Câu 1600 - 1799

Sớm đưa Doãn Phủ, tối ngừa Trần Quân
Hán xưa Lữ hậu thanh xuân
Còn vua Cao tổ mấy dừng Dị Ky
Ðường xưa Võ hậu thiệt gì
Di Tông khi trẻ, Tam Tư lúc già
Cứ trong sách vở nói ra
Một đời sung sướng cũng qua một đời
Ai ai cũng ở trong đời
Chính chuyên, trắc nết chết thời cũng ma
Người ta chẳng lấy người ta
Người ta đâu lấy những là tượng nhân
Cho nên tiếc phận hồng nhan
Học đòi Như ý vẽ chàng Văn Quâ
Nguyệt Nga biết đứa tiểu nhân
Làm thinh toan chước thoát thân cho rồi
Bùi ông ngon ngọt trau dồi
Dỗ nàng cho đặng sánh đôi con mình
Làm người chấp nhất sao đành
Hễ là lịch sự, có kinh có quyền
Tới đây duyên đã bén duyên
Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai
Nhớ câu: Xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở, e mai hoa tàn
Làm chi thiệt phận hồng nhan
Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng
Vọng phu xưa cũng trông chồng
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Thôi thôi khuyên chớ thở ra
Vầy cùng con lão một nhà cho xuôi
Nguyệt Nga giả dạng mừng vui
Thưa rằng:Người có công nuôi bấy chầy
Tôi xin dám gửi lời này
Hãy tua chậm chậm sẽ vầy nhân duyên
Tôi xin lạy tạ Vân Tiên
Làm chay bảy bữa cho tuyền thủy chung
Cha con nghe nói mừng thầm
Dọn nhà sửa chỗ động phòng cho xuê
Chiếu hoa gối sách bốn bề
Cỗ đồ bát bửu chỉnh tề chưng ra
Xẩy vừa tới lúc canh ba
Nguyệt Nga lấy bút đề vài câu thơ
Dán trên vách phấn một tờ
Vai mang bức tượng kịp giờ ra đi
Hai bên bờ bụi rậm rì
Ðêm khuya vắng vẻ gặp khi trăng lờ
Lạ chừng đường sá bơ vơ
Có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo
Qua truông rồi lại lên đèo
Dế kêu giăng giỏi, sương gieo lạnh lùng
Giầy sành đạp sỏi thẳng xông
Vừa may trời đã vừng đông ló đầu
Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chân
Người ngay trời phật cũng vưng
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra
Hỏi rằng: Nàng phải Nguyệt Nga
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta
Khi đêm nằm thất Phật bà
Người đà mách bảo nên đà tới đây
Nguyệt Nga bán tín bán nghi
Ðành liều nhắm mắt theo đi về nhà
Bước vào thấy những đàn bà
Làm nghề bô vải lụa là mà thôi
Nguyệt Nga đành dạ ở rồi
Từ đây mới hết nổi trôi chốn nào
Hỏi thăm qua chốn Ô sào
Quan san mấy dặm đi vào tới nơi
Ðoạn này tới thứ ra đời
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền
Nửa đêm nằm thấy ông tiên
Ðem cho linh dược mắt liền sáng ra
Kể từ nhuốm bệnh đường xa
Tháng ngày thấm thoát kể đà sáu năm
Tuổi cha rầy đã năm lăm
Chạnh lòng nhớ tới đầm đầm châu sa
Vân Tiên trở lại quê nhà
Hớn Minh đưa khỏi năm ba dặm đường
Tiên rằng: Ta lại hồi hương
Ơn nhau sau gặp khoa trường sẽ hay
Minh rằng: Em chẳng vốn may
Ngày xưa mắc phải án đày chốn đi
Dám đâu bày mặt ra thi
Ðã đành hai chữ qui y chùa này
Tiên rằng: Phước gặp khoa này
Sao sao cũng tính sum vầy, cùng nhau
Mấy năm hẩm hút tương rau
Khó nghèo nỡ phụ, sang giàu đâu quên
Lúc hư còn có lúc nên
Khuyên người giữ dạ cho bền thảo ngay
Hớn Minh trở lại am mây
Vân Tiên về một tháng chầy tới nơi
Lục ông nước mắt tuôn rơi
Ai dè con sống trên đời thấy cha
Xóm giềng cô bác gần xa
Ðều mừng chạy tới chật nhà hỏi thăm
Ông rằng: Kể đã mấy năm
Con mang tật bệnh ăn nằm nơi nào
Tiên rằng: Hoạn nạn xiết bao
Mẹ tôi phần mộ, nơi nào viếng an
Ðặt bày lễ vật nghiêm trang
Ðọc bài văn tế trước bàn minh sinh
Suối vàng hồn mẹ có linh
Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay
Tưởng bề nguồn nước cội cây
Công cao ngàn trượng, ngãi dày chín trăng
Suy trang nằm giá khóc măng
Hai mươi bốn thảo chẳng bằng thời xưa
Vân Tiên nước mắt như mưa
Tế rồi hỏi việc khi xưa ở nhà
Ông rằng: Có nàng Nguyệt Nga
Bạc vàng mang giúp, cửa nhà đặng xuê.
