Chương 5

Thấy em gái vừa đi theo mẹ ra cổng, Nhân bèn rón rén bước lại gần cửa sổ gọi vọng vào:
- Quỳnh ơi em có thích đi xem những chú chim non mới nở không? Hôm qua anh vừa phát hiện ra một tổ chim bìm bịp có tới những ba bốn con lận. Chúng xinh lắm, em mà nhìn thấy sẽ mê ngay.
Đang nằm đọc sách, Quỳnh vội nhổm dậy khỏi giường ngay:
- Thật không? Anh bắt cho em nhé!
Nhân vẫy một bàn tay:
- Được, nhưng phải để chúng lớn thêm chút nữa đã.
Quỳnh vội xỏ chân vào dép, nghe nói thế bèn phụng phịu:
- Thế anh thông báo trước với em để làm gì?
- Để đi xem… và chăm sóc cho chúng lớn.
Quỳnh toan buộc miệng bảo: “Có mà khùng mới đi nuôi chim trời…” nhưng kịp ngăn lại để ngoẹo đầu:
- Em chỉ thích bắt chúng đem về chơi thôi.
Nhân ngần ngừ rồi khẽ gật:
- Đành chiều lòng cô bé vậy. Nào, hãy đi theo anh mau.
Song Quỳnh đã khựng lại:
- Khoan. Chờ em gọi nhỏ Lụa…
- Thôi đừng… có nhỏ đó xuất hiện ở đâu sẽ hỏng bét việc ngay. Nhỏ Lụa đã theo má anh đi chợ rồi. – Nhân vội cản lại.
Quỳnh chưa rời chỗ mà chớp nhẹ đôi mắt:
- Vậy ai sẽ coi nhà cho em theo anh ra vườn đây?
- Thì cứ đóng cửa để đó, ở đây không ai ăn cắp đâu mà sợ. Có lũ chó coi nhà rồi.
Nhưng Quỳnh tỏ ra cẩn thận:
- Đừng chủ quan như thế! Cứ ở nhà chờ bác Năm và nhỏ Lụa đi chợ về cho chắc ăn.
Thấy bạn của em gái quá cảnh giác. Nhân liền buông tiếng khen ngợi:
- Tốt lắm! Phải như anh có thêm một cô em gái nữa thì hay biết chừng nào.
Quỳnh chũn cặp môi hồng:
- Thì anh nói với bác Năm nhận em làm con nuôi đi rồi em sẽ trở thành em gái của anh liền hà.
Nhân phản đối:
- Không được. Anh chỉ muốn em là nhỏ Quỳnh, bạn của Lụa thôi.
Nói tới đây, anh con trai rời chỗ đứng để vào nhà, Quỳnh cũng ra khỏi căn buồng tới ngồi nơi bộ ván gõ cùng Nhân trò chuyện. Trong một thoáng vui miệng, Quỳnh bỗng có ý định kể cho Nhân nghe về cái tên mà cha mẹ đặt cho mình. Cô mấy máy chiếc miệng:
- Hôm qua anh Nhân có hỏi vì sao mà em lại có cái tên Quỳnh và em đã hẹn… Vậy bây giờ anh có muốn được nghe không?
Với thái độ sốt sắng, Nhân cười bằng mắt:
- Rất muốn. Để anh khỏi thắc mắc vì sao trên đời này lại có một cô gái đẹp cả người lẫn tên.
Quỳnh thẹn đỏ hồng má:
- Anh nói quá làm em mắc cỡ rồi đó nha. Ngoài anh ra, trong đời em chưa được nghe ai khen mình lần nào. Ở trường… nhóm “ngũ long” chúng nó chỉ quen gọi em là “cô bé lọ lem” thôi.
- Cũng đúng thôi, bởi vì… lọ lem cũng là một giai nhân tuyệt sắc được giấu kín qua vẻ rách rưới bên ngoài.
