Dịch giả: Hoàng Cường
Mười Tám

     ài hôm sau, Chemban đã bớt điên khùng. Nhưng đầu óc ông hơi ngớ ngẩn. Ông râu rĩ và im lặng, ông đi lang thang như người đã mất tất cả và chán chường tất cả.
Cả hai chiếc thuyền của Chemban đều hư hỏng không thể đi biển được. Lưới của ông cũng nát hết vì không được trông nom vá víu kịp thời. Tính gộp lại ông cần phải có ngay một số tiền lớn để sửa chữa, mà ông thì chẳng còn tí gì. Cái gia đình mới của ông tiêu pha quá tốn kém.
Pappikunju trông nom công việc cho ông. Bà giục ông đi vay tiền để sửa thuyền vá lưới. Nhưng ai cho ông vay? Ở làng này không có ai trừ Uxép.
Hồi trước, thời Chakki còn sống, Panchami nhặt cá loại để dành được hai mươi rupi. Cô đưa cả món tiền ấy cho bố. Chemban cầm tiền trong tay mà rưng rưng nước mắt.
- Nếu hồi trước ngày nào con cũng nhặt cá thì bây giờ con phải có nhiều hơn, bố ạ - Panchami nói - Hay nếu mẹ con còn sống... thì thế cũng đủ rồi.
Chemban im lặng. Những ý nghĩ não nùng ấy quá đau đớn.
Gangađattan cứ mè nheo bắt mẹ nó phải giúp nó bỏ nhà đi. Nhưng Pappikunju không dám nói ra với Chemban. Bản thân bà đã rất khổ rồi, nhưng bà cố chịu đựng vì Gangađattan Panchami vẫn cứ đối xử dửng dưng với bà Pappikunju còn bị dằn vặt một điều là thằng con riêng của bà không có quyền sống ở đây. Và nhất là trạng thái tinh thần hiện nay của Chemban. Bà không muốn làm ông phải đau khổ thêm. Bà phải là người che chở cho ông.
Trước kia, Pappikunju đã từng chăm sóc một người chồng. Bà biết cách chăm sóc như thế nào, nhưng đôi khi bà tự hỏi có phải những khó khăn hiện nay trong cuộc sống của họ là do bà gây ra không. Chemban ra sức cố chiếm lấy cái chỗ trước kia thuộc về một người khác. Và Pappikunju cũng cố đặt mình vào cái chỗ mà một người phụ nữ khác trước kia đã giữ. Thời Chakki, Chemban làm ăn phát đạt. Đến thời Pappikunju, ông làm ăn thua lỗ và khánh kiệt. Ấy là vì Chakki là vợ một người đẳng cấp Marakkan, còn Pappikunju lại là vợ một người đẳng cấp Valakkaran.
Một hôm, sau bữa tối, Chemban đang chìm đắm trong suy nghĩ, Pappikunju đến chỗ ông lên tiếng hỏi.
- Ông cứ ngồi như vậy có nên không? Ta phải chữa thuyền đi chứ?
Ông ngẩng đầu lên nhìn Pappikunju nhưng vẫn lặng thinh. Pappikunju hỏi lại ông mới trả lời:
- Ừ, phải chữa.
- Tôi đi gọi Uxép đến nhé. - Bà hỏi.
- Ừ, đi gọi đi.
Ông trả lời khá bất ngờ. Ông có hiểu ông nói gì không? Chemban hiểu hơn bất cứ ai vay tiền của Uxép thì sẽ ra sao. Trong trạng thái hiện nay, có lẽ ông đã nói không suy nghĩ. Nếu cân nhấc kỷ, liệu ông có nói thế không? Có lẽ ông cũng đã chẳng để tâm đến những chiếc thuyền nằm rỗi trên bờ.
Ở ngôi nhà này, thời trước, trong những lúc nghỉ ngơi sau bữa tối, thường diễn ra cảnh như thế này: bên ngọn đèn dầu rẻ tiền, Chemban vui vẻ đầy sức sống, đầu óc linh hoạt, sắc sảo, ngồi cạnh Chakki bàn tính tương lai. Trẻ con ngủ trong buồng, giấc ngủ yên tĩnh không bị xáo động bởi những giấc mộng chẳng lành. Bây giờ, Panchami thường kêu rên trong giấc ngủ chập chờn.
- Ông muốn tôi làm gì? - Pappikunju hỏi.
Chemban không trả lời.
