---~~~mucluc~~~---


TUỒNG CỔ CÓ CÒN HY VỌNG
ĐƯỢC TRÔNG THẤY
NHỮNG NGÀY TỐT ĐẸP NỮA KHÔNG?

    
rong hơn mười bài báo chuyên khảo về tuồng cổ [1] mà các bạn vừa đọc xong, chúng tôi đã đưa các bạn đi xem hết cả về lịch sử, nghệ thuật, văn chương, lịch trình tiến hoá của nó với những chuyện vui buồn trên sân khấu. Ít ra, các bạn đọc cũng đã có một quan niệm về tuồng cổ như thế nào. Chúng tôi không muốn nói dài thêm, nhưng để kết luận số báo này, chúng tôi muốn độc giả chú ý đến đoạn kết của bài Một thế hệ đào kép tuồng cổ của bạn Nguyễn Hương Giang nói về sự suy thoái của tuồng cổ ít lâu nay trong xã hội Việt Nam ta vậy.
Như chúng tôi vẫn nói, tuồng cổ là một lối hát kỳ diệu tuyệt diệu tỏ rõ được hết cái tinh thần đất nước ta. Vậy mà buồn thay độ mươi mười lăm năm trở lại đây, lối hát đó đã bị lu mờ hẳn. Có người cho là vì các đào, kép tuồng cổ đã bôi lọ nghề thành ra nghề tuồng cổ và lối hát tuồng cổ bị mất hẳn giá đi; có người lại cho là vì cái trào lưu tiến hoá bây giờ thiên hạ nhất nhất cái gì cũng theo mới cả nên họ hùa theo lối hát mới, bởi vậy tuồng cổ mới không được người ta trọng nữa.
Xét như vậy, theo ý chúng tôi, có điều phải mà cũng có điều không phải. Chúng ta không nên quyết đoán điều gì trước khi chưa xét kỹ càng. Riêng ý chúng tôi, chúng tôi chỉ cho rằng sự suy thoái của tuồng cổ chỉ là theo lẽ tự nhiên của trời đất, nó chỉ là một cái “mốt” mà thôi. Bởi lẽ tuồng cổ có ý vị, có cái hay thâm thuý, có ý nghĩa vô cùng, vả nó là cái tinh thần của đất nước Việt Nam, thì cái “mốt bỏ làng tuồng cổ” chẳng bao lâu cũng sẽ hết và chắc chắn tuồng cổ thể nào cũng lại trông thấy những ngày tốt đẹp xưa kia, và chưa biết chừng tuồng cổ sẽ được thấy những ngày cực hùng cực thịnh, mà nước ta chưa có bao giờ cả!
Chắc ai cũng còn nhớ một hồi, nước ta, đi đến chỗ nào cũng chỉ thấy hát cải lương và ngồi chỗ nào cũng chỉ thấy hát cải lương. Cải lương là thần thánh, hát cải lương là tất cả; đĩa hát cải lương, bà già hát cải lương, con trẻ hát cải lương, thiếu nữ mê những chàng biết hát cải lương và đàn ông mê những đào hát cải lương. Có người khuynh gia bại sản vì hát cải lương là thường. Thậm chí bao nhiêu rạp hát chuyên hát tuồng cổ dạo ấy vì theo phong trào đều đổi ra hát cải lương cả. Chúng tôi không dám bình phẩm đến cái lối hát ấy bởi lẽ chúng tôi còn chưa được biết cái hay của nó ở chỗ nào. Chúng tôi chỉ muốn nhận xét điều này là: lối hát cải lương nếu quả đã mê hoặc được một số người ưa mới trong một đạo, thì cũng đã gây ra những cái cực lố lăng, nhất là tung ra kịch trường những lời văn thảm hại quá đến nỗi gần thành vô nghĩa:
“Than ôi, nước chảy mây bay, trăng tà nguyệt xế (?), tiếng dế nỉ non như du cõi hồn tôi “yào” mộng ảo. Chẳng biết đêm nay là đêm gì, cảnh này là cảnh gì? mà khúc đờn bên xóm, tiếng nhạn bên này, sương trùm dưới gối (!) khiến cho tôi ngắm cảnh thừa ưa (?) mà diễn nên tấn tuồng bi kịch này:
(Ca!) Than ôi, nguyệt xế non đoài, ngắm cảnh trăng khuya mà tâm hồn tôi thấy vô cùng lạnh lẽo…
Thế là cái nghĩa gì? Ai hiểu được chúng tôi xin chịu. Và chúng tôi xin chịu cả cái lối hát gì mà Bàng Quý Phi mặc quần áo đầm, chiếu projecteur tây, lại cầm cái quạt lông Anh, nói tiếng ta, diễn sự tích Tàu mà lại cho vào một điệu “con chó xồm cắn con chó lài, gầu gấu gấu gầu” trong khi vua Tống Nhân Tôn mặc áo long bào, đi giầy tây trắng ca một bài − tôi không nói đùa − một bài theo điệu “giò này giò nóng, ai muốn mua thì xin cứ ứ ứ ứ!” Để xin “vởi mẩu hẩu” (sic) cho Bàng Quý Phi thoát tội tam ban triều điển… Thực là trào phúng, thực là mỉa mai cho nghề hát!
