Tôi: Lam

    
rong gia đình tôi là con cả. Tôi cao 1 thước 72. Cũng giống Sơn, hồi tôi bắt đầu lớn, sự tăng chiều cao của tôi đã từng làm ba tôi ngạc nhiên và tự hào. Lâu lâu ba tôi lại lôi tôi ra đo xem tôi còn kém ông mấy phân. Mới đầu tôi còn kém ông một cái trán, rồi dần dần nửa cái trán, một phần ba cái trán và cuối cùng tôi... vượt hẳn ông một cái đầu.

Ba tôi gật gù bảo me tôi:
- Sao chân tay chúng dài thế! Không biết con chúng sẽ ra sao. Bằng cái sào chăng?
Chiều cao của tôi cũng làm phiền me tôi không ít. Khi mua sắm chiếu chăn, guốc, quần áo pi da ma cho tôi, bà bao giờ cũng hỏi người bán hàng tìm cho loại dài nhất, to nhất, rộng nhất và dĩ nhiên là bền nhất và... ít tiền nhất.
Khi Lan, Liên bị me tôi mắng:
- Tại sao các cô toàn đòi mua giầy với guốc cao gót. Tốn lắm!
Lan, Liên cãi:
- Đâu phải lỗi chúng con. Tại anh Lam đấy chứ!
Thấy me tôi bỡ ngỡ không hiểu tôi thì liên lạc gì đến sự cao thấp của đôi gót guốc. Lan vội giảng:
- Chúng con phải mua giầy guốc cao gót để dùng trong dịp đi chơi với anh lam. Anh ấy cao lênh khênh, anh lại hay để tiền ở túi áo trên, nếu không đi giầy cao gót thời làm thế nào với tới được.
Vì là con cả trong nhà, nên tôi cũng rất được ba mẹ tôi và các em gái nuông chiều. Tuy tôi đã lớn, mặt đen xì và đi đâu lừng lững như một cái cột đá, nhưng me tôi vẫn không chịu hiểu là tôi hàng ngày đã phải cạo râu và nếu đến các mối tình trên đầu ngón tay thời số ngón trên hai bàn tay đã không đủ; và nhất định cho tôi vẫn còn cần phải được luôn luôn săn sóc, chăm non cái ăn cái uống từng ly từng tý.
Có lần tôi đang tiếp chuyện hai ba cô bạn gái của tôi và Liên, me tôi đi chợ về ôm theo một mớ chiếu mới mua.
Bà sai tôi:
- Lam! Hộ me tý việc.
Trước những cặp mắt tò mò và chế riễu của mấy cô, me tôi trải chiếu cạp điều mới
mua xuống chiếc giường kê gần đây, đoạn chỉ tay nói gọn lỏn:
- Con nằm xuống kia! Ruỗi chân ra, dơ tay lên khỏi đầu... thế... thế!... tốt lắm! Cái chiếu này me mua vừa đúng. Lam nằm vừa là cả nhà nằm vừa.
Mặt vẫn lạnh như tiền, tôi sau khi đã ruỗi dài hết cả 172 phân xương thịt trên mặt chiếu, hỏi me tôi:
- Con có phải ngủ không me?
Mọi người ồ lên cười. Me tôi cũng cười theo hể hả. Đối với bà, tôi chỉ là một dụng cụ để đo chiếu và dĩ nhiên một cái thước đo đâu có biết ngượng trước mặt phụ nữ.
Khi bàn đến cái chiếu dài quá khổ của tôi, ba tôi cũng hay nói:
- Cũng chỉ vì thủa bé, tôi chiều nó, cứ cho nó ăn chocolat hoài nên Lam mới chóng lớn thế?
Theo ba tôi kể lại, lần đầu tiên mua chocolat về, tôi không chịu ăn, nhè ra bảo là đất thó. Ba tôi cáu tát liền cho một cái, tôi òa khóc rồi mới chịu nuốt một miếng. Ít lâu sau ăn quen thấy ngon miệng, có hôm đi làm về, ba tôi quên mua chocolat, tôi khóc ầm lên và
cũng bị... tát liền mấy cái. Tôi im bặt, mặt ngẩn ra.
Khối óc non nớt của tôi làm sao hiểu nổi tại sao khi bị bắt buộc, không chịu ăn thời bị tát, lần khác cũng chỉ vì khóc đòi ăn nên cũng bị tát. Cuộc đời thật rắc rối!
