Chương 3

Ở Đà Lại được một năm, gia đình tôi lại chuyển xuống Sài Gòn. Chúng tôi dồn vào một căn nhà khá xinh trên đường Sương Nguyệt Ánh mà nhiều năm sau đó nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh, rồi cô Thái Thanh dọn về. Cạnh đó, đường Bùi Thị Xuân, là nơi bà nội sau, tức là mẹ dượng tôi, cũng là nơi vợ chồng ông Lân cô Thanh Nga bị sát hại ngay trước cửa. Ông Đồng Lân là em ruột bố dượng tôi nên tôi gọi cô Thanh Nga bằng Thím. Nhưng đó là chuyện về sau.
Trong cái cư xá gồm khoảng 10 căn, tôi cùng đám trẻ con không phân biệt Bắc Nam cùng chơi trò …tạc hình dù mẹ tôi ngăn cấm. Bà thường tặng tôi những trận đòn nhớ đời mà tôi chẳng hiểu lý do vì sao. Tự nhiên mẹ tôi lôi ra đánh, bắt xin lỗi. Tôi có lỗi gì đâu mà xin. Đánh nữa cho bỏ cái tật lì lợm. Không khóc hả, đánh nữa, đánh nữa. Tôi không bao giờ khóc ngay lúc đó, thường là sau mỗi trận đòn, tôi trốn trong nhà tắm hoặc đầu ngõ, kiếm một chỗ khuất để khóc một mình và những lúc ấy, tôi nhớ Bố tôi biết bao nhiêu. Ừ, nếu có Bố ở đây, mẹ sẽ không bao giờ đánh tôi như vậy.
Mấy người chị họ như chị Tuyết, chị Kim đều được bác Tuất cho đi hát. Chị Yến tôi cũng được đi hát theo, và người để ý đến chị Yến chính là nhạc sĩ Lam Phương, bấy giờ ông vừa làm xong bài hát “Khúc Ca Ngày Mùa”. Tôi không còn nhớ các chị hát ở đâu bởi lúc đó, Sài Gòn chưa có một phòng trà nào, mà dẫu có, các chị cũng chưa đủ tuổi để vào những nơi đó. Điều đó chứng tỏ là mẹ và dượng tôi (từ nay tôi sẽ gọi dượng bằng bố) không hề có ác cảm với việc con mình đi hát. Chuyện hát hò có lẽ chỉ nghiêm khắc đến nghiệt ngã đối với tôi, mà cho đến bây giờ lý do tại sao tôi vẫn không hiểu.
Lại dọn nhà nữa, có lẽ vì ở gần bà nội, mẹ tôi cứ bị ông em của bố tôi qua tận nhà chửi bới, thậm chí còn xông vào muốn đánh mẹ. Ông này là em dưới ông Đổng Lân…trong có 2 năm, dọn nhà 3 lần, tôi mất trắng những ngày được đi học. Tuy vậy, tôi cũng lờ mờ hiểu được rằng… bên nội sau không thích mấy anh chị em tôi, nhất là không ưa mẹ tôi chút nào, không tán thành cuộc hôn nhân của bố mẹ. Có lúc tôi hỏi mẹ… Sao mẹ không nhận lời cái ông Tây yêu mẹ và yêu cả các con. Cái ông Toàn Quyền ở Hà Nội ấy…Mẹ tôi cười. Ôi! tình yêu. Thì ra mẹ tôi yêu bố tôi, quên đến nỗi quên hẳn bố ruột tôi đang trông chờ tin tức của vợ con, quên hẳn mình đã có 3 đứa con, quên luôn rằng lúc đó bố tôi đang ở với bà Lan Phương (em bà Ái Liên, dì ruột của ca sĩ Ái Vân).
