Chương 1


Chương 5

Thế là quan hệ giữa tôi với Quỳnh chuyển sang một thời kỳ mới. Bây giờ, ngày ngày chúng tôi đều đi học chung với nhau.
Trường Quỳnh học cách trường tôi gần một cây số. Mỗi sáng, bằng chiếc xe đạp của Quỳnh, tôi chở cô bé đến trường rồi mới quay lại lớp học. Buổi trưa tan học, tôi lại đến trường Quỳnh đón cô bé về.
Tính tôi hay thức học bài đến khuya, hôm sau thường dậy trễ. Hồi trước, đi với Kim Dung, dậy trễ cũng không sao. Xe honđda chạy vù một cái là đến nơi. Vả lại, tôi với Kim Dung học chung trường, xe chạy một mạch. Đi với Quỳnh, hai trường khác nhau, xe đạp lại chạy tà tà, dậy trễ đằng nào cũng lò mò vô lớp sau thiên hạ.
Biết thì biết vậy nhưng quen tật "ngủ nướng" lâu nay, tôi không tài nào dậy sớm được.
Sáng nào cũng vậy, trong khi Quỳnh quần aó đàng hoàng, sách vở xong xuôi thì tôi còn trùm mền ngáy khò khò trên gác, báo hại cô bé phải trèo lên gọi.
Thoạt đầu Quỳnh còn kêu khẽ:
- Anh Chương! Dậy đi học!
Thấy không ăn thua, Quỳnh thu nắm tay đấm bình bic.h vào chân tôi:
- Dậy đi! Trễ giờ rồi!
Tôi rụt chân lại, ngủ tiếp. Trong cơn mơ tôi thấy thằng Bảo đang cầm cái chân bàn gãy đánh vào chân tôi, miệng hô:
- Cho mày chừa cái tật chê thơ của ông!
Quỳnh đâu có biết tôi đang bị thằng Bảo ăn hiếp, cô bé cầm góc mền giật mạnh một cái. Tôi nghe lạnh khắp người liền mở choàng mắt dậy.
Thấy Quỳnh đang đứng thò đầu lên gác, mặt mày bí xị, tôi vội vàng tót xuống đất, hấp tấp chạy đi rửa mặt.
- Lần sau em cho anh ở nhà luôn! - Quỳnh nói.
Tôi dắt xe ra đầu hẻm, miệng phân bua:
- Tại tối hôm qua anh thức khuya.
- Em cũng thức khuya học bài nhưng đâu có trễ như anh!
Tôi đành cười giả lả và cắm cúi đạp xe.
Khoảng một tuần sau, tôi tiến bộ được chút chút. Khi Quỳnh dắt xe ra, tôi đã xong dxuôi đâu đó. Đến nỗi Quỳnh phải khen:
- Dạo này anh dậy đúng giờ ghê!
Tôi giở giọng nịnh nọt:
- Nhờ có em đó!
Quỳnh cười:
- Chứ gì nữa! Em phải rèn anh từ từ mới được!
Câu nói của Quỳnh đầy ý nghĩa. Tôi sung sướng đến đỏ mặt, tim nhảy loạn cào cào.
Trong thời gian này, cuộc sống đối với tôi thật đẹp đẽ, đáng yêu. Gần như tôi và Quỳnh gặp nhau suốt ngày. Buổi sáng đi học chung. Buổi chiều tôi thường xuống chợ ngồi chơi với Quỳnh và Trâm. Buổi tối tôi qua nhà dạy mấy chị em Quỳnh học.
Những buổi trưa đón Quỳnh về, chúng tôi thường ghé uống nước ở các quán dọc đường. Quỳnh thích uống nước dừa hoặc nước chanh muối, là hai thứ trước nay tôi rất ghét. Nhưng từ lúc đó, tôi nhanh chóng thay đổi khẩu vị và lập tức liệt kê hai loại nước này vào danh mục những thức ăn uống ngon nhất trên đời. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi ăn phở. Tôi vốn khoái phở tái. Nhưng Quỳnh lại thích phở chín. Vì lẽ đó, bỗng nhiên tôi phát hiện ra không có món ăn nào dở hơn... phở tái. Và khi phát hiện ra điều đó, tôi liền chuyển sang thích phở chín.
Thấy vậy, Quỳnh cười khúc khích:
- Anh buồn cười ghê!
Tôi cũng cười và lại nói một câu ngớ ngẩn:
- Ừ, buồn cười thật!
Dạo này, tôi thường đâm ra ngớ ngẩn như vậy. Dường như trong tình yêu, con người ta đôi khi giống trẻ con, có vẻ ngốc nghếch làm sao! Tôi vốn khờ khạo, lại đang đắm chìm trong tình yêu nên càng tỏ ra ngốc nghếch tợn.
Tôi đi học chung với Quỳnh một tuần, tụi trong lớp biết hết. Thằng Bảo kéo tôi đi uống cà phê, khen:
- Mày khá lắm! Công trình tao làm dở phần đầu thì mày hoàn tất phần cuối!
Nó nâng ly lên:
- Nhiệt liệt chúc mừng!
