CHƯƠNG 5

    
òn rất lâu mới đến tối, Thi Hoài nhét một gói thuốc, một chai rượu, thêm mấy con khô sặt vào chiếc túi mìn clây-mo rồi ra khỏi chòi.
Anh quyết định làm một cuộc hành trình vãn cảnh nho nhỏ để thiêu đốt thời gian. Đêm nay… Hoài bỗng thấy hồi hộp. Một sự hồi hộp hiếm hoi, đã lâu lắm mới trở lại. Cái gì sẽ chờ đợi anh trong căn chòi chắc là sẽ rất gay cấn và quyến rũ ấy? Một mái lá con con, một chiếc giường nho nhỏ, một thân hình nóng ấm… Anh nhắm mắt lại.
Lâu nay cái hình hài ấy đã lặn sâu vào trong anh thành một nỗi ám ảnh ma quái không thể nào dứt ra được. Anh khát thèm được khám phá, được trò chuyện và được… giày vò. Chưa bao giờ ở anh lại dâng lên một ham muốn cháy ruột cháy gan như thế. Không? Không chỉ là một ham muốn nhục dục đon thuần, rì rầm chuyển động bên trong, nó còn có một cái gì khác thuộc về tâm tưởng sâu xa nữa kia. Phải chăng là cái đẹp? Phải chăng là cái độc đáo gây ấn tượng chớp nổ một lần để rồi phát xạ hoài huỷ? Anh không biết song anh thấy thôn dã như vậy ưu ái tình và đàn bà! Lâu nay như một sự nhàm chán, anh không quan tâm lắm đến khái niệm này. Đối với anh, đàn bà và tình yêu không bao giờ là tất cả, không bao giờ là cứu cánh. Xét đa chiều, thực chất nó chỉ là một mớ những cảm hứng hỗn độn, những ngọt ngào và cay đắng. Anh không có thói quen thần tượng hoá họ. Họ đi qua đời anh và anh lướt qua đời họ như những thủ tục cần thiết và thường tình. Chớp nhoáng và sòng phẳng. Dằng dịt nhớ nhung ư? Giận dỗi hẹn hò ư?… Nay gốc cây này, mai gốc cây khác rồi thề thốt trọn đời trọn kiếp ư? Già rồi, mệt rồi, còn bày vẽ cái chuyện trai tơ gái tơ ấy ra dơ lắm, mất thời giờ lắm. Hay nhất là đêm nay nhàu nát điên cuồng, sớm mai cái thực thể gắn bó ấy nhớ mãi mà vẫn không ra tên cũng được. Vậy thôi, có quái gì là ghê gớm. Một sinh vật nhõng nhẽo, trí trá và tham lam đủ điều. Đối với họ, hoạ có là thằng ngu mới đầu tư ráo trọi cả thời gian và tình cảm vào. Anh giành về mình cái quyền được ngồi một chỗ sắp xếp các cuộc gặp gỡ sao cho khéo léo để cô này khỏi chạm trán cô kia. Và như vậy cũng đã đủ mệt lắm rồi.
Biết anh không tin được, biết anh giăng hoa tai tiếng nhưng lạ thay, hệt những chú thiêu thân nhẹ dạ, họ vẫn cứ lao vào, vừa sợ hãi vừa tò mò thích thú. Tại họ chứ. Còn anh… Đàn ông mà! Dễ tính thôi. Bị kẻ khác giới bao vây thô bạo, thằng đàn ông có la lối om xòm về chuyện chính chuyên gia giáo bao giờ.
Anh thận trọng men theo sườn dốc đi lên. Từ bữa đến đây, Hoài chưa một lần đặt chân lên quả đồi hoang vu này. Anh sợ rắn, sợ mệt, và sợ cả cái độ cao chênh vênh có vẻ hiểm bí của nó. Vậy mà trưa nay, phải chăng do sự xui khiến của cái khoáng đạt tràn ngập khắp nơi nơi, anh lại muốn trèo lên đến chót đỉnh, chụm cành nướng mấy con khô nhậu lai rai một mình. Vừa nhậu vừa suy tưởng và chiêm nghiệm tí chút về mình, về cuộc đời. Nếu cần ngả lưng ngay trên độ cao mà ngủ, mà quên đi những cái vớ vẩn đời thường. Thế là thú.
