Người dịch và giới thiệu : Lê Bá Thự
6. Ngày thứ tư:
Ánh sáng

Ewa đã nhầm khi nghĩ rằng, khép mình vào trong văn phòng, vùi đầu vào công việc là Adam tìm cách trốn tránh bổn phận. Adam đã đọc. Và đã xem. Hâu như anh đọc chính những cuốn sách vợ đọc – những tác phẩm y học dây cộm viết về trẻ em bị bệnh Down, anh còn đọc cả những cuốn sách về trẻ sơ sinh bị thiểu năng não, bị xương thuỷ tinh bẩm sinh, teo cơ, anh đọc những cuốn sách viết về những người mẹ vì sử dụng thaliđomi mà sinh ra những đứa con tàn tật – không tay, không chân, hoặc không có tứ chi, anh vùi đầu đọc các cuốn sách viết về trẻ em bị u bướu, đầu to, hai chân dị tật, nom chúng như những chú lùn đầu to. Anh đã đọc vô vàn thí dụ về bệnh tật và dị tật mà bào thai con người có thể mắc phải, kết quả diệu kỳ của việc trứng và tinh trùng hoà nhập với nhau và về lý thuyết phải tạo ra một sinh linh hoàn hảo. Tuy vậy đôi khi sinh linh này nom tựa hồ một con nhộng. Adam tập trung cao độ khi xem các bức ảnh minh hoạ những đứa trẻ tật nguyền trong các cuốn sách y học, anh nhìn những tấm ảnh này với sự tò mò đầy tham vọng, cứ như anh muốn thâm nhập vào sâu bên trong những thân hình và não bộ dị dạng của chúng. Anh muốn khẳng định, những sinh linh như thế này cần biến khỏi mặt đất, và rằng nội tạng của chúng cũng tật nguyền.
Adam, người vốn thờ ơ với tôn giáo, đọc câu nói của Giáo hoàng Jan Pawell II, câu nói khiến anh ngạc nhiên và không hiểu nổi “…Sức mạnh và sự vĩ đ.ai của Chúa được phản ánh trong con người tật nguyền”, anh đọc thật to, đọc đi đọc lại nhiều lần, thế mà vẫn không tài nào hiểu được câu nói này.
Anh biết rất nhiều tên gọi mà người lớn đã gán cho những đứa trẻ tật nguyền “muminek”, “trẻ em cảm thấy khác”, “trẻ em hoàn hảo khác”, những cố gắng tìm cách bỏ qua sự thật này gây phản cảm đối với Adam. Ngay cả cụm từ “trẻ em không hoàn hảo hoàn toàn” cũng không diễn đạt được hết. Theo Adam, những đứa trẻ này là những đứa trẻ không hoàn hảo.
“Quà của Chúa” cái tên gọi này tuy lạ kỳ đối với Adam, một người ưa tìm tòi, cho dù ít xúc cảm, nhưng lại rất gần với sự thật. Bởi quà là tặng phẩm nhận của ai đó, được gói kín, không biết vật bên trong là gì. Vật bên trong này trở thành điều bí ẩn – và cũng là một cú bất ngờ. Mà những cú bất ngờ không nhất thiết phải dễ thương.
Với Adam, Myszka là điều bí ẩn như vậy và cũng là cú bất ngờ như vậy, cái đã tàn phá cuộc sống lâu nay của anh, cuộc sống được kế hoạch hoá một cách hoàn hảo. Đó là một cú bất ngờ không mong đợi.
Adam ngồi lỳ đơn độc đàng sau cánh cửa đóng kín bưng của phòng làm việc và hàng ngày suy nghĩ về cô con gái. Anh chẳng biết mình phải làm gì với những ý nghĩ ấy.
Một hôm, bỗng dưng anh nhớ lại ngày hè tại một làng quê xa xôi ở vùng hồ Mazury, nơi anh cùng Ewa lúc ấy đang là sinh viên cắm trại và bơi thuyềm buồm. Đôí bạn chọn hồ này một cách tình cờ, còn ngôi làng trên bờ hồ nhỏ bé đến nỗi không có tên trên bản đồ. Những người dân hiền lành, dễ thương, ở ngay bên hồ, bán sữa, trứng và hoa quả của họ để kiếm vài xu. Một bà chủ nhà có gương mặt đôn hậu, miệng tươi cười, mời họ ăn món bánh nướng mà bà làm hôm chủ nhật.
- Em thấy không, họ là những người dân rất chân tình, cởi mở và thật thà, họ mời người lạ trước rồi sau đó mới đến lượt mình – Adam nói với Ewa – Em nghĩ mà oci, người phải thật đáng xấu hổ biết chừng nào đối với họ.
- Đúng, vì họ có đẳng cấp giá trị của mình, đẳng cấp nguyên sơ và đích thực, không bị vẩn đục bởi nền văn minh đáng sợ - Ewa đáp một cách uyên thâm.
Đôi bạn Ewa và Adam, những sinh viên bình thường lúc đó đã khôn ra nhiều. Họ thích trao đổi về những vấn đề mà sau này, khi họ bắt đầu con đường công danh nghề nghiệp, thì thậm chí chẳng dám nghĩ tới. Thế nhưng lúc đó, cảnh quê đầy nắng gió của một làng vùng hồ Mazury và sự chân tình dễ nhận ra của dân làng đã khiến họ có cảm giác đây là một thành trì trong tiến trình hỗn độn của thế giới hướng tới những mục tiêu bí ẩn.
Một hôm, sau khi ngủ dậy lúc sáng sớm, họ đi theo đường mòn tới khu vực có nhiều nhà dân, họ nhận thấy có một cái gì đó sục sôi, không lành mạnh, kích động, đang chạy qua làng. Họ cảm nhận được ngay điều này, khi sắp tới một ngôi nha,` nơi họ được tiếp đón rất thịnh tình.
Chung quanh hàng rào gỗ thấy một toán người láng giềng đang đứng. Trước nhà, một xe cảnh sát. Hai người lạ mặt, một đàn bà và một đàn ông, đích thị là dân phải, đang đi đi lại lại trên sân, được cảnh sát hộ tống. Bà chủ nhà lúc nãy còn tươi cười, dịu dàng, bây giờ đứng cạnh chuồng ngựa, vẻ mặt buồn thiu, thất vọng. Bà chủ hầm hầm nhin họ, không nói một lời. Ông chủ không nhìn. Ánh mắt căm tức của ông lao tới chỗ những người láng giềng đang đứng ở phía sau hàng rào, rồi tới mấy vị khách vãng lai đang đi lại từ chuồng ngựa đến cửa ngôi nhà, cứ như họ không biết mình phải làm gì lúc này.
