Dịch giả: Ðặng Lương Mô
Chương 5
Ishida Mitsunari
Người sáng tạo loại hình “Kế hoạch kiểu Nhật”

    
hủy tổ của loại hình kế hoạch do công chức bậc trung thảo ra
Ðể làm người thứ năm trong “Mười hai người lập ra nước Nhật”, tôi muốn chọn Ishida Mitsunari. Sự chọn lựa này hẳn sẽ có nhiều người cho là bất ngờ, bởi vì nó đã bỏ qua rất nhiều nhân vật vương bá nổi tiếng trong lịch sử của Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải là cố ý làm một sự bất ngờ, mà chính là vì nhân vật Ishida Mitsunari đã để lại một ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Nhật Bản và người Nhật ngày nay.
Bản thân tôi, Sakaiya Taichi, đã nghĩ tới tổ chức Hội chợ Thế giới [1] là khi tôi mới là công chức tại bộ Thương nghiệp Quốc tế và Công nghiệp được hơn ba năm, lúc đó tôi 28 tuổi. Trước hết, tôi đã tìm hiểu Ishida Mitsunari như là một tiền lệ về xây dựng một dự án khổng lồ. Nếu không có tiền lệ của Ishida Mitsunari, thì một gã tổ trưởng 28 tuổi đầu như tôi, chắc chẳng bao giờ dám mơ màng tới việc liều lĩnh vận động tổ chức một Hội chợ Thế giới cả.
Trong lịch sử cận đại của Nhật Bản, đã có biết bao nhiêu kế hoạch khổng lồ. Chẳng hạn những kế hoạch siêu khổng lồ như cuộc Duy tân Minh Trị, cuộc Xây dựng nước bù nhìn “Mãn Châu”, cuộc Chiến tranh Thái bình dương. Thời hậu chiến thì có việc Xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen, [2] việc Tổ chức Thế vận hội Tokyo năm 1964, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Aichi Yosui, việc tát cạn phá Hachiro-gata, tuy trình độ lớn nhỏ có thể khác nhau ít nhiều, song tựu trung đều đáng được gọi là những kế hoạch khổng lồ.
Kế hoạch thống nhất thiên hạ nói trong chương trước đã do một nhà độc tài có cá tính mãnh liệt, Oda Nobunaga, dùng quyền lực, sáng kiến và khả năng hành động của mình khởi đầu. Sau đó tới Toyotomi Hideyoshi tiếp tục sự nghiệp, rồi tới Tokugawa Ieyasu hoàn thành công trình. Ba người tuy thuộc loại hình nhân vật khác nhau, song đều là những bậc thiên tài, những nhà độc tài và những lãnh tụ của tổ chức cả.
Thế nhưng, rất khó có thể đưa ra một nhân vật độc tài nói là đã làm nên kế hoạch Duy tân Minh Trị. Xuất hiện trên khán đài Duy tân Minh Trị là rất nhiều nhân vật nổi tiếng, như Saigo Takamori, Kido Takayoshi, Okubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, v.v.. Phải chăng họ là những người ở địa vị có thể điều khiển được hàng chục ngàn quân? Phải chăng họ là những người có quyền lực độc tài, có thể xuất ra hàng chục ngàn lượng vàng? Không, hoàn toàn không. Thời đó, những kẻ sĩ bậc trung xuất thân từ hai miền Satsuma và Choshu, [3] những nhà hoạt động vô danh đã tụ tập lại, chủ trương rằng “cần phải cải cách Nhật Bàn”, “dòng thời đại đang dần dần đổi hướng”, v.v.. Cứ như thế, cái bầu không khí toàn thể đã sôi động lên. Rồi rốt cục, mạc phủ Tokugawa cùng các phiên chúa đã không thể ngăn chặn được cao trào khí thế đang dâng lên như vậy được nữa. Ðấy, cái đặc trưng lớn lao của cuộc Duy tân Minh Trị là như vậy.
Cũng vậy, nếu nhìn vào quá trình Nhật Bản đã dấn thân vào tấn bi kịch chiến tranh Thái bình dương từ điểm phát hỏa là “nước Mãn Châu” tới cuộc chiến Nhật-Hoa rồi chiến trận Thái bình dương đại quy mô, người ta không thể quy trách nhiệm đó vào một vị thủ tướng, một viên đại tướng nào cả. Ngược lại, chính thủ tướng cũng như đại tướng lục quân thời ấy đều đã lên tiếng “phản đối”, “phản đối”, nhưng rồi vẫn bị lôi kéo vào tấn bi kịch đó. Thật ra, chính những sĩ quan trẻ tuổi hàng trung tá, thiếu tá của lục quân, những công chức thuộc phe cải cách hàng cục trưởng, vụ trưởng của các cơ quan trung ương nhà nước, đã thực sự thúc đẩy và xúc tiến vụ việc này. Chính là hàng võ quan và văn quan bậc trung đã thực sự điều khiển, lèo lái thời đại vậy.
Một hiện tượng tương tự đã tiếp tục diễn ra trong thời hậu chiến. Việc kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen là do ai quyết định? Quả có Kỹ sư trưởng Shima Hideo là người đã tận tụy về mặt kỹ thuật, [4] song chẳng phải chỉ có một kỹ thuật gia mà có thể làm nên công trình đồ sộ này. Cũng chẳng phải vì cuộc vận động của toàn dân mà thành được. Thật ra, chính những công chức bậc trung, một cách vô tư không ai bảo ai, đã nghĩ tới việc cho chạy một kiểu tầu tiện lợi thích hợp với thời đại trên tuyến đường Tokaido (tuyến giữa Tokyo và Osaka). Rồi từ ý nghĩ đó chính họ đã vận động kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen vậy. Câu chuyện là như vậy.
Ðến như công trình thủy lợi Aichi Yosui hoặc công trình lấp cạn phá Hachiro Gata, thì những sự nghiệp lớn lao này thực sự đã bắt đầu từ những cuộc vận động của những người vô danh tiểu tốt. Nghị viên quốc hội đã chỉ bắt đầu hành động, là sau khi bầu không khí thực hiện kế hoạch đã dâng lên tới cao trào do cuộc vận động mà dân chúng địa phương đã phát động mà thôi.
Tóm lại, Nhật Bản là nước mà chính “những người không phải là những ông lớn” đã làm nên những kế hoạch to lớn vậy. “Ông lớn” nói ở đây là những người có quyền thế lớn, có địa vị cao, có tiền bạc nhiều. Ở Nhật Bản, thì kể từ mạc chúa Tokugawa Ieyasu về sau, những “ông lớn” như vậy, không hề bắt tay vào những kế hoạch khổng lồ nữa.
Chính vì nhận thức được như vậy, mà tuy chỉ là một tổ trưởng mới 28 tuổi, tôi đã mạnh dạn nghĩ và tin tưởng rằng: “Nếu khéo vận động, thì không chừng có thể mở ra ở Nhật Bản được một Hội chợ Thế giới. Với quy mô lớn gấp 20 lần Thế vận hội Tokyo, đây sẽ là một sự nghiệp kinh thiên động địa”.
Vậy thì, những “ông không lớn” đã soạn thảo và xúc tiến những kế hoạch kiểu Nhật Bản là bắt đầu từ bao giờ, từ ai? Ngược dòng lịch sử, người ta thế nào cũng tìm thấy được căn nguyên là thời Chiến quốc Nhật bản, và thế nào cũng đụng phải nhân vật Ishida Mitsunari. [5]
Cho đến thời bấy giờ, tất cả những kế hoạch lớn, kể từ thời Nara, thời Heian, đều là do những bậc có quyền thế lớn, có thực lực lớn, chủ trì. Thời Chiến quốc thì Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi đều là những bậc thiên tài khác thường có quyền lực lớn trong tay, lãnh đạo những kế hoạch lớn. Ngay cả những đối thủ của họ, tức là những người đã thua họ, cũng đều là những thủ trưởng biết tự mình quy hoạch, tự mình tổ chức phe đảng của mình để tranh giành hơn thua.
Duy chỉ có trận đánh Sekigahara [6] thì xem ra khác hẳn. Lúc đó, mạc chúa Tokugawa Ieyasu, với cá tính cương cường, đã xuất hiện ở vị thế trung tâm của phe Ðông. Song, thật ra, từ trước đó, ở vị trí cao nhất trong năm chức “đại lão”, tức là hàng lương đống, hàng cột trụ của thiên hạ lúc đó, ông đã giữ trong tay quyền chính trị độc tài rồi, nghĩa là ông đâu có cần phải đánh một trận thư hùng nữa. Chính phe Tây, tức là phe phản Tokugawa, mới cần phải hoạch định và thực hiện một trận thư hùng như vậy. Thế nhưng, trong phe Tây lại không có ai đáng mặt đứng ra làm minh chủ.
Người được tôn làm đại tướng tổng chỉ huy của phe Tây là Mori Terumoto. Là cháu đích tôn của Mori Motonari, thống lãnh 12 châu quận miền trung bộ Nhật Bản thời đó, ăn lộc 1 triệu 200 ngàn hộc, Mori Terumoto quả xứng đáng là kình phùng địch thủ của Tokugawa Ieyasu. Song le, Mori Terumoto đã chỉ tham gia chiến dịch phản Tokugawa sau khi Ishida Mitsunari đã khởi hấn rồi. Lại nữa, ông không hề đánh một trận nào cả, cũng không tích cực ra chỉ thị, mệnh lệnh nào cả. Rồi sau khi phe Tây thua trận rồi, ông chỉ còn biết chuộc tội bằng cách cắt hai phần ba đất dâng cho Ieyasu để cầu hòa và khẩn xin Ieyasu tha chết cho. Ôi! Có đại tướng tổng chỉ huy nào tệ đến như vậy không? Thật là “tướng tổng chỉ huy mướn”, với tư thế “chân trước chân sau!”
Vai phó tổng tư lệnh là Ukita Hide’ie. Mới 27 tuổi, có nhân cách tốt, lại là con nuôi chúa Toyotomi Hideyoshi, ông luôn luôn giữ lòng trung nghĩa với dòng chúa Toyotomi. Thế nhưng, ông cũng chẳng phải là đã tự đứng ra vận động cho trận thư hùng này. Lại nữa, ngay trước khi cử sự, trong nhà lại có chuyện xích mích, khiến ông không thể dốc toàn lực cho chiến dịch được.
