Những bước chân êm đềm

    
ôi là một tên chuyên môn bị đàn bà ăn hiếp, nhất là đàn bà bán hàng. Mua món gì cũng đắt hơn người ta. Một lần tôi mang về đến bốn cái áo may-ô, tôi khoe với lũ con:
- Ê! Ra đây coi tụi bây. Ba mới mua được loại may-ô này là loại tốt nhất xứ. Hiệu “Hoa hồng”. Xem này, sợi chỉ của nó mịn như lụa thấy không? Ngó mỏng vậy mà mặc chắc lắm.
Con Trang hỏi:
- Bao nhiêu một cái vậy Ba?
- Có một trăm chín. Cô bán hàng nói Ba là chỗ khách quen nên cô bán rẻ. Ở hiệu khác phải hai trăm hay hai trăm hai. Cô nói người sành điệu mới biết chọn hiệu này. Tuy giá hơi cao nhưng mặc một cái bền bằng ba bằng bốn cái của hiệu khác. Cô nói người Tàu họ khôn lắm, họ chỉ mặc hiệu này. Đã bền mà mặc lại mát.
Thằng Đức khẽ vò mặt vải giữa hai ngón tay rồi nói:
- Ừ! Nó mềm nõn hơn cái may-ô của con.
Con Diễm mân mê cái nhãn áo có vẽ đóa hồng màu đỏ:
- Tên Ba là Hồng mà mặc may-ô “Hoa hồng” thì phải quá. Như vậy chị ở khỏi lẫn lộn với may-ô của người khác, khỏi cần làm dấu.
Tôi đắc ý nhớ đến cái lối làm dấu của lũ nhỏ. Cái khăn tắm của tôi, chúng nó viết một con số 3 vào một chéo rồi chúng gọi chị ở:
- Nhớ nghe chưa? Cái khăn này của Ba. Tụi tôi viết con số 3 cho chị dễ nhìn.
Niềm sung sướng tôi không ích kỷ giữ cho riêng mình. Hôm sau ở giữa sở, trong giờ nghỉ tay, tôi đem khoe cái hiệu may-ô “Hoa hồng”. Khi tôi nói giá xong, anh Kinh bạn tôi ngạc nhiên:
- Moa mua có một trăm tám.
Anh Duy:
- Mình mua ở hiệu Công Tuấn có một trăm sáu.
- Hay là có loại tốt loại vừa? - tôi nói.
Duy cười:
- Có một loại thôi, cậu ơi! Con mẹ bán hàng nó lừa cậu đó.
Lần sau là một con dao. Lại cũng một người đàn bà. Tôi phân trần:
- Cô bán cho tôi một con dao. Có đủ cái mở nút chai, cái mở nắp bia, cái dùi…
Khi cô lại mở tủ gương, tôi vội vã thêm:
- Tôi chọn cái dao ngoại quốc cho tôi nghe? Tôi không thích thứ dao made in Chợ Lớn(1 ).
Cô loay hoay một lát rồi đem lại đưa cho tôi một con. Trên thân nó có in dấu một chữ Thập đỏ, trong như lá cờ Thụy sĩ. Tôi bật tung mọi thứ phụ tùng của nó ra, lưỡi lớn, lưỡi nhỏ, ruột gà mở nút, dài nhọn phủng tay vân vân. Trông nó quều quào như một con tôm, có càng có vây, có râu có mắt, có ngàm kẹ, có chân bơi, có chân vây…
Thấy mặt cái vỏ không được sáng lắm, tôi nói:
- Cô có chắc nó là đồ ngoại?
Giọng cô thanh tao như giọng một loài chim:
- Vâng ạ. Đồ ngoại đấy ạ.
- Họ không khắc nơi xuất xứ của nó?
- Ở trên con dao họ không bao giờ khắc cả đấy ạ. Ông cứ lấy dùng. Thứ dao này sắc lắm cơ ạ.
Thấy tôi ngần ngừ, cô mỉm cười:
- Ông an tâm mà, chúng tôi không nói dối ông đâu. Đồ ngoại chính cống đó ạ.
Tôi hỏi giá, trả tiền rồi bỏ túi về nhà.
