(Viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương)
OÁN HẬN MỌI CHÒM

"Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!" Lời khóc thê thiết thốt ra trong lúc đau thương tột độ này, tưởng rồi sẽ nguôi dần theo dòng thời gian. Ai ngờ không những đã qua hăm bẩy tháng trời tang tóc, mà còn dài, còn lâu nữa sau đó. Xuân Hương vẫn một niềm chung thủy với chồng.
Tự lòng nàng muốn vẹn nghĩa đã đành, nhưng thời thế cũng giúp cho quyết tâm ấy không bị lay chuyển. Là vì chưa mãn tang ông phủ, nàng đã thấy triều Lê sụp đổ. Qua mấy năm Quang Trung, đại cục tuy có vãn hồi, nhưng nhân dân còn trong cảnh điêu tàn: loạn lạc làm cho nhiều gia đình ly tán, đói kém gây ra cảnh cướp bóc, ai cũng lo chạy lấy thân, còn bụng nào nghĩ đến những vui chơi trong buổi thanh bình!
Về phần Xuân Hương, từ khi rời phủ Vĩnh Tường trở về Thăng Long, ở phố Lý Quốc Sư, cùng với ông bõ già khi trước trông nom quán Ngọc Hồ, và bà vú nuôi từ hồi măng sữa, ba người ẩn nhẫn sống qua ngày. Khi có giặc thì tạm lánh về quê bà vú, yên hàn lại trở ra, một mình bà vú buôn quanh bán quẩn cũng qua ngày. Còn Xuân Hương âm thầm tâm niệm trước bàn thờ chồng, không còn tính cao ngạo như trước.
Vả lại những bạn bè thân tình khi trước đều lưu lạctha phương, không gặp ai để vui cười ngâm vịnh nữa. Chỉ có một lần đi rẽ qua một ngõ nhỏ để ra bờ sông, thấy mấy bà sì sụp lễ bái trước một ngôi đền đặt trên chòi cao khói hương nghi ngút, nàng ghé vào xem tấm bảng trên cửa ngoài, mới biết là thờ Sầm Nghi Đống, thái thú bị vùi thây trên gò Đống Đa dạo nào. Liền hỏi mấy bà đi lễ:
- Đây là nơi thờ của người Tàu, sao các bà lại đến vái lạy làm gì?
Mới biết là người Tàu sau khi tìm ra được thây họ Sầm còn bọc trong quần áo tướng võ, đã xây mộ trên gò, rồi lập đền ở đây và loan truyền là thiêng lắm. Mấy bà kia sở dĩ đến lễ tạ, vì mấy đứa trẻ nhỏ đi chăn trâu trên gò, đã vô ý bài tiết trên mộ Sầm nên khi về nhà bị sốt mê man...
Nàng bực mình, khẩu chiếm mấy câu:
Ghé mắt trông sang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Anh hùng nỗi gì? Bị quân ta giết chết, lại đi trả thù mấy đứa trẻ nít...