- Tôi là một gánh nặng đối với ông. Tôi chẳng có ích gì cả, - Bà nói tiếp - tôi phải làm gì bây giờ? Xưa nay tôi vẫn sống trong một gia đình chỉ có đàn ông đi làm nuôi cả nhà.
Chemban lặng lẽ ngồi nghe. Pappikunju khóc.
- Tôi đã làm hỏng đời biết bao nhiêu người rồi! Từ khi tôi đật chân đến đây chỉ toàn là vận rủi.
Pappikunju nhờ người đi gọi Uxép đến và kể cảnh ngộ gia đình với hắn. Uxép bằng lòng cho vay tiền, nhưng hắn đòi phải cầm cả hai chiếc thuyền lẫn hai bộ lưới. Nếu không trả đủ gốc lẫn lãi đúng thời hạn thì những thứ cầm bán đó sẽ thuộc về hắn.
Chemban vẫn cứ im lặng.
- Ông Chemban Kunju, sao ông không nói gì cả? - Uxép hỏi.
- Có gì mà nói? Tôi cần có tiền bằng bất kỳ giá nào.
Ngay hôm sau, Uxép đem lại một bản giao kèo viết tay. Không thèm đọc xem giao kèo viết những gì, Chemban ký tên luôn. Uxép đếm bảy trăm chín mươi nhăm rupi đưa cho ông. Hắn bảo phải giữ lại năm rupi cho một vài khoản phí tổn. Chemban cất tiền vào hòm rồi khóa lại.
Được một thời gian, xem chừng cách cư xử của Chemban có khá hơn đôi chút, ông đã bắt đầu nói đến sửa chữa thuyền và các thứ khác, ông còn nói là phải nhớ trả tiền đúng kỳ hạn, nếu không thì sẽ lôi thôi to.
Gangađattan lại quấy rầy mẹ nó hơn trước, không biết có phải vì nó đã đánh hơi thấy món tiền hay không. Nó bảo mẹ nó phải cho nó đi. Nó không ở lại đây thêm một giờ nào nữa. Pappikunju cúi mình sờ chân nó. Hãy để cho thuyền được sửa chữa xong và ra biển đã rồi bà sẽ tìm cách kiếm cho nó số tiền nó cần.
- Không, không đợi được. - Nó nói kiên quyết và dứt khoát.
Pappikunju nổi nóng.
- Nếu mày không đợi được thì đừng. Tao biết làm thế nào?
- Thế thì từ nay mẹ đừng coi mẹ có một đứa con trai nữa.
Pappikunju không thể trả lời nó bằng lẽ phải. Bà là mẹ nó, là nguời đẻ ra nó. Bà đã gạt bỏ những kỷ niệm về bố nó để đến với Chemban Kunju. Không còn biết xoay xở cách nào, bà than:
- Mẹ làm sao hỏi tiền ông ấy được?
- Mẹ phải cho con đi.
Nó không chịu nghe bà giảng giải. Một khi nó đi rồi, bà chỉ còn thuộc về riêng Chemban nữa thôi.
- Mẹ đến đây cũng là vì con, con ạ.
- Dù có thế, mẹ cũng phải cho con đi.
Pappikunju không đù can đảm nói chuyện này với Chemban. Nhưng đây là một việc bà không quyết định nổi. Một bên là người chồng đáng thương, một bên là yêu cầu của đứa con trai.
Trong cuộc đọ sức tay đôi đó, người mẹ đã thắng. Chỉ có người mẹ mới thắng nổi. Pappikunju sẵn sàng chịu đói nhịn khát, sống cầu bơ cầu bất. Chuyện này rút cuộc có thể như thế lắm. Bà ràng buộc gì với cái nhà này? Thử nghĩ xem, không có gì ràng buộc hết. Nếu Chemban sạt nghiệp thì sao? Thì có nghĩa bà sẽ chết đói. Nhưng nếu Gangađattan có một ít tiền ra đi rồi làm ăn tốt đẹp thì bà còn có cơ hội sống. Và nếu bà còn sống thì chắc chắn Chemban cũng sẽ sống. Thế là phía người mẹ đã thắng.
Một hôm, Chemban và Panchami vắng nhà, Pappikunju mở hòm đựng tiền. Bà rút lấy hai trăm rupi trong món tiền vay của Uxép rồi cẩn thận khóa hòm lại.
