Phúc Âm Của Sự Trầm Luân
Đánh mất sự cứu rỗi, cuộc phiêu lưu vô định

 Nếu có những phi hành gia vũ trụ, thì con đường bay của họ giữa chùm sao Thất nữ có lẽ sẽ không biết đến dải Ngân hà hẻo lánh và sẽ vượt qua rất xa cái mặt trời ngoại vi nhỏ bé mang trong quỹ đạo của nó cái hành tinh quả đất tý hon này của chúng ta.
Như Rôbinsân trên hòn đảo của mình, chúng ta đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu về phía các ngôi sao, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy gì và có lẽ rồi vĩnh viễn cũng chẳng thấy gì. Chúng ta đã hoàn toàn bị bỏ rơi trong vũ trụ.
Vũ trụ mênh mông này chính nó cũng đang đi vào cõi trầm luân. Nó đã sinh ra, thì rồi sẽ chết. Nó đang tự phân hoá với một vận tốc điên cuồng, trong khi những tinh cầu va chạm vào nhau, nổ tung, tan vỡ. Mặt trời của chúng ta đang kế tục hai hoặc ba vừng nhật khác đều đã chết trước đó, và chính nó rồi cũng sẽ tự thiêu cho đến lụi tàn. Tất cả những sinh vật được ném vào đời mặc dù chúng không hề đòi hỏi việc đó, rồi chúng cũng sẽ bị vứt vào sự chết mặc dù đâu muốn thế. Chúng sống giữa cái hư vô ở sau lưng và hư vô trước mặt, vây quanh chúng cũng toàn là hư vô.
Không chỉ có những cá nhân mới bị tiêu vong nhưng sớm muộn rồi loài người, rồi những dấu tích cuối cùng của sự sống và sau đó là trái đất cũng phải tiêu vong. Bản thân vũ trụ cũng đang đi về cõi chết, bất kể theo kiểu tan rã toàn diện hay bằng kiểu nổ ngầm để trở về khởi thuỷ... Từ cái chết của thế giới này có lẽ sẽ sinh ra một thế giới khác, nhưng cái thế giới của chúng ta rồi sẽ phải chết, không có cách gì cứu vãn được. Vũ trụ của chúng ta tất yếu phải mai một. Chúng ta rồi cũng vậy thôi!
Thế giới thuộc về chúng ta này rất mềm yếu từ gốc rễ, hầu như là một thực thể không đặc. Nó ra đời từ một sự kiện ngoài ý muốn, có lẽ từ một sự biến chất của vô tận nếu không phải là nó đã sinh ra từ hư vô. Dù sao đi nữa, cái vật chất mà chúng ta biết được trong vật chất của vũ trụ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, mà vật chất hữu cơ lại chỉ là cái bộ phận cực nhỏ trong cái bộ phận vốn đã cực nhỏ này. Đó là những kết cấu giữa những thực thể vật chất, những nguyên tử, phân tử, tinh thể, sinh vật đã ngưng kết và trở thành hiện thực trong tinh thần chúng ta. Chính những cái đột biến thoát ra từ những kết cấu đó, cuộc sống, ý thức, cái đẹp, tình yêu đã trở thành giá trị đối với chúng ta. Nhưng những đột biến này lại rất mong manh và ngắn ngủi như một đoá hoa tươi đang độ nở, như hào quang của một khuôn mặt, như một thoáng tình yêu.
Sự sống, ý thức, tình yêu, sự thật, sắc đẹp đều chóng tàn. Những sản phẩm tuyệt vời này tất phải đòi hỏi các kết cấu tổ chức, những cơ may hãn hữu và biết bao nguy cơ có thể chết không ngừng chờ đợi nó. Đối với ta, chúng là nền móng mà chính bản thân chúng lại không hề có nền móng. Không có gì có nền móng tuyệt đối được. Chung quy, tất cả đều vô danh và vô hình. Tất cả đều sinh ra trong một hoàn cảnh riêng biệt và tất cả những gì có sinh đều có tử.
Vì thế, những đột biến cuối cùng, những sản phẩm cuối cùng của sự tiến triển, đấy là ý thức và tình yêu, chúng phải được xem như những tiêu chuẩn hàng đầu, những nguyên tắc tối cao.