Không biết nó mừng tôi thật hay nó nói xỏ, tôi chối phắt:
- Tao với Quỳnh có gì đâu! Chỉ là bạn thôi!
Nó cười:
- Bạn cái mốc xì! Mày làm như tao là trẻ con không bằng!
Tôi khăng khăng:
- Bạn thật mà!
Nó nheo mắt:
- Mày làm gì mà chối lia vậy? Bộ mày sợ tao giành lại hả?
Không biết trả lời sao, tôi đành nhe răng cười hì hì.
Bảo nhún vai:
- Vậy là trước nay tao hiểu lầm mày!
Tôi giật mình:
- Hiểu lầm gì?
- Tao tưởng mày "kết" Kim Dung.
- Không có đâu! Hai đứa tao coi nhau như bạn!
Bảo gật gù:
- Lần này mày nói bạn thì tao tin!
Tôi yên tâm khi thấy nó không hề tỏ ra ấm ức gì về chuyện tôi với Quỳnh. Nó chỉ bình luận:
- Mày ở kế bên Quỳnh, tất nhiên lợi thế hơn tao!
Kim Dung thì không hề nhắc đến Quỳnh một tiếng nào. Tuy nhiên nó vẫn trò chuyện với tôi như thường lệ. Thỉnh thoảng, hai đứa tôi vẫn đi chơi với nhau thân mật và vui vẻ. Nét buồn thoáng qua hôm nào ở Kim Dung giấu nó ở đâu đó trong lòng, tôi không tài nào biết được. Dù sao, tôi cũng thầm cảm ơn nó.
Trong khi tụi bạn tôi chẳng để ý gì mấy đến chuyện tình cảm của tôi thì đám bạn của Quỳnh nhao nhao ngó phát ghét. Mỗi lần tôi đến đón Quỳnh, nguyên một đám đứng túm tụm lại với nhau, chỉ chỉ chỏ chỏ khiến tôi ngượng chín người.
Một hôm, tôi hỏi Quỳnh:
- Tụi bạn em chỉ chỏ gì anh vậy?
Quỳnh cười:
- Tụi nó nói anh là bồ em.
Tôi hồi hộp:
- Em trả lời sao?
Tôi hy vọng đây là dịp để Quỳnh chính thức thừa nhận mối quan hệ tình cảm giữa hai đứa mà từ trước đến nay cả tôi lẫn Quỳnh chưa ai dám lên tiếng trước.
Ai dè Quỳnh làm tôi cụt hứng:
- Em bảo anh là anh nuôi của em!
Tôi thở một hơi dài thườn thượt, chân đạp xe hết muốn nổi. Cái vai "anh nuôi" chết tiệt đó trước đây tôi đã một mực từ chối và quyết tâm quên bẵng nó đi, không dè bây giờ Quỳnh lại đem ra gán ghép cho tôi. Anh nuôi với chẳng anh nuôi! Tôi lầm bầm trong bụng và nóng tiết gắt lên:
- Thà anh chết còn hơn là làm anh nuôi của em!
Quỳnh ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy?
Nghe Quỳnh hỏi, tôi ngớ người ra, không biết làm sao giải thích cho cô bé hiểu những điều ngoắt ngoéo bên trong. Nghĩ ngợi một hồi, tôi đáp lấp lửng:
- Bởi vì làm anh nuôi thì đâu có làm... cái khác được!
Quỳnh cười khúc khích:
- Anh nói gì mà khó hiểu quá trời!
Tôi nói "dễ hiểu quá trời" vậy mà Quỳnh kêu khó hiểu. Thiệt ngốc! Hay là Quỳnh giả bộ cũng nên!

*

Nhưng dù Quỳnh có giả bộ hay không thì chuyện của tôi và Quỳnh vẫn diễn tiến ngày càng thuận lợi, dù cái điều khó nói nhất vẫn chưa ai nói với ai. Nhưng tôi nghĩ, so với mối quan hệ gần gũi và sâu đậm trên thực tế thì cái điều kia không có gì quan trọng. Nó sẽ được nói ra vào thời điểm thích hợp và cần thiết nhất.
Đầu năm thứ ba, tôi mua một chiếc xe mới, vì vậy tôi không còn chở Quỳnh đi học nữa. Tuy nhiên điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến mối tình của tôi. Hằng ngày, tôi vẫn đạp xe chạy bên cạnh Quỳnh, đưa cô bé đến trường. Buổi trưa, chúng tôi lại chạy xe song song bên nhau trên đường về.
Lúc này Quỳnh đã là cô nữ sinh lớp mười hai, trông chẳng còn bé bỏng như lần đầu tôi gặp. Quỳnh trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn và cô bé bắt đầu ý thức được điều đó và tô điểm cho nó bằng những cử chỉ duyên dáng bất ngờ. Mặc dù quen nhau đã lâu, mỗi lần trông thấy Quỳnh lắc đầu hất mớ tóc qua vai một cách nghịch ngợm hoặc cắn ngón tay trên miệng để che giấu một sự bối rối nào đó, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khó tả.
