Phần 2

    
ashington DC. ngày... tháng... năm....
Tân thân mến,
Khi nhận được thư này tôi hy vọng Tân đã nhận được gói quà tôi gửi. Chắc Tân ngạc nhiên lắm? Những quần áo, vật dụng, radio, cassette không phải của mình tôi đâu mà còn là của một số bạn bè phi công cùng khóa với Tân gửi đấy! Khi ở Hà Nội về nước, tôi liền liên lạc ngay với Trung Tâm Huấn Luyện Fort Worth ở Dallas nên có được một số địa chỉ các bạn đồng khóa với Tân. Biết tin anh họ mừng lắm. Sau khi nghe tôi kể hiện cảnh của anh, họ buồn rầu khổ sở và tức tốc hè nhau góp gửi cho anh một số tiền cũng như vật dụng quần áo. Về tiền được hơn một ngàn đô. Tôi đang tìm cách gửi sao cho sớm đến tay anh mà không bị mất. Tôi mong anh sẽ hài lòng về số quà tặng “đó là những tấm lòng của bạn bè” chứ không phải “sự thương hại hay bố thí” như một lần anh đã hiểu lầm. Sở dĩ chúng tôi gửi tiền và mua những món đồ cho anh là do một người bạn Việt Nam chỉ dẫn. Anh ta bảo những thứ này ở Việt Nam đang bán được giá cao. Bây giờ tôi xin nói một chút về tôi chắc anh sẵn lòng nghe? Tôi đến Việt Nam không phải để du lịch. Tôi đến Việt Nam với mục đích duy nhất tìm kiếm tung tích chồng tôi. Chồng tôi chính là Đại Úy Phi Công Edward Carter thuộc Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ, người học cùng khóa và là bạn thân của anh.”
Coi tới đây Tân ngừng lại. Bất ngờ quá! Anh cố hình dung lại người bạn phi công cùng khóa Edward Carter. Sau khi mãn khóa về nước, Tân có thư từ qua lại với anh ta, nhưng chỉ được hai năm sau đó mất liên lạc. Anh nhớ mang máng là Edward Carter được thuyên chuyển tới Đệ Thất Hạm Đội ở Thái Bình Dương. Lúc học ở Mỹ, Tân và Edward Carter có nhiều kỷ niệm, nhất là những buổi cuối tuần được nghỉ đi kiếm bồ bịch, mải vui quá ngày phép, hai người bị kỷ luật. Tân thở dài. Mới đó đã mười mấy năm trôi qua. Tân coi tiếp thư:
“Trong một phi vụ oanh tạc vùng Thanh Hóa, máy bay của chồng tôi bị bắn hạ. Anh được báo cáo mất tích.” Tân lại ngưng coi và đặt lá thư xuống cái bàn gỗ nhỏ cũ kỹ đặt nơi đầu giường. Anh chống tay lên cằm, suy nghĩ trong xúc động. Edward bị bắt sống hay bị chết? Nếu bị bắt sống thì nhất định Jacqueline đã biết tin, vì tất cả tù binh Mỹ đều bị nhốt trong “khách sạn Hilton ” ở Hà Nội. Tân cầm thư coi tiếp:
“Tôi không tin thông báo của chính phủ. Bản danh sách quân nhân Mỹ mất tích còn quá dài. Tôi phải tự đi tìm chồng tôi vì tôi tin chồng tôi chưa chết. Chúng tôi mới lập gia đình có một đứa con gái. Khi chồng tôi mất tích nó được hai tuổi.
