Phần Tư

BÁC RUỘT
LAM CHÂU
Nó lên Hà Nội trước gần một tháng để chuẩn bị thi Đại học. Nó ở nhờ nhà bác ruột. Mấy ngày đầu bình yên, mấy ngày sau bữa cơm nào bác cũng mang chuyện hao cơm, tốn nước, tốn điện... ra chửi con cái. Nó dè dặt mọi điều, tính thời gian bằng giây. Viết thư cho bố mẹ nó bảo: “Bác hết lòng vì con”. Thi xong, nó về. Bác
bảo: “Chỉ ăn không béo trong ra đấy!” Về nhà nhìn thấy mẹ, nó khóc nức nở, mẹ hoảng hốt:
“Con ốm à, sao xanh xao thế này hả con? Khổ thân con tôi”.
QUỲNH CHÂU
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành: “Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!”. Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!” rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
CHO VÀ NHẬN
NGỌC CHI
Chị yêu anh nồng nàn và đằm thắm. Như bao người con gái khác, chị cũng muốn được đón đưa, quan tâm chăm sóc. Nhưng vì anh quá bận rộn, việc gì chị cũng giành làm, tự nhủ sau này mọi thứ sẽ tốt hơn... Lâu dần thành quen. Giờ, anh rảnh rời hơn còn chị thì bắt đầu se lòng khi thấy người ta đưa đón nhau...
LỜI CON TRẺ
NGỌC CHI
Thương tặng Trung Quốc yêu quý của dì
Cu Xệ lên năm. Thông minh và ngộ nghĩnh nên được mọi người rất thích. Tết rồi dành dụm tiền lì xì để mua một cái đầu lân. Chiều mồng một mừng tuổi bà nội về, cu Xệ cầm tờ năm ngàn đưa cho mẹ, nói như thanh minh: “Con nói bà nội đừng cho tiền mà bà nội cứ biểu con lấy hoài”. Ngạc nhiên, dì Ba hỏi: “Sao vậy con?”.
Cu Xệ đáp, vẻ áy náy: “Vì bà nội nghèo khổ lắm, đâu có tiền mà cho...”.
LẼ THƯỜNG
TRẦN CHI
Họ nói chuyện với nhau hàng giờ liền không chán như bao cặp tình nhân đang yêu khác. Gọi điện thoại hẹn chiều gặp cũng mất gần nửa tiếng đồng hồ. Có cảm giác như thời gian không bao giờ đủ cho họ.
Những tưởng hôn nhân sẽ 1à cơ hội họ có thể nói với nhau nhiều hơn... Nào hay, tiếng nói đối với họ giờ đây giống như một thứ của cải có giới hạn mà ngày xưa họ xài quá nhiều rồi...
EM TÔI
NGUYỄN CHIẾN
Lúc tôi còn nhỏ, người ta nói có quạ kêu thì một người rừng láng phải chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng...
Ngày tôi vào Nam nó đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về tôi liệt nửa người. Nó chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn...
Mấy hôm trở trời. Tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu cho tôi nghe, rồi gọi chim phượng hoàng ùa vào nhà cho lộng lẫy.
DẠY
NGUYỄN CHÍNH
Cô chủ nhiệm báo: “Thằng bé lại trốn học”.
Tôi choáng váng: “Mình cho con mọi thứ. Vậy mà...”. Tôi muốn chạy về “dần” cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen.
Ông ta làm thợ nề, có con trai là học sinh giỏi cấp quốc gia. Ông bố đang tắm cho con, ông cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa.
Tôi kể hết về con mình rồi xin một lời góp ý.
Ông lơ đãng hỏi: “Này, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?”
Tôi im lặng, lủi thủi ra về...
ANH HAI
NGUYỄN HÀN CHUNG
Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ. Tí một tay ôm Tèo một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. “Nếu chết cả hai mẹ buồn biết mấy. Thôi em đi, trời cho sống nhớ lo tuổi già của mẹ”.
Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tí rướn người bỏ Tèo vào chum. Em còn quờ quạng một lúc nũa đến khi cái chum chỉ còn là một chấm mờ mới chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng em mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói: “Anh Hai!”.
THƯ
NGUYỂN THỊ CHUNG
Hồi mới cưới nhau, chị thường hay viết thư cho anh, tình cảm nồng nàn, có cả những lá thư không gởi. Thư nào anh cũng đọc thuộc lòng.
Hạnh phúc ngập tràn.
Giờ đây, anh mải mê tối ngày với công việc, ít có thời gian tâm sự cùng chị. Còn chị, vẫn giữ thói quen viết thư cho anh mỗi lần anh đi công tác - những lá thư không gửi. Lần nào cũng vậy, thấy lá thư đặt trên bàn làm việc anh lại cằn nhằn: “Em viết để làm gì, thời gian đâu mà đọc”.
Chị lặng lẽ thở dài và lần sau lại viết - những lá thư không gửi.