- Anh nói chuyện nghe cũng văn hoa ghê đấy. Thế mà nhỏ Lụa vẫn luôn cho rằng anh bị thần kinh thật sự. Nhưng với em thì em cho rằng anh có tính chất lãng mạng của một người nghệ sĩ. Sao anh Nhân không tiếp tục theo học mà lại bỏ dở dang giữa chừng?
Như gặp trúng người hợp ý, Nhân bèn tâm sự sau một tiếng thở dài:
- Anh bỏ học cũng bởi vì nguyên nhân bị mọi người gọi là thằng “mát dây” sau cái tai nạn cứu người đó cô bé ạ. Số là hôm vừa xuất viện về, anh có một cô bạn gái đến thăm. Nói cho ngay lúc ấy vừa mới bị chấn thương đầu nên thần kinh anh chưa kịp ổn định đã thốt nên những câu nói vu vơ khiến cho cô ta phải sợ. Rồi cộng thêm việc nhỏ Lụa nhấn mạnh rằng bác sĩ biểu anh có nguy cơ bị ảnh hưởng về thần kinh nên mới gây ra tai hại như em biết đó! Ngày anh đến trường đầu tiên bạn bè đùa cợt gọi anh là thằng tâm thần. Còn cô bạn gái mà anh thích nhất thì lại biểu anh điên rồi xa lánh không thèm gặp. Nỗi mặc cảm đã biến anh thành một kẻ có tính “man” từ đó dù rằng anh rất muốn chứng minh cho mọi người hiểu rằng mình đang rất tỉnh táo. Nhất là những người thân trong gia đình anh.
Nghe xong mọi tiềm ẩn của Nhân, Quỳnh thấy thương xót cho anh con trai này quá đỗi nhưng chưa biết phải tìm cách nào để giúp anh thoát được cái chứng bệnh tâm lý mà vui sống bình thường. Bởi lẽ Quỳnh chỉ là một cô bé, tuổi bé hơn Nhân thì lấy đâu ra kinh nghiệm mà chữa trị cho người khác được. Quỳnh thấy Nhân thay đổi bộ mặt:
- Nãy giờ anh quả thật là điên ghê. Lẽ ra phải ngồi nghe Quỳnh kể về mình thì lại giành nói toàn những chuyện không bình thường.
Quỳnh vội đỡ lời:
- Em không giống như cô em gái của anh đâu mà sợ, bởi vì một người “mát dây” như anh mà có khả năng làm thơ được thì cũng là loại “điên” cao cấp.
Nhân cười trông thật đẹp:
- Em ví von nghe gì lạ thế! Điên mà cũng có loại cao cấp và hạ cấp nữa sao?
Quỳnh diễn tả bằng cả đôi tay khá uyển chuyển của mình:
- Tất nhiên rồi. Bởi hai hạng người ấy cách xa nhau… xa đến nỗi không thể nào cân bằng được.
Nhân có cảm tưởng trong đời anh chưa từng được một lần vui như vậy.
- Thế hả? Vậy thì anh cũng có phần hãnh diện đấy, bởi được làm người điên cao cấp của em.
Tiện dịp, Quỳnh thử sức của mình:
- Anh Nhân à, anh có dự định đi học trở lại không?
Nhân thay đổi thái độ bằng cái chau mày nhẹ nhẹ:
- Sao Quỳnh lại quan tâm tới vấn đề này làm chi?
Quỳnh đáp không hề ngập ngừng:
- Bởi em thấy anh nghỉ học như thế là uổng lắm. Chẳng gì cũng bao nhiêu năm đèn sách…Nếu thích theo nghề nông thì cũng cần phải có trình độ cao về kĩ thuật anh Nhân à. Theo em, anh nên tiếp tục xin học lại. Chỉ một năm cuối cấp nữa thôi là…
- Không đơn giản thế đâu Quỳnh. Lúc nghỉ học anh chỉ mặc cảm có một phần, bây giờ mà học lại thì nỗi mặc cảm càng phình to hơn nữa.
- Nhưng tương lai là của mình chứ đâu phải của người ta. Vấn đề là anh phải chứng minh rằng anh vẫn còn tỉnh táo để tiếp thu kiến thức.