Kẻ viết bài này ở mấy năm đất Sài Gòn là một đất rất đẹp, rất dung người, xin thú thực lại càng ngấy vô cùng với điệu hát cải lương nói trên kia. Chúng tôi nhớ lại những ngày cũ, đêm đêm trốn nhà đi xem tuồng, về khuya không gọi được cửa phải “máy” với những người nhà đầy tớ buộc một cái dây thòng lọng vào cổ chân chúng để đêm đêm đi xem hát về giật cho chúng tỉnh dậy và mở cửa. Những buổi hát tuồng ngày ấy không biết có cái gì quyến rũ mà đến tận ngày sau kẻ thư sinh này vẫn chưa quên. Chúng tôi tưởng như tuồng cổ của ta nó có một linh hồn, nó có thời kỳ oanh liệt như vị anh hùng vậy. Hồi cực thịnh, nó biết hưởng; mà đến hồi suy tàn, nó biết buồn. Ai ai cũng đi tìm cái lạ, ai ai cũng xa lãng hầu như muốn bỏ quên những cái gì đã gây ra cái tinh thần văn hoá Việt Nam. Cho đến một đêm kia…
Lúc ngồi viết bài này ở dưới bóng đèn u uất, chúng tôi xin thành thực nói rằng lòng chúng tôi bồi hồi một cách lạ, chúng tôi tưởng như vừa sống cái đêm ấy hôm qua hay hôm kia gì đó, tuy cái đêm đó đã cách đây mười một năm nay rồi.
Hồi ấy vừa ở ghế nhà trường đứng dậy, cái tiếng gọi của phiêu lưu lúc nào cũng thúc giục bên tai chúng tôi, một thân một mình với cái va ly, đi dọc một dải Hoành Sơn đến thăm quê hương dân Hời. Sự thực, từ bé đến năm hai mươi tuổi, chúng tôi chưa biết tận mặt dân Hời là gì cả. Sự đọc sách chỉ cho chúng tôi biết đó là một dân vong quốc, chúng tôi bèn đem họ ví với dân Do Thái và ao ước một ngày kia được biết cách sinh sống trong cuộc đời của họ. Đêm đó, xe ô-tô đưa chúng tôi đi từ Nha Trang vào Quảng Ngãi bị liệt máy giữa đường. Chúng tôi và bốn năm hành khách ngủ giữa giời hai ngày một đêm. Đói, vào nhà Hời mua gạo đỏ; khát, ra uống nước suối và đi bộ năm sáu cây số mua trứng vịt ăn qua lòng. Chiều ngày thứ hai ở giữa rừng, có một người Hời khoả thân, bện một cái khố một ở thân, mang đến bán cho tôi một quả đu đủ chín. Anh ta có vẻ đã sống gần với xã hội văn minh nhiều, ở lại và nói chuyện cho tôi về cách sinh nhai của dân anh rồi tiếp đến chuyện hổ vẫn thường xuống đường cái và vào nhà Hời bắt lợn. Trăng lên. Chúng tôi căng một cái phên lên sườn đồi nằm ngắm cây cỏ lung linh dưới ánh trăng. Người Hời ngồi cạnh đấy gõ vào cái “bua” và hát khẽ một giọng vô cùng thê thảm:
Mẹ già ở tấm lều tranh
Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
Ra đi công vụ nặng nề
Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế
nặng nề…
Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
Tao biểu mày quảy, mày không quảy
Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú ơn
Nặng nề gánh vác (sơn lại) giang sơn
Đầu con đầu vợ cái đất Phú ơn ta lặng về
Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
Nhành mai chớm chở ta về xứ ta
Biết bao là… về tới (về tới) quê nhà…
