Dịch giả: Đài Lan
Tượng sáp
Alfred McLelland Burrage

     rong khi các bảo vệ mặc đồng phục của Viện Bảo Tàng Tượng Sáp Marriner mời những người khách cuối cùng bước ra khỏi hai cánh cửa kính, giám đốc viện bảo tàng đang trao đổi với Raymond Hewson trong văn phòng.
Giám đốc là một người đàn ông khá trẻ, tóc vàng, to người, cao trung bình. Ông biết cách ăn mặc và có được vẻ bề ngoài lịch thiệp nhưng không phô trương. Raymond Hewson thì không được như thế. Có lẽ trang phục ông đã lịch thiệp lúc còn mới, nhưng cho dù được chải và ủi kỹ, chúng bắt đầu cho thấy rằng chủ nhân chúng đang thua trận đấu chống lại sự nghèo khó. Đó là một người đàn ông nhỏ và xanh xao, tóc nâu. Và mặc dù ông nói chuyện tự tin, đôi khi nói hơi lớn tiếng, nhưng ta cảm giác ông đang ở thế phòng thủ và có thái độ rụt rè của một người quen bị hắt hủi. Tóm lại, ông có vẻ bề ngoài đúng con người thật của ông: một người đã qua tuổi trung niên nhưng không thành công ngoài đời do thiếu tin tưởng vào bản thân.
- Yêu cầu của anh không có gì mới mẻ cả - Giám đốc đang nói - Chúng tôi phải từ chối lời yêu cầu y như thế khoảng ba lần một tuần, phần lớn xuất phát từ giới trẻ cá độ với bạn bè. Chúng tôi không được gì khi cho phép một người qua đêm trong phòng Hang Ổ Sát Nhân của Viện bảo tàng. Nếu chúng tôi cho phép và nếu có một thằng bé nào bị mất trí, thì viện bảo tàng chúng tôi sẽ bị rắc rối to! Nhưng ông là nhà báo, thì khác một chút.
Hewson mỉm cười:
- Có phải ý ông giám đốc muốn nói rằng các nhà báo đã mất trí sẵn rồi không?
- Không, không phải! - Giám đốc cười nói - Nhưng thường thì nhà báo có thần kinh rất vững vàng. Mà trong trường hợp này, viện bảo tàng lại được lợi: quảng cáo miễn phí.
- Đúng, - Hewson đồng tình - chính vì thế nên tôi nghĩ chúng ta sẽ thỏa thuận được với nhau.
Giám đốc lại cười rồi thốt lên:
- Ồ! Tôi hiểu ý đồ của anh rồi. Anh muốn được một công hai việc, đúng không? Từ nhiều năm nay, có tin đồn rằng viện bảo tàng bà Tussaud sẵn sàng trả một trăm bảng cho kẻ chịu qua đêm một mình trong phòng Kinh Dị. Tôi hy vọng anh không nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm như thế chứ? À mà anh làm cho báo nào vậy?
- Hiện, tôi là phóng viên độc lập và tôi làm việc theo dòng cho nhiều chỗ - Hewson nói - Nhưng tôi tin chắc là sẽ không gặp khó khăn gì để cho đăng bài này. Chẳng hạn như tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, chắc chắn sẽ nhận. Sẽ không có tờ báo nào bỏ qua cơ hội đăng một bài báo như thế đâu.
Giám đốc gãi cằm:
- Ờ... Ờ... Và anh định viết theo kiểu nào?
- Dĩ nhiên là nhấn mạnh tính kinh dị, rùng rợn, nhưng có pha thêm chút hài hước.
Giám đốc gật đầu, rồi đưa thuốc lá mời Hewson.
- Được rồi, anh Hewson à. Khi nào bài của anh được đăng trong tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, thì viện bảo tàng sẽ có một tờ năm bảng cho anh. Nhưng anh phải biết trước rằng công việc chờ đợi anh không dễ đâu. Tôi mong anh ý thức được rõ, bởi vì, nếu là tôi, tôi sẽ không chịu qua một cuộc thử nghiệm như thế. Mặc dù tôi đã thấy các tượng sáp lúc mặc quần áo, cũng như lúc không mặc quần áo, và tôi biết rõ chúng đã được chế tạo như thế nào. Nên tôi có thể đi qua lại giữa chúng mà không có cảm xúc gì. Nhưng còn chuyện qua đêm với chúng, thì không, tôi không đủ can đảm.