Nhà chúng tôi nằm cạnh Nha Quân Nhu đường Trần Hưng Đạo. Lúc này, tôi đã vào nếp như ý mẹ tôi mong muốn, nhưng tôi chẳng làm sao quên được hình ảnh của một buổi chiều mẹ đến mẹ đến nhà bà nội tôi ở Hàng Bông. Sau khi nói chuyện với bà nội, mẹ bảo với chúng tôi ….Bố các con chết rồi. Hôm đó mẹ rất đẹp, mẹ mặc áo dài mút-sơ-lin màu tím hoa cà, có những chấm tròn trắng, quần đen, kính đen và to.Tóc mẹ chảy ngược ra sau, bới lại. Mẹ, hôm đó đẹp lắm. Mẹ tôi lúc nào cũng đẹp. Bà không chịu được cái gì xấu, không chấp nhận cảnh nghèo, không chịu thua kém ai và dĩ nhiên, bà muốn các con của bà nếu không theo kịp cũng có phần nào cái đẹp của bà, dẫu bà nợ nhiều lắm. Mẹ tôi vẫn cứ, bà vẫn cứ là cái đinh trong mắt … 2 bà nội của chúng tôi.
Như thế, tôi có hai bà nội. Ngày giỗ bố tôi, mẹ và các em tôi đều có mặt… ăn giỗ Bố Viễn… các em tôi bảo nhau như vậy. Chúng tôi sống chung hoà thuận, không hề có chuyện Bố tao, Bố mày bởi chúng tôi cùng một mẹ sinh ra. Với tôi, cho dù bố mẹ không thương cũng không hề tị nạnh ganh ghét các em. Một gia đình, thoạt trông vào quả là hạnh phúc qua những đứa con, nhưng vẫn có những cơn sóng ngầm dữ dội. Bố Viễn tôi ngày xưa yêu và bằng mọi cách cưới mẹ cho được. Gia đình nội tôi khá giả. Bố tôi học trường Tây đến hết trung học, ông đi Hongkong. Tôi không hiểu rõ ông đến Hongkong làm gì nhưng bà nội cho biết ông nói được 7 thứ tiếng Tàu, tiếng Mỹ. Một thời gian làm việc với Nhật nhưng sau đó, ông theo phong trào chống lại Pháp. Vậy việc ông đi Hongkong có liên quan gì đến đảng cộng sản được chính thức thành lập sau này hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng hơn là bố cưới mẹ tôi ở Hongkong. Khi hai ông bà trở về, mẹ đã có thai và bà nội tôi đành phải cưới vợ cho con, người con độc nhất của bà.
Theo lời mẹ kể, bà nội tôi là người nghiệt ngã, ông nội thì nhu nhược hiền lành nhưng vẫn có thêm vợ. Bà tôi khai thác mỏ phốt phát và nuôi cả nhà. Mẹ bảo …Bố tôi là người hiền như cục, bố rất tốt với bạn bè. Ai xin gì cũng cho. Cho hết quần áo của mình, về nhà lấy quần áo của ông nội, cho luôn. Đi làm nhưng chẳng bao giờ ông mang tiền về nhà. Mẹ có hỏi ông bảo …cho hết rồi. Bà nội và mẹ tôi không phàn nàn gì trước cái lối vung tay của cậu Ấm. Bà tôi kể… Năm đó, bà đã 26 rất giỏi giang công việc buôn bán dù không biết chữ nhưng muộn chồng vì bà không được đẹp (Mẹ thường bảo tôi giống bà nội). Ông nội nhà giàu, không có con trai, nhờ người mai mối thế là bà tôi về làm lẽ. Một hôm bà đang ngồi trước cửa, có ông thầy bói đi qua, bà tôi đang phiền muộn về nỗi chậm con bèn nhờ ông ta coi, bà cũng kể lể nỗi niềm hiếm muộn của mình. Ông thầy nói với bà rằng… Bà sẽ có một người con nhưng người con này sẽ không ở với bà lâu vì tiền kiếp của đứa bé này là một người Tàu, ông này làm quan và chết trẻ… Thế rồi bà tôi sinh bố tôi và chỉ một lần đó thôi.
Tôi không quan tâm đến chuyện giàu có của bà nội và khi gặp mặt lần đầu tiên tôi đã 5 tuổi rồi. Bà nội ở một mình, 106 Hàng Bông. Nhà rất rộng, căn ngoài bà mở depot nước đá, căn thứ hai có một cái giường lớn, cái bục thì đúng hơn, lát đá hoa, trưa hè Hà Nội nóng nực, nằm xuống, sướng không chỉ cái lưng. Qua một khoảng sân rộng ngổn ngang những dụng cụ điện làm bằng sứ trắng tới phòng của bà và chúng tôi. Lại một khoảng sân đầy dụng cụ nữa, mới tới nhà vệ sinh. Sau khi hồi cư, mẹ để chúng tôi ở với bà, còn mẹ đi buôn bán, nghe đâu ở Hải Phòng. Tôi rất ngại đến gần bà vì bà tôi rất nghiêm, ít khi hỏi tới các cháu và luôn luôn có ác cảm với mẹ tôi. Phần tin tức bố tôi cứ mù tăm, hoặc là bà có biết, mẹ có biết nhưng nghĩ chúng tôi còn bé dại, có nói cũng vô ích.