Nhưng chúng không đạt đến được sự hoàn mỹ, cũng không có được sự bất biến. Tình yêu và ý thức rồi sẽ chết. Không có gì thoát được cái chết. Không có tôn giáo cứu rỗi nào hứa hẹn cho riêng ai một sự bất tử. Không có sự cứu rỗi trên trái đất như tôn giáo cộng sản đã từng hứa, nghĩa là một giải pháp xã hội ở đó đời sống của từng người và của tất cả sẽ được giải phóng khỏi khổ nạn, khỏi những thăng trầm và những bi kịch. Cần phải từ bỏ một cách hoàn toàn, triệt để và vĩnh viễn sự cứu rỗi này.
Đối với những hứa hẹn không giới hạn chúng ta cũng cần phải chối bỏ như vậy. Chủ nghĩa nhân văn tây phương cổ động chúng ta đi chinh phục thiên nhiên không giới hạn. Quy luật tiến bộ bảo đảm với chúng ta rằng việc này có thể theo đuổi đến vô hạn. Không có một giới hạn nào cho sự tăng trưởng kinh tế, cho trí tuệ con người, cho lý trí. Con người đã trở thành một thứ vô giới hạn riêng cho chính mình.
Ngày hôm nay chúng ta có thể vứt bỏ những thứ vô hạn giả dối ấy đi và ý thức lại về cái tính hữu hạn không thể nào thay đổi được của mình. Như Gadamer (Ga-đa-me) đã nói: "Đừng tiếp tục suy nghĩ về tính hữu hạn như một hạn chế mà ở đó cái ước muốn được trở thành vô hạn của chúng ta đã lụi tàn, (nhưng) nhìn nhận một cách thiết thực tính hữu hạn này như một quy luật cơ bản đích thực của cái thử tại (nghiệp) ".
Cái vô hạn đích thực này ở bên ngoài lý tính, ngoài cả sự hiểu biết và quyền lực con người. Biết đâu nó đã xuyên qua toàn thân chúng ta một cách vô hình và chúng ta chỉ cảm thấy được nó qua thơ ca và âm nhạc?
Cùng một lúc với ý thức về cái hữu hạn, chúng ta từ đây còn có thể ý thức được về chính sự vô ý thức của chúng ta, nhận thức được sự vô tri của mình: từ đây chúng ta có thể biết rằng chúng ta đang làm một cuộc phiêu lưu chưa biết về đâu. Với lòng tin vào một khoa học ngụy tạo, chúng ta đã tưởng chúng ta biết được ý nghĩa của lịch sử nhân loại. Nhưng từ buổi bình minh của loài người, của các thời kỳ lịch sử, chúng ta đã đi vào cuộc phiêu lưu vô định này và chưa bao giờ chúng ta dấn thân sâu vào nó như hôm nay. Cái dòng chẩy của lịch sử thời kỳ toàn cầu đã xa rời quỹ đạo tuần hoàn của văn minh truyền thống để rơi vào một tiến trình càng ngày càng bất định.
Chúng ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ xẩy ra, đó là cái mà những tôn giáo cứu rỗi dù thiên đường hay trần thế tưởng đã có thể xoá nhoà: "Những người Bôn-sê-vích đã không muốn hoặc không thể hiểu rằng con người là một sinh vật mềm yếu và không chắc chắn, nó hoàn thành một sự nghiệp không chắc chắn trong một thế giới không chắc chắn"(1).
Chúng ta cần hiểu rằng sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới vật lý (và sự hiện hữu của chính cái thế giới vật lý này) đều phải trả bằng giá của sự suy thoái, hao mòn, đổ nát chưa từng có; rằng sự hiện hữu của sự sống phải trả với giá của những đau khổ phi thường; rằng tất cả các niềm vui và hạnh phúc con người đã và sẽ còn phải trả bằng những hư hao, mất mát, điêu tàn và thống khổ.
Chúng ta đang lưu lạc. Chúng ta không phải đang đi trên một con đường được cắm mốc, chúng ta cũng không còn được dẫn dắt từ xa bởi định luật tiến bộ, chúng ta cũng không có đấng cứu thế mà cũng không có sự cứu rỗi nào, chúng ta đi trong đêm và sương mù. Không phải đi vật vờ trong may rủi, tuy rằng vẫn có phiêu bạt và may rủi, chúng ta cũng có thể có những ý tưởng dẫn đường, những giá trị ưu việt, một chiến lược càng ngày càng biến đổi đến hoàn thiện. Đấy không chỉ là bước tiến về lò sát sinh. Chúng ta được đẩy về phía trước bởi những nguyện vọng của chúng ta, chúng ta lại đầy ý chí và khí phách. Con đường phía trước tràn trề hy vọng. Nhưng là một hy vọng chẳng có được phần thưởng cuối cùng nào; vì vậy niềm hy vọng này đang bơi trên một đại dương mênh mông của thất vọng.
