Dịch giả Cao Xuân Hạo
CHƯƠNG V

Isaura cầm cái giỏ thêu lên và sắp sửa ra khỏi phòng khách, một mực quyết ẩn mình vào một xó xỉnh nào trong nhà hay một bụi rậm nào ở tận cuối vườn cây ăn quả. Nàng hy vọng làm như thế sẽ tránh được sự tái diễn của những cảnh nhục nhằn và tủi hổ mà nàng vừa chứng kiến. Nhưng nàng vừa đi được ba bước đã thấy một nhân vật kỳ quặc đứng sừng sững trước mắt nàng.
Đó là một quái nhân thực sự, hay ít ra cũng là một thứ người dị hình dị tướng. Đầu hắn to tướng mọc những món tóc dày lởm chởm, thân hình hắn còi cọc tóp teo, hai cái chân vòng kiềng của hắn ngắn cũn cỡn. Trông hắn giống loài khỉ hơn là loài người. Hắn làm cho người ta nhớ tới những thằng hề dị dạng thời Trung thế kỷ chuyên làm trò giải trí cho các bậc vua chúa và cận thận của họ. Thiên nhiên đã quên lắp cho hắn một cái cổ, và cái đầu méo mó của hắn như mọc ra từ một khối u to tướng nhô hẳn lên thành ngọn như một cái mũ chụp. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ ta thấy những nét mặt của hắn cũng có phần cân đối đều đặn, lại còn có vẻ khôn ngoan, hiền lành và hóm hỉnh nữa.
Chắc chắn là Isaura đã hoảng sợ thét to lên nếu nàng không phải là đã quen mắt từ lâu với hình ảnh quái dị này. Đây chính là Belchior, người làm vườn cho điền trang này từ bao nhiêu năm nay: mặc dầu thân hình cổ quái, anh ta đã làm công việc một cách nghiêm túc và có tinh thần tự trọng. Sự tình cờ, mà cũng có thể là một ý thích ngang ngược nào đó của chủ nhân, đã tạo nên sự tương phản giữa người làm vườn và những đoá hoa mà anh ta trồng: người trồng hoa xấu xí bao nhiêu thì thì vẻ đẹp của hoa lại càng nổi bật bấy nhiêu.
Một tay Belchior cầm một cái mũ rơm rộng vành kéo lê trên mặt đất, còn tay kia anh ta ôm một bó hoa to tướng cắm đủ các loài hoa, giơ lên ngang mày để che bớt cái mặt xấu xí của mình. Giờ đây anh ta giống như một cái bình sứ dáng cổ quái mà người ta thường đặt trên các tủ buýp phê hay trên đỉnh các cột trụ cụt làm vật trang trí.
- Lạy chúa cứu giúp! - Isaura nghĩ bụng khi trông thấy người làm vườn. - Chỉ còn thiếu có anh này nữa thôi…Nhưng dù sao anh ta cũng dễ chịu hơn mấy người kia. Mấy người kia toàn làm khổ mình, hành hạ mình, còn anh này thì nhiều khi lại biết cách làm cho mình cười nữa.
- Xin chào anh Belchior! - nàng nói to lên. - Anh đến đây có việc gì?
- Thưa tiểu thư Isaura, - anh làm vườn ngượng ngùng nói lúng búng. - tôi…tôi đến…
- Tiểu thư! Tôi mà anh gọi là tiểu thư ư?…Thế ra anh cũng vậy sao, anh Belchior? Anh mà cũng chế giễu tôi nữa à?
- Tôi? Tôi mà chế giễu tiểu thư? - anh làm vườn bối rối hỏi lại. - Đời nào tôi lại thế. Tôi mà dám ăn nói vô lễ với tiểu thư thì sâu bọ khoét lưỡi tôi đi!