Đêm ấy, Panchami thấy người mẹ và đứa con thì thầm lén lút với nhau ở mé tây ngôi nhà. Cô đứng nấp sau cây dừa nghe trộm. Cô nghe thấy Pappikunju van xin thằng con hiện thời rằng hãy bằng lòng với hai trăm rupi. Bà sẽ xoay xở số tiền còn lại sau.
Đứa con ra đi với lời cầu phúc của người mẹ. Bà đứng lặng nhìn nó đi, mắt đẫm lệ. Bà gạt nước mắt quay về nhà.
Bây giờ Panchami đã có trong tay một vũ khí lợi hại. Người mẹ ghẻ của cô đã đem tiền cho con riêng. Cô không biết là món tiền ấy lấy ở khoản tiền bố cô đã cẩn thận cất đi, nhưng cô tin chắc tiền ấy chỉ ở nhà này mà ra. Cô sẽ mách bố là trong lúc ông phải cầm thuyền bán lưới thì người đàn bà kia có tiền đem cho con riêng.
Sáng hôm sau, khi Chemban ra bãi, Panchami đi cùng với ông. Một lát sau, ông chạy về nhà, trông như người mất hồn. Mở hòm ra, ông thấy chỉ còn có năm trăm chín mươi nhăm rupi. Giây phút sau, người ta nghe thấy một tiếng gầm lên:
- Bà có lấy tiền ở đây không?
Pappikunju thú nhận, bà thú nhận hết. Chemban uất run người, ông quát:
- Cút xéo đi!
Pappikunju lặng lẽ ra đi. Panchami trông cảnh đó mà vui trong lòng.
- Đi đi, ra bãi biển và đừng có bước chân vào cái nhà này nữa!
Pappikunju đi về phía bờ biển. Chemban đóng cửa lại.
Trên bãi biển dài dằng dặc này, người ta có thể nhìn thấy người đàn bà không nơi nương tựa kia đang lê bước. Bà ta đã từng là vợ của Kandankoran sang trọng, người đẳng cấp Valakkaran, và hiện nay là vợ Chemban Kunju.
Chemban lại thấy trỗi dậy trong người một sức mạnh mới và một sự hứng khởi mới. Sức mạnh ấy nằm ngủ từ ít lâu nay, tưởng như đã tàn lụi.
Việc Chemban đuổi Pappikunju khỏi nhà được đem ra bàn tán trong làng. Pappikunju ngồi sụp xuống bên một gốc dừa. Trên quả đất này, không có một nơi nào khác để bà đến. Và không có một dấu hiệu nào là Chemban đã dịu lòng. Nhưng mọi người cho rằng chuyện này không thể cứ để mặc như vậy. Có một người đàn bà bơ vơ đang lang thang ngoài bãi biển.
Các bô lão trong làng kéo nhau đến gập trưởng làng. Trưởng làng chưa bao giờ bằng lòng với việc một người đàn bà thuộc gia đình vị trưởng làng Ponnani và có thời là vợ của Panlikunnát, lại theo Chemban về ăn ở với hắn. Ông coi đó là một sự sỉ nhục đối với mọi trưởng làng, ông đã có lần nói rành rọt là ông không muốn nghe ai đả động gì tới người đàn bà ấy nữa, một người đi ngược lại mọi tập tục và nề nếp của cộng đồng dân chài.
Bây giờ, nghe chuyện này, trưởng làng bực mình lắm. Đây là một chuyện nghiêm trọng. Một người đàn bà lang thang ngoài bãi biển vào lúc chiều muộn, không có nơi nào để nương thân. Thế có phải hay không?
- Các ông muốn làm gì thì làm - Trưởng làng bảo - Đánh cho cả hai chúng nó một trận, rồi đem dìm xuống biển.
Ayiankunju hết sức khúm núm thưa:
- Làm như vậy có đúng không, thưa ngài?
- Ta còn phải làm gì nữa?
- Ngài phải cho gọi Chemban Kunju đến và bảo vào mặt hắn.
- Không, không được. Mà ta phải bảo nó cái gì?
- Thế thì chúng tôi còn biết làm gì? Nếu không phải là ngài thì còn ai khác có thể phân xử phải trái những việc như vậy được?
Bị các bô lão trong làng thúc bách, trưởng làng đành nhượng bộ. Ông phải có một hành động gì đó. Đang lang thang bơ vơ ngoài bãi biển chính là một người đã sinh ra trong gia đình một vị trưởng làng.