Sự phiêu bạt này tất yếu thuộc về nhân gian, nghĩa là thuộc về số mệnh quả đất. Nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng một sự tìm tòi về các thế giới bên kia. Đó không phải là những cái "bên kia" ở bên ngoài thế giới, mà là những cái "bên kia" của thời này, đất này, những cái "bên kia" của sự khốn cùng và bất hạnh, những cái "bên kia" xa lạ của riêng chính cuộc phiêu lưu không biết về đâu này.
Chính qua sự phiêu bạt này mà lịch sử nhân loại được thể hiện. Nó giúp con người phục hồi được giá trị của những phút giây chân chính, đầy thi tứ, xuất thần của cuộc sống, đồng thời nó cũng giúp con người xem nhẹ được phần nào những ý nghĩa về mục đích và phương pháp giải quyết. Bởi vì bất cứ mục tiêu nào, một khi đạt được, vẫn thúc đẩy con người tìm đến một con đường mới và bất cứ một giải pháp nào rồi cũng mở ra một vấn đề mới. Sự phiêu bạt giúp con người sống một cách trọn vẹn thời gian, không những như một sự liên tục nối liền quá khứ / hiện tại / tương lai mà còn hiểu được nó như sự tìm về nguồn (quá khứ), như hành động (hiện tại) và như khả năng (vươn đến tương lai).
Chúng ta đang ở trong một cuộc phiêu lưu xa lạ. Nỗi lòng bất mãn thôi thúc chúng ta đi sẽ không bao giờ vơi được trong cuộc phiêu lưu này. Chúng ta phải đảm nhận sự bối rối và lo âu, chúng ta phải gánh vác cái "nghiệp" này, cái việc "ở đây mà không hiểu tại sao mình ở đây". Rồi càng ngày sẽ càng có nhiều nguyên nhân gây ra lo sợ và càng ngày càng cần đến sự dấn thân, nhiệt tình, bác ái, những thứ không phải có thể làm tiêu tan, nhưng đẩy lùi nỗi kinh hoàng kia.
Tình yêu là thuốc giải độc, là sự phản công - chứ không phải là sự trả lời nỗi hoảng sợ. Đó là kinh nghiệm thiết thân cơ bản nhất đối với con người, ở đó sự cảm thông, sự hưng phấn tinh thần của bản thân và đối tượng của mình, nếu không bị biến chất bởi lòng ham muốn chiếm hữu, sẽ được thăng hoa. Chúng ta có thể nào giải thoát được cái khối lượng tình yêu to lớn mà các tôn giáo và sự thờ ơ đã làm khô héo, để đem dâng hiến nó không phải cho thần linh mà cho loài người?
Tin tức xấu mà tốt
Nhưng, ngay cả khi sự trầm luân vẫn còn được khắc ghi trong vận mệnh chúng ta.
Đây là cái tin buồn: chúng ta đang bơ vơ, lạc lõng không có cách gì cứu vãn được. Nếu có một thứ phúc âm, nghĩa là một tin mừng, nó phải bắt đầu từ tin buồn này: chúng ta đang bị lạc, nhưng chúng ta có một mái nhà, một căn nhà, một quê hương: cái hành tinh nhỏ này, nơi sự sống đã tạo nên một khu vườn của nó, nơi những con người đã xây dựng tổ ấm của họ và từ nay nhân loại phải nhận nơi này là ngôi nhà chung của tất cả.
Đấy không phải là miền Đất hứa, cũng không phải là thiên đường hạ giới. Đó là quê hương của chúng ta, mảnh đất của cái cộng đồng cùng vận mệnh sinh tử của con người địa cầu. Chúng ta phải vun xới khu vườn địa giới này, nghĩa là chúng ta phải văn minh hoá trái đất.
Phúc âm của những con người lưu lạc và của Quả đất - Quê hương nói với chúng ta rằng: Hãy trở thành anh em, không phải vì như thế chúng ta sẽ được cứu rỗi, nhưng bởi vì chúng ta đang lạc lõng(2). Hãy trở thành anh em để sống một cách chân chính trong cộng đồng cùng vận mệnh sinh tử của chúng ta. Hãy làm anh em bởi vì chúng ta tất cả đều liên đới trong cuộc phiêu lưu vô định này.