- Tại sao vậy? - Hewson hỏi.
- Tôi không biết. Thật ra không có nguyên nhân. Tôi không tin là có hồn ma, và nếu có tin đi nữa, thì tôi nghĩ ma sẽ hiện về nơi đã thực hiện tội ác, nơi cái xác chúng đang yên nghỉ, hơn là về một tầng hầm nơi tượng sáp của chúng được trưng bày. Chỉ là tôi không tưởng tượng nổi mình ngồi một mình giữa chúng, suốt cả đêm, đôi mắt chúng chĩa vào mình. Dù sao, những cái tượng sáp đó thể hiện những gì xấu xa kinh tởm nhất của nhân loại, cũng như - nhưng tôi sẽ không công khai thừa nhận điều này - những người đến xem chúng thường không có ý tốt lắm. Chính không khí của chỗ đó làm tôi khó chịu, và nếu anh nhạy cảm với bầu không khí, thì tôi xin báo trước với anh rằng anh sẽ qua một đêm đặc biệt khó chịu.
Hewson đã biết rõ tất cả những điều này ngay từ lúc ý nghĩ nảy ra trong đầu ông. Ông lo sợ gần như bệnh hoạn, nhưng ngay lúc này thì ông cố tỏ ra bình tĩnh thoải mái hoàn toàn và mỉm cười với người đối thoại. Nhưng ông có vợ có con; mà tháng trước ông chỉ lãnh được có vài bài viết, nên khoản tiết kiệm của ông đang tan nhanh. Vì vậy ông không được bỏ qua cơ hội đăng một bài trong tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng, ngoài tiền nhuận bút rất khá, còn thêm tờ năm bảng nữa. Đối với ông, đó là một tuần sống tương đối thoải mái hoặc hai tuần không phải lo chạy tiền. Ngoài ra, nếu người ta thích bài báo của ông, có thể người ta sẽ đề nghị ông làm cộng tác viên thường xuyên ở Tiếng Vọng Buổi Sáng.
- Nhà báo quen sống cực rồi, - Ông nói - và tôi đã biết rằng mình sẽ qua một đêm cực khổ ở Hang Ổ Sát Nhân, chắc chắn không được tiện nghi như phòng khách sạn. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ bị các tượng sáp của ông quấy nhiễu.
- Anh có tin dị đoan không?
- Hoàn toàn không! - Hewson cười cam đoan.
- Nhưng là nhà báo, chắc là anh giàu trí tưởng tượng lắm chứ?
- Ông trưởng phòng thông tin ở tòa soạn tôi làm việc trước kia cứ trách tôi thiếu óc tưởng tượng. Trong nghề chúng tôi không chỉ chấp nhận một mình các sự kiện, mà báo còn yêu cầu chúng tôi phải biết chế biến lại cho hợp với khẩu vị độc giả.
Ông giám đốc lại mỉm cười, đứng dậy, rồi nói:
- Được rồi. Dường như không còn khách tham quan nào nữa cả. Anh chờ một chút nhé... Tôi sẽ ra lệnh để không phủ vải che lên tượng, rồi báo cho đội gác đêm rằng anh sẽ ở trong đây đêm nay. Sau đó tôi sẽ dẫn anh đi tham quan hiện trường.
Ông giám đốc nhấc ống nghe máy điện thoại nội bộ, nói những lời cần thiết rồi gác máy.
- Anh Hewson à, còn một điều tôi yêu cầu anh nữa, là không được hút thuốc. Gần đây, chúng tôi đã bị báo động cháy trong Hang Ổ Sát Nhân. Tôi không biết ai đã kêu “cháy” nhưng chỉ là một trò đùa không hay. Cũng may là lúc đó rất ít khách tham quan, nếu không đã hỗn loạn lên rồi. Bây giờ ta hãy đi, nếu anh sẵn sàng.
Hevvson bước theo ông giám đốc qua khoảng nửa chục phòng, nơi đội nhân viên đang loay hoay phủ vải che lên tượng các vị vua và hoàng hậu Anh quốc, các vị tướng hoặc nguyên thủ quốc gia danh tiếng, tất cả đều là đại diện nhân loại đã trở nên bất tử nhờ tiếng tốt hay xấu. Giám đốc đứng lại bên một nhân viên và yêu cầu bố trí một chiếc ghế bành trong phòng Hang Ổ Sát Nhân.
- Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm giúp anh- Giám đốc nói với Hewson - Hy vọng anh sẽ chợp mắt được một chút.
Giám đốc dẫn Hewson qua một cổng nhỏ, rồi xuống một cầu thang bằng đá tối tăm gây cảm giác rùng rợn là sẽ xuống đến hầm giam tối. Ớ một hành lang ngay dưới cầu thang, như để gây ấn tượng ban đầu, có thể nhìn thấy di tích thời Tòa án Dị giáo, cái giá có nguồn gốc từ một lâu đài thời Trung cổ, sắt để nung đỏ đánh dấu lên da, dụng cụ tra tấn và những đồ vật khác thuộc một thời đại tàn ác. Cuối hành lang này là phòng Hang Ổ Sát Nhân.
Đó là một phòng mái vòm, hình dạng không đều, và được chiếu sáng rất ít từ những bóng đèn giấu trong quả cầu thủy tinh mài. Nhờ vậy, không khí rùng rợn tăng thêm, khiến khách tham quan phải hạ giọng khi nói chuyện. Hơi giống nhà thờ, nhưng là một nhà thờ của một tà giáo nào đó.
Tượng sáp của những kẻ sát nhân được đặt trên đế thấp có đề số. Nếu thấy chúng trong một khung cảnh khác mà không biết chúng là tượng của ai, thì có lẽ người ta chỉ chú ý đến trang phục thời trang đa dạng của chúng.
Nhiều kẻ khét tiếng đứng cạnh các “ngôi sao” của một thời đã qua nhưng tiếng tăm vẫn còn lại. Thurtell, kẻ sát nhân Weir, như đã bị hóa đá trong khi vẫy tay gọi cậu bé Frederick Bywaters. Có cả Lefroy, tay ngu ngốc đòi làm sang, đã giết người để có được vài món đồ bắt chước “giới thượng lưu”. Cách hắn năm mét, là bà Thompson, người đàn bà đã yêu quá lãng mạn, bị treo cổ để làm gương cho các phu nhân tiểu tư sản. Trong cả đám, chỉ có mình Charles Peace là thật sự có vẻ độc tâm, nhìn qua lối đi, cười khẩy với Norman Thorne. Brown và Kennedy, hai mẫu vật mới nhất, đứng giữa bà Dyer và Patrick Mahon.
Khi đi qua, giám đốc chỉ cho Hewson một vài kẻ khét tiếng không hay này:
- Đây là Crippen... Chắc là anh đã nhận ra hắn qua vẻ mặt hiền như bụt. Còn đây là Armstrong, trông y như một tay nông dân hiền lành, đúng không? Kia là lão Vaquier, với bộ râu dễ nhận ra. Còn đây dĩ nhiên là...
- Ai vậy, đằng kia? - Hewson ngắt lời chỉ ngón tay.
- Tôi định nói đây - Giám đốc hơi thích thú nói - Anh lại gần đi, và nhìn cho kỹ. Đó là siêu sao của viện bảo tàng chúng tôi, kẻ duy nhất trong bọn không bị treo cổ.
Tượng mà Hewson chỉ là một người đàn ông nhỏ gầy, cao khoảng một mét rưỡi, có bộ ria hai đầu nhọn, cặp kính to, và mặc áo bành tô dài có mũ chụp. Trông ông ta rõ ràng là người Pháp, giống như các nhân vật hài thường gặp trên một số sân khấu kịch Luân Đôn. Hewson không thể nói tại sao người đàn ông có vẻ hiền như cục đất kia lại làm mình có cảm giác ghê tởm, nhưng Hewson tự động lùi lại một bước ngay, và dù đang có ông giám đi bên cạnh, Hewson phải cố gắng lắm mới dám nhìn lại kẻ sát nhân này một lần nữa.
- Ai vậy? - Hewson hỏi.
- Bác sĩ Bourdette.
Hewson lắc đầu từ từ:
- Tôi có nghe tên này rồi, nhưng không nhớ nổi là liên quan đến vụ gì.