Tôi rất thích tuyên truyền, cổ động cho thuyết “Trong bất cứ việc gì, ta cũng phải tỏ ra người lịch sự”.
Để nêu gương cụ thể, hôm nào gần cuối tháng tôi miệng ngậm píp, quần áo chỉnh tề, sau khi điều đình mãi mới được me tôi ưng thuận cấp cho ngân khoản 10$ để đi uống một ly cà fê crème ở Bonard, tôi lại còn xin thêm 2$. Hỏi để làm gì, tôi trả lời để cho pourboire. Hành động lịch sự tuy kỳ khôi đó của tôi bị cả nhà phản đối.
Tôi lại còn chỉ bảo cho Lan, Liên biết là các cô bao giờ cũng để các ông kéo ghế mời rồi mới ngồi. Lan, Liên áp dụng đúng lời tôi bảo, cho nên sau một thời kỳ dẫn Lan, Liên đi chơi, tôi đâm ra kéo ghế rất thiện nghệ. Tôi dạy Lan, Liên cách xử dụng phuốc xét và dao khi ăn cơm tây, nên Liên, Lan đã đòi dẫn đến mấy hiệu ăn bằng được để áp dụng những điều đã học. Tiếc rằng vì tài chánh eo hẹp nên mỗi tháng may ra chúng tôi chỉ có dịp lịch sự độ một lần là hết sức.
Trong gia đình tôi thường tự phụ là người giàu óc tưởng tượng nhất, nên trước khi làm việc gì dầu quan trọng hay nhỏ nhặt, mọi người đều hỏi ý kiến tôi. Sự hỏi ý kiến đó nhiều khi khiến tôi tự nhủ có lẻ đầu óc tôi nên rỗng tuếch không có ý kiến gì, thời đỡ thiệt hại cho tôi.
Me tôi hễ khi tính sổ xong, trầm ngâm một lúc đoạn hỏi tôi:
- Tháng này có lẽ phải tu tiên sớm lắm, Lam có ý kiến gì không?
Dĩ nhiên tôi chỉ có thể đưa ra ý kiến là vay thêm tiền. Ý kiến tuyệt hay! Nhưng ai sẽ đi vay? Cái con người đưa ra ý kiến đó chớ ai. Kết quả là bây giờ bao nhiêu bạn hữu của tôi đều thành chủ nợ của tôi hết.
Hơn nữa cũng vì mang tiếng là người có thẩm mỹ, nên có lần Liên chạy đến trước mặt tôi, mặc một chiếc áo trong nhà rất nổi. Cô nàng quay đi quay lại, kiễng chân, tì hai tay lên háng làm điệu và hỏi tôi:
- Anh Lam! Chiếc áo này Liên mới may trông được không?
- Được lắm! Có phải Liên cắt theo mẫu trong báo Marie Claire, anh chỉ cho Liên xem hôm qua phải không?
- Đúng! Anh tinh mắt lắm! Đây em trả lại anh 250$.
Tôi ngơ ngác, tuy nhiên vẫn cầm ngay lấy tiền.
- Sao lại trả lại? Tiền nào?
- À! Tiền Liên lấy.... ở ví anh ấy mà.
- Thôi chết! Tiền anh định để mua mấy quyển sách.
Tôi định mắng thời Liên đã chạy biến vào trong nhà khoe áo mới, để tôi đứng trơ với những ý kiến về thẩm mỹ rất tốn tiền của tôi.
Rất nhiều người cho tôi là kỳ quái; rất nhiều bà cho tôi là phần tử bất trị cần phải đề phòng; rất nhiều cô cho tôi là ăn chơi, cà lơ, nghệ sĩ lãng mạn không đúng chỗ. Đàn ông thì ác cảm với tôi vì họ đổ cho tôi một tội khá nặng lúc nào cũng nói cái giọng “trịch thượng anh cả” và cứ làm như mình cái gì cũng biết cái gì cũng đã hưởng và đã sống qua. Còn những anh chàng nào thất tình năm bảy lượt cũng ghét tôi thậm tệ, vì tôi hình như trơ trơ không hề biết mùi vị thất tình bao giờ.
Thật ra, ngoài đời thực tôi có được cái hân hạnh liệt vào hạng một hiện tượng kỳ khôi như trên hay không?