Nhờ nàng nên mới ra bề
Chẳng chi khó đói bỏ quê đi rồi
Vân Tiên nghe nói hỡi ơi
Chạnh lòng nghĩ lại một hồi giây lâu
Hỏi rằng nàng ấy ở đâu
Ðặng con đến đó đáp câu ân tình
Lục ông thuật việc triều đình
Ðầu đuôi chuyện vãn tỏ tình cùng Tiên
Kiều công rày ở Tây-xuyên
Cũng vì mắc nịnh biếm quyền đuổi ra
Tiên rằng: Cám nghĩa Nguyệt Nga
Tôi xin qua đó thăm cha nàng cùng
Tây-Xuyên ngàn dặm thẳng xông
Ðến nơi ra mắt, Kiều công khóc liền
Nguyệt Nga rày ở Tây phiên
Biết sao cho đặng đoàn viên cùng chàng
Mấy thu Hồ Việt đôi phang
Cũng vì máy tạo, én nhàn rẽ nhau
Thấy chàng dạ lại thêm đau
Ðất trời bao nỡ chia bâu cho đành
Hẹp hòi đặng chút nữ sinh
Trông cho chồi quế trổ nhành mẫu đơn
Nói rồi lụy nhỏ đòi cơn
Cũng vì một sự oán hờn nên gây
Thôi con ở lại bên này
Hôm mai thấy mặt cho khuây lòng già
Vân Tiên từ đấy lân la
Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kỳ
Năm sau lệnh mở khoa thi
Vân Tiên vào tạ xin đi tựu trường
Trở về thưa với xuân đường
Kinh sư ngàn dặm một đường thẳng ra
Vân Tiên dự trúng khôi khoa
Hẳn suy nhâm tí thiệt là năm nay
Nhớ lời thầy nói thật hay
Bắc phương gặp chuột con rày nên danh
Vân Tiên vào tạ triều đình
Lệnh ban y mão hiển vinh về nhà
Xẩy nghe tin giặc Ô-qua
Phủ vây quan ải binh ba bốn ngàn
Sở vương phán trước ngai vàng
Chỉ sai quốc trạng dẹp loàn bầy ong
Trạng nguyên tấu trước bệ rồng:
Xin dâng một tướng anh hùng đề binh
Có người họ Hớn tên Minh
Sức đương Hạng Vũ, mạnh kình Trương Phi
Ngàn xưa mắc án trốn đi
Phải về nương náu từ bi ẩn mình
Chỉ sai tha tội Hớn Minh đòi về
Sắc phong phó tướng bình di
Tiên, Minh tương hội xiết gì mừng vui
Nhất thinh phấn phát oai lôi
Tiên phong hậu tập trống hồi tấn binh
Quan sơn ngàn dặm đăng trình
Lãnh cờ binh tặc phá thành Ô qua
Làm trai ơn nước nợ nhà
Thảo cha ngay chúa mới là tài danh
Phút đâu binh đáo quan thành
Ô-qua xem thấy xuất thành cự đang
Tướng phiên hai gã đường đường
Một chàng Hỏa Hổ, một chàng Thần Long
Lại thêm Cốt Ðột nguyên nhung
Mắt hùm râu đỏ tướng hung lạ lùng
Hớn Minh ra sức tiên phong
Ðánh cùng Hỏa Hổ, Thần Long một hồi
Hớn Minh đánh xuống một roi
Hai chàng đều bị một hồi mạng vong
Nguyên nhung Cốt Ðột nổi xung
Hai tay xách búa đánh cùng Hớn Minh
Hớn Minh sức chẳng dám kinh
Thấy chàng hóa phép thoát mình trở lui
Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô
Một mình nhắm trận xông vô
Thấy người Cốt Ðột biến đồ yêu ma
Vội vàng trở ngựa lui ra
Truyền đem máu chó đều thoa ngọn cờ
Ba quân gươm giáo đẳu giơ
Yêu ma xem thấy một giờ vỡ tan
Sa cơ Cốt Ðột chạy hoang
Vân Tiên giục ngựa băng ngàn đuổi theo
Ðuổi qua khỏi đặng bảy đào
Khá thương Cốt Ðột vận nghèo nài bao
Chạy qua ngang núi Ô-sào
Phút đâu con ngựa sa hào thương ôi
Vân Tiên chém Cốt Ðột rồi
Ðầu treo cổ ngựa phản hồi bổn quân
Ôi thôi bốn phía đều rừng

Chú thích:
3.Doãn Phủ: hai chữ này nghi có sách chép sai. Hạ Cơ thông tình với Nghi Hành Phủ và lấy Liên Doãn Tương Lão, vậy hai chữ này phải là Hành Phủ, vì theo nghĩa của câu văn, dưới đặt chữ Trần Quân (vua Trần, tức Linh công), thì trên nên đặt là Hành Phủ, hai người cùng thông tình, mà lại đồng thời.