Thật ra nhân vật chủ mưu, người đã viết kịch bản, đã bài trí sân khấu, đã phân công vai diễn, rồi đã mở màn vở kịch khổng lồ này, chính là Ishida Mitsunari.
Vậy thì, Ishida Mitsunari là người thế nào?
Ngày nay, ta đều biết Ishida Mitsunari là kẻ đã gây ra trận đánh Sekigahara. Người đời nhìn ông như một người vốn lo sợ Tokugawa Ieyasu sẽ tiếm ngôi của dòng chúa Toyotomi, nên đã hô hào, cổ động mọi thế lực đứng dậy đánh đổ Tokugawa Ieyasu. Nhưng đây là chỉ là sự nhận thức sau sự việc. Nếu không có trận đánh Sekigahara, thì hỏi ngày nay người ta sẽ biết về nhân vật Ishida Mitsunari này được bao nhiêu?
Nếu chúng ta tháo gỡ hết đồ trang sức, lau chùi sạch phấn son của kế hoạch khổng lồ, của trận thư hùng Sekigahara đi, chúng ta sẽ thấy hiện ra hình ảnh Ishida Mitsunari khác hẳn, nhỏ đi hẳn. Nghĩa là, mặc dầu Ishida Mitsunari đã lưu lại tên trong lịch sử với vai trò là người viết kịch bản và tạo dựng nên tấn kịch trận đánh Sekigahara, nhưng nếu ta lột bỏ cái vỏ ngoài như vậy đi, tháo gỡ những định kiến, thiên kiến về ông đi, rồi nhìn kỹ cái vị trí mà ông đã được đặt vào, nhìn cái tài sức của ông trong việc hoạch định sáng tạo, thì ta sẽ thấy một sự thực khác xa.
Vận không may và vụng đánh trận
Ishida Mitsunari sinh năm 1560 (niên hiệu Vĩnh Lộc năm thứ ba) tại thôn Ishida, đất Omi, nay thuộc tỉnh Shiga. Gia cơ là phú nông, nhưng lúc nhỏ, ông vào ở chùa để học lễ giáo. Thời đó, con nhà nông giàu thường đến ở chùa vừa để học chữ vừa để học phép tắc lễ giáo. Nói cách khác, ông thuộc loại con nhà gia giáo, có học hành đàng hoàng.
Vừa lúc đó thì Hashiba (sau đổi thành Toyotomi) Hideyoshi được chúa Oda Nobunaga phong làm lãnh chúa đất Omi, trấn thủ thành Nagahama. Nhờ có duyên với chúa Hideyoshi này, năm 15 tuổi, ông đã được vời ra làm tiểu đồng. Ðó là năm 1574 (niên hiệu Thiên chính năm thứ hai), tức là ngay sau khi Hideyoshi đến trấn thủ thành Nagahama.
Thời đó, các bậc thái thú lãnh chúa đều nuôi ở bên mình những tiểu đồng, một là để xách kiếm và hầu hạ việc vặt, hai là để dạy bảo khuôn phép võ sĩ samurai, đồng thời cho nhớ mặt những người hầu cận ra vào dưới trướng. Những tiểu đồng như vậy thường là người họ hàng thân thích của thái thú, hoặc là con cháu của các gia thần thân tín. Kato Kiyomasa và Fukushima Masanori cũng là tiểu đồng như vậy. Hai người này là họ hàng thân thích của Hideyoshi, nên khi Hideyoshi làm lớn, thì mẹ ông đã dắt họ tới thành Nagahama. Còn nhiều người khác thì đã được chiêu mộ ở lãnh địa Omi. Mitsunari cũng là một phần tử đã được chiêu mộ như vậy. Nói về kết quả thì đây là niềm may cho Mitsunari, song trên thực tế, được chọn làm tiểu đồng chưa hẳn là đã được hứa hẹn gì về tương lai cả, vì đó mới chỉ là một người được sung vào trong số hàng mấy chục người như vậy.
Mitsunari đã tỏ ra xuất sắc là trong vụ biến loạn chùa Honnoji [7] năm 1583, khi Toyotomi Hideyoshi đánh bại Shibata Katsu’ie ở gò Shizugaoka. Từ Ogaki tới gò Shizugaoka đường trường hơn 50 kilômét, ông đã mang quân bản bộ chạy đi trước, dọc đường đã chu đáo chuẩn bị lương thực, củi đuốc cho đại quân của Hideyoshi theo sau. Với công đó, năm sau, tức là khi Hideyoshi đã thu phục được giang sơn, ông liền được phong lãnh chúa ở Mizukuchi cũng thuộc đất Omi, ăn lộc 40 ngàn hộc. Lúc ấy, Mitsunari mới có 25 tuổi, nên có thuyết nghi ngờ rằng bổng lộc như vậy là quá cao, song sự thực hư ra sao thì không rõ. Duy có điều chắc chắn là thời gian đó, Mitsunari được trao cho giữ việc quân nhu, hậu cần. Ông đã tỏ ra xuất sắc trong công tác như vậy. Năm sau, 1585, tức là năm mà vọng lâu của thành Osaka hoàn thành, Hideyoshi lãnh chức Phụ chính cho vua, thì 12 gia thần của Hideyoshi được triều đình phong tước Tùng Ngũ Vị Hạ, tức là được ra vào triều kiến vua. Mitsunari là một trong 12 người đó, ông được lãnh chức Trị bộ Thiếu phó. Ðây là một quan chức không lấy gì làm cao cho lắm của một bộ tương đương với Bộ Nội vụ ngày nay. Theo tiêu chuẩn ngày nay, thì chức này tương đương với hàng vụ trưởng tổng vụ của một cơ quan trung ương.
Có điều lạ là, từ đó tới 15 năm sau, quyền thế của Mitsunari ngày càng lớn, lãnh địa thì ngày càng rộng ra, nhưng quan tước thì hoàn toàn không thay đổi. Không phải riêng gì Mitsunari, tất cả những lãnh chúa gia thần của Hideyoshi cũng đều như vậy cả. Có lẽ là sau khi Hideyoshi thâu tóm được thiên hạ rồi, thì sự quan tâm tới quan tước đã giảm đi chăng?
Khỏi cần nói, Ishida Mitsunari là võ tướng samurai, lại đồng thời là lãnh chúa. Dĩ nhiên là ông có nhiều gia thần, bộ hạ, quân phải nuôi dưỡng. Ðương nhiên là ông đã cùng ra trận nhiều lần với Toyotomi Hideyoshi. Nhưng không thấy nói ông chiến thắng ở trận tiền. Nói trắng ra, ông chỉ đóng vai tướng chỉ huy ở trận tiền là lần đánh thành Odagawa, rồi lần công hãm hai thành Tatebayashi và thành Shinobi của họ Hojo. Thế nhưng, với thành Shinobi, ông đã mưu toan đánh thủy công, nhưng đã thất bại.
Khi xảy ra vụ biến ở chùa Honnoji, thì lúc đó Toyotomi Hideyoshi đang đánh thủy công thành Takamatsu ở đất Bichu. Ông cho đắp đê đập, rồi tháo nước sông Ashimorikawa dìm thành xuống dưới mặt nước. Thời Chiến quốc, ở Nhật Bản chỉ có hai loại thành. Một là sơn thành, tức là thành xây trên sườn núi để ngăn địch, hai là thành xây trong đồng sâu hoặc đồng lầy và chỉ có một đường độc đạo dẫn vào thành. Ngoài con đường này ra, thì cả người lẫn ngựa đều phải lội bì bõm tới ngang hông, không sao tiến lên được. Thành loại này như vậy cũng lại rất khó hạ. Thành Takamatsu được xây trong đầm lầy, nên đã không có ai tấn công cả. Nhưng Hideyoshi đã để mắt tới mực thấp của thành, nên đã chặn sông Ashimorikawa lại, dìm thành xuống nước. Ðộ cao của con đê ông cho xây lên là 8 m, cho nên đúng ra chỉ có tầng trệt của thành là bị chìm dưới nước mà thôi. Lính giữ thành tất cả đều phải chèo lên tầng lầu, khiến thành bị chật ních. Lương thực, đạn dược đều bị thấm nước, ẩm ướt dùng không được nữa. Củi đuốc cũng hết, cơm không nấu được, khiến binh sĩ vô cùng cực khổ. Thật là một chiến lược có hiệu quả.
Ở Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi là người đầu tiên dùng chiến thuật thủy công. Theo sách “Sử ký” Tư Mã Thiên, thì chiến thuật như vậy đã thấy có từ thời Xuân Thu chiến Quốc bên Trung Hoa. Ðó là chuyện cả hai nghìn năm về trước. Tương truyền rằng Kuroda Kanbei Takadaka đã đọc sách đó, học được chiến thuật thủy công, và đã hiến kế này cho Hideyoshi.
Hideyoshi sau khi thành công trận đó, đã quen mui, lại dùng chiến thuật thủy công đó đối với những nơi khác, như Mino và Kii. Tất nhiên, trong thời gian này, với tư cách là tiểu đồng cho Hideyoshi, Mitsunari hẵn đã học hỏi được phép thủy công đó, nên đã mưu toan đánh thành Shinobi như vậy.
Thế nhưng, ở đây ta mới thấy cái vận may của Hideyoshi và cái vận xui của Mitsunari đã hiện ra rõ rệt. Khi Hideyoshi đánh thủy công thành Takamatsu thì trời đổ mưa lớn và chỉ trong khoảnh khắc là thành chìm ngập trong nước. Tướng giữ thành, Shimizu Muneharu, đã bắt buộc phải mổ bụng cầu hòa nộp thành cho Hideyoshi. Hơn nữa, sự kiện chiến thắng này đã đạt được đúng lúc vụ biến loạn Honnoji xảy ra, quả đã là một vận may lớn cho Hideyoshi.