Trâm sau khi thi vào trường đại học y khoa không đậu, ở nhà phụ với mẹ trong việc buôn bán. Nó chẳng có vẻ gì buồn bã về chuyện nghỉ học. Nó bảo tôi:
- Hình như cái số tôi là số thất học. Lúc trước, khi ba tôi đi tù, tôi bỏ học mất mấy năm. Bây giờ, vừa ngấp nghé vô đại học, đã rớt bịch như mít rụng.
Tôi an ủi nó:
- Thi rớt thì sang năm thi lại, lo gì!
Trâm chép miệng:
- Năm nay học hành đàng hoàng còn thi không đậu, nói gì năm tới! Có khi số tôi hạp với chuyện bán chác hơn học hành!
Tôi cười:
- Số gì lại số buôn bán!
Trâm hất mặt:
- Tôi nói thiệt đó! Còn như anh là số học hành. Mà anh phải ráng học gấp đôi người khác kìa!
Nó làm tôi đâm ra thắc mắc:
- Tại sao tôi phải ráng gấp đôi người khác?
Trâm nháy mắt, vẻ tinh quái:
- Chứ gì nữa! Mẹ tôi chẳng bảo đợi anh ra trường rồi mới tính chuyện con Quỳnh là gì!
Tôi đớ người. Câu chuyện trao đổi giữa dì tôi và bác Tám gái tưởng là chuyện bí mật giữa hai người lớn với nhau, ai dè Trâm lại biết.
Trong khi tôi đang lúng túng đứng đực mặt ra đó thì Trâm cười hì hì:
- Làm gì mà anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn vậy? Để tôi vô kêu mẹ tôi ra nói chuyện với anh!
Tôi hoảng hồn chưa kịp lên tiếng thì nó chạy tọt vô nhà.
Không biết nó nói thật hay nói chơi nhưng nghe vậy, tôi vội vàng co giò vọt mất. Quỷ thật!
Dạo này tôi nhận được thư mẹ tôi khá thường xuyên. Mẹ tôi tỏ ý lo lắng cho ba tôi vì tình hình chiến sự ở miền Trung ngày càng ác liệt.
Tôi đọc thư, thấy mẹ tôi lo tôi cũng lo. Nhưng vì chiến tranh thì ở xa, còn Sài Gòn quanh năm yên tĩnh, lại có Quỳnh bên cạnh nên tôi mải lo học và lo... yêu nên chẳng mấy chốc quên khuấy mất nỗi lo kia.
Tuy vậy, dù không để ý tôi vẫn nhận thấy chung qunah xảy ra một số hiện tượng khác thường. Như ở bên nhà bác Tám thỉnh thoảng lại xuất hiện những người lạ mặt. Họ đến và đi đều lặng lẽ.
Ngẫu nhiên gặp, tôi hỏi thì bác Tám gái bảo đó là những người bà con ở dưới quê lên chơi. Nghe vậy, tôi chẳng nghi ngờ gì mặc dù tôi thấy họ chẳng giống chút nào với chú Sáu và cậu Chí của Quỳnh, những người thường xuyên lên Sài Gòn.
Một hôm, tôi ra ngoài đầu hẻm mua thuốc lá thì bỗng có một người đàn ông đứng tuổi bước lại bắt chuyện với tôi. Tôi chẳng biết người này là ai nhưng thấy ông ta hỏi chuyện thân mật, tôi cũng trả lời tử tế.
Nói chuyện vòng vo một hồi, hỏi thăm hết người này đến người khác, ông ta bắt qua hỏi thăm gia đình Quỳnh. Ông ta khen bác Tám là người vui vẻ, giao du rộng, rồi hỏi tôi dạo này nhà bác Tám có khách khứa nhiều không. Thấy ông ta hỏi han lung tung, tôi đâm chột dạ, liền chối phắt:
- Bác Tám đi làm suốt ngày chẳng thấy trong nhà có khách bao giờ. Chỉ có mấy đứa nhỏ.
Tối đó, tôi kể lại với bác Tám trai. Bác vỗ vai tôi, khen:
- Cháu khá lắm! Mai mốt có ai hỏi, cháu cứ trả lời như vậy!
Tới lúc đó, tối mới đoán ra người kia là cảnh sát chìm.
Quỳnh ngồi bên cạnh mỉm cười và nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh trìu mến.
Bác Tám khen, tôi khoái một, Quỳnh nhìn tôi như vậy, tôi khoái gấp trăm lần.
Tôi mong có ai tiếp tục tới dọ hỏi, tôi sẽ "khá lắm" thêm vài lần nữa để được Quỳnh nhìn tôi âu yếm. Nhưng lần này, tôi chờ hoài mà chẳng thấy ma nào xuất hiện.

*

Sau Tết, Quân Giải Phóng gây áp lực mạnh. Báo chí và ra đdi-ô hầu như ngày nào cũng đưa tin về tình hình chiến sự. Trong vòng hai tuần lễ, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Kontum và Quảng Trị bị thất thủ. Người Sài Gòn trước nay vốn xa lạ với bom đạn đã băt' đầu cảm thấy hơi thở nóng hổi của chiến tranh thổi tới sau gáy mình.