Giám đốc mỉm cười:
- “Nếu là người Pháp, thì anh dễ nhớ ra hơn. Tay bác sĩ này từng là nỗi kinh hoàng của cả Paris suốt nhiều tháng. Ban ngày, hắn chữa bệnh, còn ban đêm, khi bị lên cơn, hắn đi cắt cổ người ta. Hắn giết người chỉ vì thích thú và luôn tiến hành theo cùng một kiểu: bằng dao cạo râu. Sau án mạng cuối cùng, hắn đã để lại một manh mối, khiến cảnh sát có hướng nghi ngờ hắn. Từ manh mối này sang manh mối khác, cảnh sát nhanh chóng lần ra dấu vết của kẻ tương đương với tay Jack Mổ Bụng của ta. Người ta thu thập đủ chứng cớ để nhốt hắn vào nhà thương điên hoặc đưa lên máy chém, vì khoảng một chục tội danh.
Nhưng hắn lại tỏ ra khôn hơn cảnh sát. Khi nhận thấy cái lưới đang khép chặt dần, hắn biến mất một cách bí ẩn. Và từ đó, cảnh sát khắp thế giới văn minh này vẫn hoài công truy lùng hắn. Có lẽ hắn đã tự sát, và xoay sở sao cho người ta không tìm ra xác. Sau khi hắn biến mất, có một hai vụ giết người cùng một kiểu như thế, nhưng người ta vẫn cho răng hắn đã chết rồi và các chuyên gia cho rằng những vụ sát nhân này là tác phẩm của một kẻ bắt chước. Thật đáng ngạc nhiên rằng các kẻ sát nhân khét tiếng cũng có đệ tử?”
Hewson rùng mình và bối rối nhìn xuống chân mình:
- Ghê quá! Tôi không thích tay bác sĩ tí nào! Đôi mắt kinh quá!
- Phải, tượng sáp này là một tuyệt tác. Ta cảm nhận được ánh mắt này đè nặng lên ta.. Trông càng thực hơn nữa, nếu ta biết rằng Bourdette áp dụng phương pháp thôi miên và người ta nghĩ rằng hắn thôi miên nạn nhân trước khi cắt cổ. Nếu không, làm thế nào một người nhỏ bé như thế lại luôn thắng thế? Người ta chưa bao giờ phát hiện được dấu hiệu có chống cự.
- Dường như hắn vừa mới nhúc nhích! - Hewson cà lăm.
Giám đốc mỉm cười:
- Có lẽ từ đây đến hết đêm, anh sẽ còn bị nhiều ảo giác như thế nữa. Nhưng anh sẽ không bị nhốt và anh có thể leo lên tầng trệt khi nào thấy chịu hết nổi. Anh sẽ không cô đơn, bởi vì trên kia có bảo vệ đêm. Vậy anh đừng hoảng hốt nếu nghe tiếng chân bước. Tôi rất tiếc vì không thể cho anh thêm nhiều ánh sáng hơn nữa. Hiện đèn đều được bật lên hết rồi đó, anh cũng dễ hiểu rằng chúng tôi dùng đèn cường độ yếu. Thôi, mời anh trở lên văn phòng tôi uống một ly whisky trước khi bắt đầu canh gác đêm khuya.

*

Người bảo vệ đêm mang ghế bành đến cho Hewson là người thích đùa.
- Ông muốn để ghế ở đâu ạ? Đây, để nói chuyện với bác sĩ Crippen khi thấy thời gian trôi qua lâu quá? Hay ông thích mụ Dyer hơn? Xin ông vui lòng cho biết ý thích.
Hewson mỉm cười. Ông thấy thích người này, chỉ vì nhờ câu đùa khiến ông cảm thấy phòng này chỉ là một phòng trưng bày ở viện bảo tàng, chứ không phải là cái gì khác.
- Tôi sẽ tự tìm chỗ đặt ghế, - Hewson nói - sau khi nghiên cứu hướng gió.
- Ồ! Dưới này không có luồng gió nào. Chúc ông qua đêm yên lành. Nếu ông cần tôi, thì tôi ở trên kia. Ông đừng để chúng nó lẻn qua sau lưng ông mà bóp cổ ông nhé. Và ông nhớ cảnh giác mụ Dyer: dường như mụ ta để ý và thích ông rồi đó!
