LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Nay cầm bút tả đây là người xưa, vậy thì cái người cầm bút tả người xưa đó là ai?
Có kẻ lại đáp rằng:
- Là ta!
Thánh Thán nói:
- Vâng! Là ta! Vậy tôi muốn hỏi: Cái người xưa mà ta cầm bút tả họ đó, họ ở những mười năm, trăm nghìn năm về trước. Nay ta đây cầm bút tả họ, ta có thể biết chắc rằng mười, trăm, nghìn năm về trước, có thật có chuyện đó hay không?
Thưa rằng: Không thể biết được!
- Đã không biết mà nay ta lại cầm bút tỷ mỷ tả họ, vậy thì người xưa ở trong khoảng minh minh có chịu nhận hay không?
Thưa rằng: Người xưa thực chưa từng có chuyện ấy! Mà đến đời xưa thực cũng chưa từng có người ấy nữa! Túng sử đời xưa hoặc giả có người ấy, mà người xưa hoặc giả có chuyện ấy nữa, thế nhưng người xưa đã không hề biết trước rằng sau mười, trăm, nghìn năm lại có ta đây chép chuyện họ, mà bảo cho ta biết; ta lại không có cách gì xuất hồn xuất vía, sống ngược lại mười, trăm, nghìn năm về trước, để hỏi lại người xưa; vậy những chuyện mà ngày nay ta cầm bút tả tỷ mỷ đây, đều là tự ý ta muốn tả, chứ không can dự gì đến người xưa cả. Còn hỏi chi người xưa có chịu nhận hay không!
- Người xưa không nhận thì ai nhận bay giờ?
Ta đã tả thì ta phải nhận.
- Ta đã tả là ta phải nhận, vậy thì trong lúc cầm bút sắp tả, chưa tả, đặt lời lập ý, có thể luộm thuộm được đâu! Chuyện Luận Ngữ nói rằng: "Một lời nói đủ khôn, một lời nói đủ dại; nói không thể không cẩn thận được!" Vì rằng ta nói đến ta, tất là ta yêu ta. Vậy thì ta phải tự yêu lấy lời nói của ta. Ta mà không tự yêu lời nói của ta, thì thật là ta không yêu ta vậy. Tôi thấy các nhà viết tuồng gần đây, trong đoạn thứ nhất, đào kép ra sân khấu, đại loại đều nói bừa ngay ra những câu dông càn vô lễ. Kép tất là vai đàng điếm, đào tất là vai đĩ thoã, như thế mới hả dạ! Cho rằng thế mới là "chung tình chính ở bọn ta" Như vậy, người đời sau đọc sách của ta, há rằng họ lại không biết. Bao nhiêu những tên người xưa mà ta soạn vào trong sách, như hạng Quân Thuỵ, Oanh Oanh, ông Đỗ, con Hồng, đều là do một mình ta, trong tim trong miệng, vốn có một món "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào!" ngứa ngáy vô cùng! Say, mộng sộ lộ! cho đến bây giờ cực chẳng đã, mới thình lình mượn khéo câu chuyện của người xưa, để tự bày giải những nỗi rắc rối trăm hình, nghìn cấp, chứa lại ở trong bụng đã bao nhiêu ngày tháng, đó sao? Trong đó vẹo như đường tắt, tối như đêm tăm, rối như bòng bong, đắng như bồ hòn, giấu như giấu bệnh, nhịn như nhịn đau … Ví phỏng người xưa trước kia thật có chuyện đó, thì là chuyện ta ngày nay quyết không dự biết … Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết … Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết. Cho nên người đời sau đọc sách ta, họ đã thừa hiểu rằng: Quân Thuỵ chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là người viết sách! Oanh Oanh cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là ý trung nhân của người viết sách! Ông Đỗ, con Hồng cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là những người quanh quẩn giúp đỡ cho người viết sách! Như vậy mà trong khi cầm bút, không tự yêu được mình, đến nỗi nói bừa ra những câu dông càn vô lễ, cho thế mới hả dạ, thì có phải là tự mình muốn làm hạng đàng điếm, mà cho người trong ý của mình là hạng đĩ thoã hay không? Đọc đoạn đầu vở Tây Sương, coi người ta tả Quân Thuỵ như thế, ta có thể tỉnh ngộ mà hiểu cái phép ký thác vào bút mực của người xưa vậy.
Các bạn từng xem cách "nhuộm mây nẩy trăng" chưa? Ta muốn vẽ mặt trăng, nhưng mặt trăng không vẽ nổi, vì thế phải vẽ mây. Vẽ mây mà ý không phải vẽ mây … Ý không phải là mây, nghĩa là ý vẫn ở mặt trăng. Thế nhưng thế nào cũng phải để ý vào mây đã … Vậy vẽ mây, lỡ một chút thì đậm quá; lại lỡ một chút thì lạt quá; thế là mây hỏng! Mây hỏng thì trăng hỏng!
Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải rồi, nhưng hơi không cẩn thận, để dây một vết bằng hạt bụi nhỏ, thế cũng hỏng mây. Mây hỏng tức là hỏng cả trăng … Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải, lại không dây vết nào bằng hạt bụi nhỏ, trông thì như là có, sờ thì như là không, thổi thì như muốn bay, sờ thì như muốn chạy, thế là mây ta vẽ khéo! Mây ta vẽ khéo thế rồi ngày mai người xem sẽ lũ lượt tới, đều nói rằng: Vầng trăng đẹp thật! Tuyệt không một ai là khen đến mây … Như vậy, tuy rất phụ tấm lòng người vẽ ngày hôm qua đã cậm cụi chật vật về việc vẽ mây; thế nhưng xét đến bản tâm người vẽ, có phải chỉ vì trăng, chứ chẳng vì gì mây cả đó sao? Mây cùng trăng, thần lý chính là một. Hợp lại đành rằng hợp không nổi, nhưng chia ra có dễ chia ra được sao? Đoạn đầu vở Tây Sương tả cậu Trương tức là cách đó. Vở Tây Sương viết ra, cốt là vì Song Văn. Thế nhưng Song Văn là trang sắc nước … Trang sắc nước, có phải là cứ mua nhiều son phấn là tô điểm nên được đâu! Vả lại Song Văn là bực người trời … Bậc người trời, thì hạng thợ thuyền sâu kiến ở thế gian có nặn gọt thêm bớt thế nào nổi! Muốn tả Song Văn mà không tả được nên để đó không tả nữa, mà tả cậu Trương trước, đó tức là một phép bí mật của con nhà hội hoạ, gọi là phép "nhuộm mây nẩy trăng" vậy. Vậy thì tả cậu Trương như trong lớp thứ nhất, tức là đậm lạt vừa phải, không để dây vết nào như hạt bụi nhỏ … Ví phỏng không thế, khi tả cậu Trương, lại để cho có mảy may nhỏ là vẻ đàng điếm, thì bên dưới sẽ bôi nhọ đến Song Văn không phải nhỏ. Về chỗ đó, bạn đọc có thể không để ý sao được.