Chương VIII

     ơm nước dọn dẹp vừa xong thì trời tối mịt.
Hai mẹ con, mẹ chồng và nàng dâu ngồi hai bên phản. Chiếc đèn Hoa Kỳ để giữa. Trong ánh lờ mờ, chiếc hòm gian kê liền đấy trông to rộng quá. Còn những vật khác đều chìm trong bóng tối. Ba gian nhà rộng thênh thang và tịch mịch, lạnh lẽo. Tiếng thở đều của hai đứa trẻ ngủ trong chiếc màn nâu...
Mấy con chuột đuổi nhau rúc rích một lát rồi im bặt như để làm tăng sự yên lặng của ban đêm.
Nàng dâu thở dài rồi cất tiếng:
- Bu ạ - Thấy tiếng mình vang lên quá, nàng hạ giọng nói sẽ như thì thầm - Bu ạ, con nghĩ cụ hội cụ ấy nói thế mà phải. Nhàn cư vi bất thiện. Nhà con chơi bời chỉ vì rỗi quá đấy, bu ạ.
- Chuyện! Vườn ruộng nó bỏ bừa, phải thuê canh điền thì hiếm nào nó chẳng rỗi. Ngày xưa tao có thấy nó rỗi thế đâu. Chẳng qua nhà mình vô phúc, nó mới sinh ra đốn thế.
- Không phải con bênh gì nhà con, nhưng mỗi thời một khác, bu ạ. Thời nay đàn ông họ không thiết gì đến việc đồng áng. Họ đua nhau chơi bời để đợi kỳ ra làm việc làng việc thôn... Bu ạ, thời buổi nào kim cương ấy. Con thiết tưởng cứ nghe cụ hội, lo cho nhà con cái lý thôn là xong. Đã ra làm lý thôn thì trên đã có các cụ dưới đã có phép làng, cu cậu chả còn dám bỏ việc mà lêu lổng nữa.
- Tao cũng biết thế nhưng mà... - Bà ngừng lại ngồi thừ ra nghĩ. Dòng dõi chồng bà bốn năm đời chức dịch. Đến đời chồng bà tuy nghèo mà bà cũng cố bóp bụng, dành dụm lo được cái chức khán thủ.
Đợi lâu không thấy mẹ chồng nói, nàng dè dặt:
- Chẳng giấu gì bu, khi còn con gái con cũng có cái vốn nhỏ. Đến khi về nhà chồng, con có gửi lại thầy mẹ con bên ấy hơn đong kém bán. Nay tính ra được trăm rưỡi bạc.
- Ồ khá nhỉ! Có bao nhiêu vốn mà được tới ngần ấy?
- Thoạt đầu chỉ có ba đồng tám bạc thôi bu ạ. Ba đồng tám bạc mừng tuổi gom góp mãi từ năm con lên sáu cho đến năm con mười hai. Gặp năm lợn rẻ, con mua một con về nuôi chung với mẹ con. Nói là nuôi chung chứ tiền cám là của mẹ con cả.
- Tiền nuôi không mất thì hiếm nào mà vốn của cô chả lên chóng thế!
Nàng tủm tỉm cười:
- Thì mỗi ngày con đã dệt cho mẹ con một tấm vải và sáng nào con cũng đi vớt bèo. Bu ạ, chóng thật! Trong vòng có bốn năm, cứ bán con này lại nuôi con khác mà vốn của con đã lên tới bốn chục. Sau năm ấy, cám đắt quá, mẹ con không cho nuôi lợn nữa, bắt con mua sợi về dệt vải lấy. Rồi con bắt chước mẹ con, cũng hơn đong kém bán. Đến năm con lấy nhà con thì vừa tám chục.
- Giá chồng mày cũng được như mày thì mấy lúc mà giàu! Nghĩ đến nó lúc nào tao lại lộn cả ruột.
- Đàn ông ai chả vậy. - Nàng nói thế nhưng trong thâm tâm nàng vẫn bảo chồng là một người đàn ông hư. Nghĩ một lát nàng nói tiếp - Hiện giờ ở đây con cũng dành dụm được ngót hai trăm!
Mẹ chồng ngạc nhiên:
- Hai trăm! Tao tưởng mày có dành dụm chăng nữa cũng chỉ được bảy tám chục là cùng.
Nàng nhếch mép cười, có vẻ tự phụ. Nàng đứng dậy, vừa nói vừa đi đến chiếc hòm gian, mở khóa:
- Để con lấy cho bu xem.
Lách cách một lúc, nàng xách ra một cái hũ sành, đổ ít đỗ xuống chiếu rồi thò tay vào miệng hũ lôi ra một cuộn giấy bạc gói trong vuông vải ta. Nàng chọn toàn giấy mới. Mẹ chồng nàng nhìn hoa cả mắt.
