XIII
Hồi ký

Chợ, ấy là cái mặt của một vùng. Tới đâu tôi cũng thích rẽ vào chợ, bởi vì chợ kể cho tôi nhiều hơn bất cứ nhà thông thái nào về vùng đất tôi vừa tới, từ sản vật bản địa, mức sống của dân cho đến cung cách chèo lái của những người cầm trịch. Thêm nữa, chợ chính là nơi mà hoạt động của loài người được phơi bày, cái hoạt động của tồn tại, thực và mạnh ở đó không có đất sống cho tâm trạng buồn. Chợ bao giờ cũng vui vẻ, tấp nập, bận rộn, bao giờ cũng mang sắc thái hội hè. Có thể ví chợ như một đõ ong ở đó người truyền hơi ấm cho người. Thành thử, nhiều khi tôi đi chợ chẳng để mua sắm gì, chỉ cốt được lây nhiễm cái tâm trạng náo nhiệt mà chợ bao giờ cũng sẵn. Nhưng đó là khi tôi đã trở thành người lớn. Trong tuổi thơ, tôi đơn giản đầm mình trong cái sôi động của quần thể người, sung sướng và háo hức thưởng ngoạn những gì chợ có thể cho thấy. Mà ở chợ thì có thể thấy rất nhiều.
Chợ Lao - chợ làng tôi - là một chợ lớn ở trong vùng. Lớn về bãi chợ rộng, hàng hóa nhiều, người đi chợ, cả người mua người bán, đông.
Ngày phiên chợ, cô Gái dậy rất sớm. ăn cơm xong, bà đội thúng thuốc viên lên đầu, ra khỏi ngõ khi còn tối đất, tới chợ trước khi mặt trời mọc. Cái thúng được hạ xuống đất trở thành hiệu thuốc của bà lang.
Trong khi cô Gái bán hàng, tôi được phép đi chơi chợ. Tôi nói đi chơi, bởi vì tôi chẳng mua gì, mà chỉ lang thang hết dãy này tới dãy khác giữa người bán người mua trong quán và ngoài trời, dưới bóng cây và giữa nắng. Những chuyến đi chơi như thế thực thú vị.
Chẳng hạn, tôi có thể ngắm hàng giờ những tác phẩm nghệ thuật dân gian bày ngổn ngang trên một manh chiếu rách. Hàng chục con hổ, không con nào giống con nào, nhe nanh múa vuốt; chúng thậm chí chẳng cần có vằn hổ để xưng mình là hổ, trên thân chúng chỉ có những vệt men nâu quệt cẩu thả. Mấy ông lão chài chống tay xuống nơm, gương mặt không góc cạnh ngửa lên trời như đang lắng nghe tiếng cá đụng bên trong nơm mình. Những cái miếu nhỏ chẳng bao giờ được hưởng đủ men, men được đổ từ trên mái dào dạt chảy xuống chân miếu làm thành những vệt dài không đều cho ta cảm giác vừa có một trận mưa rào đi qua. Những ông Lã Vọng trầm tư với chiếc cần câu vô hình. Những ông tiên bé nhỏ không mắt mũi chăm chú với nước cờ hóc hiểm, đầu hơi cúi xuống trên cái bàn cờ tí tẹo không có quân...
Tất cả những thứ đó đều có trên hòn non bộ nhà bác cố Tuyển. Thời gian làm cho chúng cũ đi, già đi, và càng già, càng cũ chúng càng kích thích trí tưởng tượng. Nghệ thuật dân gian của ta là thế: bao giờ người sáng tạo cũng dành chỗ cho trí tưởng tượng của người thưởng thức.
Thu hút tôi mạnh mẽ không kém là hàng nan. Đó là dãy bán đồ đan bằng tre nứa. Những nan tre đều tăm tắp đủ cỡ được tay người đan theo đủ các nống khác nhau, gò theo các khuôn khác nhau thành rá to rá nhỏ, rổ cái rổ con, thúng đại thúng tiểu, gàu sòng, gàu dai, lờ ống, lờ thả, dậm to, dậm bé...
Cô Gái tôi không bao giờ mua đồ nan. Bà đan rổ rá rất khéo, đã chẳng kém gì đồ chợ, mà lại còn chắc chắn hơn nhiều. Một cái rá hoặc một cái rổ bà dùng hàng năm. Khi nó tuột cạp thì bà cạp lại, rồi cạp lại nữa, cho tới khi nó trở thành bé tí, nhưng vẫn cứ đủ dùng cho bữa ăn chỉ có hai cô cháu. Mỗi lần đốn tre già thể nào cô tôi cũng để giành mấy cây đực thật chắc để đan một số rổ rá bỏ lên ránh. Chẳng bao lâu sau chúng lên nước đen nhánh và trở thành bền vững kỳ lạ.