Đám sinh viên miền Trung lo sốt vó, nhất là những đứa có người thân tham gia quân đội. Tôi không biết tình trạng gia đình ngoài đó ra sao, nhất là khi quê tôi bị thất thủ mười ngày sau đó.
Trong những ngày này, Sài Gòn đông nghẹt những người từ miền Trung chạy vào. Tôi có gặp một số người quen ngoài quê nhưng họ chẳng biết gì về tình hình gia đình tôi.
Trong khi đó, gia đình bác Tám tỏ ra rất bình tĩnh. Cả dì dượng tôi cũng vậy. Điều đó khiến tôi an tâm được phần nào.
Lúc này, các trường học vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chúng tôi đến lớp để chơi hơn là để học. Các thầy cô ngồi trên bục giảng bình luận thời sự thay vì giảng bài. Một số tỏ ra lo lắng rụt rè. Một số phấn khởi ra mặt, chửi Mỹ và chính quyền công khai.
Học trò đứa nào muốn nghe thì ngồi trong lớp, đứa nào muốn đi chơi thì tót ra ngoài.
Kim Dung hỏi tôi:
- Ông có biết tin gì về gia đình không?
Tôi buồn bã lắc đầu.
- Con` ở nhà Kim Dung thì sao? - Tôi hỏi lại.
Nó nhún vai:
- Ông già sợ xanh mặt, đang chuẩn bị vù!
- Vù đi đâu?
- Ra nước ngoài.
Tôi thắc thỏm:
- Kim Dung có đi không?
Nó lại nhún vai:
- Chưa biết! Vui đi, buồn ở!
Nó tùy hứng kiểu đó, tôi chẳng biết nó đi hay nó ở. Trong thâm tâm, tôi không muốn Kim Dung đi. Tôi không muốn xa một người bạn tuyệt vời như nó.
Ngoài nỗi lo mất Kim Dung, tôi còn một nỗi lo khác. Từ ngày đứt liên lạc với gia đình, tôi bị đứt luôn cả nguồn cung cấp tài chính. Trước đây, tiền cơm và tiền tiêu vặt hằng tháng mẹ tôi đều gửi vô. Bây giờ, mọi thứ tôi phải tự xoay xở lấy. Dì tôi chẳng hỏi han gì đến chuyện tiền nong nhưng thấy gia đình dì chẳng sung túc gì, tôi chẳng muốn tạo thêm gánh nặng cho dì.
Tôi kêu thằng Bảo tới nhà, hai đứa chở sách đi bán ngoài chợ sách cũ ở đường Công Lý. Tủ sách của tôi có đến gần ngàn cuốn, tôi gom góp mua trong mấy năm nay. Tôi lựa một số cuốn giá trị tặng cho Quỳnh và Lan Anh, còn bao nhiêu tôi và thằng Bảo đem bán ráo.
Sợ dì tôi ngăn cản, tôi đợi dì đi làm rồi mới đem sách ra khỏi nhà.
Buổi tối nghe Lan Anh méc, dì tôi kêu tôi rầy. Tôi cười hì hì và hôm sau lại tiếp tục chở sách đi bán.
Tôi tặng sách cho Quỳnh, Quỳnh thích lắm. Cô bé để sách trong một ngăn tủ riêng, khóa kỹ.
Trâm biết, liền chạy qua gặp tôi, can:
- Anh đừng bán sách nữa! Uổng lắm!
Tôi cười:
- Thì mai mốt mình mua lại, lo gì!
Tự nhiên, nó nắm tay tôi, nói:
- Ngày mai anh qua ăn cơm với tôi và con Quỳnh cho vui!
Đang nói chuyện sách bỗng nhiên nóquẹo sang chuyện cơm khiến tôi giật nảy người. Có lẽ Trâm đã đoán ra lý do bán sách của tôi. Nghĩ vậy, tôi sượng sùng đáp:
- Để coi! Nếu rảnh thì tôi qua!
Nói xong, tôi vội vàng lảng đi chỗ khác.
Trong vòng bốn ngày đầu tháng tư, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt liên tiếp lọt vào tay quân giải phóng. Sài Gòn lúc này chỉ còn biết ngồi chờ số phận của mình.
Một hôm, đang ngồi trong lớp, chúng tôi bỗng nghe tiếng "ầm ầm" vọng tới. Cả bọn dáo dác dòm ra cửa...
- Lựu đạn! - Một đứa nói.
- Lựu đạn làm gì nổ lớn vậy! Chắc là bom! - Một đứa khác nhận định.
- Bom đâu mà bom!
- Bom mà! Tao nghe có tiếng máy bay.
Cả bọn nhao nhao xúm vào tranh cãi.
Sau đó nghe đài, chúng tôi mới biết là Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập.
Kể từ hôm đó, trường tôi giống như cái chợ. Đứa nào muốn đến thì đến, không muốn thì ở nhà. Một vài giáo sư không còn thấy xuất hiện ở trường, chẳng biết đi đâu. Sinh viên dần dần bỏ lớp. Sự tan rã bắt đầu.