Tôi bị nhức trong xương, bà bảo là tê thấp, phong thấp gì đó và từ nhỏ, tôi đã phải uống những chén thuốc Bắc đắng nghét. Dù bà không nói nhiều với chúng tôi nhưng bà săn sóc rất đầy đủ. Bà hay nấu cháo hoa cho tôi ăn với đường, bà cho anh Sơn ăn cao ban long, cao hổ cốt do chính bà nấu và bán. Bà tôi còn biết làm xà bông nữa, những thỏi xà bông màu xanh được cắt vuông vức. Bà còn chơi hụi và thỉnh thoảng bà dắt chúng tôi đến những buổi lên đồng, gọi là “lấy lộc”, tụi tôi rất khoái cái màn này. Uống thuốc Bắc, ăn sáng bằng cháo hoa, đi xem lên đồng và nằm ngủ trưa trên cái giường lát đá hoa cho đến lúc mẹ cho chị Yến và tôi vào nội trú. Tôi không hiểu vì sao mẹ không gởi anh Sơn theo chương trình Pháp nơi trường bố tôi đã học. Chắc mẹ có lý do riêng. Tôi thắc mắc không hỏi để đến bây giờ thì quá trễ rồi.
Gần như chúng tôi chỉ được mẹ đón một lần mỗi tháng. Mẹ đón, nhưng lại đưa chúng tôi về nhà bà nội, rồi lại đi mất. Tôi đã quen sự ơ hờ của mẹ và những ngày cuối tuần của tôi rất thần tiên. Tôi không phải bưng đĩa rau dền xay nhuyễn với bơ lên văn phòng của Bà Nhất để vừa khóc vừa ăn, tôi gọi món đó là …cứt trâu. Về với bà nội dù chỉ 2 ngày, tôi tung tăng chạy khắp phố Hàng Bông, được ăn bánh mì paté gan cháy, xôi lúa hoặc thơ thẩn trước các cửa hàng nghe lóm nhạc. Tôi biết nghe “Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê…”. Tôi quen cái vị đắng khó uống của những thang thuốc Bắc và thích đặt lưng lên cái sạp lót đã hoa, mát đến lạnh người. Mỗi tháng chỉ uống thuốc được 4, 5 lần nên tôi ôm cái bệnh gọi là phong thấp cho đến bây giờ và cũng một phần vì nó, tôi làm quen với thuốc ngủ.
Nhạc của Phạm Duy và của các ông nhạc sĩ thời bấy giờ đã len lỏi ấn núp trong trí nhớ thơ dại của tôi từ những ngày lang thang trên con phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Ra khỏi nhà, nếu đi thẳng, tôi sẽ đến bờ hồ. Rẽ tay phải là Hoả Lò. Rẽ trái tới phở Phú Xuân và rạp xi-nê Kinh Đô. Thời đó, chúng tôi hay sưu tầm program in mầu đẹp lắm và tôi nhớ mãi cái phim Ấn Độ “Magala cô gái Ấn”. Ôi! cái phim buồn làm sao, tôi khóc quá sức khi thấy trên màn ảnh hai người vừa khóc, vừa hát vừa chia tay nhau. Tôi cũng được xem phim “Cô Gái Việt” mà tôi nhớ bài hát chính của phim… Lời sông núi bừng vang bốn phương trời… Trong những ngày cuối tuần đó, tôi cũng đến ở với bác Tuất. Nhà bác ở ngay cạnh Quốc Tử Giám. Chỉ băng qua đường, tôi có thể vào leo lên lưng mấy con rùa to tướng bằng đá. Đêm đến cả nhà kéo đi xem cải lương. Tất cả chục mạng chất trên một chiếc xích lô. Tôi thích cô Kim Chung, Bích Hợp, Kim Xuân và danh hài Tứ Vững, Phúc Lai. Tôi cũng mê cải lương từ đó. Nghĩa là cái gì có ca, diễn là nó đi thẳng vào đầu tôi.
