MẠ TÔI

    
ình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Nó không biết đến luật lệ hay sự thương hại. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó.
Agatha Christie
Nếu là điêu khắc hay họa sĩ. Tôi sẽ tạc hình tượng của Mạ tôi bằng tấm lòng của tôi. Hình tượng Mạ tôi từ khi tôi bắt đầu biết nói từ Mạ và cho đến ngày Mạ tôi từ giã tôi ra đi. Nếu là nhà văn tôi sẽ gởi gắm vào từng trang sách, hình bóng và cuộc đời của Mạ tôi; một người đàn bà một nắng hai sương. Tiếc thay, tôi chỉ là người bình thường, nên cố chắt chiu từng dòng chữ trong sâu thẵm của trái tim mình như một lời thú tội, trong muôn ngàn tội bất hiếu của phận làm con. Cho dù chưa trọn vẹn.
Mạ không những là người cưu mang chín tháng mười ngày, mang nặng để đau, mà Mạ là bầu sửa cho tôi khi mới lọt lòng, là miếng cơm đã lừa xương và sạn, mớm cho tôi ngày hai bửa thuở ấu thơ, là chén cơm đã đầy nhưng còn nén thêm vài thìa cho chặt, là những hạt cơm đã lừa ra những củ khoai củ sắn, là bát canh có khúc cá không xương, là miếng thịt không còn dính mỡ.
Mạ không những là những bửa cơm lành canh ngọt, là bóng mát cho đời tôi khi qua vùng khô cháy, là đôi chân cho tôi êm ái trên con đường đầy sỏi đá chông gai, là lời ru trong những đêm dài lòng tôi thổn thức, là chiếc áo cho tôi mỗi khi đông về, là con ngựa không biết chùn chân cho tôi cởi qua sa mạc của mùa hè nắng cháy,  là cây cổ thụ luôn tõa bóng mát xuống cuộc đời tôi, là mái nhà tranh bên bếp lửa hồng, cho tôi trú qua những ngày đông giá.
Mạ là những nét chữ đầu tiên khi tôi bắt đầu đi học và cả về sau,  là câu ca dao, tục ngữ cho tôi học biết cuộc đời, là bài toán cộng trừ trong cuộc sống gieo neo, là tình thương và quên đi thù hận, là biết hy sinh và chịu đựng cam go,lo cho tôi quên cả than mình, là ánh đèn cho tôi trong đêm tối, là sự bình yên khi tôi gặp cạm bẫy, chông gai, là cánh cửa luôn mở cho tôi trở về từ đêm tối của cuộc đời, là tấm giáp sắt che chở tôi những đường tên mũi đạn, là vũ khí tinh vi chống chọi với kẻ thù,  là đôi cánh không bao giờ mõi, nâng tôi bay trên khoảng trời mơ ước….
……. ……
Tôi trở về thăm Mạ vào cuối đông năm 2014.
Ngày tôi đi Mạ tôi chưa từng chống gậy, đôi mắt còn sáng để thấy rõ con cá có xương, đôi tay còn chẻ đôi trái cau ngọn trầu, đưa vào miệng với hai hàm răng chắc khỏe.
Thế mà giờ đây, đôi mắt đã mù hẳn, đôi chân không còn đi lại, miếng cá cần có người lừa xương, chén cơm phải nhờ người xới hộ, miếng cau trầu Mạ đã không còn ăn được đã hai năm. Khuôn mặt tiều tụy tôi không thể ngờ, miệng luôn lẫm bẫm những điều gì không chủ đích. Những người thân của Mạ đã về cõi vĩnh hằng bốn, năm mươi năm về trước, nay lại hiện về trong trí Mạ và Mạ gọi họ, chuyện trò cùng họ hay bảo họ đưa Mạ đi,….Đi đâu hở Mạ….??? Thời gian và không gian không còn xác  định
  Một đôi khi, Mạ trở về với thực tại. Mạ nói với tôi:
- Con về khi mô rứa, các cháu có ăn chơi không?  
Rồi, Mạ tôi lạnh lùng nằm trên chiếc giường cô quạnh, như không một chút xao động trong lòng đối với đứa con sau bao năm đi xa trở về. Tôi ôm Mạ vào lòng và nói với Mạ rằng:
-Mạ ơi con quá bất hiếu.
Tôi thấy đôi dòng lệ của Mạ tuôn trào từ đôi mắt mù ấy.
Mạ nói:
-Sao Mạ không sinh ra nhiều đứa con, để cho con khỏi một mình vất vả vì Mạ.
Nghỉ một hồi Mạ nói:
- À! Mà Ba con mất sớm thì làm sao Mạ sinh được con hè? Mạ tôi im lặng, rồi đưa tay lần mò khung cửa sổ bên cạnh giường nằm, hướng mắt nhìn ra xa, bâng quơ nghĩ về dĩ vãng…hay ngóng trông một ai…. Và tôi cũng hiểu là Mạ tôi đang nghĩ gì, trông ai…Mạ đang nghĩ về những ngày xa xưa ấy. Nghĩ về người đã từ giã Mạ ra đi, đi mãi không trở về-Ba tôi.