Hewson cười, rồi chào người bảo vệ. Coi bộ sẽ không nặng nề như ông tưởng. Hewson đẩy cái ghế bành da trên lối đi, bố trí ghế quay lưng lại với bác sĩ Bourdette. Vì một lý do không rõ, trong tất cả, Hewson ghét nhất tay bác sĩ này. Trong khi xếp đặt ghế bành, Hewson cảm thấy gần như vui trong lòng. Nhưng khi tiếng chân của người bảo vệ đêm im hẳn xa xa và bầu im lặng nặng nề ập xuống phòng, Hewson nhận ra rằng cuộc thử thách mà ông sắp phải qua không phải là chuyện đùa.
Dưới ánh sáng yếu ớt, những hàng tượng sáp trông quá giống người thật đến nỗi sự bất động và im lặng của chúng gần như có một điều gì đó bất bình thường và đáng sợ. Cái thiếu vắng, chính là tiếng thở, tiếng sột soạt, những tiếng vớ vẩn mà ta vẫn nghe thấy khi một đám đông hoàn toàn im lặng. Nhưng không khí lắng đọng y như nước dưới ao. Trong phòng không có chút gió để thổi bay rèm, tạo tiếng sột soạt khẽ của tấm rèm tường hay làm cho bóng động đậy. Chỉ có cái bóng của chính Hewson nhúc nhích khi ông đưa cánh tay lên hoặc động đậy chân. Mọi thứ đều bất dộng và im lặng. “Có lẽ dưới đáy biển cũng y như thế này”, Hewson nghĩ bụng và tự nhủ là phải ghi câu này vào bài viết.
Hewson cảm thấy tương đối can đảm trước đám hình nộm rùng rợn này. Dù sao, chúng chỉ là tượng sáp mà thôi. Khi ý nghĩ này lấn át được những suy nghĩ khác trong đầu ông, thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Nhưng riết rồi nó cũng không ngăn ông cảm thấy khó chịu khi biết ánh nhìn của bác sĩ Bourdette đang chĩa vào mình. Hewson bị ám ảnh bởi những gì ông còn nhớ về ánh mắt của tay người Pháp nhỏ bé và rất muốn quay lại.
- Thôi đi nào, - Hewson nghĩ bụng - thần kinh lại lung tung lên rồi! Nếu quay lại nhìn thằng hình nộm mặc quần áo kia, thì có nghĩa là mình đang sợ mất rồi.
Nhưng trong đầu Hewson, có một giọng nói khác đang nói:
- Chính vì ngươi sợ mà ngươi không dám quay lại nhìn.
Cứ như thế, Hewson lưỡng lự giữa hai thái độ suốt một hồi, và rồi cuối cùng xoay ghế lại nhìn phía sau lưng.
Trong đám tượng sáp bất động, tượng của tay bác sĩ khủng khiếp có vẻ nổi bật lên hết sức đặc biệt, có lẽ vì được một bóng đèn chiếu thẳng vào. Nghệ nhân đặc biệt tài giỏi đã thành công trong việc làm cho nét mặt có một vẻ dịu dàng giả tạo, và Hewson rùng mình khi, trong khoảnh khắc một giây, ánh mắt đụng phải mắt của tượng sáp, trước khi quay lại.
- Nó cũng bằng sáp, y như mọi tượng khác thôi - Hewson lầm bầm với ngữ điệu thách thức - Tất cả chúng bây chỉ là tượng sáp mà thôi!
Đúng, đó chỉ là tượng sáp... Nhưng tượng sáp, thì không động đậy. Không phải là Hewson đã thấy một cử động, nhưng bây giờ dường như có một sự thay đổi rất khó nhận biết trong cách mấy hình tượng nhóm lại trước mặt Hewson. Chẳng hạn như Crippen, dường như bây giờ lại hơi quay sang trái nhiều hơn. Tuy nhiên, có lẽ là do Hewson không ngồi lại đúng vị trí cũ khi quay lại. Nhưng Field và Grey... Lúc nãy bàn tay chúng đâu có gần nhau đến thế... Trong chốc lát, Hewson nín thở, rồi cố gắng hết sức để can đảm lên, như đang nhấc một tải nặng lên. Rồi Hewson nhớ lại những gì nhiều biên tập viên đã nói về mình và tự cười mình.
- Vậy mà dám nói mình không có óc tưởng tượng!
