chương 2

Câu chuyện huyền hoặc làm cho Jenny khó ngủ.
Tối hôm ấy, khi Anna Dombrovska dọn giường đi ngủ, Jenny mới chạy về nhà. Nhưng sau câu chuyện của bà, nó kéo hai chiếc ghế đẩu ra ngoài sân, kê sát lại, nằm trên đó như trên một tấm phản, và nhìn lên trời đêm.
Jenny nằm đó lắng nghe tiếng đàn nhẹ nhàng như thì thầm từ ngôi nhà của bà giáo bay sang và chờ sao đổi ngôi. Trước khi đi ngủ Anna Dombrovska có thói quen dạo vài đoạn nhạc đồng quê của Chopin.
Mathilda Baker lục xục thu dọn nhà cửa trong tiếng đàn ấy. Đồ đạc trong nhà bà bao giờ cũng sạch bóng, ngăn nắp. Từ khi chồng ra đi, bà còn hay quét dọn hơn nữa, công việc này lấp chỗ trống trong tâm hồn bà.
- Jenny, ngủ đi con! – bà ngừng tay, giục con gái.
- Con chưa buồn ngủ mà.
- Thế con làm gì đấy?
- Con đang ngắm sao.
- Sao thì có gì mà ngắm? Vào nhà ngủ đi!
Nhưng Mathilda Baker giục con lấy lệ, chứ bà mặc cho nó muốn làm gì thì làm. Từ ngày con gái học đàn, bà thấy đôi mắt con mình trở lên mơ mộng. Nó sẽ trở thành nhạc sĩ sáng tác như Henrich Baker muốn, hay nhạc công cũng được, bà thầm nghĩ với niềm vui pha lẫn tự hào. Henrich Baker dần trở thành dĩ vãng, thành kỷ niệm. Nỗi tuyệt vọng đã đẻ ra cảm giác đó. Ông rơi vào trại tập trung như một chiếc thuyền con chìm xuống đáy đại dương. Ở đó không có đường trở về. Đường đến là lò thiêu xác. Nhưng lòng bà vẫn le lói một tia hi vọng.
Từ lâu Mathilda căm ghét tên Quốc trưởng hợm hĩnh. Chính nó làm cho đời bà tan nát. Thế mà giờ đây bà vẫn phải chịu đựng sự có mặt của nó trong ngôi nhà riêng của vợ chồng bà, ở chỗ trang trọng nhất, từ đó hắn nhìn nhìn bà, nhìn Jenny của bà, nhìn xuống tất cả, như Chúa trời nhìn xuống trần thế.
Đêm đêm Mathilda thức giấc thắp ngọn nến nhỏ dưới chân tượng Đức mẹ Maria đồng trinh. Bà thành kính cầu nguyện Đức Bà phù hộ cho người Mỹ, người Nga, người Anh, người Pháp, hay bất cứ ai khác đi với họ, chóng quét sạch nạn dịch tả nâu đang lan tràn trên thế giới, kết liễu đời tên quỷ ngạo mạn và điên khùng có chấm ria mép kia. Để cho Henrich của bà trở về với bà và mọi sự lại như xưa. Cái kết cục bà chờ mong đang rõ đần. Quân đội quốc xã bị đánh tơi tả trên đất nước Nga rộng lớn đang chen chúc nhau trên đường rút chạy về phía tây. Mỗi lần đi ngang mặt chân dung Quốc trưởng, bà Baker dừng lại ném cho nó một cái nhìn căm giận “Hừ, ngày tận số đã đến với mày rồi đấy!”
Jenny nằm ngửa, đăm đắm vào ngôi sao trên tít trời cao, chốc chốc lại ngáp. Nó đã buồn ngủ quá rồi. Nhưng con bé quyết chống lại cơn buồn ngủ, quyết bám lấy bầu trời để chờ một ngôi sao đổi ngôi. Jenny không tin rằng bố nó không thể nào trở về, như mọi người tin. Họ tuyệt vọng. Còn Jenny thì hy vọng. Chỉ cần mình nói sao cho nhanh, cho kịp điều mình mong ước, trong lúc ngôi sao trên đường đi của nó!
Thế nhưng sao thì lại rơi nhanh quá đến nỗi Jenny, lần nào cũng vậy, líu cả lưỡi mà không nói kịp điều ước của mình.
- Ước gì bố trở …..
Câu nói nửa chừng đã đứt cùng với vì sao tắt ngóm làm Jenny tức phát khóc.
Rồi Jenny thấy những vì sao nhòa dần, biến thành những con chim nhỏ véo von trong một khu vườn tuyệt đẹp chỉ có trong những giấc mơ.
Bà Baker đã dọn dẹp xong, đã làm đuợc khối việc chuẩn bị cho ngày hôm sau. Bà ra vườn bế Jenny vào nhà – con bé ngủ rất say.