Tôi đến Việt Nam lần vừa rồi là lần thứ hai. Lần trước tôi đến Hà Nội và đi nhiều nơi, kể cả Thanh Hóa. Mất hơn một tháng chẳng kiếm được tin tức gì. Một người bạn viết thư cho tôi biết ở Saigon có một “tuy-ô” cung cấp người Mỹ mất tích rất đáng tin cậy. Thế là chẳng cần đắn đo suy nghĩ, tôi vội vã book vé bay sang Việt Nam liền. Tôi đã bị lừa nhưng được gặp anh. Đúng như người bạn Mỹ của anh nhận xét. Nếu cái mũi cao thêm một chút, dài thêm một chút, và nước da trắng thì anh đúng là bản sao của chồng tôi. Sao lại có thể có hai người giống nhau như thế và sao lại có sự tình cờ gặp gỡ giữa tôi và anh như thế nhỉ? Hôm đầu tiên ngồi trên chiếc xích lô của anh, tôi ngoái lại nhìn anh, không khỏi giật mình sửng sốt. Suýt chút nữa thì tôi kêu tên chồng. Anh có biết không, trong lúc liên lạc với Trung Tâm Huấn Luyện Fort Worth tôi mới biết thêm anh là người đạt số điểm cao nhất ở khóa đó. Ông chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện già đã về hưu vẫn còn nhớ tới anh và không ngớt lời ca ngợi anh một thanh niên thông minh giầu nghị lực, một phi công đầy triển vọng tài ba. Nói để anh mừng nhé. Các bạn người Mỹ của anh đang vận động với chính phủ can thiệp cho anh sang Mỹ định cư đấy. Công việc này tất nhiên rất khó khăn và nhiều trở ngại, nhưng ai có quyền cấm người ta hy vọng nhỉ, có phải thế không? Từ nay tôi sẽ liên lạc thường xuyên với anh qua thư từ. Anh cần những gì có thể cho tôi biết để tôi và các bạn anh cố gắng giúp. Dưới đây là một số địa chỉ các bạn cùng khóa với anh. Anh nhớ viết thư cho họ nhé. Có mấy người mang cấp bậc Đại Tá rồi đấy. Họ sẽ có thư cho anh, nếu không có gì trở ngại về phía anh.
Chúc anh vui khỏe.
J.
Ít ngày sau, đúng như thư Jacqueline viết, có một người lạ đem đến cho Tân hơn một ngàn đô. Tân cầm số tiền trong tay mà vẫn ngỡ như mình nằm chiêm bao. Anh không nén được xúc động, tay cầm cây bút run run khi viết mấy chữ biên nhận tiền. Rồi anh thấy đôi mắt mình cay cay... Anh đã không cầm được nước mắt. Đêm đó Tâm nằm mơ thấy mình chở Jacqueline trên xe xích lô. Tới một quãng vắng vẻ Jacqueline bảo anh ngừng xe lại rồi nàng rời khỏi xe, bất thần ôm chầm lấy anh hôn thắm thiết. Khi Tân giật mình thức giấc anh cảm thấy như mùi nước hoa, mùi da thịt của nàng còn phảng phất đâu đây.
4
Tân đi tù khoảng hơn năm thì vợ anh đi lấy chồng khác, một cán bộ ngoài Bắc vào. Chính chị đã dẫn người này lên tận trại tù ép buộc Tân ký giấy ly dị với hứa hẹn sẽ can thiệp cho anh về sớm. Tân chẳng tin vào cái sự hứa hẹn này nhưng với một người vợ sớm thay lòng đổi dạ như vậy, anh không còn gì để lưu luyến cầm giữ. Anh chỉ lo ngại cho đứa con nhỏ mới ba tuổi. Nhưng anh yên tâm phần nào khi biết con mình được ông bà ngoại đem về nhà nuôi. Khi Tân từ trại tù vùng cao nguyên trở về Saigon, anh tới ngay nhà ông bà già vợ. Con gái anh đã hơn mười tuổi, gầy và hơi xanh. Nó ôm chầm lấy bố khóc như mưa. Tân định ở nhờ ông bà già vợ ít ngày nhưng căn phòng quá nhỏ hẹp mà lại chứa những năm người: ông bà già vợ, vợ chồng người em vợ và con gái Tân nên không còn chỗ cho anh. Sau bữa cơm đạm bạc chỉ có rau muống muối mè (để đãi mừng chàng rể ở tù về), Tân phải kiếm cớ đi chỗ khác ngủ, mặc dù ông bà già vợ cố giữ lại “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Đêm đó, đêm đầu tiên được sống tự do ngoài đời, Tân đã phải nằm ngủ trong mái hiên của một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô và phải chen chúc với đám ăn mày, xì ke ma túy. Sáng dậy gói quần áo nhỏ Tân mang từ trại tù về cũng bị “chôm” mất. Tân đi kiếm nhà một người bạn tù về trước anh và được người này giới thiệu việc làm: rửa chén đĩa một tiệm phở. Làm được mấy ngày chưa kịp lãnh lương tuần Tân bị thôi việc. Anh đã làm sứt mẻ và vỡ quá nhiều chén đĩa trong khi rửa.
