Đám giỗ thầy đồ

Trước kia, có hai lần tôi được xem đám giỗ thầy đồ, một lần ở quê tôi và một lần ở Đô Quan (còn gọi là Đô Đò), quê hương nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Tiếc rằng lúc đó còn quá nhỏ, không nhớ hết. Chỉ nhớ lần nào cũng được một nắm xôi gấc, bên trong có một miếng thịt gà...
Cho nên, khi thầy PhạmTiến (lúc đó là Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) rủ đi dự đám giỗ cụ Đồ Quí, người thầy khai tâm của ông ở xã Yên Tiến (huyện Yý Yên, tỉnh Nam Hà), tôi đồng ý ngay.
Vào một buổi chiều tháng giêng năm 1982, theo hẹn trước, tôi và thầy Tiến mang hương hoa đi viếng thầy xưa.
Tới ga Cát Đằng, chúng tôi rẽ vào một con đường đá khá nhẵn nhụi. Dọc hai bên đường, tôi thấy những là cờ màu trắng viền đuôi nheo đen bay phấp phới và lấy làm lạ vì không có đám ma nào. Thầy Tiến giải thích: "Cậu biết đấy, đám giỗ thầy là đám của cả làng. Cờ cắm dọc từ bãi tha ma về làng, chẳng qua cũng như biển chỉ đường bây giờ ấy, để cụ Đồ, các bậc phụ huynh, các học trò đã khuất... biết lối về với cháu con...".
Ơở một ngã ba đường, tôi lúng túng chưa biết rẽ đâu thì thầy Tiến đã cười, bảo: " Cậu viết văn mà chẳng tinh chút nào cả. Cứ theo cờ cắm mà đi. Bao giờ gặp lá cờ to nhất có chữ Sư (Thầy) là đã tới nơi".
Do thầy Tiến giới thiệu, tôi được đón tiếp theo nghi lễ khách. Một ông già mặc áo đỏ, tóc bạc trắng như cước đến kính cẩn cúi đầu, vái ba cái để chào tôi: "Mời ông vào nhà trong. Quí hóa quá! Được ông đến viếng, thật vinh dự cho đám trò nhỏ chúng tôi!". Chao ôi, tôi chỉ xứng tuổi cháu của người "trò nhỏ" này. Thấy tôi có vẻ áy náy, thầy Phạm Tiến nói nhỏ vào tai: "Đây là lệ. Cậu khỏi phải lo. Ông già này học cụ Quí từ những năm 20 đầu thế kỷ. Đã từng là cán bộ ngoại giao, đã về hưu rồi...".
Để ý, tôi thấy cứ một lát lại có những cô gái trẻ, khăn vấn, áo tứ thân thắt dây lụa xanh, đội những mâm trên có phủ vải điều tới. Một ông lão áo chùng đen, đầu đội khăn xếp đen, cứ mỗi lần đỡ mâm từ tay các cô gái đặt lên bàn thờ thầy, lại quay sang vái những người đàn ông mặc áo lương màu gụ hoặc màu nâu, màu xanh... đi bên cạnh ba vái. Hỏi thì được biết đó là "lễ" của các học trò. "Lễ" phủ kín không cho ai biết lễ sang, hèn, giàu, nghèo, nhiều, ít... "Lễ" chỉ là chút lòng thành. Người nhận lễ là kẻ thay thầy nhận lễ, được cử trong những học trò được làng xóm kính trọng về đạo đức. Thầy Tiến kể: "Xưa thầy dạy chúng tôi câu "phú quí sinh lễ nghĩa" thế này: phú chỉ sinh ra lễ, còn quí mới sinh được ra nghĩa. Trò nghèo, chỉ có dăm ba con cua, bát gạo, cút rượu... mà vẫn có thể tỏ được lòng mình...".
Bỗng một hồi trống kèm thanh la vang lên. Tiếng trống trường? Tiếng thanh la vĩnh biệt? Quá khứ và hiện tại cùng rung ngân một lúc nhắc nhở mọi người. Giờ tế lễ đã đến!
Ông già mặc áo đỏ, tóc bạc phơ đón tôi ban chiều kính cẩn đứng trước bàn thờ trên có treo bức họa hình thầy. Ông châm một nắm nhang, rồi đưa cho một ông lão đứng bên trái bảy nén, ông lão bên phải chín nén. Còn ông, tôi thấy rõ: ông chỉ cầm có ba nén nhang. Cả ba phủ phục trước bàn thờ thầy, dập đầu xuống đất ba lần. Họ lạy trời, lạy đất, lạy thánh nhân (mà thầy là hiện hữu). Sau đó, họ quay đủ bốn phương, tám hướng vái lần thứ nhất bảy cái. Thầy Tiến bảo tôi những cái vái ấy để tưởng nhớ cả chúng sinh, tưởng nhớ cả những ai đã thấm "đạo" của thầy...
Bài "Văn tế thầy" của ông "trưởng tràng" già nhất dài lê thê, buồn não nuột, gợi nhớ người xưa với một niềm ngưỡng vọng khôn nguôi. Những ai từng theo học thầy đồ Quí, đều phải quì xuống để nghe. Ơở nhiều đoạn, tôi liếc ngang và thấy có những ông già lấy khăn hay vạt áo chùng chấm chấm mắt... Họ đang sống lại ngày xưa với thầy, với bạn và với cả tuổi thơ của chính mình.
Khuya, "lễ" được hạ xuống, bưng vào nhà trong. Đám thanh niên trong làng được cử đến giúp đám giỗ, chia thành nhiều mâm. Mâm cỗ thết khách có đủ cả "lòng thành" từ tất cả các mâm "lễ". Là một người dễ xúc động, nước mắt tôi bỗng trào ra khi nhìn thấy một thanh niên đang xắt một vắt cơm và đang xé vụn một con ếch đồng nướng vừa được lấy ra từ một mâm lễ phủ vải đỏ, rồi rắc đều vào mỗi mâm một ít cơm, một chút xíu thịt ếch.
Tôi là khách, được mời ngồi với các "trò" cao niên nhất ở chiếu hoa giáp với bàn thờ. Nằn nì mãi mới được phép, tôi đi dọc theo các chiếu trắng, đến mâm cỗ dành cho các "đàn em út" ngồi trên chiếu vỉ. Ở đây có thầy Phạm Tiến, ông bí thư huyện ủy và một viên tướng... Viên tướng bốc được cái đùi ếch. Ông đưa cho bí thư: "Cho mày cái này... Tao nghĩ cả đời đi học, rồi đi đánh giặc, hòa bình giành được rồi, chẳng lẽ...". Ông bí thư vừa uống rượu, nước mắt chảy cả vào chén rượu, vừa gật gật...
Nếu gạt bỏ những hủ tục sang một bên, rõ ràng đây là một sinh hoạt văn hóa đẹp của dân tộc.
Còn không những đám giỗ thầy đồ Yên Tiến - vùng quê từng sinh ra biết bao nhiêu trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, vùng quê giàu truyền thống "tôn sư trọng đạo"?
Lẽ nào ta có thể quên một nét đẹp văn hóa cổ xưa vẫn còn nguyên giá trị đối với hiện tại?