Tôi, Bảo và Kim Dung thuộc vào số sinh viên vẫn còn lui tới trường thường xuyên. Sự biến động trong thời gian gần đây tự nhiên gắn ba đứa tôi lại với nhau, mặc dù trước nay Kim Dung không ưa Bảo.
Ba đứa tôi đến trường chủ yếu là kéo nhau đi uống cà phê và ngồi tán dóc để giết thì giờ. Uống cà phê đã, chẳng biết làm gì, chúng tôi đạp xe chạy lang thang trên phố. Chạy mỏi cẳng, chúng tôi lại tấp vào quán cà phê. Rồi lại đạp xe đi. Trong một tâm trạng chờ đợi mơ hồ.

*

Ngày giải phóng Sài Gòn, dì tôi không cho tôi ra đường, sợ đạn lạc. Tôi, Lan Anh và mấy chị em Quỳnh chạy ra trước đầu hẻm, đứng coi. Những bộ đồ lính đủ các binh chủng, nón sắt, giày botteđe-saut vứt lăn lóc đầy đường. Những chiếc xe jeep cắm cờ đỏ sao vàng chở đầy bộ đội chạy vút qua trước cặp mắt tò mò của dân chúng. Đây đó vẳng lại những tiếng hò reo, không biết từ phía nào và vì lý do gì.
Thằng Tạo chạy ra đường lượm một cái nón sắt đem úp xuống làm ghế ngồi. Chị Kim nạt một tiếng, nó hoảng hồn vứt cái nón trở ra ngoài đường với vẻ tiếc rẻ.
Đứng coi một lát, chúng tôi kéo trở vào nhà. Trong tâm trạng phấn khởi, mấy chị em Quỳnh cười nói luôn miệng, bàn luận linh tinh đủ thứ.
Tôi chẳng vui mà cũng chẳng buồn, trong bụng cứ mong chóng được về quê gặp lại gia đình quyến thuộc.
Thấy tôi lộ vẻ lo lắng, bồn chồn, Trâm hiểu ngay tâm trạng tôi. Nó trấn an:
- Anh đừng lo! Vài bữa nữa thế nào cũng có xe ra ngoài Trung!
Trong khi chờ dịp về quê, tôi ra trụ sở khóm phụ giúp bác Tám trai. Bác bây giờ là chủ tịch khóm. Bác nhờ tôi chép một danh sách dài dằng dặc từ những tờ khai gia đình. Suốt ngày, tôi ngồi lì một chỗ chép mỏi cả tay.
Rồi thấy tôi viết chữ đẹp, bác giao tôi mấy hộp sơn đỏ và cây cọ, kêu tôi đi kẻ khẩu hiệu. Thoạt đầu, tôi kẻ trên các bức vách của trụ sở khóm. Sau đó, thấy sơn còn nhiều, tôi ngứa tay vác cọ đi kẻ tùm lum. Đi rảo ngoài đường, thấy bức tường nào trống trống là tôi phết cho một lô khẩu hiệu. Thấy vậy, bác Tám khen tôi nhiệt tình cách mạng.
Tôi "làm cách mạng" được một tuần thì có một người quen giới thiệu tôi với một chiếc xe tải sắp sửa đi Huế. Thế là tôi chào dì dượng, từ biệt gia đình bác Tám, khăn gói lên đường.
Lúc tôi bước chân ra, Lan Anh níu tay tôi, dặn:
- Anh về thăm quê rồi nhớ trở vào với em nghen!
Trâm cũng dặn dò y như vậy.
Quỳnh không nói gì hết, cô bé chỉ mỉm cười nhìn tôi. Tôi thấy mắt Quỳnh đo đỏ. Đối với tôi, ánh mắt ấy có ý nghĩa sâu xa hơn tất cả những lời dặn dò.
Chiếc xe tải tôi đi đầy nghẹt người, già trẻ lớn bé đủ cả. Thoạt đầu, tôi ngồi trong thùng xe bít bùng phía sau nhưng rồi chen chúc một hồi, tôi cảm thấy khó thở liền leo lên mui xe. Mui xe cũng đầy ắp người nhưng ở ngoài trời, thoáng gió, dù sao cũng thoải mái hơn.
Xe chạy suốt đêm không nghỉ. Trên mui xe, ai buồn ngủ thì ngồi vô giữa, những người ngồi chung quanh dăng tay che chắn, canh giữ, không để ngã xuống đường. Lát sau, mọi người lại đổi chỗ cho nhau.
Khác hẳn sự lành lặn may mắn của Sài Gòn, dọc đường miền Trung đầy rẫy những dấu vết chiến tranh. Những bức tường lỗ chỗ dấu đạn, những ngôi nhà đổ sập, những cột khói âm ỉ trải dọc đường đi. Đây đó trên những cánh đồng, trong những khu rừng cao su bạt ngàn, vô số những loại xe quân giới nằm vương vãi, chỏng chơ, hàng hàng lớp lớp.
Chiều tối hôm sau, tôi về đến nhà.
Thấy tôi xuất hiện, mấy đứa em tôi kêu lên mừng rỡ. Còn mẹ tôi thì ôm chặt lấy tôi, mừng mừng tủi tủi.