Chiến tranh bị đánh lăn trở lại sào huyệt của nó rất nhanh trong năm 1945. Những loạt súng lớn làm rung chuyển bầu trời và mặt đất. Mỗi ngày chúng lại đến gần cái thôn nhỏ bé của Anna Dombrovska. Bom rơi và những cánh của kính rung lên bần bật. Bà lão quả quyết rằng ban đêm cùng với tiếng súng và tiếng bom bà nghe rõ tiếng reo hò, có thể là của những người lính Nga và những người lính Ba Lan đang phản công, mà cũng có thể là của những người chết oan khuất trong chiến tranh giờ đây vui mừng được thấy giờ hấp hối của kẻ thù.
Cây đàn Ý cổ lỗ lại cao giọng ca hát dưới những ngón tay mềm mại của Dombrovska.
- Này con mẹ ăn mày già kia, mày vui sướng lắm đấy hả? – lão chột Arnold Runken, trưởng thôn, gầm lên khi đi ngang nhà bà.
- Thưa ông, vậy ra ông ưa nghe nhạc buồn, phải thế không ạ? - Anna Dombrovska ló đầu ra cửa sổ, lễ phép chào lão – Tôi không nghĩ rằng các ông lại thích nghe nhạc buồn đấy. Tôi sẽ chơi Requiem nhá?
- Tao thích nghe mày rên rỉ trong cơn hấp hối. Còn bây giờ thì im ngay cái mồm! – lão vung ba-toong lên chỉ vào mặt bà – Tao thề sẽ làm cho mày vĩnh viễn im mồm.
Anna Dombrovska thản nhiên đóng sầm cửa lại trước mũi lão. Một người hàng xóm cho bà biết trong danh sách những người cần phải thủ tiêu ngay trước khi quân Đức rút lui có cả tên bà.
Jenny ghét lão Ruken chột. Lão có một con mắt soi mói và hai giọng nói nheo nhéo. Con mắt còn lại của lão nhìn đâu cũng hằn học, còn giọng nói thì bị vỡ làm đôi, tưởng chừng có hai người nói cùng một lúc, chẳng ai thua ai và cả hai đều là quân đểu cáng. Lần nào gặp Jenny trên đường lão cũng dừng lại, ngả người về phía, con mắt độc ác của lão lại nheo lại như muốn nhìn thấu những ý nghĩ của Jenny.
- Hừm, ra là mày đấy! Lớn nhanh thật, đồ con tù! – lão khạc ra một lời nguyền rủa.
- Lão sợ cháu đấy! - Anna Dombrovska giải thích thái độ của lão Ruken – Lão không còn đủ tinh thần để ghét cháu.
- Sao lại thế hả bà? Lão ta là người lớn mà, sao lão lại sợ trẻ con? - Jenny ngạc nhiên hỏi.
- Bởi vì cháu là tương lai, còn lão thì từ lâu đã trở thành quá khứ.
Jenny ngỡ ngàng nhìn bà. Bà Anna đến là khó hiểu, nhưng bà là người tốt, điều đó chắc chắn. Cả cái lời nói khó hiểu của bà chắc chắn cũng là lời nói tốt.
Một đêm, vào lúc gần sáng, Jenny tỉnh dậy thấy mẹ và bà giáo dạy đàn hì hục dìu vào nhà một người mặc áo da, đội mũ da. Đó là một phi công. Máy bay của anh ta bị thương, anh cố gắng lái về phía trận địa của Hồng quân nhưng không nổi, đành phải nhảy dù xuống vùng đất Đức chiếm đóng. Dù của người phi công rơi vào vườn nhà Baker.
- Gutte Nacht! – anh ta nói với bà Baker bằng giọng thều thào của người kiệt sức, gắng gượng mỉm cười một lần rồi ngất luôn.
Arnon Ruken thức giấc vì một tiếng nổ lớn ngoài cánh đồng. Lão mở cửa. chạy vội ra đường và nhìn thấy đám cháy do chiếc máy bay rơi gây nên. Sáng ngày ra bọn linh Đức cho biết trên chiếc máy bay cháy không có xác phi công, dù của anh ta chắc chắn rơi vào thôn của lão.
Cuộc lùng sục bắt đầu. Con chó săn chột mắt dẫn những con chó săn bốn chân đi vào từng nhà, đánh hơi và đào bới.
Đến tối thì lão tìm thấy anh phi công Mỹ trong phòng chứa đồ nhà Baker. Viên phi công đang sốt mê man.
- Đồ phản quốc! - lão thẳng cánh đập vào mặt Mathilda Baker – Vợ thằng tù hôi thối. Mày sẽ được đi theo chồng mày.
Một dòng máu rỉ ra tên mép bà Baker. Bà nhìn chằm chằm vào con mắt độc nhất của của lão trưởng thôn như nghiên cứu một vật kỳ lạ và bất thần nhổ vào mặt lão một bãi nước bọt đầy máu. Thằng chột già rú lên, xông đến đánh tới tấp người đàn bà dám làm nhục nó trước mặt toàn thể dân làng.
- Trói cả con mụ ăn mày Ba Lan này nữa! - Runken kêu lên the thé và chỉ vào mặt Anna Dombrovska - Thề trước Chúa, một mình con vợ thằng Baker không thể tha nổi tên phi công to xác này vào nhà nhà đâu. Chúng nó cùng một giuộc, tao biết.