Thế là toàn bộ ý nghĩa cuộc sống. Bước chân anh hoạt hơn. Càng lên cao gió càng lồng lộng. Có vài loài hoa lạ màu tím nhạt đang nằm e ấp trong lùm bụi khiến anh dừng lại ngơ ngẩn giây lâu. Ngơ ngẩn! Không chỉ ngơ ngẩn thôi đâu, khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, nếu được nhìn thật lâu thật kỹ, có khi đến khóc lên mất. Điều đó là chân thật có lẽ mình sẽ nói với cô ấy điều này nếu có dịp.
Đỉnh đồi còn xa, triền dốc như ma giáo kéo dài ra mãi. Thi Hoài đã thấm mệt, mồ hôi ra xâm xấp, lưng bắt đầu có triệu chứng dài dại… Kệ, thử lại sức một keo. Đã lâu lắm rồi anh không vận động thế này, kể từ cái buổi bắt đầu đặt chân lên dãy núi Trường Sơn toàn một thanh âm chim kêu vượn hót và những bước quân đi phơi phơi giữa gió ngàn ấy. Sự liên tưởng đột ngột ùa về này tạo trong anh một cảm giác hân hoan khác lạ.
Đỉnh đồi đang ở phía trước với một khoảng trống sáng mở ra bao la. Chợt anh vấp mắt phải một khối xám hình thù nham nhở, vuông vức nằm ngay trên cái kiểm cho loá nắng ấy. Một chiếc lô cốt của Mỹ còn lại! Anh nhận ngay ra cái dáng dấp dữ tợn quen thuộc đó như nhận ngay ra cả một thời kỳ gian khổ của mình. Mặc dù thời gian đã làm cho nó trốc gỉ loang lổ nhưng thành lô cốt vẫn còn xanh, màu thép và những bao cất dưới chân nằm vữa nát gợi nhớ những thi thể bầm dập trong một trận công đồn. Thi Hoài cười lặng lẽ. Mới đó mà đã trốc gỉ, đã thành chuyện cổ tích xa xôi rồi. Cái lô cốt nặng mùi tử khí này và trời biển bát ngát kia liệu có dính gì vào nhau? Hay chỉ là trò đùa của thời gian, ngón chơi ngang bướng của lịch sử và để bây giờ nằm cạnh nhau tạo nên cái bẽ bàng của cảnh quan, cái hư vô của vũ trụ. Và cái nghiệt ngã của kiếp người. Vớ vẩn, vớ vẩn và nhăng nhố hết! Thi Hoài tò mò nhìn vào bên trong lô cốt qua một khung cửa hẹp! Anh sững người: Con quái vật này không bị rỗng bụng. Dường như nó có chứa bên trong nó những sinh vật người?