Hewson rút sổ tay ra khỏi túi và ghi nhanh lại:
Im lặng như chết. Tượng sáp bất động một cách không bình thường. Như thể ta đang ở dưới đáy biển. Ánh nhìn thôi miên của bác sĩ Bourdette. Có cảm giác như tượng sáp nhúc nhích ngay khi ta không nhìn chúng nữa.
Hewson khép cuốn sổ lại, nhìn nhanh qua vai phải. Hewson không nghe không thấy gì, nhưng như thể có giác quan thứ sáu mách bảo. Hewson nhìn chằm chằm vào Lefroy, dường như hắn đang nói: “Không phải tôi”.
Không, dĩ nhiên là không phải hắn, cũng không phải những tên khác, mà chỉ là thần kinh của Hewson... Nhưng có phải Crippen lại động đậy nữa, lúc Hewson đang chăm chú nhìn hướng khác? Không nên tin vào tên này. Khi ta quay đầu đi chỗ khác, là hắn lợi dụng ngay để đổi tư thế. Và tất cả bọn chúng đều làm như thế!
Không thể để tiếp diễn như thế được! Hewson đứng dậy một nửa khỏi ghế bành và tự nhủ mình không thể ở lại cả đêm với một đống tượng sáp cứ động đậy ngay khi Hewson không nhìn chúng nữa...
Nhưng Hewson ngồi trở xuống. Hewson vừa mới tỏ ra nhát gan và ngốc nghếch. Đó chỉ là tượng sáp và chúng không thể động đậy được. Khi mà Hewson vẫn nghĩ như thế, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nhưng vậy thì tại sao lại có sự náo động im lặng quanh Hewson? Cái điều tinh tế không hẳn là tiếng động, nhưng lại xảy ra khi Hewson nhìn đi chỗ khác?
Hewson nhanh nhẹn quay lại và đụng ánh mắt dịu dàng vờ và kinh tởm của bác sĩ Bourdette. Rồi Hewson đột ngột đối mặt trở lại với Crippen. A! Lần này Hewson xém bắt quả tang được Crippen! “Crippen và tất cả những tên còn lại, hãy coi chừng đấy! Nếu bắt gặp được tên nào động đậy, là ta sẽ đập tan nó ra! Hiểu chưa?”
Hewson nghĩ bụng có lẽ ông nên đi, bởi vì ông đã trải quá đủ cảm giác để viết câu chuyện, và viết thêm vài bài nữa nếu cần. Vậy thì ở lại làm gì? Tờ Tiếng Vọng Buổi Sáng sẽ hỏi thời gian chính xác Hewson đã ở lại đó... Và họ cũng cóc cần biết, miễn bài báo hay là được, phải không? Nhưng, tên bảo vệ đêm sẽ ngồi lê đôi mách. Còn ông giám đốc - ai biết được! - sẽ lợi dụng để không cho tờ năm bảng mà Hewson cần. Hewson tự hỏi không biết Rose đang ngủ hay đang thức, vợ có nghĩ đến mình không. Rose sẽ cười biết bao nhiêu, khi nghe Hewson kể lại những gì đã tưởng tượng...
Không được, bây giờ thì thật quá đáng! Hewson đã thấy khó chịu khi đám tượng sáp nhúc nhích trong khi Hewson không nhìn chúng, nhưng bây giờ chúng còn thở nữa, thì không thể nào chấp nhận được! Bởi vì có một tên đang thở. Hay là chính tiếng thở của Hewson, như đang xuất phát từ chỗ khác? Hewson bất động hoàn toàn, lắng tai nghe, cho đến khi phì ra không khí chứa trong phổi. Phải, đúng là tiếng thở của chính mình... trừ phi, đoán trước được phản ứng của Hewson, kẻ kia cũng nín thở cùng lúc với Hewson.
Hewson quay đầu lại thật nhanh, nhìn ngơ ngác và hoảng hốt, nhưng chỉ thấy tượng sáp. Nhưng Hewson luôn có cảm giác mình đã bị trễ trong một khắc và không thấy được cái chân hoặc cái tay di chuyển, môi nhấp nháy, lông mi chớp. Bọn chúng như học trò một lớp học vô kỷ luật, thì thầm, cười và đập lưng nhau sau lưng thầy giáo, nhưng lại ngoan ngay khi thầy sắp quay mặt lại.
