Y Ban và lối viết phá cách về tình yêu

“Xung quanh tôi, người lao vào tình yêu như con thiêu thân, hy sinh hết mình, chắt chiu hết mình, rồi cứ chuyển từ thất vọng này sang thất vọng khác, người thì quá đau đớn về đàn ông, chuyển sang gu chỉ tin vào chuyện tình cảm với đàn bà. Cũng có thể họ phá cách, nhưng điều họ nhận lấy là sự ê chề, đắng cay cho cuộc đời”, chị tâm sự.
- Các nhà văn hiện đại viết về tình dục một cách táo tợn, theo chị đó là sự ám ảnh của bản năng hay là một sự câu khách?
- Không chỉ các nhà văn Việt nam hiện nay, mà cả một số nhà văn nữ của Trung Quốc như Vệ Tuệ cũng phá cách bằng cách khai thác về cuộc sống tình dục. Đối với các nhà văn nữ trẻ, họ đang trong giai đoạn sung sức, tình dục đối với họ là dĩ nhiên, bởi vậy họ đưa nó vào trong tác phẩm. Còn đối với các nhà văn nữ đã qua tuổi thanh xuân, bắt đầu vào tuổi trung niên, thì họ lại hồi tưởng lại một thời son trẻ. Tuy có thể bề ngoài của họ đã già đi, nhưng ẩn chứa trong đó vẫn là một tâm hồn lãng mạn, tinh tế và nồng nhiệt. Bởi vậy, họ cũng bị ám ảnh nhiều về sex.
- Trong truyện của chị cũng như của các nhà văn nữ khác nói rất nhiều về những người phụ nữ ngoại tình, họ hạnh phúc đớn đau trong những căn nhà thuê tạm bợ để hưởng thụ những cuộc tình ngắn ngủi, chồng chị nghĩ gì khi đọc chúng?
- Chồng tôi hiểu tôi và hiểu những câu chuyện của tôi, thỉnh thoảng bảo tôi là ngày càng ghê gớm. Những gì viết ra được lắng đọng lại từ chính cuộc sống của tôi và của những người xung quanh, hoặc có thể cũng chỉ từ một câu chuyện vu vơ với bạn bè. Tuy vậy, thỉnh thoảng lão ấy cũng đột nhiên xưng xỉa với vợ khi bạn bè bình phẩm về một bài phỏng vấn nào đó về tôi. Rồi mọi chuyện cũng qua, chúng tôi duy trì cuộc sống gia đình yên ổn với những đứa con ngoan ngoãn.
- Với truyện “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, chị gần như là nhà văn đầu tiên minh oan, cảm thông cho những cô gái phải đi 'giải quyết', những nỗi đau rất đàn bà, nỗi đau ở vai trò làm mẹ của những cô gái trẻ, chị nghĩ sao?
- Nhiều người cũng nói rằng, chắc tôi phải trải qua hoàn cảnh tương tự nên mới viết được như vậy. Câu chuyện của tôi không minh oan nhưng để mọi người hiểu. Từ nhỏ, vì mẹ tôi là bác sĩ sản nên tôi đã quá quen với những chuyện kế hoạch như vậy. Thế rồi, một lần về thăm nhà, con bé hàng xóm 16 tuổi cạnh nhà, chửa 6 tháng mà không hay biết gì. Bụng to mà nó vẫn ngồi dãi thẻ chơi chuyền. Rồi nó phải đi cô vắc, tôi bị ám ảnh và viết nên câu chuyện đó.
- Trong những lần cảm thấy chống chếnh, bế tắc vì cuộc sống gia đình, về công việc, chị giải toả thế nào?
- Nhiều lúc tôi cũng điên lên ấy chứ, chán tất, chán gia đình, chán cả cái cuộc sống bận rộn, chán tới mức tôi muốn treo cổ mình quách lên, nhưng rồi nghĩ đến con thì tôi nghĩ mình phải sống vì chúng nó. Đối với một nhà văn, thì sự chán nản ấy càng khủng khiếp. Hai tuần trước, tôi bị một trận ngộ độc thức ăn rất kinh khủng. Giữa cái lúc bồng bềnh, sống lưng lạnh toát và gần như không còn biết gì, thì thằng con trai bé bỏng của tôi cứ chạy lăng xăng quanh giường, vừa khóc vừa gọi mẹ. Lúc ấy thì tôi biết, mình cần phải sống, sống vì chúng nó.
- Chứ không phải cách giải toả những bế tắc trong cuộc sống với một mối tình 'ngoài vợ ngoài chồng' như các nhân vật của chị?
- Cũng đôi khi mình cảm thấy là mình bị phải lòng một ai đó. Sự lãng mạn trong tâm hồn cho phép tôi được bay bổng, được thi vị những điều trong cuộc sống, nhưng rồi chính vì cách suy nghĩ đẩy đến tận cùng khiến cho tôi luôn suy nghĩ về những điều sau mối tình thi vị ấy, và cái kết thúc. Đa số các mối tình ấy đều kết thúc một cách ê chề và chán nản. Cũng chính bởi vì tôi cho phép mình lãng mạn, nên tôi mong muốn mọi thứ trong tình yêu đều phải hoàn hảo. Chỉ một chi tiết rất nhỏ thô vụng là cảm giác trong tôi tan vỡ ngay.