Một cái màn xô vàng khè thả những mảnh rách nát xuống tấm phên nhỏ trên tấm phản có trải một lần cỏ khô không dày không mỏng, từ đó bốc ra cái mùi nồng ngái có sức níu kéo người ta hạ lưng xuống. Góc trong cùng lổng chổng mấy cái xoong nồi cóc cáy và cạnh đó chỉ năm gọn hơ một chiếc bát, một đôi đũa vót bằng gỗ rừng mà hình như là chưa rửa. Thi Hoài cúi xuống: Nồi cơm mới vợi một nửa, lổn nhổn cả cháy lẫn vừng. Ở bên chai nước mắm và tô muối hột là một đĩa cá kho đen cháy mà chỉ cần ngẩn mùi cũng biết rằng mặn chát… Thế thôi, ngoài ra không còn gì hết. Ngột thở. Thi Hoài vội chui ra. Mới hay làm sao! Hoá ra không phải chỉ bốn mà là năm căn hộ độc thân cùng tồn tại trên bãi biển hoang này. Nhưng mà của ai thế nhỉ? Chả lẽ là của kẻ gác rừng? Hay đài quan sát của một tổ lính biên phòng?… Ngay lúc đó, một vạt sắn xanh mướt choán hết khoảng đất phía sau lô cốt va nhẹ vào mắt anh. Rồi lại những luống đậu phộng, đậu cô-ve xinh xinh nằm ẩn ở phía dưới nữa. Cha trời! Đất đai cằn cộc toàn sỏi đá thế này, Kẻ nào có thể đủ can đảm và lòng kiên trì để ỏm đất màu từ dưới chân đồi lên đây nhỉ? Kính trọng thật! Bỗng dưng anh chợt nhớ đến tiếng hú vang động cất lên từ nơi đây. Chả lẽ… Bị kích thích, anh lần ra phía sau lô cốt, đi vòng quanh một đoạn và bỗng dừng phắt lại, mắt trợn trố ra trước một cảnh tượng hết sức lạ lùng: Dưới một gốc cây săng lẻ nhỏ, Dung đúng là Dung chứ không thể ai khác đang vừa dỗ dành rủ rỉ vừa cắm cúi cầm một chiếc kéo cắt tóc cho kẻ tâm thần. Có lẽ làm cái công việc này chưa quen nên cô gái cứ chạy vòng quanh gã trai, uốn quằn cả lưng, mồm miệng méo xẹo trông rất tức cười mà cái kéo trên tay cô vẫn trượt vấp đi đâu. Thỉnh thoảng cô lại gắt khẽ:
- Kìa! Đã bảo thấp xuống, thấp xuống tí nữa không tôi cắt thành trọc lốc bây giờ. Thế, không cao lên chút nữa. Gớm? Cái cổ sao cứ cứng đơ ra như thế! Ý, đừng phủi! Cứ mở mắt ra, làm gì mà nhắm tít lại thế! Ngoẹo ngoẹo sang phải một chút đi, chóng ngoan. Sắp xong rồi…
Vẫn ở trần đen đũa, phía dưới vẫn chỉ độc một mình vải vừa giống quần vừa giống khố, gã trai liên tục ngọ nguậy và khổ sở làm theo lời cô gái hệt như một đứa bé con bướng bỉnh. Tấm lưng căng gồ những cơ bắp của gã oằn qua oằn lại, cái đầu quá đỗi bù xù khi nghếch bên này, khi vẹo bên kia trông thật tội. Cái rễ cây gã ngồi đã phủ dầy những lọn tóc loăn quăn cháy nắng nhưng độ rậm rạp trên đầu gã vẫn không bớt đi bao nhiêu, thậm chí còn mảng ngắn, mảng dài trông um tùm hơn.
Cô gái quệt mồ hôi trán, hơi ngả người lùi ra xa một chút, nheo mắt ngắm nhìn cái thành quả đang dang dở của mình. Chợt cô phì cười rồi cứ thế cười như nắc nẻ.
- Trời ạ! Trông cứ như ông kẹ. Gớm, tóc tai gì dày đến cả tạ, cắt đi tới hàng cân rồi mà coi lại vẫn còn nguyên.
Gã trai bất giác đưa tay sờ lên đầu mình vuốt mạnh một cái, xoè ra trước mắt nhìn và cũng cười. Cái cười thật hiền, ngồ ngộ. Hàm răng khá trắng, chắc khoẻ. Thi Hoài dừng mắt vào khuôn mặt ấy.
Một khuôn mặt hơi dài dài vẻ rừng rú nhưng đẹp. Tất cả những gì có trên đó đều sắc cạnh, vạm vỡ như được đúc ra từ một khối kim loại.
Vầng trán vuông, lông mày rậm, mắt to và sâu âm u, sống mũi rất thăng gần như gỗ, miệng rộng và dày, cái cằm kéo chếch một chút ngang tàng ra phía trước. Nắng quét một lợp nhũ vàng lên toàn bộ cái cơ thể cường lực và khuôn mặt màu đồng hun ấy khiến cho hắn hao hao giống một thổ dân ở đảo xa lạc đến hay một tên cướp biển, cướp rừng nguy hiểm bữa nay lành hiền ra ngoài đời tắm nắng.
