Lời giới thiệu

     ăn học tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phong phú, đặc sắc của văn xuôi tự sự trong các thể tài phóng sự, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút... Đến nay, sau gần một thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, không ít tác phẩm trong số này đã chứng tỏ giá trị lâu dài của mình và trở thành những mẫu mực hầu như không thể vượt qua - những tác phẩm kinh điển. Tuy vậy, sự lắng đọng của giá trị, sự kết tinh của mẫu mực, ở khu vực di sản này vẫn là những tiến trình đang diễn biến hơn là đã hoàn tất. Do vậy, việc chọn ra và giới thiệu một cách tương đối có hệ thống những tác phẩm thuộc phần di sản này, là việc cần thiết.
Ở cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay, chúng tôi giới thiệu tập truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi của nhà văn Nam Cao (1917-1951).
Tập truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi, ký bút danh Nam Cao, ra mắt bởi nhà xuất bản Đời Mới tại Hà Nội năm 1941, gồm 7 truyện: “Đôi lứa xứng đôi”, “Nguyện vọng”, “Hai khối óc”, “Giờ lột xác”, “Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình”, “Ma đưa”, “Cái chết của con Mực”. Được biết, truyện đứng đầu tập vốn được tác giả đặt tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, nhưng người viết lời tựa cho tập truyện - nhà văn Lê văn Trương - đổi thành “Đôi lứa xúng đôi”, có lẽ nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời, về sau, khi đưa in lại truyện này trong tập Luống cày (tập truyện của 4 tác giả: Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1945!, tác giả Nam Cao đổi tên truyện của mình thành “Chí Phèo”.
Xuất hiện giữa những năm mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đang ngày càng khốc liệt, khi các diễn biến cuộc chiến ở tận giời Âu hay ở ngay châu Á hầu như chi phối, thu hút mọi sự quan tâm của người đương thời, kể cả các giới làm báo làm văn, tập truyện Đôi lứa xứng đôi hầu như đã không gây được động tĩnh gì trong dư luận văn nghệ. Song điều đó không hề làm nản chí tác giả Nam Cao: chính đây là lúc ông bước vào những năm tháng sáng tác sung sức và hiệu quả nhất của mình, với hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, xuất hiện hầu như hằng tuần trên các tờ báo ở Hà Nội.
Phải qua gần hai chục năm sau, trong đời sống hòa bình, giá trị thực sự của các sáng tác của Nam Cao mới được thừa nhận rộng rãi trong các giới sáng tác và phê bình, nghiên cứu văn học.
Truyện “Chí Phèo” hầu như được nhất trí xem như một kiệt tác, đỉnh cao trong văn nghiệp Nam Cao. đồng thời là kiệt tác đỉnh cao của văn xuôi tự sự Việt Nam những năm 1930-1945.
“Chí Phèo” kể về cuộc đời một anh dân cày lưu manh hóa. Là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng, Chí Phèo may mắn được người ta nhặt về nuôi rồi trở thành canh điền nhà Bá Kiến, một kỳ mục có thế lực ở làng Vũ Đại. Vì một cớ riêng nào đấy, một ngày kia y bị bắt rồi bị đi tù. Bảy, tám năm sau y trở về làng như một tay anh chị, định gây sự với kẻ đã đẩy mình đi tù là Bá Kiến. Nhưng viên kỳ mục này cao mưu nên rốt cuộc Chí trở thành tay chân của Bá Kiến, trở thành kẻ chuyên nghề đâm thuê chém mướn. Suốt vài chục năm liền Chí chìm trong những cơn say, làm việc ác trong lúc say, đến nỗi y không biết rằng mình đã trở thành một con quỷ dữ trong làng.
Một ngày kia, sau một cuộc rượu say sưa, trên đường về nhà, giữa vườn chuối trên bãi sông, y bỗng thấy một người đàn bà. Đấy là thị Nở, nhà cũng gần vườn nhà Chí, một người ngẩn nga, đã xấu xí ma chê quỷ hờn, lại có bệnh hủi; thị đi kín nước dưới sông, tạm ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Y sán đến ôm lấy, người đàn bà thức dậy vật lộn với y, dọa kêu làng. Ngạc nhiên vì có người dám dọa kêu làng, là cái đã gần như độc quyền của mình, y vừa cất tiếng la làng vừa đè người đàn bà xuống. Hành vi ấy khiến thị Nở bật cười, rồi từ chống đối thị xoay ra ưng thuận. Sau cuộc tình, cả hai ngủ thiếp đi. Gần sáng, Chí thức dậy vì bị một cơn đau bụng rồi nôn thốc nôn tháo. Thị Nở dìu y vào lều, rồi trở về nhà nấu nồi cháo hành mang sang cho y. Suốt năm ngày, cả hai được sống những giờ phút hạnh phúc và quyết định lấy nhau. Nhưng dự định ấy hỏng ngay khi thị Nở về hỏi bà cô ruột, bị mắng một trận, nhất quyết không cho. Thất vọng, Chí lại uống và lại đến gây sự với Bá Kiến. Bá Kiến lại cho tiền nhưng lần này Chí đến không phải để xin tiền. Y bảo đến để xin làm người lương thiện, nhưng y biết là không thể được nữa rồi, vậy chỉ còn một cách. Y rút dao đâm nhiều nhát vào Bá Kiến, vừa đâm vừa la làng. Khi có người chạy đến thì thấy y đã nằm giãy giụa giữa đám máu tươi. Bá Kiến và Chí Phèo đều chết. Bà cô thị Nở được dịp đay nghiến cháu. Thị Nở nhìn xuống bụng mình, nghĩ không biết sẽ ra sao nếu mình có chửa, rồi thị nghĩ đến cái lò gạch bỏ hoang...