Chẳng qua tôi đến là để đem biếu tiểu thư mấy cái bông này, vì thưa tiểu thư, tiểu thư cũng là một cái bông…
- Thôi anh đừng gọi tôi là “ tiểu thư “ thế nữa! - cô gái sốt ruột nói. - Tôi tên là Isaura, tôi là nô tỳ của phu nhân Malvina…
- Đúng thế, cô gái đẹp ạ, - người gù cười gằn, - nhưng lại cũng có điều chắc chắn nữa: cô là người ngự trị trong trái tim tôi, và giá được hôn chân cô tôi sẽ sung sướng vô cùng.
- Bây giờ đã đỡ hơn rồi đấy, - Isaura thở dài. - Thà anh ăn nói như thế còn hơn.
- Isaura ạ, tôi chỉ là một người làm vườn nghèo khổ, tôi biết lắm, nhưng tôi chăm chỉ làm ăn, và không bao giờ cô có thể thấy tôi đi bít tất len thủng, tôi đã dành dụm được hơn nghìn quan. Nếu cô cũng thích tôi như tôi thích cô, tôi sẽ tìm cách chuộc lại tự do cho cô. Với lại tôi sẽ cưới cô làm vợ. Vì cô sinh ra không phải để làm nô tỳ.
- Tôi xin cảm tạ những ý định tốt của anh, - Isaura ngắt lời, - nhưng anh chỉ phí thì giờ vô ích thôi, anh Belchior ạ. Chủ tôi không bao giờ để cho tôi ra đi đâu.
- Thật là ác độc! Cầm tù người đàn bà đẹp nhất thế gian!…Nhưng cũng không sao đâu Isaura ạ. Tôi thà làm nô lệ cho một nô tỳ như cô còn thích hơn làm chủ một nghìn ông chủ. Cô không thể tưởng tượng tôi ao ước được lấy cô đến nhường nào đâu, Isaura ạ! Mỗi lần tưới hoa, tôi lại mơ tưởng đến cô, nhớ cô không sao nói cho hết…
- Thật à! - cô gái thốt lên. - Tình tứ nhỉ!
- Isaura! Belchior nói tiếp, - cô hãy rủ lòng thương kẻ tôi tớ của cô đang quỳ dưới chân cô…
- Anh đứng dậy ngay đi! - Isaura sốt ruột ngắt lời. - Các chủ nhân mà trông thấy anh quỳ như thế thì còn ra cái gì? Mà họ kia rồi…Kìa, anh Belchior!
Quả nhiên, một phía là Leoncio, phía kia là Henrique, đều đang quan sát hai người.
Khi đã ra khỏi phòng khách, lòng bực tức và căm giận ông anh rể, Henrique đến gặp chị ở phòng ăn, nơi Malvina đang pha cà phê, và trút nỗi căm giận của mình thành những lời lẽ bất cẩn gieo mối lo âu và nghi ngờ vào tâm trí người thiếu phụ. Chàng ta nghiến răng nói: - chị Malvina ạ, chồng chị chỉ là một thằng du côn khốn nạn!
- Anh ấy làm gì cậu thế? - Malvina hỏi, kinh ngạc trước cơn giận đột ngột của cậu em trai.
- Em thương chị quá, thật tội nghiệp cho chị!…
- Có chuyện gì thế Henrique? Cậu nói đi nào!
- Cầu Chúa cho chị đừng bao giờ biết chuyện này! Thật là xấu xa…
- Nhưng có chuyện gì xảy ra mới được chứ? Cậu nói rõ ra đi, - Malvina kêu lên, mặt tái xanh, hơi thở hổn hển.
Nhìn gương mặt thất sắc của chị, Henrique chợt thấy hối tiếc về những lời lẽ bất cẩn mà chàng vừa thốt ra, và lúc bấy giờ chàng mới chợt hiểu ra rằng mình đóng một vai trò thảm hại trong khi gieo mầm xích mích giữa hai vợ chồng từ trước tới nay vẫn sống hoà thuận. Nhưng muộn mất rồi, dù có muốn làm cách gì cũng không thể giảm bớt những hậu quả khủng khiếp của những lời đã trót nói ra.
