Chương 9

Một bà già được sai tới hầu hạ Tùng Liên là Má Tống. Theo lời Má Tống kể lại thì bà ta đã làm việc trong nhà họ Trần từ lúc bà ta mới có mười lăm tuổi, và đã quá nửa đời người rồi; bà ta đã nuôi Phi Phố ngay từ lúc còn bé, và cũng nuôi cả cô tiểu thư đang học đại học. Nghe bà ta khoe khoang về cái thâm niên trong nhà họ Trần, Tùng Liên muốn chọc bà ta.
- Vậy thì bà nuôi cả Trần Lão gia từ lúc Lão gia còn nhỏ phải không?
Nhưng Má Tống không thích nói đùa; bà ta chỉ mỉm cười và trả lời:
- Không, không, không có Lão gia đâu. Nhưng tôi đã chứng kiến Lão gia kết hôn với bốn bà vợ. Khi Lão gia lấy Ðại Nương Dục Như, lão gia mới có mười chín tuổi; lão gia đeo một mặt giây chuyền bằng vằng trước ngực, và Ðại Nương cũng đeo một cái, nặng đến nửa cân vàng. Khi Lão gia đem Nhị Nương Cát Vân về nhà, mặt giây chuyền được thay bằng huy chương bằng vàng nhỏ hơn. Và khi Tam Nương Mai San vào nhà này, hai người chỉ đeo vài cái nhẫn trên ngón tay thôi. Vào lúc Tứ Nương đến đây, chúng tôi không thấy Tứ Nương đeo cái gì đặc biệt cả. Tứ Nương có thể thấy nhà họ Trần mỗi ngày một sa sút hơn.
- Nếu nhà họ Trần mỗi ngày một suy kém đi thì bà còn ở đây làm gì?
Má Tống thở dài và trả lời, "Tôi quen hầu hạ ở đây rồi. Nếu tôi trở về căn nhà cũ của tôi và sống một cuộc đời nhàn rỗi, tôi sẽ không thể quen được một đời sống như thế."
Tùng Liên che miệng cười và nói, "Má Tống, nói đúng sự thực thì một số người có số phận là phải làm đầy tớ."
- Ðấy không đúng hay sao? Ngay khi người ta sinh ra, người ta đã có số mạng làm chủ hay làm đầy tớ rồi. Nếu Tứ Nương không tin thì Tứ Nương cũng phải tin. Hãy coi tôi hầu hạ Tứ Nương hàng ngày; dù một ngày nào đó trời sập và đất thụt xuống, chừng nào chúng ta còn sống, tôi sẽ vẫn hầu hạ Tứ Nương, nhưng Tứ Nương sẽ không bao giờ phải hầu hạ tôi.
Má Tống thực là một người đầy tớ già điên rồ và lắm chuyện. Tùng Liên nhiều khi phát mệt vì bà ta, nhưng trong nhiều đêm vô cùng buồn tẻ, khi nàng ngồi cô đơn mệt mỏi hàng giờ bên ngọn đèn, nàng cần có người nói chuyện. Nàng thường gọi Má Tống vào phòng, và hai người, chủ và tớ, thường nói về những chuyện hết sức tầm thường vớ vẩn, và Tùng Liên không còn thấy buồn tẻ nữa. Khi lắng nghe Má Tống nói liên miên, ý tưởng của nàng lang thang tới những nơi xa lạ. Ðúng ra, nàng không lắng nghe cái mà Má Tống nói; nàng chỉ nhìn đôi môi vàng tái của Má Tống ngọ nguậy giống như một con côn trùng. Nàng cảm thấy cách sống cho qua được những giờ ban đêm như thế thực là buồn cười. Nàng tự hỏi, "Nhưng nếu ta không tiêu dùng những giờ ban đêm thế này thì ta biết làm gì khác?"