Giới nghiên cứu đánh giá cao sự khám phá của Nam Cao về xã hội làng quê người Việt, nhất là làng xã đồng bằng miền Bắc, nơi mà sự phân tầng xã hội đã chia ra thành những nhóm người, những loại người. Bên cạnh nhóm đông nhất là những người vô danh trong làng, nổi bật lên hai nhóm: nhóm cường hào, vai vế bề trên gồm những Bá Kiến, Lý Cường. Đội Tảo... và nhóm cùng đinh lưu manh hóa gồm những Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ... Nhóm cường hào cai trị, bòn rút đám đông dân quê, lại cũng cạnh tranh, sát phạt nhau... chính vì vậy, nhóm cùng đinh lưu manh hóa đã được bọn cường hào sử dụng làm tay chân để trừng trị lẫn nhau và áp chế dân làng.
Nhiều tác phẩm tự sự trong văn học thời kỳ 1930-1945, của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp, v.v... cũng đã tố cáo nạn cường hào áp chế dân lành ở các làng quê. Nam Cao và một số nhà văn khác, từ những năm 1940 trở đi, nhấn thêm những nét thẫm màu ở bức tranh làng quê quen thuộc ấy, do sự xuất hiện đám cùng đinh lưu manh hóa, bị bọn cường hào lợi dụng.
Điều đáng kể là Nam Cao không chỉ mô tả những nông dân lưu manh hóa như những con người bị tha hóa, mất nhân tính, trở thành những công cụ gieo rắc tội lỗi, gieo rắc sự kinh hoàng vào đời sống làng quê. Ở nhân vật Chí Phèo, như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, Nam Cao đã cho thấy cả xu thế tha hóa, vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân lưu manh hóa, lại cũng cho thấy cả sự cưỡng lại quá trình vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân ấy. Việc Chí Phèo đến nhà Bá Kiến đòi “được làm người lương thiện”, rồi biết rằng không thể nào xóa đi những tội lỗi mình từng gây ra theo lệnh viên kỳ mục ấy, Chí xông đến giết lão rồi tự sát, - hành vi ấy được nhiều nhà nghiên cứu xem như biểu hiện sự cưỡng chống quyết liệt trước xu thế tha hóa ấy của người nông dân, của con người nói chung.
Đặc sắc ngôn ngữ của Nam Cao trong truyện “Chí Phèo” là, hầu như lần đầu tiên trong văn xuôi tự sự nghệ thuật tiếng Việt ở thời đại mới, nhà văn đưa ra một kiểu lời kể như là của kẻ đứng bên trong nhân vật, hoặc thường là đứng kề nhân vật. Kiểu lời kể của kẻ hình như đứng bên trong nhân vật khiến cho việc mô tả các biến động tâm lý nhân vật trở nên hết sức năng động. Những cơn say của Chí Phèo, những mạch suy nghĩ của y, sự chuyển hướng bất ngờ của y từ suy nghĩ sang hành động... - tất cả những mảnh vụn đều trở nên liền lạc, hữu lý, do giác độ “kề cận nhân vật” này của người kể chuyện.
Thật ra, Nam Cao vẫn sử dụng ngôn ngữ tự sự kiểu “cổ điển”, thường xuyên nhất vẫn là dùng lời kể từ ngôi thứ ba (“vô hình”, “biết tuốt”), nhưng lời văn kể chuyện, dưới tay bút Nam Cao, dường như không cũ đi, với thời gian.
Bên cạnh truyện “Đôi lứa xứng đôi” (tức “Chí Phèo”), trong tập truyện đầu tay này của Nam Cao còn 6 truyện ngắn khác. Các truyện “Nguyện vọng”, “Hai khối óc”, “Giờ lột xác”, “Cái chết của con mực” đều nói về những khía cạnh đời sống của giới trí thức nghèo, - viên chức nhỏ, nhà giáo,... cái giới sẽ còn được Nam Cao tiếp cận khai thác bằng những sáng tác hay hơn, kết tinh hơn, về sau. Hai truyện “Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình”, “Ma đưa” thuộc loại truyện ma, trong đó Nam Cao ghi lại những nét thuộc đời sống tâm linh, tâm thức dị đoan của người dân các làng quê thời ông.
Phải nói là ở tập truyện ngắn đầu tay này, chất lượng các truyện rõ ràng là không đồng đều. Nhưng ở đây lại có “Đôi lứa xứng đôi” (tức “Chí Phèo”) là một kiệt tác. Điều này cho thấy nhà văn Nam Cao đã định hình cả về văn phong, tư tưởng và nghệ thuật của mình từ rất sớm, hầu như chỉ sau dăm bảy năm vào nghề văn.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, 26/10/2014
Lại Nguyên Ân