4.Lữ hậu: Lã hậu (chữ Lã chính âm là Lữ), tức Lã Trĩ, vợ Hán Cao Tổ (Lưu Bang). Lã Hậu tư thông với Thẩm Dị Ky, người này trước là quan hậu cận Lã hậu, sau có công đánh giặc, được phong tước hầu, khi Cao Tổ chết, Lã hậu thường giấu giếm Dị Ky ở nơi cung cấm và yêu đương tin dùng, cử làm Thừa Tướng.
5.Võ hậu: xem chú thích ở câu 800. Khi Vũ hậu làm vua, tin dùng bọn gian nịnh và thông tình với anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, hai người cùng đẹp trai, nguyên trước cử vào hầu hạ trong cung, sau được Vũ hậu yêu đương cho làm quan chức ở triều.
6.Di Tông, Tam Tư: bốn chữ này ghi cũng chép sai. Theo Ðường sử. Vũ hậu thông tình với Xương Tông và Dịch Chi, chứ không với Tam Tư, tức Vũ Tam Tư, cháu gọi Vũ hậu là cô.
7.Trắc nết: hư nết, xấu nết. Câu này phỏng theo câu ca dao: "Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng".
8.Như Ý: một nhân vật chính trong một vở tuồng Tả Sự gặp gỡ của Như Ý và Văn Quân. Như Ý giúp Văn Quân, một chàng thanh niên tài giỏi, trốn tránh được khỏi tay quân thù. Về sau hai người lấy nhau.
9.Chấp nhất: câu nệ, khăng khăng giữ một
10.Lịch sự: chính nghĩa là trải (thông thạo) việc đời. Ta thường dùng để chỉ những tác phong, cử chỉ, ăn nói, ăn mặc có tính cách chững chạc, trang nhã, chỉnh tề, đẹp đẽ.
11.Xuân bất tái lai: xuân không trở lại lần nữa. nói: một tuổi một già đi.
12.Vọng phu: trông chồng. Ðây là một tích cũ đã phổ biến ở Trung-quốc cũng như ở Việt-nam. Hai câu này nói: tội gì mà làm người vọng phu cho uổng một đời người trẻ đẹp.
13.Thở ra: cũng như nói ra.
14.Tua: nên, phải. Do chữ Hán tu nói chệch ra.
15.Thủy chung: trước sau như một.
16.Ðộng phòng: có hai nghĩa: 1) căn phòng sâu kín nói chung; 2) căn phòng dành cho việc tân hôn của đôi vợ chồng. Ðây dùng nghĩa thứ hai.
17.Gối sách: gối gấp như chồng sách.
18.Bát bửu: (Bát bảo): tám thứ vật quí. Cỗ đồ bát bửu đây là các thứ gươm, giáo, chùy, búa... làm bằng đồng, bạc để bày trong nhà sách cho sang trọng.
19.Vách phấn: tường vôi
20.Trăng lờ: trăng tối, tức là không có trăng, vì đêm tối không trăng nên dưới nói đi nhớ ánh sáng đom đóm.
21.Truông: vùng đất bỏ hoang, cây cỏ mọc thành bụi thấp.
22.Bàn thạch: tảng đá lớn và phẳng.
23.Vưng: bảo hộ, phủ trì.
24.Bô vải: bô do chữ bố và vải. Bô vải như nói vải sồi.
25.Quan san: cửa ải và núi non. Chỉ những nơi cách trở xa xôi.
26.Thứ ra đời: lớp chuyện kể một nhân vật đang sống ẩn mình nay "ra đời" hoạt động. Ðây nói Lục Vân Tiên "ra đời"
27.Linh dược: thuốc màu nhiệm, chỉ thuốc tiên.
28.Qui y: đi tu, quy là hướng theo, y là nương tựa, nói đem cả thân thể, tâm chí hướng tựa vào đạo Phật.