Lần này thì tôi không khoe với ai hết. Chẳng lẽ phải mang nó theo để mà giới thiệu, còn gọi tên thì nó không có nhãn hiệu sản xuất. Tôi dùng nó được hai ngày, để rọc giấy hay để nằm không đó nhìn chơi. Chứ cũng không dùng để gọt bút chì được. Gọt bút chì phải dùng lưỡi dao cạo. Sang ngày thứ ba, tôi dùng nó để cắt một đoạn dây. Nhưng khi đè nặng mũi dao xuống đoạn dây thì, bất ngờ chưa; lưỡi dao bỗng bật ngửa lên trời. Mảnh sắt đè nó không chịu giữ nó lại, mà cả hai rủ nhau cùng ngước lên hết. Chẳng lẽ chửi thề với cô bán hàng vắng mặt? Tôi giận quá, ném vụt con dao ra sân. Chạy xuống bếp lấy con dao thái rau, cứa một cái là đoạn dây đứt sựt làm hai. Không cần phải hỏi ai tôi cũng biết rõ con dao không phải đồ ngoại. Cái kiểu ngước cổ lên trời đó thì không thể không made in Chợ Lớn.
Tôi sợ các cô bán hàng từ đó. Hễ đi ngang qua một tiệm mà thấy có đàn bà đứng bán là tôi không dám vào.
Một hôm tôi đi tìm mua một cái nồi nấu cơm hiệu National. Thấy có người đàn ông đứng ở tiệm, tôi bước vào. Ông chủ tiệm cười chào:
- Chào ông. Lâu quá không thấy ông đi phố. Hôm nay ông muốn mua món gì đó?
- Tôi tìm mua cái nồi National.
- A! Còn mấy cái đây. Để tôi lấy ông lựa.
Ông bắc ghế với lên cao, lễ mễ bê ba cái nồi bày trước mặt tôi. Vừa lúc đó bà vợ ở nhà sau bước tới. Bà nói gì đó với chồng và ông chồng xin lỗi tôi để chạy ra sau một chút. Bà vợ cười với tôi:
- Chà! Ông mà cũng đi mua nồi! Sao không lấy vợ đi để bà ấy lo cho?
Tôi mỉm cười trả:
- Lấy vợ đâu có dễ như đi mua nồi?
- À, tại ông kén…
- Vâng. Đúng. Cũng như mua nồi thì phải lựa hiệu National.
- Có thế ạ. Các loại nồi National này là tốt nhất đây. Tôi buôn về bao nhiêu hết bấy nhiêu. May ông đến sớm còn mất cái, chừng ngày mai ông đến là hết. Nào, ông thích cái nào? Cái này bốn người ăn, cái này sáu người ăn, cái này tám người ăn.
- Nhà tôi năm người.
- Thế thì ông lấy cái sáu người ăn. Bây giờ rẻ rồi mà. Đâu có ba nghìn hai. Trước đây một tháng, đắt lắm. Đến những ba nghìn rưỡi cơ.
Tôi phải đánh lạc câu chuyện cái nồi cốt ý đợi ông chồng lên. Có kinh nghiệm về đàn bà rồi mà. Tôi nói:
- Bà độ rày trông béo và trắng ra.
Người đàn bà cười:
- Ông nói thế chứ. Tôi vừa mới ốm xong.
- Vậy thì chừng nửa tháng nữa bà sẽ còn đẹp hơn hôm nay.
- Thôi thôi, tôi già rồi. Ông khen làm tôi phát ngượng.
- Cháu bà ngoan chứ?
- Cám ơn ông, cháu ngoan ạ.
- Học đến lớp mấy rồi?
- Dạ đệ Lục ạ.
Trời ơi! Sao ông chủ làm gì ở dưới đó mà lâu vậy? Lên mau đi chớ! Tôi sắp cạn chuyện nói rồi.
- Cháu học Anh văn hay Pháp văn?
- Thưa ông, Anh văn ạ.
- Thế ngoài giờ học ở trường, bà có cho cháu học thêm ở mấy lớp tối không?
- Dạ tôi có nhờ một cậu học đệ Nhị tối tối đến kèm cho cháu ạ.