- Có chuyện gì vậy? – Adam hỏi, nhưng không ai chịu giải thích cho họ.
- Yêu cầu cho tôi biết, chuyện gì xảy ra vậy? – Ewa hung hãn hỏi, nắm lấy tay áo của người đàn bà thành thị.
- Chuyện gi xảy ra… - người đàn bà này tự động nhắc lại và bực mình nói tiếp – Hay hơn cả là các người hãy tìm cái gì đó chặt được sắt!
Adam đi ngang qua chỗ bà chủ đang đứng bên chuồng ngựa, người không có ý định giữ anh lại, và đi vào bên trong. Mắt anh cố quen với bóng tối ở đây lúc này, mùi hôi thối của phân và rác bẩn sọc vào mũi. Một âm thanh gì đó hoà lần tiếng kêu eng éc của những con lợn đang lồng lộn trong chuồng chật hẹp và tiếng thở nặng nề của mấy con bò cái. Tiếng chân đạp sột soạt trên rơm chăng? Tiếng kêu của chuột nhắt chăng? Cả tiếng chân đạp, cả tiếng chuột nhắt chăng? Tiếng chuột cống vùng vẫy khi bị mắc bẫy chăng?
- Đây, chỗ này – người đàn bà thành thị đứng sau Adam nói, tay chỉ vào góc tối nhất của chuồng ngựa – Anh hãy nghĩ cách đi, chúng tôi không có kéo cắt sắt. Ông thanh tra đã tìm rồi nhưng không thấy … còn với họ thì anh không nói chuyện được đâu. Họ im như thóc.
Adam nhìn vào góc, nơi tay người đàn bà chỉ vào. Trong bóng tối một con vật gì đó đang cựa quậy. Nó không to hơn con chó. Nó kêu như tiếng chuột cống.
Mắt Adam quen dần với bóng tối, khi anh bước vài bước về phía trước, anh nhìn thấy ở đầu cuối chiếc dây xích cặm vào tường nhà, một con vật bị trói đang vùng vẫy điên loạn. Nó chạy vòng quanh, làm tung toé rơm mủn, tạo nên một cái vành tròn có bán kính bằng đoạn dây xích quấn quanh cổ.
- Cái gì thế hả? – Ewa cũng bước theo Adam, hỏi nhỏ - Thế này thì không thể được… không …không thể được …
Một đứa trẻ bị trói bằng dây xích sắt, nó bò bằng tứ chi, nó vẫn đang vùng vẫy tứ phía, khi nghe giọng nói của họ, thì nó ngẩng đầu lên. Đôi mắt xanh to dưới mảng tóc dính bết ngó nhìn. Miệng vẫn phát ra những tiếng kêu của thú vật. Tay đứa bé bốc một nắm mùn rơm theo phản xạ nhét vào miệng. Đứa bé nhìn họ, miệng kêu the thé, nhai phân khô. Mãi lúc này Adam mới nhìn thấy cái đầu lắc lư trên cái cổ yếu ớt. Cái gáy quá nhỏ so với đầu, tay và chân nhỏ như mấy que củi khô. Quân áo rách tả tơi che sơ sài tấm thân chẳng còn là thân người, trên tấm lưng lòi xương nhô lên một cái bướu. Đó không phải là một con người, đó là một quái vật. Tuy vậy trong hình hài này họ vẫn nhận ra đó là một đứa trẻ.
- Lạy Chúa! Lạy Chúa! – Ewa lẩm nhẩm, không tìm nổi những lời khác.
Adam chậm rãi cầm lấy chiếc rìu ở cạnh đó.
- Anh điên hay sao? – người đàn bà nói – Đừng dùng rìu!
Không nghe theo lời người đàn bà, Adam thậm chí không nghe thấy lời nói của bà ta, anh bổ mạnh lưỡi rìu vào tường, nơi sợi dây xích được gắn chặt vào. Miếng gỗ mục rơi xuống nền nhà cùng chiếc vòng sắt. Người đàn bà thét to. Sau đó là im lặng, chỉ còn nghe thấy tiếng thở liên hồi của họ và tiếng khóc não nùng của đứa trẻ tật nguyền.
Người đàn ông đi cùng với người đàn bà bế đứa trẻ - không phải là đứa trẻ ở trong chăn, ra xe cảnh sát. Người đàn bà chạy theo anh ta, tay giữ dây xích sắt quấn quanh cổ sinh linh này.
Tiếng kêu như tiếng chuột nhắt mỗi lúc càng to thêm. Đứa bé bị lóa mắt trước ánh sáng ban ngày, hoảng sợ như con thú sa bẫy, nó nhắm nghiền hai mắt trước ánh sáng mặt trời không quen và tiếng kêu biến thành tiếng rên não nùng. Những người láng giềng đứng chung quanh sầm xì bàn tán, các bà các chị làm dấu thánh. Bà chủ mặt đanh lại, đứng bất động như trời trồng trước chuồng ngựa, vẫn nguyên vị trí mà họ đã nhìn thấy. Chồng bà ta đúng bên cạnh, giữ chặt tay vợ. Cái nhìn thù địch của họ xoáy vào những người láng giềng đã lùi lại phía sau, những người khi nhìn thấy chiếc xe chuyển bánh, họ đã từ từ, lặng lẽ ra về.
- Đó là một đứa trẻ, một đứa trẻ thực, còn sống. Có lẽ nó chừng sáu tuổi – Ewa xúc động nói, khi họ đang trên thuyền buồm, đã cách xa ngôi làng này, người họ vẫn ướt do tắm hồ, hình như họ muốn rửa sạch trong nước hồ này những gì họ còn nhớ trong đầu về sự việc vừa rồi.
- Một đứa trẻ tật nguyền – Adam công nhận.
- Tại sao..? – lúc đó Ewa hỏi nhưng Adam không trả lời. Anh không biết trả lời. Mãi tận bây giờ, sau mấy năm câu trả lời mới đến với Adam.
Hình ảnh kỳ nghỉ hè lại hiện lên trong đầu, mỗi lần Adam có chuyện lo buồn trong cuộc sống của mình. Nó xô đẩy anh. Sinh linh mà anh vừa đi lướt qua ngoài tiền sảnh đang sống trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi cơ mà. Còn cái trại mà anh định đưa nó vào thuộc loại trại kiểu mẫu. Anh đã đến kiểm tra rồi.