Nếu bạn chiều chiều hay đi dạo qua tiệm giải khát M.H. và thường thấy một anh chàng mặt sắt đen xì, mặc một chiếc quần nhung nâu mặc dầu trời nóng 30 độ, áo sơ mi cũng nâu bỏ ngoài quần, miệng ngậm một chiếc píp dài và chân mang một đôi dép bata; ngồi trầm ngâm nhìn thẳng trước mặt, chân tay bất động và độ năm phút mới phì ra một làn khói thuốc: “Ấy chính cái anh chàng đó là tôi vậy”.
Một hôm nghe lời đề nghị của một anh bạn họa sĩ vừa ở Pháp về, tôi khăng khăng bám lấy một ý kiến ngộ nghĩnh là hai thằng sẽ mặc áo len đen cổ lọ, đầu đội mũ nồi đen, chân đi dép, mang giá vẽ kê ở giữa vườn hoa Catinat vẽ chơi năm ba bức. Lan, Liên và mấy cô bạn của tôi kêu ầm lên là tôi ưa lập dị. Chỉ có me tôi là điềm đạm nói:
- Các cô đừng lo. Me biết trong túi Lam không có đủ tiền mua một quận len chứ đừng nói đến cả một cái áo len. Lập dị đâu phải dễ, cũng tốn tiền ra phết.
Tôi vội dở ví ra lục, đoạn cười trừ chịu lời nói của me tôi rất chí lý. Cái anh chàng làm ra bộ cái gì cũng biết là tôi, lại không biết nổi trong túi có bao nhiêu tiền.
Tôi cũng hay bị mọi người chế riễu về cái tật đãng trí. Dạo chơi phố với Lan, Liên hễ anh chàng nào mỉm cười với tôi là tôi vội trịnh trọng ngả đầu chào vì tôi đoán già đoán non là “Dĩ nhiên họ phải quen biết mình họ mói cười chào đón như thế chứ”.
Vì vậy mới xảy ra một trường hợp khá ngộ nghĩnh là có lần giữa phố Catinat, một anh chàng quần áo tề chỉnh thắt caravate đỏ, tiến đến trước mặt tôi, miện g nở một nụ cười hoa đại và trao cho tôi một tấm danh thiếp. Tưởng gặp người quen tôi vội đưa tay ra bắt, đoạn cũng rút trong ví ra một tấm danh thiếp, miệng mời:
- Chà! Lâu quá mới gặp anh!... À hôm nào mời anh đến chơi chúng tôi. Vẫn ở chỗ cũ ấy mà.
Chàng caravate đỏ vội đáp.
- Dạ tôi đâu dám!... Xin ông 30$ tiền.
Tôi dật mình tự hỏi không hiểu mình vay hắn bao giờ, nhưng vốn dĩ nhiên lịch sự tôi vội rút ví ra, miệng hỏi:
- Chết chửa xin lỗi. Tiền này là tiền...!
Liên nhắc khéo tôi:
- Tiền anh đặt trước để lấy ảnh!
Anh chàng chụp ảnh dạo nghiêng đầu, nói như máy:
- Vâng! Tiền lấy ảnh! Hiệu ảnh chúng tôi đã 20 năm kinh nghiệm trong nghề. Chụp không bao giờ hỏng. Nếu “hỏng” xin trả lại tiền.
Dọc đường Lan, Liên cười mãi vì vẻ bộ mặt trịnh trọng của tôi và “ông bạn chụp ảnh rong” khi hai người trao danh thiếp cho nhau. Tôi thở ra thoải mái, miệng lẩm bẩm:
- Cũng là may, anh cứ tưởng nợ hắn tiền!
Ngoài cái tật đãng trí ra, tôi cũng còn một vài tính xấu nho nhỏ, rất vô hại. Tỷ dụ như tôi mắc cái tật xấu là yêu quá nhiều thứ. Đại khái tôi yêu (theo thứ tự a, b, c...): ăn ngon, bơi lội, con gái đẹp, cà phê, hoa, hút thuốc (tùy theo túi tiền: thuốc pipe, thuốc lá Mỹ, thuốc lá Ta 4$ một gói), nhảy nhót, trẻ con, uống trà Tầu đặc, uống rượu, viết văn, vẽ tranh lập thể, trừu tượng và (... sống độc thân).