Khi Mitsunari đánh thủy công thành Shinobi thì, cũng địa hình như vậy, cũng là mùa mưa dầm, nhưng mưa lại to quá làm vỡ cả đê. Vì thế, quanh thành đã trở thành đồng lầy, không còn tiến công được nữa. Mãi về sau, khi thành chủ chốt là thành Odagawa bị hạ rồi, thì thành Shinobi mới chịu thương lượng rồi mở cửa quy hàng. Vụ này đã tượng trưng cho cái vận xui xẻo ám ảnh Mitsunari suốt đời vậy.
Tóm lại, Mitsunari tiếp tục không lập được võ công nào cả cho tới thời kỳ cuối cùng của chúa Hideyoshi. Ðiều này là nguyên nhân làm cho các tướng giỏi đánh trận như bọn Kato Kiyomasa, Fukushima Masanori khinh miệt ông. Trong chiến trận, Mitsunari chuyên lo việc quân nhu hậu cần, còn trong thời bình ông chuyên tâm vào việc biên thảo luật lệnh, phép tắc. Nhờ chuyên tâm với chế độ quan liêu như vậy, ông dần dần đã được sự trọng vọng của mọi người.
Năm 1592, khi xảy ra vụ việc lớn nhất đồng thời cũng là tệ nhất đối với chúa Hideyoshi, tức là vụ xâm lăng Triều Tiên, Mitsunari được chỉ định làm “quan chấp chính tàu thuyền”. Vấn đề điều động tàu bè để chuyên chở binh lương là công tác trọng yếu. Hideyoshi đã giao phó cho Mitsunari trọng trách này. Ít lâu sau khi khai chiến, ông đã cùng bọn Masuda Nagamori và Otani Yoshitsugu đổ bộ lên Triều Tiên.
Nhờ có công về nội trị như kể trên, năm 1595, ông được phong chức trấn thủ thành Sawayama, gần Omi. Thành đó ở ngay gần phía nam thành Hikone ngày nay, làm thành một vị trí trọng yếu trong việc trấn giữ đất Omi. Lãnh địa ấy của ông chỉ có 194 ngàn hộc thôi, nhưng ngoài ra, ông còn kiêm nhiệm cả chức quản lý lãnh địa trực thuộc chúa Hideyoshi. Hơn thế nữa ông vẫn còn được giữ công tác chỉ đạo việc đạc điền, và chia cắt lãnh địa.
Năm quan Ðại lão và năm quan Chấp chính
Trong những năm cuối đời của mình, chúa Hideyoshi đã đặt ra năm quan Chấp chính thường trực để làm ổn định tổ chức hành chính. Cho đến bấy giờ, mỗi khi có vấn đề, thì mới đặt quan Chấp chính để giải quyết. Sợ sau khi qua đời, không làm được như vậy, nên Hideyoshi đã quyết định đặt ra những quan Chấp chính thường trực về hành chính.
Năm quan Chấp chính này chỉ làm thành cơ quan hành pháp, chứ không phải là cơ quan làm quyết định (decision making). Hideyoshi đã đặt lên trên nữa một cơ quan làm quyết định gồm có năm quan Ðại lão. Ðứng đầu năm vị đại lão, là Tokugawa Ieyasu, thứ đến là Maeda Toshi’ie, Ukita Hide’ie, Uesugi Kagekatsu và cuối cùng là Mori Terumoto. Vị nào cũng đều có lãnh địa rộng trên 500 ngàn hộc, vị nào cũng là những võ tướng có chiến công hiển hách cả. Nếu là công ty, thì đó là Hội đồng Thường vụ do Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tokugawa Ieyasu chủ trì. Nếu là chính phủ, thì năm vị đại lão là năm bộ trưởng, còn năm quan chấp hành là năm thứ trưởng thường trực vậy.
Trong năm Ðại lão, thì Tokugawa Ieyasu có lãnh địa 2 triệu 400 ngàn hộc. Nghĩa là lớn hơn cả lãnh địa của chúa Toyotomi Hideyoshi, lúc ấy chỉ còn là 2 triệu 200 ngàn hộc. Ðây là vì Hideyoshi đã chia cho bọn gia thần của mình là Kato Kiyomasa, Fukushima Masanori, Konishi Yukinaga, Ishida Mitsunari, Masuda Nagamori, mỗi người trên dưới 200 ngàn hộc rồi, nên lãnh địa của ông bị nhỏ đi.
Sau Tokugawa Ieyasu, đến Mori Terumoto và Uesugi Kagekatsu, mỗi người đều có lãnh địa từ 1 triệu 100 ngàn tới 1 triệu 200 ngàn hộc. Về vai vế thì người đứng thứ nhì trong năm quan Ðại lão là Maeda Toshi’ie, với quan chức là Dainagon (xem chú 35, Chương II), so với quan chức của Ieyasu là Naidaijin (xem chú 31, Chương I), nhưng lãnh địa của ông lại chỉ có 900 ngàn hộc, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1/3 đất của Ieyasu mà thôi. Ngồi ghế cuối trong năm quan Ðại lão là Ukita Hide’ie, mới 25 tuổi, được phong đất Bizen Mimasaka chỉ có 574 ngàn hộc, là con nuôi rất được chúa Hideyoshi cưng, đã lãnh chức tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Triều Tiên.
Nghĩa là, nói theo tổ chức một đại công ty kinh doanh ngày nay, thì chúa Toyotomi Hideyoshi là chủ tịch sáng lập ra đại công ty, thứ đến là đại cổ đông phó chủ tịch Tokugawa Ieyasu. Sau đó là quản trị viên thường trực Maeda Toshi‘ie, bạn cố tri đồng thời trợ tá của chủ tịch Toyotomi Hideyoshi. Mori và Uesugi vốn là chủ tịch các công ty đã bị thôn tính hợp nhất, nay được đãi ngộ với chức vụ quản trị viên thường vụ của đại công ty. Cuối cùng là quản trị viên thường vụ Ukita Hide’ie, vốn là chủ tịch đời thứ hai của công ty hạng trung đã sớm bị thôn tính hợp nhất và nay trở thành con nuôi của đương kim chủ tịch của đại công ty.
Tổ chức là như trên, chỉ là xếp thứ tự năm lãnh chúa có thế lực, chứ trên thực tế, hội đồng thường vụ không hề quy định phương thức nghị quyết, không ấn định lịch làm việc định kỳ nào cả.
Ðối lại, thì tổ Chấp Chính Thường trực năm người lại là một tổ chức chặt chẽ quy định rõ rệt cả tới phương thức nghị quyết. Chủ nhiệm tổ Chấp Chính Thường trực là Maeda Gen’i. Ông này là thày chùa, song lại là quan Chấp chính của kinh đô Kyoto. Ông tinh tường các vấn đề quý tộc và đền chùa, đảm đương việc hành chính của kinh đô. Theo ngôn ngữ thời nay thì chức vị của ông là bộ trưởng đối ngoại và giao tiếp với các cơ quan công quyền. Kế đến là Asano Nagamasa (cũng có thuyết cho rằng ông này mới là chủ nhiệm của tổ Chấp chính thường vụ). Ông là bà con với bà One, chính thê của chúa Toyotomi Hideyoshi, nên đã theo Hideyoshi từ thuở Hideyoshi hãy còn ở lứa tuổi 20. Ông có tài khéo léo điều chỉnh nhân sự, và với mối quan hệ mật thiết với chúa Hideyoshi từ thời hàn vi ở Owari, ông có thể được coi là bộ trưởng nhân sự. Nhân vật đứng thứ ba là Masuda Nagamori. Sinh năm 1545, lúc nhậm chức Chấp chính thì ông đã 54 tuổi. Ông hiểu tinh thông về luật pháp, phụ trách chỉ huy các hoạt động hành chính và tư pháp. Ông còn có tài về xây dựng nữa, nên đáng được gọi là bộ trưởng tổng vụ. Người thứ tư trong hàng ngũ năm quan Chấp chính là Ishida Mitsunari. Ông cùng với Asano và Maeda, có tài toàn ban, nên đã đảm đương từ việc thanh tra các lãnh chúa tới chiến lược chính trị. Có thể nói khu vực công tác của ông là trưởng phòng chủ tịch công ty và bộ trưởng kế hoạch. Người thứ năm là Natsuka Masa’ie. Ông này vốn là gia thần phụ trách vấn đề tài chính và kế toán dưới trướng của lãnh chúa Niwa Nagahide. Sau khi Niwa Nagahide qua đời thì chúa Hideyoshi vời ông tới cho phụ trách bộ phận tài chính.
Cả năm người trên, nếu nói theo cách tổ chức của một công ty kinh doanh thì đều được coi là hàng quản trị viên trơn, mỗi người phụ trách một bộ phận của công ty. Nói về bổng lộc, thì cao nhất là Asano và Masuda với hơn 200 ngàn hộc, Ishida 194 ngàn hộc, còn Maeda và Natsuka chỉ có 50 ngàn hộc. Nghĩa là so với hàng Ðại lão, thì nhóm người này cách một khoảng quá xa. Vì thế, có thuyết nói rằng giữa hàng Ðại lão và hàng Chấp Chính, còn có một hàng nữa gọi là “Trung lão”. Có khá nhiều sách bàn về điểm này, song tất cả đều là những trước thuật của hậu thế, chứ không có sách sử đương thời nào giúp xác định được điều đó. Tuy nhiên, sự kiện một giả thuyết Trung lão như vậy đã được nêu ra, đủ cho thấy cái cảm giác xa cách quá lớn giữa năm quan Ðại lão và năm quan Chấp chính vậy.