Anna Dombrovska khinh bỉ nhìn lão qua cặp kính lão và bình thản đến bên bà Baker. Bọn lính lôi xềnh xệch hai người đàn bà khỏi nhà, ném họ vào kho củi.
- Ngày mai chúng mày sẽ bị bắn! – Runken hứa.
Khi lão Runken đánh mẹ của Jenny, cô bé lăn xả vào định che cho mẹ, nhưng một bàn tay cứng như sắt đã nắm chặt lấy con bé.
- Chạy đi cháu ơi! Cháu không thấy chúng nó đang lên cơn điên hay sao! – Jenny nghe thấy giọng nói thì thào qua hai hàm răng nghiến chặt của ông bưu tá Bauer.
Jenny luồn qua ngoài qua lỗ thủng ở hàng rào và cứ thế chạy thục mạng qua đồng cỏ.
Trời không lạnh nhưng cô bé run cầm cập. Đêm phủ lên đồng cỏ một mền sương mỏng. Những vì sao thưa thớt vẫn thản nhiên nhấp nháy, hờ hững với tất cả những gì đang diễn ra trên mặt đất. Chớp nguồn giật liên hồi ở chân trời phía Đông, bên kia khu rừng, nơi nhà thờ Đức mẹ đồng trinh đã mấy ngày không có tiếng chuông. Những ánh chớp phía tây đi kèm với từng hồi sấm câm lặng làm rung đất, như những đợt sóng lớn.
Jenny chạy mãi cho đến khi chân mỏi nhừ và ngã vật xuống. Nước mắt cô bé chảy ướt những ngọn cỏ sắc, nhưng Jenny không dám khóc to. Nó không biết mình đã chạy trốn bao lâu, bao xa, và ở đây đã thoát khỏi mọi nguy hiểm chưa? Khi chạy, Jenny lúc nào cũng có cảm giác có ai đó chạy theo sau. Mãi nó mới hiểu đó là tiếng chân của chính nó, rằng chỉ có một mình nó trên cánh đồng hoang vắng.
Jenny khóc, nhìn lên bầu trời. Nó nguyền rủa các vì sao đang nhòa đi trong nước mắt. Chúng cứ đứng yên, tại chỗ, chớp lia lịa, trân trân nhìn xuống Jenny: chuyện gì xảy ra ở dưới kia thế, để cho con bé tí xíu phải chạy bán sống bán chết ra đồng cỏ, hai bím tóc xổ tung và nước mắt đầm đìa?
Ôi những ngôi sao mới ngu ngốc làm sao? Tại sao chúng không đổi chỗ mau mau đi, không rơi xuống mau mau đi? Để cho người ta còn nói điều người ta ước?
Jenny thút thít kể cho đồng cỏ, cho những con dế đang hát khe khẽ, cho những cơn gió nhẹ lướt trên những bông hoa dại, về nỗi đau của nó. Nó còn biết kể lể với ai lúc này?
Nằm nghỉ một lát, Jenny lại vùng dậy tiếp tục chạy, chạy mãi, chạy cho thật xa mốì nguy hiểm. Rồi mệt lử và tuyệt vọng, nó ngồi bệt xuống đất lạnh, mệt mỏi ngắt những sợi cỏ nhấm cho đỡ khát. Nó không buồn nguyền rủa, không buồn khóc, không buồn kể lể nữa. Bây giờ nó chỉ muốn chết đi cho rảnh.
Khi một đứa trẻ mong cái chết cho mình thì đó là nỗi tuyệt vọng lớn hơn bất cứ nỗi tuyệt vọng nào trên trái đất.
Đúng vào phút ấy ở lưng chừng trời bỗng bừng sáng một vì sao. Nó không lướt nhanh như những sao đổi ngôi Jenny đã gặp mà chầm chậm rơi xuống chân trời.
Jenny đứng phắt dậy, hai tay nắm chặt, nói thật nhanh, đến nỗi nói lắp, những điều từ lâu nó mong ước. Nó nói hết những điều muốn nói rồi mà ngôi sao vẫn chưa tắt. Nó còn kịp ước cho bà giáo tai qua nạn khỏi, cho anh phi công người Mỹ thoát cảnh ngục tù, cho cụ Bauer khỏi bệnh… Và nhiều, nhiều nỗi những điều nó vừa nghĩ ra.
Ngôi sao mong ước của Jenny chưa tắt thì từ phía những khu rừng bỗng nổ ran tiếng tiểu liên và lựu đạn hòa lẫn tiếng hô “Ura” như một đợt sóng âm lướt nhanh trên tán lá rừng.
Đến lúc cô bé hiểu chuyện gì đã xảy ra thì cuộc chiến đấu đã rời rừng tràn ra đồng cỏ. Jenny nằm dán mình xuống đất, nghe tiếng đạn réo chiu chiu trên đầu và tiếng xe tăng gầm rú. Rồi một ánh chớp lóe lên và cô bé không biết gì nữa.