Mạ nói:
-Răng không cho Mạ đi theo Ba con, để con không vất vả cho Mạ…
Tôi nói:
-Mạ ơi! con đang còn cần Mạ! con cần tình thương của Mạ! giúp cho con qua hết chặng đường đời.
Tôi bên cạnh Mạ tôi gần hai tháng, tôi chưa bao giờ thấy Mạ tôi có một giấc ngủ ngon lành, suốt đêm trăn trở mãi, giấc ngủ không yên. Tôi nằm bên cạnh Mạ, ôm Mạ vào lòng mình, nước mắt tôi chảy dài trên chiếc gối kê, thân hình của Mạ ngày xưa to lớn thế, giờ đang nhỏ bé dưới bàn tay của đứa con trai vỗ về, xoa nắn từng thớ thịt nhăn nheo. Như thế cũng đũ cho Mạ tôi một vài giấc ngủ trọn vẹn. Và đêm nào tôi cũng ôm Mạ tôi ngủ, như ngày xưa Mạ đã ôm tôi khi còn bé.
Sáng mai thức dậy Mạ tôi nói:
-Ngày xưa con còn nhỏ Mạ ru con, bây chừ con lớn rồi con ru Mạ.
Tôi bón cho Mạ tôi từng muổng cơm, kèm them miếng cá ngon.
 Tôi hỏi Mạ:
- Mạ ơi! Mạ ăn có ngon không?
-Ngon!
Một từ ngắn gọn, tôi nghĩ có thể Mạ tôi trả lời cho
vừa lòng tôi, không phải con cá không ngon hay hạt cơm còn cứng, hay cử chỉ vụng về của tôi, mà trong lòng Mạ tôi, muốn mớm cơm cho tôi hơn là tôi mớm cho Mạ, vì trong mắt Mạ tôi, tôi vẫn là thằng Chó Con của Mạ ngày xưa.
Chỉ trong hai tháng ròng tôi bên cạnh Mạ. Mạ tôi tươi tỉnh hẳn lên, thỉnh thoảng cho tôi một vài nụ cười nhẹ nhàng, mãn nguyện nơi khóe môi xanh xao của Mạ. Lòng tôi vui sướng vô cùng. Thế mới hay, sự cô đơn, sợ hãi, buồn tũi là vũ khí nguy hiểm giết chết con người.
Tôi thấy được rằng: Mạ tôi đã trông chờ và nhớ đến tôi biết dường nào!
Cuộc sống không cho tôi được ôm ấp, vỗ về, hò ru Mạ tôi ngủ cho đến trọn đời của Mạ. Tôi lại phải ra đi, kiếm từng con ốc, hái từng ngọn rau. Không phải vì nuôi con thơ hay vợ dại, mà để nuôi bản thân mình, và còn miếng cá, miếng thịt không xương gởi về Mạ già bên kia nửa vòng trái đất.
Tôi nói với Mạ tôi:
-Mạ ơi! con phả xa Mạ nữa rồi.
Mạ tôi không nói điều gì, Mạ chỉ ngồi im lặng, giọt lệ buồn đang chảy dài trên khuôn mặt Mạ. Một lúc sau Mạ tôi mới buông lên một tiếng
-“Ừ” theo cùng với tiếng thở dài não nuột, rồi quay mặt đi và nằm xuống trên giường. Cặp mắt trũng sâu đã khép hờ. Một khuôn mặt an nhiên giống như người tu khổ hạnh đã vượt qua khỏi cõi trần tục. Lòng tôi lo lắng:-Mạ ơi! con cũng không muốn rời xa Mạ như thế này đâu!
Tôi ôm Mạ vào mình, hôn lên đôi mắt hai hàng lệ chảy dài, hôn lên vầng trán và khuôn mặt của một thời son trẻ, nay đã nhăn nheo, hôn lên mái tóc của ngày xưa dài và đen bóng, nay cắt ngắn và bạc màu, hôn lên đôi tay đã từng qua bao năm tháng: kiếm gạo thay chồng tiếng khóc nỉ non.
Tôi không biết, đây có phải là cái hôn của tôi dành cho Mạ tôi lần đầu và cũng là lần cuối hay không? Nhưng tôi hy vọng, nó không phải là lần cuối.
Mạ chỉ khoát cánh tay yếu ớt về phía tôi. Cử chỉ ấy gợi cho tôi nhớ về một hình ảnh ngày xưa, khi Mạ dắt tôi đến trường giao tôi cho thầy dạy học, Mạ gở bàn tay tôi đang níu áo Mạ, khoát cánh tay rồi vội vã quay lưng; sợ trễ buổi chợ. Giờ đây tôi cũng vội vã quay lưng, dù bàn tay Mạ không níu áo tôi, song tôi linh cảm là Mạ tôi đang nắm chặt áo tôi, và tôi giao Mạ  cho người cấp dưỡng, cũng để kịp buổi chợ như Mạ ngày xưa.