Còn Tokugawa Ieyasu thì vốn là xui gia của Oda Nobunaga và như vậy có thể coi như có vai vế anh em với Nobunaga, chúa của Toyotomi Hideyoshi. Bởi vì con gái Nobunaga là vợ của trưởng nam của Ieyasu. Không phải là hạng người thiên tài như Nobunaga, song bản tính thận trọng, tiến hành mọi việc bằng từng bước vững chắc, ông đã bị Hideyoshi, vốn là gia thần của Nobunaga, vượt lên trước trong sự nghiệp thống nhất thiên hạ, song trong trận đánh với Hideyoshi ở Komaki để yểm hộ Oda Nobuo, con thứ của Nobunaga, Ieyasu đã không thua. Trong trận đánh ở Nagakute trước kia với Hideyoshi (lúc đó còn gọi là Hashiba Hideyoshi) thì ngược lại ông đã đại thắng. Và bây giờ thì ông đã trở thành đại lãnh chúa chiếm giữ tám châu quận vùng Kanto rộng 2 triệu 540 ngàn hộc. Có thể nói rằng Ieyasu vốn cũng là chủ tịch một công ty lớn khác, đã hợp nhất trên cơ sở bình quyền với Công ty Toyotomi, nên ở trong công ty mới này, ông là cổ đông lớn nhất và vì vậy đã trở thành phó chủ tịch công ty. Xem như vậy, thì hạng Ishida Mitsunari đâu có đáng để cho ông đếm xỉa tới.
Mưu đồ vĩ đại
Tháng 8 năm 1598, chủ tịch sáng lập công ty Toyotomi Hideyoshi qua đời. Con trai ông là Hideyori lúc ấy mới lên sáu tuổi. Mẫu thân đứa nhỏ, công chúa Yodo, chỉ là vợ lẽ của người quá cố. Trong khi đó thì người vợ cả, tức bà chúa Kita No Mandokoro, hãy còn kiện khang. Những nhân vật có vai vế của công ty thì hãy còn ra vào đông đảo. Tình hình nội bộ của công ty như vậy trở nên khá phức tạp.
Trong tình huống ấy, Ishida Mitsunari, một cổ đông không đáng kể chỉ có địa vị là hàng thứ tư trong năm quan chấp chính, nhưng nhờ có quan hệ nhân sự đã xây đắp được với tư cách là người thân cận của Hideyoshi, đã quyết tâm đứng lên bảo vệ gia sản cho chủ. Ðối thủ của ông là người có đầy thực quyền Tokugawa Ieyasu. Chưa có tiền lệ nào như vậy trong lịch sử Nhật Bản. Mà kể cả trong lịch sử thế giới nữa, cũng ít thấy có âm mưu lớn như vậy. Quả là một “Mưu đồ vĩ đại”.
Ishida Mitsunari đã mưu toan và thực hiện được kế hoạch này, chứng tỏ rằng một kẻ không ở địa vị cao, không có thực quyền lắm, vẫn có thể làm nên những kế hoạch khổng lồ. Sự kiện này đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau đó.
Vậy, trong 754 ngày, kể từ sau khi Hideyoshi qua đời cho tới trận thư hùng Sekigahara, hỏi Ishida Mitsunari đã dùng phương pháp nào, đã hành động ra sao để vạch ra kế hoạch?
Ishida Mitsunari đã suy nghĩ đường đi nước bước, làm sao ngăn chặn không cho Tokugawa Ieyasu tiếm đoạt cơ nghiệp của Toyotomi Hideyoshi.
Ðiều trước nhất Mitsunari nghĩ ra là phải làm sao tìm cho được một người có thể đối địch với Ieyasu, rồi kết hợp mọi thế lực phản Tokugawa lại dưới trướng của người ấy làm thế quân bình. Như vậy thì mọi người đều nghĩ ra rằng người có thể đối địch được với Tokugawa Ieyasu không thể là ai khác hơn người bạn cố tri của Hideyoshi. Ðó là Maeda Toshi’ie. Cho nên Mitsunari đã tìm đến Maeda Toshi’ie. Ông này cũng nghĩ rằng chính Hideyoshi đã gửi gắm con côi cho ông, nhờ cậy ông sau này phò đứa con thơ lên. Nay, ngay sau khi Hideyoshi vừa qua đời, đã thấy Ieyasu âm mưu tiếm đoạt thiên hạ, cho nên ông cũng cảm thấy cần phải ngăn chặn ý đồ ấy. Nghĩa là ông đã nhất trí với Ishida Mitsunari. Do đó, Maeda Toshi’ie đã lên tiếng kêu gọi kết hợp những người thuộc phái trung thành với Toyotomi Hideyoshi, những người muốn duy trì địa vị của dòng họ Toyotomi.
Tokugawa Ieyasu hẳn đã nghĩ rằng, một cậu bé sáu tuổi chẳng có thực lực gì cả, thì làm sao có thể hứa hẹn sau này sẽ phó thác cả thiên hạ cho cậu ta được, bởi làm như vậy có khác gì tư hữu hóa thiên hạ? Chính ông phải tự mình đứng ra trị thiên hạ mới xong. Thế nhưng, với MaedaToshi’ie và Ishida Mitsunari, thì đây chẳng qua là cái dã tâm muốn chiếm đoạt thiên hạ của họ Toyotomi mà thôi. Xem sự kiện sau này, quả nhiên Ieyasu đã coi thiên hạ như của riêng của mình, thì đủ thấy cái suy nghĩ của hai người này là chí lý.
Ieyasu quả có ý muốn chiếm đoạt thiên hạ. Muốn làm được như vậy, ông đã từng bước phá bỏ những “di mệnh” của Hideyoshi đi. Một trong những di mệnh đó là, các lãnh chúa không được kết bè kết đảng với nhau. Kết bè kết đảng thì thế nào cũng sinh loạn. Vì thế, ông cấm không cho các lãnh chúa kết duyên thân thích với nhau. Ieyasu biết rõ di mệnh như vậy nhưng ông vẫn hứa hẹn gả con gái nuôi cho Date Masamune và Fukushima Masanori. Ông còn đem lãnh địa 2 triệu 200 ngàn hộc của họ Toyotomi cắt ra ban thưởng cho các tướng có công trong trận xâm lược Triều Tiên.
Ishida Mitsunari đã phản đối mãnh liệt việc này. Ông đã tố cáo với Maeda Toshi’ie việc Ieyasu làm bậy. Toshi’ie nghe chuyện cũng phẫn nộ, nên đã bằng lòng vào phe đồng minh ngăn chặn Ieyasu. Sự kiện này xảy ra khoảng nửa năm sau khi chúa Hideyoshi mất.
Nhờ có sự kêu gọi của người chủ xướng có thực lực, nên hai quan Ðại lão là Ukita Hide’ie và Uesugi Kagekatsu cũng phụ họa theo. Còn một quan Ðại lão nữa là Mori Terumoto, thì hãy còn dè dặt nhìn trái nhìn phải, nhưng “nếu cả ba ông đã nhất trí rồi, thì mỗ cũng tuân theo”. Sứ giả của bốn người này đã mang thư kháng nghị do Ishida Mitsunari và Masuda Nagamori thảo ra, từ thành Ozaka tới dinh thự của Ieyasu ở dưới thành Fushimi.
Các lãnh chúa đang tập trung ở thành Fushimi đều hết sức kinh ngạc, rồi ồn ào bàn tán là hẳn sắp diễn ra một trận đánh giữa phe Tokugawa và phe phản Tokugawa. Ông nào ông ấy lập tức điều động quân của mình. Có nhiều người đã vội vàng đã gọi thêm 300, 500 quân từ lãnh địa tới. Ieyasu cũng tức khắc gọi vài ngàn quân từ thành Edo tới.
Trong tình huống này, thế nào cũng có người đứng ra dàn xếp, nói rằng “Nếu đánh nhau lúc này ở Fushimi thì nguy lắm”. Thời đó, các lãnh chúa đều hoặc ở Ozaka, hoặc ở Fushimi nhưng binh lính thì chỉ có ít. Nếu đánh nhau ở những nơi này, thì sẽ là một trận chém giết lẫn nhau giữa các cấp tư lệnh, và như vậy sự thiệt hại về người của hàng võ sĩ cao cấp sẽ rất lớn.
Cãi nhau một hồi thì cuối cùng đi đến sự thỏa hiệp là Ieyasu phải viết thư tạ lỗi. Như thế là xong. Cho đến đây, Mitsunari cùng các lãnh chúa khác trung thành với dòng họ Toyotomi, đều coi là mưu toan của họ đã thành công bởi lẽ họ đã ngăn chặn được Tokugawa Ieyasu.
Nếu tình trạng này kéo dài thêm mười năm nữa, và nếu họ Toyotomi giữ được địa vị trên thế quân bình, chờ cho Hideyori trưởng thành, thì cơ nghiệp của họ Toyotomi có thể duy trì được. Nhưng, bất hạnh thay là Maeda Toshi’ie, điểm nương tựa của Hideyori, đã bị bệnh chết vào tháng ba nhuận năm sau. Ông này bị bệnh suy nhược thân thể, ngay từ lúc sự thỏa hiệp giữa ông và Ieyasu thành lập, thì mặt ông đã hiện ra tử tướng rồi. Có lẽ ông bị ung thư dạ dầy, và chẳng cần phải là thày thuốc ai cũng nhìn thấy cái vẻ suy nhược của ông. Ðương nhiên là Ieyasu và các lãnh chúa khác đều đã đoán trước được cái chết này của Toshi’ie.
Con trai Toshi’ie là Toshinaga lên nối nghiệp cha, song ông này thì chưa hề có uy quyền của một vị quan Ðại lão. Vi thế, cái tổ chức năm bậc Ðại lão đã không thể phát huy được chức năng của mình nữa.
Ieyasu thấy thời cơ đã tới, thừa lúc Mitsunari tới phúng họ Maeda nhân cái chết của Toshi’ie, sai bọn Kato Kiyomasa, Kuroda Nagamasa, gồm bảy lãnh chúa ít tuổi, chặn đánh Mitsunari trên đường về. Mitsunari cũng có nhiều người ủng hộ. Nhờ thế, bọn Konishi Yukinaga, Ukita Hide’ie, Satake Yoshinobu đã cho quân hộ vệ Mitsunari. Nhưng bọn bảy lãnh chúa ít tuổi, e ngại việc giao chiến ngay trong thành phố nên đã đòi phải trao Mitsunari cho họ. Ieyasu nghĩ rằng, nếu thiên hạ loạn lạc, thì phe Tokugawa sẽ nắm được thiên hạ nhờ thế ưu việt hơn về vũ lực.