Một lần tình cờ hai người nhắc tới những người đàn bà chết trong cái giếng bỏ hoang. Má Tống cho biết người cuối cùng chết cách đấy bốn mươi năm rồi; người đó là hầu thiếp của thân phụ Trần Tả Thiên. Bà ta còn nói bà ta đã hầu hạ người hầu thiếp ấy khoảng nửa năm.
Tùng Liên hỏi, "Làm sao bà ta phải chết?"
Má Tống nheo mắt nhìn Tùng Liên một cách bí mật. "Chứ không phải là chuyện trai gái hay sao? Những bí mật đáng xấu hổ của gia đình không được nói cho người ngoài, nếu không Lão gia sẽ trách phạt tôi."
- Nếu bà nói như vậy thì ta cũng là một người ngoài hay sao? Ðược rồi, đừng nói chuyện ấy nữa, bà đi ngủ đi.
Má Tống nhìn vẻ mặt của Tùng Liên, rồi mỉm cười và hỏi, "Tứ Nương thực tình muốn nghe những chuyện nhơ nhớp ấy hả?"
- Bà chỉ cần nói, còn ta sẽ nghe. Chuyện ấy có gì mà kinh khủng đến thế?
Má Tống hạ thấp giọng và kể, "Tên bán đậu hũ! Bà ta dan díu với một gã bán đậu hũ."
Tùng Liên khẽ hỏi, "Làm sao mà lại dính líu tới tên bán đậu hũ?"
Má Tống kể tiếp, "Thằng cha đó làm đậu hũ ngon nổi tiếng, vì thế người đầu bếp mua và bắt hắn phải giao đậu hũ hàng ngày. Thế là người hầu thiếp tình cờ gặp tên bán đậu hũ. Cả hai người đều còn trẻ và dâm đãng, và chỉ liếc mắt đưa tình cho nhau vài lần là hai người có tình ý với nhau liền."
- Ai quyến rũ ai trước?
Má Tống cười khúc khích và trả lời, "Có quỉ mới biết được; thực khó mà nói đúng chuyện của họ nẩy nở như thế nào; đúng ra gã bán đậu hũ chịu người hầu thiếp và người hầu thiếp cũng chịu tên bán đậu hũ."
Tùng Liên hỏi dò thêm, "Ai biết hai người có tình ý với nhau?"
Má Tống nói, "Có người theo dõi rình họ! Lão gia thuê một tay thám tử theo dõi hai người. Cũng tại lỗi của bà ta nữa, vì nói dối không khéo. Bà ta đến nhà tên bán đậu hũ và ở trong đó cho tới tối cũng không chịu ra về. Thoạt đầu tên thám tử không dám xông vào quấy rầy hai người; nhưng sau khi chờ đợi quá lâu, tên thám tử đói quá, nên đá bật cửa ra và la lên, "Hai người có thể không đói, nhưng ta đói lắm rồi!"
Kể đến đó, Má Tống bật cười rũ rượi. Tùng Liên tưởng Má Tống cười đến gẫy cổ mất, nhưng nàng không cười; nàng ngồi thẳng dậy và nói, "Thật kinh tởm." Nàng đốt một điếu thuốc lá, hít vài hơi, rồi bất chợt hỏi, "Vậy thì sau khi bà ta phạm tội ngoại tình, bà ta nhảy xuống giếng ư?"
Khuôn mặt Má Tống lộ một vẻ rất bí mật, và khẽ trả lời, "Có trời mới biết rõ. Nhưng dù sao thì bà ta đã chết trong cái giếng ấy."
Vì câu chuyện ấy, Tùng Liên bắt đầu cảm thấy một nỗi sợ không tên. Nàng không dám ngủ mà không để đèn, tất cả chung quanh nàng đều đen tối và khủng khiếp. Nàng dường như trông thấy cái giếng bỏ hoang đó tràn lấn từ bên dưới cây tử đằng hoa tới tận cửa sổ nàng; nàng trông thấy cái màu lấp lánh nhợt nhạt của cái bàn tay ấy, thò qua cửa sổ nàng, nước nhỏ giọt và vẫy gọi nàng.