Mạ tôi kể: Mạ là đứa con ngoan trong một gia đình nền nếp, ngoan hơn tất cả các anh chị của Mạ, Ông Ngoại tôi vẫn gọi Mạ là “con gái rượu”, Bà Ngoại tôi nói: “Mạ tôi là con út, sẽ là người mà Bà Ngoại tôi được nhờ cậy lúc về già, và là đứa con sẽ được hưởng nhiều sung sướng”. Nhưng không, Ông Bà ngoại tôi chỉ nhờ Mạ tôi khi còn sống bên cạnh với ông bà. Đến khi kết tóc xe duyên với Ba tôi thì không còn nhờ cậy gì được nữa. Mạ tôi hay bảo: “phận con gái đôi khi phải hổ thẹn vì đành lòng cướp công cha mạ khi đi lấy chồng”. Mạ nói: “Nuôi con mới biết lòng cha mạ, nuôi cho con khôn lớn, chịu đựng những cái hư cái nên của các con, mới thấy mình bất hiếu với cha mẹ, nhưng khi hiểu ra thì cha mạ đã chẳng còn đâu mà phụng dưỡng”.
Mạ cũng có thời son trẻ, vẫn hẹn hò, yêu đương. Ba tôi là người đàn ông đầu tiên thề non hẹn biển, sống cùng Mạ tôi đến đầu bạc răng long, thế mà Ba tôi đã lỗi hẹn lời thề khi Mạ tôi còn đang độ xuân xanh (hai mươi sáu). Cái tuổi mà các cô gái ngày nay có cô chưa chịu lấy chồng, trong khi Mạ tôi đã là góa phụ.
-Se duyên chưa thắm chỉ hồng,
-Khóc chồng ly biệt chít đầu khăn tang.
-Từ đây gối chiếc, đơn màng,
-Từ đây chịu cảnh cơ hàn phòng không,
-Thân cò lặn lội ven sông
-Kiếm gạo thay chồng, tiếng khóc nĩ non.
Rồi trong căn nhà lá ấy, những buổi tối trời trăng, Mạ tôi vẫn khóc, khóc cho thân phận mình, cho tương lai con cái của mình- mấy thằng con trai- thiếu một người cha dạy dỗ để chúng biết thế nào là phận sự của một người con trai. Mạ nghĩ, Mạ chỉ là một người mẹ và Mạ không thể nào làm được như một người cha đối với con cái. Nhưng không Mạ ơi! Mạ là người Mạ tuyệt vời nhất của anh em chúng con.
Tôi chưa đủ khôn để thấy khuôn mặt Mạ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của Mạ trong đêm. Mỗi ngày, trời sập tối Mạ mới gánh hàng về, mấy  mạ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, chúng tôi chưa đũ khôn để hỏi han, an ủi mẹ... Mạ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa, các dì cùng chung chợ với Mạ, như đang nói chuyện với người lớn, chúng tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của Mạ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mạ, mà thấy thương mạ vô cùng. Mạ đi đi về về trong nỗi cô đơn, phiền muộn.
Đời sống sinh ra đã muộn phiền. Như trái táo có con sâu nằm sẳn trong đó, nó từ từ đục ruỗng cho đến khi trái táo khô héo, rụng rơi.
Tôi nghĩ sau này tôi lớn lên, thế nào tôi cũng chứng tỏ cho Mạ tôi thấy rằng: Không phải cuộc đời nào cũng kéo dài trong nỗi cô đơn và phiên muộn. Tôi tin tưởng sẽ đem đến cho Mạ tôi những chuổi ngày hạnh phúc – Ít nhà là khi tuổi Mạ về chiều. Nhưng cuộc đời cứ mãi bắt tôi mãi ước mơ….
Đôi chân thoăn thoắt cùng đôi quang gánh trên vai đi qua những lối mòn, trên những con đường làng quen thuộc, băng qua những cánh đồng, ra đi từ lúc gà chưa gáy sáng và trở về khi mọi nhà ai nấy đều lên đèn. Vốn liếng chẳng đáng là bao, mạ chẳng dám thuê một sạp hàng ở chợ, mạ đi bán rong. Cân tôm thì bán kèm lá ngót hay những bông lý hái từ cái rạp chống nắng trước sân, lạng tép khô bán cùng những quả khế xanh, mớ rau muống, hành, ngò, tỏi, rau dền, rau ngót, khoai lang, hay củ sắn… Mùa nào thức nấy!
Tôi nhớ có những lần cùng Mạ, đi nhổ những luống cải ở tận quê ngoại tôi, đi trong đêm tối mịt mùng của mùa đông hay mùa hạ. Tôi nghĩ là Mạ tôi không sợ một cái gì, còn tôi thì sợ ma nên cứ cố bám gần Mạ. Mạ chỉ sợ không có cái cho các con Mạ được ăn, được học.