Bước ra khỏi nhà, trượt ngã vì chân vướng cỏ, những cây cỏ đã phải chống chọi với đá lát lối vào nhà và rốt cuộc chúng đã thắng. Adam ngẩng đầu, ngước nhìn mặt tiền ngôi nhà. Anh thầm nghĩ, nhẽ ra ngôi nhà này phải như thế nào và bây giờ nó đang như thế nào. Đúng, việc Myszka ra đời đã tước đi vẻ đẹp của ngôi nhà này. Bây giờ sự rối loạn đang nhai ngấu nghiến ngôi nhà này. Trong khoảnh khắc Adam cảm thấy anh giống người đàn bà có gương mặt đanh như đá nọ, người đàn bà đưng bất động bên chuồng ngựa. Rồi anh thở sâu, vứt khỏi đầu mình hình ảnh kia và cả những cảm xúc kia. Vứt khỏi đầu mình tất cả mọi cảm xúc.
Chân bước, Adam đưa mắt nhìn vạt cỏ không được chăm sóc.
“Đến cỏ ở đây cũng mọc nhanh hơn chỗ khác” – Adma nghĩ. Đúng là, cỏ cao hơn, rậm rạp hơn qua một đêm.
Anh thoáng nghĩ, tại sao đúng ngày hôm nay anh lại nhớ đến sự kiện năm xưa.
“Tại sao lại hôm nay?...” Adam nghĩ lại một lần nữa, khi anh đã có mặt tại công ty.
Suốt cả ngày một cảm xúc cứ hành hạ anh, rằng anh đã lãng quên một chuyện. Mấy lần anh kiểm tra lịch ghi các công việc và các cuộc hẹn gặp trong ngày hôm nay. Ba lần anh hỏi cô thư ký của mình, khiến cô ta thấy lạ, có chắc chắn là cô ta không có gì để báo cáo với anh hay không. Khi nỗi lo tăng lên, và bắt đầu thít chặt anh, sao lại có thể xem thường nó như vậy, anh ngồi trước bàn làm việc, đặt lên bàn tất cả các loại lịch, lịch sổ, máy tính cầm tay, máy tính xách tay, thậm chí anh còn xem sổ ghi chép trong máy vi tính cũ (trong laptop chỉ ghi chép những công việc của công ty, thế nhưng trong máy vi tính cũ đôi khi anh cho phép mình ghi chép những việc cá nhân). Và chính ở đó anh đã tìm được thông tin bị lãng quên.
Đúng tám năm về trước Myszka đã chào đời. Khi anh ghi ngày này vào máy vi tính, anh đã đặt rất nhiều dấu chấm than, tràn đầy phấn khởi và hy vọng. Từ chương trình đồ hoạ anh lôi ra những hình trái tim nhỏ màu đỏ, và anh bao quanh từ “con gái” một vòng tròn kết hoa. Anh viết từ này khi đã nhìn tận mắt, đứa con vốn sinh ra không phải là con trai mà là con gái. Dẫu vậy nỗi mừng vẫn không hề vợi giảm. Anh không thuộc những người cha đỉên hình, những người chỉ có con trai, người kế vị, người làm họ vui mừng. Anh sẵng lòng, vì biết rằng, con gái cũng sẽ làm thoả mãn tham vọng của anh.
..bất kỳ một đứa con gái nào, miễn là không phải đứa con gái này. Bà chủ nhà ở làng ven hồ Mazury lại hiện lên trước mắt anh. Anh không hiểu cái bà ta đã làm. Nhưng anh hiểu nỗi lòng của bà ta. Anh nhớ lại gương mặt của những người hàng xóm đứng sau hàng rào. Chắc họ vui mừng, thậm chí rất vui mừng, nếu đứa bé kia được ở trong nhà, chứ không phải trong chuồng ngựa. Nếu như hàng ngày những người kia được nhìn thấy, được gặp đứa bé. Và nếu như họ bảo rằng đó chẳng qua là “sự trừng phạt của Chúa”.
“là chuyện khác khi người ta chỉ biết, và hoàn toàn là chuyện khác khi người ta còn nhìn thấy tận mắt nữa. Nhìn Myszka…không, một việc chẳng hay ho và đẹp đẽ gì…”
Theo phản xạ Adam xem sổ ghi chép trong máy tính, anh tìm kiếm trong đó vết tích những tình cảm riêng của mình cách đây tám năm. Nhưng anh chẳng kiêm được gì cả. Giống như anh tự giam mình trong bốn bức tường văn phòng đối với Ewa và con gái, lúc đó anh cũng tự khép kín trước chính mình và không một dòng nào trong file máy tính tiết lộ cái anh cảm nhận hồi đó. Thay vào đó anh nhớ tất cả.
Anh nhớ cảm giác thất vọng ê chề khi bác sĩ giải thích cho anh thế nào là bệnh Down. Nỗi sợ đầu tiên theo bản năng là nỗi sợ phản ứng của những người thân quen và bạn bè. “Họ sẽ thương hại mình…Mình chẳng thích họ thương hại…Mình ghét sự thương hại…” Nhưng Adam đã biết rằng, trong giới của anh thì anh chỉ nhận được lòng thương cảm mà thôi. Anh sợ lắm lòng thương.
Anh nhớ lời của bác sĩ nhi khoa ở bệnh viện “Đứa trẻ này sẽ đòi hỏi anh chị phải không ngừng chăm sóc và trông nom. Anh chị phải dành cho nó thời gian của mình và tất cả bản thân của mình”. Lúc đó Adam đã biết rằng, anh không làm nổi điều đó. Anh muốn cống hiến cho con tất cả nhưng phải là đứa trẻ có thân hình lành lặn, khoẻ mạnh và trí tuệ bình thường.
“Không, không phải vậy” anh nhớ lại. Mình đã tin là nó sẽ có trí tuệ phi thường, chứ không phải chỉ bình htg bởi nó là con của mình cơ mà..Nó phải là một đứa trẻ hoàn hảo.
Anh nhớ lại lời của chuyên gia khuyết tật (ở bệnh viện này người ta gọi bác sĩ phụ trách những khuyết tật bẩm sinh của trẻ em như vậy)
- Nếu anh không đủ khả năng trao cho đứa trẻ này tình yêu, thì hay hơn cả là anh để cháu ở lại đây. Đứa trẻ như thế này đòi hỏi sự hy sinh.
Adam không làm nổi việc hy sinh. Anh ký giấy và thuyết phục Ewa làm theo quyết định của mình. Và “Cả hai đã có quyết định này!” bây giờ anh nghĩ, bực mình.
Rồi bỗng nhiên sau đó, thậm chí không thèm giải thích tại sao, Ewa xé toạc tờ giấy và tuyên bố, sẽ về nhà cùng Myszka.
Mà không, không phải với Myszka, lúc đó họ vẫn còn chưa biết, đứa con tật nguyền sẽ nhận tên gì và liệu họ có nên đặt tên cho nó không. Nhẽ ra nó đã vô danh ở bệnh viện này. Không tên. Không là con ai cả.