Xin nói ngay là tất cả mọi người trong gia đình tôi đều rất quan tâm đến sự sáng tác văn nghệ của tôi. Gần cuối tháng khi quỹ gần cạn, hơn nữa tất cả những nơi quen biết thân sơ bà có thể nghĩ ra được thời đều đã vay họ ít nhất một lần, me tôi ngọt ngào bảo tôi - lúc đó đang nằm khểnh trên giường, hút píp và xem truyện Tam quốc đăng trong báo N.L:
- Lam à! Để me bảo mua bia bánh ngọt và bia cho nhé!
Tôi để đầu píp hạ xuống một phân, nghi ngờ nhìn me tôi.
- Me “xuất vốn” chiều con vào cuối tháng có vẻ khả nghi lắm!
Me tôi ngây thơ nhắc tôi:
- Sao con bảo viết văn phải cần uống bia ăn của ngọt? Thôi con chịu khó viết nốt cái truyện “nghìn rưởi” con viết dở tuần trước đi.
Cái truyện ngắn me tôi nhắc tới thực ra không hề có cái tên kỳ khôi đó, “nghìn rưởi” chỉ là số tiền thù lao một anh chàng chủ bút hứa với tôi mà thôi.
Tôi ngẫm nghĩ một chút đoạn gật gù dơ một ngón tay lên:
- D’accord! Nhưng me chỉ được lấy 1000$, 500$ còn lại phần con để...
Lan, Liên ngồi học gần đấy reo lên:
- Hay quá! Để anh Lam thết bọn này chầu xi nê. “Cây nhân sinh” có con E li da bét Tai lo.
Du bỏ cả sách triết, sách luật, sán lại gần gãi tay nói:
- Me! Cho con vay 20$ mua thuốc lá... À quên! Mua cho anh Lam hút viết văn...
Sơn vội xung phong phóng xe đi mua bia và bánh cho tôi và cũng không quên mua cho hắn hai chai nước ngọt để chan cơm ăn.
Me tôi, Lan và Liên dọn dẹp một chỗ tươm tất để tôi... nằm viết. Các văn sĩ thực sự thường hay cầu kỳ về chỗ sáng tác của họ, người thì phải ngồi trước một chiếc bàn gỗ ván đẹp đẽ đối diện với một lư trầm, người thì phải đứng để viết như Hemingway chẳng hạn, kẻ thì ngồi xếp chân bằng tròn trên đỉnh núi cheo leo ngắm chim bay mây chạy mới tìm được tứ thơ. Riêng tôi thì chỉ là một văn sĩ tài tử nên cái lối viết cũng rất đại lãn: nằm xấp trên giường, chân gác lên một chiếc gối, tay tì lên một chiếc gối khác và trước mặt phải bày sẵn kẹo, bánh ngọt, bia, cà fê, thuốc lá, khoai rán để khích động nguồn cảm hứng của tôi.
Một điểm kỳ khôi khác là tôi không cần phải yên tĩnh mới suy nghĩ được. Tôi ưa viết trong bầu không khí ồn ào, lẫn lộn tiếng cười nói, tiếng me tôi lẩm bẩm tính tiền chợ, tiền nợ, tiếng sè sè của những khí cụ điện tử của Sơn, tiếng thái thịt băm chả của Lan, Liên và những càu nhàu trách mắng của ba tôi.
Chốc chốc tôi lại ngóc đầu lên hỏi; vì tôi rất dốt chính tả:
- Lan! Sống sượng viết thế nào? s hay x...
Hay là:
- Me! Khi trẻ con chết cứ thiếp đi hay là chân tay run lật bật lên như người lớn?
Rất quen với những câu chuyện bi thảm, trong đó ít nhất cũng có dăm ba người chết của tôi, me tôi hỏi:
- Bệnh gì mới được chứ?
- À!... Ngã từ trên gác xuống!
- Cái thằng này ác thật! Con không tìm được cách nào cho con nhân vật trong truyện chết nhẹ nhàng hơn à?
Du bác ngay ý kiến của me tôi:
- Mẹ để kệ anh ấy! chết chóng, viết chóng xong truyện. Chóng xong truyện chóng có tiền.
Những người trong gia đình hoặc bạn hữu nếu tò mò hỏi tại sao trong sáu, bảy truyện ngắn mới đây của tôi truyện nào cũng có một nhân vật chết khổ chết sở hoặc chết vì tình, vì chơi bời quá độ, vì tai nạn v.v... tôi trả lời không ngần ngừ đó là tất cả bí quyết viết văn của tôi.