Hết hòn Vậy, ta qua hòn Cả
Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
Biết no nào [2] trả xong nợ bên dương trần…
Nợ lần lần, tay bồng tay dắt,
Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
Biết bao là… về tới (tới) quê nhà…
Câu hát ngụ ý thương con xót vợ của một người Hời không biết đến bao giờ mới tới quê nhà, làm cho tôi đã rợn gáy, một đêm trăng ở giữa rừng. Chúng tôi tưởng như sống lại những đêm xưa đi coi hát tuồng ở Hà thành, và cái câu nói của một người bạn tôi vẫn nhắc cho tôi ngày trước “Điệu hát bội nguyên là Chiêm Thành âm” lúc này nhớ lại tôi thấy không phải là vô lý. Nghe câu hát, người ta thấy như lưởng vưởng ở quanh mình cái tinh thần nước Việt Nam, chúng tôi tiếc những đêm hát tuồng cũ và chúng tôi lại ước gì được nghe thấy một ông Cửu Giò, một ông Sáu Phú “thán” cho một câu cảm động trong tuồng Dự Nhượng đả long bào hay ngâm một giọng bạch trong đoạn ma hiện thành bóng đèn để đưa đường đi vết bước cho Triệu Khuông Dẫn lúc đêm khuya tăm tối.
Cái mong muốn ấy tuồng như trời tựa kẻ đơn độc vậy: xe ô-tô chở chúng tôi liệt máy chữa được, chạy bất phân nhật dạ, đến ba giờ sáng thì đến Quảng Trị. Phố xá vắng tanh. Le te ở bến ô-tô chỉ còn dăm ba cái quán leo lét ngọn đèn để tiếp khách đi đường. Buồn như một người sắp chết, tôi vào một cái quán lụp xụp ở bên đường gọi tô mì. Vội ăn để còn lên xe đi nữa, tôi đương bâng khuâng về những ý nghĩ “ăn ở đâu, ở ở đâu” thì một người trẻ tuổi áo cánh quần thâm tiến đến tôi vái ba vái và diễn một tấn tuồng mà hiện giờ nghĩ đến chúng tôi còn thấy một mối buồn rất lạ tràn ngập trong lòng dạ.
Đêm thì tối; cảnh thì lạ; phố xá như vừa trải một cuộc chém giết buổi chiều mà bây giờ thì nằm thở hổn hển với những thây ma, tiếng hát tuồng của nhà nghệ sĩ giang hồ “một mình đóng đủ các vai” làm cho tôi lưu luyến cảnh mới lạ kia và thấy như nó có một sức “lưu khách” rất kỳ, đượm một mối buồn rất thú mà cũng não lòng người nữa.
Tuồng của anh ta diễn cho chúng tôi xem đêm đó là tuồng Tam Hoàng chúng tôi còn nhớ anh ta bắt đầu vào hồi “Thuý Kiều bỏ lầu xanh đi trốn bị Tú Bà bắt lại” chúng tôi còn ghi được một đoạn vào sổ tay như sau này:
TÚ BÀ.− Mi đã trốn tránh, tao dễ thứ tha, nắm tóc kẻo lại nhà, đánh đòn cho biết mặt.
HỰU VIẾT. − Nghĩ lại đã nên quá quắt, oan chi còn hỡi khóc la? Lột trần trụi nó ra, trói tay chân hắn lại. Ai đi khiến làm đĩ lỗ mồm bải hải, đi lấy trai cái mặt trơ trơ! Ứ hừ hự, trót mang xấu mang nhơ, hết khoe danh thục nữ; của tao dễ một đồng một chữ, công mụ lo bữa cháo bữa cơm; mi muốn thúi không muốn thơm, tao vả đơn rồi vả kép.
(Mụ nói và đánh vả nàng Kiều tối mặt, v.v…)
KIỀU VIẾT. − Can tràng! đoạn tuyết đoạn tuyệt; phế phủ bàng hoàng, bàng hoàng. Ai ta hồ địa bạch, kham thán dã thiên thương.