- Không có gì đâu, chị Malvina ạ, - Henrique cố gượng cười. - Chồng chị lì lợm như con lừa ấy, chỉ có thế thôi.
- Không, Henrique, cậu giấu tôi, khi cậu đến đây, cậu đang giận điên lên, mắt cậu quắc lên, vẻ mặt hầm hầm…
- Kìa chị! Chị biết rõ tính em mà! Em xưa nay vẫn thế, động một chút là cáu tiết lên. Nhưng chỉ một nhoáng là hết.
- Cậu làm chị sợ quá…
- Thôi, chị uống đi, - Henrique vừa nói vừa đưa cho chị một tách cà phê. - Uống vào là hết sợ ngay.
Malvina cố trấn tỉnh lại, nhưng những lời lẽ của Henrique đã xói vào chổ sâu kín nhất trong lòng nàng như một con rắn độc, và đã tiêm nọc độc vào đấy.
Vừa lúc ấy Leoncio từ phòng khách bước vào, và câu chuyện tạm thời được gác lại. Cả ba người ngồi uống cà phê. Họ uống rất nhanh, và không trao đổi với nhau một câu nào. Chưa chi, họ đã thủ thế với nhau, chưa chi mỗi người đã nhìn hai người kia bằng một khoé mắt nghi kỵ. Uống xong, họ đứng dậy ngay và ra khỏi phòng, nhưng không hiểu sao cả ba đều đi về phía phòng khách. Henrique và Malvina vịn tay nhau di dọc theo dãy hành lang phía ngoài cửa ra vào. Leoncio thì lại đi qua cái phòng trong ăn thông với phòng khách.
Chẳng qua họ đều đi đến chổ mà họ biết là người họ đều đang nghĩ đến hiện đang có mặt: người ấy, mặc dầu hoàn toàn ngây thơ vô tội, hoặc giả chính vì hoàn toàn ngây thơ vô tội, đang gây nên sự bất hoà giữa bọn họ.
Họ đã đến kịp để chứng kiến đoạn kết của một màn kịch lố lăng, trong đó Belchior đang quỳ mọp dưới chân Isaura. Tuy nhiên, Leoncio quan sát cảnh này qua cánh cửa sổ hé mở của một căn phòng xép cho nên không trông thấy Henrique và Malvina, vì hai người này đã dừng lại trong dãy hành lang ngay trước cửa ra vào. Thấy Belchior thì thụp trước mặt Isaura, Leoncio kêu lên:
-Ô! Ô! Thế ra trong nhà tôi có một thần tượng mà mọi người đều phụng thờ và mọi người đều đến nghiêng mình thi lễ! Bây giờ đến lượt anh làm vườn nữa!…Chào Belchior, thật đẹp mặt!…Cứ diễn tiếp cái trò hề ấy đi, xem được đấy. Nhưng cũng xin anh biết cho rằng chăm sóc thứ hoa này chẳng cần đến tay anh đâu. Anh nghe rõ chưa, anh Belchior?
- Xin ngài thứ lỗi cho, - người làm vườn vừa nói lắp bắp vừa run rẩy đứng dậy. - Tôi chỉ muốn đem mấy cái bông này để cắm vào mấy cái bình trong phòng khách.
- Thế mà lại phải quỳ xuống trao cho một con nô tỳ! Trông đẹp mắt lắm. Nhưng nếu anh còn giở cái trò này trong nhà tôi, xin anh biết cho rằng tôi sẽ tống cổ anh đi ngay, có tặng thêm mấy cái đá vào cái lưng gù của anh nữa.
Khiếp vía, Belchior loạng choạng lui ra, trong khi Leoncio dang rộng hai tay đi về phía cô thiếu nữ.
- Isaura! Isaura yêu quý của anh! - Leoncio nói. Chàng phát âm tên nàng với những âm điệu cực kỳ âu yếm.
Bỗng một tiếng thét lanh lảnh làm cho Leoncio như bị đóng đinh tại chổ. Malvina đứng trong khung cửa, mặt tái mét, gần như bất tỉnh, phải tựa vào vai Henrique đang ôm lấy chị cố đỡ cho nàng khỏi ngã khuỵu xuống.
