Chương 5
Một Bài Học Hóc Búa.

Học kỳ một của tôi ở Lowood trôi qua như dài một thế hệ.Tôi hết sức khó khăn trong việc làm quen với những luật lệ mới và những bài học, nhưng nỗi lo sợ thất bại triền miên của tôi cứ làm tôi lo lắng nhiều hơn cả công việc nhọc nhằn hằng ngày.
Suốt tháng giêng, tháng hai và một phần tháng ba, lớp tuyết dày đã giữ chúng tôi ở trong khuôn viên nhà trường, trừ khi chúng tôi đi nhà thờ.Nhưng hằng ngày, chúng tôi phải trải qua một giờ ở ngoài trời và áo quần chúng tôi không đủ ấm để chống chọi với cái rét ghê hồn. Tuyết lọt vào trong giày của chúng tôi, tan ra, cả bàn chân, bàn tay đầy những chỗ sưng nhức nhối.
Tôi nhớ qúa rõ nỗi đau đớn và giận dữ tôi đã chịu đựng mỗi tối khi hai bàn chân mình bị sưng tấy lên và sự khốn khổ phải chuồi mấy ngón chân sưng nhức vào giày mỗi buổi sáng. Rồi thì sự thiếu ăn là một nỗi khổ triền miên, và việc này lại phát sinh ra cái tệ nạn bọn con gái lớn dụ dỗ, dọa dẫm bọn nhỏ sớt bớt phần ăn cho chúng, mặc dù khẩu phần của chúng đã ít ỏi. Nhiều lần tôi đã chứng kiến mẩu bánh mì qúy giá của tôi được chia cho hai đứa lớn, một nửa bình cà phê đứa thứ ba uống, tôi chỉ ăn chút ít còn lại, và chỉ biết khóc thầm mà thôi.
Chủ nhật là những ngày buồn thảm vào mùa đông. Chúng tôi phải đi bộ hai dặm đường để đến nhà thờ Brocklebridge, ở đây người bảo trợ chúng tôi là một mục sư.Chúng tôi bước ra là thấy lạnh, đến nhà thờ càng lạnh hơn sau khi đã đi bộ trên tuyết, và hầu như bị tê cóng vì lạnh suốt thời gian dài làm lễ.
Đường đi qúa xa nên không thể về đúng giữa trưa để ăn, cho nên chúng tôi phải ăn thịt và bánh mì nguội đợi đến bữa ăn chiều.
Xế chiều, chúng tôi phải đi bộ về trường trên con đường đồi lạnh lẽo. Tôi cứ nhớ cô Temple, áo choàng bị gió lạnh đánh phần phật, đi nhanh nhẹn giữa đoàn nữ sinh đang lom khom bước, cô cố động viên chúng tôi giữ vững tinh thần. Các giáo viên khác, thật khốn khổ, lại đi sát vào nhau để vui chân.
Chúng tôi mơ ước biết bao ánh sáng và hơi ấm của lò lửa bập bùng khi trở về! Nhưng điều này thật khó cho học sinh nhỏ, vì mỗi lò sưởi đều có các cô lớn ngồi quanh hai hàng rồi.
Một buổi chiều khi tôi đã ở Lowood được ba tuần, tôi đang ngồi với cái bảng đen trên tay, đang bối rối trước một bài toán chia dài thì tôi chợt thấy một bóng người đi ngang ngoài cửa sổ. Đó là ông Brocklehurst. Phút chốc, ông đã vào trong phòng học, đứng bên cạnh cô Temple, cũng cái dáng người cao ấy đã nghiêng người lên tôi ở Gateshead.
Tôi có lý do riêng để sợ chuyến đến viếng thăm này. Tôi sợ bất kỳ một phát hiện nào về qúa khứ của tôi trong trường hợp ông tố cáo tôi là một đứa trẻ xấu. Hình như tôi nghe được chuyện ông đang nói với cô Temple( cô đang ngồi ở gần cửa lớn), cho nên thoạt tiên tôi thấy yên ổn phần nào.
Ông Brocklehurst nói:
- Cô Temple à, khi tôi đến đây vừa rồi, tôi đã ra vườn sau và xem xét áo quần đang phơi trên dây. Nhiều đôi bít tất đen ở trong tình trạng tồi tệ khó chữa, do các lỗ thủng khá lớn, tôi e rằng chúng không cách gì vá mạng lại được.
Ông dừng lại. Cô Temple trả lời:
- Thưa ngài, chúng sẽ được điều chỉnh lại.
