Giấc mộng hèn sang

Đánh Máy: Nguyễn Minh Điền
Mối ơn thầm

Vào năm Chính Thống triều Minh, tại đất Hưng An tỉnh Quảng Tây có một người họ Tiễn, tên Vu Đồng, nhà tuy nghèo nhưng tánh ham học. Năm mười một tuổi đã vào trường, năm mười hai tuổi được nhà nước cấp học bổng, chăm lo đèn sách rất gắng công.
Tuy nhiên học tài thi phận là câu cổ ngữ từ xưa đến nay đã linh ứng, biết bao nhiêu trong cảnh lều chõng của thí sinh, Tiễn Vu Đồng thi mãi không đậu, khoa thi nào cũng vác lều vác chõng đi để rồi trở về không.
Tuy thế Vu Đồng không lấy đó làm điều chán nản. Không phải như cụ Tú Xương nhà ta:
Mai mà tớ hỏng tớ đi ngay,
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày.
Vu Đồng càng thi hỏng, càng dùi mài kinh sử, và càng dùi mài kinh sử lại càng hỏng nặng hơn.
Năm Thiên Thuận thứ sáu, Vu Đồng đã năm mươi bảy tuổi, mái tóc đã đổi màu xám, thế mà còn chen chúc với đám thư sinh mơ chiếm bảng vàng, ra tay bẻ quế.
Bọn thư sinh thấy vậy ai nấy đều châm biếm, thấy mặt ông ta ai nấy cũng không nhịn được cười, đến nỗi người ta đặt riêng cho ông ta một biệt hiệu là “quái vật”.
Mà “quái vật” gì mặc kệ, Vu Đồng không lấy đó làm điều bất mãn, cứ học, cứ thi mãi, không kể đến lời dèm pha của bọn trẻ trung háo thắng kia.
Thuở ấy tại huyện Hưng An có viên tri huyện họ Bằng, tên Ngô Thời, mới đổi đến trấn nhậm.
Bằng Công vốn là người Thai Châu thuộc tỉnh Triết Giang, thông minh tuyệt thế, năm mười bảy tuổi đã đậu tiến sĩ, ra làm quan lại có đức, nên tiếng tăm đồn vang trong thiên hạ. Nhưng vì Bằng Công thi đậu sớm, nên lại phải cái tính chuộng trẻ khinh già, đó là một điều bất hạnh cho cái tên thi sinh Vu Đồng “cụ lão” kia.
Đến kỳ khảo khóa, Bằng Công ra đề.
Sau khi sát hạch, Bằng Công cố tìm quyển văn hay lỗi lạc để xứng đáng làm một kẻ đỗ đầu xứ.
Khi ráp phách để xướng danh thì oái oăm thay! Cái ông già tóc bạc hoa râm kia lại là kẻ được Bằng Công lựa chọn.
Nghe kêu tên mình, lão Vu Đồng lểnh mểnh bước đến trình diện. Bằng Công xem thấy ngạc nhiên, trong lòng không đẹp chút nào, phần thì các thí sinh trẻ tuổi kia vỗ tay vang dậy, không phải để hoan hô, mà để chế riễu, lấy việc đó làm đề tài cho việc la ó.
Bực lòng quá, nhưng không biết phải làm sao, Bằng Công truyền xướng tiếp những danh sách trúng tuyển cho qua cảnh bực tức của mình.
May thay! các thí sinh trúng tuyển sau đó đều là bọn đầu xanh tuổi trẻ, mặt mày tuấn tú chứ không phải tóc bạc hoa râm như lão Vu Đồng nữa.
Vu Đồng từ nhỏ đến giờ thi hỏng mãi, nay lại bảng hổ đề tên, vui mừng tràn ngập cõi lòng, đâu còn chỗ nào mà nghĩ đến lời châm biếm của bọn thư sinh. Mà nay lại được đỗ đầu, thì còn hứng thú gì hơn nữa, Vu Đồng trở về nhà bày một tiệc rượu say sưa lúy túy.
Kịp đến kỳ thi hương, sĩ tử lại tựu trường, mang lều chõng đến. Vu Đồng cũng thế, cũng lểnh mểnh mang tráp ra đi.