- Ôi! Henrique! - Malvina thốt lên khi đã hoàn hồn, - bây giờ thì chị đã hiểu ban nãy em muốn nói chuyện gì…
Đoạn nàng quay ngoắt lại chạy về phòng riêng, một tay đặt lên trái tim đang muốn vỡ tung, tay kia cầm mùi - xoa cố giấu những giọt lệ, đang tràn lên đôi mắt kiều diễm.
Leoncio, thảng thốt vì sự trùng phùng khủng khiếp vừa xảy ra, đi đi lại lại trong phòng khách, tâm trạng hết sức bối rối. Chàng giận Henrique đến ngạt thở, vì cho rằng chính hắn ta gây ra những biến cố phiền toái sáng nay, và cố nghĩ cách ra khỏi tình thế nan giải này.
Về phần Isaura, trong vòng chưa tới một tiếng đồng hồ mà phải chịu đựng đến ba cuộc tấn công liên tiếp, nàng thấy choáng váng như người bị say nắng. Nàng chạy ra vườn cam mong trốn thoát mọi người, hoảng hốt như con thỏ rừng khi nghe tiếng sủa của đàn chó săn đang thở hổn hển chạy qua cánh đồng đuổi theo nó.
Henrique, căm phẫn vì hành động của ông anh rể, không thèm nhìn mặt anh ta nữa. Chàng lấy súng săn bỏ đi, định suốt ngày hôm ấy sẽ đi bắn chim trong rừng và ngay sáng hôm sau sẽ lên đường về thủ đô.
Lũ nô tỳ không còn dám tin ở mắt mình nữa khi thấy đến bữa ăn trưa chỉ có một mình Leoncio ngồi ở bàn ăn. Leoncio có cho người mời Malvina, nhưng nàng kêu khó ở, không chịu rời phòng riêng. Leoncio phát khùng lên. Chàng toan gạt hết bát đĩa xuống đất rồi đến tát vào mặt thằng em vợ hỗn láo đã gieo sự bất hoà trong gia đình. Phải chật vật lắm chàng mới tự kiềm chế được, và khi đã bình tĩnh lại, chàng suy xét rằng tốt hơn cả là cứ làm như thể không có chuyện gì xảy ra, và tỏ một thái độ dửng dưng, nếu không phải là cao ngạo, trước nỗi bất bình của vợ và sự hằn học của cậu em. Vả lại chàng cũng biết là không có cách gì che giấu lâu hơn nữa những ý đồ tội lỗi của mình trước mắt Malvina. Tuy vậy, Leoncio vốn không bao giờ biết
hối hận là gì, dù chỉ chút đỉnh thôi, và lại càng không thể nào nghĩ đến chuyện xin lỗi vợ, cho nên chàng quyết định đối phó với trận cuồng phong đang sắp nổ ra bằng một thái độ hoàn toàn bình thản. Chính tính kiêu ngạo, và hơn nữa, sự khinh miệt không bờ bến của Leoncio đối với giới đàn bà, đã mách cho chàng cách ứng xử đó.
Sau bữa ăn trưa, Leoncio sai đóng yên cương, cưỡi ngựa qua các đồn điền cà phê suốt mấy tiếng liền - một việc mà xưa nay chàng chẳng mấy khi làm. Khi mặt trời đã xế bóng, chàng trở về nhà, điềm nhiên ngồi vào bàn ăn, và ăn rất ngon miệng. Rồi chàng ra phòng khách, ngả người thật thoải mái trên chiếc đi - văng êm nhất và châm một điếu xì gà.
Đúng vào lúc ấy Henrique đi bắn chim về. Chàng đi tìm chị khắp nhà nhưng chẳng thấy đâu. Cuối cùng mới biết Malvina đóng cửa nằm lì trong phòng ngủ. Nàng xanh xao, phờ phạc, và đôi mắt đỏ hoe cho biết rằng nàng đã khóc nhiều.