THÁN VIẾT. − Một mình khứ quốc, ngàn dặm ly hương; mẹ cha cách mặt, non nước xa đường; chín chiều ruột thắt, đôi giọt luỵ thương; cơn sầu khéo giục, nỗi thảm vấn vương.
HỰU VIẾT. − Như tôi chừ đã đành thời vận, dễ trách ai vay, xin người hãy nới tay, cho tôi thưa sự thiệt; sống thác thân này chi tiếc, nhưng mà vốn lời ấy còn đâu?
Thân tôi chừ chừ, lươn ở bùn bảo quản lấm đầu, ốc phải cạn rày xin nạp xác…
Đó, cái đoạn tuồng văn hay mà ý nghĩa như vậy đó, tôi được nghe một đêm xa nhà ở Quảng; mà rồi sau vào đến đất Nam Kỳ, đi từ Sài Gòn đến vịnh Cà Mâu chỗ nào cũng chỉ “Nơi gia chủ lệ từ thống khổ, còn nơi hí trường thì hát xướng đàn ca, chật như nêm lớn bé trẻ già, còn đặc như nước (?) gái trai là chồng vợ”, cùng những bản ca “De-đờ-da-múa” và “Ma-đơ-loong” Kính trình đồng bang cùng chư quý đến xem cho vui, khỏi phải nói, các ngài cũng đã thấy lòng chúng tôi chán nản và buồn rầu đến bực nào.
Hát cải lương chửa chắc đã không hay, nhưng những thầy tuồng khổ đã làm dở nó đi nhiều lắm. Làm sao họ không nghĩ đến chuyện đem tuồng trung trinh tiết nghĩa, có những đoạn văn hay khôn xiết tả, để cho người ta coi?
Chúng tôi tưởng tượng đến những vị trung thần tiết tháo bị quân vương bỏ quên đi một xó hoặc những người đàn bà có thời kỳ cực đẹp đi đến đâu rắc hương gieo hoa đến đó mà đến khi phấn tàn hương lạt thì vò võ một mình với sự quên lãng của những người tình cũ.
Bởi vậy, từ khi ở Sài Gòn ra Bắc, những buổi chiều rầu rĩ muốn buồn muốn nhớ một cái gì chúng tôi ưa đi về vùng ngoại ô xem những gánh tuồng rong diễn ở giữa trời. Những khán giả rạp tuồng này thường là hạng hàng nước, hàng rong, cày ruộng, những người hoàn toàn Việt Nam hiện giờ vẫn lưu luyến những cái gì của đất nước Việt Nam.
Những rạp tuồng rong ấy có độ dăm ba kép và một vai đào mặc áo the đi đất. Họ là những người bô-hê-miêng đi diễn tuồng, tất cả gia sản chỉ có một cái thúng trong có mấy cái áo tàng, nghiên mực, thỏi son và ít phấn. Chọn được nơi nào lợi địa họ ngả ra ở đấy, thắp đèn lên và gõ trống thanh la, gọi khách. Một người đóng hai vai, có khi đến bốn năm vai. Có đứa trẻ mười tuổi đóng hai vai lão tướng. Họ không có một cái phông, nhưng họ có giọng hát, nhưng họ hát tuồng nên được những người ngoại ô rất hoan nghênh, có đêm họ diễn hết ba tuồng Sơn hậu. Những rạp tuồng rong đó thường được người ưa tuồng gọi về hát ở sân nhà và chẳng bao lâu đã đẻ ra ở thành phố Hà Nội một rạp hát tuồng kỳ lạ như rạp tuồng chúng tôi đã được xem ở Quảng: đó là một thằng bé mần đủ các giọng tuồng, tay cầm hai thanh tre gõ dịp, đi đến gần các quán nước, các trại lính, một mình mình diễn, một mình mình đóng tất cả các vai trong tuồng Tam quốc, Mã long, Mã phụng, Bạch Viên Tôn Các.