Mãi mấy ngày sau, khi đã vê `nhà rồi, không hỏi ý kiến chồng (,mà anh ta cũng không muốn vậy), Ewa đặt tên cho con gái cái tên Marysia. Adam chẳng biết vợ mình moi đâu ra cái tên Myszka bé bỏng lạ lùng này. Anh cũng chẳng biết vì sao Ewa lại đổi ý, quyết định mang con về nhà. Anh ngờ rằng chính Ewa cũng chẳng biết tại sao mình lại làm như vậy.
“Vậy là đã tám năm rồi” Adam nghĩ. Tám năm vỡ tan tình vợ chồng mà không thể giải quyết. Đàn ông bỏ vợ cùng đứa con tật nguyền sẽ bị thiên hạ chê cười, Adam không được làm mất uy tín của mình trong dư luận, nếu anh muốn gìn giữ danh tiếng của mình trong giới doanh nhân.
Sinh nhật Myszka …Đã là lần thứ tám, thế nhưng lần đầu tiên anh nhớ tới ngày này. Tại sao vậy? tại sao chính ngày hôm nay, ngày sinh con gái, thì hình ảnh làng ven hồ Mazury thanh bình lại đến với anh?
Adam ấn chuông trên bàn và cô thư ký của anh bước vào phòng.
- Cô có thể mua gì để làm quà cho bé gái tám tuổi? – anh hỏi.
Cô thư ký chẳng cần đắn đo lâu. Cô nhìn Adam với sự đồng cảm và lòng kính trọng (mọi người ai cũng biết Adam có đứa con tật nguyền, cho dù chưa một ai nhìn thấy nó tận mắt và cũng chẳng biết mức độ tật nguyền của đứa bé, họ chỉ biết rằng anh sống thuận hoà cùng vợ và con).
- Riêng em, em thích mua cho bé một con búp bê Barbie. Em chưa thấy một bé gái nào lại không yêu con búp bê này. Nó rất tuyệt vời – cô thư ký trả lời, miệng nở nụ cười dễ mến.
- Vậy cô hãy đi mau một con búp bê Barbie đẹp nhất và đắt nhất mà cô có thể tìm được – Adam yêu cầu.
- Em có thể mua cả Ken nữa – cô thư ký gợi ý, Adam cũng gật đầu. Anh chẳng biết Ken là ai, thế nhưng cái đó không thành vấn đề.
Con búp bê Barbie tuyệt đẹp có mái tóc dài màu vàng và gương mặt tuyệt vời có vẻ đỏng đảnh, đôi môi mọng đỏ, gợi cảm, đang nhoẻn cười. Búp bê mặc bộ áo váy lễ hội bằng lụa óng ánh. Ken vận một bộ đuôi tôm sa tanh, gương mặt quyến rũ, tóc chải mượt. Adam nhìn cặp nam nữ thanh nhã, nghĩ mỉa mai trong đầu anh rằng anh và Ewa hồi trước đã từng giống cặp trai thanh gái lịch này (Ewa từng là cô gái có mái tóc vàng và Adam có mái tóc mượt như Ken). Thình lình anh nhớ tới buổi vũ hội từ thiện trước ngày sinh mùi mà hai vợ chồng đã tham dự. Và mỉa mai thay, đó là vũ hội ủng hộ trẻ em khuyết tật. Ewa mặc bộ váy cùng màu với bộ váy của Barbie, còn Adam cũng mặc bộ đuôi tôm. Đó là bộ đuôi tôm đầu tiên trong đời anh. Anh vô cùng hãnh diện, còn hãnh diện hơn ba bộ đuôi tôm chính hiệu và hai bộ smoking anh đang treo trong tủ.
“Con búp bê đẹp” anh nghĩ, nhìn búp bê Barbie một lần nữa. “Chẳng có gì là lạ khi người ta đã nghĩ ra một anh chồng cho Barbie. Đây không phải là một con búp bê mà là một người đàn bà bé bỏng…”.
Anh chở hộp búp bê về nhà. Buổi tối, Barbie cùng Ken được đặt ở tiền sảnh, trong góc, nơi Myszka thường haychơi đùa. Và cả hai nằm đó, hình như hai anh chị đang đợi để được mời đi vũ hội.
Theo phản xạ, Adam nghe ngóng tiếng chân con gái. Anh đợi khá lâu. Rốt cuộc Myszka xuất hiện.
Mặc dù cửa phòng làm việc bịt kín, Adam vẫn phân biệt rõ tiếng chân bước nhẹ nhàng của Ewa và tiếng thở phì phò nặng nhọc của Myszka. Bé gái còn phát ra những âm thanh không bình thường làm Adam bực bội. Tiếng bé càu nhàu dị thường và đơn điệu. Bé nói khàn khàn và lúng búng, điều làm khổ đôi tai nhạy cảm âm thanh của Adam. Adam vốn yêu âm nhạc. Anh có thể ngâm nga chính xác giai điệu của những tác phẩm anh mến mộ. Thế nhưng khi anh nghe những giai điệu đó, thì con gái đang làu bàu bên ngoài cánh cửa là một sự bất hoà âm thanh vô cùng khó chịu.
- Kooo.ppp… - anh nghe thấy giọng nói gây khó chịu này khi mở hé cánh cửa để kiểm tra xem, con gái đã nhìn thấy búp bê mới mua hay chưa. Đa phần những âm thanh do sinh linh này phát ra Adam đều giải mã được, thế nhưng lần này anh không đoán được đó là âm tiết đầu tiên của từ “Kopciuszko”. Anh đâu có biết suốt nhiều năm ròng Ewa đã đọc truyện cổ tích này cho con gái nghe. Anh không hiểu ra, khi nhìn hai con búp bê này, ngay lập tức Myszka cho rằng bé đang nhìn thấy Kopciuszko cùng hoàng tử đi dự vũ hội. Kopciuszko sau khi thầy phù thủy hoá phép ấy mà.
anh nhìn qua khe cửa hở. Con gái của anh đang đứng bên mấy con búp bê nằm dưới nền nhà được đóng gói lịch sự, bọc giấy bóng kính. Chăm chú nhìn của lạ này, đôi lông mày dày của Myszka nheo lại và hai hàng mi bên trên mắt càng thêm dị dạng. Sau chót bé ngồi xổm rồi thận trọng đụng tay vào gói quà được bọc giấy bóng kính. Khi Myszka cầm chiếc hộp lên tay thì Adam đóng cửa lại. Tặng phẩm đã nhằm trúng tay người được tặng.
Adam xúc động trong chốc lát vì cử chỉ của mình.