- Cậu đi đâ và lấy nhau trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ít lâu sau, mẹ Leoncio mất. Người đàn bà đáng kính này sinh thời chẳng được hạnh phúc là bao nhiêu. Don Almeida là một người thô lỗ và lạnh lùng, không mấy quan tâm đến cuộc sống vợ chồng. Ngài sống một cuộc đời phóng đãng làm cho vợ ngài đau khổ rất nhiều. Khổ nhất cho bà là bao nhiêu con cái của bà sinh hạ đều chết lúc còn nhỏ, chỉ trừ mỗi một mình Leoncio.
Bà tiếc nhất là Trời không cho bà có được một mụn con gái để làm bạn với bà và an ủi bà khi đã già yếu.
Tuy vậy sự tình cờ đã muốn rằng bà có được niềm an ủi này trong một sinh vật yêu kiều và mỏnh manh, cuối cùng cũng đã lấp đầy được cái khoảng trống không trong trái tim bà. Một đứa bé nô lệ đã ra đời ngay trong nhà bà, và bà đã lập tức trút hết tình thương yêu vào đứa bé ấy.
Isaura - đứa bé ấy chính là nàng - vốn là con của một nô tỳ lai da đen làm hầu phòng cho phu nhân Almeida, cũng là gia nhân trung thành nhất của bà. Ngài Almeida, vốn là người vô đạo, coi tất cả nô tỳ như những súc vật giống cái dành riêng cho mình và vẫn thường nhìn cô hầu phòng xinh đẹp của vợ với đôi mắt đầy thèm muốn. Cô gái lai da đen trong một thời gian đã cố hết sức cưỡng lại những mưu đồ dâm đãng của chủ nhân, nhưng rồi cuối cùng cũng không chống cự nổi khi ngài dùng đến sức mạnh phũ phàng. Khi biết chuyện này, phu nhân Almeida chìm ngập trong một nỗi đau buồn tuyệt vọng.
Bị hạ nhục trước những lời trách móc cay đắng của vợ, ngài Almeida không còn dám cưỡng ép người nô tỳ đáng thương kia nữa, nhưng mặc dầu đã hết sức cố gắng, ngài cũng không sao xoá được cái cảm giác ghê tởm của người nô tỳ đối với ngài. Căm giận vì bị cự tuyệt, ngài trả thù bằng cách sai người ấy làm đủ các thứ việc nặng nề và hễ sơ xuất một chút là ra tay trừng trị bằng những hình phạt khủng khiếp nhất. Ngài không cho cô ta làm việc hầu hạ tronng nhà nữa, vì ở đây cô chỉ được giao những việc nhẹ cần đến sự khéo léo tinh vi, đuổi cô ta ra ở lều và bắt làm những việc đồng áng nặng nhọc, lại ra lệnh cho viên quản lý không nương nhẹ cô ta khi giao việc cũng như khi trừng phạt. Viên quản lý này là một người đàn ông ở tuổi trung niên, tính vốn nhân hậu hơn chủ. Ông ta đã đem lòng thương xót cô nô tỳ, và hơn nữa, đã xúc động sâu xa trước vẻ kiều diễm của cô. Ông không những không hành hạ cô ta, mà còn cưng chiều hết mức và tặng rất nhiều quà cáp, đến nỗi chín tháng sau cô ta sinh hạ được một đứa con gái. Tức giận điên cuồng, Don Almeida đuổi viên quản lý ra khỏi trang viện, bắt cô nô tỳ làm những việc hết sức nặng nhọc và hành hạ cô ta đủ điều, đến nỗi cô ta chết trong khi đứa con hãy còn ẵm ngửa.
Nàng Isaura xinh đẹp đã ra đời như vậy. Song le, như để đền bù cho cái thân phận côi cút của nàng đã có một người đàn bà thánh thiện cúi mình trên chiếc nôi của đứa trẻ đáng thương và hết lòng che chở nó dưới đôi cánh từ bi của mình.