- Nào anh chàng da đỏ xứ Amazon, ráng chịu cực chút nữa nhé!
Cô gái nói và lại tiếp tục huơ kéo lên. Hai thanh kim loại bắt nàng tạo thành hai thanh lửa chui sâu vào mái tóc um tùm. Gã trai không nói gì, chỉ ngoan ngoãn gật đầu, cúi gằm mặt xuống thổi phù những vụn tóc cũng đang bắt ánh sáng ánh lên như những sợi phòi đồng đính loàn xoăn trên bộ ngực nở nang. Đột nhiên cô gái hạ kéo xuống, đứng bần thần giây lâu rồi thốt lên:
- Khoan! Cứ ngồi yên đó nhé! Tạm nghỉ một chút, chút thôi.
Cô chạy vội đến tảng đá cạnh đấy lôi từ trong chiếc cặp to bằng cát tông ra một thếp giấy trắng khổ to, một cây chì than và ngồi xuống… Nương theo những lùm cây lúp xúp, Thi Hoài nhẹ chân vòng ra phía sau lưng cô gái, cố lách cái nhìn qua những tán lá về nơi mặt giấy… Thì ra cô gái đang vẽ. Vẽ hối hả, vẽ trong cơn phấn hưng xuất thần. Dưới ngọn chì than uốn lượn hình hài gã trai thoắt hiện lên dần dần, có da có thịt. Cũng mái tóc, cũng khuôn mặt, cũng vóc dáng ấy nhưng dưới bàn tay cô, kẻ tâm thần đã biến đi cái vẻ dại khờ ngồ ngộ. Trong tranh chỉ còn lại một chàng trai thuần phác, vẫn rừng rú, vẫn góc cạnh nhưng thơ ngây, tràn trề một sức mạnh thiên nhiên, đôi mắt mở rộng nhìn đăm đắm ra khơi xa mang một nỗi u hoài và khát vọng cháy bỏng. Những vụn tóc trên bộ ngực căng phồng của gã cô vẫn giữ nguyên như là chai sạn, như là cát bụi trùng khơi khảm vào đó. Tất cả được hoàn tất chỉ trong mươi phút. Là người khá am hiểu về hội hoạ, màu sắc, và đã không ít lần chắt lọc từ cái chất liệu ấy thành độ rung cảm hứng cho thơ của mình, Thi Hoài chút nữa kêu lên vì thán phục. Bức tranh còn sơ lược, có mảng lại hơi rối rắm, người vẽ không thật chú trọng đến góc độ nhưng vượt lên trên tất cả là cái thần nhân vật. Cái thần, cái hạt nhân ấy nằm ủ dấm sâu thẳm bên trong con người, nếu không tinh, không có trực cảm mãnh liệt và tâm hồn trong trẻo thì không thể nhìn ra được.
Chính khi đó, anh mới phát hiện thêm ra một cái giá vẽ được dựng nghiêng nghiêng gần đấy Trên giá một cảnh biển hiện ra với những con sóng màu rất lạ không ra xanh, không ra nâu cũng chẳng ra vàng, nó giống như sóng mà lại không phải là sóng và xa lắm, ánh lên màu thép trắng của một con tàu cô đơn đang trôi nổi chưa biết đi đâu về đâu. Đối lập với cái man mác vơi vợi đó là một tảng đá xù xì nhô ra biển. Sóng cứ từng lớp, từng lớp nhằm nó ào vào xối xả và đá vẫn đứng đó lầm lì cam chịu mặc dù có lúc tưởng như nó nổi giận lao ra, dùng tất cả thân mình xé tan những ngọn sóng bạc đầu… Đẹp! Lạ! Có hồn nhưng mô típ không mới. Thi Hoài thầm nhận xét và quay lại bức chì than. Cô gái đã vẽ xong. Với một vẻ hoan hỉ pha chút hồi hộp gần như của con trẻ, cô rón rén đi đến trước mặt gã trai rồi bất thần bung bức tranh ra như một cú ú oà.