Những buổi chúng tôi được đi “dự” những buổi hát tuồng của vị tướng tuồng “đơn thương độc mã” đó chúng tôi mê lắm. Mà có lẽ cũng có nhiều người thấy như thế cho nên bu lại xem đông lắm. Có nhiều lúc chúng tôi thấy cái thời “hát cải lương” đã qua rồi, tuồng cổ đã bắt đầu lại là sự mới lạ cho công chúng Việt Nam. Hình như chỉ có tuồng cổ mới thật là món ăn tinh thần của người mình, nó đi rồi nó lại lại chứ không bao giờ mất, cũng như cây cao không sợ chết đứng mà người đã thực là có tài thì ít khi bị mai một tài đi; sự tràn lấn của những cái tài không vững chỉ là quãng đời của một con dạ điệp (papillon de nuit) mà thôi vậy.
Lúc nào, chúng tôi cũng tin rằng tuồng cổ không bao giờ tiêu diệt được. Thì quả độ vài năm trở lại đây, nghề tuồng cổ xem chừng ở nước ta lại có cơ vãn hồi lại thực: cải lương đã hết thời rồi, hát tây tiếng An Nam xem chừng chỉ có một số ít các cô cậu thiếu niên ham thích, còn kịch và tuồng cổ lại được thiên hạ luôn luôn nhắc đến. Những rạp hát diễn tuồng nhiều. Đồng thời ở mấy cửa ô đã có những rạp hát tuồng mới lập nên, diễn những tuồng có ý nghĩa đáo để xem chừng được thiên hạ ham lắm, mà ham là phải bởi vì nếu người ta cần giải trí thì chúng tôi cho xem tuồng còn có ích hơn là nhiều thứ khác mà tôi không cần kể ra đây làm gì.
Bây giờ, ta chỉ còn cần phải để ý đến những vở tuồng đem ra diễn mà thôi. Những vở tuồng, theo ý chúng tôi, hiện nay soạn ít có vở hay như những vở tuồng cổ nữa. Vậy cái việc khích lệ những người soạn những tuồng có ý nghĩa và lời văn hay, theo ý chúng tôi, một việc rất cần. Đồng thời ta cũng nên nghĩ đến cách tìm tòi sao lục các bản tuồng cổ lại, để in ra cho những người bây giờ được thưởng giám một lối văn đặc biệt Việt Nam, được đi sâu vào một lối văn chương cổ điệu hoàn toàn, thiết tưởng cũng là một sự bảo tồn xứng đáng.
Lúc đang làm dở số báo này một ông bạn lại đem tin đến cho chúng tôi biết rằng anh em Hướng đạo sinh Bắc Kỳ cũng có một ý tưởng như chúng tôi là mong “làm sống” lại nghề hát tuồng ở đây.
Nghe nói anh em định tổ chức một ban tuồng đi diễn khắp Đông Dương, các vai đào kép sẽ do anh em đóng lấy; vở sẽ do anh em soạn lấy, mà soạn công phu, ý vị; chuyện tuồng, sẽ toàn là những chuyện anh hùng liệt nữ Việt Nam đã gây dựng đất nước ta, đã để lại cho ta một bộ sử không thẹn với người ngoài, đã dành cho chúng ta một cái gia tài văn hoá không có cái gì xoá được.
Thực là một ý tưởng cực hay, Trung Bắc Chủ nhật xin tán thành trước nhất. Chúng tôi trông đợi ở anh em và chúng tôi mong rằng, trước khi soạn tuồng, anh em cũng nên lãnh nhận cái trách nhiệm sưu tập những tuồng cổ lại như trên kia đã nói.
Báo chí của ta, từ hồi Nam phong trở lại đây, không còn có mở mục luận về văn chương tuồng cổ và đăng tải những vở tuồng có giá trị lên mặt báo. Bây giờ, nếu bạn nào sưu tầm được những vở tuồng cổ có chân giá trị, xin các bạn tin rừng T.B.C.N. sẽ là tờ báo đứng ra trước nhất đăng tải lên mặt báo để cho quốc dân thưởng giám một lối văn đặc biệt như chúng tôi đã nói trên kia vậy.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 73 (10/8/1941)
[1] Trung Bắc chủ nhật số 73 (10 Août 1941) là số chuyên về tuồng cổ; bài này của Vũ Bằng là bài kết luận của toà soạn.
[2] no nào: tiếng trợ từ, nghĩa như “chớ chi”, “chừng nào” (theo H.T.Của)