Đối với phu nhân Almeida, đứa hài nhi đáng yêu này là một ân sủng của Trời để đền bù lại những nỗi buồn mà cách sống phóng đãng của chồng bà đã gây ra. Bà thề với vong linh của người đàn bà lai da đen kia là sẽ chăm sóc đứa bé, sẽ nuôi dạy cho nó thành người như thể chính con mình đẻ ra.
Và phu nhân đã giữ đúng lời hứa. Khi đứa bé đến tuổi đi học, phu nhân dạy cho nó học đọc, học viết, học khâu vá và học cầu nguyện. Sau đó bà lại tìm thầy dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ, dạy vẽ, dạy tiếng Ý và dạy tiếng Pháp cho cô bé. Bà mua sách cho cô bé đọc. Nói tóm lại, bà cố hết sức làm sao cho cô bé được dạy dỗ hết sức tối ưu, như thể đó là con đẻ của bà, coi việc này như một điểm danh dự của bà. Về phía mình, Isaura, đã xinh đẹp lại được Trời phú cho một tư chất thông minh nhạy bén, luôn luôn làm cho bà hài lòng, vượt xa những điều bà kỳ vọng. Kinh ngạc trước những bước tiến nhanh chóng của cô bé, phu nhân Almeida thường tìm mọi cơ hội để cho trí thông minh của cô bộc lộ ra trước mắt mọi người, như người ta vẫn đem khoe ánh hào quang lấp lánh của một viên ngọc quý mà mình được chiếm hữu.
Từ nay, phu nhân coi đây là niềm diễm phúc của đời mình. Phu nhân thường nói:
- Trời đã không muốn ban cho tôi một mụn con gái do chính tôi xé ruột đẻ ra,nhưng Trời đã ban cho tôi một đứa con gái tinh thần.
Tuy nhiên, điều làm cho người ta ngạc nhiên hơn cả ở cô bé kiều diễm này là cách cư xử giản dị, khiêm nhường mà cô giữ được đối với những người cùng thân phận. Mặc dầu được săn sóc nuông chìu hết mức, cô không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo hay hống hách đối với những người nô lệ khác. Cách giáo dục cầu kỳ không hề mảy may làm thay đổi lòng nhân hậu tự nhiên và tính nết hiền dịu của cô. Cô bao giờ cũng vui vẻ ân cần đối với các nô tỳ, ngoan ngoãn và lễ độ đối với các chủ nhân.
Dĩ nhiên Don Almeida rất khó chịu với sự tình này. Ngài cho rằng cách cư xử của phu nhân đối với Isaura chẳng qua là một thói đỏng đảnh dở hơi của một mụ đàn bà không bình thường. Ngài thường thốt lên, giọng thương hại:
- Thật ngu xuẩn! Việc gì lại sức dạy dỗ cái con ngốc ấy như vậy? Chẳng bao lâu nữa lớn lên nó sẽ cười vào mặt cho ấy! Về già là các bà đều đâm ra như thế, bà thì suốt ngày đâm ra cầu nguyện với than thở, bà thì quay ra nuôi chó con hay gà con, riêng bà này thì lại một mực muốn biến cái con lai da đen kia thành một bà chúa. Một cách giết thì giờ tốn công tốn của. Mà thà có thu được lợi lộc gì cho cam! Thôi, trong khi bà vất vả với nó như thế thì ít nhất bà cũng làm ơn làm phúc miễn cho tôi những lời giáo huấn ngớ ngẩn và những lời phê phán nhục nhằn của bà...
Ít lâu sau lễ cưới của Leoncio, cả gia đình trở về sống trong toà dinh thự ở Campos. Chính lúc bây giờ ngài Almeida đã quyết định cho con trai hưởng trọn quyền sở hữu điền trang. Ngài trao luôn cho Leoncio cả quyền cai quản lẫn quyền chiếm hữu nô lệ. Ngài nói là ngài tự thấy mình đã quá già, quá mệt mỏi, khó bề gánh vác việc cai quản điền trang. Giải quyết xong xuôi việc trao quyền thừa hưởng gia tài, ngài lập tức lên đường đi Thủ đô. Về phần phu nhân, bà tỏ ý muốn ở lại với con trai. Don Almeida thuận lòng ngay.