° ° °

Xuân Hương sống heo hút thế mà thấm thoát đã hơn mười năm qua. Đến lúc an ninh trở lại thì đà sang mấy năm Gia Long rồi! Sự ổn định không phải do tài vua mới, mà chỉ là qua bao thời giặc giã, nhân dân chán nản cảnh lục đục gây gổ, nên nức lòng hòa hoãn để xây dựng lại quê hương.
Nói đến quê hương, nàng sực nghĩ: mình tuy sinh trưởng ở đất Bắc nhưng mang dòng máu miền Trung, bấy lâu nay lận đận chưa bao giờ thăm được nơi gốc gác, bây giờ bình yên cũng nên thu xếp về chơi một phen cho biết.
Đường bộ nhọc nhằn, thân gái khó bề kham nổi, nàng liền cùng bà vú ra bên Nứa hỏi ngày có chuyến vào Nghệ, rồi về sắm sửa hành lý, hai người dắt nhau đúng hẹn xuống thuyền.
Gần trưa, thuyền gặp nơi khúc sông hẹp lại: hai bờ, hai quả núi sừng sững châu đầu vào nhau. Xuân Hương thường nghe nói vùng Kẻ Sở có đoạn sông gọi là Kẽm Trống, liền xướng lên câu hỏi:
Hai bên thì núi, giữa thì sông
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Thấy lái thuyền bảo đúng, nàng tiếp:
Gió đập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang đá còn hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng!
Bác lái trố mắt:
- Ủa, cô làm thơ? Vậy là giỏi thiệt chớ phải chơi!
Nhưng bà vú lẩm bẩm, chỉ đủ Xuân Hương nghe:
- Mười mấy năm rồi, rộng hẹp, cửa mình cửa ta, bưng bồng bưng bít, chỉ ông phủ biết là đủ rồi, nhắc mãi làm chi?
- U ơi, em nói để những ai hay nghĩ đâu đâu muốn hiểu sao thì hiểu, cho bõ cái tiếng yêu tinh thần nữ họ đặt cho mình, còn lòng em, bấy lâu nay thế nào, u đã thừa rõ...
Từ đấy vào Quỳnh Lưu, hai người được lái thuyền ưu đãi, hành khách nể vì, nên cuộc hành trình chấm dứt trong vui vẻ thoải mái.
Lên bộ, nhìn quanh mình, quang cảnh thật tiêu điều: vết thương chiến sự chư hàn gắn được hết, ruộng vườn nứt nẻ, nhà cửa đổ nát hãy còn nhiều, dân chúng lại lưa thưa, hình như số đông đã chạy về tỉnh thành cho dễ sống hơn.
Dọ dẫm mãi mới tìm ra mấy gia đình họ Hồ, thì những người ít tuổi không hiểu gì chuyện cũ đã đành, ngay những người năm sáu mươi cũng không nhớ được gì chính xác.
Lòng buồn rười rượi, Xuân Hương cùng bà vú tản bộ các nơi, xem phong cảnh cho khuây. Đi qua một nơi gọi là Cửa Đó, nàng mỉm cười:
- Cửa gì là Cửa Đó? Làm cho em nghĩ đến Cửa Đây!
Bà vú lẩm bẩm:
- Em chỉ thế thôi, không lúc nào nghĩ gì cho đứng đắn cả...
Thì u trông đấy: hai quả núi kia giáp nhau, ngọn ngửa ra mà chân chụm lại, có khác gì cái hom[8]để ngược, từng thu hút vua chúa cùng văn nhân quân tử không? Cho nên em bảo:
Khéo khen ai đẽo đá chênh vênh, Tra hom ngược để đơm người đế bá
Gớm con Tạo lừa cơ tem hẻm, Rút nút suôi cho lọt khách cổ kim