- Đi ngược lại phong tục và nề nếp của cộng đồng mình thì rút cuộc như thế đấy. - Trưởng làng bảo - Nếu bà ta cứ ở lại trong gia đình một vị trưởng làng thì có đâu đến nỗi.
Tại nhà Chemban, người mẹ ghẻ chiếm chỗ của người mẹ chính thức đã bị tống khứ đi rồi. Cả người hầu gái làm ở đấy cũng đã bỏ đi nốt. Mọi chuyện trở lại như xưa. Panchami nép mình vào người bố, chờ dịp nói với bố một chuyện. Cô phải kêu xin bố gọi chị cô về. Nếu được thì ngôi nhà này sẽ lại như xưa kia. Chỉ thiếu mẹ cô thôi. Nhưng có Karuthamma ở đây thì sự thiếu vắng ấy cũng bớt đau lòng đối với Panchami.
Nhưng cô bé không tìm được dịp nào nói với bố. Chemban không ngơi tay một phút nào. Với ý chí và sức mạnh mới, ông đã thay đổi hẳn. Ông quyết lại trở thành Chemban Kunju thuở trước. Pappikunju là một người đàn bà báo hại. Lúc mụ ta bước qua ngưỡng cửa nhà ông là lúc mụ ta rước tai họa vào nhà ông. Ông nguyền rủa cái giây phút ông quyết định lấy mụ.
- Tôi không biết lúc bấy giờ đầu óc tôi để ở đâu. Hẳn tôi đã bị mê hoặc vì nước da rực rỡ, mái tóc lộng lẫy và gương mặt thanh tao của mụ.
Ông cũng đả động đến Karuthamma. Sau khi dính chuyện với thằng Parikutti rồi, có thằng con trai đánh cá đến là nó bỏ theo luôn. Nó không phải là con gái ông. Ông sẽ không bao giờ nhận lại nó là con.
Ông đã làm một vài việc điên rồ. Nhưng bây giờ ông sẽ bắt đầu một cuộc đời mới.
Nanlapennu cho Pappikunju về nhà mình ở nhờ. Panchami lấy làm tức khi thấy người đàn bà đáng ghét ấy không bị đuổi đi mà lại được Nanlapennu cho nương thân. Giá là người khác làm việc đó thì cô còn chịu được. Đằng này, mẹ cô trong giờ phút lâm chung đã giao phó cô cho Nanlapennu trông nom. Tại sao người cô đó lại xử sự như vậy? Chemban thấy thế cũng lấy làm khó chịu. Nhưng ông có đôi điều an ủi: xem chừng Achakunju xưa nay vẫn ghen tị với ông.
Panchami lại càng quyết tâm kéo chị về. Cô chờ dịp, đến một hôm, cô nói: “Bố ơi, sao bố không gọi chị Karuthamma về? Chị ấy ngoan lắm. Những chuyện người ta đặt điều cho chị ấy đều không đúng đâu, bố ạ”.
Chemban nổi khùng lên. Ông quát:
- Mày bảo gọi đứa nào về hả?
Panchami hoảng sợ.
- Dù cho nhà sấy cá của thằng Parakutti có khánh kiệt đi nữa, nó vẫn còn sờ sờ ra đấy. Tao không cho phép có một đứa ngoại tình ở nhà tao.
Panchami im lặng.
- Mày định theo gương nó phải không? Nếu vậy cuốn xéo ngay đi.
Khi trưởng làng đến xét hỏi chuyện Pappikunju, các bô lão cho gọi Chemban và bà ta đến. Đây là một sự kiện lớn tại làng chài này. Nhiều người kéo đến. Chỉ có mỗi một người tự đáy lòng cầu mong việc này không được dàn xếp êm đẹp.
- Lạy Nữ Thần Biển, lạy mẹ, xin Nữ Thần, xin mẹ đừng để cho việc này được dàn xếp ổn thỏa. - Panchami thầm cầu nguyện.
- Chuyện này là thế nào, Chemban Kunju? - Trưởng làng hỏi - Tại sao ông lại cư xử trái với phong tục và nề nếp?
Trưởng làng muốn đặt ra một vài tội nặng đối với Chemban. Lần lấy vợ thứ hai của Chemban chưa được ông cho phép mà đã cưới, ông hỏi Chemban trả lời như thế nào về tội đó.
- Nào, nói đi, Chemban Kunju. - Trưởng làng bảo.
