong rừng cỏ. Vả lại Ivan Germogennovich không có thì giờ và cũng chẳng thích thú gì chuyện đó.
Ông đi về phía hồ nước đang phản chiếu ánh sáng xanh qua các khe trống của rặng cây. Ông đi từ cây này qua cây khác, thỉnh thoảng lại dừng bước để ngắm cây cỏ hay những bông hoa to như những cái chuông nhà thờ. Ông biết rất rõ tên của các loài hoa. Vào những ngày, lúc giáo sư còn là một người to lớn bình thường, ông có thể dễ dàng gọi tên bất cứ bông hoa nào. Nhưng bây giờ thì chả có bông hoa nào ông dám nói chắc tên gọi của nó.
Bông hoa nào cũng to lớn đến nỗi nhiều bông ông không nhận ra nó nữa. Điều đó làm ông rất thú vị.
- Đây này, thí dụ như bông hoa này chẳng hạn, - Ivan Germogennovich thở dài, ngắm nghĩa một bông hoa hình cầu màu xanh lơ giống như cái tổ cò – Làm sao biết được tên gọi của nó ở thế giới của chúng ta?
Nhưng bây giờ thì ai có thể giải đáp cho giáo sư các câu hỏi của ông?
Trên những đỉnh cao của khu rừng khẽ đung đưa những cái chum màu hồng, những ngôi sao vàng khổng lồ, những quả cầu đỏ, những cái giỏ màu hoa tử đinh hương. Từ trong quả cầu những cái ống màu đỏ tía chĩa ra mọi phía như lông nhím.
Cạnh những bông hoa cỏ ba lá là những cái chuông hoa huệ đang nhảy múa rung rinh trước gió. Chúng tỏa sáng dưới danh mặt trời làm cho mặt đất dưới chân chúng cũng có màu hoa huệ.
- Còn các bạn thì tôi rõ rồi! – Giáo sư vui vẻ nói – Người ta làm cả thơ ca ngợi các bạn nữa mà.
Rồi ông cao giọng ngâm nga:
“Ơi chuông nhỏ của tôi,
Những bông hoa đồng nội...
Sao cứ nhìn tôi mãi,
Màu rực rỡ anh tươi?”
- Nhìn tôi thì xin các bạn cứ việc nhìn - Ivan Germogennovich cười vang – Nhưng nếu một bông rụng rơi xuống đầu tôi thì tôi khó mà sống nổi.
Vừa ngắm nghía một cách hiếu kỳ thế giới mới lạ, Ivan Germogennovich vừa đi lách qua những đám cây của khu rừng cỏ rậm.
Chẳng mấy chốc trước mặt ông hiện ra một hồ nước phẳng lặng mênh mông.
Mặt nước phản chiếu ánh mặt trời như một chiếc gương khổng lồ.
Ivan Germogennovich vừa tư lự vừa nói:
- Chắc chỉ ở đây thôi!
Ông bước ra tới bìa rừng.
Một cái rãnh nước hẹp và dài, đầy ắp một thứ nước màu nâu, cắt ngang con đường ông đi.
Ivan Germogennovich lấy đà chạy và nhảy qua cái rãnh dễ dàng, nhưng ngay lúc đó ông cảm thấy đất dưới chân ông trượt đi và lún xuống.
Giáo sư thét lên, quờ quạng đôi chân trên không trung, bay lộn xuống dưới, chui tụt vào một cái hang gì đó tối om.
Rơi xuống tới đáy, Ivan Germogennovich nhanh nhẹn đứng lên nhìn khắp xung quanh.
Trên đầu ông là bầu trời xanh xa tắp.
Ánh sáng yếu ớt soi lên bức vách màu đen, chằng chịt rễ cây. Ngay trước mặt Ivan Germogennovich là lối vào của một con đường hầm ngầm.
Giáo sư khom mình xuống.
Từ trong đường hầm ngầm phả vào mặt ông hơi lạnh ẩm ướt.
- Thế đấy! - Ivan Germogennovich nói.
Ông rời đường hầm ngầm và leo lên bức vách dựng đứng của hang, dùng cả tay lẫn chân bám vào các rễ cây.
Ông đã leo lên được gần tới bờ. Chỉ còn một cái với tay nữa thì mặt trời đã lại rực chiếu trên đầu ông. Nhưng đúng lúc ấy, khi đầu của giáo sư nhô lên miệng hang, ông nhìn thấy ngay sát trước mặt mình cái mõm xấu xí của con quái vật nào đó.
- Xin lỗi! – Giáo sư lịch sự nói và ngay lập tức thụt đầu vào trong vai, lùi trở lại vào hang.
Con quái vật động đậy những cái chân khổng lồ, quay mặt về phía giáo sư và đôi mắt họ giao nhau.
“Bọ hung!” - Ivan Germogennovich suýt nữa kêu lên – “Bọ hung!”
Con bọ hung vần đến hang một quả lê màu xam không lồ, có để vào trong một phòng lớn cũng không lọt, ấy là nếu giả sử cả thế giới chúng ta nhỏ đi như Ivan Germogennovich. Con bọ hung đẩy quả lê, vần nó đến sát bờ hang. Giáo sư chưa kịp nhớ ra tên gọi của bọ hung bằng tiếng latin, thì quả lê khổng lồ đã nút kín miệng hang, che khuất bầu trời.
Trong hang trở nên tối mò.
Giáo sư không sợ vội vàng bò lên theo bức vách, cố hết sức dùng cả vai lẫn đầu đẩy quả lê. Ông cố mở lối thoát ra, nhưng không được kết quả gì.
Quả lê không nhúc nhích.
Ông xô mạnh hơn nữa, nhưng đúng vào lúc đó con bọ hung đè lên quả lê từ phía bên mạnh đến nỗi quả lê nút chặt cái hang lại như cái nút chai.
Giáo sư xô mạnh nhưng chỉ làm cho người ông dội ngược lại xuống phía dưới.
Đất rơi phủ lên đầu ông, một viên đá nhọn đập trúng ngực ông rất đau.
- Chà...! – Giáo sư xuýt xoa.
Ông xoa tay vào chỗ ngực đau định đứng dậy, chợt bỗng cảm thấy không phải chỉ có một mình ông đang ở trong hang tối này.
Giáo sư vội ngoái trông lại.
Phía sau ông một con gì động dậy thận trọng bò lại gần ông.
Ivan Germogennovich sờ tay quanh mình. Ngón tay ông chạm vào cây giáo. Ông cầm chặt lấy nó, nhỏm dậy, dựa lưng vào tường.
“Rô...ộp!” – tiếng lêu răng rắc ở ngay cạnh.
Giáo sư nghe tiếng thở gấp.
Ông hoa cây giáo lên và thét lạc cả giọng:
- Ai, ai đó?