Như Albert Cohen (An-be Co-hen) đã nói: "Trong cuộc phiêu lưu đáng sợ này, con người đã sinh ra trong thế gian và cười vui, chạy nhẩy, rồi bỗng nhiên không động đậy nữa. Cái tai họa đang chờ đợi chúng ta đó lại không hề giúp chúng ta trở thành dịu dàng và thương yêu lẫn nhau, thật là một điều không thể tưởng tượng được"(3).
Cái tin buồn thì không có gì là mới: Từ khi tinh thần nhân loại xuất hiện, đã có cái ý thức về vấn đề lạc lõng, nhưng ý thức này đã bị xua đuổi bởi lòng tin vào sự sống còn, rồi bởi niềm hy vọng vào sự cứu rỗi. Tuy nhiên mỗi người đều âm thầm mang ý nghĩ về sự lạc lõng, mỗi người mang nó một phần nào trong sâu thẳm của mình. Còn cái tin vui cũng không có gì là mới: Phúc âm của con người lạc lõng làm sống lại thông điệp về tình thương và lòng trắc ẩn đối với sự trầm luân của hoàng tử Thích-ca-mâu-ni và đối với bài thuyết giáo ở trên núi của Giê-su thành Na-za-rét, nhưng cái chính của tin buồn là không có cứu rỗi bằng che chở / phục sinh của bản thân, cũng không có siêu thoát bằng sự huỷ diệt bản ngã.
Kêu gọi tình nghĩa anh em
Sự kêu gọi tình nghĩa anh em không hạn hẹp trong nội bộ một chủng tộc, một giai cấp, một nhóm người ưu tú hoặc một quốc gia. Nó đến từ những người ở bất cứ nơi nào miễn là họ cảm nhận được nó, nó đến với tất cả cũngy đứng một mình: nó điều chỉnh những luồng nước, không khí, các hoá chất trong đất, có khả năng lọc nước, không khí và giữ cho đất được phì nhiêu (Garczynski).
Tính hợp lý giả tạo, nghĩa là sự hợp lý hoá trừu tượng và đơn chiều đang thắng thế trên mặt đất. Những sự tập trung ruộng đất vội vã, những luống cầy quá sâu và cắt dọc, sự phá rừng, đốn cây không được kiểm soát, sự trải bê-tông đường và việc đô thị hoá chỉ nhắm vào lợi nhuận của diện tích mặt đất; tính chức năng giả tạo trong quy hoạch không hề biết đến những nhu cầu phi số hoá vốn không thể nhận dạng được bằng những bản điều tra (bảng hỏi - ND). Tất cả những điều này đã làm mọc ra những khu ngoại ô đầy nhà tập thể rẻ tiền, những thành phố vừa xây dựng đã vội trở thành những biệt khu buồn thảm, bẩn thỉu, suy đồi, bỏ mặc, phi nhân và đầy tội phạm.
Kết quả là những tai họa nhân loại đã xẩy ra mà những nạn nhân cùng hậu quả không thể nào lường đưọc. Ngoài ra, những tai họa thiên nhiên càng ngày càng trở nên trầm trọng, như tình huống gần đây ở Vaison-la-Romaine (Pháp-lũ lụt lớn-ND).
Khắp nơi và trong hàng chục năm, những chuyên gia, tin chắc rằng họ đang phấn đấu cho tính hợp lý và tiến bộ, đã chỉ xem những tập tục và lo âu của quần chúng là những mê tín dị đoan. Họ đưa ra những giải pháp mạo xưng là hợp lý và như thế vô tình, đã làm nghèo đi khi vẫn tưởng mình làm cho phong phú thêm, đã tàn phá trong khi tưởng mình đang xây dựng. Những kiệt tác đồ sộ nhất của tính hợp lý kỹ thuật quan liêu này đã được thực hiện tại Liên-xô. Ví dụ tại đây những sông lớn đã bị bẻ dòng chẩy để đem tưới những ruộng trồng bông không cây cối, làm cho muối từ đất đi lên, thổ nhưỡng bị kiềm hoá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, đến biển A-ral cũng bị khô. Trình độ sinh thái bị ác hoá này ở Liên-xô so với phương Tây thì nghiêm trọng hơn nhiều, bởi vì ở đó giới quan liêu kỹ thuật không phải chịu áp lực của phản ứng từ những con người, từ các công dân mà dưới mắt họ chỉ là những kẻ dốt nát và đần độn. Nhưng than ôi, sau khi đế quốc sụp đổ, giới lãnh đạo của cái "quốc gia mới" này lại kêu gọi những chuyên gia của các nước tư bản tây phương đến để giúp họ. Những kẻ này lại chủ tâm không biết rằng một nền kinh tế cạnh tranh theo kiểu thị trường cần phải có những thể chế, luật lệ, quy tắc. Đi hàng hai giữa những cải cách kinh tế từng bước nhỏ, không có khả năng biến đổi các cấu trúc, sự khai phóng toàn diện ngay lập tức có thể đưa đến tình cảnh hỗn loạn xã hội.