Không phải nàng muốn khoe hay thấy mẹ chồng ngờ vực mà đem ra phân bua. Nàng đã có ý định của nàng...
Bỗng ngoài sân hai con chó sủa ầm ĩ. Đứa con nít nằm trong màn giật mình khóc òa lên. Mẹ chồng nàng chạy ra sân. Nàng luống cuống, cuốn vội những tập giấy bạc vào trong khăn, nhét xuống đáy hũ, rồi hấp tấp bốc đỗ phủ lên, mặc đứa con khóc trong màn.
Lúc mẹ chồng đe chó xong, trở vào thì nàng đã cất đâu vào đấy, đóng khóa cẩn thận rồi. Đứa con vẫn còn khóc. Nàng đứng dậy, chạy lại giường ẵm nó vào lòng, vạch yếm, nhét đầu vú vào mồm nó: “Thôi thôi, bu đền, bu đền. Úi nao ơi, con tôi nó giận tôi đây mà. Tôi chỉ bận việc đâu đâu chẳng nhìn nhận gì đến nó. A thôi thôi, bu đền, bu đền”. Đứa trẻ nhoài ra khóc ba bốn lần rồi hình như hết tủi thân, ngậm lấy đầu vú, thỉnh thoảng còn khóc bằng mũi và nấc lên mấy tiếng.
- Bu đã bảo bu xin rồi mà, bu đền rồi mà. Gớm! Con tôi khó tính quá.
Đứa trẻ im bặt, vừa bú vừa ngủ gà ngủ vịt. Hai mẹ con lại ngồi xuống phản nói tiếp câu chuyện ban nãy. Con dâu bắt đầu:
- Bu ạ, cứ kể hơn ba trăm bạc ấy cũng đủ lo liệu rồi. Đóng cả một lúc ba năm thì mất hai trăm sáu, cỗ bàn này khao hết độ bốn chục... Nhưng mà... con nghĩ, nếu bỏ tiền ra lo thì nhà con lại cho nhà sẵn đồng tiền đồng nong, rồi cầm bán ruộng vườn đi mất. Như mới rồi, chưa đầy nửa tháng nay, ông ấy đã cầm mất hai sào vườn...
Mẹ chồng hoảng hốt:
- Chết chửa! Nó... nó cầm hai sào vườn đi rồi à? Thằng Trời đánh thánh vật, chết băm chết vằm thế thì thôi!
Nàng cười:
- Sao bu cứ rủa nhà con thế. Cầm rồi thì lại chuộc chứ sao.
Mẹ chồng căm giận thằng con phá gia, ngồi thẳng lưng lên, hai cánh tay bó lấy đầu gối:
- Phải, chuộc! Chuộc rồi nó lại cầm, cứ thế mãi cho đến khi bán cả nhà đất đi mà ăn mày.
Nghe mẹ chồng nói, nàng lấy làm sung sướng, Nàng không cần phải biện thuyết khó khăn để làm lay chuyển lòng mẹ chồng nữa. Nàng tươi cười đáp lại:
- Ấy chính vì thế mà con định bán hai mẫu ruộng đồng cửa cho bác lý cả. Chỉ để lại một mẫu hương hỏa với hai sào vườn trồng thuốc thôi.
- Bác ấy thiếu gì ruộng. Tao chỉ sợ bác ấy không chịu tậu.
- Bác ấy đã hứa với con ngay từ độ tháng trước kia rồi. Bác ấy lại nóng nảy, muốn lo liệu cho nhà con bằng mấy bu con mình cơ. Cái năm khuyết phó lý ấy mà, bu ạ, bác ấy cứ giục mãi con lo cho nhà con. Thiếu bao nhiêu bác ấy sẽ giúp. Độ ấy nhà con đương chăm chỉ làm việc và con thì còn bận nghĩ việc khác. - Nàng không muốn nói: nàng nghĩ về đường tử tức.
Mẹ chồng ngồi nghĩ một lát rồi nói:
- Ừ, mày làm thế nào thì làm. Tao thì mình già tuổi yếu. Thằng chồng mày thì chả còn trông cậy được việc gì. - Bà muốn đổ hết trách nhiệm vào nàng dâu. Bà đứng dậy vươn vai - Thôi, khuya lắm rồi. Mày cũng nên đi nghỉ.
- Con dệt nốt ghi vải đây. - Vừa nói nàng vừa giao đứa bé cho mẹ chồng, vặn tỏ ngọn đèn Hoa Kỳ rồi cầm để trên cái đế gỗ cao chân, cạnh khung cửi.