Không thể tiếp tục như thế được! Không, không thể nào tiếp tục như thế! Hewson phải bám vào một cái gì đó, ép đầu óc nghĩ về một cái gì đó thuộc đời thường, thuộc ánh sáng ban ngày của đường phố Luân Đôn. Ông là Raymond Hewson, một nhà báo không được nổi tiếng, nhưng vẫn là một con người sống và thở, còn những hình bóng xúm quanh ông chỉ là tượng sáp, nên không có khả năng động đậy cũng như không có khả năng thì thầm. Chúng là tượng hình những kẻ sát nhân, nhưng điều này không quan trọng bởi vì chúng chỉ làm bằng sáp và mạt cưa. Người ta đặt chúng đứng ở đây để cho khách thích rùng rợn và du khách không biết đi đâu đến xem. Xong rồi, bây giờ Hewson cảm thấy đỡ hơn nhiều... Câu chuyện vui mà người ta kể cho Hewson nghe hôm qua ở Falstaff là gì nhỉ...?
Hewson chỉ nhớ được một phần thôi, bởi vì Hewson đang cảm thấy ánh nhìn của bác sĩ Bourdette chằm chằm vào gáy mình, như để thách thức Hewson quay đầu lại.
Sau khi liếc nhìn đột ngột qua vai, Hewson cho xoay hẳn ghế để đối mặt với gã đàn ông khủng khiếp có ánh nhìn thôi miên kia. Hewson cảm thấy mắt mình mở to ra, miệng nhăn nhó sợ hãi trước khi nhe răng như một con chó sắp cắn.
- Mày đã nhúc nhích! - Hewson la lên bằng một giọng gây tiếng dội rùng rợn - Phải, mày nhúc nhích! Tao đã thấy mày rồi!
Rồi Hewson bất động trên ghế, nhìn thẳng trước mặt, như một người bị đông cứng được tìm thấy trong băng đá Arctique.
Cử chỉ của bác sĩ Bourdette hết sức chậm rãi. Hắn bước xuống cái bục thận trọng như một cô gái điệu bước xuống xe búyt. Bục cao khoảng sáu chục phân và được một dây nhung đỏ bao quanh. Dây nhung có hai cọc nâng đỡ. Bourdette nhấc sợi dây lên, chui xuống dưới, bước xuống bục, và ngồi trên bục, đối diện với Hewson. Rồi hắn gật đầu, mỉm cười và nói:
- Chào. Tôi khỏi phải nói rõ cho ông rằng, - Hắn nói tiếp bằng tiếng Anh hoàn hảo có pha chút giọng Pháp nhẹ - cho đến khi tôi nghe lén được cuộc nói chuyện giữa ông với vị giám đốc của viện bảo tàng này, tôi hoàn toàn không ngờ là sẽ được hân hạnh qua đêm cùng ông. Ông không thể nhúc nhích hay nói chuyện, nếu tôi không cho phép, nhưng ông nghe tôi rất rõ. Tôi có cảm giác rằng ông, nói thế nào nhỉ... hơi căng thẳng hả? Xin ông đừng ảo tưởng. Tôi không phải là một pho tượng gớm ghiếc kia tự nhiên sống lại. Tôi là bác sĩ Bourdette bằng xương bàng thịt đây.
Hắn dừng một chút, ho rồi động đậy chân.
- “Xin lỗi, tôi hơi tê chân. Để tôi giải thích cho nghe nhe - Hắn nói tiếp - Do điều kiện bắt buộc, nếu kể ra thì quá dài, tôi phải sang Anh sinh sống. Tối hôm nay, tôi đang đi qua gần đây, thì tôi thấy một viên cảnh sát nhìn tôi hơi kỹ quá. Tôi sợ viên cảnh sát có ý định theo tôi và đặt vài câu hỏi không hay, nên tôi đã trà trộn vào dòng người đang vào đây. Rồi tôi vào được phòng hiện ta đang ở, rồi tôi đột nhiên nảy ra sáng kiến để thoát khỏi sự truy lùng có thể có của tay cảnh sát.
Tôi kêu ‘Cháy!’, và khi đám người ngốc nghếch chạy ra cầu thang, tôi đã vớ cái áo khoác của tượng tôi, hiện ông đang thấy tôi mặc cái áo đó. Rồi tôi giấu tượng dưới cái bục to ở cuối phòng, và leo lên cái bục này.