Những người lãnh đạo mới này đã không thiết lập nổi một chiến lược phức tạp cần thiết như Maurice Allais (Môrítx Ale) - mặc dù là một kinh tế gia trường phái tự do - đã đề nghị: nhằm việc lập kế hoạch để phi kế hoạch hoá những gì đã được kế hoạch hoá và lập chương trình để phi chương trình hoá những gì đã được chương trình hoá.
Trí tuệ bị xé lẻ, giam hãm, máy móc, rời rạc, đơn giản hoá có thể làm tính phức tạp của thế giới vỡ vụn, làm các vấn đề bị chia năm xẻ bẩy, tách rời những gì vốn dính liền nhau, biến thành đơn chiều những gì vốn đa chiều. Đó là một loại trí tuệ cận thị, viễn thị, loạn sắc, chột mắt, thường thường rồi kết cục nó cũng trở thành mù. Nó phá huỷ trong trứng nước tất cả những khả năng lĩnh hội và suy nghĩ, loại trừ tất cả những cơ hội để phán đoán chính xác hay để có một cái nhìn về lâu về dài. Vì thế, khi các vấn đề càng trở thành đa chiều thì con người lại càng thiếu khả năng suy nghĩ một cách đa chiều, khủng hoảng càng phát triển thì sự suy nghĩ về khủng hoảng lại càng bị bỏ lại đằng sau, vấn đề càng trở nên toàn cầu thì càng không ai ngó ngàng đến nó. Không có khả năng tưởng tượng được bối cảnh và tính phức tạp toàn cầu, trí tuệ đui mù chỉ làm cho con người trở thành vô ý thức và vô trách nhiệm. Cái loại trí tuệ này chỉ đưa chúng ta vào cửa tử.
Một trong những khía cạnh của vấn đề toàn cầu là các giải pháp trí tuệ, khoa học, triết học mà người ta thường đem ra dùng lại tự tạo ngay trong chúng những vấn đề trọng đại và khẩn cấp nhất cần được giải quyết như Aurelio Paccei (Ôrêlio Pắcxây) và Daisaku Ikado đã nói: "Phương pháp tiếp cận theo chủ nghĩa rút gọn (réductionnisme) muốn dựa vào một loạt nhân tố duy nhất để giải quyết toàn bộ các vấn đề được đặt ra bởi cuộc khủng hoảng đa dạng mà chúng ta đang lâm vào hiện nay thì không những không phải là một giải pháp mà chính nó là vấn đề vậy".
Cái tư tưởng què quặt tự xưng mình tinh thông và cái lý trí đui mù tự cho mình hợp lý vẫn còn tiếp tục chiếm lĩnh địa vị thống trị.
Phục hồi tính hợp lý để chống sự hợp lý hoá
Cái tư tưởng què quặt và cái trí tuệ đui mù tự cho và tự tin là mình hợp lý. Thật ra, kiểu mẫu mang tính hợp lý mà chúng tuân theo chỉ là thuyết máy móc, thuyết tất định và chúng loại ra ngoài tất cả những mâu thuẫn mà chúng xem là phi lý. Cái mô hình này không phải là hợp lý mà chỉ dùng để hợp lý hoá.
Tính hợp lý thực sự là một cái gì đó rất cởi mở và sẵn sàng đối thoại với cái hiện thực đối kháng với nó. Nó không ngừng đi đi lại lại giữa lôgíc và thực nghiệm, nó là kết quả của sự tranh luận dựa trên tư tưởng chứ không phải là đặc tính của một hệ thống tư tưởng. Cái lý trí mà không biết gì đến những chủ thể, tính chủ quan, tính dễ cảm, cuộc sống chỉ là phi lý.