Không ai biết Tùng Liên kinh hoàng về những chuyện của cái giếng bỏ hoang, nhưng Dục Như biết rằng Tùng Liên ngủ mà không tắt đèn. Nhiều lần Dục Như nói rằng dù những gia đình giầu có nhất cũng trở nên nghèo mạt nếu họ không tắt đèn về ban đêm. Tùng Liên chỉ giả bộ không nghe thấy lời của Dục Như. Nàng nhận thấy nàng đã chán những cuộc chiến bằng mồm giữa những người đàn bà trong nhà họ Trần rồi; nàng không còn muốn tự bảo vệ nữa, không còn thích hơn thua với ai nữa, và cũng không thích bày tỏ một sự chú ý nào về những chuyện vặt mà các bà vợ thường tranh cãi nhau. Ðó là những chuyện mà nàng coi là không có chủ đích, đến nỗi nàng không tìm thấy một ý nghĩa gì. Nàng nghĩ rằng nếu nàng không có gì để nói thì nàng nên giữ im lặng. Mọi người trong nhà họ Trần nhận thấy Tùng Liên trở nên lặng lẽ và không nói chuyện, và họ đoán là vì nàng không còn được Trần Lão gia ưa thích nữa.

*

Ðã gần tới ngày mừng Tết năm mới rồi, và sinh hoạt trong nhà họ Trần sôi động hẳn lên. Người ta giết gia súc và heo, và mua tất cả những đồ dùng cho ngày Tết. Bên ngoài cửa sổ của Tùng Liên là sự ồn ào suốt ngày. Tùng Liên đang ngồi một mình trong phòng thì nàng chợt nhớ rằng ngày sinh nhật của nàng chỉ cách năm ngày, sau ngày sinh nhật của Trần Tả Thiên: ngày mười hai tháng mười hai âm lịch. Ngày ấy đã qua lâu rồi, nhưng nàng chỉ nhớ lại thôi; nàng không thể không cảm thấy buồn tủi. Nàng đưa cho Má Tống một ít tiền, và sai bà ta đi mua một vài món ăn đã làm sẵn và một chai rượu Tứ Xuyên.
Má Tống hỏi, "Tứ Nương, hôm nay là dịp gì vậy?"
Tùng Liên chỉ nói, "Ðừng hỏi lôi thôi nữa; tôi chỉ muốn biết say rượu sẽ như thế nào thôi."
Sau đó Tùng Liên tìm một tách nhỏ uống rượu, đặt lên bàn, và ngồi nhìn cái tách chăm chú, y như nàng đang nhìn một hài nhi bé nhỏ của hai mươi năm về trước được mẹ cho bú, người mẹ mà nàng chưa bao giờ biết. Những biến cố trong hai mươi năm qua không rõ ràng trong tâm trí nàng; nàng chỉ nhớ bàn tay ướt sũng máu của thân phụ nàng, đang cố gắng giơ lên để vuốt tóc nàng. Tùng Liên nhắm mắt lại, và tâm trí nàng một lần nữa lại trống không; cái điều duy nhất nàng biết rõ là cái ý niệm về sinh nhật của nàng. Sinh nhật của nàng. Nàng cầm cái tách lên và xem xét đáy cái tách; có một vài vệt bụi màu nâu. Nàng tự nhủ: "Ngày mười hai tháng mười hai. Sao ta lại có thể quên được cái ngày dễ nhớ đến như thế?"
Không có ai trên đời này, ngoài Tùng Liên ra, biết được ngày mười hai tháng mười hai là ngày sinh nhật của nàng. Không có ai ngoài nàng, sắp sửa làm tiệc sinh nhật cho nàng.
Má Tống đi rất lâu; khi trở về bà ta đặt một bọc phổi và lòng heo muối lên bàn. Tùng Liên hỏi, "Tại sao bà mua những đồ ăn dơ dáy thế này? Ai mà ăn thứ đó?"
Má Tống nhìn Tùng Liên từ đầu xuống chân một cách bất thường và bỗng bật lên nói, "Tiểu Nhạn chết rồi. Nó chết trong bệnh viện."