Tôi giảng giải, dùng ngay một tỷ dụ cụ thể:
- Ví dụ anh viết về một câu chuyện tình giữa Liên và Văn. Hai người yêu nhau tha thiết! Ừ rồi sao nữa? Rồi hai cô cậu lấy nhau. Đẻ con đầu, cãi nhau một trận, giảng hòa rồi đẻ đứa thứ hai, rồi cãi nhau nữa, rồi giảng hòa....
Truyện viết như thế đâu là hào hứng? Ai có can đảm theo rõi những ủng oẳng giữa hai nhân vật?
Giờ cứ ví dụ Liên mắc một căn bệnh bí mật, chết dần chết mòn. Bệnh lao chẳng hạn! Bệnh lao khiến các cô má hồng, nồng nàn thêm. Liên biết mình sắp chết nên không giữ gìn, phung phí tình yêu, yêu liền ba ông. Văn buồn bã uống rượu chơi bời lu bù và gặp một người tình cũ, thương hại chắp lại duyên xưa và bỏ rơi con người ta. Cô ta thất vọng giết đứa con trong bụng rồi...
Liên, Lan nghe tôi kể đến đây bắt đầu cảm động thực sự và nhất định bắt tôi cho biết đoạn kết của câu truyện. Tôi trợn mắt lắc đầu:
- Không có được! Đoạn kết rùng rợn lắm! Nghe rồi đêm các cô ngủ mê hoảng ấy à!
- Anh cứ kể nốt đi!
- Đoạn kết: Liên chết sau một cơn rũ rượi. Cô tình nhân của Văn hối hận, nhớ con tự tử. Văn củng hối hận và vì uống quá nhiều rượu phát điên và chết trong nhà thương...
Tôi rất ngạc nhiên vì không ngờ đoạn kết chết chóc của câu chuyện tôi vừa kể lại khiến Lan, Liên rất hài lòng. Đàn bà thật kỳ! Họ luôn luôn đòi biết cho được đoạn kết của bất cứ sự việc gì trên đời. Đi xem xi nê nhất định đòi cho bằng được tờ programme xem cuối phim nhân vật chính có chết hay không; xem truyện thì lật vội đến trang cuối cùng đọc mấy hàng kết cục rồi mới hể hả quay lại đọc từ đầu truyện; hoặc nếu có ai kể cho nghe câu truyện yêu đương tha thiết giữa một cập trai gái, các cô vội hỏi “Thế sau cùng họ có lấy được nhau không?”. Sau khi được biết họ quả thật lấy được nhau và hiện giờ có sơ sơ tám đứa con, hai vợ chồng cãi nhau, đánh nhau suốt ngày và ghét nhau như chó với mèo, các cô chỉ phê bình gọn lỏn một câu “Cần gì! Miễn là họ lấy được nhau là được rồi”. Nếu cái ông Shakespeare nào đó còn sống, dám chắc sẽ nhận được một bức thư của Lan, Liên yêu cầu viết lại cuốn Roméo và Juliette cách nào để hai nhân vật chính phải lấy nhau và sung sướng bên cạnh một đàn con cho nó có hậu.
Khi viết có lẻ tôi không để ý và ý thức được những cử chỉ hành động khùng khùng của tôi, nhưng theo người ngoại cuộc tôi rất kỳ khôi. Đương lúi húi viết thì nhỏm dậy lại gần me tôi nói chuyện lăng quăng hỏi ngày mai ăn món gì. Khen me tôi khâu nhanh và khéo; rồi tự nhiên thừ người mắt lờ đờ nhìn thẳng vào mặt me tôi rất lâu. Bà ngạc nhiên bất giác sờ tay lên má hỏi:
- Sao Lam nhìn me chăm chú thế? mặt me nhọ à?
Tôi vẫn nhìn, mặt ngây ra như chú tàu nghe kèn, me tôi khoa khoa tay trước mặt tôi, giọng lo ngại:
- Lam! Con làm sao vậy?
Tôi không đáp, bỗng nhiên đứng dậy reo lên khoái trí:
- Cho chết!... Đáng kiếp! Ngu như thế chết là phải...
Đoạn tôi quay vào giường hăm hở viết. Sau khi đã giết chết nhân vật chính của mình không chùng tay, nhà văn khát máu là tôi vác bản thảo đến đọc cho me tôi nghe, mặc dầu bà đương bận dặn Liên và người làm về những món cần mua trong buổi chợ hôm sau.