Khi đến thí trường thấy lại có tên Bằng Công sung vào phòng lễ Ký khảo quan. Vu Đồng mừng thầm, tưởng rằng khoa thi hương này có người hiểu tài năng của mình nữa, nên chẳng lo gì cả, trong lòng hớn hở ghé ra quán rượu uống đến say mèm.
Bằng Công khi được xung vào ban giám khảo, thoáng thấy trong danh sách thí sinh lần này cũng có tên Vu Đồng, thì trong lòng nghĩ thầm:
— Tại sao ta cứ gặp cái lão thí sinh già nầy mãi. Kỳ này hẳn ta không thể lầm lạc mà lấy trúng bài của hắn nữa. Hắn đã già rồi, nếu làm ơn cho hắn thì ích gì, chi bằng lấy những đứa trẻ trung sau này chúng có nhiều cơ hội nhớ ơn ta.
Nhưng rồi Bằng Công lại nghĩ:
— Nếu ta cứ lựa bài nào văn chương già dặn, xuất sắc, e lại trúng quyển của lão “quái vật” ấy nữa. Kỳ này nên lựa một quyển nào văn chương ấu trỉ cho đậu thủ khoa, thế tất lão phải hỏng.
Định ý như vậy, Bằng Công vào trường chấm thi.
Đúng ngày hai mươi tháng tám, chính chủ khảo và khảo quan đều hội họp đến chí công đường để ráp phách, và xướng danh, yết bảng.
Khi mở quyển đầu ra, thì chao ôi! lại trúng cái tên “quái vật” ở đất Hưng An nữa. Cũng là lão Vu Đồng đậu đầu.
Ôi! một trận cười như pháo ngày Tết vang dội cả thí trường.
Bằng Công kinh ngạc, lòng bực tức bội phần, nói với viên chánh chủ khảo:
— Vu Đồng già cả, nếu lấy va đỗ đầu e bọn hậu sinh không phục, vậy tôi xin đề nghị chọn quyển khác.
Quan chủ khảo lắc đầu, chỉ lên tấm bảng chí công đường nói:
— Nơi đây là chỗ chí công, chúng ta đang làm việc trong phòng chí công thì còn nghĩ làm gì đến việc trẻ già?
Bằng Công không biết làm sao hơn, đành để cho Vu Đồng chiếm tên đầu bảng.
Tại làm sao Vu Đồng là một lão uyên thâm học rộng lại trúng quyển đầu trong kỳ này, cái kỳ mà Bằng Công quyết lựa một thí sinh non nớt?
Nguyên do là vì Vu Đồng khi đến thí trường thấy có tên Bằng Công trong ban giám thi, thì mừng quýnh, đinh ninh rằng khoa này cũng sẽ có người rõ được tài mình nên vào quán uống rượu đến say mèm. Lúc vác lều chõng tựu trường, trong óc còn ngầy ngật hơi rượu, vội vã viết bậy ba bài cho xong rồi ra về. Ai ngờ lúc ấy Bằng Công lại lựa quyển nào dở nhứt cho đỗ đầu, thế là Vu Đồng dính vào đó.
Rồi ba năm qua, kỳ thi hội rồn rập đến, các thí sinh lại tựu trường, cái tên Vu Đồng già nua kia vẫn như ai cũng đệ quyển đi thi. Cái mộng bảng vàng bia đá không vì thời gian mà buông trôi theo dòng nước.
Lần này Vu Đồng không dám khinh thị nữa, vì là kỳ thi hội, có nhiều bậc đàn anh, văn chương xuất chúng. Vu Đồng cố sức dùi mài kinh sử, học ngày học đêm đến nỗi trong giấc ngủ nào cũng nằm mơ thấy mình vào trường thi. Mà giám khảo lại ra hai chữ “kinh thi”.
Vu Đồng cho đó là vận mạng đã đến nên có thần linh mách bảo, bèn cứ việc quyển kinh thi học mãi.
Lạ lùng làm sao! Lúc đó vì Bằng Công văn hay chữ giỏi tiếng tăm lừng lẫy được triều đình triệu về bổ nhiệm chức Lễ Khoa cấp sự, vì vậy mà Bằng Công lại được sung vào khảo quan kỳ thi hội này nữa.
Cái tên thí sinh Vu Đồng và khảo quan Bằng Công vẫn đeo đuổi nhau như bóng với hình, như cá với nước.