Không ai dè Mitsunari trong lúc quẫn trí lại đã chạy ngay vào dinh của Ieyasu ở thành Fushimi. Ðến thế thì Ieyasu không thể nào giết được nữa. Cực chẳng đã, Ieyasu bảo: “Thôi, ngươi hãy nghỉ hưu, về lãnh địa của mình là thành Sawayama mà ở ẩn”. Rồi cho quân hộ tống Mitsunari về thành Sawayama. Kẻ chướng tai gai mắt như vậy đã loại xong, lần này thì Ieyasu được lợi thế tuyệt đối. Ông bèn thực hiện tất cả những cuộc hôn nhân mà trước đây ông đã phải xin lỗi rồi hủy đi.
Phương pháp làm kế hoạch của Mitsunari
Thường ra, câu chuyện đến đây là chấm hết. Maeda Toshi’ie, người đáng tin cậy đã mất, trong khi đó thì kẻ đáng ghét Ieyasu nay đã nghiễm nhiên làm chủ thiên hạ. Bản thân mình thì bị đổi về địa phương xa và giáng cấp. Ieyasu được tha hồ chuyên quyền về nhân sự. Ôi, hận thay, hận thay. Kết thúc như vậy là chuyện thường tình.
Song, đàng này, Ishida Mitsunari lại không chịu như vậy. Từ đây trở đi mới chính là lúc Mitsunari thực sự khởi đầu cuộc vận động vĩ đại của mình.
Người có thực lực có thể nhờ cậy được thì không có ai. Bản thân mình thì nghỉ hưu. Quanh mình là bọn ám sát được thiên hạ công nhận. [8] Kẻ kình địch thì quá lớn. Trong hoàn cảnh khó khăn này, làm sao đưa thiên hạ vào một trận thư hùng để đập tan mưu đồ của Ieyasu được?
Nghĩ nát óc, Ishida Mitsunari đã tìm ra một mưu kế, một cái “bả” để chiêu dụ, gồm có ba yếu tố. Trước nhất là “hãy vì họ Toyotomi”, để hô hào các lãnh chúa trước kia đã tôn thờ chúa Hideyoshi. Ðây là dương cao ngọn cờ đại nghĩa mà không ai có thể phản đối được. Cụ thể là nói: “Ông hẳn có lòng trung nghĩa với chúa Hideyoshi. Vậy, ủng hộ cậu Hideyori để sau này đưa cậu lên làm chủ, ngăn cản mưu đồ của Tokugawa Ieyasu, là đúng”.
Thời đó là loạn chiến quốc, nên dĩ nhiên không có lãnh chúa nào chịu hành động cho chính nghĩa như vậy. Ông nào cũng chỉ hành động vì sự an toàn và lợi ích của cá nhân.
Nói chung, cái động cơ hành động của con người ta chỉ có ba loại: một là lòng yêu thương thuần túy, hai là danh lợi ti tiện, và ba là sự khiếp sợ bắt nguồn từ bản thân yếu đuối.
Nói là hành động vì “lòng yêu thương”, thì có vẻ như chuyện lý tưởng. Nhưng, quả thật con người ta thực sự có hành động bởi tín ngưỡng tôn giáo, bởi niềm tin chính trị, bởi tình yêu thương, bởi tình yêu quê hương xứ sở, nghĩa là những tình yêu thuần túy. Ở con người quả có một bộ phận khiến người ta hành động vì thiện tính như vậy.
Gần đây, có không ít bài viết trên báo chí, cho rằng con người ta không hành động vì tình yêu hay ý thích. Chẳng hạn, báo chí thường viết rằng, khi người ta ủng hộ tiền bạc cho chính trị gia, thì người ta trông chờ được bù lại bằng lợi ích, bằng quyền lợi thiết thực. Nhưng thực tế cho thấy, phần đông những người ủng hộ tiền bạc như vậy, là do họ quý mến chính trị gia đó. Cũng tựa hồ như những người hâm mộ của đội bóng chày “Người Khổng Lồ”, hay những người ủng hộ đô vật sumo Ðại Vô địch Takanohana, [9] không hề trông chờ được một lợi ích gì, mà chỉ ủng hộ, bởi vì họ thích như vậy. Thế thôi. Ðây là bản tính của con người. Danh chính ngôn thuận, chính nghĩa, đại nghĩa, nói rộng ra chẳng qua là thuộc phạm trù “yêu thương”.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thôi, thì không thể động viên được nhiều người. Vì thế, mới có sự dụ dỗ người ta bằng yếu tố thứ hai, tức là bằng “danh lợi”. Nghĩa là hứa cho địa vị, cho quyền lực, cho tiền bạc, cho quyền lợi, bởi phần đông người ta hành động vì bả danh lợi như vậy. Cái chỗ đê tiện này cũng lại là một phần của bản tính con người ta. Vì vậy, trong bầu cử, cũng như trong tôn giáo, thế nào cũng có cái phần dụ dỗ vì danh lợi này.
Yếu tố thứ ba, “khiếp sợ”, tức là đe dọa “nếu không nghe, sẽ đánh”, hoặc “sẽ bắt giam”, và cuối cùng “sẽ giết”. Ngay như người hành động vì “yêu thương” cũng không muốn bị giết. Vì thế, nếu nghe thấy nói “sẽ giết”, người ta sẽ van lạy “xin nghe theo”, “xin tha mạng cho”. Ðó là thường tình. Ðó là cái nhược điểm của người ta. Bị đe dọa là “sẽ giết”, mà vẫn vì chính nghĩa, vì tình yêu hoặc niềm tin mà vẫn hi sinh, thì đó mới quả là người can đảm, người đáng phục.
Trong ba yếu tố chiêu dụ trên, nếu hỏi cái nào mạnh nhất, thì, đáng tiếc thay, “khiếp sợ” là số một, sau đó mới tới “danh lợi” và sau rốt mới là “tình yêu”.
Tôn giáo thuyết giảng tình thương yêu của Thần, chiêu dụ người ta quay về với chính nghĩa và chân lý của Thần. Thế nhưng, nếu muốn có thêm tín đồ, muốn có sự gắn bó mật thiết hơn nữa của tín đồ, thì tôn giáo bắt đầu dùng tới cái mồi lợi lộc. Nghĩa là dùng tới những mồi ngon như “Nếu thờ Thần này, thì sẽ buôn bán phát tài, gia đình được an ổn”, để dụ dỗ thêm tín đồ. Nếu vẫn chưa thấy tín đồ tăng thêm, thì lần này tôn giáo dùng đến biện pháp làm khiếp sợ, như ám thị rằng “Nếu không thờ Thần này, thì chết sẽ phải xuống âm phủ, sẽ bị vua Diêm Vương lấy kìm rút mất lưỡi”, chẳng hạn. Con người ta khi còn sống thì không thể nào biết được thân mình sẽ ra sao sau cái chết. Vì thế, cái sợ hãi, cái khiếp đảm của người ta, là duy tâm, là có tính cách quan niệm. Nếu như đe dọa thế mà vẫn chưa đủ, thì dùng đến tòa án tôn giáo giết quách đi. Những chuyện như đốt chết những mụ phù thủy giữa chợ (thời Trung cổ bên châu Âu), tàn sát người khác đạo, có phải là hiếm đâu. Tôn giáo mà kết hợp với uy quyền, dùng mồi lợi lộc, dùng sự đe dọa, thì phải nói là một sự sa đọa, không hơn không kém.
Trong hiện thực của giới chính trị, thì bởi vì chính trị vốn không có cái hào nháng, cái quyến rũ có tính cách duy tâm, có tính cách quan niệm, như tôn giáo, nên thủ đoạn của chính trị chủ yếu là dụ dỗ bằng danh lợi và đe dọa.
Bởi thế, dù đem chính nghĩa, đại nghĩa ra thuyết dụ, cũng chẳng bao giờ lay chuyển được võ tướng samurai thời chiến quốc cả. Ấy thế nhưng, cái kỳ cục của con người ta là, chính mình thì không tin vào chính nghĩa, đại nghĩa, song người ta lại cho rằng, hẳn phải có nhiều người bị lay chuyển bởi chính nghĩa, đại nghĩa, nghĩa là, người ta cho rằng phía có chính nghĩa hẳn sẽ được nhiều người về hùa, tụ tập lại. Nói cách khác, đó là sự quá tin người. Ishida Mitsunari trước nhất đã biết lợi dụng cái điểm tâm lý này.
Nói “Hãy vì họ Toyotomi”, hoặc “Hãy đền đáp lại ân nghĩa của chúa Hideyoshi”, là dương ngọn cờ đại nghĩa, là khiến người ta phải đánh giá quá mức cái thực lực của phái phản Tokugawa vậy.
Thế nhưng, chẳng phải chỉ có vậy đã đủ để lôi cuốn được đông đảo người ta đâu, bởi vì các võ sĩ samurai thời Chiến quốc đâu có dễ dụ như vậy. Vì thế, thứ đến cần phải có hoạt động tuyên truyền quảng cáo nữa.
Nói đến tuyên truyền quảng cáo, thì bất luận thời đại nào, hoạt động này cũng tốn tiền tốn sức lắm. Với bổng lộc vẻn vẹn chỉ có 194 ngàn hộc, Mitsunari chẳng có nhiều tiền và người để dùng. Nếu còn làm quan Chấp chính của thiên hạ, thì Mitsunari cũng có thể tiêu dùng được phần nào cái kho tiền của thành Ozaka, nhưng nay thì ông đã bị bắt nghỉ hưu về ở ẩn ở nơi quê nhà rồi, thì việc đó không làm được nữa. Vậy, ông phải đi tìm một nguồn tài trợ.
Phải là người rất trung nghĩa đối với chúa Hideyoshi, phải là người chất phác trung thực, mới chịu làm nguồn tài trợ như vậy. Nếu vậy, chỉ có Ukita Hide’ie. Người tốt, tiếng tăm tốt, và với gia tài 570 ngàn hộc của xứ Bizen Mimasaka, ông cũng lại có tài lực đáng kể nữa.