29.Hư, nên: như nói có khi cùng khốn nhưng cũng có lúc vinh quang.
30.Phần mộ: mồ mả. Viếng an: do chữ Hán vấn an, thăm viếng xem có được bình an mạnh khoẻ không. ở đây là đi viếng mộ.
31.Minh sinh: minh tinh, tức mảnh lụa hay vải dài có viết họ tên, chức tước của người chết để rước đi lúc đưa ma. ở đây treo lên bàn ở chỗ cúng.
32.Nguồn nước cội cây: nguồn của nước, cội (gốc) của cây. Ðây dùng chỉ cha mẹ.
33.Chín trăng: chín tháng. nói mang thai chín tháng.
34.Nằm giá: Vương Tường đời Tấn, khi mùa Ðông, nước đóng thành băng, mẹ già thèm ăn cá, ông ra nằm trên băng để tìm kiếm, băng tan, hai con có chép nhảy lên, ông bắt về dâng mẹ. Khóc măng: Mạnh Tông người nước Ngô đời Tam quốc, mẹ già thèm ăn măng, nhưng mùa Ðông không có, ông vào rừng tre khóc lóc cầu khẩn, rồi được măng mọc đưa về. Ðây là hai sự tích trong sách "Nhị thập tứ hiếu" của Quách Cư Nghiệp (có sách là Quách Cư Kinh) đời Nguyên.
35.Ra bề: ra bề thế.
36.Biếm quyền: hạ quyền xuống, giáng chức quan. Nói Kiều công vì bọn nịnh thần mà bị tước quyền đuổi về.
37.Ðoàn viên: chỉ sự tụ họp sum vầy của vợ chồng hay gia đình, thân thuộc.
38.Hồ Việt: danh từ này thường dùng để chỉ sự xa cách nhau, mỗi người một nơi, như hai nước Hồ Việt, một ở tận phương Bắc, một ở tận phương Nam.
39.én nhàn: én nhạn.
40.Chia bâu: chia rẽ, phân ly.
41.Nữ sinh: con gái, cũng như nói "nữ nhi" (khác với "nữ sinh" là học sinh con gái).
42.Ôn nhuần: ôn tập lại cho thấm nhuần thêm.
43.ứng kỳ: theo kỳ thi mà đi thi.
44.Kinh sư: kinh đô.
45.Khôi khoa: đỗ đầu khoa, ở đây là đỗ trạng nguyên.
46.Y mão (mạo): áo mũ của vua ban.
47.Hiển vinh về nhà: lệ thi thời xưa, những người thi đỗ tiến sĩ, sau khi đỗ, nhà vua có ban mũ, áo, cờ và tấm biển khắc bốn chữ "Ân tứ vinh qui", nghĩa là ơn vua cho được vẻ vang trở về.
48.Quan ải: cửa ải nước nọ sang nước kia.
49.Chỉ: lệnh của vua.
50.Quốc trạng: trạng nguyên của cả nước.
51.Dẹp loàn: dẹp loạn
52.Ðề binh: đem binh đi đánh giặc.
53.Kình: đối địch lại (kình địch). Trương Phi: một danh tướng đời Tam quốc, có sức mạnh, giỏi đánh trận, kết nghĩa anh em với Lưu Bị.
54.Từ bi: yêu đương và thương xót người, tiêu biểu của đạo Phật. Ở đây là cửa Phật
55.Tương hội: gặp nhau, sum họp cùng nhau.
56.Nhất thinh (thanh) phấn phát oai lôi: lôi là sấm, một tiếng truyền lệnh, oai hùng như sấm, làm phấn khởi mọi người.
57.Tiên phong: toán quân xông trận ở mặt nước. Hậu tập: toán quân tiếp ứng và đánh bọc phía sau. Tấn binh: tiến binh (chữ tiến chính âm là tấn). Nói các toán quân tiên phong hậu tập nghe lệnh truyền trống đánh, đều phấn khởi mà tiến lên.
58.Binh tặc: dẹp giặc.
59.Binh đáo quan thành: binh đến trước thành cửa quan.
60.Cự đang (đương): chống địch lại.
61.Nguyên nhung: nguyên soái chỉ huy toàn quân.
62.Hóa phép: dùng phép yêu quái để đánh trận. Hai câu này nói: Hớn Minh thấy Cốt Ðột hóa phủp, sức không địch được, phải thoát mìy nóy
63.Kim khôi: khôi là thứ mũ dùng khi ra trận, đời cổ chế bằng da, đời sau chế bằng sắt, và cũng chế bằng đồng hay dát vàng gọi là kim khôi.
64.Phản hồi bổn quân: trở về toán quân của mình