Tôi nghĩ, không có thế lực nào; dù ma quái hay mưa sa bão táp can ngăn được Mạ tôi, Mạ dám thách thức tất cả, sẵn sàng dùng đòn gánh trên vai đánh phăng nó đi, nếu có con ma nào đó ngăn cản Mạ.
Tôi nhờ sự tảo tần khuya sớm của Mạ mà tôi nên người, Mạ nhờ sự rộng lượng sẻ chia của những người ở quê tôi, sự đùm bọc bên nội, bên ngoại mà nuôi được anh em tôi ăn học… Cuộc sống sao có thể là cuộc sống nếu con người chẳng thể dựa vào nhau? Và Mạ tôi được bao bọc, bởi những người xót xa cho tình cảnh của Mạ.
Tôi nhớ Cậu của tôi, những luống cải của nhà Cậu trồng, luống nào xanh tốt nhất, Cậu cũng để dành cho Mạ tôi. Cậu nói: “ mấy vồng cải đó để dành cho O bây nghe! không được bán cho ai, cho O tụi bây bán để được tiền mua gạo cho các cháu”. Hay người con cả của Cậu Cả tôi, dành trọn tháng lương đầu tiên may cho O mình chiếc áo dài màu cổ đồng và cái quần sa-tanh trắng. Bộ áo quần dài ấy, tôi nhớ chưa bao giờ thấy Mạ tôi mặc, không phải Mạ tôi không thích chúng, mà Mạ tôi chẳng có cơ hội nào để mặc chúng cả. Mạ tôi chỉ có cơ hội cho chợ đò và những luống rau, hay tranh thủ những bước chân thoăn thoắt cho những buổi sáng tinh mơ, và đến khi tắt ánh mặt trời.
Mỗi người đều có một đôi chân để đi và đứng, cả đi và đứng trên cuộc đời mình. Nhưng đôi chân của Mạ cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn, khi đôi chân ấy phải đi và đứng cho đôi chân của Ba tôi, của cả những đôi chân của anh em chúng tôi, đưa chúng tôi đi qua năm tháng của cuộc đời - Cuộc đời của Mạ và cả cuộc đời các con.
Rất nhiều người mẹ đã không đi và đứng nổi trên đôi chân của cuộc đời mình, nhất là khi bị cuộc đời vùi dập bằng những đam mê vật chất, khổ đau vì cuộc sống cơ hàn, chịu cảnh góa bụa con côi, ………Và họ lại đi tìm chỗ tựa. Mạ tôi thì không, dù tuổi đời Mạ còn son trẻ khi Ba tôi mất. Có lẽ, Mạ tôi đã chôn chặt những ước mơ, những hoài bão của cuộc đời Mạ cùng với Ba tôi dưới tận nấm mồ từ ngày ấy-Ngày Ba tôi mất.
Một cuộc gian truân và cuộc đời đầy thử thách, song Mạ tôi vẫn kiên lòng. Cho dù cuộc đời đầy nghiêng ngả, Mạ vẫn giữ đôi chân đi cho hết con đường mà Mạ đã chọn:
-Dù ai nói ngữa nói nghiêng,
-Mẹ tôi cũng vững như kiền ba chân.
 Mạ tôi được sinh ra trong một gia đình lễ giáo, rồi về làm dâu trong một gia đình cũng không kém phần lễ giáo ấy. Mạ đã hiểu thế nào là: Tam tòng tứ đức, các gương tam tòng của những người đi trước. Cho nên câu: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử.  Mạ tôi đinh ninh trong lòng.
Không biết ai đã viết câu thơ lục bát sau. Mà Mạ tôi thì thế đó:
-Chữ rằng tòng nhất nhi chung
-Gái hiền thì chỉ một chồng không hai.
-Cương thường há cả khó hơi
-Một niềm hằng giữ mấy lời trung trinh.
-Và nay bóng đã xế mành,
-Dám đâu mà lại giao mình nữa sao!
-Mặc ai ong bướm xôn xao
-Mười phần cũng chẳng chuyển giao một phần.
Rồi cuộc đời Mạ cứ côi cút làm ăn, lo toan phận khó của mình, không oán trách, không than van với trời đất, như câu ca dao “Mười quả trứng”  Mạ thường hay hò:
À ơ! Chớ…đừng than phận khó ai ơi, À ờ! còn da thì lông..ơ.. mọc, mà lại còn chồi thì, thì lại nảy cây.. à ơi...à…ư….
  Thế rồi Mạ:
Cam phận làn ăn,
Lo toan phận khó,
Đạo vợ chồng tiết nghĩa,
Phận làm Mẹ trôi tròn.
Sớm Đông gánh gồng ra chợ,
Trưa Hè rau cháo lưng còng.