XẠO
PHÙNG THÀNH CHỦNG
Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa.
Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình, không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi.
Một bữa, thằng Bòng bảo:
- Nhà tao, thịt cá chẳng ai ăn...
Thằng Còm buột miệng:
- Nhà tao cũng thế!
Thằng Bòng nhìn thằng Còm: “Xạo!”
LẼ ĐỜI
CA DAO
Bà bán quán trước cổng trường qua đời trong một đêm giông gió. Những tưởng đám tang bà sẽ rất ảm đạm và vắng lạnh bởi bà lâu rồi chỉ còn sống một thân một mình. Nhưng lũ trẻ trong trường đã đến tiễn đưa bà, hàng hàng dài sau linh cữu. Ngày xưa, bà bán quà cho chúng, bà hỏi thăm, nhắc nhở chuyện học hành của chúng. Và những buổi chiều tối, bà để chúng ngồi chờ bố mẹ trong cái quán ọp ẹp của bà.
NGÀY XƯA
HUỲNH VĂN DÂN
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm:
“Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa”.
CON TRAI
LINH DIỆU
Bà Nội Sanh mỗi mình Bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.
Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy.
Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài: Phải chi...
Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt, xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hắn. Suốt tuần.
Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo: Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!
CA DAO THƯƠNG MẸ
TRUNG - DUNG
Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát: “... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”... con lại khóc vì thương mẹ.
NGƯỜI CHA
Đ. DŨNG
Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi.
Cũng như những lần rời bến trước, chị ở lại cùng con. Cầm tay anh mà không đưa tiễn.
Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi...
Đã đủ cả: Lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...
Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại nhà. Chị hỏi. Anh cười với chị và con.
- “Anh quên thuốc?”. Nhưng anh mở tủ, lấy bút.
Hôn vợ và con. Anh vội vã rời nhà.
Bão số 5. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con, anh đã nhớ ký...
MẸ TÔI
LĂNG DŨNG
Chiến tranh ác liệt.. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà...
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.
MẸ XƯA
ĐỖ THÀNH DŨNG
Cô rời quán lên xe. Phở ngon... Cô ăn không hết nửa. Xe mới: Nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi “Sao tay chân mẹ run?!” Lại thôi, cô cũng mỏi và đói...!
Giờ đường về không mẹ. Không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió.
VÕ SĨ
DUYẾN
Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm. Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê: kể; đoạt giải nhất karaoke: lại giấu... Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa:
- Tại sao vậy?
- Vì... em... yêu anh. Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống, rồi... khóc.
NGẬM NGÙI
B.X.Đ
Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh - nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách. Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!
NHỚ MẸ
HÀ GIAO
Mẹ người miền Nam, quê mùa, không biết chữ. Thằng nhỏ được cưng, nhóng nhẽo, bướng. Mẹ thường mắng: “Bộ mày là ông Quành, ông Chấm sao mà ngang tàng, hành hạ tao quá”. Nó không hiểu, quậy thêm. Ông ngưng đọc “Sài Gòn năm xưa” của cụ Vương Hồng Sến, thắp nhang vái bàn thờ mẹ:
“Mẹ ơi! Con đã hiểu: ông Hoành, ông Trấm là phó tướng ngang tàng cua ông Lê Văn Khôi. Nhưng con đâu có ngang tàng hành hạ mẹ, con chỉ làm nũng với mẹ thôi mà”.
Hôm qua, ông vừa đúng 70 tuổi.
MẸ VÀ MÁ
T.T.A.H
Chị ở nhà chồng. Nghe mẹ bệnh nặng, tính về chăm mẹ mươi hôm. Mới hai ngày, mẹ bảo chị phải về với chồng con.
Chị xin được việc làm nơi khác, tạm sống xa chồng. Mỗi tuần, thứ bảy, chủ nhật, anh đều đặn ghé thăm.
Má chồng bị té, liệt nửa người. Bây giờ, vừa công tác, vừa chăm má, anh chỉ còn ngày chủ nhật dành cho chị. Vậy mà, một lần về thăm, chị nghe má chồng ca cầm: “Nó chỉ biết có vợ con, ngày chủ nhật đâu chịu về nhà với má”.
NGƯỜI DƯNG
T.T.A.H
Nhà Chỉ một mẹ một con. Con gái lấy chồng, bà bắt rể. Khi cháu ngoại lên bốn, con gái lâm bạo bệnh mà chết, bà coi rể như con trai. Nó đi bước nữa... Những đứa cháu lần lượt ra đời. Thêm người thêm việc, cũng một tay bà lo toan. Nó tính mướn người đỡ đần cho bà… Trong giấc trưa chập chờn bên nôi cháu, bà nghe tiếng “con dâu”. Bây giờ mướn người đâu có dễ, công xá đâu có rẻ. Bà là gì của anh mà anh xót. Bà lắng nghe, nó nói gì... Không! chỉ có tiếng mưa...