Nhân im lặng trong khi Quỳnh vẫn nói:
- Nếu anh mặc cảm với bạn bè gần gũi thì có thể xin đăng kí học xa…
Nhân đăm chiêu:
- Như vậy thì đi hết để má anh ở nhà một mình sao? Em cũng biết công việc dưới quê cực nhọc lắm, mà nhà anh chỉ sống bằng hoa lợi của vườn cây. Nếu không có người chăm sóc kĩ lưỡng thì mức thu hoạch thấp lắm.
Lý do của Nhân đưa ra làm cho Quỳnh tắt tị không biết phải dùng lời khuyên nào cho hoàn cảnh của anh. Nhưng dẫu sao thì cô cũng rất tiếc khi Nhân không tiếp tục làm cậu học trò như bao nhiêu người khác.
Thấy Quỳnh ngồi lặng thinh ngó mình, Nhân khẽ hỏi:
- Hết chuyện nói về anh rồi phải không? Thế thì cô bé hãy thuật về mình đi. Anh đang đợi nghe nãy giờ nè.
Đôi môi Quỳnh đang chúm chím nụ cười:
- Anh mà không nhắc thì em đã quên mất chuyện mình có một cái tên rất huyền hoặc rồi. Anh có biết hoa Quỳnh không?
Nhân lắc đầu:
- Anh có nghe, nhưng chưa nhìn thấy bao giờ.
- Vậy thì hãy im lặng nghe em kể rồi anh sẽ hình dung ra nó ngay.
Quỳnh hắng giọng rồi bắt đầu nói giọng thật say sưa:
- Số là vầy…hồi ba má em còn trẻ, lúc họ chưa cưới nhau thì nhà ông ngoại em có trồng một chậu Quỳnh. Nó rất xanh tốt và trổ ra rất nhiều nụ, nhưng tuyệt đối chẳng ai nhìn thấy được hoa của nó nở đàng hoàng vì trời vừa sáng thì nó đã khép nhụy rồi héo rũ. Hôm đó, duyên cớ sao ba em tới nhà nói chuyện với má mãi đến khuya mới chịu về. Khi tiễn chân ba em ra tới tận cổng má em chợt phát hiện những nụ Quỳnh đang dần dần hé mở nên thích thú đứng lại coi. Má em đã lặng người trước vẻ đẹp của hoa Quỳnh. Và từng đêm, ngày nào má cũng mong ba tới ngồi chơi thật khuya để được thưởng thức loài hoa có sắc trắng nhưng chỉ ưa bóng tối. Rồi tình yêu của ba và má ngày càng đậm đà bởi sự kết hợp của chậu hoa Quỳnh, nên khi mang thai em họ đã chọn ngay tên loài hoa ấy để đặt cho đứa con đầu lòng…
Nhân thấy thú vị vô cùng nên mới ngắt lời:
- Thì ra hoa Quỳnh cũng tượng trưng cho một tình yêu và biến nó thành hôn nhân.
Nhưng Quỳnh lại sụp buồn:
- Đó là ngày xưa… anh Nhân a. Còn bây giờ thì ba má em đang… sắp sửa chia tay nhau. Bởi thế nên em mới buồn bỏ nhà lên đây không cho ai hay. Chắc là giờ này ở thành phố mọi người đang cuống quýt tìm em đấy.
Nhân toan cất tiếng chia xẻ nỗi niềm với Quỳnh thì nhỏ Lụa đi chợ về ào vào nhà như một cơn lốc. Tay cô cầm tờ báo chìa cho bạn coi:
- Mày xem đi nè nhỏ! Một cái tin “trẻ lạc” sẽ làm cho mày khóc đó!