Bằng Công tự nghĩ:
— Phen này ta lựa cái chỗ sở đoản của cái tên thí sinh già này mà đánh tới thì hắn phải cua tay. Hắn ta thuần thục về Lễ Ký, bây giờ ta ra đề về Kinh Thi, hắn không tài nào đỗ được.
Khoa thi mở màn, sĩ sinh khắp nơi rộn rịp kéo về đón chờ ngày hoa nở. Lúc ráp phác và xướng danh cái tên đầu tiên cũng lại con “quái vật” Hưng An tên Vu Đồng nữa.
Bằng Công tức như bò đá, vẻ mặt lầm lì ngồi thừ ra không nói một lời nào cả.
Các ông nghè tân khoa lần lượt vào lạy tạ tại phòng sự, Bằng Công thấy vẽ mặt hí hửng của lão thí sinh già, gọi lại hỏi:
— Ông có tài gì mà chiếm được thủ khoa kỳ thi hội này?
Vu Đồng kể lại giấc mộng của mình.
Bằng Công thở ra, nói:
— Thực là số mạng vậy.
Vu Đồng đỗ đầu hai khoa giáp được triều đình bổ ngay làm hình bộ chủ sự. Từ đó Vu Đồng lui tới, kính trọng Bằng Công vô cùng, vì nhớ ơn ba lần trúng tuyển. Còn Bằng Công thấy Vu Đồng biết ơn như vậy trong lòng cũng kính phục, hai bên đi lại rất tương đắc.
Bằng Công vốn là một kẻ hay nói thẳng, ghét ai không để vào lòng được, thấy việc sai thì không chịu nổi, cho nên từ khi khi về nhậm chức lễ bộ, nhiều lần làm xúc phạm đến đại học sĩ Lưu Cát. Nên ông này tìm cách trả thù.
Lưu Cát tìm những lầm lỗi nhỏ mọn, cho bọn ngự sử tay chân dâng sớ tham hặc. Bằng Công bị hạ ngục và đưa sang hình bộ để làm án.
Nhân viên hình bộ vì sợ thế lực của Lưu Cát nên tìm cách kết án Bằng Công vào tử tội. Vu Đồng thấy thế ra sức binh vực, tập họp tất cả bạn đồng khoa lại, làm sứ dâng lên xin miễn tội tử cho Bằng Công.
Nhà vua y tấu. Thế là nhờ có Vu Đồng mà Bằng Công được bảo toàn tánh mạng. Khi sắp về quê, Bằng Công đến đền ơn Vu Đồng.
Vu Đồng nói:
— ơn của ngài đã cho tôi ba lần trúng tuyển, chút ơn mọn ấy đâu có sá gì mà ngài phải nhọc lòng như vậy.
Bằng Công nói:
— Nếu không nhờ ngài thì tánh mạng tôi ắt không còn.
Vu Đồng bày yến tiệc đãi đằng và tiễn hành Bằng Công phản hồi quê quán. Vũ Đồng làm việc tại triều hơn sáu năm; mọi người đều mến phục. Bộ lại thấy ông tài đức nên muốn đặc cách bổ ông làm một nhiệm vụ trọng đại, thì giữa lúc đó Vu Đồng nhận được tin con lớn của Bằng Công là Bằng Kính Cộng cùng một nhà cường hào tranh nhau về địa giới, thành hai bên gây cuộc đánh nhau.
Nhà cường hào kia lại đem giấu một tên gia bộc rồi vu cho Bằng Kính Cộng là giết người. Bằng công tử đuối lý nên bỏ trốn lên Vân Nam, nơi cha chàng bị giáng trích.
Vì việc quan hệ đến sinh mạng, lại vì Kính Cộng bỏ trốn, nên quan huyện cho trát bắt những người thân thuộc của họ Bằng đem hạ ngục.
Nghe được tin ấy, và biết được phủ Thái Châu bị khuyết, Vu Đồng bèn xin ra đó. Mục đích là để minh oan cho Bằng Kính Cộng.
Vu Đồng ra trấn nhậm được một thời gian, đều tra bắt được tên gia bộc mà tên cường hào giấu lâu nay để vu oan cho họ Bằng; ông ta vội vã lên trướng đường để tra xét.
Chứng cớ đã rõ ràng, những người thân thuộc của họ Bằng bị bắt trước kia đều được thả trở về hết. Vu Đồng lại buộc nhà cường hào kia về tội vu khống, kết án tử hình.