Mãi Tân mới kiếm được một việc tương đối “độc lập tự do” và hợp với “khả năng” của đa số tù cải tạo về: đạp xích lô. Tuy “lao động” vất vả cực nhọc lại không ”vinh quang” chút nào Tân cũng kiếm được đủ ngày hai bữa ăn và thuê một cái buồng nhỏ trong xóm nhà lá để đêm về có chỗ ngủ. Hôm nào chạy được khá tiền một chút, anh mời cả gia đình bố mẹ vợ và cô con gái đi làm một chầu phở bình dân. Cuộc sống khó khăn chật vật nhưng Tân vẫn lấy làm hài lòng vì dù sao vẫn còn hơn gấp trăm lần trong trại tù cải tạo, có làm không có ăn. Tân cho rằng khi con người đã trải qua cuộc sống trong tù cải tạo của cộng sản rồi thì tất cả mọi sự trên cõi đời này đều... nhẹ như lông hồng!
Có được số tiền “ngoại viện” Tân đem một nửa “phân phối” cho bố mẹ vợ, bạn bè và cả chị chủ nhà. Riêng cô con gái Tân dẫn đi may một lúc mấy bộ quần áo và mua cho chiếc xe đạp để đi học. Tân viết thư gửi Jacqueline bầy tỏ lòng biết ơn. Với các bạn bè người Mỹ cũng vậy. Và cứ thế mỗi tháng Tân nhận được một lá thư của Jaqueline cùng một số tiền hoặc hàng hóa, có lần có cả đồ hộp thức ăn, sữa. Tạm thời qua cơn bĩ cực nhưng Tân vẫn không chịu rời chiếc xích lô. Hàng ngày anh vẫn đạp xe ra phố, không phải để chở khách như trước mà là phương tiện để anh đi đó đây thăm bạn bè ăn nhậu. Thỉnh thoảng anh đạp xe tới góc phố Lê Lợi - Tự Do tưởng nhớ tới Jacqueline và những ngày đầu gặp gỡ. Đôi mắt xanh biếc và mái tóc vàng óng ả chẩy dài xuống lưng của Jacqueline hình như lúc nào cũng hiển hiện trước mắt Tân. Có lý nào cô nàng yêu mình? Tân băn khoăn, thắc mắc, khắc khoải mãi với câu hỏi này. Và đôi lúc anh thấy nhoi nhói nơi tim khi nghĩ rằng chẳng qua cô nàng thương hại mình thôi. Trong những lá thư gửi Jacqueline, Tân đã bóng gió viết về tình cảm của mình đối với nàng, nhưng có lẽ nàng không hiểu sự tế nhị này của người Á Đông. Trong thư hồi âm, Jacqueline vẫn viết nhiều về những ngày ở Việt Nam và hỏi Tân về lịch sử, phong tục, tập quán, phong cảnh và những món ăn của người Việt. Rồi cô hỏi Tân thích nhất món ăn gì của Mỹ và nếu được sang Mỹ định cư thích sống ở đâu. Mỗi lần nhận được thư Jacqueline là buổi tối hôm đó Tân nằm mơ thấy mình sống trên đất Mỹ. Lúc thì lái máy bay, có lúc thì đi hộp đêm với bạn bè người Mỹ nhẩy đầm nhậu nhẹt say khướt. Nhưng nhiều nhất vẫn vẫn là mơ thấy sóng đôi với Jacqueline, hết đi ngắm tuyết ở vùng đồi trắng xóa miền Đông, tới shopping ở các chợ miền Nam Cali nắng ấm. Khi thức giấc Tân thấy tiếc và muốn giấc mơ cứ thế kéo dài mãi.