Gã trai trố mắt nhìn vào hình mình một lát rồi lắc đầu cười:
- Không phải tôi đâu. Tôi xấu xí lắm, bẩn thỉu lắm. Tôi hay bị trẻ con ném đá ngoài đường cơ mà.
Tiếng nói của gã trầm và vang bất ngờ tuy hơi đơn đớt một chút. Gã nói lầm bầm mà thanh âm cứ quẩn mãi trong lồng ngực như có cả tiếng sóng va vào đá bên trong, nó gợi nhớ đến tiếng hú hùng dũng và bi thương trên đỉnh đồi.
- Đúng là anh Quang đấy - Cô gái nói, giọng vỗ về - Quang không xấu xí, không bẩn thỉu đâu. Anh Quang tốt lắm, hiền lắm. Cái tranh này tôi sẽ về sửa lại đẹp hơn rồi cho Quang. Quang cất đi hay treo lên vách lô cốt thì tuỳ nhé!
Gã trai chớp chớp mắt có vẻ cảm động rồi chuyển cái nhìn ra xa ngoài biển, một cái nhìn buồn rười rượi. Cái nhìn ẩy lây lan sang cô gái, vừa sửa nốt bộ tóc cho gã, cô vừa ngậm ngùi hỏi:
- Sao anh Quang không xuống dưới phố ở với mẹ? Ở đây buồn lắm, nhỡ có cái gì thì ai hay?
Gã trai cười lắc đầu:
- Ở trên này thích hơn. Dưới kia thiên hạ không ưa tôi, họ muốn tôi hát múa, tôi trèo cây, tôi đánh nhau làm trò cười cho họ. Họ ác lắm!
- Ở hoài trên này lấy gì ăn?
- Dễ thôi. Cá dưới biển, thú trên rừng. rau cỏ tự trồng lấy. Muốn ăn muốn ngủ lúc nào cũng được. Bác sĩ bảo tôi sống trên này chóng lành bệnh.
- Tại sao anh Quang hay hú to thế? Mệt chết! - Tiếng nói cô gái mỗi lúc một chìm đi.
- Không biết nữa. Bác sĩ bảo khi nào tôi hú là khi đó tôi sắp lên cơn Cơn có gì đâu. Tôi hú cho đỡ sợ. Tôi sợ khi biển sắp có động, tôi sợ khi ở dưới kia đang sắp xảy ra một chuyện gì đau khổ. Người ta bảo tôi giống cái hàn thử biểu hay biết trước mọi chuyện. Chẳng phải đâu. Khi lên cơn, tôi không đạp phá, tôi không làm hại ai cả. Tôi chỉ hú và khuân đá khuân đất lên xuống cho đến lúc xỉu xuống thì thôi.
- Tội nghiệp Quang… ở dưới kia nghe tiếng hú của Quang buồn lắm!
- Thế… Tôi sẽ không hú nữa nhé!
- Không… Anh Quang cứ… Quang biết không, bãi biển buồn tẻ này chỉ còn mỗi tiếng hú ấy.
- Hay tôi hú thật khẽ thôi nhé!
Trước câu hỏi ngây thơ đến thánh thiện đó, cô gái bất giác quay mặt đi, khoé miệng run run… Lát sau cô quay lại, miệng cười rất tươi:
- Xong rồi, cứ tạm thế đã, mai mốt sửa kỹ lại sau. Anh Quang có thấy nhẹ đầu đi không? Khiếp!
Gã trai lắc lắc đầu thật mạnh rồi cười:
- Nhẹ thật! - Gã xoa xoa táy vào bụng, mặt méo xẹo như một đứa trẻ con - Ít tóc, mau đói lắm! Hay là tôi đi bới sắn luộc cho chị hoạ sĩ cùng ăn nhé!
- Anh Quang ngoan lắm nhưng tôi phải về bây giờ. Mai mốt tôi lại lên. Thế thỉnh thoảng tôi lên đây mượn chỗ ngồi vẽ có phiền gì anh Quang không?