Quỳnh đón lấy tờ báo trong tay bạn, tim thót lại vì cảm xúc. Cô lướt mắt xuống những dòng chữ trên trang mục cuối và thấy hình mình đăng ở đó thì lòng dấy lên nỗi bồi hồi không tả được. Quả như lời nhỏ Lụa nói, nước mắt Quỳnh ứa ra rồi chảy tràn xuống má nhỏ giọt vào mục đăng của tờ báo:
NGUYỄN THỊ HOA QUỲNH
16 tuổi bỏ nhà đi ngày… tháng… năm…
Con ở đâu? Hãy về nhà mau, ba má đi tìm con khắp chốn, ai biết xin chỉ dùm…
Ngồi quan sát cử chỉ của Quỳnh, Nhân không chịu nổi bật hỏi:
- Chuyện gì mà Quỳnh vừa đọc báo xong đã khóc vậy?
- Ba má nhỏ Quỳnh đăng báo tìm nó về. - Nhỏ Lụa đáp thay cho bạn.
Đó quả là một điều bất ngờ với Nhân nên anh ngồi thừ ra trên bộ ván, nét mặt diễn biến khá căng thẳng. Bà Năm chậm chạp bước vô, nhìn nhỏ Quỳnh khuyên:
- Cháu hãy nghe bác mà lo thu xếp về đi, đừng để cha mẹ phải khốn khổ vì mình. Nhà bác có thể đón tiếp cháu ở đây chơi một thời gian dài, nhưng vì bác đã từng làm mẹ nên bác hiểu nỗi lo của ba má cháu hiện giờ lắm.
Quỳnh đang khóc nhưng nét bướng bỉnh của cô vẫn lộ ra:
- Cháu chưa muốn về đâu, thưa bác.
Lụa choàng tay ôm cổ bạn, động viên:
- Đừng có “mưa” nữa nhỏ ơi! Mày chỉ về cho ba má mày biết tin thôi rồi lại trở lên đây chơi với tao hết tháng hè mà Quỳnh.
Thấy bạn im lặng, Lụa nói tiếp:
- Hay để tao cùng đi với mày về thành phố nha.
Quỳnh bỗng gạt phắt đi:
- Thôi khỏi! Tao không muốn mày thấy cảnh bất hạnh của tao.
- Ôi, con nhỏ này chưa chi đã bi quan quá nỗi. Cứ làm như mà là một đứa mồ côi vậy.
- Còn hơn thế nữa Lụa à. Thà rằng tao không cha, không mẹ từ lúc còn bé còn hơn là bây giờ nhìn thấy cảnh cha mẹ chia ly.
Lòng không muốn xa cô gái vừa làm tim mình rộn lên một niềm vui, Nhân vụt nắm lấy tay Quỳnh trước mặt mẹ và em. Anh phản lại ý kiến của mọi người:
- Chúng ta không thể bắt Quỳnh về nhà ngay lúc này được vì hiện giờ cô bé rất buồn. Cứ để cho cha mẹ Quỳnh thấm thía cái nỗi khổ mà họ đã gây ra.
Lụa vội kêu lên bai bải:
- Anh Hai quả là ác quá xá.
Bà Năm cũng đưa mắt nhìn con trai:
- Nhân à, con nghĩ gì mà lại thốt lên câu nói nghe khđiều trị liền đi.
Nghe con gái bảo thế bà Năm hoang mang ra mặt:
- Hổng lẽ nào…? Má thấy nó vẫn còn tỉnh táo lắm mà.
- Coi vậy chứ ảnh nổi cơn lúc nào không biết đó! Giống như hồi nãy, tự nhiên đòi theo con gái người ta.
Linh cảm bà mẹ vụt báo cho bà Năm biết một điều song bà không tiện nói ra. Có thể thằng con của bà đã thực sự lớn, và nó đang nuôi dưỡng những ý nghĩ mà tạo hóa đã để sẵn cho con người. Năm nay Nhân cũng đã mười chín tuổi còn gì, cái tuổi đã được xã hội công nhận là thanh niên thì tất nhiên nó không còn là một cậu bé như xưa nữa. Bà Năm tin chắc tâm sinh lý của con trai đã thay đổi trong thời gian có Quỳnh ở đây. Điều đó đối với bà cũng dễ hiểu thôi, bởi bà đã từng trải qua một chặng đời mà các con của bà giờ mới đang chập chững bước vào. Nhưng còn Lụa thì chắc không thể nào hình dung được sự mới mẻ nơi anh mình. Chính vì thế mà cô bé cứ một mực bảo anh Nhân trở lại bệnh viện khi nhìn thấy những hiện tượng này xảy ra.