Nhưng lôi cuốn tôi hơn hết có lẽ là khu bán gà lợn. Tôi thích ngắm những chú gà con xinh như những nắm bông vàng tíu tít lăng xăng dưới chân một mẹ gà đầy cảnh giác luôn luôn xù lông ra bảo vệ đàn con trước kẻ thù tường tượng. Những chú vịt con mượt mà nhớn nhác trong những cái quảy tròn đan thưa. Những con vịt thiếu niên không ngớt nhô lên thụt xuống những cái đầu bóng và to mồm kêu váng lên khi có một bàn tay người mua thò vào lồng tóm lấy cổ để nhấc bổng lên ước tính nặng nhẹ. Trước mặt những người chủ không phải lái buôn là những con gà nhà, vịt nhà bị trói chân giương những cặp mắt thơ ngây lên hỏi nhau quàng quạc: "Thế này là thế nào? Tại sao bà chủ lại đưa chúng ta ra đây? Họ muốn làm gì chúng ta?". Nhưng những câu hỏi lập tức tất ngấm trong mắt chúng khi người chủ rắc xuống trước mặt chúng một nắm thóc. Thế là, quên hết mọi sự, chúng mổ lấy mổ để và giành nhau chí chóe.
Dãy hàng lợn, người mua người bán phát vào tay nhau bèn bẹt để trả giá. Những con lợn nằm trong rọ, bị trói chặt bốn chân nằm tơ hơ trên mặt đất bẩn thỉu, những con nái xề phơi hai hàng vú như hai hàng khuy trên chiếc áo nhem nhuốc, những chú lợn con kêu ré lên như sợ bị chọc tiết, tất cả cái đám súc vật thảm hại ấy chẳng phù hợp chút nào với không khí mua bán hừng hực, ồn ào những giọng quát tháo, thấp thoáng những bộ mặt đỏ gay với những đôi mắt lấc láo. Thói quen mua bán lợn như vậy đã có hàng trăm năm nay rồi ở chợ làng tôi cũng như ở các chợ khác trong toàn vùng đồng bằng. Thành thử người ta cứ vậy mà theo, chẳng bao giờ nghĩ xem nó có cần thiết hay không. Con lợn, dù cho nó có nhiều hơn con gà con vịt những hai chân, cũng không phải là lý do để người mua người bán phải quát tháo nhau như thế. Thử nhìn đôi mua bán kia mà xem. Nếu tách họ ra khỏi chợ, ta sẽ nghĩ rằng họ sắp sửa đánh nhau. Người mua giận dữ vì người bán không chịu giá, thẳng tay phát đen đét vào lòng bàn tay ngửa ra của đối phương, mỗi lần phát lại nhích thêm một giá nhỏ nhoi. Hai bàn tay trở thành đỏ ửng. Hai cặp mắt long lanh rõi thẳng vào mặt nhau dò hỏi, thách thức. Sau nhiều lần lườm nguýt, bỏ đi, quay lại, phát vào tay nhau đen đét kèm theo những tiếng quát lác, cuối cùng hai bên cũng ngã giá được với nhau. Người mua hể hả. Người bán cũng hể hả. Con lợn được khiêng đi. Bỏ tiền bán lợn vào túi, người bán một phút sau đã trở thành người mua ở dãy hàng khác, có khi ở chính ngay khu chợ lợn. Đến lượt mình, anh ta lại mà cả riết róng, lại chịu đựng cái nhìn miệt thị của người bán mà giá trả của người mua bao giờ cũng là quá rẻ, chỉ có ngớ ngẩn mới trả giá như vậy. Tôi ngắm nhìn không biết bao nhiêu cuộc mua bán nơi chợ làng và thấy rằng người đi chợ, cả người mua lẫn người bán, thực là ngộ. Dường như khi bước vào cuộc mua bán, hai bên liền đeo lên cho mình một cái mặt nạ. Nhưng khi cuộc mà cả chấm dứt thì họ liền quẳng ngay cái mặt nạ xuống đất và cười với nhau một cách hồn nhiên như những đứa trẻ. Thì ra, phàm là mặt nạ thì cái nào cũng vướng víu.
Cô Gái tôi có một cửa hàng thuốc ở chợ làng. Cửa hàng của cô tôi là cái thúng, trong đựng đủ các thứ chai lọ với những viên thuốc các màu. Bà ngồi dưới gốc cây đề ngay lối vào chợ, tách hẳn khỏi các dãy hàng. Người mua thường là khách quen. Họ từ các làng khác tới khi chợ vào phiên. Người làng thì không cần đợi tới phiên chợ, họ vào tận nhà để mua.