Tùng Liên run lên, nhưng nàng giữ bình tĩnh và hỏi, "Nó chết hồi nào?"
- Tôi không biết. Tôi chỉ nghe nói nó gọi tên Tứ Nương trước khi chết.
Tùng Liên hơi tái mặt. "Tại sao nó gọi tên tôi? Người ta có nghĩ rằng tôi giết nó không?"
- Ðừng vội nóng; tôi chỉ kể cho Tứ Nương hay những gì tôi nghe người ta nói thôi. Sống hay chết thì ông trời đã định trước rồi; không thể trách Tứ Nương được.
Tùng Liên hỏi thêm, "Xác nó bây giờ ở đâu?"
- Gia đình nó đem về làng quê rồi. Cả gia đình gào khóc thảm thiết; thật là tội nghiệp.
Tùng Liên mở chai rượu, hít ngửi mùi rượu, và lạnh lùng nói, "Chẳng có gì đáng khóc cả; khi sống con người phải chịu đau khổ; khi chết thì không còn đau khổ nữa. Chết tốt hơn là sống."

*

Tùng Liên đang ngồi một mình nhấm nháp rượu ấm thì nàng nghe thấy tiếng bước chân mơ hồ nhưng khá quen thuộc; tấm màn cửa bị kéo mở thật mạnh, và một bóng đen bước lao vào phòng. Nàng quay lại và nhìn một lúc lâu mới nhận ra đó là Phi Phố. Nàng vội vàng lấy khăn bàn che đậy thịt và rượu, đễ cho Phi Phố không trông thấy; nhưng chàng đã nhìn thấy rồi, và kêu lên:
- Hà, hà, vậy là dì cũng biết uống rượu.
Tùng Liên hỏi, "Ðại Thiếu gia trở về làm gì?"
- Nếu tôi không chết, tôi vẫn có lúc phải trở về nhà chứ.
Phi Phố đã thay đổi nhiều lắm, trong nhiều ngày kể từ lần cuối nàng gặp chàng; mặt chàng đen xạm, chàng trông lực lưỡng hơn trước, nhưng có vẻ rất mệt mỏi. Tùng Liên nhận thấy những quầng đen dưới mắt chàng, và nàng có thể trông thấy những tia máu nhỏ trong giác mạc; những nét này làm khuôn mặt chàng trông giống mặt Trần Tả Thiên như đúc.
- Tại sao dì uống rượu; dì muốn dìm nỗi sầu buồn của dì trong rượu ư?
- Rượu có thể chôn được nỗi sầu buồn không? Tôi đang ăn mừng sinh nhật của tôi đấy.
- Sinh nhật của dì? Dì bao nhiêu tuổi rồi?
- Ai mà quan tâm tôi bao nhiêu tuổi; mỗi ngày tôi sống sót là một ngày nữa. Ðại Thiếu gia uống một ly nhé? Hãy chúc sinh nhật hạnh phúc cho tôi đi.
- Tôi sẽ uống một ly và hy vọng dì sống tới chín mươi chín tuổi.
- Phi lý. Tôi chắc chắn không muốn sống lâu như thế; dành câu mừng ấy cho Lão gia.
- Vậy thì dì muốn sống bao lâu?
- Tôi nghĩ cái đó còn tùy hoàn cảnh; bất cứ khi nào tôi chán sống, thì tôi không sống nữa; giản dị như thế đó.
- Vậy thì tôi sẽ uống một ly nữa để dì sống thật lâu. Nếu dì chết, thì tôi sẽ chẳng còn ai để nói chuyện trong nhà này.
Hai người thong thả uống rượu và lại nói về việc buôn bán thuốc lá của Phi Phố. Phi Phố nói một cách tự chế nhạo, "Gà nhẩy khỏi chuồng và trứng vỡ hết; tôi không phải là người sinh ra để buôn bán. Không những tôi không có lời mà còn lỗ vài ngàn nữa; nhưng chuyến đi này của tôi thú vị lắm."