Nhìn quanh, thấy gia đình đông đủ, tôi nhẹ hẳn người. Nỗi lo lắng nặng nề bao lâu nay lập tức tan biến. Ba tôi cũng có mặt ở nhà. Hỏi ra mới biết ông về nhà gần hai tháng nay sau khi đơn vị của ông bị đánh tan tác trên mặt trận Tây Nguyên.
Tôi ở chơi với gia đình và đi loanh quanh thăm bà con, hàng xóm chừng được một tuần thì ba mẹ tôi giục tôi vào lại Sài Gòn. Ba tôi nói:
- Con vào trong đó sớm để coi nhà trường có thông baó gì không. Ở nhà mọi chuyện đã có mẹ con lo. Con nên chú tâm học hành, đừng nghĩ ngợi gì nhiều!
Lúc này, ba tôi đã nhận được giấy gọi đi học tập cải tạo. Tôi tính đợi cho ba tôi đi rồi tôi mới đi nhưng ba tôi không chịu. Ông sợ tôi vô trễ, lỡ gặp chuyện gì trục trặc, nhà trường không nhận.
Thế là tôi khăn gói trở vô Sài Gòn, nhanh hơn dự tính.
Hôm tôi vào, mọi người xúm lại hỏi han rối rít. Nghe gia đình tôi và bà con họ hàng đều bình yên, ai nấy đều mừng.
Lan Anh đi tò tò theo tôi, hỏi:
- Anh vô đây đi học tiếp thật chứ?
Tôi cốc nó một cái:
- Không thật thì anh trở vô đây làm gì!
Nó xoa đầu:
- Em sợ anh vô thu dọn đồ đạc về luôn!
Tôi cười:
- Nếu về luôn thì anh đã về rồi! Anh có đồ đạc gì đâu mà dọn!
- Có chứ sao không! Ở bên nhà bác Tám đó!
Tôi trố mắt:
- Anh có gởi đồ đạc gì bên bác Tám đâu!
Lan Anh không đáp mà đứng cười hí hí. Tôi bất giác hiểu ra nó muốn nói đến Quỳnh. Người yêu của tôi mà nó dám kêu là đồ đạc, cái con quỷ con này! Tôi định cốc nó một cái thì nó đã bỏ chạy mất.
Tối đó, tôi rủ Trâm, Quỳnh và Lan Anh đi ăn bánh cuốn. Nhưng Quỳnh kêu bận, không đi.
Trâm ngó Quỳnh, nói:
- Ảnh ở ngoài quê mới vô, đi chơi với ảnh cho vui!
Nhưng Quỳnh vẫn lắc đầu:
- Tối nay, em có việc phải ở nhà!
Khi nói câu đó, Quỳnh nhìn tôi mỉm cười ra ý xin lỗi.
Không có Quỳnh, buổi đi chơi mất hết hứng thú. Tôi ăn chẳng thấy ngon và trò chuyện với Trâm và Lan Anh một cách lơ đãng.
Cho đến khi ra về, tôi vẫn còn băn khoăn, day dứt về thái độ của Quỳnh và tối đó tôi mang theo cả nỗi buồn mênh mông vào trong giấc ngủ.

*

Sáng hôm sau, tôi đạp xe vào trường.
Từ ngày giải phóng đến nay, đây là lần đầu tiên tôi trở lại trường nên lòng cứ hồi hộp đoán non đoán già đủ thứ.
Tôi gặp Kim Dung ngay tại cổng trường. Tôi mừng rỡ và xúc động nắm lấy tay nó:
- Tôi tưởng Kim Dung đi rồi chứ?
- Đi đâu?
- Vù ấy mà!
Nó cười:
- Chỉ có ông bà tôi vù thôi! Tôi vù luôn thì bỏ ông lại cho ai!
Tôi tò mò:
- Lúc Kim Dung đòi ở lại, hai người có nói gì không?
Nó nhún vai:
- Tôi đâu có đòi! Tôi ở lại là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi! Đúng lúc ra phi trường thì tôi lại đi lông bông ở đẩu ở đâu. Khi tôi về nhà mới hay ông bà già đợi không được, đã đi rồi.
Nói xong, nó liếc tôi:
- Còn ông làm gì mà mất tăm mất tích vậy?
- Tôi về quê.
Trong khi tôi đang kể cho Kim Dung nghe về tình hình gia đình tôi thì thằng Bảo dẫn xác tới. Thấy tôi, nó cười toe:
- Tao tưởng mày sợ quá mày trốn rồi chứ!
- Sợ cái gì?
- Sợ lao động.
Tôi ngơ ngác:
- Lao động gì?
Nó nheo mắt, cười cười:
- Lao động gì thì lát nữa mày sẽ biết!
Đúng như nó nói, lát sau thì tôi biết liền. Chúng tôi vô lớp ngồi học hò học hát một hồi rồi đổ xô ra ngoài đi làm vệ sinh. Sinh viên các lớp chia nhau từng tốp dẫy cỏ, quét sân, đốt rác, khiêng bàn khiêng ghế chạy tới chạy lui nhộn nhịp.