Mitsunari đã nương tựa vào họ Ukita, đã bòn rút được khá nhiều tiền và mượn được khá nhiều tay chân của Hide’ie. Ông đã vận động đây đó, dụ dỗ người ta bằng chiêu bài hãy vì họ Toyotomi, hãy giúp ấu chúa Hideyori. Trong cuộc vận động này, ông đã tiêu xài khá tốn kém, mua chuộc cũng nhiều.
Các võ tướng samurai thì bàn tán rằng “Xem ra chẳng phải chỉ có một mình Mitsunari”, “Thằng cha ấy làm gì có tiền mà tiêu xài như vậy”, “Nó hẳn phải có người tài trợ”. Nghĩa là một tin đồn đã lan ra rằng “Kế hoạch Ishida Mitsunari hẳn phải được nhiều nhóm, nhiều doanh gia yểm trợ, ủng hộ”. Ðó chính là bầu không khí, kiểu suy nghĩ, cái tâm trạng quần chúng mà Mitsunari mong đợi vậy. Ông lợi dụng tình thế này, đã bòn rút được khá nhiều tiền bạc của những thương gia hai mang ở Sakai và kinh đô.
Mitsunari còn nghĩ ra một phương pháp kỳ diệu nữa. Bởi vì nếu chỉ có chính nghĩa và bầu không khí không thôi, thì không có hiệu quả mấy. Ông cần có yếu tố thứ ba nữa: đó là mạng lưới nhân sự, nguồn nhân tài. Thế nhưng, ở địa vị quan Chấp chính hàng thứ tư, nếu ông có trực tiếp kêu gọi những nhân vật ở hàng Ðại lão, thì cũng chẳng có hiệu quả gì. Ngày còn mồ ma Maeda Toshi’ie, ông này chỉ cần nói lên một lời là được việc. Nhưng nay làm gì có vị lãnh chúa nào, có thực lực, dám đứng ra phất cờ tiên phong. Ông bèn khởi sự lập mạng lưới nhân sự không gồm lãnh chúa, mà gồm Gia lão, tức là gia thần cột trụ của lãnh chúa, những người thực sự làm việc dưới trướng của lãnh chúa.
Chẳng hạn, khi cần tiếp cận Ukita Hide’ie, thì ông không trực tiếp liên hệ với Hide’ie, mà đã thuyết phục gia thần có thực lực của Hide’ie, là Akashi Sobe Teruzumi. Tương tự, với họ Uesugi thì không phải với chủ nhân, mà với người thuộc hạ có thực lực của chủ nhân, tức là Naoe Yamashiro no Kami Kanetsugu, mà ông đã nối tay. Với họ Mori, thì ông bắt liên lạc với cố vấn ngoại giao, là Ekei (Huệ Khuê), nhà sư trụ trì chùa Ankokuji (An Quốc Tự). Nghĩa là với những dòng lãnh chúa lớn, ông đã bắt tay được với hàng gia thần hoặc ở địa vị trọng trách hoặc tương đương như vậy.
Mitsunari tuy chỉ là một quan Chấp chính bậc thấp nhưng lại là gia thần trực thuộc chúa Hideyoshi, nay nếu trực tiếp thuyết phục Hide’ie, thì lời thuyết phục đó sẽ là lời “van xin”, và như vậy nếu có sự phản đối trong hàng gia thần của Hide’ie, thì bị “bẽ mặt”. Vì thế, ông đã thuyết dụ nhân vật thứ hai, Akashi Sobe, rồi khiến ông này vận động nội bộ trong họ Ukita. Ðến với họ Uesugi, thì ông nói “Ngài Ukita Hide’ie đã đồng ý rồi” để thuyết phục Naoe Yamashiro no Kami. Rồi tới họ Mori thì ông thuyết phục nhà sư Huệ Khuê. Nói cách khác, ông hoạt động với hàng quan liêu (công chức) trung gian, lập ra mạng lưới nhân sự của những người thực sự làm việc. Cách làm của ông đã có hiệu quả, khiến đã làm lan rộng ra một bầu không khí phản Tokugawa giữa các lãnh chúa. Họ liên lạc với nhau, hỏi han nhau và thậm chí trở thành mạnh dạn, liều lĩnh.
Trước hết là họ Uesugi đã khởi sự hành động. Ðương chủ của họ Uesugi, Kagekatsu, chỉ là con nuôi của đời trước, Kenshin, nhưng được thừa kế. Vì thế, muốn cho bọn gia thần tâm phục mình, ông cần phải đóng vai trò giống hệt như cha nuôi.
Ông nói: “Dưỡng phụ Kenshin là người trọng nghĩa, được người đời gọi là nghĩa tướng. Mỗ nay cũng phải như vậy, mới gây được sự đoàn kết trong hàng gia thần. Việc này, không kể thành bại, mỗ phải lên tiếng trách cái sai lầm của Ngài Tokugawa, mới được”. Niên hiệu Chokei năm thừ năm (1600), mùa Xuân, ông đã trở về Aizu Wakamatsu chuẩn bị chiến tranh. Mitsunari bèn liên lạc với Nao’e Yamashiro no Kami, gia thần của lãnh chúa Uesugi, bảo cho ông này biết là chủ của ông ta đã quyết tâm hỏi tội Tokugawa Ieyasu. Lúc ấy, Ieyasu tự coi như đã được thiên hạ rồi, bèn thống suất bọn lãnh chúa dưới trướng - thật ra đó chỉ là đám gia thần cũ của chúa Hideyoshi, nay theo Ieyasu - kéo quân đi chinh phạt họ Uesugi.
Trong khi đó, Mitsunari đã bàn với quan Chấp chính Hình bộ Thiếu phó đã nghỉ hưu, Otani Yoshitsugu, cùng thông đồng với nhà sư Huệ Khuê để lung lạc lãnh chúa Mori Terumoto, nổi tiếng là người ở ẩn thận trọng. Họ hứa sẽ tôn ông lên làm tổng tư lệnh để mời ông ra. Nếu trận đánh thắng lợi, thì họ sẽ để ông làm đại diện cho ấu chúa Toyotomi Hideyori, nắm quyền cai trị thiên hạ. Nghĩa là họ đã dùng mồi ngon nhử Mori. Nói xấu, thì đó là mánh lới lừa bịp, cái bẫy của Mitsunari vậy.
Dùng Mori Terumoto làm tổng chỉ huy để chống lại Tokugawa Ieyasu
Tóm lại, thứ nhất là dương cờ chính nghĩa, thứ hai là khéo che đậy bằng người tài trợ, thứ ba là dùng mạng lưới những thành phần thực quyền để lung lạc các lãnh chúa lớn. Rồi thứ tư là kiếm một nhân vật tượng trưng để đôn lên làm tổng tư lệnh. Nghĩa là ở bên trên Ukita Hide’ie, tức là người tài trợ cho kế hoạch, còn có một nhân vật tượng trưng, một cái bung xung nữa. Ðó là tổng tư lệnh Mori Terumoto.
Cái cấu trúc trên thật là tuyệt diệu. Nghĩa là, tuy Mitsunari chú ý cả tới những điểm tỉ mỉ, song thực tế là ông đã xây dựng một cấu trúc gồm hư cấu nọ che phủ hư cấu kia. Chính nghĩa, đại nghĩa là một hư cấu. Ðưa Mori Terumoto ra làm tổng tư lệnh, chỉ là mượn danh nghĩa, cũng là một hư cấu nữa.
Tuy nhiên, cái tình hình nội bộ như vậy, đã không được loan truyền chính xác ra ngoài. Với điện thoại và truyền hình được phổ cập như ngày nay, thì hẳn cái trò bịp bợm trên còn được thổi phồng lên thành một hư cấu vĩ đại hơn nhiều.
Vì vậy, phần lớn các lãnh chúa đều không nắm được thông tin chính xác. Với họ, họ chỉ thấy rằng hai bậc Ðại lão là Ukita và Uesugi đã bắt tay nhau rồi, và cái ông thận trọng Mori cũng đã về hùa rồi. Thế rồi một tin đồn được loan truyền mau lẹ, là “Xem chừng phen này chắc ăn cờ rồi. Nếu không vậy thì đời nào một người thận trọng như Mori lại chịu về hùa”. Dĩ nhiên là Mitsunari đã nhúng tay vào việc loan truyền tin đồn này.
“Ngài Mori chịu đứng ra làm tổng tư lệnh, thì hẳn phải có triển vọng thắng cả trăm phần trăm. Nói về bề rộng của lãnh thổ, thì tuy Tokugawa Ieyasu có tới 2 triệu 540 ngàn hộc thật, song cả Uesugi, Ukita và Mori cộng lại thì lớn hơn. Chưa kể, lấy thành Ozaka làm căn bản để tôn ấu chúa Hideyori lên, thì chính nghĩa đã minh bạch lắm. Như thế này thì ăn đứt rồi”. Ấy, câu chuyện như vậy đã được truyền miệng rộng ra.
Vì thế, các võ tướng samura trấn giữ các lãnh địa xa, không có đủ thông tin, bèn lần lượt từ khắp nơi kéo quân tới thành Ozaka.
Chẳng hạn, lãnh chúa bảy quận phía đông xứ Hizen là Nabeshima Naoshige, một người đa mưu túc trí, vốn chẳng có ân nghĩa gì với họ Toyotomi cả, song đã kéo đại quân tám ngàn người tới thành Ozaka. Con trai của Chosokabe Motochika, là Morichika, lãnh chúa đất Tosa, cũng là người chẳng phải đã được Hideyoshi đãi ngộ gì. Ngược lại, trong lúc ông đang tự sức mình toan thôn tính cả đảo Shikoku thì bị Hideyoshi can thiệp vào, khiến phải thu mình lại trong mảnh đất Tosa nhỏ hẹp. Thế mà nghe nói chính nghĩa có lẽ thắng, đã kéo quân tới thành Ozaka. Chẳng bao lâu, thành Ozaka đã có quân tới đóng chật ních.
Tokugawa Ieyasu cũng phải giật mình té ngửa ra. Thoạt kỳ thủy, ông cho rằng chỉ có một thiểu số như bọn Otani Yoshitsugu, bạn thân của Ishida Mitsunari, tỏ ý bất mãn. Ông chỉ vung tay áo giáp là quét sạch. Nhưng dè đâu, đến lúc chợt tỉnh ra, thì một lực lượng lớn hơn cả lực lượng dưới trướng mình, đã tụ tập tại thành Ozaka rồi.