- Thế thì tốt lắm. Ờ… ờ… Thế cháu đứng thứ mấy hàng tháng?
- Dạ, có tháng thứ năm, có tháng thứ nhì.
- Giỏi quá! Thế… à… à… cháu có ham đi chơi không?
- Dạ không ạ. Hết giờ học là cháu xăm xăm về nhà. Chả biết rủ rê đùa nghịch với ai hết ạ.
- Cũng nên cho cháu đi chơi cho giải trí. Đi… tắm biển chẳng hạn. Cháu có đi tắm biển chớ?
- Dạ có đấy ạ. Sáng chủ nhật cậu cháu vẫn dắt cho đi tắm “biển” đấy. Cháu bơi giỏi lắm đấy ạ.
- Tốt quá. Học giỏi lại ngoan. Lại bơi giỏi. Bà thật có phúc quá.
Tôi chợt thấy tôi cũng có phúc nữa. Bởi vì kìa, ông chủ đang vội vã lê dép từ nhà sau bước lên. Người đàn bà giao nhiệm vụ tiếp chuyện tôi cho chồng và xin lỗi tôi để ra nhà sau.
Tôi đi vào vấn đề cái nồi liền. Ông chồng nói:
- Tính ông hai nghìn rưỡi.
Tôi vội vã móc túi đếm tiền, trao tiền.
- Ông thong thả để cho tôi gói lại cẩn thận.
- Được lắm.
Khi ông chủ tiệm bỏ tiền gọn vào ngăn kéo rồi thì tôi đâu còn sợ sự xuất hiện của bà vợ nữa?
Trải qua nhiều lần được đãi ngộ kiểu như trên, tôi đâm ra sợ hãi đi mua. Nhiều hôm vật dụng trong nhà đã hết, đã hư mà tôi vẫn cứ lần lữa bỏ liều, thây kệ, cam chịu. Các cô bán hàng đều ưa phiêu lưu trên những con số, mà mình trả giá thì ngượng miệng. Vả lại, có nhiều món mình không biết giá thì trả làm sao? Chẳng lẽ muốn mua một cái bàn ủi y như vậy để hỏi giá? Rồi còn vật giá leo thang nữa! Từ một bát phở năm đồng, sau sáu năm nó đã lên tới bảy mươi đồng. Các vật dụng khác có thứ leo mau hơn có thư leo chậm hơn so với các tốc độ tiêu chuẩn đó. Tất cả tạo thành một mớ rối rắm khiến tôi càng thêm nhút nhát, chỉ chực tránh cho xa, càng xa càng tốt sự đi mua sắm.
Hồi ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Phó Tổng thống cai quản luôn Bộ Kinh tế, ông có ký một nghị định có đăng báo rao rằng các nhà hàng và chợ búa phải bán giá nhất định, cấm nhặt không được thách. Tôi mừng quá, thương luôn ông Phó Tổng thống. Ít nhất trong đời làm chính trị của ông cũng phải để lại một dấu vết gì chớ. Để lại cái bùa đó trấn ếm lũ ma quỉ buôn bán xảo trá tức là trực tiếp làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, là gián tiếp nâng cao trình độ văn hóa của Dân tộc, - tôi chân thành nghĩ vậy. Vì không có gì bẩn thỉu lạc hậu cho bằng cả một nước công khai hóa, hợp pháp hóa sự lừa bịp gian xảo.
Cái nghị định đúng là một lá bùa! Lá bùa của loại thầy gồng thầy ngải “dày công nghiên cứu mười lăm hai mươi năm ở Thái Lan huyền bí… có luyện bùa yêu nước tượng…”. Chẳng ai nghe theo ông Phó Tổng thống hết. Vợ ông Cảnh sát ở cái quán đầu đường, thách giá cao hơn mọi hàng khác và bán mắc hơn. Thôi, chịu khó ngồi nhà, đừng có lơ mơ đi mua sắm. Ngồi yên đó để đợi đọc những cuốn “Thành tích ba năm chấp chánh… năm năm chấp chánh”.