Cô Gái ngồi, mặt nghiêm trang, lắng nghe khách hàng kể lể dài dòng về một ông chồng trúng phong, một đứa con bị sài, một bà mẹ bị tê thấp... rồi giốc vào lòng bàn tay nhăn nheo của bà những viên thuốc to hoặc nhỏ, màu đen hoặc nâu, xám, đếm cẩn thận từng viên rồi gói gọn gàng vào trong những trang giấy vở học trò mà bà tha về sau mỗi chuyến lên thăm các cháu ở Hà nội. Bà dặn kỹ càng cách dùng thuốc, uống một lần mấy viên, ngày mấy lần, chiêu bằng gì. Khách hàng được thuốc rồi vẫn còn dùng dằng chưa đi ngay, và giữa cô tôi và khách lại có câu chuyện thăm hỏi như thể họ là những người quen lâu ngày:
- Thằng cháu bị cái nhọt bọc hồi nào, giờ chơi chứ?
- Dạ, thưa bà, cháu chơi ạ. Nó ăn khỏe quá sức lẽ mình.
- Trẻ con ăn khỏe là tốt, nó không chịu ăn chịu chơi mới khổ.
- Khốn nỗi, gạo hồi này kém quá.
- Tháng sau mới hơn được. Mùa năm nay tốt. Này, sao lâu không thấy ông Khán Dậu đi chợ?
- Ông Khán bị ngã trẹo chân bà không biết sao?
- Lạy Chúa tôi có nặng không?
- Bây giờ đi phải chốg gậy. Ông Khán bị ngã đúng vào hôm cưới vợ cho thằng nhớn.
- Vậy là thằng nhớn đã lấy vợ rồi kia đấy, nhanh thật. Nó lấy con nhà ai vậy?
Cái quan hệ thân tình với khách hàng làm cho cô Gái mát lòng mát ruột. Tôi đã nói về cô tôi như một người riết róng, bủn xỉn, coi trọng đồng tiền. Tôi thấy cần phải nói thêm rằng mặc dầu vậy bà là người sởi lởi đối với khách hang nghèo; nhiều bận tôi thấy bà cho thuốc không lấy tiền. Tại sao bà lại xử sự như vậy, tôi không hiểu. Có thể, bà vẫn nhớ lời khuyên của ông tôi về chuyện nghề thuốc là nghề phúc đức, có thể, bà là người có lòng tốt được giấu kín mà cũng có thể, bà thích được mọi người ca ngợi. Khía cạnh có lợi cho bà trong việc làm phúc này là ở chỗ những người được cho thuốc ca tụng bà lên tận mây xanh và hăng nái giới thiệu những khách hàng có tiền đến cho bà. Những khách hàng mới bao giờ cũng viện đến sự quen biết với người giới thiệu, chẳng bao lâu sau họ lại trở thành khách quen, và câu chuyện của cô tôi với khách lại thân tình như với người khách cũ, chỉ khác là thay vào ông Khán Dậu bây giờ là mẹ thằng cu Tễu.
Cuối buổi chợ, cô tôi giao "cửa hàng" cho tôi để bà đi mua bán thức ăn. Tôi đã thuộc hết mặt hàng, biết rõ công dụng và liều lượng từng loại thuốc, cho nên sắm vai ông chủ hiệu thuốc không mấy khó khăn. Nhưng những người mua thì lại nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngại, tệ thế. Người thì cứ ngồi ì ra đấy đợi cho đến cô Gái về. Người còn trắng trợn chỉ vào lọ thuốc và ra lệnh cho tôi bán cho họ bao nhiêu viên. Thỉnh thoảng mới có người dám tin ở tôi:
- Cậu bán cho tôi chục gói thuốc cam cho cháu.
Tôi trịnh trọng đưa cho họ chục gói thuốc, dặn kỹ cách dùng, rồi nhận tiền bỏ vào dưới vỉ buồm.
- Uống xong chục gói này, nếu hợp thuốc, bà đến lấy thêm.
Tôi dặn với, cảm thấy mình lớn bổng hẳn lên trong lúc ấy.
Khi chuông nhà thờ gióng giả đổ hồi báo mười hai giờ trưa, cô cháu tôi ra về. Trong thúng thuốc của cô Gái giờ đây nghễu nghện trên đầu tôi (dấu hiệu của sự tin cậy ở mức cao) thế nào cũng có miếng thịt (cô Gái chỉ mua thịt vào ngày phiên chợ), mấy đồng bánh đa, gói kẹo đắng (để làm nước hàng), vài con cá (chúng bao giờ cũng xúc phạm lòng tự ái của tôi).
Cô Gái móm mém cũng thích bánh da nướng chẳng kém gì tôi. Chiều xuống, tôi đốt than, nướng bánh lại cho giòn rồi hai cô cháu ngồi ngoài thềm, vừa ăn bánh vừa nói chuyện. Những tầu cau đung đưa theo gió. Tiếng sáo diều vi vu Từ bên nhà bác Hai Thực, tiếng xa quay ve ve.