Chemban đứng thẳng người, ngẩng cao đầu. Trông ông có vẻ cao lớn hơn. Xem chừng ông không sợ hãi gì cả. Gương mặt ông trông nghiêm trang ghê gớm với một vẻ kiên nghị khó tả. Từ trước đến nay, trông ông chưa bao giờ như vậy.
Trưởng làng nhắc lại câu hỏi. Lời đáp bật ra như một mũi lao:
- Tôi không cưới bà ta.
Câu trả lời thật bất ngờ. Mọi người sửng sốt. Trưởng làng cũng nín thở, nuốt nước bọt. Ông hỏi:
- Vậy người đàn bà này có theo ông không?
- Tôi đem về nhà một người đàn bà để trông nom nhà cửa cho tôi. Thử hỏi có gì sai trái?
Trưởng làng đành chịu thua. Lời buộc tội đầu tiên của ông đã bị bác bỏ. Những lời buộc tội khác của ông liệu có bị sụp đổ cả như vậy không?
Trưởng làng gọi Pappikunju bước lên. Ông nhìn người phụ nữ đã bất chấp mọi phép tác cư xử và phong tục rồi hỏi:
- Người đàn bà kia, có đúng thế không?
Ai cũng nghĩ bà ta sẽ bác bỏ mọi điều Chemban đã khai. Còn Chemban thì vẫn cứ điềm nhiên như không.
- Vâng. - Pappikunju điềm tĩnh trả lời.
- Chemban có lấy bà làm vợ không?
- Không.
- Bà đến làm người trông nom nhà cửa cho ông ta à?
- Đúng.
Vị trưởng làng công bằng ngồi im một lúc, không biết nói năng sao nữa. Chemban cũng không ngờ Pappikunju lại trả lời như thế. Trưởng làng khinh bỉ nhìn bà ta, người đàn bà đã đoạn tuyệt với chính gia đình mình và bây giờ lại làm cho cả ông nữa lâm vào thế bí.
- Đáng đời bà lắm. Bà đã ăn ở với một người cao sang...
Trưởng làng không nói hết câu định nói. Ông nghĩ ông không được để cho Chemban đang đứng thản nhiên trở thành người thắng cuộc.
- Dù cho bà ấy là người giúp việc cho nhà ông, cớ sao ông lại đuổi người ta ra khỏi nhà, đẩy người ta ra bãi biển? - Trưởng làng hỏi Chemban.
Về việc này, Chemban đã có sẵn câu đối đáp.
- Mụ ấy ăn cắp.
Trưởng làng lại sững người.
Nghe ra có vẻ hợp pháp đấy. Nhưng sự thật lại khác. Ai nấy đều biết Chemban đã đưa Pappikunju về nhà ăn ở với nhau như vợ chồng.
Trưởng làng lại dùng đến một mánh khóe khác, ông tìm cách dọa Chemban.
- Này, ông quá ngạo mạn đấy. Điều đó không phải là mới. Xưa nay ông vẫn thế. Ông có biết cư xử như vậy sẽ dẫn ông đến đâu không?
Bĩu môi dè bỉu. Chemban đáp lại:
- Đến đâu nào? Và ngài có điều gì cần cho tôi biết? Chemban chỉ biết có biển trước mặt và trời trên đầu mà thôi.
- Không có gì mà phải lo - Chemban nói tiếp - Mọi việc đã xong xuôi cả rồi. Tôi sẽ không bận tâm đến lời khuyên bảo của ai hết. Ngài cũng không phải lo đến chuyện này. Tôi đã quyết không nghe lời một ai. Việc gì tôi phải nghe? Người ta chỉ sợ đi ngoài đường cái nếu có vàng bạc châu báu mang theo người.
Trưởng làng dọa:
- Đừng có coi thường cộng đồng dân chài.
Trưởng làng chưa nói hết câu, Chemban đã đáp lại, người run lên:
- Nếu ngài còn muốn được tôn trọng thì xin ngài chớ ăn nói nặng lời.
Xưa nay, chưa có ai dám nói năng với trưởng làng như vậy. Đây không chỉ là sự lăng nhục đối với chính quyền, đây là một sự lăng nhục đối với toàn cộng đồng.
Chemban định làm gì thế? Ông ta đã hoàn toàn điên rồi chăng? Ông ta không nghĩ đến tương lai ư?
Chemban bỏ đi không nói thêm một lời nào nữa.
Trưởng làng đã bị sỉ nhục. Dân làng nhìn nhau gượng gạo.
Pappikunju bước theo chân Chemban. Ông không ngăn bà ta.