Myszka xé lớp giấy bóng kính và lôi hai con búp bê từ chiếc hộp màu ra. Giật, lôi kéo, xé thành từng mảnh, đó là những động tác bé rất thích làm. Khi búp bê đã nằm trong tay bé, nhờ sức mạnh của ý muốn, bé tự buộc mình không xé rách ngay lập tức áo quần của chúng (“trẻ em bị Down có phản xạ phá phách tự nhiên”). Thoạt tiên bé muốn ngắm nghía búp bê. Bé xem chăm chú, cầm từng con búp bê lên tay rồi nâng cao gần tầm mắt cận thị của mình (“trẻ em bị Down thường bị khiếm thị - cận thị, loạn thị, viễn thị, mắt chúng thường có màng, vẩy cá”).
Việc quan sát gần búp bê Barbie đã làm tiêu tan niềm tin của Myszka là Kopcisuzko tí hon đã đáp xuống tiền sảnh nhà mình nhờ phép màu. Kopciuszko không thể có gương mặt như thế này. Gương mặt này Myszka không thích, mặc dù có vẻ hơi giống gương mặt mẹ. Thế nhưng mẹ mạnh bạo, mẹ khóc, mẹ nhăn mặt, còn búp bê có gương mặt bất động tuyệt hảo, xinh xắn song xa lạ. Bây giờ Myszka ngắm nghía Ken. Ken rất hợp với con búp bê này.
“Mẹ và bố chăng?” Myszka nghĩ. Mà không “Ông và bà trên tivi” bé chữa lại ngay.
Bé quyết định việc kiểm tra bên trong chúng có gì thì để khi khác. Búp bê không bỏ chạy đâu. Chúng ở lại đây. Cả hai. Còn tạm thời hai con búp bê hãy nằm đó. Phòng áp mái đang đợi bé. Myszka cố làm mọi cách để cho mình không quên phòng áp mái hoặc nhờ mẹ nhớ giùm.
Mẹ đã nhớ giùm Myszka rất nhiều việc. Thế là tốt. Nhưng riêng phòng áp mái thì bản thân bé không thể quên được nữa.
“Phòng áp mái” trở thành từ - chìa khoá trong các cuộc trò chuyện của Ewa với Myszka. Để đổi lấy lời hứa của mẹ cho lên “Phòng áp mái”, Myszka sẵn sàng làm nhiều việc mà trước đó mẹ không ép buộc nổi. Thậm chí bé đồng ý đi học phát âm, việc bé rất ghét, theo yêu càu của cô giáo, một việc mà theo Ewa chẳng giúp được gì mấy. Myszka chỉ nói được những từ có một, cùng lắm là hai âm tiết mà nghĩa của chúng đôi khi Ewa phải đoán, tuy vậy vẫn còn là quá ít để có thể đưa bé đến trường. Cho dù là trường đặc biệt.
Ewa cũng như Adam, cho dù vì những lý do khác nhau, rất ghét cụm từ “trường đặc biệt”. Adam xấu hổ khi nghĩ con của mình mà lại phải đi học ở trường này, còn Ewa thì xót con. Theo phản xạ, Adam nghĩ tới phản ứng của những người thân quen, còn Ewa đinh ninh trong bụng, bên trong con gái mình đang ẩn náu một cái gì đó mà trường lớp sẽ huỷ diệt. Chẳng thể khác được nữa rồi. Cho nên Ewa cố không nghĩ về tương lai, khi tương lai làm chị sợ. Adam nghĩ và thấy duy nhất một khả năng dành cho con gái: đưa con vào trại chăm sóc những người thiểu năng trí tuệ. Chỗ chung thân cho những người như Myszka.
Một buổi sáng nọ, Adam và Ewa chạm trán nhau trong nhà bếp. Chị dậy sớm hơn thường lệ, pha ca cao cho Myszka. Anh ngủ quên và dậy muộn. Myszka chạy loanh quanh giữa bố và mẹ, cố tìm cách nhường đường cho bố. Con gái cảm thấy nó cản trở bố và rằng bfa không thích khoảng cách giữa hai bố con xích lại gần, bố tránh không để cho con gái đụng vào người mình. Và rằng mẹ thay đổi khi ở bên bố.
- Em còn định bám chặt lấy nó bao lâu nữa nào? – Thình lình bé nghe thấy giọng bố nói.
Mẹ không đáp lại. Myszka hoảng hồn khi nghĩ, mẹ im lặng thì biết đâu câu hỏi sẽ được chĩa vào bé, mà bé thì không hiểu nghĩa của câu hỏi, và có lẽ không trả lời nổi. May thay bố nói tiếp, không đợi câu trả lời của bất kỳ một ai.
- Đến hết đời chăng?
Lần này mẹ gật đầu.
- Đến hết đời em, rồi cái gì sau đó? – Adam hỏi thẳng thừng, tàn nhẫn.
Ewa vẫn im lặng, quấy ca cao. (Myszka nhận thấy ca cao đã quấy xongfr lâu và chắc bây giờ quấy lại một lần nữa, bé tò mò, liệu bột dính và xốp có trào lên trên và nhảy từ ly sang thìa). Adam nói tiếp, cười nhếch mép, một nụ cười khiến Ewa tức lộn ruột, cho dù chị nhìn thấy lần đầu:
- Cái gi sau đó nào? Em sẽ mang nó theo mình lên thiên đường hay sao?
Myszka không biết “nó”đây là ai, nó mà bố vừa nói tới. Nhưng bé lại nhìn thấy nét mặt của mẹ. Mẹ vẫn tiếp tục im lặng, nhưng sợ sệt. Mẹ không để lộ ra điều này thế nhưng Myszka cảm nhận như vậy. Mẹ đang hoảng sợ, toả hơi ấm ít hơn, lạnh như tiền và không cho cảm giác an toàn.
Ewa không muốn nghĩ cái gì “sau đó”. Thậm chí còn không muốn biết, cái gì đang có bây giờ. Và chị không biết. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm trôi qua, và Ewa đã quen với ý nghĩ, lúc nào rồi cũng sẽ như vậy mà thôi. Ewa và Myszka, hai mẹ con tự giam mình trong bốn bức tường thành của ngôi nhà. Ewa và Myszka, hai mẹ con tự cách ly với thế giới bên ngoài. Ewa và Myszka, hai mẹ con tự thoả mãn với chính mình. Chị không hề nghĩ cái gì sau đó…Và “sau đó” là cái gì? Chị không muốn biết. Như thế là hay hơn cả. Trong khi đó Adam ném ra câu hỏi nhẫn tâm này rồi biến luôn. Anh ta gieo một hạt đắng nhỏ cỏn con và như thường lệ, bỏ chạy, không thèm đợi hạt nảy mầm.