Nuôi con chưa từng trông cậy,
Cuộc đời biết mấy khổ đau!!!
Những đứa con đã đã trưởng thành, có đứa đã chết...Năm 1972, chiến trường Miền Nam khốc liệt.
  Nhận tin báo người anh cả của tôi hy sinh, tiếng gào thét của Mạ tôi năm xưa, nay đã vang động trong nhà tôi. Thế là bao nhiêu năm tháng, nắng dãi mưa dầm, thân cò lặn lội, nuôi con đến ngày khôn lớn, trưởng thành. Trong phút chốc, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão cho con, nay đã trở thành mây khói.
Nghẹn ngào trong dòng nước mắt, tiễn con về bên kia chín suối.
Trời cao chẳng chịu buông tình,
Cắt đi khúc ruột, máu mình sinh ra.
Tuổi xanh chưa khóc tuổi già,
Khăn tang lại chít khóc mình, khóc con.
Khi Mạ bước vào tuổi thất tuần, tôi rước Mẹ tôi về sống chung cùng vợ chồng tôi tại thành phố Huế. Hình như ở vào lứa tuổi mùa đông của cuộc đời, mọi sở thích của Mạ đã thay đổi. Sự thay đổi rõ rệt nhất là sở thích về các mùa và giấc ngủ. Chúng tôi hằng ngày lo cặm cụi làm ăn, các cháu đều vào trường học. Cái giỏ cau trầu là người bạn của Mạ tôi hằng ngày tâm sự, đôi mắt luôn hướng nhìn vào một khoảng xa xăm nào đó, thả hồn mơ hồ về những năm tháng đã đi qua, về những đắng cay của cuộc đời Mạ, đôi khi tôi còn nhìn thấy những giọt nước mắt của Mạ, lăn trên gò má; mà năm tháng và cuộc đời làm những vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt. Tôi hỏi Mạ: tại sao Mạ khóc? Mạ giấu tôi và bảo Mạ đang cười. Tôi xót xa trong lòng, và không biết phải làm thế nào? Để Mạ vơi đi những ký ức đau buồn của cuộc đời Mạ.
 Mạ nghĩ: cuộc đời của Mạ cũng như bao người phụ nữ khác ở trong làng này: suốt đời gắn bó với chồng- Không! Mạ tôi gắn bó với bàn thờ chồng mới phải, với con, với đôi quang gánh, và với con đường quen thuộc ngày ngày, với những gánh rau, gánh cải, Mạ đón ánh nắng rát bỏng trên lưng mỗi ngày trên đồng ruộng, hay rồi khi trời chập tối, sóng sánh từng gánh gạo ở chợ xa về, Mạ ra đi và về nhà, trên con đường đã từng quen dấu bàn chân, rồi ánh lửa quyện lấy gian bếp vào lúc nhà đã lên đèn, rồi cả nhà cùng quây quần bên nhau và mẹ lại bận bịu luôn tay; khi xới những cái chén hết cơm, gắp những con cá cơm kho, cho của các con Mạ không cùng một lúc.
Tôi đưa Mạ về lại quê hương, nơi in dấu bao nhiêu hình ảnh về những  kỷ niệm vui, buồn, tang thương, đau khổ…..Nơi có những người cùng trang lứa Mạ, cùng Mạ nhai mấy miếng cau trầu, cùng nhắc lại những ngày tháng gian truân. Rồi Mạ sẽ ra thăm những bụi tre, xem nó có lan ra nhiều không? Và thân của nó bao lớn rồi? Mạ cũng sẽ ra vườn để xem năm nay cây chuối, cây thơm có quả trái nhiều không? Có lẽ đây là nơi thích hợp nhất cho Mạ tôi khi tuổi đã xế chiều, chứ ở với chúng tôi cứ loanh quanh, ăn ngủ, ngủ ăn. Nhưng quả thật, Mạ không thấy ngon miệng trong những bữa cơm như thế. Vã lại cuộc sống lăn lộn đã từng quen, nên bây giờ, Mạ thấy mình giờ đây, thật nhạt nhẽo và vô tích sự thì phải.
Cũng có một vài người thân quen đến thăm hỏi Mạ. Sao chị không sống với con trai chị, chị chỉ còn nó một mình là con trai mà? Ở đây một mình đôi khi có điều gì không hay thì làm răng cho kịp? Mạ tôi vui vẻ trả lời: - Con nào mà chẳng thương cha mạ. Nhưng đời sống của vợ chồng nó còn vất vả quá, nên ít có thời giờ để chăm sóc tôi đó thôi. Đừng trách chúng!  mà mình cũng mất vui đi các chị ơi!