Tôi cất giọng trầm bổng đọc đoạn văn vừa sáng tác. Me tôi gật gù tán thưởng. Tự nhiên thấy me tôi lắc đầu, tôi vội ngừng đọc hỏi:
- Sao me lấc đầu? Đoạn này dở à?
- Không! Hay lắm con cứ đọc tiếp đi. Me lắc đầu vì Liên hỏi mai mua gà không đây chứ!
Tôi đọc tiếp giọng say mê hơn. Cuối cùng đọc xong tôi hỏi:
- Me nghĩ thế nào?
Me tôi buột miệng nói “Ngon tuyệt con ạ!” khiến Lan, Liên, Du phì cười. Lan bảo:
- Tội anh Lam quá! Me lại tưởng anh Lam hỏi món cá rấm ngày mai có ngon không, chứ
có biết đâu anh yêu cầu me cho biết ý kiến về văn anh.
Tôi ngán ngẩm dơ hai tay lên trời, lủi thủi trở về giường miệng lẩm bẩm:
- Đời không ai hiểu ta! Người không hiểu ta...
Ấy thế nhưng khi tôi giang tay xé đánh soạt mấy tờ bản thảo, Lan, Liên rú lên, Du giật mình và me tôi suýt soa:
- Sao con lại xé truyện vừa viết. Thế là mất toi nghìn bạc...
- Truyện dở không xé để làm gì. Đọc cho me nghe tác dụng không bằng một bát canh cá dấm...
Để tự an ủi, tôi nằm vắt tay lên trán, buồn rầu ăn hết bốn cái bánh ngọt và uống hết cả một chai bia lớn. Lấy cớ giải trí cho đầu óc thoải mái, để sáng tác; tôi vớ lấy quyển Tintin đọc và cười một mình. Đọc một lúc mỏi mắt, ăn nhiều bánh kẹo mỏi cả răng, tôi úp cuốn sách lên bụng dặn cả nhà:
- Ê cả nhà! Đừng có ai hỏi han chuyện gì đấy! Để anh nằm tập trung tư tưởng...
Tập trung tư tưởng quả thật là một công tác mệt nhọc, nên chỉ mười lăm phút sau tôi thiếp đi ngủ ngon lành giữa những tập bản thảo vứt ngổn ngang.
Nửa đêm đang khi cả gia đình ngủ say sưa, tôi chắc vì ăn nhiều thứ khó tiêu, nằm mê hoảng ú ớ kêu và rối rít gọi me tôi. Bà vội đến bên giường lay tôi đánh thức và hỏi tôi mê thấy gì.
- Chà! Giấc mê sợ quá. Con bị hai người bóp cổ. Bây giờ mới biết người ta chết ra sao.
Sau đó tôi ngồi bó gối trên giường, không dám ngủ lại và dưới ảnh hưởng của những xúc động mạnh, tôi lấy bản thảo ra lúi húi viết. Mấy hôm sau khi truyện ngắn của tôi đã đăng báo và tôi trao 1000$ cho me tôi; bà hể hả bảo Liên, Lan:
- Giá anh chúng mày mỗi đêm mơ hoảng một lần, chẳng bao lâu me có khối tiền.
Trên đây là vài chi tiết nên thơ và dĩ vãng, liên quan đến sự ham thích viết lách lăng nhăng của tôi và cái mũi đỏ của bác Ba. Hiện giờ mũi bác vẫn đỏ không kém xưa và sự ham thích cũng vẫn còn. Nhưng hễ tôi đá động đến chuyện làm văn, làm báo me tôi không phản đối trực tiếp, bà chỉ nhận xét một câu là theo số tử vi, tôi có tướng làm quan võ và sẽ lấy ít nhất ba vợ. Biết me tôi rất tin ở tử vi nên tôi cười không cãi, nhưng không ai xa lạ gì với nhược điểm là “sợ tốn” trong tất cả mọi việc của me tôi, tôi chỉ đáp:
- Lấy một vợ đã tốn khối của. Làm sao me có tiền lấy cho con những ba lần vợ.