Cho đến đây, thì chiến lược, kế hoạch của Mitsurari đã thành công lớn. Mưu lược của Ishida Mitsunari trong chiến dịch chia đôi thiên hạ, đã tiến hành vô cùng thuận lợi. Trong lịch sử Nhật Bản cho đến lúc ấy, chưa hề có danh tác nào như vậy. Cách làm của Mitsunari đã để lại ảnh hưởng vô cùng lớn lao cho tới ngày nay đối với phương pháp dự thảo kế hoạch, dự án. Ðó là nguyên mẫu cho loại hình kế hoạch gọi là “hạ ý thượng đạt” [10] kiểu Nhật Bản vậy.
Nhưng tiếc thay, vở kịch dựa trên danh tác như vậy, đã được trình diễn một cách vụng về. Tới lúc sắp diễn ra trận thư hùng ở Sekigahara, tức là lúc vở kịch sắp được trình diễn trên sân khấu, thì hết trục trặc nọ tới thất bại kia nối đuôi nhau xuất hiện một cách bất ngờ.
Kịch hay, diễn dở
Bị Ishida Mitsunari kích động, binh lực tụ tập tại Ozaka đã lên tới 160 ngàn người. Ðể đối lại, binh lực của Tokugawa chỉ là non 80 ngàn người. Trên số lượng thì như vậy phe Tây có ưu thế tuyệt đối.
Tuy nhiên, các tướng vốn thiếu thông tin khi tụ tập tại thành Ozaka thì thấy thông tin lan tràn. Họ được những thông tin này mới lần lần nhìn ra sự thực.
“Quý huynh tại sao tới thành Ozaka này như vậy?”
“Thú thật ngu đệ cũng không hiểu tại sao. Thấy chư huynh kéo quân đến, nên ngu đệ cũng đến”.
“Vậy huynh định giao chiến với Tokugawa chăng?”
“Không đánh thì tốt hơn. Ðánh thì mệt lắm. Cái gì chứ ngài Tokugawa quả là địch thủ đáng sợ”.
Toàn những cuộc đối thoại mù mờ kiểu này mà thôi. Những tướng thực sự muốn đánh thì ít. Chưa kể họ cũng chẳng biết ai là tổng chỉ huy, ai là minh chủ, kế sách ra sao và sự phân công là như thế nào. Ngay cả Mori Terumoto, người đã kéo quân vào thành Ozaka với tư cách tổng chỉ huy, cũng không có chiến lược gì và thái độ thì lừng chừng. Vì thế, các tướng ai cũng giữ thái độ chờ xem ai là người ra tay trước.
Nếu là kế hoạch thời nay, thì chỉ cần chút ít tiền là người ta bắt tay vào việc ngay trong bầu không khí “làm đi! làm đi!”. Chứ thời đó, nếu thất bại là ba họ bị chu di. Hơn nữa, ủng hộ cả hai bên, hoặc đứng trung lập cũng bị coi là kẻ địch. Nghĩa là, dù có nói: “Tôi không về phe với Tokugawa hoặc Toyotomi. Tôi ngồi im re ở đây. Xin bỏ qua cho tôi”, cũng không được. Cũng có người đã giữ trung lập, nhưng sau đó đã bị phe thắng (Tokugawa) giết đi, hoặc bị tước mất lãnh địa. Tóm lại, đó là thời đại ai nấy đều phải đứng hẳn về một phe, phải nghiêm chỉnh chọn lấy một bên mà về hùa.
Vì thế, các tướng dần dần đâm ra lo ngại, “liệu như thế này có xong không?” Họ bắt đầu hoài nghi rằng: “Không chừng bọn ta đã bị Ishida Mitsunari chơi một vố rồi!” Quả thật, Mitsunari vốn đã bị cho về vườn ở thành Sawayama. Bản thân ông chỉ có gia tài 194 ngàn hộc, nghĩa là chỉ có thể thống lãnh được sáu ngàn quân. Như vậy, ông làm sao thắng được binh lực 2 triệu 540 ngàn hộc của Tokugawa? Mitsunara nén lòng giữ im lặng, song mọi người chẳng ai chịu động binh cả.
Ðến lúc sắp đánh trận Sekigahara thì các tướng đều chân trong chân ngoài, ai cũng thấy cần phải bắt tay với ai đó ở phe Tokugawa. Thậm chí, đến như Mori Terumoto, đóng vai tổng đại tướng, mà còn sai Yoshikawa Hiro’ie bắt tay hữu nghị với Tokugawa, thì còn gì tệ bằng?
Nguyên nhân cái thất bại của Ishida Mitsunari chính là cái mỹ học, cái ý thức đẹp của ông. Ông muốn đường đường chính chính tỉ thí trên võ đài. Chứ nếu chỉ là với mục đích đả đảo Tokugawa, thì đúng ra ông nên đánh du kích. Lúc ấy, Uesugi Kagekatsu đã về chuẩn bị chiến tranh ở đất Aizu, và Tokugawa đã thống suất hơn một trăm lãnh chúa đem quân đội chinh phạt rồi. Vậy nếu Mitsunari đừng nghĩ đến đánh một trận thư hùng kiểu Sekigahara, mà quay ra triển khai đánh du kích, làm rối loạn toàn quốc lên, thì có lẽ làm cho Tokugawa lo sợ hơn. Thế nhưng, với tư cách quan Chấp chính của thiên hạ, ông muốn chính danh kế thừa nền chính trị chính thống của chúa Toyotomi, thì làm sao có thể đánh du kích, tức là đánh lén được. Ðó là cái mỹ học, cái ý thức đẹp của Mitsunari vậy. Mitsunari đã làm một sai lầm, là đã coi hình thức trọng hơn hiệu quả. Ðúng là cái khí tiết văn trị [11] của hàng quan liêu, [12] chứ không phải là cái bản lĩnh đánh bạc của ông chủ kinh doanh, của con buôn.
Nếu Ishida Mitsunari áp dụng chiến thuật du kích và chiến thuật cố thủ thành trì, thì chắc hẳn Tokugawa Ieyasu cũng phải ngán. Song, như thế thì Mitsunari cũng chẳng thể thắng được. Rốt cục, lại chỉ làm trở lại thời kỳ chiến quốc mà thôi. Rồi, biết đâu chẳng có nhân vật thứ ba xuất hiện?
Một lý do nữa cho sự thất bại của Mitsunari, là địa vị của ông dở dang, lửng lơ quá. Muốn làm chuyện xoay vần trời đất, mà chỉ đứng hàng thứ tư trong năm chức quan Chấp chính, tức là cũng tựa hồ như một chức quản trị viên trơn của một đại công ty, thì quả là địa vị thấp kém quá. Mà nếu dấu mình đi, chỉ hoạt động nơi hậu trường, thì ngược lại, lại quá l liễu. Nghĩa là sẽ bị người ta nghĩ rằng “Mitsunari có tham vọng”.
Với 194 ngàn hộc mà muốn làm sự nghiệp lớn, thì thiếu tiền, thiếu người. Vì thế, ông đã viết ra cốt truyện, song không tự mình đứng làm trung tâm của vở kịch được. Cái mưu toan sơ khởi của ông là chỉ viết cốt truyện, rồi để cho Ukita Hide’ie và Mori Terumoto nắm phần diễn xuất và trình bày. Vì thế, lúc đầu ông đã ở lại đất Omi mà không bước chân tới thành Ozaka nghĩa là ông đã biết tự kiềm chế mình vậy.
Thế nhưng, Mori Terumoto đóng vai chính lại ngồi lì ở thành Ozaka không chịu nhúc nhích. Vì thế, Ukita Hide’ie mới phải khởi sự trước, bằng cách nhân lúc Tokugawa đi vắng, kéo quân đội đánh úp thành Fushimi. Ðại quân vây xong thành Fushimi nhưng không tướng nào chịu ra tay cả. Súng đại bác thì có bắn, song không có ai xung phong đột kích cả. Nghĩa là không ai muốn bị mang tiếng là kẻ đã xông xáo trước nhất, nếu vạn nhất bị thua. Ba quân chỉ reo hò ầm ĩ, song không có ai tiến đánh cả.
Chịu không nổi, Mitsunari mới kéo quân bản bộ từ thành Sawayama tiến ra. Có vài võ tướng khí thế đã đánh được thành, song sau đó làm gì, đi đâu, thì không thấy quyết gì cả. Nghĩa là về hình thức thì tướng tổng tư lệnh là Mori Terumoto, song tướng chỉ huy chiến trường lại là Ukita Hide’ie, và tướng tham mưu bày mưu đặt kế lại là Ishida Mitsunari, tức là toàn thể tổ chức là một cấu trúc ba tầng.
Rốt cục, quân phe Tây đã chia làm ba đường. Ukita Hide’ie kéo quân chủ lực đánh từ Ise lên Owari. Ðạo quân thứ hai do Ishida Mitsunari làm tư lệnh, đánh và hạ xong thành Otsu ở Shiga, rồi kéo quân ra Sekigahara ở Gifu. Ðạo thứ ba do Otani Yoshitsugu làm tư lệnh, đi đường Hokuriku. Vậy mà chẳng tiến được bao nhiêu. Chẳng bao lâu, Ieyasu đã thống suất đại quân Ðông chinh trở về, trước nhất đánh úp lấy thành Gifu của cháu nội chúa Nobunaga.
Thế là bị Tokugawa chọn mất chiến trường dự định rồi. Ông quả là sáng suốt, đã không lầm lẫn trong việc chĩa ngay mũi dùi vào trung quân của Ishida Mitsunari. Bị quân chủ lực của Ieyasu nhằm đánh, Ishida Mitsunara bèn vội vàng truyền hịch gọi cánh quân của Ukita Hide’ie lúc ấy đang tiến về Ise, quay đầu trở lại. Song, phó tướng là Nabeshima Naoshige, lấy cớ là binh sĩ đã mệt và không đủ lương thực, nên không chịu nhúc nhích. Tướng thống lĩnh cánh quân tiến theo đường Hokuriku là Otani Yoshitsugu thì đã kịp thời quay đầu trở lại, song các bộ tướng thì vịn vào lý do này lý do khác không chịu trở về. Một võ tướng 50 ngàn hộc, thân lại bệnh tật, nên ông không đủ sức cưỡng bách chư tướng nghe theo ý mình.