Ông Brocklehurst tiếp:
- Có điều khác nữa khiến tôi ngạc nhiên là khi coi lại sổ sách kế toán của quản gia, tôi thấy có một bữa ăn bánh mì và phó mát đã được dọn thêm lần thứ hai cho các cháu cách đây hai tuần. Ai cho phép làm việc này và ai ra lệnh vậy?
Cô Temple đáp:
- Thưa ngài, tôi xin chịu trách nhiệm việc này. Cháo nấu qúa cháy, các em không thể ăn được.
- Xin cô nghe cho. Cô biết là kế hoạch của tôi là làm cho những đứa nhỏ này biết kham khổ và biết kiên nhẫn, tự chế - không khuyến khích chúng sống xa hoa và tự mãn. Một sự nản chí nhỏ nhặt nào, như là làm hỏng một bữa ăn, đều là cơ hội để chúng ta giáo dục tinh thần cho chúng, dạy chúng có nghị lực để chống chọi với gian khổ. Ôi, thưa cô, khi cô cho chúng ăn bánh mì và pho- mát thay cho cháo cháy, thì cô đã nuôi nấng cái cơ thể khốn khổ của chúng, nhưng cô ít nghĩ đến việc cô đã bỏ đói linh hồn bất diệt của chúng cho đến chết!
Ông Brocklehurst lại ngưng nói, có lẽ vì ông qúa xúc động. Cô Temple nhìn thẳng trước mặt, môi cô mím chặt, mắt nghiêm nghị
Bỗng ông Brocklehurst tiếp tục, lần này ông nói nhanh:
- Này cô Temple, sao, sao cháu kia lại được phép uốn tóc? Cô tóc đỏ ấy, tóc uốn lên phải không? - ông hỏi.
Tay ông run rẩy khi chỉ cô gái.
Rất bình tĩnh, cô Temple đáp:
- Cháu ấy là Julia Severn.
- Julia Severn à? Tại sao ở trong nhà từ thiện này cháu ấy lại được phép để tóc quăn như vậy?
Cô Temple đáp:
- Tóc của cháu ấy quăn tự nhiên đấy ạ.
- Tự nhiên à? ở đây chúng ta không nên khuyến khích tự nhiên! Tôi thích tóc giản dị bình thường. Tóc như thế phải cắt bỏ hết! Ngày mai tôi sẽ cho một người thợ hớt tóc đến đây. Tôi còn thấy có nhiều cô để tóc dài qúa. Cô hãy cho các em lớn đứng dậy và quay mặt vào tường đi.
Cô Temple lấy khăn đưa lên môi. Nhưng rồi cô cũng ra lệnh, và lớp một tuân theo cô.Tất cả nghe một giọng nói quyết định:
- Tất cả những cái nơ và bím tóc phải cắt hết.
Cô Temple quay lại phản đối, ông Brocklehurst lại nói tiếp:
- Thưa cô, bổn phận của tôi là phải dạy cho các cô gái này biết quên mình, biết ăn mặc thô sơ giản dị. Những cái bím tóc này đã mất công bện hết sức cầu kỳ! Cô hãy nghĩ đến việc phí thì giờ.
Đến đây thì có ba phụ nữ bước vào cắt ngang câu nói của ông. Họ mặc áo quần hết sức lộng lẫy bằng nhung, lụa và lông thú. Hai cô gái còn trẻ khoảng mười sáu hay mười bảy tuổi, tóc họ xõa gợn sóng xinh đẹp dưới chiếc nón màu xám hợp thời trang, được uốn cong lên, chải chuốt kỹ càng. Bà lớn tuổi mặc áo nhung có may xen kẽ lông chồn, tóc cũng uốn cong xõa ngang trán. Cô Temple chào họ vì nhiệm vụ. Đó là bà Brocklehurst và hai cô con gái của bà ta.
Cho đến lúc ấy tôi mải nghe câu chuyện với cái bảng đen che trước mặt, như là tôi đang bận làm toán. Có thể tôi vẫn không bị chú ý đến, nhưng tấm bảng bỗng trượt khỏi tay tôi và rơi xuống nền nhà vỡ vụn, gây nên tiếng ồn khiến mọi người quay lại nhìn tôi.
Tôi biết thế là hết, tôi cúi xuống nhặt những mảnh vụn, và chờ đón điều tệ hại nhất xảy đến. Nó đến thật.
Ông Brocklehurst mắng:
- Đồ bất cẩn! học sinh mới phải không?
Không thoát được. Ông ta nói tiếp:
- Tôi nhớ ra rồi, tôi đã nói chuyện với cô bé này. Cho đứa bé làm bể cái bảng ra đứng phía trước đi.