Tôi vừa dẫy cỏ vừa hỏi thằng Bảo:
- Hổm rày, trường mình đã học hành gì chưa?
- Chưa. Phải lao động đã! Lao động là vinh quang mà!
Thực tế là suốt một thời gian dài sao đó, chúng tôi chưa đi vào học tập chuyên môn mà chủ yếu sinh hoạt chính trị, tham gia các công tác xã hội và đi lao động ở các nông trường.
Tôi ngạc nhiên khi thấy Kim Dung tham gia lao động rất vui vẻ và tích cực. Trước đây, tôi cứ tưởng con nhà giàu như nó chẳng bao giờ cầm nổi cây cuốc. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Tuy vậy, do cách ăn mặc của mình, Kim Dung vẫn bị các cán bộ của trường và của lớp liệt vào phần tử tiêu cực.
Trong các buổi sinh hoạt, đứa nào phê phán nó là nó cự lại liền:
- Bộ làm cách mạng là không cho người ta ăn mặc theo ý mình hả?
- Nhưng cái áo gì mà dài quá...
- Áo tôi dài kệ tôi, mắc mớ gì mấy người!
Vì vậy mà tụi kia không ưa Kim Dung. Tôi với thằng Bảo chơi thân với Kim Dung cũng bị ghét lây.
Nhưng chuyện ở trường không làm tôi buồn bằng chuyện ở nhà. Quỳnh càng ngày càng có vẻ xa lánh tôi, hoặc ít ra tôi cũng có cảm giác như vậy. Trước đây hai đứa tôi thân mật, gắn bó với nhau bao nhiêu thì bây giờ lại xa xôi, hờ hững bấy nhiêu.
Mỗi lần tôi rủ Quỳnh đi chơi như trước đây, bao giờ Quỳnh cũng thoái thác với nhiều lý do. Sau vài lần bị từ chối như vậy, tôi đâm ra xấu hổ và ngại ngần. Và những lần sau đó tôi nhận ra mình bắt đầu rụt rè, lúng túng mỗi khi giáp mặt Quỳnh. Điều đó khiến tôi vô cùng đau khổ.
Đã bao nhiêu đêm tôi trằn trọc nằm phân tích, tìm hiểu nguyên nhân của sự thay đổi đột ngột kia nhưng không tài nào giải thích nổi. Tôi lờ mờ hiểu rằng có một điều gì đó xảy ra trong những ngày tôi về quê bởi vì ngay hôm tôi trở vaò Sài Gòn, thái độ của Quỳnh đã thấy khang khác.
Nhưng điều đó là điều gì thì tôi chưa khám phá ra. Tôi đã đặt ra nhiều giả thiết nhưng xem ra không có giả thiết nào hợp lý. Chẳng lẽ Quỳnh lại nghi ngờ một điều gì đó trong quan hệ giữa tôi và Kim Dung? Hay là có một anh chàng nào xuất hiện trong những ngày vắng mặt ngắn ngủi của tôi? Tôi lạc lối giữa một rừng câu hỏi và không biết làm sao mò mẫm được lối ra.
Tôi định gặp Quỳnh hỏi cho ra lẽ mặc dù tôi cảm thấy đó không phải là hành động khéo léo nhất.
Lúc này, Trâm đi công tác ở phường đoàn. Trong khi chờ thi vào đại học, Quỳnh cũng hay theo chị đi công tác, rất ít khi có mặt ở nhà.
Những lúc về nhà, Quỳnh chẳng con` chạy qua chơi bên tôi như trước kia. Thậm chí những khi tôi sang bên Quỳnh, cô bé cứ ngồi lì trên gác, dường như muốn tránh mặt tôi.
Một hôm, tôi đứng vơ vẩn ngoài đầu hẻm bỗng thấy Quỳnh đi đâu về. Sự gặp gỡ bất ngờ khiến tôi tái người đi như bị điện giật.
Nhưng tôi chưa kịp bắt chuyện thì Quỳnh mỉm cười chào tôi rồi rảo bước đi thẳng.
Tôi điếng người, vội vã đuổi theo:
- Quỳnh!
Cô bé dừng lại và nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy, anh Chương?
Trong một thoáng, tôi cảm thấy hụt hẫng như đang rơi xuống một hố thẳm sâu hút với tốc độ chóng mặt, không sao cưỡng được. Anh đã từng yêu đôi mắt của em biết bao, cái đôi mắt hồn nhiên và ngây thơ kỳ lạ đó đã đánh thức trong anh những kỷ niệm long lanh và rực rỡ của tuổi thơ, đã lay động nơi anh những xúc cảm dịu dàng và bí mật, sao bây giờ lại có thể che giấu trong đó vẻ ngạc nhiên giả vờ và lãnh đạm! Cả đôi môi của Quỳnh nữa, bây giờ phát ra những nụ cười không thật, và đôi môi ấy lại vừa hỏi tôi bằng một giọng điệu thờ ơ, xa lạ chẳng khác gì hỏi kẻ qua đường.
Tôi nói và cảm thấy cổ mình nghẹn lại:
- Anh... anh không hiểu...