° ° °

Đương dạo chơi, một hôm Xuân Hương chợt nhớ ra hồi trước chiêu Hổ vào làm quan trong này, bèn tìm đến một hai phủ huyện hỏi thăm đám nha lại, thì được biết họ Phạm đã thăng thuyên từ lâu, hiện giữ chức lớn ở Phú Xuân.
Thấy đường xa cũng ngại, vả lại đi thăm cậu chiêu chỉ để biết hiện tình bạn cũ mà thôi chứ không dự tính gì hết. Nhưng cất công vào đây chẳng được việc gì thì ra về sao đành? Nghe nói dọc đường non cao biển rộng, nhiều nơi hùng vĩ, nên lại nức lòng, đi cho biết đó biết đây.
Qua đèo Ba Dội, nàng vừa trèo vừa ngâm:
Một đèo... một đèo... lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét, tùm hum nóc
Sườn đá xanh rì, lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Văn nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân... vẫn muốn trèo!
Tới được Phú Xuân rồi thì thăm tin cũng dễ: họ Phạm đương làm quan lớn trong viện Hàn Lâm[9]Tìm đến cửa viện, xin vào yết kiến, thì lính canh quát tháo:
- Các mụ lớn mật thiệt! Cụ lớn đây nghiêm lắm, đã ra lệnh không bao giờ cho đàn bà vào dinh, thôi lui đi đừng kêu nài vô ích!
Xuân Hương liền viết tên vào tờ hoa tiên, rồi khẩn khoản nói với tên lính:
- Thôi, chúng tôi cũng chẳng dám vào quấy nhiễu cụ lớn. Chỉ xin chú làm ơn trình dùm mảnh giấy này.
Nói hai ba lần, tên lính mới bằng lòng cầm giấy đi. Một lát sau, hắn trở ra, trả lại tờ hoa tiên. Xuân Hương liếc mắt qua, thấy dưới tên mình có hai dòng rõ là nét của "hùm":
Rày đã làm cha thằng xích tử
Thôi thì đù mẹ cái hồng nhan
Hai câu thật sỗ sàng nhưng nàng không giận, còn mừng rằng cụ lớn chưa bị chốn quyền môn làm mất bản sắc, vẫn còn lối cù nhầy như trước, liền mỉm cười lấy giấy viết một vế đối để giỡn lại:
Mặc áo giáp, giải cài chữ đinh, Mậu kỷ canh, khoe mình là quý
Lại nhờ lính đem trình. Khoảnh khắc, lính cầm ra tờ giấy của mình như trước, thêm có vế đối lại:
Làm đĩ càn, tai đeo hạt khảm, Tốn li đoài, khéo nói rằng khôn
Rõ là nàng dụng ý gọi chàng bằng đinh là đứa thì chàng cũng chẳng tha gì, không chê nàng là đĩ! Nhưng đều tuyệt diệu lấy trong 12 chi đối lại chữ trong l0 can, mà hàm được hai câu chửi rủa đối nhau.
Vừa xem qua, lại nghe lính nói:
- Thôi về đi? Cụ lớn truyền không được đưa giấy tờ gì vào nữa!
Xuân Hương giận tím mặt, kéo bà vú ra về, lẩm bẩm:
- Quân này ba que thật, u ạ! Hễ trèo lên được bậc thang danh vọng là mất hết tình người? Đạo đức của chúng là thế đấy, có khác gì cái áo cà sa khoác ngoài mà bên trong chỉ là con thú! Chỉ tiếc rằng khi biết mặt thật của những người mình tin yêu thì mình đã già rồi...
Không có cái buồn nào thấm thía hơn cái buồn của Xuân Hương trên đường từ giã Phú Xuân lận đận trở về Thăng Long. May được bà vú khuyên giải vỗ về nên cũng dần dần khuây khỏa.
Từ khi uể oải trở về phố Lý Quốc Sư, những lúc đêm khuya một mình một bóng trước đĩa đèn dầu leo lét sợi bấc đã gần xơ, mỗi tiếng trống cầm canh từ bên huyện Thọ Xương vẳng đến lại gieo vào tâm tư một nỗi quạnh hiu chán chường, khiến Xuân Hương viết ra lời thơ nghẹn ngào chua xót:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con...
Hồi tưởng những gặp gỡ, những chia ly, những mừng giận, yêu thương, những bồng bột bỏng cháy nhưng vừa bừng đã tắt, đám rêu hòn đá đâm toạc xuyên ngang cũng chỉ cung ứng cho sự đòi hỏi được một chút con con, nàng càng ngán cho phận mình, lại càng xót xa cho số kiếp má hồng...
Thế rồi qua những cuộc tỉnh say vội vã, bóng trăng khuyết vẫn chưa tròn, mà quanh mình lại điều ong tiếng ve mai mỉa là lẳng lơ sa đọa, lòng nàng cảm thấy tràn đầy oán hận:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên hom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng "cốc"
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao "om"?
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau giận vì duyên để mõm mòm
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom!
Nỗi oán hận của nàng không cách nào giải tỏa vì bị thể chất chi phối, chỉ thời gian mới dần dần làm phai mờ đi trong sắc thái bi quan, khiến nàng rồi không tha thiết gì nữa, chỉ còn lạnh lùng chán ghét mọi sự mà thôi.
Câu"thân này đâu đã chịu già tom" có vẻ thách thức con tạo, thực ra chỉ để tự an ủi mình, vì một khi"bóng đã vân vân xế chiềư' chỉ ngăn sao được màu thời gian điểm trên mái tóc, nheo vào đuôi mắt, và như sau này Tản Đà đã mách:Chợ chiều hôm kẻ cắp lảng thưa dần! Bây giờ khách ngưỡng mộ chỉ tới lui trong địa hạt văn chương, mà ngay trong địa hạt này, khi đề cập đến"xuân tình" đến"thú vui" cũng không còn hứng thú như thuở đương hơ hớ!
Cho nên mình"không chịu già tom" mà rồi hoàng hôn đổ xuống, bóng giai nhân lặng lẽ chìm dần, chìm dần rồi tan biến vào quên lãng... Đến nỗi sau này không còn ai biết nàng đã lìa trần vào ngày, tháng, năm nào, bao nhiêu thi phẩm có bản thảo nào lưu lại.
Nhưng bản thảo nào quý bằng sự truyền khẩu đời đời thích thú của quốc dân!