Dần dà, tình trạng không thống nhất trong nội bộ phe Tây đã lộ ra, khiến các tướng trở nên hoang mang, và bắt đầu thương lượng với phe địch, rằng “Mỗ đã tham gia chiến dịch mà thật ra không hiểu mô tê gì cả. Bản thân mỗ không có ý định chống đối lại phe Tokugawa”. Những thư tín tương tự còn lưu lại tới ngày nay rất nhiều.
Tất nhiên, hẳn cũng đã có những vụ thương lượng tương tự trái ngược lại. Hẳn cũng đã có những thư tín của các tướng dưới trướng Tokugawa rằng “Mỗ tuy theo Tokugawa, song không phải vì thế mà đã quên ân nghĩa của họ Toyotomi”. Tiếc rằng, những thư tín này đã bị vội vàng đốt đi, nên ngày nay không phát hiện ra được.
Trong trận Sekigahara tuy phe Tây đã có thế ưu việt áp đảo, song bọn Obayakawa, Ogawa thì làm phản, tổng tư lệnh Mori Terumoto thì ngồi lì trong thành Ozaka không chịu nhúc nhích, anh em Yoshikawa Hiro’ie ra trận thay thế lại quyết chỉ đứng bàng quan.
Thế là, cái mưu đồ của Ishida Mitsunari đã kết thúc kiểu “kịch hay, diễn dở”. Kế hoạch khổng lồ Sekigawara có chủ tướng (Mori Terumoto) và tham mưu (Ishida Mitsunari) khác nhau. Chủ tướng thì vừa không có nhiệt tình vừa không có tài quyết đoán. Tham mưu thì tiền và tay chân không có đủ. Vì thế nên kế hoạch đã kết liễu kiểu “kịch hay, diễn dở” vậy. Tuy nhiên, cách sắp xếp, chuẩn bị kế hoạch thì tuyệt diệu, nên đã để lại trong lịch sử hậu thế một ảnh hưởng lớn lao.
Việc thực hiện cuộc Duy Tân thời Minh Trị, việc xây dựng “nước Mãn Châu”, việc kiến thiết tuyến đường sắt Siêu Cao Tốc Shinkansen, rồi việc tổ chức Hội chợ Thế Giới tại Nhật Bản của chúng tôi, tất cả đều đã dập theo đúng khuôn mẫu của Ishida Mitsunari. Cách thức làm việc của Ishida Mitsunari đã được thuật lại tỉ mỉ trong tiểu thuyết “Mưu đồ vĩ đại”, và cho thấy rằng phương pháp làm kế hoạch của Ishida Mitsunari hiện nay cũng vẫn được các xí nghiệp, các doanh nghiệp và các đoàn thể công cộng trên toàn quốc Nhật Bản áp dụng.
Vậy, ai muốn lập ra và xúc tiến một kế hoạch khổng lồ, hãy học hỏi cách làm việc của Ishida Mitsunari, hãy tìm hiểu tại sao Mitsunari thất bại. Ishida Mitsunari đã tự mình viết ra một kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản và đã chính mình thực thi kế hoạch đó. Mặt thành công của kế hoạch, cũng như mặt thất bại của kế hoạch, đều đáng cho người ta tham khảo.
Nhật Bản là một quốc gia do hàng công chức bậc trung của nhà nước, hàng nhân viên bậc trung của các xí nghiệp tư nhân, làm cho hoạt động. Nói khác đi, “những ông không lớn” mới thật sự quy hoạch và thực hiện những kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản vậy. Với tư cách là người đã sáng chế ra phương pháp làm kế hoạch như vậy, Ishida Mitsunari xứng đáng làm một trong “Mười hai người lập ra nước Nhật” của ngày nay vậy.
 
Chú thích:
[1] Hội Chợ Thế Giới hoặc Triển lãm Thế giới (International Exposition, thường viết tắt là EXPO) lần đầu tiên mở ở Luân Ðôn năm 1865. Năm 1928, hiệp ước về Hội chợ Thế giới được ký kết ở Paris. Nhật Bản gia nhập hiệp ước năm 1965, và năm 1970 đã đứng ra tổ chứ Hội chợ Thế giới lần đầu tiên ở châu Á, gọi là EXPO’70, Osaka.
[2] Hệ thống đường sắt nhanh nhất thế giới trên đường ray khổ hẹp (1,435 m), thường gọi nôm na là “tuyến đường sắt viên đạn”. Năm 1964 tốc độ đạt được đã là hơn 200 km/h. Hiện nay (năm 2003), tốc độ là hơn 300 km/h.
[3] Hai miền này thường được gọi ghép lại là Satcho. Miền Satsuma nay thuộc tỉnh Kagoshima trên đảo Kyushu, còn miền Choshu (cũng gọi là Nagato) nay thuộc tỉnh Yamaguchi trên đảo Honshu.
[4] Hàng mấy chục năm trước khi Nhật Bản bắt tay vào xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen này, Kỹ sư trưởng Shima Hideo, lúc đó còn là một kỹ sư trẻ tuổi, đã thầm lặng tính toán vẽ ra kế hoạch tổng thể cho một hệ thống đường sắt mà ông gọi là Ðường Sắt Viên Ðạn (Dangan Tetsudo), rồi tiếp tục thuyết phục cấp trên thực hiện tuyến đường sắt này. Về sau, khi kế hoạch bước vào giai đoạn thực thi, thì chính ông, với tư cách Kỹ sư trưởng của Hệ thống Ðường sắt Quốc doanh Nhật Bản, đã trực tiếp lãnh trách nhiệm về mặt kỹ thuật.
[5] Người đất Omi, làm võ tướng samurai thời Azuchi Momoyama, có tài về mặt kinh tế, tài chính được chúa Toyotomi Hideyoshi tin dùng, phong cho làm lãnh chúa cai quản thành Sawayama, ăn lộc 19 ngàn hộc. Sau này, sau khi chúa Toyotomi Hideyoshi mất, đã mưu toan lật đổ chúa Tokugawa Ieyasu, song bị thua trận ở Sekigahara (xem lời chú dưới), nên bị xử trảm ở Kyoto. 1560-1600.
[6] Trận đánh quyết định ngày 15/9/1600 giữa hai phe Ðông và Tây ở Nhật Bản thời đó. Phe Ðông do chúa Tokugawa Ieyasu dẫn đầu, phe Tây do lãnh chúa Ishida Mitsunari cầm đầu. Sau trận đánh này, chúa Tokugawa Ieyasu thống nhất được thiên hạ, lập ra mạc phủ ở Edo (Tokyo ngày nay) năm 1603, dựng nên dòng chúa Tokugawa kéo dài 15 đời, 265 năm, cho tới cuộc Duy tân Minh Trị năm 1867.
[7] Vụ biến loạn chùa Honnoji xảy ra năm 1582 (niên hiệu Thiên Chính năm thứ 10). Chúa Oda Nobunaga đem quân đội cứu viện Toyotomi Hideyoshi, lúc đó đang bao vây thành Bichu Takamatsu, nửa đường còn đóng quân ở chùa Honnoji thì bị Akechi Mitsuhide, một bộ tướng đã được Oda Nobunaga cho đi tiên phong, làm phản đem quân từ thành Tanba Kameyama trở lại đánh úp chùa Honnôji, sát hại chúa Nobunaga.
[8] “...bọn ám sát được thiên hạ công nhận”, là nói những thích khách chuyên nghiệp võ nghệ cao cường, có công lực khác thường, biết dùng đủ loại ám khí, thường gọi là Ninja. Xưa mỗi lãnh chúa Nhật Bản đều nuôi ở dưới trướng những Ninja như vậy, dùng để dò la tin tức các địch thủ của mình, và khi cần thì sai thủ tiêu địch thủ đi.
[9] Bóng chày môn thể thao thịnh hành nhất và được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản. Sumo, môn đánh vật truyền thống, là môn thể thao được trân trọng nhất của Nhật Bản. Ðội bóng chày Người Khổng Lồ là đội bóng chày chuyên nghiệp, đóng căn cứ tại Tokyo, có lịch sử lâu đời nhất đồng thời cũng có thành tích chói lọi nhất Nhật Bản, nổi tiếng có những người hâm mộ cuồng nhiệt. Còn đô vật sumo gọi là Ðại Vô Ðịch là đô vật hàng tối cao, thường được mọi người rất trọng vọng. Ðô vật Takanohana là một Ðại Vô Ðịch trẻ tuổi có thành tích sáng chói nhất trong lịch sử sumo Nhật Bản.
[10] Hạ ý thượng đạt, nghĩa là ý người dưới được đề đạt lên người trên. Nói cách khác, những dự án, kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản, chẳng qua là sáng kiến của những người cấp dưới, tức là những người thực sự việc làm, những người biết việc, viết ra, soạn thảo ra. Nhiên hậu, nội dung kế hoạch mới được giải thích để thuyết phục cấp trên, rồi được đưa ra thực thi, như thế là cụ thể hóa cái ý muốn thực hiện kế hoạch đó của những người cấp dưới vậy. Nói chung, những người ăn trên ngồi trốc ở Nhật Bản thường chủ trương an thân, an phận, sao cho thời gian mình ngồi giữ ghế ăn trên ngồi trốc đó được vô sự cho tới lúc mình hết nhiệm vụ. Họ không muốn liều lĩnh, không muốn đánh liều, không muốn thử vận. Vì thế, những người ở cấp dưới, muốn làm nên sự nghiệp lớn lao, dù có sáng kiến, dù có khả năng thực hiện, song vì không có quyền hành, không có quyền quyết định trong tay, nên đã phải dùng tới những thủ đoạn, những phương pháp mà Ishida Mitsunari đã áp dụng vậy.
[11] Trị bằng văn, bằng pháp luật.
[12] Tức là nhà nước chính qui, chính thống.