Câu nói của tôi khiến bà suy nghĩ băn khoăn mấy ngày. Nếu quả thật tôi sẽ lấy ba vợ thời cái đúng cái hay của số tử vi không phù hợp chút nào với nguyên tắc tiết kiệm của me tôi. Bà mang lá số tử vi của tôi đến nhờ ông thầy tướng coi lại, khi về nhà bà hể hả bảo tôi:
- Không lo! Theo tử vi me chỉ phải lo cưới cho Lam người vợ đầu mà thôi. Hai vợ sau Lam tự lo liệu lấy được.
Cũng may tôi không tin ở tử vi, nếu không cứ lo cưới (dù chỉ có hai vợ) cũng tổn hại sức khỏe không phải là ít.
Vì me tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm xưa vừa ngộ nghĩnh vừa đầy màu sắc về đời sống ngày xưa, nên tôi hay xúi me tôi viết hồi ký, chắc xuất bản bán rất chạy. Đề nghị nghe có vẻ bùi tai, nên me tôi hy sinh xé mấy tời giấy của quyển sổ chợ, lúi húi viết. Liên, Lan bảo nhau bắt mọi người giữ thật im lặng để khỏi khuấy đục nguồn yên sĩ phi lý thuần, chắc rất to lớn và phong phú của bà. Thấy me tôi viết lia lịa, chốc chốc lại gạch gạch xóa xóa, chúng tôi chắc mẩm xe đọc được những đoạn văn rất xúc tích, nhưng bổng nhiên đương viết me tôi ngừng bút, ngẩn mắt ra ngầm nghĩ rất lung, đoạn cất tiếng hỏi:
- Lan à! Hôm qua me trả bà hàng gạo bao nhiêu ấy nhỉ?
Chúng tôi ngã ngửa người ra vì ngạc nhiên, đoạn cười ầm lên. Me tôi ngơ ngác:
- Sao các con lại cười?
- Chúng tôi kéo nhau đến cạnh me tôi xem công trình sáng tác văn nghệ của bà, thì thấy trên đầu trang giấy một hàng chữ viết to bằng quả trứng “Hồi xưa khi còn con gái tôi sống trong gia đình có bảy người: anh cả, anh ba, anh tư, tôi và chú bảy. Chúng tôi...” Nguồn hứng của me tôi chỉ có chảy đến đấy, dưới đáy trang giấy chi chít những con số và những câu ghi chú chẳng liên quan chút nào đến văn nghệ: trứng một chục 20$, Lam xin tiền xi nê 30$, nước mắm 3 chai, gạo 1 tạ 670$.... v.v...
Chúng tôi bảo nhau văn me tôi có đủ mọi hương vị, nào đậm đà (có chất gạo), mùi vị
nước mắm và lại còn bổ béo (trứng). Thật đúng câu “Văn là người”.
Mỗi khi trời mưa vào những buổi tối, chúng tôi hay hội họp “trà đạo, bánh ngọt”, và lại bắt me tôi kể chuyện kỷ niệm ngày xưa. Tiện đây cũng xin nhắc bộ đồ trà của me tôi có một không hai trong lịch sử trà đạo, vì gồm có ba chiếc chén hạt mít, một ấm chuyên sứt vòi, hai chiếc cốc hạng nhỡ (dành cho Tuyết, Liễu), một chiếc cốc to đại (dành to Sơn), một chiếc mâm bằng đồng thay cho khay trà và ba thứ trà khác nhau: Trà tầu do Tầu làm ở bên Tầu (chỉ ba me tôi, và Du được thưởng thức), trà tầu do Tầu làm ở bên ta (Lan, Liên uống) và trà tầu ta làm ở bên ta (Sơn, Tuyết, Liễu uống).
Chúng tôi nói chuyện lan man. Có khi chỉ vì Liên kêu trời lạnh, thế là chúng tôi bàn đến cái lạnh ở ngoài Bắc, những mùa Đông cũ, Tết ngồi quanh nồi bánh trưng ở trại bà ngoại, câu chuyện tình duyên giữa ba và me tôi.
Có lần me tôi lục trong hòm ra một lô quần áo cũ, phần lớn là áo rét, mà khi tản cư vào đây me tôi vẫn chịu khó mang theo. Cả nhà xúm lại tò mò ngắm nghía, sờ mó trịnh
trọng như đang chiêm ngưỡng những đồ quý bày trong viện bảo tàng.
Tiếng Du hỏi:
- Ô! Cái quần chi mà kỳ! Bé tý mà lại thủng một lỗ đằng sau. Quần ai đấy me?