Bà Năm giải thích cho con gái nghe một cách gợi ý:
- Đã có bao giờ con có cảm thấy thích một người bạn trai chưa?
Câu hỏi bất ngờ nên Lụa vội vàng lúng túng:
- Sao má lại hỏi con như vậy?
- Thì con cứ trả lời rồi má sẽ phân tích cho con nghe.
Lụa thoáng đỏ mặt khi phải nói:
- Bạn trai trong trường con thì không thiếu. Nhưng nói thích thì con ưa anh lớp trưởng nhiều hơn. Bởi lẽ…
Bà Năm ngắt lời con bằng ánh mắt thật dịu dàng:
- Má đã hiểu đằng sau hai chữ “bởi lẽ…” ấy của con rồi không cần phải diễn tả. Có phải con muốn nói cậu lớp trưởng của mình thông minh đẹp trai và có nhiều đặc điểm hơn người khác?
Đôi má Lụa vụt nóng ran:
- Má! Sao má biết hay vậy?
Nhìn dáng điệu thẹn thùng của con gái, bà Năm chợt nhớ mình lúc thiếu thời. Bà mỉm cười đôn hậu:
- Má là má của con thì má phải biết những gì đang đến với con chứ. Cả anh Hai của con cũng thế!
Ngừng một chút để hắng giọng, bà Năm tiếp tục nói:
- Con có nghĩ rằng anh Hai con cũng thích Quỳnh như con thích cậu lớp trưởng đó không?
Lụa kêu lên trong ngỡ ngàng:
- Má…
- Không có gì là lạ đâu con à. Tâm lý tình cảm của con người luôn là vậy mà.
- Nói thế là má phủ nhận chuyện anh Hai con bị thần kinh?
Bà Năm ngó đăm đăm vào con gái:
- Chưa hẳn là như vậy. Bởi lẽ thằng Nhân nó bị ảnh hưởng tâm thần, biết đâu nó cũng có thể như con nói. Mà thôi… cố để vài bữa xem sao.
Hai mẹ con Lụa kéo nhau lên nhà trên, họ cùng thấy Nhân ngồi ngây người trước chậu hoa Quỳnh. Cho tới lúc chiều buông xuống làm tắt lịm những tia nắng cuối ngày con sót lại sau cơn mưa. Đêm hôm ấy Lụa thấy anh trai ngồi lặng im hằng giờ ngoài hiên cửa rồi trở vô nhà tìm giấy bút ra viết hí hoáy tới tận khuya. Ngỡ Nhân định biên thư cho bạn mình nên Lụa đã cười thầm, lòng thầm bảo mình anh trai mình là kẻ “mát dây” hạng nặng.