- Như hiện nay thì đời sống của Ðại Thiếu gia đã sung sướng quá rồi. Ðại Thiếu gia còn phải lo buồn về chuyện gì nữa.
Phi Phố vội nói, "Ðừng kể cho Lão gia biết; nếu không ông ta sẽ giảng cho tôi một bài học bây giờ."
- Tôi chắc chắn không muốn bận tâm dính dáng đến chuyện gia đình của Ðại Thiếu gia. Hơn nữa, Lão gia giờ coi tôi như là mảnh rẻ cũ rách; Lão gia cũng không buồn nhìn đến tôi nữa. Tại sao tôi phải nói cho Lão gia biết về những chuyện không hay của Ðại Thiếu gia chứ?
Sau khi uống nhiều rượu, Tùng Liên không còn giữ ý tứ trong lời nói nữa. Nàng để giọng nói của nàng bộc lộ tình cảm của nàng đối với Phi Phố và Phi Phố cũng nhận thấy sự thay đổi. Chàng bắt đầu cảm thấy êm dịu dễ chịu; mặt chàng nóng và đỏ bừng, và lấy từ thắt lưng ra một cái túi, vẽ hình long-phụng rực rỡ. Chàng đưa cho Tùng Liên. "Tôi mang cái này về từ Vân Nam. Tôi muốn tặng dì làm quà sinh nhật."
Tùng Liên liếc nhìn cái túi nhỏ, mỉm cười khó hiểu và nói, "Chỉ có đàn bà mới tặng một cái túi như thế cho người tình; sao Ðại Thiếu gia lại hành động đảo lộn như thế này?"
Phi Phố hơi phật lòng; chàng bỗng giật lại cái túi từ tay Tùng Liên. "Nếu dì không muốn nhận thì trả lại tôi; đây là vật một người khác tặng tôi trước."
- Ðại Thiếu gia là một người đạo đức giả khéo lắm, tìm cách lừa tôi bằng một món quà tặng của người khác; nếu tôi nhận, món quà này không làm bẩn tay tôi hay sao?
Phi Phố nhét chiếc túi vào thắt lưng và vụng về nói, "Tôi không định tặng dì; tôi chỉ muốn đùa dì thôi."
Tùng Liên hơi nhíu mày, "Tôi quen bị làm trò cười rồi; mọi người tới đây để đùa rỡn tôi, và bây giờ Ðại Thiếu gia cũng muốn đem tôi làm trò cười nữa."
Phi Phố cúi đầu, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn trộm nét mặt của Tùng Liên, và im lặng không nói gì.
Tùng Liên bỗng hỏi, "Ai tặng Ðại Thiếu gia cái túi này?"
Phi Phố rung đùi một vài lần, và nói, "Dì không nên hỏi."
Hai người tiếp tục ngồi đó, lơ đãng uống rượu. Tùng Liên đùa nghịch xoay tách rượu trong lòng bàn tay nàng, và nhìn Phi Phố ngồi đối diện với nàng. Phi Phố cúi đầu, mái tóc trẻ trung của chàng vừa đen vừa dầy, cổ chàng vươn thẳng lên, vừa mạnh mẽ vừa ngạo nghễ, và một vài đường gân xanh nhỏ hơi co giật trong mắt chàng. Tùng Liên cảm thấy một luồng nồng ấm trong tim nàng. Một cơn thèm muốn bất thường tràn lên khắp thân thể nàng như một làn gió xuân; nàng thở gấp, và cái hình ảnh chân của Mai San và ông bác sĩ quấn vào nhau bên dưới bàn mà chược lại hiện ra trước mắt nàng. Nàng cúi nhìn hai chân dài và hấp dẫn của nàng, giống như những cuộn lụa mỏng đẹp đẽ, nồng nàn say đắm đưa sang quấn lấy bàn chân, đầu gối và đùi Phi Phố; bây giờ nàng cảm thấy rất mạnh mẽ sự hiện diện thể xác của chàng. Khuôn mặt nàng trở nên mơ màng trong khi đôi môi nàng khẽ hé mở và hơi rung động. Nàng nghe thấy âm thanh một cái gì đang vỡ ra trong không khí, hoặc có lẽ là âm thanh đến từ một nơi nào đó bên trong thân thể nàng.