Bố mẹ tôi có ngôi biệt thự lớn lắm. Cả một con đường toàn những biệt thự có chó bẹc-giê, có người da đen gạch mặt giữ nhà, tụi tôi thường chọc phá rồi chạy trối chết về nhà. Tôi không nhớ tên đường nhưng nó nằm ở gần Hồ Tây và cũng gần vườn Bách Thảo. Tôi vào vườn lượm những trái chi chi nhỏ xíu đỏ tươi hoặc ra lội xuống đền Ngọc Sơn… Nếu dòng đời cứ êm ả trôi như thế, tôi đã trở thành một bà sơ vì cho dẫu các thiên thần đã dùng roi mây đánh vào các ngón tay tôi, dù có bắt tôi lên văn phòng cho hết cái món …cứt trâu, co la mắng chúng tôi…Các vous có muốn làm cái thứ trèo me, trèo sấu ấy không? Hình ảnh các bà sơ thật là đẹp đẽ. Nếu bố tôi không chết, nếu không có cuộc di cư và nếu mẹ tôi cho tôi tiếp tục học trường đó – sau di cư dọn vào Đà Nẵng – thì có lẽ cuộc đời tôi đã theo một hướng khác. Nhưng một là mẹ không chú ý đến tôi, hai là sau di cư, gần như đa số trắng tay. Nhà không giàu lại đông anh chị em, sẽ có đứa bị thiệt thòi. Điều này thường xảy ra. Ác ở chỗ, nó lại rơi trúng tôi.
Ở Trần Hưng Đạo, kế ngã tư Trần Bình Trọng, tôi học trường tiểu học Cầu Kho. Không ai khảo sát sức học của tôi, cứ theo tuổi xếp lớp thế là tôi cứ ngày ngày lội bộ đến trường, chẳng học được gì chỉ để rệp cắn nát hai bên mông và đùi. Tôi không dám nói với thầy cô rằng tôi chẳng hiểu gì ngoài môn học thuộc lòng, mà thầy cô cũng không thấy cái dốt của tôi. Về nhà, chẳng ai chú ý đến chuyện học của tôi cả. Rồi chị Yến lấy chồng, người này quen với bố tôi, đến nhà thấy chị hiền lành đẹp đẽ, giỏi giang bèn sớt đi. Tôi biết chắc chắn chị tôi không yêu anh ta nhưng ở nhà chị khổ quá. Không được đi học nữa, phải chăn một lũ em, phải phụ với u già làm hết mọi việc. Chị cho rằng đi lấy chồng là thoát ra khỏi cái cảnh khổ. Bố tôi bằng lòng. Mẹ tôi thì không. Đám cưới chị Yến đơn giản đến độ giờ tôi không còn nhớ. Cái điều đáng nhớ nhất là ngày đó, mẹ tôi la mắng chị dữ lắm. Chị chỉ ngồi nghe và khóc. Tôi thường tự hỏi tại sao mẹ lại có hành động như vậy. Mẹ thương, không muốn rời xa chị vì chị mới 16 tuổi hay vì mất chị, mẹ như mất một cánh tay, nói rõ hơn mất một người làm việc giỏi?
Chị tôi khóc trong ngày cưới và khóc cả cuộc đời làm vợ, làm mẹ. Những giọt nước mắt rơi xuống, không phải để khóc cho hạnh phúc. Chị tôi đi lấy chồng và đó là lỗi lầm lớn nhất, duy nhất chị vấp phải. Một lần cho một đời. Chị tôi đi lấy chồng. Lấy người đàn ông đầu tiên chị quen. Chị tôi còn trẻ dại, chưa biết gì về tình yêu. Nói đúng hơn, chị không hề yêu, không biết tình yêu nó như thế nào. Bây giờ trên 60, chị tôi vui với 5 đứa con và một bầy cháu nội, ngoại. Tính chị đơn giản, không biết giận hờn ai bao giờ, nếu có thì có lẽ là người đã tặng chị 5 đứa con.