Suốt cuộc trò chuyện ngắn ngủi này Adam cố tránh không nhìn vào con gái. Như thế là hay hơn cả. Thế nhưng Ewa ở lại không chỉ với Myszka mà cả với cái “sau đó” không xác định. Chỉ thừa hiểu, người mẹ nào mà chả lo cho tương lai của con cái, lắm khi trăn trở, chuyện gì sẽ đến với con mình khi chúng không có mẹ. Đó là mỗi người mẹ có con bình thường. Thế còn chị, người mẹ có một đứa con như Myszka, thì phải nghĩ gì đây?
Trong một trong số rất nhiều quyển cẩm nang dành cho phụ huynh các trẻ em khuyết tật, Ewa đã đọc được câu chuyện hai chị em ruột, trong đó cô chị hoàn toàn khoẻ mạnh, còn cậu em bị bệnh Down. Bình thường ra người ta nghĩ rằng, sau khi bố mẹ qua đời, cô chị, đã lớn, là một người đàn bà, sẽ đảm đương việc chăm sóc em trai. Thê nhưng người chị đã không làm vậy.
“Alik phải hiểu rằng tôi có quyền có cuộc sống riêng – người chị thổ lộ với nữ phóng viên – Và nó hiểu điều này. Tôi có chồng, có con, tôi làm việc, trong công việc tôi thực hiện các tham vọng của mình và thực khó để tôi chăm sóc đứa em trai tật nguyền cho đến hết đời. Có thể tôi làm khổ tôi và khổ cả em tôi. Cho nên sau khi bố mẹ chết, chúng tôi đã đưa em trai vào trại. Mỗi tháng chúng tôi đến thăm nó một lần và nó biết đành phải như vậy thôi”.
- Chị nghĩ rằng em chị ở đó là tốt hơn hay sao? – phóng viên hỏi.
- Chẳng lẽ Alik phải là bản án chung thân của tôi về những tội trạng nào đó hay sao? – người đàn bà đáp lại câu hỏi.
Alik trong ảnh, đã ngoài bốn mươi, nhìn Ewa. Mắt xếch, người to bự (“trẻ em bị Down ăn rất nhiều và ăn ngấu nghiến, cứ như ăn như thế là để chúng bù đắp các bệnh tật của mình”). Trên ảnh Alik đang nở nụ cười tự tin, ngây thơ, dẫu đáng sợ, trên bộ mặt tròn xoe điển hình (gương mặt này sẽ không bao giờ trở thành gương mặt của người chín chắn được), và cho cảm giác là một người không cảm thấy có đất dưới chân mình. Alik đã bị lún chìm. Ewa thấy được điều này. Có điều, ngược lại với Myszka, Alik nói được và nói trọn câu.
“Alik đang làm gì vậy? – phóng viên của một tờ báo tạp chí hỏi, còn Alik trên ảnh nheo đôi mắt lồi, ti hí, những nếp nhăn trên gương mặt trẻ con của Alik gây cảm giác dị thường.
- Bây giờ em làm nến, nhưng rất khó, phải có người trông nom em. Trước kia em dán phong bì.
- Cậu có thích công việc này không?
- Em phải làm. Ai trong nhà này cũng phải làm một cái gì đó.
- Alik, đây có phải là nhà của cậu không?
- Đây là nhà. Ngôi nhà.
- Cậu sẽ làm gì nếu cậu không phải làm việc?
- Em sẽ chạy trên bãi cỏ với chị em…
- Vì sao?
- Bởi chúng em đã chạy như thế khi em còn trẻ và mẹ còn sống…”
Ewa đặt cuốn cẩm nang xuống và mím chặt hai môi.
“Bãi cỏ cho cả đời. Với mẹ và với chị. Liệu trong vũ trụ này có bãi cỏ nào như vậy không? biết đâu có, ít ra là trên thiên đàng” Ewa nghĩ.
Ewa ctm như chị đang sa bẫy, bằng mấy câu ngắn gọn Adam đã xua chị vào cái bẫy này. Những câu nói logic làm đau lòng, có điều logic thì liên quan gì đến bệnh Down? Logic liên quan gì tới tương lai của con gái chị nào?
Dù sao tạm thời vẫn đang là hiện tại. Và có những tiến bộ nhỏ nhoi trong sự phát triển của Myszka. Phòng áp mái với điều kiện là bé sẽ có thể lên đó, nếu bé chịu học, sẽ dẫn tới kết quả là con gái sẽ học được vài từ mới. Thường thì bé chỉ nói được từ có một âm tiết, thậm chí bé còn không phát âm được cz, sz – thế nhưng Ewa biết được điều này qua cô giáo. (“Chị đừng lo ngại, có một vài cái không bao giờ bé học được…”).
“Không bao giờ mùi gọi bằng lời cái mà bé cảm nhận thực sự. Phải chăng như vậy hay hơn? Phải chăng lúc đó bé cảm thấy ít hơn?” Ewa nghĩ.
Nhìn chung chị hiểu con. Tuy nhiên cũng có khi chị không đoán nổi nghĩa của âm tiết mà sau nó – với tiếng thở phì phò – phụ âm bị méo mó biến mất nhanh. Đồng thời Ewa cũng hiểu rằng trừ chị ra không ai hiểu nổi con gái. Vì vậy cho nên chị kiên nhẫn tập đi tập lại cho con, chị ý thức rằng, phải chuẩn bị cho Myszka đối mặt với cái “sau đó” kia và cho những giờ phút khi bé chỉ có một mình giữa đám đông xa lạ.
- Cooo aaa maaa – Myszka nói.
- Con muốn đi lên phòng áp mái – Ewa chữa lại, còn Myszka hiểu rằng phát âm sai là sẽ không được mẹ đồng ý, cho nên bé kiên nhẫn nhắc lại.
- Coo. Đi..leeee..aa..maa..
Để được lên phòng áp mái, Myszka thôi không ăn theo kiểu tâm thần, ăn cái bánh tiếp theo và không đặt thìa vào đĩa ra hiệu muốn ăn thêm một đĩa xúp. Ewa hiểu, tính phàm ăn của trẻ em bị Down nguy hiểm như thế nào. Ngày càng béo phì khiên cho việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến tim mạch và hệ hô hấp càng yếu. Hàng ngày Ewa phải đối chọi với tính phàm ăn của con gái, và phòng áp mái đã giúp chị làm việc này. Myszka cũng chịu khó học hơn trước nhiều, cho dù Adam có thể cười chế giễu khi đứa bé đã tám tuổi rồi mà còn ngồi xếp các thỏi ghép hình sao cho ba hoặc bốn thỏi chồng lên nhau theo chiều thẳng đứng, đi giầy vào và cởi giầy ra, mặc áo len chật vào và cởi áo len ra, cài khuy áo, cắt lát bánh mì – một việc vừa tỉ mẩn vừa nguy hiểm, tự vào giường. Thế mà từ khi có chuyện “phòng áp mái” nhiều khi bé làm được những việc như vậy đó.