Câu nói của Mạ làm xót xa trong lòng tôi. Cuộc sống cứ hối hả trôi đi. Chúng tôi cố lăn vào cuộc sống mưu sinh, con cái chúng tôi bận học hành, rồi đến khi có gia đình riêng tư. Thú thật đôi khi tôi sao nhãng, tôi biết có bao người Ông, người Bà, người Cha, người Mẹ dẫu vẫn sống bên cạnh con cái, nhưng không ít lần khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Huống gì Mạ tôi không có tôi gần gũi bên cạnh. Chắc nước mắt của Mạ đã rơi nhiều hơn tôi tưởng và những gì Mạ muốn nói với con cái, với đời Mạ đã nói lên qua những đêm thổn thức và giòng nước mắt thấm ướt cái gối Mạ kê, Tôi cũng biết nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của đau buồn, là ngôn từ thổn thức của trái tim Mạ không diễn tả bằng lời.
 Nhớ lại những ngày qua, kể từ khi Ba mất. Ba đã để lại cho Mạ ba đứa con; không bốn đứa-có đứa con bà thứ của Ba chưa tròn hai tuổi. Mạ đã cho Dì ấy về để bước thêm bước nữa, vì Dì ấy còn xuân xanh, tuổi mới đôi mươi, Mạ giữ con lại cho mình nuôi dưỡng. Mạ cứ nghĩ: Trời sinh voi sinh cỏ. Như cây đa sau hè nhà, nhờ đất mà có thức ăn, nhờ mưa mà có nước uống, nhờ khí trời mà thở, cây đa vẫn lớn lên, còn trổ ra nhiều cành lá sum sê. Nên không quản ngại mà hy sinh đời mình cho trọn đạo. Rồi trời đất cũng thương tình, giúp Mạ đưa cho các anh em con khôn lớn. Có lẽ. Tình yêu của Ba tôi, bốn đứa con nhỏ dại đã truyền cho Mạ sinh lực, vượt qua bao gian khổ, khó khăn. Cho dù thức khuya đậy sớm, nắng hạ hay rét đông, cô đơn hay buồn tủi, chí nguyện mong sao các con của Mạ khôn lớn, trưởng thành là Mạ đã quên đi nỗi cơ cực rồi.
Không! Không phải vậy, không phải như cây đa kia lớn lên tưởng chừng như thiên nhiên ban tặng cho sự sống, Mạ phải vươn mình hứng lấy những hạt mưa sa, đôi chân kia như rễ cây len qua từng vách đất đá, khô cằn mới tìm nguồn nhựa sống, hút lấy những mạch nguồn tận lớp đất sâu trong những ngày tháng hạn, phải có nhiều cánh tay mới vươn xa tìm được ánh mặt trời, cho các con dồi dào thêm sức sống, rồi phải ôm con vào lòng tránh những cơn giông tố, bão bùng, và có lúc đành bất lực trước bão táp, phong ba. Mạ đành mất đứa con trai đầu lòng khi con của Mạ mới hai lăm tuổi. Máu Mạ đã rỉ trào từ vết gãy của cành cây, để lại vết hằn thứ hai trong cuộc đời Mạ - Vết hằn: Sinh ly tử biệt.
Hai mươi lăm năm sau, như những con chim đủ lông đủ cánh, các con Mạ đi mỗi đứa mỗi phương. Anh cả vào quân ngũ, tôi đi học ở tận thành phố, em gái út lấy chồng, thằng con Dì thứ cũng không ở lại với Mạ, nó cũng bay nhảy nay đây mai đó. Mạ côi cút một mình với căn nhà xưa cô quạnh, chứa chan nhiều kỷ niệm, buồn nhiều hơn vui.
Mạ từ giã ngôi nhà xưa, mái tranh vách lá ấy. Về Đà Nẵng cũng bằng nghề buôn bán tảo tần như ngày nào, với những mớ tôm, mớ tép, định vợ gả chồng cho con trai con gái, nên gia nên thất.
 Tưởng chừng những gian khổ đã qua đi, tuổi già giờ nay có thể ngồi hưởng phúc….
 Anh cả đã ra đi, để lại vợ và hai cháu nội nhỏ, lại thêm nữa nỗi lo, cho dù có con dâu cùng Mạ lo lắng. Rồi cũng mùa đông cho chí mùa hạ, thân cò vẫn lặn lội ven sông, lo chắt chiu từng hạt gạo, giúp đỡ cho con, cháu, cho đến mỏi gối, chùng chân, Mạ đến tuổi thất thập cổ lai hy - Không! Mạ gần cửu thập cổ lai hy mới đúng.
Sáu mươi lăm năm sau.
Giờ đây, Mạ không còn những ngày gian khổ nữa, không còn lặn suối trèo non. Song Mạ vẫn tiêu điều trong căn nhà xưa ấy.  Sống côi cút với đứa con trai út, may nhờ trời đất đoái tình, để lại cho chú ấy một chân, còn có để cò cò, bưng cho Mạ miếng cháo, miếng canh, vệ sinh, tắm rửa, gắp vẻ cho vào bát cơm Mạ miếng thịt, miếng cá đã lừa xương.