Nhưng đến khi xem được những trang giấy ấy thì Lụa mới sững sờ hiểu rằng anh trai mình có tình cảm đặc biệt với nhỏ Quỳnh. Quả là điều mới lạ và cũng thật ngỡ ngàng. Hai chữ “tình yêu” với Lụa như ẩn số chưa tìm ra lời giải. Vậy là anh Nhân chỉ hơn mình có vài tuổi, còn là kẻ chẳng bình thường lại hăm hở “đòi yêu”. Còn con nhỏ Quỳnh nó cũng chỉ mới mười sáu như ta chứ có nhỉnh hơn được chút nào đâu, mà bỗng dưng lại có người thầm thương trộm nhớ? Con nhỏ thật là tốt duyên quá xá. Tự nhiên Lụa cũng ước gì cái anh chàng lớp trưởng có chiếc răng khểnh kia cũng đang nghĩ về mình giống như vậy để cô được ngang cơ với Quỳnh, để xem tình cảm trai gái kia có nhiệm màu như những bài thơ tình thường được người ta in trên các báo. Trong lúc Lụa đang so sánh tình yêu với tình bạn thì một tiếng động sau lưng là cô phải giật mình. Dúi vội quyển sổ ghi chép mấy bài thơ của anh trai vào hộc tủ rồi quay phắt lại với trái tim đập mạnh. Thật hú hồn… con mèo mà Lụa tưởng Nhân về bắt gặp mình đang xem trộm điều thầm kín của anh. Không nán lại trong phòng của Nhân, Lụa hối hả biến nhanh vì biết đâu anh chẳng xuất hiện nổi khùng ban cho cô mấy cái bạt tai vào má. Song vì quá vội vã Lụa đã tông vào chậu Quỳnh anh trai để ngoài hiên khiến nó đổ kềnh lăn ra cả đất. Sợ hãi, Lụa vội sửa nó lại y như cũ rồi trỏ tay vừa mắng, vừa cuời:
- Quỳnh ơi… mày làm khổ tao rồi.
Bà Năm từ ngoài vườn đi vô nhìn thấy con gái lạ lẫm:
- Con đang nói chuyện với ai vậy Lụa?
Ngước mặt nhìn mẹ, Lụa chợt thẹn thùng chỉ tay vô chậu Quỳnh truớc mắt hai người:
- Con đang nói chuyện với con nhỏ Quỳnh.
- Ồ, đây là chậu hoa mà.
- Vâng! Nhưng mà má coi, anh Hai con ngoài giờ làm việc ra là cứ ngồi cắm dùi ở đây nhìn ngắm cây Quỳnh này như thể nó là người yêu của anh vậy.
Bà Năm cười tủm tỉm:
- Cái miệng mày chuyên môn nói bậy. Tại anh con nó thích…
- Ảnh không thích cây mà thích người mang tên của nó. Má cứ ngẫm mà coi… - Lụa cãi lại hùng hồn.
Rồi Lụa ghé sát vào tai mẹ thì thầm những điều mình mới phát hiện ra. Bà Năm nghe xong liền ngẩn người ra dù rằng đã đoán trước sự thể đang diễn biến nơi con trai là thế! Bà Năm vội dặn dò Lụa:
- Vài bữa nữa mà Quỳnh có lên đây chơi, con đừng có lộ điều gì cho nó biết nghe chưa.
- Nhưng… anh Hai con…
Bà Năm chận lời bằng câu giải thích:
- Con nên biết rằng anh Hai con bệnh hoạn, ai thèm thương nó. Nhất là nhỏ Quỳnh bạn của con, người ta xinh xắn thế kia!
Lụa thở ra:
- Vậy má biểu con phải làm sao đây? Nói thẳng cho anh Hai biết là anh đừng có nuôi mộng hão huyền chăng?
- Đừng! Như thế thì tội nghiệp cho nó lắm! Hổng chừng chứng bệnh của anh con sẽ bộc phát dữ dội và nó điên luôn thì nguy. Thôi cứ để mặc cho nó sống trong mộng được ngày nào thì hay ngày ấy. Có lẽ phải vái trời cho con Quỳnh đừng trở lại nhà mình.
Lời mẹ làm Lụa thoáng buồn nhưng cô không dám phản đối mà chỉ xìu mặt xuống. Hai mẹ con cùng hướng mắt về chậu Quỳnh với hai dòng tâm tư khác biệt, một gợn ắp nỗi lo âu… một hoang mang không biết có nên nói lại với bạn về vấn đề này để được bạn giúp đỡ, cảm thông. Ngoài trời mưa lắc rắc những giọt nhỏ li ti. Tuy nhánh Quỳnh chưa chịu lú mầm non, nhưng trông nó cũng đẹp mắt và lại có phần thanh thoát. Một lần nữa Lụa lại cất tiếng nói thì thầm: “Quỳnh ơi… anh tao trồng “cây si” mày rồi".