Sau nhiều cuộc Cách mạng, vài cuộc Chỉnh lý, tình hình kinh tế và tài chánh càng không được sáng sủa hơn. Chữ “Vật giá leo thang” chuyền trên môi mọi người, thường xuyên hơn những khẩu hiệu Nhà nước trước đây bắt mua treo ở trước cửa. Tình thế mới, nhu cầu mới, công thức Siêu thị được tung ra.
Mỗi buổi chiều tôi thấy một dãy người nối đuôi nhau đi vào Siêu thị và một dãy đi ra. Những ngày đầu Siêu thị mới mở, học sinh lớn hay cúp cua để đi Siêu thị. Lạ mà. Con gái mặc áo đẹp mà phải đợi đến chợ Tết mới có nhiều người nhìn thì chán chết. Lễ Nô-en thì cử hành buổi tối, chỉ nhìn rõ cái mặt. Lễ Phật đản thì đông những ông già bà cả hơn thanh niên. May quá, hãy tạm mượn Siêu thị. Nhiều cô khoe với tôi:
- Đi học xong, mình ghé lại Siêu thị. Giao luôn cặp sách cho họ giữ rồi vào lượn chơi một tua. Không mua gì cũng được, ai cấm. Bước ra, nhận lại cặp rồi đi về.
Ở Siêu thị bán giá nhất định, bán đủ mặt hàng, người ta mách với tôi vậy nhưng tôi vẫn chưa cởi hết những lo sợ khi nhìn một cái chợ và những người đàn bà. Ba bốn tháng như vậy, cho tới một hôm, - tôi nhớ rõ là gần Tết hăm sáu tháng Chạp, Vinh Thao một cô bạn hỏi tôi:
- Anh đi sắm mứt sen, kẹo, hạt dưa chưa?
- Chưa.
- Ở Siêu thị hạt dưa hai trăm sáu mươi đồng một kí.
- Thế hả?
- Anh chưa vào Siêu thị à?
- Chưa.
- Ở ngoài chợ đắt hơn. Anh mua thì chắc còn đắt nữa.
- Chắc chắn.
Thấy tôi ngờ nguệch, Vinh Thao chừng như thích thú và nàng tỏ vẻ săn sóc đến tôi nhiều. Đàn bà vẫn vậy. Ưa che chở.
- Đến bữa nay mà chưa lo mua mấy món đó?
Tôi lẩm nhẩm tính rồi nói:
- Còn bốn ngày.
- Đâu tới. Còn có ba thôi. Ba mươi tháng Chạp đâu có kể.
Tôi gật gật đầu công nhận. Những tán thán từ biểu diễn sự đồng ý không dễ mà tìm ra ngay được. Thôi, dùng cái cổ cho nó mau.
- Anh đi với em! - Nàng ra lệnh.
Câu nói bất ngờ làm tôi ngạc nhiên. Tôi có thể nghi là tôi đã nghe lầm nếu nhìn sang vẻ mặt của nàng tôi không đọc rõ những nét nghiêm trang và cương quyết. Nàng sẽ dẫn tôi đi đâu?
Tôi chậc lưỡi tự nói:
- Thây kệ. Đi đâu cũng được, mình là đàn ông mà.
Vinh Thao mặc áo dài màu hồng phấn. Đôi mắt đen và khi cười má có núm đồng tiền. Tôi không chắc người con trai hôm nay có yêu một cái núm đồng tiền như vậy không. Họ học theo công thức yêu của người Mỹ cũng như học theo công thức làm kẹo sô-cô-la. Tôi chưa được nghe người Mỹ ca ngợi cái “má núm đồng tiền”. Vậy có thể là đôi má núm đồng tiền đi cạnh tôi đó chỉ dành riêng cho tôi thưởng thức thôi.
Nhiều người đi ngược chiều chăm chăm nhìn Vinh Thao. Có người đi quá rồi còn quay ngó lại. Tôi nói:
- Nhiều người đang nhìn cô.
- Đâu chắc. Có thể là họ nhìn một người nào đi sau em. Anh ngó ra sau xem thử, có cô nào đi sau mà đẹp không?
Tôi quay lại:
- Có đến bốn, năm cô.
- Đẹp? - Vinh Thao lật đật hỏi.
- Không. Chỉ đẹp trong con mắt người yêu của họ.
