Chương 10

     ng Tám Tàng uống đến ly rượu huýt-ki thứ bảy mới thấy đầy đủ cảm hứng để tính đến việc sẽ làm. Ông gọi thật lớn bằng cái giọng điệu lè nhè chính hiệu của con sâu rượu kinh niên:
- Mổng ơi! Bớ Mổng!
Người ta chỉ nghe nhiều tiếng xì xào và tiếng văng tục bên dưới của những giọng nói đàn bà.
- Con Mổng đâu rồi? Tao biểu!
Một cô gái ốm o, mặc đồ hở hang, với hai vành môi trét đỏ, đôi má bự phấn, õng ẹo đi lên.
- Sao mà kỳ đà như vậy, hở con đĩ rạc?
Cô gái liếc xéo ông Tám, nhoẻn cười:
- Bảo gọi người ta bằng Mộng, lại cứ réo Mổng, khỉ quá!
- Thì Mộng. Lại đây cho tao ngó lại cái dáng bộ mày chút coi.
- Ngó hoài! Bộ say rồi sinh tật chướng, hở ông già dịch!
- Tao cần ngó lại cho kỹ, rồi mới quyết định cho mày một bước tương lai.
Cô gái bước tới một bước, cố quay mặt đi nơi khác để làm một người mắc cỡ, nhưng đã từ lâu quên sự mắc cỡ mất rồi nên cái thái độ cố gắng của cô như người thách thức.
- Con khỉ! Tao đâu có thèm xem mông của mày! Ngoảnh mặt lại đây cho tao dòm thử chút nào!
Cô gái vểnh cái mặt lên, nhìn vào ông Tám. Ông Tám hấp hem cặp mắt, y như một nhà trọc phú xem tranh lập thể, phê phán:
- Thôi được. Mày trông có vẻ nữ sinh hơn hết trong đám khỉ đột ở đây. Phen này tao cho mày đi học lại.
- Dỡn hoài.
- Tổ cha đứa nào nói dỡn! Ông mà nói dỡn thì ông làm con trai út của mày. Hồi xưa mày học đến lớp nào rồi?
- Lớp nhì.
- Cũng được. Bây giờ thì cứ cho vào Đệ ngũ là xong.
- Trời ơi! Có hiểu cái chó gì đâu mà học Đệ ngũ?
- Đừng lo. Tao đóng học phí đầy đủ là được. Mí lại, đi học đời nay đâu có cần hiểu mà mày muốn hiểu? Mày cứ đến trường, nhưng học thì theo chương trình của tao. Chương trình của tao chắc ăn hơn nhiều.
- Nhớ đừng cho nhiều món lắm, nuốt không trôi đâu, cha nội!
- Một món là chán chê rồi, con ạ. Nhưng mày hãy nghe tao dặn: phải sửa điệu bộ sao cho y hệt như nữ sinh vậy.
- Khổ chưa? Ai biết nữ sinh có điệu bộ gì? Bây giờ nhiều cô cũng cứ ký ca ký cỡn như là me Tây, me Mẽo chúng em, vậy chớ phân biệt làm xao, hở ông bố già?
- Biết vậy. Nhưng mày hãy cố làm ra cái dáng lương thiện một chút. Chớ cứ ẹo tới ẹo lui kiểu đó là để nhử mồi lính Mẽo chứ đâu có thực hiện được chương trình của tao. Đây này, mày phải đi theo cái kiểu cọ này...
Ông Tám lảo đảo đứng lên, cố đi rón rén như người tuột dép đạp nhằm đinh ốc, rồi lại nghiêng đầu, ỏn ẻn:
- Mày lại nói như thế này: “Chao ơi! Cuộc đời buồn quá... á... á... Chán... án... quá! Xống làm xao nổi!” Nhớ nói rất buồn, rất chán, với cái điệu bộ bên trong chẳng buồn chẳng chán khỉ khô gì hết.
Ông Tám liền bắt cô Mổng - xin lỗi, cô Mộng - tập dượt đến lần thứ mười, và ông hạ xuống một lời quyết định:
- Ngày mai, tao sẽ cho mày vào học tại trường Chấn Hưng!
Cô Mộng nẩy chồm người lên:
- Thôi đi! Ông nội, hổng thèm học cái trường quèn ấy đâu. Đi học trường lớn, có lầu ba từng, năm từng, mới chịu.
- Ừ, rồi mấy từng, tao cũng cho học, đừng lo. Nhưng hãy bắt đầu vào trường này đã. Có chuyện làm ăn lớn lắm, đó con.
- Chỉ học tiếng Mỹ thực hành thôi nhé!
- Cái đó là cầm chắc rồi. Nhưng đừng vội lo, con à. Bây giờ mày chưa phải học gì hết, mày cần đi học, chứ không cần học.
- Thế thì đến lớp em ngủ gục à?
- Nếu em thích việc ngủ gục thì em cứ ngủ tự nhiên. Nhưng em phải nhớ anh dặn điều này. Trong cái trường đó có thằng Trương Bảng và Huỳnh văn Xu... (Chỗ này thì ông Tám Tàng nói nhỏ gần đến năm phút. Người ta nghe cô Mổng cười rúc rích vài ba lần) và em luôn luôn phải giữ vai trò của một cô gái lương thiện. Nghĩa là mở miệng phải có những câu tương tự: “Để em xin phép ba em” “Để em thưa lại má em” “Chị em có dạy em rằng...” “Anh em có bảo em rằng...” “Ông em, bà em có khuyên em...” Chẳng hạn, nhà trường hỏi học lớp sáng hay là lớp chiều, thì thưa: “Dạ em còn phải thỉnh ý ba má của em” đại khái là vậy. Người ta thường thích làm việc bất lương với kẻ lương thiện. Quỷ cái như mày thì tao chỉ cần bảo sơ vài câu là mày hiểu rồi. Nhưng mà tao dặn điều này mày phải nhớ kỹ, là đừng có nói cho đồng bọn mày biết kế hoạch tao, nghe chưa? Mấy cái con đó mà biết chuyện này thì mày ốm đòn, mà tao còn xé căn cước, đuổi mày về lại dưới quê cho mày ăn món bom bi với miểng đại bác.