Thấy tôi ấp a ấp úng, Quỳnh dậm chân tỏ vẻ sốt ruột:
- Anh nói gì thì nói lẹ lên, em còn phải đi công chuyện.
Câu nói của Quỳnh chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào ngực tôi. Tôi cố kìm cơn giận dữ cay đắng đang chực bùng lên và nói bằng giọng nhẹ nhàng:
- Em đang vội thì thôi! Để hôm khác!
Thực ra cho đến lúc này, tôi không tin vào cái hôm khác đó lắm. Sau lần gặp Quỳnh ngoài đầu hẻm, vừa tự ái vừa chán nản tôi đã muốn buông xuôi. Nhưng rồi nỗi day dứt của tình yêu thôi thúc tôi phải gặp Quỳnh, phải nói cho cô bé biết nỗi khổ tâm của tôi và tìm hiểu lý do nào đã khiến Quỳnh đối xử với tôi như vậy.
Lần này, suốt một tuần tôi "phục kích" đối phương trên gác.
Đến một hôm, quan sát qua lỗ thủng của bức vách, tôi thấy Quỳnh đang ngồi đọc sách trên bàn. Tôi liền chạy qua. Nhưng tấm cửa lưới đã khoá bên trong. Tôi gọi cửa.
Mẹ Quỳnh bước ra:
- Đi đâu đây cháu?
Trước nay, tôi qua chơi bên Quỳnh là chuyện tự nhiên, chẳng bao giờ mẹ Quỳnh lại hỏi tôi một câu khách khí như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn lễ phép đáp:
- Cháu đi tìm Quỳnh!
Mẹ Quỳnh mở cửa:
- Cháu vô chơi! Nhưng Quỳnh không có nhà! Nó đi đâu từ trưa tới giờ!
Không có Quỳnh thì tôi vô chơi với ai? Nhưng rõ ràng Quỳnh mới ngồi đây kia mà! Tôi bước vô nhà và đảo mắt nhìn quanh. Quả nhiên, Quỳnh "đi vắng". Tài thật!
Tôi đoán cô bé chắc lại trốn trên gác. Nhưng chẳng lẽ tôi lại nói toẹt ra điều đó? Tôi đành tảng lờ ngồi nói chuyện với mẹ Quỳnh vài câu gượng gaọ rồi lủi thủi ra về.
Qua sự kiện đó, tôi chua xót nhận ra rằng ngay mẹ Quỳnh cũng đồng tình với thái độ lạnh nhạt mà Quỳnh dành cho tôi, thậm chí đồng tình một cách quá sốt sắng.
Tôi vốn là người hời hợt, vô tâm nhưng từ hôm đó tôi bắt đầu để ý đến cách đối xử của gia đình bác Tám đối với tôi. Chẳng bao lâu, tôi buồn bã hiểu rằng tình cảm mọi người quả nhiên đổi khác mặc dù điều đó rất khó nhận ra. Trừ thằng Tạo còn bé, còn mọi người dù vẫn cười nói, vẫn vui vẻ, thậm chí vẫn tốt bụng với tôi nhưng không khí thân mật, gần gũi kiểu... gia đin`h ngày xưa đã biến mất. Ba mẹ Quỳnh và Chị Kim bây giờ xem tôi như một người khách.
Chỉ có Trâm là không thay đổi. Mặc dù đi công tác suốt ngày, ít khi gặp tôi, nhưng mỗi khi gặp, nó thường rủ tôi đi uống nước sinh tố và ngồi kể lung tung về chuyện công tác của nó.
Những lúc ấy, ngồi mỉm cười nhìn Trâm ba hoa liến thoắng, tôi như chìm vào một cảm giác ấm áp dễ chịu và quen thuộc.
Nó nói một thôi một hồi, chợt thấy tôi ngồi im, liền quay sang cười hì hì:
- Quên nữa! Nãy giờ tôi lo giành nói mà không để anh nói!
- Tôi có gì đâu mà nói!
- Chừng nào trường anh mới dạy văn hóa lại?
- Sắp rồi! Nghe nói ít bữa nữa!
Dù Trâm đối với tôi vẫn thân thiết như cũ nhưng trong những câu chuyện giữa chúng tôi gần dây, rõ ràng Trâm cố tình không nhắc đến Quỳnh. Thấy vậy,tôi cũng làm thinh luôn. Điều đó khiến cho câu chuyện giữa tôi và nó đôi khi đâm ra không được tự nhiên.
Có lần, không nén được, tôi hỏi thẳng Trâm:
- Có chuyện gì xảy ra với Quỳnh vậy?
Trâm im lặng một lúc rồi thở dài:
- Anh hãy quên nó đi!
Tôi nghe miệng mình đắng nghét:
- Tại sao vậy?
Trâm nói, giọng buồn buồn:
- Nó không xứng đáng với tình cảm của anh.
Tôi nắm chặt tay:
- Nhưng mà tại sao?
Trâm ngó lơ đi chỗ khác:
- Bây giờ tôi chưa trả lời anh được! Nhưng rồi anh sẽ biết!
Suốt một thời gian dài sau câu chuyện đau lòng đó, tôi cảm thấy thế giới trở nên buồn tẻ.