- So với em?
- Cô đẹp hơn.
Vinh Thao chợt đi chậm lại. Tôi hỏi:
- Cô mỏi chân rồi?
Nàng lặng lẽ nhìn tôi lắc đầu. Tia mắt thật êm đềm. Thật đúng là thằng ngu. Liền một phút sau tôi biết tôi là thằng ngu.
Vinh Thao bỏ bờ lề đi vào cửa Siêu thị. Nàng thành thạo bước đúng trên “lối vào”, còn tôi vì giữ lịch sự đi xa cách nàng một chút nên tôi thành ra đi trên “lối ra”. Nàng kéo ngược tôi lại.
- Anh chưa vào Siêu thị lần nào à?
- Đã trả lời hồi nãy rồi. Chưa.
- Vô lý. Người nào biết mang giày cũng đều đã đi vào đây ít nhất năm lần.
Qua hàng quần áo. Aùo trẻ con. Sơ mi đàn bà. Aùo len. Aùo thun. Bít tất. Những cặp xú-chiêng bò lổm ngổm như những ngọn đồi nhỏ. Khăn mùi xoa. Tôi nhớ đến hiệu may-ô “Hoa hồng” của tôi. Tôi đi gần lại quầy:
- Cô cho tôi một may-ô hiệu Hoa hồng.
- Ông lấy số mấy?
Tôi đứng đực ra đó. Biết mặc may-ô đã hơn hai mươi năm trời rồi, mỗi năm mua may-ô có đến bốn, năm lần thế mà đố có nhớ số mấy. May quá, cô nàng gật gật đầu:
- Thôi được, ông thì phải số 34.
Cô nhìn lên giá hàng:
- Một trăm năm mươi lăm đồng. Ông trả tiền liền.
Tôi móc ví trả tiền. Lách tách máy tính, một mảnh giấy nhỏ ghi giá tiền đã trả được bấm dính vào bao đựng áo. Vinh Thao giải thích:
- Lát nữa đi ra họ kiểm soát cái mảnh giấy đó. Hồi Siêu thị mới mở cửa thì cứ mua rồi ra cửa tính tiền. Bị lợi dụng tức khắc. Có người mua giò chả, kẹo bánh… rồi cứ việc đi du ngoạn hết quầy nầy đến quầy khác, vừa đi vừa ăn, ăn cho kỳ hết rồi mới ra. Có người vô lựa giày rồi bỏ đôi giày cũ, mang đôi giày mới đi ra. Đâu có cầm dư trên tay mà tính tiền?
Trong khi Vinh Thao giải thích thì chúng tôi đi qua hàng bánh ngọt, biscuit (2 ), rượu. Nàng kéo tôi đi qua quầy hàng bán bánh mứt nội hóa. Những túi ni lông cột túm một đầu trông nghèo nàn tội nghiệp so với những hộp bánh, hộp kẹo Nhật Bản.
Sang hàng kim châm, củ cải, nấm đông cô, hạt dưa. Tôi phải tỏ ra rằng mình không đến nỗi dốt. Tôi nói:
- Đây là hàng bán đồ để nấu cỗ.
- Và để ăn cỗ, - Vinh Thao tiếp liền. Thấy không? Có những bó đũa và bó muỗng.
- A kìa! Hàng đồ chơi.
Chúng tôi quay sang bên trái. Không phải hàng đồ chơi mà là hàng thau, ca, ly, chén… bằng nhựa. Tôi bị lừa bởi màu sắc của lũ chúng nó.
Sau cái quầy có lưới kẽm bao giăng, mấy cô hàng thịt ngồi. Phảng phất một triết lý nhân sinh nơi đây. Nếu không thì thịt heo và thịt bò đã không được bảo vệ kỹ lưỡng hơn những món hàng khác như vậy.
Hàng bắp cải, xà lách, cà rốt, su su ít người viếng thăm. Có lẽ để mua chúng người ta không phải cất công đi Siêu thị.
Vinh Thao kéo tôi về hàng nấu cỗ.
- Anh mua hạt dưa nghe?
- Vâng.
- Bao nhiêu thì vừa?
- Một kí.