Malvina, cô vợ trẻ của Leoncio, tuy là người thuộc dòng dõi quý tộc, song có tâm hồn nhạy cảm và đại lượng. Nàng quan tâm ngay đến Isaura, lại còn đem lòng yêu mến cô bé nữa. Dĩ nhiên Isaura vốn hiền dịu và khiêm nhường, xinh đẹp và thông minh đến nỗi ai tiếp xúc với cô cũng đều đem lòng yêu mến và quý trọng ngay từ đầu. Cho nên chẳng bao lâu cô không những trở thành người nữ tỳ ưa chuộng của Malvina mà còn là người bạn gái thân thiết của nàng nữa. Vốn quen được hưởng những thú vui của chốn kinh thành, nàng rất mừng là đã tìm thấy ở cái nơi hẻo lánh mà nàng sẽ phải coi là nhà mình này một người bạn đáng mến như vậy.
Một hôm Malvina nói với mẹ chồng:
- Sao mẹ không trả tự do cho cô bé này? Một con người nhạy cảm như Isaura sinh ra không phải để làm nô tỳ, mẹ ạ.
- Con nói rất phải, con ạ, - vị phu nhân già đáp dịu dàng, - nhưng biết làm thế nào được con? Mẹ không đủ can đảm trả lại tự do cho con chim xinh đẹp mà Trời đã gửi để xoa dịu những nỗi đau của mẹ. Vả lại, trả tự do cho nó để làm gì kia? Ở đây, cứ như thế này nó chẳng được tự do là gì? Nó còn được tự do hơn cả mẹ nữa ấy, vì mẹ không còn thấy thú vị gì trong cuộc sống, mà cũng chẳng còn sức để hưởng những ngày còn lại nữa. Con muốn mẹ để cho nó cất cánh bay đi ư? Thế nếu nó lạc mất, nếu nó không còn tìm được lối về lồng cũ nữa thì sao? Không được đâu con ạ. Chừng nào mẹ còn sống, mẹ vẫn muốn giữ nó bên cạnh mẹ, mẹ vẫn muốn nó là của mẹ, nó chỉ thuộc về một mình mẹ mà thôi. Có lẽ mẹ chỉ là một mụ già ích kỷ, nhưng mẹ còn sống có được bao nhiêu đâu: nó chẳng phải hy sinh gì nhiều lắm! Mẹ chết đi rồi, nó sẽ được tự do, và mẹ sẽ lo việc để lại cho nó một món tiền kha khá.
Quả nhiên vị phu nhân già đã mấy lần tìm cách sửa đổi tờ di chúc đã viết từ trước để thêm những điều khoản bảo đảm được tương lai cho đứa con nuôi. Nhưng với sự đồng loã của con trai, Don Almeida đã viện khi lý do này khi lý do khác để lần lượt trì hoàn cái việc mà theo như ngài nói quả quyết với vợ, chỉ là một thủ tục thuần tuý hình thức, cho đến cái ngày phu nhân liệt giường sau một cơn bệnh cấp phát rồi lịm dần đi, không một phút nào còn trở lại đủ tỉnh táo để bày tỏ những ý nguyện của mình.
Bấy giờ Malvina liền tự phát nguyện với bản thân là sẽ che chở cho cô bé khốn khổ và trông nom cô bé đúng như người đàn bà quá cố từng mong ước. Isaura khóc rất lâu, người đã từng đối với cô là một người mẹ ân cần và đầy tình thương xót. Cô vẫn giữ thân phận nô tỳ, và nay, không còn được sự che chở của người mẹ nuôi nhân hậu nữa, cô trở thành miếng mồi ngon cho một gã đàn ông hư hỏng, độc đoán và tàn nhẫn.