Phi Phố ngẩng đầu lên; một tia nhìn của đam mê tràn lên mắt chàng trong lúc chàng đăm đăm nhìn Tùng Liên. Thân thể chàng, nhất là hai chân, vẫn cứng ngắc trong thế ngồi như trước. Chàng không nhúc nhích. Tùng Liên nhắm mắt lại; nàng nghe tiếng đập hỗn loạn của tim nàng - một nhanh, một chậm - trong lúc nàng đè mạnh chân nàng vào chân Phi Phố, và chờ đợi một cái gì sẽ xảy ra.
Dường như thời gian của vài năm đã trôi qua trong một khoảnh khắc. Rồi Phi Phố rụt đầu gối lại, thu mình quay ngồi ngang trên ghế, như một người vừa bị ai đánh đập, và lên tiếng bằng một giọng khàn khàn, "Thế này không tốt."
Tùng Liên lẩm bẩm như người vừa bước ra từ một giấc mộng, "Cái gì không tốt?"
Phi Phố thong thả giơ tay lên và khẽ cúi chào. "Việc này không tốt. Tôi vẫn sợ." Khuôn mặt chàng quặn lại trong một cơn đau trong lúc chàng nói. "Tôi vẫn sợ đàn bà. Ðàn bà thực đáng sợ."
- Tôi không hiểu Ðại Thiếu gia muốn nói gì.
Phi Phố xoa mặt và trả lời, "Tùng Liên, tôi rất thích dì, tôi không nói đùa đâu."
- Ðại Thiếu gia thích tôi mà đối xử với tôi như vậy.
Phi Phố gần như nghẹn ngào; chàng lắc đầu, và mắt cố trốn tránh mắt Tùng Liên trong lúc chàng nói tiếp. "Tôi không thay đổi được; Trời đã trừng phạt tôi; các thế hệ nhà họ Trần này luôn luôn thèm muốn khao khát đàn bà, nhưng đến đời tôi, tôi không thể làm thế được. Ngay từ hồi tôi còn bé, tôi đã nghĩ đàn bà là đáng sợ rồi. Tôi sợ đàn bà. Tôi đặc biệt sợ nhưng người đàn bà trong gia đình nhà tôi. Dì là người duy nhất tôi không sợ, nhưng tôi vẫn không thể làm gì được. Bây giờ dì hiểu chưa?"
Tùng Liên đã ôm mặt khóc. Nàng quay mặt đi và khẽ nói, "Tôi hiểu; Ðại Thiếu gia không cần phải giải thích nữa. Tôi không trách Ðại Thiếu gia đâu. Tôi không hề trách Ðại Thiếu gia một chút nào."
Tùng Liên say rượu sau khi Phi Phố ra về. Mặt nàng đỏ bừng trong khi nàng nhảy múa quanh phòng, đập bể tất cả đồ đạc chung quanh nàng. Má Tống chạy vào nhưng không thể kiềm chế được nàng; bà đành phải cho gọi Trần Tả Thiên. Khi lão bước vào phòng, Tùng Liên ôm choàng lấy lão; hơi thở của nàng nồng nặc mùi rượu, và nàng nói lung tung không có mạch lạc gì cả. Lão hỏi Má Tống, "Tại sao Tứ Nương uống rượu?"
Má Tống trả lời, "Làm sao tôi biết được? Nếu Tứ Nương phiền muộn điều gì, Tứ Nương đâu có nói với tôi."
Trần Tả Thiên sai Má Tống đến phòng Dục Như tìm thuốc trị say rượu, nhưng Tùng Liên bắt đầu hét lên, "Tôi cấm bà đi! Tôi cấm bà đến phòng con mụ phù thủy ấy!"