 Đôi chân cứng cáp ngày xưa đã vượt qua bao thác, bao ghềnh từ đông cho đến hạ, giờ đây chỉ quanh quẩn bên giường, đôi tay đã vượt qua bao vách núi cheo leo, giờ đây chỉ lần theo vách tường cạnh nơi Mạ ngủ, đôi mắt Mạ ngày xưa đã đi qua những đêm tối mênh mông của cuộc đời, giờ phải nắm tay con hay cháu nhờ đưa lối, dẫn đường, thậm chí cả bát cơm, cốc nước.
Đôi mắt Mạ ngày xưa, đã từng vượt qua bao đêm tối, khép lại với những cám dỗ của cuộc đời; Mạ nhắm và mãi nhắm cho đến ngày mù hẳn! đôi chân Mạ với chiếc quần đen xắn tròn lên tận đầu gối, với đôi vai nặng trĩu gánh hàng, Mạ đã từng vượt qua bao dãy độn cát trắng của bãi tha ma, vượt qua bao cánh đồng bùn lầy trơn trượt, giờ đây phải trông nhờ cái cậy, đôi tay không cắt nổi niếng cau ngon mà Mạ thèm và còn nhiều việc nữa, Mạ tôi muốn làm nhưng không còn làm được nửa rồi!
Có khi nào bạn thử nhìn kỹ khuôn mặt của mẹ mình chưa? Riêng tôi, tôi có lẽ là lần đầu tiên của tuổi sáu hai, tôi mới nhìn kỹ khuôn mặt Mạ tôi. Đó là khi tôi rời xa Mạ, đến sống một nơi cách quê hương nữa vòng trái đất. Tôi hình dung lại khuôn mặt của Mạ tôi thời son trẻ, hồi kết tóc xe duyên cùng Ba tôi, cũng đôi má hồng căng đầy nhựa sống, cũng đôi mắt mở to, trong niềm tin sáng lạn. Giờ đây, chỉ còn là những nếp lún nhăn hằng sâu và đôi mắt mù lòa.
Người ta bảo: Thời gian là vũ khí hủy hoại tất cả những gì nó đã đi qua hay đi qua cùng nó. Riêng tôi; thời gian không phải là vũ khí duy nhất làm cho con người bị gậm nhấm và hủy diệt, mà chính sự sợ hãi, đau khổ, cô đơn là thứ vũ khí tàn phá và hũy diệt không cần gậm nhấm.
Mạ tôi, từng thớ thịt dưới lớp da kia; hai phần đã theo cùng với Ba tôi và Anh Cả tôi về nơi chín suối từ những ngày ấy. Hai phần còn lại; Mạ tôi cũng cho hai đứa con khốn khó, là tôi và em gái út của tôi.
Người ta thường gào lên hai tiếng Mạ ơi trong những lúc nguy khốn. Riêng tôi, tôi không thể gào lên hai tiếng Mạ ơi được, trong khi tôi biết rằng: Mạ tôi chỉ còn mỗi một trái tim; mang sự sống đến cho Mạ và có trong hơi thở cuộc đời của mỗi chúng tôi.
Có lẽ, rồi một ngày nào đó, tôi phải gào lên hai tiếng “Mạ ơi!”, khi trái tim của Mạ, Mạ không giữ nữa và trao hết cho cuộc đời của mỗi chúng tôi.
Tôi tạm mượn mấy câu thơ của nhà thơ nào đó tôi quên tên, khi tôi nghĩ về Mẹ:
 “Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu
Tuổi già ngồi ngẫm lại
Quý nhất của đời mình
Là bốn đứa con dại
Mẹ nuôi đến trưởng thành.” 
Có phải không hở Mẹ!
Mạ tôi chỉ còn lại mình tôi là con trai trong cuộc đời của Mẹ, thế mà tôi chưa bao giờ ở cùng với Mẹ từ năm tôi 11 tuổi. Người ta nói: Mẹ già như chuối chín cây, tuổi của Mạ tôi gần tròn chín chục, mà tôi vẫn còn tha phương kiếm sống, thật bất hạnh cho Mạ và cả sự bất hiếu của tôi, cho dù tôi vẫn lo lắng cho Mạ từng miếng cơm, manh áo. Song tôi biết Mạ tôi không cần thiết lắm những vật chất thường tình. Đối với Mạ cần sự chăm sóc, ân cần, thăm viếng và chúng tôi chưa chu toàn điều ấy, mặc dù hôm nay tôi đã ngoại lục tuần! Có lẽ cuộc đời còn nhiều thử thách cho tôi, chưa cho tôi cơ hội để phụng sự Mạ và tôi cũng biết là Mạ tôi rất đau lòng về điều ấy.
Tôi lại càng xấu hổ hơn, khi nhớ lại bài học thuộc lòng, của thời tiểu học:
Mai sau người Mẹ của tôi
Lưng còng, tóc bạc, da mồi, già đi.