Cô Gái hài lòng về buổi chợ. Bà giở tiền ra đếm. Những đồng tiền mới được để sang một bên, dù là tiền xu hay tiền giấy. Những đồng tiền cũ được tiêu trước, những đồng mới được tiêu sau, nếu như có lúc cô tôi phải tiêu đến chúng. Cô Gái thích những đồng bạc mới tinh còn thơm mùi mực mang hình người đàn ông gánh dừa đến nỗi nhiều khi bà sẵn sàng bán rẻ hơn cho người khách nào có đồng tiền như thế.
- Tiền nào chả là tiền, bà lão rõ lẩm cẩm.
Khách nói khi thấy cô tôi nần nì đòi bạc mới. Nhưng tôi thấy chính họ cũng tiếc rẻ chia tay với đồng bạc mới của mình.
Những đồng bạc mới mỗi ngày một nhiều thêm ở chợ. Đồng tiền mất giá dần. Giá hàng lên. Nhưng cô Gái tôi không vì thế mà kém yêu những đồng bạc mới. Có điều tình yêu đối với những đồng bạc hoa xòe, bạc thật, thì tăng lên rõ rệt. Cô tôi cất cả chồng bạc hoa xòe trong hòm gian. Thứ bạc đồng có hình con đầm mặc váy rộng lúc ấy không còn lưu hành trên thị trường nhưng lại rất có giá. Người ta cất giữ bạc hoa xòe như cất giữ của cải. Thỉnh thoảng cô Gái mới giở chồng bạc hoa xòe ra, đếm lại từng đồng, ngắm nghía lấy vạt áo lau từng đồng cho sáng bóng, xếp thành cọc rồi mới bọc lại vào trong miếng nhiễu đỏ, bỏ vào chỗ cũ
Sau khi đã kiểm tiền chợ, để các đồng mới sang một lên, cô Gái bảo tôi:
- Cháu tinh mắt, cháu nom hộ cô xem có tờ giả nào không.
Tôi cẩn thận soi từng tờ giấy bạc lên nền trời hoàng hôn rồi đua lại cho cô tôi từng tờ một:
- Cái này thật, cái này cũng thật đấy, cô ạ.
Một lần cô Gái đã lấy nhầm một đồng bạc giả và buồn xỉu mấy ngày. Rồi bằng cách nào đó bà đã tống đi được đồng bạc khốn kiếp, và tất nhiên, cả nỗi buồn của bà cho người khác.
Bà xếp thật ngay ngắn những đồng bạc mới đã được thẩm tra thành từng xếp rồi gói tất cả vào trong một miếng vải cột chặt lại bằng dây gai. Chọn trong đám xu, hào một đồng xu xấu xí nhất, cô Gái cho tôi dể mua sâu bà Cơ.
- ở đời này, cháu ạ, phàm thứ gì quí là y như rằng có của giả - cô Gái trầm ngâm nói với tôi - Con người ta, ai cũng coi của mình là nhất, của thiên hạ như cái rơm cái rác. Đến nỗi, Đức Chúa Giê-su phải nói "Hãy thương yêu người ta như mình vậy". Nghĩa là thế nào, cháu hiểu không? Nghĩa rằng thế vầy: Chúa biết con người ta ai cũng yêu mình nhất hạng, bảo người ta yêu người khác hơn yêu mình là điều không có được, thôi thì yêu bằng, yêu bằng cũng là khó lắm rồi. Con người ta thích cái lợi cho mình lắm lắm. Thế nên mới có người đi làm giả cái quí để thu lợi, mới có của gỉa.
Tôi ngồi yên, nhưng không lắng nghe. Tôi thích nghe cô Gái kể chuyện, nhưng không thích nghe cô Gái triết lý. Cô triết lý chủng chẳng, không cái gì ăn nhập với cái gì.
- Người ta cũng vậy, người thật có, mà người giả cũng có. Thiêng liêng như các thánh tông đồ của Chúa, vậy mà cũng còn có tông đồ giả đấy thây. Như cái thằng Giu-đa, được làm tông đồ của Chúa mà nó còn nỡ tâm bán Chúa cho quân dữ để lấy ba mươi đồng Đi-na - cô Gái rẽ sang Kinh Thánh - Vậy cho nên Chúa mới bị quân Phi-la-tô bắt, mới bị chúng đóng đanh câu rút, đau đớn không biết là nhường nào. Cô hỏi cháu: vậy thì còn có thể tin ai được?
Tôi không trả lời. Một lát sau, cô Gái nói:
- Chỉ có tin mình, chỉ có tin được mình mà thôi.