Cần phải dành một chỗ đứng thích hợp cho thần thoại, tình cảm, tình yêu, sự ăn năn, lại cần phải suy nghĩ về chúng một cách hợp lý. Tính hợp lý thực sự có những giới hạn của lôgíc, của thuyết tất định, thuyết máy móc, nó biết rằng tinh thần con người không thể cái gì cũng thông hiểu, rằng thực tại thì đầy huyền bí. Nó vẫn đàm phán với tính bất hợp lý, cái tối tăm, cái không thể hợp lý hoá được. Nó phải đấu tranh với sự hợp lý hoá tuy có cùng một nguồn gốc với nó, nhưng lại chỉ chất chứa một vài mảnh thực tế trong cái hệ thống chặt chẽ tưởng chừng chứa đựng tất cả. Nó không phải chỉ biết chỉ trích mà còn phải biết tự phê. Người ta nhận biết tính hợp lý thực sự ở khả năng tự biết mình là chưa đủ của nó.
Tính hợp lý không phải là một đặc tính / quyền sở hữu (theo cả hai nghĩa của từ này (3): 1/. Phẩm chất chỉ một vài đầu óc - khoa học, kỹ thuật - có được mà những người khác không có. 2/. Của cải mà những nhà kỹ thuật khoa học là chủ sở hữu)
Để ý thức được những điều này, chúng ta phải rời bỏ ảo tưởng riêng biệt của Tây phương là tin rằng mình làm chủ tính hợp lý và có thói quen phán xét tất cả các nền văn hoá khác trên tiêu chuẩn thành tựu kỹ thuật của mình. Trong tất cả các xã hội, ngay cả cổ sơ, cùng một lúc với những thần thoại, phép phù thuỷ, tôn giáo vẫn có một tính hợp lý trong sự chế tạo các công cụ, trong kỹ xảo săn bắt, sự hiểu biết cây cỏ, súc vật, đất đai. Trong các xã hội hiện đại cũng vẫn thấy hiện diện các thần thoại, ma thuật, tôn giáo, kể cả một thần thoại theo thuyết mệnh trời ngụy trang dưới từ ngữ lý tính và một tôn giáo về sự tiến bộ. Tính hợp lý đầy đủ chính nó không có quan hệ gì với cái lý tính theo thuyết mệnh trời và niềm mê tín dùng để hợp lý hoá sự tiến bộ được bảo đảm. Nó bắt chúng ta suy nghĩ về bản sắc địa cầu của con người trong tất cả tính phức tạp của nó.
Tư duy về bối cảnh và về cái phức tạp
Nếu không có một tư duy có thể kết hợp được những khái niệm rời rạc và những tri thức biệt lập thì không thể nào hiểu được bản sắc con người địa cầu và cái chính trị nhân loại. Những tri thức mới đã giúp chúng ta khám phá ra Quả đất-Quê hương - Quả đất-hệ thống, quả đất thần linh (Terre Gaia), bầu sinh quyển, chỗ đứng của quả đất trong vũ trụ - sẽ không còn ý nghĩa gì nếu chúng bị tách rời khỏi nhau.
Một lần nữa chúng ta cần nhấn mạnh: Quả đất không chỉ là một hành tinh vật lý cộng với một bầu sinh quyển, cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có tính vật lý / sinh vật / nhân loại, nơi đó sự sống là một sự xuất hiện của lịch sử quả đất và con người là một sự xuất hiện của lịch sử sự sống trên mặt đất. Sự liên hệ của con người với tự nhiên không có thể hiểu được bằng quan niệm thu gọn hoặc riêng rẽ.
Con người, cùng một lúc là một hiện tượng tự nhiên và siêu nhiên, nó cần bắt nguồn từ cái tự nhiên vật lý và sống động, nhưng từ đó lại phải vượt lên trên và khác biệt với tự nhiên bằng văn hoá, tư tưởng, ý thức.
Tư tưởng mà xé lẻ và băm ra thành từng mảnh tất cả những gì vốn là một khối thì tự bản chất nó không thể nhìn thấy được cái phức tạp nhân loại và môi trường toàn cầu. Nhưng không phải chỉ cần phất lên lá cờ của tổng thể là đủ mà cần liên kết những thành phần của tổng thể đó trong một sự sắp xếp có tổ chức phức tạp, phải đặt chính cái tổng thể này vào môi trường của nó. Sự cải tạo tư duy cần thiết là làm sao sinh ra được một tư duy chú trọng đến bối cảnh và tính phức tạp.