Đêm càng khuya càng yên lặng, tịch mịch. Hình như cảnh vật ngủ lịm. Cả đến tiếng gió hắt hiu trong không khí cũng ngủ yên.
Nàng ngồi vào khung cùi, sửa chữa qua loa rồi bắt đầu dệt. Nhát đầu nện xuống vang động cả mấy gian nhà. Đứa con lớn tỉnh dậy khóc. Bà nó nằm cạnh ôm lấy nó và dọa: “Chít! Chít! Ngủ đi không có ông chuột ông ấy đến cắn chân đấy!... Ông chuột ơi! Cháu tôi nó ngủ rồi. Thằng bé bên hàng xóm nó khóc đấy, ông ạ”.
Đứa trẻ phần thì sợ ông chuột, phần thì nghe tiếng dệt đã quen tai, nằm yên ngủ.
Mọi hôm nàng dệt từ sớm, ngay sau bữa cơm tối. Đêm nay có câu chuyện dai kia là vì ban sáng đã xảy ra một việc: Ban sáng, khi nàng giở xong tấm vải, vừa đem vắt ra sào phơi thì ngoài cổng có tiếng chó sủa. Nàng quay ra, trông thấy ông chánh hội đi vào. Theo sau có ông lý thôn, người trong họ nhà nàng. Rồi đến hai ông khán cựu và năm sáu anh đương thứ.
Nàng chạy vội xuống bếp đun nước để mẹ chồng ra đón mời khách vào nhà trên.
Lúc nàng bắc ấm nước lên thì ông hội đương nói chuyện với mẹ chồng nàng về việc bầu bán khóa cấp điền này. Thấy nàng, ông quay ra nói:
- Này chị xã! Cứ để anh ấy chơi bời lêu lổng thì vườn ruộng cũng đến cầm bán hết mà thôi. Chi bằng, chị nghe tôi, lo cho anh ấy cái lý thôn hay cái quản xã lại hóa được cái tiếng làm nên danh nên giá cho chồng. - Ông chỉ vào bọn đương thứ - Như lũ nhép kia, sắp sửa cữ đình đám này ra ngồi bên “đông đình” cùng với các cụ cựu rồi đấy. Rõ sung sướng chưa! - Mấy anh đương thứ sắp mãn khóa, nhếch nụ cười khoái lạc, nhiễm vẻ tự kiêu.
Rồi mỗi người đế thêm một lời. Ai nấy đều tán tụng cái ngôi thứ trong làng nước, trong thôn ổ, bụng không khỏi mơ tưởng đến bữa cỗ “rấp bút” nay mai.
Nàng nghe xuôi tai và xin các cụ hãy thư thư cho để nàng còn hỏi ý chồng.
Ông lý thôn đã thông tỏ ngõ ngàng, bèn nói trúng vào tâm lý nàng:
- Hỏi thì hỏi chứ hết thảy mọi việc, cả đến cái lý thôn cũng là ở trong tay chị ấy cả.
Bây giờ ngồi bên khung cửi, nhớ lại câu nói nửa đùa nửa thực ấy, nàng vẫn còn buồn cười. Phải, ngoài tay nàng ra, chồng nàng chẳng làm nên trò trống gì. Nàng không muốn nghĩ thêm vì càng nghĩ nàng càng thấy chồng nàng vô vị và sợ lại đâm ra khinh bỉ chồng. Nàng bèn dệt nhanh thoăn thoắt để cho tâm trí nàng chú trọng cả vào công việc.
Mẹ chồng nàng tỉnh giấc vẫn thấy nàng dệt, liền hỏi:
- Chửa đi ngủ cơ à, con?
- Con dệt nốt dăm chỉ này nữa thôi ạ.
Nàng vừa rời khung cửi thì gà gáy. Nàng vươn vai, ngáp: “Quanh quẩn đã gần sáng rồi, chóng thật!”
Nàng đi đến giường mẹ chồng nằm, ẵm đứa bé sang giường mình, vừa đi vừa nũng nịu hôn vào hai má nó: “Con tôi thế mà gớm lắm chứ chẳng vừa đâu”. Nàng ôm đứa bé, sẽ ngả lưng xuống giường, chiếc giường có lan can quang dầu mà mọi khi nàng vẫn nằm bên chồng. Chiếc giường ấy đã được nghe thấy những tiếng thở dài, những cơn thổn thức, đã được biết những lúc nàng khóc ngầm, khóc ngầm trong những đêm giá lạnh.
Nay nàng đã được hai con. Tuổi nàng đã đứng. Tính đằm thắm của nàng đã nguội dần. Nàng chỉ còn chút buồn man mác, chút buồn của một người vợ có nhiều sự lo âu nằm trơ trọi một mình.