Đúng, Myszka đã có thể đi học mẫu giáo được, thậm chí bé còn xâu được quai giày, nếu giày không có nhiều lỗ. Rất tiếc, bé đã tám tuổi và bé chỉ có thể theo học ở trường phổ thông mà thôi, trường mẫu giáo thì bé lớn quá. Không một trường mẫu giáo nào khả dĩ cả. Chẳng những các trường này họ không muốn nhận một đứa bé như vậy, mà ngay cả đứa trẻ này cũng không muốn học ở đó.
Ewa có cảm giác Myszka nhớ những đứa trẻ khác. Khi đi chơi bé cố chạy đến với các cô bé và cậu bé đang chơi, song nhìn chung chúng không thích cùng chơi với Myszka. Chúng sợ cô bé dị dạng, tại vì người ta thường hay dạy trẻ con, phải biết sợ trước mọi cái dị thường.
Đôi khi cũng có vài đứa trẻ muốn chơi với Myszka, thế nhưng hễ cảm thấy cô bé được các bạn cùng lứa tuổi chấp nhận là các bà mẹ lao tới can thiệp ngay. Một số bà chẳng nói chẳng rằng lại bế con mình lên tay, bỏ đi, một số bà khác, trước khi bước đi còn ném cái nhìn tức giận về phía Ewa, miệng nói “Cái nhà chị kia làm gì với con bé không bình thường này ở đây vậy?” Cũng có bà miệng quát to “Đây không phải là chỗ cho loại người như thế này!”. Ewa ngờ rằng họ đinh ninh trong bụng “Down là bệnh truyền nhiễm”.
Ewa cũng không chịu nổi lòng thương hại (những khi như vậy chị thiên về thông cảm với Adam và tha thứ cho anh về quyết định của anh).
- Mai kia đứa trẻ tật nguyền này sẽ lớn thành cái gì nhỉ? Đức Chúa Trời phái xuống trần gian cái của nợ này để làm gì vậy? – một bà mẹ động lòng thương xót hỏi.
- Thật là vô phúc… - một bà mẹ khác xót xa nói, mặc dù Myszka, Miệng cười tự tin và vui sướng, đang đòi theo các bạn nhỏ nô đùa. Hai từ “Vô phúc” làm biến mất ngay nụ cười trên gương mặt Ewa, nụ cười xuất hiện lại khi nhìn thấy con gái mình đang vui sướng.
Những lúc như vậy Ewa bế Myszka lên tay và đi tới chỗ không có người, nơi nỗi mừng của Myszka cũng là nỗi mừng của Ewa, nơi không có những đứa trẻ bình thường và những bà mẹ bình thường. Ewa đứng đó điên đầu, và mỗi thái độ của người khác đối với chị, chị đều coi là hung ác, kể cả khi đó là biểu hiện của sự thông cảm.
Ewa cảm thấy nhẹ nhõm khi trong đời Myszka xuất hiện phòng áp mái và khi con gái thôi không nhắc mẹ cho đi dạo chơi nữa. Phòng áp mái cho phép hai mẹ con được ở trong pháo đài mà ngôi nhà của họ đã biến thành.
- Phòng áp mái – Myszka nói cả trong ngày hôm nay khi hai mẹ con đã hoàn thành được các bài tập.
- Con ăn cơm trưa đi rồi mẹ cho con lên đó, mẹ hứa.
- Nho.o…o – Myszka nói
- Mẹ nhớ.
Myszka rất tò mò, lần này bé sẽ nhìn thấy gì sau khi các tấm màn được vén lên. Bé đã biết, Ngài sẽ cho bé thấy rằng Ngài đang tạo ra và tạo mới. Bé cảm thấy Ngài đang tạo dựng, bởi Ngài chỉ biết làm việc này, Ngài làm không ngưng nghỉ, cố tạo ra một cái gì đó, cái hoàn hảo. Tuy nhiên Ngài không mãn nguyện. Cỏ tím và cỏ đổ hoặc bông hoa to bằng cây cổ thụ là bằng chứng mách rằng, Ngài rất hay nhầm lẫn. Myszka không lấy làm ngạc nhiên khi ở đâu đó cách xa nơi này, một trái đất khác đang bay liệng trong lòng bầu trời, với cỏ đỏ và những bông hoa dị hình thân gỗ khổng lồ. Mà biết đâu còn có cái lạ kỳ hơn nữa chăng? Và phải chăng không chỉ có một trái đất mà những mấy trái đất? hàng loạt thế giới điên rồ chăng? Số lượng của chúng nhiều bằng số đầu ngón tay Myszka chăng? Có khi còn nhiều hơn thế. Những thế giới bằng khí hoặc bằng đá, hoặc bằng chất liệu còn cứng hơn đá. Những thế giới có sự sống và không sự sống. Những thế giới với chuyện sống cho cảm giác là giấc chiêm bao của một người điên, hoặc bình thường đến độ không chịu nổi. Những thế giới lướt nhanh trong khoảng không bao la của vũ trụ, tạo thành những đường xoắn ốc, hay những cấu trúc phi thường hoặc dị thường. Những thế giới trốn chạy vì sợ Ngài, không biết Ngài sẽ còn làm gì với chúng trong quá trình sáng tạo chưa kết thúc này, hoặc ngược lại, những thế giới bao quanh Ngài tụ thành những thiên hà dày đặc. Những thế giới luôn luôn kiếm tìm Ngài – và không bao giờ chúng biết tìm. Hoặc chúng tìm được Ngài – nhưng không ở nơi Ngài hiện diện.
Những tấm màn tối được vén lên như cũ làm Myszka thích thú. Các gam màu đen gây sửng sốt và khi tấm màn cuối cùng xuất hiện, trong màu muội than mềm mại và sâu thẳm, cô bé đã biết màu sắc sẽ đột nhiên thayđổi và bây giờ cô bé mới nhìn thấy khoảng không đích thực. Việc đợi chờ cái sẽ xuất hiện thật là hồi hộp, do vậy sự bất ngờ lại càng lớn hơn.
Lân này chung quanh Myszka chỗ nào cũng là bầu trời. Đó là bầu trời mà trước đó đã kéo xuống từ đâu đó trên cao, còn nước dạt sang bên, dành chỗ cho bầu trời. Rồi sau đó nước dọn chỗ cho đất. Đất cho cỏ. Cỏ cho những bông hoa to bằng cây cổ thụ.