Đôi mắt gã trai nhìn xuống đất, giọng nhỏ hẳn đi:
- Không! Tôi muốn ngày nào chị hoạ sĩ cũng lên đây ngồi vẽ. Trừ mẹ tôi ra, lâu lắm rồi chả có ai lên đây với tôi cả. Họ sợ tôi. Nhìn thấy tôi là họ tránh. Chỉ có chị là…
- Trời nóng thế này, ở trong lô cốt có hầm lắm không? - Cô gái cắt lời.
- Hầm, hầm dữ nhưng bác sĩ bảo không nên ra nắng nên tôi cứ chui vào đó, miết rồi cũng quen. Mai mốt tôi sẽ dựng một cái chòi đấy tha hồ mát.
- Thôi tôi về đây - Cô gái xếp lại giá vẽ - Phải ráng nghe lời bác sĩ nhé! Phải siêng cắt tóc này, siêng đánh răng này, cơm không được thổi một bữa ăn hai ba ngày, đau bụng đấy, và phải siêng cả mặc quần áo nữa.
- Quần áo à? - Gã trai gãi gãi đầu - Không được đâu, ngứa lắm? Hồi trước đi đánh nhau cũng ở trần suốt, quen rồi.
- Không được - Cô gái nghiêm mặt lại thư một cô giáo đứng trước cậu học trò bương bỉnh - Ngày trước khác, bây giờ khác. Quang cứ muốn đánh nhau mãi à? - Chợt thấy nét mặt gã trai ngơ ngác trông đến tội, cô chuyển giọng - Anh Quang bơi giỏi ghê? Tôi chưa thấy ai bơi đẹp như thế. Nghe nói ngày trước hồi còn ở bên ấy, đội trinh sát của anh thường ngày phải bơi qua bơi lại con sông Tông Lê Sáp rộng tới năm trăm mét để truy quét quân phiên loạn phải không?
- Không phải đâu. Tôi chỉ bơi để cái đầu nó đỡ nhức thôi.
- Thôi nhé! Sáng mai gặp lại trên bãi biển.
Gã trai không trả lởi, chỉ giương to đôi mắt màu tro nhìn theo cái dáng con gái mặc áo phông xanh viền trắng thả gọn trong chiếc quần bò nhung màu nâu đậm đang khuất dần xuống dốc.
Thi Hoài cũng bần thần đứng dạy. Anh đã hoàn toàn tan biến đi cái cảm hứng ngóng khô uống rượu một mình ban đầu. Cảnh tượng vừa rồi đập mạnh vào trái tim run rẩy của nhà thơ. Anh có cảm nhận mơ hồ mình vừa được tiếp xúc với một mảng trường ca cổ điển hay một bản nhạc của dân du mục hoang sơ còn đang dang dở nhưng đã lên hình lên nét. Anh ngồi trầm ngâm một chút rồi cũng lầm lũi đi xuống. Một chút nôn nao, một chút ghen tị không rõ hình thù đan vào những bước chân chao đảo. Đi được một đoạn, không hiểu nghĩ thế nào, anh lại lộn ngược trở lại, rút gói thuốc thơm và chai rượu kín đáo để vào trong lô cốt.
Phía bên kia vạt sắn, tại một mỏm đá nhô ra hẳn ngoài miệng vực, gã trai vẫn ngồi im như tượng, mắt nhìn mông lung ra những lớp sóng ngoài xa… Bất chợt, giữa không gian tĩnh mịch nghe được cả tiếng con chim kêu chiêm chiếp trong bụi rậm, gã cất lên một tiếng hú dài. Vẫn tiếng hú âm u khắc khoải nhưng nghe kỹ dáng như có cả tiếng xôn xao của nắng của gió bên trong…
Thi Hoài gần như lao người xuống dốc. Tiếng hú đánh động vào vùng vô thức của anh những chôn rộn khó tả. Tiếng hú kéo ngược đầu óc anh trở về những triền dốc bi tráng năm xưa nhưng không giữ nổi đà chân anh đang xoải xuống.