Buổi sáng hôm đó Tân sửa soạn đạp xích lô đi “tiếu ngạo giang hồ” có một anh công an tìm gặp. Anh ta trố mắt ngạc nhiên khi thấy người mình đi tìm gặp lại là một anh đạp xích lô. Anh ta hỏi đi hỏi lại mãi có đúng tên là Đỗ Tân không rồi mới cho biết lý do. Có ông dân biểu Mỹ muốn gặp. Tân choáng người. Một dân biểu Mỹ muốn gặp anh? Rồi trực giác bén nhậy của Tân cho biết đây là một tin lành. Tân đạp xích lô theo anh công an đến khách sạn Đại Lục nơi trước đây Jacqueline ở. Mọi người làm trong khách sạn đều nhìn Tân với cặp mắt nghi ngờ và kiêng nể. Thì ra ông dân biểu Mỹ là cựu phi công học cùng khóa với Tân. Máy bay của ông bị bắn trong một phi vụ oanh tạc miền Bắc và bị nhốt “khách sạn Hilton ” hơn năm năm thì được thả. Về Mỹ ông ứng cử và đắc cử dân biểu. Jacqueline đã gặp ông trình bầy hoàn cảnh Tân và nhờ ông can thiệp với chính phủ cộng sản Việt Nam. Ông sang đây với một phái đoàn bàn thảo chương trình viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, trong đó có “chút việc riêng tư” là can thiệp cho Tân sang Mỹ định cư. Trước khi gặp nhà chức trách, ông muốn gặp Tân để “nhận diện” người bạn đồng khóa năm xưa.
5
Anh Hoàng thân quý,
Sau khi chia tay anh ở phi trường Tân Sơn Nhất. thấm thoát thế mà đã hơn ba tháng trôi qua. Sở dĩ hôm nay mới viết thư cho anh vì khi đặt chân tới đất Mỹ, khỏi kể nhiều anh cũng thừa biết là tôi bận lắm. Sau khi nghỉ ngơi cho tỉnh người, đồng thời cũng là để gột sạch “bụi bậm xã hội chủ nghĩa” (còn bám chút đỉnh nơi thân thể), tôi và Jacqueline lo tổ chức lễ cưới. Rồi chúng tôi đi Washington DC tới bức tường đá đen ghi tên các chiến sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam.Chúng tôi dành ít phút cúi đầu tưởng niệm dưới hàng chữ ghi tên Carter.Sau đó chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật ở Honolulu. Tiếp theo chúng tôi đi thăm chỗ tôi học lái máy bay năm xưa ở hai bang Lousiana, Texas và các bạn phi công cùng khóa. Ông bạn cựu phi công đương kim dân biểu đã giới thiệu cho tôi một job hợp với khả năng: lái máy bay cho một đồn điền. Còn Jacqueline vẫn tiếp tục nghề cũ y tá bệnh viện. Con gái tôi được Jacqueline và con gái cô quý mến lắm. Hai đứa ngoài giờ học cứ quấn quýt bên nhau như hai chị em ruột. Như anh biết đấy, khi ra đi tôi đã mang theo chiếc xích lô mà tôi phải mua lại với một giá mắc người chủ mới chịu bán. Cứ chủ nhật hoặc những ngày nghỉ lễ, tôi đạp xích lô chở Jacqueline và hai đứa nhỏ chạy lòng vòng trên các đường nhỏ trong thành phố. Đây là một chiếc xe độc đáo duy nhất có ở thành phố này, nên đạp tới đâu cũng được người Mỹ vui vẻ ngắm nghía và trầm trồ giơ tay chào. Có nhiều người bắt tôi xuống xe để cho họ đạp thử và suýt nữa thì làm lật cả xe. Lâu dần người Mỹ quen mắt với chiếc xe xích lô của tôi. Chúng tôi đặt chiếc xích lô ngay trong phòng khách. Nhờ nó, tôi và Jacqueline thành duyên chồng vợ nên chúng tôi vô cùng quý và trân trọng giữ gìn nó.
Hiện tại chúng tôi đang sống tràn trề hạnh phúc. Mùa xuân của cuộc đời tuy đến muộn nhưng chúng tôi bằng lòng lắm với những gì mình đang có, đang sống. Thiên đường có thật anh Hoàng ạ! Và chúng tôi đang tắm trong suối nguồn tươi mát của Thiên Đường.
Xin chúc anh và gia đình mọi điều tốt đẹp. Thỉnh thoảng rảnh rỗi anh nhớ viết thư cho tôi nhé.
Quý mến,
Đỗ Tân.

Xem Tiếp: ----