Tư duy về bối cảnh
Chúng ta phải từ góc độ toàn cầu mà suy nghĩ về chính trị, kinh tế, dân số, sinh thái, về sự bảo tồn các kho báu sinh vật, sinh thái và văn hoá địa phương - ví dụ ở vùng Amadôn thì cùng một lúc phải bảo tồn những văn hoá Anh-điêng và rừng -, những tính đa dạng của động và thực vật, của văn hoá - kết quả kinh nghiệm hàng nghìn năm không thể tách rời khỏi cái tính đa dạng sinh thái v.v...
Nhưng nếu chỉ đơn thuần ghi tên các sự vật và sự kiện lên trên cái "khung" hoặc cái "chân trời" toàn cầu thì vẫn chưa đủ. Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm cái liên hệ khắng khít, tác dụng ngược lẫn nhau giữa tất cả hiện tượng với bối cảnh của chúng và giữa tất cả bối cảnh với bối cảnh toàn cầu nói chung.
Tư duy về tính phức tạp
Cần có một tư duy đồng thời kết hợp những gì rời rạc và biệt lập, tôn trọng cái đa dạng trong khi thừa nhận tính nhất thể, tìm cách phân biệt những phụ thuộc lẫn nhau.
- Cần có một tư duy hoàn toàn triệt để (thâm nhập đến tận gốc rễ của các vấn đề).
- Cần có một tư duy đa chiều.
- Cần có một tư duy có tính tổ chức và tính hệ thống và vì nó bắt đầu phát triển trong những khoa sinh thái học và địa cầu học, cho nên nó phải được suy nghĩ trong mối liên hệ giữa toàn bộ với các thành phần như sau:
Toàn bộ -----> Bộ phận
l<-----------------l
- Cần một tư duy sinh thái hoá, mà thay vì cô lập hoá một mục tiêu nghiên cứu, nó sẽ xem xét mục tiêu này trong / bởi cái liên hệ tự tổ chức sinh thái với môi trường văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, tự nhiên của nó
- Cần một tư duy biết đến khoa sinh thái học hành động và phép biện chứng hành động (4) lại có thể thiết kế một chiến lược cho phép cải tổ, thậm chí bãi bỏ một hành động đã tiến hành.
- Cần một tư duy nhận biết sự chưa hoàn thiện của mình và chịu đàm phán với cái còn mơ hồ, nhất là trong hành động, bởi vì chỉ có thể có hành động trong khi chưa có gì được xác định.
- Cần phải biết đương đầu với những vấn đề chứa đựng nhiều điều không chắc chắn và không đoán trước được, phụ thuộc và phản tác dụng lẫn nhau trên bình diện toàn cầu tương đối nhanh (Francesco di Castries) với những gián đoạn, phi tuyến tính, mất cân bằng, những hình thái "hỗn loạn", rẽ hướng.
Cần phải nắm bắt không chỉ tính phức tạp của những phản tương tác, mà còn phải nắm bắt cả đặc điểm của bức ảnh toàn tức khiến cho không chỉ các bộ phận (cá nhân, dân tộc) được thể hiện ở cái toàn bộ (toàn cầu) mà cả cái toàn bộ cũng được thể hiện ở bên trong từng bộ phận. Đây là điều mà chúng ta đã đề cập ở Chương I.
Cái cá biệt sẽ trở thành trừu tượng khi nó bị tách ra khỏi bối cảnh, cô lập khỏi cái toàn bộ mà nó là thành phần. Cái tổng thể sẽ trở thành trừu tượng khi nó chỉ là một toàn bộ bị tách rời khỏi những thành phần của nó. Tư tưởng có tính phức tạp toàn cầu không ngừng đưa chúng ta đi từ những thành phần đến toàn bộ và từ toàn bộ đến các thành phần. Câu nói này của Pascal có thể đem ra áp dụng đúng từng chữ: "Sự việc gì cũng đều có nguyên nhân và kết quả, đều bị động và chủ động, đều gián tiếp và trực tiếp và tất cả đều kết hợp lại bằng một quan hệ tự nhiên không thể cảm thấy được, cái quan hệ này trói buộc những cái xa rời và khác biệt lại với nhau. Tôi cho rằng không thể nào hiểu được những bộ phận mà không cần biết đến cái toàn bộ cũng như không thể nào biết cái toàn bộ mà không đặc biệt biết đến những bộ phận"(5).