Đưa tay ngăn lệ trong mi,
Con thưa Mẹ chớ lo gì cho con.
Bây giờ tuổi đã trăng tròn,
Con làm nuôi Mẹ trả ơn sinh thành”
Giờ đây, tôi đã gần năm lần cái tuổi trăng tròn như thế rồi, mà tôi chưa nuôi nổi Mạ tôi, làm sao nói đến: trả ơn sinh thành
Bao năm học xa nhà, lần nào tôi cũng muốn viết thư cho Mạ, nhưng Mạ có biết tôi nói gì đâu!…Mạ đâu biết chữ! Và tôi chưa bao giờ nói lên điều tôi muốn nói với Mạ tôi được cả, cho dù chỉ có một lời là: Con vô vàn cám ơn và biết công ơn của Mạ dành cho con!
Giờ đây tôi mới viết, cho dù tôi không đủ ngôn từ để nói hết tình yêu thương của Mạ tôi dành cho tôi. Và tôi cũng biết là Mạ tôi không bao giờ muốn đọc, không phải vì Mạ tôi không biết chữ, không phải vì đôi mắt của Mạ tôi đã mù. Mà vì chỉ một lý do rất đơn giản: Mạ là Mạ của các con! Chỉ có thế thôi. Thế mà tôi, có những lúc vô tình hay không hiểu.
Những lúc Mạ còn sống ở ngay bên cạnh mà con vẫn cứ vô tâm không biết giá trị của một món quà vô giá thượng đế đã ban cho…  Cho  đến ngày con không còn Mạ, Mạ ơi con mới hiểu:  “Mạ” là một từ rất ngắn, đơn giản nhưng kỳ diệu vô cùng. Mạ không riêng để chỉ một người đàn bà đã sinh ra chúng con, cho chúng con đời sống mà còn là những gì cao cả thiêng liêng. Mạ là tình cảm dạt dào, là sự hy sinh vô bờ bến cho các con qua bao ngày tháng.  Mạ có thể quên đi thù hận, ân huệ, hạnh phúc, bất hạnh, đói khát… của cuộc đời; mang đến cho chúng con nguồn an ủi khi con thất vọng, là sự nâng đỡ khi con vấp ngã, thất bại và sự bình yên.
 Hôm nay, con đã lớn khôn rồi, có gia đình, có con cái, con nhìn lại thời thơ ấu của mình, con mới hiểu được công lao, sự tận tụy hy sinh, tình thương bao la và… nước mắt của Mẹ;  Con mới thấy rõ hình dáng bộ óc, trái tim, ý chí và tâm hồn… mà Mẹ đem ra hết để cho con trong những ngày tháng con lớn lên một cách vô tình. Mẹ đã cho con sức mạnh, sự bảo vệ cho đến khi con thực sự bước vào cuộc đời thật của con. Khi con đã có một gia đình
 Và giờ đây, tôi chỉ viết được một câu và nói lên được một lời: Con là đứa con bất hiếu! Mạ ơi! Con thật bất hiếu! Mạ ơi! Mạ ơi, cho con xin làm lại từ đầu, Mạ nhé!
Bụi hồng trước sân nhà tôi, những năm gần đây không còn màu hồng thắm, cho dù tôi và các em tôi ngày ngày chăm bón, song cũng chỉ làm xanh được những chiếc lá mà thôi, còn những cánh hồng cứ dần dà chuyển sang màu hồng nhạt.
Tôi biết, rồi một ngày nào đó bụi hồng của anh em chúng tôi cũng chuyển qua màu trắng mà thôi, nhưng chúng tôi muốn thời gian ấy vẫn còn dài, để chúng tôi được nhiều ngày ân cần, chăm sóc.
Cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử  bụi hồng của anh em chúng tôi cũng phải trải qua con đường đó; phải già, mà già thật rồi, đã gần trăm năm tuổi thọ. Rồi cuộc đời gian nan, cay đắng làm màu hồng thắm phải chuyển sang màu trắng.
Mùa….tháng……Cánh hoa hồng của anh em chúng tôi đã trở thành màu trắng rồi, màu trắng của sự trung trinh, màu trắng của tiết hạnh, trong sáng và đẹp đẽ vô cùng. Mọi người khi đến viếng thăm, ai ai cũng thầm luyến tiếc màu hồng thắm của những tháng ngày qua, rồi khen thầm màu trắng trinh nguyên, cùng mùi hương lan tõa ấy…..
Anh em chúng tôi, nhờ thẩm thấu dòng chảy của nhựa nguyên mà có được một màu xanh tươi tốt. Ai vô tình tặng cho những người còn Mẹ một bồng hồng màu hồng thắm, còn những người mất Mẹ lại tặng bông hồng trắng. Nhưng riêng chúng tôi, bụi hồng với những cánh hoa màu trắng với cuộc đời, còn trong tim chúng tôi, bụi hồng của chúng tôi luôn là màu hồng thắm.