Trần Tả Thiên ghê tởm quẳng Tùng Liên xuống giường. "Hãy nhìn lại nàng đi! Nàng cư xử thật điên rồ! Nàng không sợ người khác cười cho ư?"
Tùng Liên lại nhảy lên, hai tay ôm lấy cổ Trần Tả Thiên và năn nỉ, "Lão gia, hãy ở lại với em đêm nay. Chẳng có ai để ý đến em nữa. Hãy yêu em đêm nay, Lão gia ơi."
Trần Tả Thiên bực bội trả lời, "Làm sao ta có thể yêu nàng khi nàng như thế này? Ta thà yêu một con chó còn hơn."
Dục Như nghe tin Tùng Liên say rượu và chạy vội lại. Bà ta lẩm bẩm vài lần tại lối vào, "A di đà Phật, xin Phật độ trì cho chúng tôi." Rồi bà ta chạy vào lôi tách Tùng Liên ra khỏi Trần Tả Thiên. Bà ta hỏi Trần Tả Thiên, "Tôi có nên cho cô ta uống thuốc không?"
Trần Tả Thiên gật đầu.
Dục Như cố vạch miệng Tùng Liên ra và đổ một thứ thuốc vào họng nàng, nhưng Tùng Liên đẩy mạnh bà ta ra, khiến bà ta lảo đảo tới tận cuối phòng.
Dục Như quát lên, "Tất cả hãy giữ nó cho chặt. Hãy cho con chó cái say rượu này biết ở đây ai là chủ!"
Trần Tả Thiên và Má Tống cùng nắm và giữ chặt Tùng Liên; nhưng ngay khi Dục Như đổ thuốc nào miệng nàng, Tùng Liên phun tất cả vào mặt Dục Như. Dục Như phải nói, "Lão gia, sao không giữ chặt nó. Con chó cái say sưa này muốn làm loạn đây."
Trần Tả Thiên ôm chặt bụng Tùng Liên, nhưng ngay lúc đó nàng quỵ xuống, đè lên người lão. Nàng năn nỉ:
- Lão gia, xin đừng bỏ em mà đi. Em sẽ làm bất cứ cái gì cho Lão gia đêm nay; em sẽ vuốt ve nó; em sẽ nút nó; em sẽ làm bất cứ cái gì Lão gia bảo em làm, chỉ xin đừng bỏ đi nữa.
Trần Tả Thiên phẫn nộ đến không nói được.
Dục Như không thể nhẫn nại hơn được nữa. Bà ta sấn lại, vả vào mặt Tùng Liên và nói:
- Con đàn bà lăng loàn! Lão gia, hãy nhìn xem Lão gia đã quá chiều chuộng nó khiến nó hư hỏng hỗn láo đến thế!
Cả khu vực phía nam trở nên ồn ào náo nhiệt; nhiều người chạy băng qua hoa viên để tới coi cảnh tượng đang diễn ra. Trần Tả Thiên sai Má Tống chặn cửa lại, và không cho người bên ngoài trông thấy gì bên trong.
Dục Như nói, "Nó đã tự bôi nhục vào người nó rồi, thế mà Lão gia vẫn sợ người khác trông thấy nó ư? Từ nay nó còn mặt mũi nào gặp mặt người khác?"
Trần Tả Thiên quát lại, "Câm miệng lại! Ta nghĩ bà cũng cần uống thuốc cho tỉnh táo trang nghiêm lại."
Má Tống phải lấy tay che miệng để khỏi bật cười, rồi bước ra hàng hiên đứng chắn tại đó không cho người ta nhìn thấy bên trong; bà ta trông thấy một đám đông đứng bên ngoài cửa sổ trố mắt nhìn. Bà ta cũng trông thấy Phi Phố, hai tay bỏ túi quần thong thả bước lại phía bà ta. Ngay lúc bà ta nghĩ không biết có nên để cho chàng vào hay không thì chàng quay lưng, đi ngược lại.