Công thức phức tạp của chính trị nhân loại không chỉ tự hạn chế ở cái "tư duy toàn bộ, hành động cục bộ" mà nó có thể được diễn tả bởi sự đi đôi: "Nghĩ toàn bộ / làm cục bộ, nghĩ cục bộ / làm toàn bộ". Cái tư duy toàn cầu sẽ thôi không để cho cái phổ biến và cái cụ thể, cái chung và cái riêng đối kháng với nhau nữa: Cái phổ quát sẽ trở thành cá biệt - đó là thế giới vũ trụ- và trở thành cái cụ thể - đó là thế giới địa cầu.
Sự thất bại của chủ nghĩa phổ quát trừu tượng dưới mắt nhiều người được xem như sự mất đi của cái phổ quát, sự thất bại của một chủ nghĩa hợp lý ngụy tạo dưới mắt những người theo thuyết hợp lý hoá được xem như một sự bột phát của chủ nghĩa phi lý.
Chắc chắn có khủng hoảng về một chủ nghĩa phổ quát tiến bộ trừu tượng (universalisme progressiste abstrait), nhưng, ngay trong tiến trình mà tất cả đều mang kích thước thế giới và tất cả đều nằm trong cái vũ trụ riêng là vũ trụ chúng ta, rốt cuộc tính phổ quát cụ thể sẽ hiện thân.
Khôi phục tư duy
Trong thế giới chuyên ngành đã không còn chỗ đứng chính thức cho tư duy nữa(6). Có những triết gia, những nhà khoa học đang tư duy, có những người không phải là triết gia hoặc nhà khoa học cũng đang tư duy; nhưng tư duy lại có vẻ như là một hoạt động vụng trộm, không chính thức của khoa học và triết học, trong khi đó khoa học và triết học thật ra phải gánh vác công việc suy nghĩ về con người, về cuộc đời, về thế giới, về hiện thực và cái tư duy này đáng lẽ phải ảnh hưởng ngược lại trên ý thức và định hướng sinh hoạt con người.
Đương nhiên, để cải tạo tư duy cần có một sự cải cách giáo dục (ở các cấp tiểu, trung, đại học). Để có thể cải cách giáo đục lại cần thực hiện được sự cải tạo tư duy. Chắc chắn rằng việc dân chủ hoá quyền suy nghĩ trước tiên đòi hỏi một cuộc cách mạng những phạm thức cho phép một tư tưởng phức tạp có thể tổ chức lại kiến thức và liên kết những tri thức đã bị đóng khung trong các môn học hôm nay.
Một lần nữa chúng ta nhận thấy tính khắng khít của các vấn đề, tính tuần hoàn và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Điều này làm cho sự cải tạo tư duy càng trở nên khó khăn và cùng một lúc lại càng trở nên cần thiết, bởi vì chỉ có một tư duy phức tạp mới có thể nhận thức và xử lý được tính tuần hoàn tùy thuộc lẫn nhau này.
Sự cải tạo tư duy là một vấn đề nhân loại và lịch sử then chốt. Nó bao hàm một cuộc cách mạng còn ghê gớm hơn cả cuộc cách mạng của Cô-péc-níc.
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà những trách nhiệm của tư duy lại đè nặng đến như vậy.
Mà cái tâm điểm của bi kịch cũng nằm trong tư tưởng.
Chú thích:
(1) Cl. Bastien: "Sự so le giữa lôgíc và tri thức", (Le décalage entre logique et connaissance), Courrier du CNRS, 79, Khoa học nhận thức (Sciences Cognitives), 10-1992.
(2) "Ngôn ngữ thực liệu", (La pragmatique linguistique), Courier du CNRS, 79, Khoa học nhận thức. Sách đã dẫn P21
(3) Hai nghĩa chữ une propriété: a)-Bản/phẩm chất, b)-cái gì mà người ta có, sở hữu; quyền sở hữu, tư hữu.
(4) Xem "Những luận chứng cho một phương pháp", Colloque de Cerisy, Ed. du Seuil, 1990.
(5) Tư tưởng(luận), Sách đã dẫn, P91.
(6) Về đặc điểm phức hợp của tư tưởng. Xem E. Morin "Phương pháp luận" Tập 3, "Tri thức của tri thức". Sđd, tr. 182-190