Sau đó Vu Đồng viết một bức thư cho Bằng Công, kể hết mọi sự đã được minh oan.
Bằng Công mừng rỡ khôn cùng, viết bức thư hồi đáp và sai đứa con trai mình là Bằng Kính Cộng về Thái Châu để bái tạ. Vu Đồng tiếp đãi Bằng Kính Cộng rất nồng hậu.
Làm việc ở Thái Châu được ba năm thì Vu Đồng nổi tiếng là liêm chính, khắp dân gian đều mến đức.
Qua năm thứ tư, Vu Đồng được thăng Hà Nam liêm sứ rồi tuần vũ Triết Giang. Năm ấy Vu Đồng đã ngoài bảy mươi tuổi mà sức lực vẫn còn cường tráng lắm.
Bằng Công khi ấy trở về nhà tuổi già mắt kém, ông ra rất hối hận trước tấm lòng bạc đãi của mình đối với Vu Đồng thuở nọ. Hành động và tấm lòng trung thành của Vu Đồng làm cho ông ta thức tỉnh.
Khi nghe Vu Đồng được bổ lên chức Tuần Vũ, Bằng Công bèn đến để chúc mừng, lại dắt theo một đứa con nhỏ đến yết kiến.
Vu Đồng không lấy thế làm cao, thấy Bằng Công đến ông ta cúi chào sát đất, giữ nghĩa tình xưa.
Bằng Công nói:
— Lão phu đã mang ơn ngài cứu sống, sau đứa con lớn của lão lại nhờ ngài minh oan cho, khỏi phải liên lụy. Công ấy dẫu chết không quên. Nay lão có một đứa con nhỏ, nguyện đem đến để nhờ ngài dạy dỗ, mai sau phỏng có nên người thì nó sẽ thay mặt tôi để đáp đền ơn tri ngộ.
Vu Đồng đứng dậy, chấp tay nói:
— Tiểu đệ già nua yếu đuối, tài năng không có bao nhiêu, nay được sư huynh phó thác cho việc trọng như vậy thì dẫu tiểu đệ có bề nào cũng xin nguyện hết lòng.
Bằng Công nghe nói rất thán phục, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng, nói:
— Nếu được ơn ngài chiếu cố cho con lão thì dù nhắm mắt lão cũng vui lòng.
Chuyện vãn một lúc, Bằng Công từ biệt ra về. Còn đứa con nhỏ ở lại để lo việc sách đèn dưới sự giáo huấn của Vu Đồng.
Bằng Ngô ở tại nha Tuần Vũ được Vu Đồng dạy dỗ rất cần mẫn. Chẳng bao lâu đã thành tài. Ba năm sau, Vu Đồng thấy Bằng Ngô đã đủ sức ra thi cử với mọi người, bèn lấy ba trăm lạng bạc trong số tiền lương dành dụm của mình, cấp cho rồi đưa Bằng Ngô về nhà.
Ai ngờ, lúc đó Bằng Công bị bệnh mất đã hai ngày rồi.
Vu Đồng đến trước linh sàn khóc lóc rất là thê thảm.
Vu Đồng ở lại đó cư tang mấy hôm, chôn cất xong mới trở về Triết Giang. Trước khi trở về, Vu Đồng hỏi Bằng Kính Cộng:
— Lão sư trước khi chết có dặn dò gì không?
Bằng Kính Cộng kể lại:
— Cha tôi trối lại rằng: “Trong đời cha tôi mọi việc đều phân minh chính trực, chỉ có một điều lúc chấm thi, yêu trẻ ghét già, vì vậy mà suýt đã bạc đãi một ân nhân hiếm có trong đời. Ta thật có mắt mà không ngươi. Trong đời ta chỉ có người thí sinh già ấy hết lòng hết dạ mà thôi. Còn các người trẻ tuổi khác thật là bạc tình. Trong lúc lâm nạn, họ không một lời ủi an... Từ nay về sau, cha khuyên các con đừng có khinh những kẻ tuổi tác mà chưa gặp thời...”
Vu Đồng nói:
— Hạ quan có gì mà phải chịu ơn làm vậy, chẳng qua đó là sự bồi đáp cho ân sư, để người đời rõ rằng kẻ thất thời mà giúp đỡ họ thì họ rất biết ơn về sau!