- Cô cho một kí hạt dưa. Đâu, cô đưa tôi coi thử hạt dưa có tốt không… Ừ, được đó.
Nàng đảo mắt nhìn lên quầy rồi ra lệnh, không cần hỏi tôi nữa:
- Cô cho một trăm gram nấm đông cô.
Cô hàng lại lấy túi nấm đông cô.
- Đưa luôn ba túi kim châm. Một túi mấy gram vậy cô?
- Dạ năm mươi gram.
- Thế thì cô cho năm túi.
Sang trở lại hàng mứt, Vinh Thao cầm những túi mứt lên xem xét rồi đặt bỏ xuống. Liên tiếp. Một cuộc thi loại. Các thí sinh: mứt khoai lang, mứt bí, mứt dừa tô màu, mứt thập cẩm, mứt gừng… dần dần bị loại hết. Nàng xách hai túi mứt hạt sen trao cho tôi.
Quay ra hàng bánh kẹo ngoại quốc. Nàng cầm lên một hộp kẹo Nhật to bằng cái khay, trên mặt có in hình một con mèo ngồi, cổ thắt nơ đỏ. Tôi đang lúng túng với một bầy gói lớn gói nhỏ lục cục trên tay nên vội đằng hắng một tiếng mong nàng quay lại nhìn dùm. Nhưng nàng quả thật là một người đàn bà thông minh, không cần quay lại đã biết tôi muốn nói gì.
- Không sao đâu. Lát nữa ra kia mình sẽ lấy một cái túi để đựng. Em cầm hộp kẹo này cho anh. Lấy luôn chai rượu Martell này. Uống Whiskey trong thời này, người ta tưởng mình xin lại của tụi Mỹ.
Khi nàng tuyên bố “Thôi tạm đủ. Mình về”, tôi mừng vì ý nghĩ sắp có được một cái túi để ký thác lũ gói của tôi. Nhưng chưa được đâu. Một đoàn ba bốn cô ăn mặc lộng lẫy bước vào, toe toét cười chạy lại bao vây lấy Vinh Thao.
- Ái chà! Mua sắm Tết hùng hậu quá ta.
- Uống được cả rượu Martell nữa! Ngày mồng Một mình phải ghé lại để xem con này uống Martell mới được.
- Ồ! Con mèo thắt nơ đỏ xinh ghê. Giá bao nhiêu đó? Xem nào.
v.v...
Tôi đứng lùi xa một chút đợi cho năm ngọn thác ngôn ngữ đó đổ ồn ào cho kỳ đến giọt chót.
Sau lần đi Siêu thị đó với Vinh Thao, mỗi lần có cần món chi là tôi ra thẳng Siêu thị. Tôi không còn bị các cô bán hàng ngoài phố ăn hiếp nữa. Lắm bữa tôi đứng chen chúc với nhiều người đàn bà vẻ mặt lanh lợi và giọng nói đanh đá. Những người đó đi chợ hay vào các tiệm buôn thì phải biết! Trả từng đồng và xem xét món hàng kỹ hơn người đàn bà nhà quê vạch tóc bắt chấy. Thế mà vào Siêu thị họ chỉ nhũn nhặn như tôi. Chúng tôi cùng mua bằng một giá và rõ ràng là tôi cảm thấy sung sướng khi được mua bằng một giá với họ. Tôi cám ơn Siêu thị đã phục hồi giá trị cho tôi. Siêu thị nâng tôi lên, cái thằng tôi ngớ ngẩn chuyên môn bị đàn bà ăn hiếp, nâng lên ngang hàng với những người đàn bà đanh đá nhất.
Cũng phải cám ơn Vinh Thao nữa. Nàng đã dạy tôi bài học vỡ lòng về Siêu thị. Không có nàng dìu dắt thì chưa dễ cho đến nay tôi đã dám đi Siêu thị một mình.
Cũng như một nhà xuất bản “đưa những bước đầu cho các tác giả mới bước vào làng văn”, Vinh Thao đã đưa những bước đầu của tôi đi vào đường Siêu thị. Những bước thật êm đềm bởi có nàng yêu kiều đi cạnh bên tôi.
(1) sản xuất tại Chợ Lớn
(2) bánh bích quy