- Của Du chứ ai.
Du đang ngơ ngác Lan đã chê luôn một câu:
- Ê! Mọi người xem từ thuả bé anh Du đã có tật ngồi bệt xuống đất lê la, nên quần mới thủng đằng sau thế kia chứ!
Ba tôi mắng:
- Im nào! Con gái ăn nói phải giữ gìn ý tứ.
Lan cãi nho nhỏ:
- Ba vô lý quá! Con có giữ ý tứ đi chăng nữa anh Du vẫn có thời kỳ mặc quần hở đít kia mà. Phải không anh?
Liên dơ lên một chiếc manteau mầu đỏ chói, kiểu cổ và rộng ghê gớm:
- Me à! Cái chăn gì mà to thế này?
- Đâu phải chăn! Ao của me đấy!
Lan, Liên cười ầm lên, rồi cả hai chui vào cái áo của me tôi, mỗi đứa khoác một bên áo xỏ một bên tay và đi đi lại lại trong nhà hát “Mình ơi có đi bờ hồ! Cùng nhau ăn kem kẹo dừa. Chúng mình là mình sung sướng”.
Ba tôi mơ màng nhìn theo tủm tỉm cười qua cặp kính lão. Chắc ông nhớ lại thuở xưa, hồi me tôi đẹp như Thúy Vân, khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Me tôi hạ cặp kính xuống lau lau, mắt chớp chớp có vẻ cảm động, nhìn ba tôi một cái rất nhanh.
- Hồi đó tôi chọn màu này ông càu nhàu mãi. Ấy chính ông mua tặng tôi đấy...
Bọn chúng tôi dỏng cả tai lên nghe, chắc mẩm ông cụ, bà cụ sẽ thuật lại một “xen” rất lãng mạn của những kẻ yêu nhau kiểu năm 1930. Chúng tôi khó lòng tưởng tượng ngày xưa có hồi ba me chúng tôi cũng yêu nhau, cãi nhau, giận dỗi giống bọn trẻ thời nay. Lan, Liên dục:
- Me kể tiếp đi chứ! Ba có khi mua đồ tặng me không? Khi tặng ba nói những gì?
- Dạo đó đi ngoài phố ba me khoác tay nhau, hay ba đi trước ba bước, me đi sau, còn chúng con đi sau rốt...
Ba tôi trừng mắt gắt:
- Hỗn nào! Chuyện người lởn chúng mày biết gì mà nói leo.
Lan, Liên rúc rích cười bảo nhau:
- Đúng rồi, suya là ba me có khoác tay nhau, nên ba ngượng mắng lấp chúng mình đi đấy!
Từ dạo chúng tôi lớn lên, không mấy khi ba me tôi đi đâu cũng một lượt. Vì vậy hễ khi bắt buộc phải dự một đám cưới, đám giỗ ba mẹ tôi phải đi cùng, chúng tôi ào ào kéo ra cửa, xem một hiện tượng kỳ lạ, bàn tán sôn sao. Thường thường ông cụ bà cụ đi cách xa nhau hai ba thước là ít, không ai nhìn ai và cũng chẳng chuyện trò. Chúng tôi còn đố nhau, ba có mở xe tắc xi cho me hay không. Chúng tôi ngạc nhiên - nhất là Lan, Liên - khi thấy me tôi trái lại mở cửa xe để ông cụ lên trước. Nịnh đầm kiểu ngày xưa cũng có khác bây giờ.
Tôi ngồi uống trà đặc, ngậm píp hút phì phào và mơ màng ngắm khuôn mặt hai người sinh ra tôi: những vết răn khá nhiều dưới làn tóc điểm bạc của ba tôi; khuôn mặt tuy tròn trĩnh đầy đặn trẻ hơn tuổi, nhưng chiếc cầm thứ ba đã thấy thấp thoáng ẩn hiện trên chiếc cổ cao ba ngấn của me tôi. Một cảm giác ghen tị ló hiện đâu đây trong tâm hồn tôi. Tôi muốn có một cặp mắt của ba me để có thể nhìn thấy một dĩ vãng xa xôi và hồi tưởng lại khá rõ rệt đời sống cách đây mấy chục năm: nói tóm lại tất cả những cái gì êm đẹp của một thời xa xôi mà tôi không hề dự phần...
 

HẾT

Xem Tiếp: ----