Tôi điếng người. Tôi không nhúc nhích, nhưng hai học sinh lớn đã đẩy tôi tới trước mặt vị quan tòa đáng sợ ấy, và cô Temple nhẹ nhàng giúp tôi bước tới vừa nói nhỏ với tôi:
- Đừng sợ Jane. Cô thấy đây chỉ là việc rủi ro, em sẽ không bị phạt đâu.Tôi nghĩ:" Cô sẽ khinh mình khi cô nghe mình là một con nói láo độc địa". Thế rồi tôi bỗng qúa căm thù gia đình Brocklehurst và Reed.
Ông Brocklehurst chỉ một cái ghế rất cao, bảo:
- Lấy cái ghế ấy và cho nó đứng lên trên.Không biết ai đã để tôi đứng lên trên ấy. Tôi chỉ biết bây giờ mình cao ngang mũi ông Brocklehurst, và ông chỉ cách tôi một tấc. Ông quay qua phía vợ con ông và nói:
- Các bà, cô Temple, các cô và các em, tất cả qúy vị trông thấy cô bé này chứ?
Dĩ nhiên là họ thấy. Tôi cảm thấy họ đang đổ dồn mắt hau háu nhìn tôi như bóc trần tôi ra, và tôi đứng đó, cao hơn họ.
- Qúy vị thấy cô ta còn nhỏ. Nhưng thật là buồn vì nhiệm vụ mà tôi báo cho qúy vị biết, cô gái này không đứng trong hàng ngũ của Chúa, mà chỉ là một kẻ xa lạ trong đám con chiên của Ngài. Qúy vị phải coi chừng nó, không chơi, không chuyện trò với nó.Thưa các cô, các cô phải canh chừng nó. Phải để ý đến mọi hành động của nó và sẵn sàng trừng phạt thể xác nó để cứu rỗi linh hồn nó. Bởi vì cô gái này - đứa bé xuất thân từ một nơi qúy tộc - là...một kẻ nói láo!
Ông ngừng nói một lúc khá lâu, tôi nghe cô Brocklehurst nhỏ thì thào:"Ghê qúa!".
Ong Brocklehurst lại nói tiếp:
- Tôi biết được chuyện này là do một bà rất tốt đã nhận đứa bé mồ côi này và nuôi nấng nó cùng với các con ruột của mình - lòng từ tâm của bà đã được trả bằng sự vô ơn hèn hạ, một sự vô ơn hết sức hèn hạ, đến nỗi bà buộc phải tách nó ra khỏi các con mình để các hành vi bỉ ổi của nó khỏi gây ảnh hưởng xấu đến sự trong trắng của chúng. Bây giờ nó được gởi đến đây để sửa chữa lỗi lầm như người Do Thái xưa kia đã gửi bệnh nhân đến hồ Bethesda để chữa bệnh. Thưa qúy cô, tôi xin qúy cô xem đứa bé này cần được chữa bệnh bằng nước sạch của trường này.
Ông Brocklehurst cúi chào cô temple, gài nút áo rồi quay ra cửa, theo sau là vợ và con ông. Ông nói:
- Để nó đứng đấy trên nửa giờ, và đừng ai nói chuyện với nó trong suốt ngày hôm nay.
Thế là tôi đứng đấy cho mọi người thấy trong căn phòng lớn. Không có lời lẽ nào để miêu tả hết được tình cảm của tôi.Thế rồi khi tất cả đứng dậy, có một cô bé đi ngang gần tôi, cô ngước mắt nhìn tôi. cái nhìn lạ lùng làm sao! Nhìn mắt cô, một nghị lực mới trỗi dậy trong lòng tôi. Tôi giữ nước mắt khỏi chảy, ngẩng cao đầu, và đứng thẳng trên chiếc ghế cao. Helen Burns hỏi cô Smith cái gì đấy về công việc, khi quay về chỗ ngồi, đi ngang qua tôi, cô mỉm cười với tôi.
Nụ cười qúy hóa làm sao! Bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến nụ cười ấy, vì đó là dấu hiệu của lòng can đảm thực sự và một tư cách tuyệt đẹp. Nụ cười làm sáng khuôn mặt thanh tú vá đôi mắt sâu của cô, ánh sáng thật hiếm trong cõi đời này. Thế mà tôi lại được biết cô Scatcherd đã phạt cô ngày hôm sau chỉ được ăn bánh mì với nước lã, bởi vì cô đã làm dơ một bài tập.