Ngài đã sửa lại những bông hoa to bằng cây cổ thụ. Sau đó bất chấp điều thoạt tiên Myszka nghĩ, Ngài nghe tiếng bé. Ngài nghe những lời nói của bé, thậm chí cả ý nghĩ của bé. Bé tin điều này như đinh đóng cột. Dẫu rằng chắc chắn không phải lúc nào Ngài cũng nghe. Ngài chỉ nghe khi nào Ngài muốn. Hoặc khi Ngài không bận những việc khác quan trọng hơn.
“Sao lại nhường chỗ cho bầu trời?” bé lo ngại suy nghĩ. Bé cố đoán, nhưng không đoán nổi. Ngài không dự tính trước.
“Chỉ xin đừng lấy đi bầu trời!” bé thét lên trong ý nghĩ, có điều Ngài không nghe thấy, thình lình từ một phía của khoảng không bao la xanh biếc xuất hiện bóng tối và bóng tối này bắt đầu chậm rãi phủ lên khoảng không xanh biếc này. Giống như Myszka đang mặc chiếc áo len vậy. Rất lâu và không phải không có khó khăn. Bóng tối giằng co với bầu trời như Myszka giằng co với cánh tay áo. Bóng tối từ từ, với nhịp độ không đều, lấn át bầu trời, khi thì che khuất một phần màu thiên thanh, khi thì lùi lại để rồi ngay sau đó quay trở lại. Thế nhưng bóng tối ngày càng đậm đặc hơn. Myszka sợ bóng tối sẽ choán hết bầu trời.
“Ngài lại nhầm lẫn mất rồi” bé nghĩ và sợ.
Thế nhưng bóng tối dừng lại, như cảm nhận được nỗi sợ của bé. Bây giờ một nửa bầu trời chìm trong màu thiên thanh còn nửa kia trong bóng tối. Myszka nhớ ra cái gì đó, nhưng không biết đó là cái gì. Màu thiên thanh càng đậm đặc hơn, khuếch tán thành nhiều màu, từ màu xanh nhạt đến màu lam sẫm. Giống như những màn mạng nhện, bóng tối lần lượt làm lộ ra các gam màu đen.
Bỗng nhiên ở hai bên bầu trời xuất hiện hai hình thù quái đản. Tại nửa màu thanh thiên, xuất hiện chẳng hiểu từ đâu, một hình vuông vàng óng. Một hình tam giác lao vào khoảng tối, giống màu xanh sẫm. Hình vuông vàng óng lấp lánh đến nỗi Myszka nheo mắt, khó khăn lắm mới quan sát được. Tam giác có màu lạnh của bạc.
- CÁI NÀY TỐT? – giọng nói có phần phân vân vang lên.
Myszka không biết trả lời. Chẳng biết đó là cái gì. Bỗng nhiên những hình thù kia biến dạng. Hình vuông bắt đầu nổi sóng, run rẩy, mất dần các góc cạnh và chậm rãi, chậm rãi biến thành hình tròn. Khi hình tròn đã tròn xoe thì ánh sáng rất mạnh, đến độ Myszka phải quay mặt sang chỗ khác. Cùng lúc đó bé hiểu ra:
- Mặt trời! – bé thét lên sung sướng.
Bé đã biết rằng Người lại thử nghiệm bằng phương pháp thích hợp với Người, phương pháp thể nghiệm và bé tin chắc rằng, Người sắp nghĩ ra một cái gì đó. Người đã biết, hình tròn cũng là dáng tuyệt hảo đối với hình tròn bạc. Hoặc hình lưỡi liềm. Hoặc hình bánh sừng bò tròn xoe.
Myszka nhớ tới cuốn truyện cổ tích. Mặt trăng trong tranh truyện cổ tích có hình lưỡi liềm, đôi khi lưỡi liềm này có cái mũi dài và miệng cong. Mặt trăng trong truyện không phải lúc nào cũng tốt bụng, khi thì tiếp tay cho tà ma, lúc thì hỗ trợ phù thuỷ, thế nhưng Myszka vẫn thích mặt trăng. Ngược lại với mặt trăng, mặt trời trong những bức tranh vẽ nguệch ngoạc đó có hình tròn, môi xinh, bạo dạn với Myszka, phóng những tia nắng dài và phẳng phiu tới bé.
Rõ ràng Ngài thở dài khi Myszka cảm nhận trên mặt mình có gió thổi và bé dám chắc rằng chắc lại biết bé đang nghĩ gì trong đầu, bây giờ mặt trăng có hình lưỡi liềm với cái mũi lồ lộ, còn mặt trời đã nhận được một đôi môi đang cười.
- CÁI NÀY TỐT, - Ngài hỏi, giọng âm vang và Myszka lắc đầu theo phản xạ. Cái này tốt trong các truyện cổ tích chứ không phải ở chỗ này. Người nói gì vậy!
Ngài biết rồi. Mặt trăng đã mất mũi và hoá thành một lưỡi liềm bé tí xíu, thế nhưng liền sau đó bắt đầu phình ra và trở thành một cái bánh sừng bò, sau đó thành hình trăng khuyết và sau chót trăng tròn.
“Ngài thích trò chơi này” Myszka nghĩ, mặt trăng vẫn còn mấy lần chuyển từ tròn sang khuyết và ngược lại. “Con cũng thích”, bé nói và yên tâm chờ cho đến khi Ngài lấy đi nụ cười không chân tình của mặt trời. Bé tin rằng Ngài biết.
Ngài biết và Ngài tiếp tục sáng tạo. Bé không còn lấy làm lạ khi những ngôi sao chẳng biết từ đâu nhảy ra bầu trời xanh sẫm, thoạt tiên dè dặt, cân xứng, như những bức tranh trong sách, nhưng liền sau đó bắt đầu thay đổi hình thù, độ lớn và độ sáng, một số ngôi sao lấp lánh, một số khác tạo thành những chòm sao, còn hình vẽ của chúng trên bầu trời đêm tạo thành Đại Hùng Tinh, Xạ Thủ, Thiên Lang, Sao Bắc Cực.
Bỗng nhiên sao bắt đầu rơi từ bầu trời xanh thẫm. Ngôi sao thứ nhất…thứ hai..thứ hai mươi…Mưa sao. Sao cho cảm giác chúng đang bay tới chỗ bé, bây giờ bé mà ra đứng trước nhà, thì có thể hứng đầy một vốc sao.
“Chưa bao giờ sao lại rơi nhiều như thế”, Myszka ngạc nhiên. “Mình phải nghĩ ra một điều ước nào đó, và rồi điều ước này nhất định sẽ thành sự thật. Khi đó người ta bảo điềm lành đã thành sự thật”.
Tuy nhiên bé không nghĩ được gì cả. Bé biết cái bé đang mơ ước sẽ không bao giờ thành sự thật, còn những ước mơ khác thì bé không có.
Và buổi tối đã tới, ngày thứ tư.