Tôi thú thật với ông là tôi đã sống qua một buổi tôi đặc biệt cực nhọc, nhưng nhờ không bị quan sát liên tục, nên tôi thở thật sâu và đổi tư thế được. Có một lúc, có thằng bé la lên là thấy tôi nhúc nhích. Tôi nghe cha mẹ nó dọa đánh đòn và phạt không cho ăn bánh, và tôi hy vọng bố mẹ nó đã thi hành lời đe dọa kia.
Những gì giám đốc nói về tôi, mà tôi đã nghe được, là đúng một phần, nhưng nói chung tương đối chính xác. Ông cũng thấy là tôi chưa chết, mà thật đáng mừng rằng người ta nghĩ tôi chết. Và giám đốc đã mô tả khá chính xác thú giải trí của tôi suốt nhiều năm, nhưng khoảng thời gian gần đây, do điều kiện, tôi đã không được vui vẻ thỏa thích lắm. Lời trình bày của tay giám đốc không được thông minh lắm. Để làm rõ mọi thứ, ta cứ cho rằng thế giới chia làm hai: một bên là người thích sưu tập, bên kia là người không thích sưu tập. Ta không quan tâm đến nhóm này. Còn những người sưu tập, thì họ sưu tập bất cứ gì, tùy sở thích: từ đồng tiền vàng cho đến hộp diêm, từ bươm bướm cho đến gạt tàn. Còn tôi, tôi sưu tập cổ họng”.
Hắn lại dừng một hồi, và chăm chú nhìn cổ Hewson, nhưng hơi phật ý.
- Tôi phải mang ơn số phận đã cho chúng ta gặp nhau tối nay - Hắn nói tiếp - Nếu than phiền là tỏ ra vô ơn. Vì lý do an toàn cá nhân, hoạt động của tôi đã bị giảm đi chút ít trong những năm vừa qua, và tôi vui mừng vì được dịp thỏa mãn sở thích hơi đặc biệt này của mình. Tôi không muốn làm ông bực, nhưng xin phép cho tôi nói rằng cổ ông rất gầy. Chắc chắn tôi đã không chọn ông, nếu được lựa chọn, bởi vì tôi thường thích người có cổ to... mập và đỏ...
Hắn lục túi trong, lấy ra một vật, thử độ bén bằng đầu ngón tay ướt, rồi liếc nhẹ trong lòng bàn tay trái.
- Đây là con dao cạo Pháp, - Hắn tử tế giải thích - ở Anh quốc rất ít dùng loại dao này, nhưng có thể ông đã có dịp thấy rồi? Người ta mài trên da. Ông thấy lưỡi dao rất nhỏ. Vết cắt của loại dao này không sâu, nhưng cũng đủ. Lát nữa chính ông sẽ thấy thôi. Còn bây giờ, là câu hỏi của mọi thợ cạo uy tín: “Thưa ngài, ngài có chịu con dao cạo này không?”
Hắn đứng dậy, hiện thân của tội ác, nhỏ nhưng đáng sợ, và bước lại gần Hewson, lặng lẽ như một con beo đang săn.
- Xin ông vui lòng hất cầm lên một tí... Cám ơn... Thêm một tí nữa... Chỉ thêm một tí xíu nữa thôi... Rồi! Cám ơn... Cám ơn ông, cám ơn!

*

Ở cuối phòng, có cửa tầng hầm kính mài để lọt chút ánh sáng từ bên ngoài vào ban ngày. Sau khi mặt trời mọc, ánh sáng này hòa vào ánh đèn, để chiếu sáng một cảnh tượng tự nó đã đủ khủng khiếp rồi.
Các tượng hình đờ đẫn chờ có người đến ngắm hoặc sợ hãi xem chúng. Giữa chúng, trên lối đi ở giữa, Hewson vẫn ngồi đó, thân ngã vào lưng ghế bành. Hewson đưa cằm lên cao, như thể đang chờ được cạo râu, và mặc dù trên cổ họng Hewson không hề có vết trầy nào, cũng như trên phần thân thể còn lại, nhưng Hewson đã chết và lạnh ngắt.
Trên bục, bác sĩ Bourdette trơ trơ nhìn người chết. Hắn không động đậy, vì không thể cử động được. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì hắn được làm bằng sáp.